Chưa hết giờ cầu kinh buổi tối, nhưng sư bà đã dừng tay gõ mõ. Sư bà bảo, nên đóng cổng sớm thôi, vì hôm nay mưa quá. Em vừa đi, vừa phải nâng hai vạt áo lên cho đỡ bị vẩy ướt. Đến gần mái tam quan, em hơi giật mình. Trước mắt em đang có một người đứng tựa cửa. Hình như là đàn ông, hai tay ôm một túi to trước bụng. “A Di Đà Phật”. Ai vậy nhỉ? Em nghe một giọng trầm đáp lại: “A Di Đà Phật. Xin nhà chùa cho trú nhờ một chút. Mưa to quá. Mà tôi lại bị lỡ độ đường”. Em hơi bối rối, nhưng kiểu suy tư riêng của nhà Phật đã tạo cho em cách tự trấn an mình. Ta sống thiện tâm, sẽ chẳng kẻ nào nỡ hại đến ta. Hơn nữa, nghe cách anh ta nói, tỏ ra là con người tử tế. “A Di Đà Phật. Phận tiểu tôi chẳng dám chối từ người gặp nạn, nhưng chắc... tôi phải vào thỉnh ý sư cụ cùng sư bà”. Em nhẹ nhàng quay gót. Chỉ vài phút sau, sư bà đã cùng em đứng dưới cổng tam quan. Được sư trụ trì bản chùa đồng ý, sư bà mời khách vào nghỉ tạm nhà ngang.
* * *
Từ khi có thể nhớ được mọi việc quanh mình, em chỉ thấy thường xuyên có mặt ở chùa là bốn người. Sư cụ, sư bà, em và một bà vãi. Không gian thanh tịnh nơi cửa phật đêm nay có thêm một người khách. Khách lại là đàn ông. Còn trẻ. Xin được ngủ qua đêm. Đó thực sự là điều lạ với em. Nhưng kinh nhà phật đã dạy, thấy người gặp nạn không được phép ngoảnh mặt quay lưng. Vì vậy, em không dám hỏi han gì thêm sư bà. Chỉ lẳng lặng vừa dọn dẹp, vừa nghe câu chuyện giữa sư bà và vị khách lạ. "Người ta" ở một làng nào đó, cái tên em chưa nghe rõ. Chỉ biết nơi ấy làm rất nhiều đồ gốm sứ. Những thứ ấy, trong chùa cũng có nhiều lắm, là bát hương, cốc chén, đĩa đựng đồ thờ cúng... Nhưng em không hiểu sao, khi nghe đến tên làng ấy, trên mặt sư bà thoáng gợn nét buồn. Rất nhanh thôi. Nhưng em vẫn nhận ra. Vì khuôn mặt sư bà, em quen lắm từ thuở bé tí tẹo teo. Nên chỉ một chút đổi thay là em nhận ra ngay. Trong tâm, em coi sư bà không chỉ là thày, mà còn là mẹ. Khi còn được ẵm ngửa trong vòng tay ấm áp của sư bà, em ngủ ngon lành, thanh thản trong tiếng ru à ơi buồn buồn, nhè nhẹ. Mỗi cử chỉ chăm sóc, từng ánh mắt hiền dõi theo em của sư bà là cả bầu trời bình an lúc em chạy lon ton. Lớn hơn chút nữa, em được sư bà bảo ban về đạo làm người, về nghĩa nhân sinh... Cho nên, phát hiện nét buồn buồn trên khuôn mặt sư bà, em chợt thấy lo lo...
Hôm nay, "Người ta" đi chào thử một lô hàng sứ mới, toàn là những sản phẩm làm ra lần đầu. Đi chào hàng một công ty xuất khẩu nào đó. Họ có vẻ ưng lô hàng của "Người ta" lắm. Và, đặt làm thử thêm mấy mẫu mới. Trong câu chuyện, em nhận ra rằng, sư bà rất hiểu biết về đồ gốm sứ.
Lúc về giường, em thấy sư bà trằn trọc. Thỉnh thoảng còn nghe tiếng thở dài rất nhẹ. Em nằm bên không dám cựa mình nhiều. Nhìn xoáy vào khoảng không tối nhờ nhờ trước mắt, tự tìm lời giải đáp cho những thắc mắc của mình. Có phải hôm nay vì nhường giường cho khách, nên nằm chung cùng em mà sư bà khó ngủ? Hay là vì một nguyên nhân nào khác đã làm xuất hiện nét buồn lúc chuyện trò cùng người khách kia? Phải chăng, có một quá khứ đang lay động tâm thức, làm sư bà day dứt không yên? Em chìm vào giấc ngủ đem theo những băn khoăn về mẹ của mình.
Con có biết không - em nghe tiếng mẹ thủ thỉ bên tai, nơi ấy ngày xưa mẹ từng ngỡ đó là chốn mẹ sẽ nương thân gửi phận trọn đời. Mẹ với một người có cả quãng dài tuổi thơ gắn bó. Gia đình người ấy nhận mẹ về nuôi từ thuở tóc bím hai bên. Còn người ấy là con trai của họ, có một mái tóc như trái đào để chỏm. Gia đình họ mấy đời làm nghề gốm sứ. Bên đống đất sét chất đầy ngoài ngõ, hai đứa trẻ ngồi nhào nặn nào bò, nào lợn, nào chim, nào cá... Lúc vui đùa, còn lấy đất sét ấn cả vào má nhau. Rồi cười như nắc nẻ. Lớn hơn chút nữa, mẹ chăm chỉ nắm than đốt lò, người ấy thì miệt mài tạo hình sản phẩm. Những ngọn lửa hồng được đốt lên rừng rực từ than mẹ nắm. Sản phẩm được phủ lớp men, nung qua ngọn lửa hồng, trở nên đẹp đẽ lạ kỳ. Khi sản phẩm ra lò, mẹ và người ấy nâng niu những đồ gốm sứ trên tay, ngắm không chán mắt. Bên ngọn lửa hồng, tình yêu của mẹ và người ấy cũng rực lên từ lúc nào chẳng biết. Với mẹ, người ấy là loại "nguyên liệu" hàng đầu, được tạo hoá ban cho hình thể với những đường nét hài hoà, cao to mà cân đối. Ngập tràn trong lớp men tình yêu của mẹ, người ấy càng say sưa tìm học kỹ thuật gốm sứ mấy đời của cha ông. Sản phẩm làm ra thấm đẫm men tình say đắm của đôi trai gái mới lớn nên ngày càng đẹp, vì thế bán được nhiều lắm.
Trời ơi! Mẹ đã có một tình yêu tuyệt vời. Vậy mà sao mẹ lại xuống tóc đi tu, tìm đến cửa Phật để nương phận thế này. Em bật lên câu hỏi giữa đêm khuya. Lại hỏi chính mình. Lại chẳng có ai cho mình một lời giải đáp. Nhìn sang bên, mẹ đang ngủ. Bóng đêm nhờ nhờ không làm chìm đi nét mặt nhẹ nhàng thanh tú của mẹ.
* * *
Trong chùa xuất hiện những đồ gốm sứ mới. Người khách lạ đêm nào đem đến tạ ơn nhà chùa. "Người ta" bảo, đấy là sản phẩm do chính tay làm ra. Tự tay tạo dáng, tự tay pha chế men tráng và theo dõi quá trình nung cho đến khi sản phẩm ra lò. Sư bà bảo em, đưa đồ lễ tạ vào gian thờ chính. Em bắt gặp, trong khi sửa sang lại ban thờ để thắp hương, nét mặt sư bà lại tần ngần. Ánh mắt có lúc nhìn đi đâu đó. Nhưng vẫn chỉ là trong một thoáng chút thôi.
Hôm nay em biết, người ấy tên Chính. Đã học xong Đại học Mỹ thuật công nghiệp gần hai năm nay. Anh tốt nghiệp hạng ưu. Có một công ty sản xuất, xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ nhận anh vào làm ngay sau khi ra trường. Nhưng anh đã quyết định về quê lập nghiệp. Nơi ấy - chính là Bát Tràng, mới là đất cho anh “dụng võ”. Sẵn bí truyền của cha ông, lại được đào tạo cơ bản kiến thức hiện đại, nhất định anh sẽ tạo ra được những sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ diệu kỳ. Em ngồi nghe "Người ấy" nói chuyện với sư bà. Tay xoay xoay ngắm cái bát hương có lớp men giả cổ óng ả. Thầm ước, có một lần được đến quê anh. Được ngắm nhìn ngọn lửa rực cháy trong lò nung. Và, những đồ gốm sứ đang trải qua thử lửa để khi ra lò, sẽ là sản vật trả công xứng đáng người làm ra nó bằng những đồng tiền vàng. Sư bà cũng đưa mắt ngắm đường nét hoa văn trên bát hương trong tay em. Nhưng ánh mắt không dừng ở đó, mà như bị hút về một nơi xa xăm lắm.
Dần dần em bắt đầu quen với sự có mặt của "Người ấy" ở chùa. Mỗi khi anh tới, em thấy mình đứng ngồi không yên. Làm gì cũng cứ lúng túng, ngượng ngập, vụng về. Những lúc anh đi, em thắc thỏm như sắp bị tuột khỏi tay một cái gì đó thật quý giá; lo lắng rằng, liệu anh có còn quay trở lại? Không khí tĩnh lặng nơi cửa chùa thì vẫn vậy nhưng trong em, sự thanh thản, yên bình đã không còn. Lâu lâu, không thấy anh đến, em lại bồn chồn, nhơ nhớ. Em nhớ cái ánh mắt nhanh nhẹn và thông minh; nhớ cả nụ cười rạng rỡ của anh mỗi khi đem đến biếu chùa một sản phẩm gốm sứ thử nghiệm thành công. Còn giọng nói trầm ấm, truyền cảm khi anh cất lên nghe mới rạo rực làm sao. Thực ra, giọng nói ấy đã để lại ấn tượng tin cậy trong em ngay từ lần gặp đầu tiên, chỗ mái tam quan ấy, dễ gì em quên được. Anh hình như cũng có cảm tình với em. Linh cảm tự nhiên của con tim người khác giới mách em là vậy. Nhưng em thật bối rối, không biết những tình cảm đó có phải là tội lỗi hay không. Vì, kinh nhà Phật răn rằng, hãy tránh xa mọi đam mê trần tục và những cám dỗ tội lỗi. Đừng để những dục vọng tầm thường ám ảm nghĩ suy kẻo mà bất hạnh. Hãy tĩnh tâm sống trong sạch nơi cửa Phật từ bi, để khi chết được lên cõi niết bàn rộng lớn, hưởng sung sướng và hạnh phúc vĩnh hằng ở miền cực lạc bao la. Giờ ngẫm kỹ thì em thấy lạ. Em băn khoăn với những răn dạy của Đức Phật từ bi. Sao lại là tội lỗi được nhỉ, khi gần anh, em chỉ thấy một niềm vui vô tận? Nhớ đến anh, nghĩ về anh là những ám ảnh tầm thường thì thật lạ! Cõi niết bàn mà không tĩnh tâm được vì thiếu anh, liệu em có còn sung sướng? Sung sướng nơi cõi cực lạc bao la có hơn chăng niềm hạnh phúc được gần anh, nghe anh kể về một miền quê lam lũ với nghề gốm sứ đầy quyến rũ và đam mê?
Mồng một, ngày rằm mỗi tháng, thiện nam tín nữ kéo đến chật chùa. Họ từng đôi sóng bước đến trước ban thờ Phật thắp hương, cầu mong điều tốt lành cho cuộc sống lứa đôi. Ngắm họ tràn ngập trong hạnh phúc như vậy mà lại bảo, họ đang sống cùng tội lỗi có đúng không nhỉ? Trên khuôn mặt đầy thành kính và trong sáng của họ, đâu là đam mê xấu xa, đâu là cám dỗ tầm thường? Liệu họ có cầu mong được sống hạnh phúc ở cõi niết bàn hư vô nào đó? Và, có bao giờ họ trăn trở sẽ tìm sung sướng ở một miền cực lạc hư huyền, chứ không phải ngay tại chính thế gian này!?
Cho đến khi đã quá quen với sự có mặt của anh, em vẫn không giải đáp nổi câu chuyện nghe thấy trong đêm đầu tiên anh xuất hiện ở chùa. Mê hay thực? Thực hay mê? Chính em không biết nữa! Mà, cũng không dám hỏi lại sư bà. Em chỉ lẳng lặng quan sát nét ưu tư trên khuôn mặt phúc hậu thân thiết của mẹ, mỗi khi anh xuất hiện.
Mẹ hỏi em, có vẻ lâu nay con mất ngủ. Em cúi đầu không nói. Mẹ thở dài im lặng. Mẹ ơi, con biết mẹ cũng mất ngủ như con. Con còn cảm nhận nỗi day dứt trong đôi mắt của mẹ mỗi khi nhìn con và anh trò chuyện. Sao thế hả mẹ? Phải chăng, người tu hành như con, trò chuyện cởi mở với người khác giới, cũng là điều cấm kỵ. Đem lại niềm vui cho người khác, vui để mà ham sống hơn, sống phải tốt hơn, cũng là điều thiện chứ mẹ? Bởi kinh nhà Phật dạy rằng, hãy làm nhiều điều thiện. Hãy đem đến cho chúng sinh tình yêu thuần khiết, trong sạch. Không toan tính. Không vụ lợi. Con nghiệm ra rằng, ngay cả sản phẩm anh đem đến tặng chùa, dường như cái sau bao giờ cũng đẹp hơn cái trước. Vậy điều đó có phải do tình yêu (con cứ tạm gọi là vậy) mà có. Đó có phải là điều thiện mà tình yêu làm được!?
Con có biết không, bên ngọn lửa rực hồng của lò nung gốm sứ, mẹ cùng người ấy ngây ngất sống trong ngọn lửa tình yêu đôi lứa. Cả hai đều không hay có một tai hoạ sắp giáng xuống đầu. Cha mẹ người ấy không thể chấp nhận một đứa cháu đích tôn ra đời từ một nàng dâu không rõ tổ tông, dòng giống. Cho dù họ nuôi mẹ từ tấm bé. Cho dù tình thương với mẹ không phải là không có. Nhưng làm con nuôi thì được, chứ làm dâu, dứt khoát không! Làm con nuôi, rồi đến lúc họ sẽ gả chồng. Tục lệ ở nông thôn, con gái đi lấy chồng là con người ta. Gả chồng là xong mọi nhẽ. Họ sẽ ít vướng bận hơn về chuyện nối dõi. Còn khi là con dâu, mọi chuyện sẽ phức tạp hơn nhiều. Nhất là, gia tộc họ rất tăm tiếng, giàu có nhất nhì trong vùng. Mặc cho mẹ khóc hết nước mắt. Mặc cho người ấy van lạy đến chảy máu đầu. Nhưng ý họ đã quyết. Tục lệ ở nông thôn là vậy. Phép vua còn thua lệ làng. Mẹ hiểu, vậy là cùng đường rồi. Một đêm tháng chạp, sau khi cả nhà đã yên giấc, còn người ấy đang ở ngoài lò gốm, mẹ lẻn ra dòng sông rìa làng. Ngoái đầu nhìn lại ngọn lửa lò nung đang rực sáng, nước mắt mẹ đầm đìa. Trong tích tắc, nước mắt và nước sông đã hoà với nhau lạnh ngắt. Xung quanh mẹ, chỉ toàn nước cùng một màu tối thẫm.
Em giật bắn người, ngồi bật dậy. Mồ hôi vã ra đầm đìa. Xung quanh, cũng một màu tối thẫm. Mò tìm đôi dép, em dò dẫm sang gian nhà bên. Nhìn vào giường sư bà, vẫn yên ắng. Vẫn có tiếng thở đều đều, nhè nhẹ. Mẹ đang ngủ.
Sao vậy nhỉ? Em mê hay tỉnh đây? Ai? Ai là người kể em nghe câu chuyện khủng khiếp vừa rồi?
Em quay về giường mình trong tâm trạng hoang mang. Sáng hôm sau, nét bình thản hiện rõ trên khuôn mặt sư bà. Em càng bối rối.
* * *
Em không biết tình cảm của em với anh lúc này gọi là gì. Nhưng, từ khi gặp anh, được nghe anh kể nhiều về làng nghề gốm sứ - một làng nghề quanh năm tất bật. Những con đường gạch quanh co nối liền hàng trăm lò nung đỏ lửa tối ngày. Ô tô từng đoàn kìn kìn nối nhau, chở đi khỏi làng những kiện hàng chất ngất. Có cả khách từ bên kia châu lục, tìm đến tận lò nung gốm sứ để tìm hiểu truyền thống một làng nghề. Nhiều người trầm trồ trước những sản phẩm men rạn, men chảy mới lạ. Lò nung nhà anh đang cho ra những sản phẩm mỹ nghệ dáng cổ, men ngọc, rất được khách Nhật Bản ưa chuộng. Anh kể, nghề gốm sứ khó lắm, không phải lần ra lò nào sản phẩm cũng đạt ý muốn. Như nước đi của trăm ván cờ vậy, chẳng có một lần nào giống nhau. Cùng loại nguyên liệu và một công thức pha chế, nhưng màu men sản phẩm ra lò vẫn khác nhau. Điều quan trọng là phải làm chủ được ngọn lửa mới có sản phẩm ưng ý. Sắp tới, có dự án cải tạo môi trường được đưa vào ứng dụng tại Bát Tràng. Sẽ dùng khí gas để nung sản phẩm. Khi đó, việc khống chế ngọn lửa có phần dễ dàng hơn. Ngọn lửa sẽ trải đều khắp cả lò nung. Sản phẩm sẽ đẹp hơn, ít hỏng hơn. Môi trường của Bát Tràng cũng sạch lên vì ít khói và bụi. Em tròn xoe đôi mắt ngồi nghe anh nói. Sao hấp dẫn thế không khí sôi động một làng nghề! Cuộc đời bên ngoài thật đẹp quá, đáng sống quá. Tại sao em cứ phải tù túng trong không gian cô tịch, u ẩn thế này. Dù rằng, nhàn nhã đấy, thanh tịnh đấy, cũng có phần an toàn đấy. Nhưng, cuộc sống như thế hỏi có ích cho ai. Và, có bao nhiêu người cần đến sự có mặt của em ở chùa này? Những bài cầu kinh niệm Phật của sư cụ, sư bà, của chính em, có giúp gì được cho chúng sinh đang vật lộn với cuộc sống lam lũ ngoài kia không? Cũng như, kinh nhà Phật bảo rằng, phải từ bi hỉ xả. Phải sống nhân từ, thiện tâm; phải biết tha thứ, khoan dung và độ lượng. Như vậy thì, tất cả những người gây tội ác đều sẽ được tha thứ hay sao? Hiện có bao nhiêu người vô tội vẫn đang bị chà đạp và hứng chịu bất công, liệu Đức Phật Tổ từ bi có thấu? Nếu em không may mắn được nương nhờ cửa Phật, thử hỏi bây giờ em đang trôi dạt nơi đâu. Hay đã bị bán cho một chủ chứa nào đó. Theo thuyết nhà Phật, người mà em gọi là cha mẹ mình ấy, vứt bỏ em khi còn đỏ hỏn, họ có tội hay không? Và, đó là tội ác thì họ có đáng được tha thứ để hưởng hạnh phúc trên cõi niết bàn bao la khi chết? Không biết, mẹ nghĩ thế nào về công và tội của những người đã cưu mang mình từ tấm bé. Mẹ đã tha thứ cho những người nuôi mình chưa, khi họ đã dồn Mẹ phải trẫm mình dưới làn nước lạnh giữa đêm đông giá rét (nếu như câu chuyện thực hư mà em nghe được đêm nọ là của mẹ).
Sư bà bảo, độ này con hốc hác quá. Em cúi đầu, vẫn im lặng trước mẹ. Mẹ ơi, liệu con có tội không nếu rời xa nơi này? Rời xa mẹ? Mẹ đã cho con cuộc sống. Nhưng nếu tiếp tục sống như thế này, thử hỏi con sống để làm gì? Giá mà, bên con vẫn có mẹ. Và, bên con có cả "Người ấy", thì cuộc sống tuyệt vời quá. Mẹ có biết, bao đêm nay con day dứt một điều, liệu mẹ có tha thứ, nếu con rời xa mẹ, rời xa mái ấm của con tự thuở ấu thơ. Trong vòng tay ấm áp của mẹ, cùng tấm lòng từ bi của Đức Phật Tổ Như Lai, con đã bình an đến tận lúc này. Nhưng thử hỏi con sẽ bình an được bao lâu nữa, khi chính lòng con đang "nổi loạn"!?
Anh đến. Có một chiếc đĩa giả cổ mang theo. Đĩa tráng men ngọc thời Lý. Màu men sáng bóng. Mắt anh cũng rạng ngời hạnh phúc. Anh đến tặng nhà chùa sản phẩm thử nghiệm thành công của mình. Lần này anh còn muốn biết rõ ý em thế nào. Đã nhiều lần, anh muốn em xin mẹ hoàn tục. “Đi theo anh, về với anh đi. Hai chúng mình sẽ sống một cuộc đời lao động bình thường, có thể rất vất vả nhọc nhằn, nhưng chắc rằng với em, sẽ đầy sức cuốn hút của một làng nghề truyền thống đang trỗi dậy. Gặp em rồi. Nghe em nhận xét về sản phẩm của mình, anh đã phát hiện ở em, tiềm ẩn một năng khiếu bẩm sinh khi cảm nhận về màu men sản phẩm gốm sứ”. “Em cũng vậy anh ơi. Chỉ đến lúc này, khi biết anh rồi, em mới nhận ra cuộc sống nơi cửa Phật thật buồn tẻ. Với em giờ đây, nơi nào có anh, nơi đó là niết bàn rộng lớn, là cõi cực lạc bao la... Nhưng anh ơi, lấn bấn trong em, là tình yêu với anh và nghĩa dưỡng dục của mẹ. Liệu đi theo anh, em có trở thành là kẻ bất nghĩa với mẹ. Linh cảm trong em, mẹ chính là người của Bát Tràng quê anh đó”.
"Con ơi. Cái đêm định mệnh ấy, mẹ đã không chết. Dòng nước lạnh cuốn mẹ đi. Nhưng chính dòng nước ấy cũng nhân từ đưa mẹ dạt vào một bến đò ngang. Tảng sáng, mẹ mở mắt. Ngồi bên mẹ là một nhà sư. Đó chính là sư cụ chùa này. Lúc đi qua bến đò, thấy nhiều người xôn xao xúm quanh một cái xác - là mẹ. Sư cụ nắm lấy tay mẹ, thấy mạch còn thoi thóp, sư cụ đưa mẹ về chùa cứu chữa. Tỉnh lại, mẹ kể rõ chuyện mình. Sư cụ thương tình, giữ lại chùa từ đó. Sư cụ chính là người đã cho mẹ cuộc sống mới - cuộc sống cõi tu hành". Em choàng mắt ngồi dậy, thấy mẹ đang ngồi cạnh giường rỉ rả. Lần này là thực. Không phải em mê. Mẹ nói vừa đủ nghe, giọng xa xăm lắm. Mẹ ơi, thế chưa từng một lần mẹ trở về nơi đó hay sao hả mẹ?”. “Lâu lắm rồi, mẹ có về. Nhưng chỉ đến đầu làng, đã nghe chuyện rằng, người ấy phẫn chí bỏ đi làm ăn nơi xa, sau khi mẹ trẫm mình. Bố mẹ nuôi cũng đã mất. Gia tộc họ xuống dốc từ đó. Mẹ quay đi ngay. Thề không bao giờ trở lại chốn thương đau ngày ấy. Nhưng chớ trêu thay, nay con...”. “Mẹ ơi, mẹ đã biết?”. “Con à, mẹ cũng từng có một thời con gái. Lòng vả đâu khác gì lòng sung! Mẹ biết, các con có tình cảm với nhau từ lâu lắm. Mỗi lần bắt gặp cảnh bịn rịn khi các con chia tay, lòng mẹ thắt lại. Mẹ đau vì nhiều lẽ. Liệu rồi đây mẹ có mất con”. “Sao Mẹ có thể mất con được?”. “Đấy là do lòng ích kỷ thường tình của con người mà mẹ nghĩ thế thôi”. “Không, Mẹ không ích kỷ, mẹ ơi”. “Nhưng rồi suy ngẫm lại. Thời con gái mẹ đã từng quằn quại vì yêu. Mẹ tưởng phát điên khi bị cha mẹ nuôi ngăn không cho gần gũi người ấy. Mẹ tìm cách quyên sinh để giải thoát nỗi đau trong con tim ứa máu. Giờ, sao mẹ lại nỡ...”. “Con hiểu mẹ. Con thương mẹ lắm, mẹ ơi”. “Các con thương nhau, âu cũng là lẽ tự nhiên của trời đất. Nhưng...”. “Sao hả mẹ?”. “Mẹ bế ẵm con từ tấm bé. Mẹ yêu con hơn cả máu thịt mình. Nay cho con theo "Người ấy", liệu hạnh phúc có đến với con. Đó là điều mẹ day dứt khôn cùng”. “Mẹ ơi, lòng mẹ thật bao la. Vậy mà, con chỉ lo mẹ không muốn cho con hoàn tục. Con còn lo, tình mẹ chưa trả được, mà đã đi tìm hạnh phúc cho riêng mình, thì mang tiếng là kẻ bất nghĩa, bất nhân”. “Đừng bao giờ lo thế. Mình mẹ chịu cuộc đời dang dở là đủ. Mẹ biết, có giữ được con ở lại, thì sự níu kéo của trần thế cũng không để cái tâm con yên. Mẹ sẽ xin sư cụ cho con hoàn tục. Mẹ cầu mong, con ra ngoài ấy, luôn giữ được mắt sáng tâm trong như Đức Phật Tổ Như Lai răn dạy. Đừng bao giờ sa bẫy những kẻ tà dâm vô đạo. Nếu hai con yêu nhau mà đến được cùng nhau, thì hạnh phúc nơi trần gian này chính là cõi niết bàn cực lạc!”.
Mẹ dứt lời, đôi mắt hiền của mẹ ngấn nước.
Trời đất, đến bao giờ con mới hiểu hết được lòng mẹ, mẹ ơi!? -/.