Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




QÚA KHỨ
DƯỚI LỚP TUYẾT MÙA GIÁNG SINH


      Nguyên tác tiếng Ý: Il passato sotto la neve              
                            Bản dịch của Trương Văn Dân

     B ước đi mà mắt tôi cứ liên tục nhìn những cửa hàng và khuôn mặt của những người gặp trên đường phố. Ánh đèn màu rực rỡ của mùa Giáng Sinh phản chiếu trên mặt đường nhựa và trên những vũng nước đọng lại sau cơn mưa. Tôi cô đơn, và trầm cảm. Nghĩ lại cuộc đời mình, tôi những muốn đánh đổi với cuộc đời của bất kỳ người nào mà tôi gặp: Dẫu đời họ có xảy ra bất cứ điều gì, tôi vẫn tin là họ vẫn hạnh phúc hơn những gì mà tôi đã và đang sống.

Sau 18 giờ bay tôi đã đến thành phố Milano vào sáng sớm, và trong suốt hành trình tôi đã không chợp mắt. Thông thường trong các chuyến bay xa tôi rất thích xem phim, bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp, rồi sau đó cố gắng ngủ vài tiếng đồng hồ. Thế nhưng lần này tôi chỉ ngồi yên, nhìn cái màn hình không bật, tối đen, và không muốn làm điều gì khác. Có quá nhiều ý nghĩ ập đến trong đầu tôi. Bao nhiêu kỷ niệm cũ xưa đang tràn đến, và trong trí nhớ còn nhiều thứ đang làm tôi buồn khổ đến bây giờ.

Lúc máy bay hạ cánh trời hãy còn tối lắm, ngoài trời chỉ có một chút ánh sáng lờ mờ và gần như chẳng có người nào ở sân bay. Tôi đến băng chuyền nhận hành lý và bước ra ngoài, đụng ngay với cái lạnh âm năm độ của mùa đông đang chờ ở ngoài trời. Hơi thở của tôi biến thành hơi nước và làm mờ mắt kính lúc tôi nhìn quanh quất để tìm một chiếc taxi đưa tôi về thành phố. Với những ngón tay lạnh giá tôi khó nhọc mới mở được cửa xe.

- Thưa ông về đâu ạ?

- Ông làm ơn chở tôi đến Hotel Michelangelo, gần nhà ga trung tâm.

Gã tài xế còn đang ngái ngủ nên chỉ lái xe mà chắng nói gì, và dường như tôi cũng thích thú về sự im lặng này trong khi chiếc xe bon bon tiến về thành phố. Đó là thành phố của tôi, nơi tôi từng sống và có một căn nhà. Tuy vậy tôi chẳng có ý định về nhà. Mười năm rồi, kể từ lúc tôi rời bỏ thành phố này, đáng lý phải nhớ lắm... nhưng tôi đã xóa bỏ nó... hay ít ra cũng cố quên là mình đã từng có một mái nhà.

Đến khách sạn, tôi chỉ muốn được tắm nước nóng và nghỉ ngơi. Uống một viên melatonine để ổn định đồng hồ sinh học, trên người vẫn còn mặc áo choàng tắm tôi buông mình xuống giường. Sau vài giờ đồng hồ thiếp ngủ trong không khí ấm áp của căn phòng khách sạn, tôi cảm thấy khoẻ hơn. Hơi đói bụng, tôi ra ngoài để tìm mua một mẩu bánh mì và một tách cà phê. Trên đường phố có nhiều quầy hàng, trên đó chưng bày đủ thứ bánh ngọt, thịt xúc xích, đồ chơi cho trẻ em và các vật liệu trang trí cho mùa Giáng Sinh.

Hai tay đút trong túi quần, tôi đi bộ ngoài đường và cảm thấy thích khi gió lành lạnh lướt nhẹ trên mặt, lòng vui vui nhìn những bông tuyết lác đác rơi từ bầu trời xám xịt trên cao. Tôi rất thích tuyết. Không gian im lặng và toàn một màu trắng phủ lên thành phố thường cho tôi một cảm giác tinh khôi. Không khí trong lành hơn và vạn vật như mang một hình thái khác, không dễ định hình. Tôi bỗng nhớ đến một mùa Giáng Sinh của nhiều năm trước, lúc đó tôi chỉ vừa ba, bốn tuổi. Tối đó ba tôi về nhà rất trễ, những bông tuyết bám đầy trên vai áo khoác của ông, nhưng trên tay ông có cầm một gói quà thật lớn.

Gần như không kịp cởi áo, ông bảo tôi và người anh trai lớn hơn vài tuổi cùng tháo lớp giấy bao quanh rồi mở chiếc hộp có đựng món quà không mong đợi. Đó là một chiếc xe lửa chạy bằng pile và ngay lập tức chúng tôi ráp nối các đường ray, bỏ pile cho xe lửa vận hành... Lúc đó mẹ tôi không chia sẻ ý tưởng này, ngược lại... bao lần rồi cả nhà đợi ba về để ăn tối, bao nhiêu lần chờ đợi trong vô vọng. Rồi lúc ông về chẳng ai chịu ngồi vào bàn ăn. Ba tôi luôn về trễ, tôi không biết vì lý do công việc hay vì chuyện gì khác, nhưng cũng có thể là ông muốn thế... Ông không bao giờ quan tâm đến gia đình... thế nhưng mùa Giáng Sinh năm ấy ông lại trở về nhà với món quà mà không ai dám mơ. Và như nhiều lần trước, bỗng dưng, tôi như nghe lại tiếng ba mẹ cãi vã, tiếng hét và tiếng điã chén va xuống đất, chìm lấp trong những tiếng chửi thề và cánh cửa bị dập mạnh. Sau đó là sự yên lặng, nặng nề, chỉ bị ngắt quãng bởi tiếng khóc của mẹ và tiếng nức nở của tôi trong lúc anh tôi đang cố ráp những mảnh tàu móp méo từ cơn giận của ba.

Tôi quệt bàn tay giá lạnh lên mắt tựa như để xoá bỏ hình ảnh xa xưa đó. Tôi cần phải gọi điện, báo cho anh tôi biết là tôi đã đến nhưng hình như trời hãy còn quá sớm. Tôi muốn có một ít thời gian để biết mình đang ở đâu và cần phải làm gì. Mười năm trước tôi đã ra đi sau cái chết của mẹ, một cuộc đời đau khổ rồi ra đi trong ít phút. Có lẽ do chìm trong ưu tư nên khi băng qua đường mẹ không nhận biết là có một chiếc xe camion đang chạy qua. Nhưng biết đâu đó cũng chính là toan tính của mẹ từ nhiều năm trước... Tuy nhiên đó cũng là một điều tốt cho bà vì khỏi phải thấy những gì ba tôi đã làm về sau: Một người đàn bà khác trong căn nhà cũ, những kỷ niệm của mẹ bị vứt đi, và tất cả số tiền tiết kiệm và dành dụm của bà bị mất trọn trong những cuộc đỏ đen hay nộp cho những người đàn bà trắc nết. Tôi còn nhớ mình và anh trai bị đuổi ra khỏi nhà, vì bị xem là một thứ của nợ: Tôi được một bà dì ở Roma nhận về nuôi còn anh trai thì về nhà một ông bác ở tận thành phố Como... Chúng tôi lớn lên như thế, luôn biết vâng lời và đôi mắt u buồn; còn ba tôi, một gã thiếu-niên mãi-mãi-chẳng-trưởng-thành, mang trong tim sự tàn ác và bản năng của loài ác thú, chúng tôi chẳng biết tin gì.

Lớn lên, chúng tôi có những cuộc đời khác nhau. Anh trai tôi tình nguyện tham gia vào một tổ chức nhân đạo ở Phi Châu còn tôi thì tìm được việc làm như một kỹ sư dầu khí, làm việc trên giàn khoan dầu hỏa ở vùng Đông Nam Á. Chúng tôi đã không liên lạc với nhau trong một khoảng thời gian khá lâu: Có thể rất khó giải thích mà chỉ với ý nghĩ nói chuyện với anh thường làm lòng tôi quặn thắt... Rồi vài ngày trước, anh chủ động gọi tôi qua điện thoại di động, sau vài lời thăm hỏi đại loại “Em khoẻ không?” mặc dù thừa biết là tôi cũng đau đớn như anh. Anh báo cho tôi hay là ba chúng tôi đã không còn nữa, bệnh ung thư đã cướp mất ông. Cả đời ông chưa bao giờ chấp nhận làm một người bình thường, thế mà ông đã chết vất vưởng ngoài đường phố, trong sự lạnh nhạt, dưới cái nhìn vô cảm của khách bộ hành. Ngay cả mụ đàn bà trắc nết vừa quen, cũng đã thừa cơ lấy sạch số tiền trong bóp của ông trong khi ông đang giãy chết. Sau đó bà mới báo tin cho anh tôi và anh ấy liền gọi điện cho tôi. Đây chính là lý do mà tôi trở lại thành phố này, dù lúc đầu tôi hoàn toàn không muốn.Vô ích, tất cả đều vô ích. Về làm gì để dự đám tang của một người mà chỉ thỉnh thoảng mới nhớ mình là một người cha?

Nhưng sau đó thì tôi đổi ý.Tôi lấy chuyến bay đầu tiên có thể và về đây, dù chưa chắc lắm về điều mình đang làm. Trời lạnh quá! Thỉnh thoảng tôi rùng mình vì rét nhưng cuối cùng cũng tìm thấy quán cà phê nên vội vã bước vào. Không khí bên trong thật ấm cúng và có nhiều trang trí về Giáng Sinh toàn màu đỏ và màu vàng. Không gian còn có tiếng nhạc nhẹ và tiếng chuông nhà thờ càng làm cho không khí thêm vui và thư giãn. Tôi còn ngửi thấy mùi nhựa của những cành thông treo trên tường, viền quanh bức tường hình cánh cung trên trần nhà và ở một góc phòng còn phát ra tiếng tí tách của củi đang cháy trong lò sưởi. Tôi gọi một tách cà phê với một bánh sandwich và trong lúc chờ đợi, tiến đến gần lò sưởi để hơ nóng hai bàn tay. Lát sau tôi đút tay vào túi quần và cầm lấy chiếc điện thoại đang nằm trong túi. Giờ này chắc anh tôi cũng đã đến rồi. Tôi bấm số và chờ nghe tiếng chuông từ phía bên kia.

- Chào, em đã đến rồi chứ? Em khoẻ không?

- Dạ đến rồi! Em đang ở khách sạn Michelangelo. Còn anh, khoẻ chứ?

Giọng tôi run run và sau đó chỉ mơ hồ nghe giọng anh nói với tôi:

- Chờ anh ở khách sạn. Anh cũng ở gần đó. Mình gặp nhau sau chừng mười phút nhé!

Tôi cảm thấy như mình vừa biến thành một đứa bé, khi có anh bên cạnh để che chở, nhớ những lúc anh xen vào giữa để bảo vệ tôi từ những cú quật của ba. Có lẽ lúc này tôi bắt đầu hiểu tại sao mình muốn trở về, để tìm lại một lần nữa chút tình cảm thuở lớn lên trong một gia đình hoàn toàn không giống với những gia đình khác. Tôi uống một ngụm cà phê và không thể nào ăn hết chiếc bánh sandwich rồi vội vã tính tiền, rảo bước về hướng khách sạn. Tuyết vẫn còn rơi và tất cả những âm thanh xô bồ như bị dập tắt và nhấn chìm trong màn trời trắng xoá.Tôi đi như chạy về khách sạn và cuối cùng nhìn thấy anh tôi cũng đang từ xa đi lại. Chúng tôi ôm nhau... không nói lời nào mà mắt cả hai đều đầy nước mắt, giờ này thì chúng tôi đã là hai gã đàn ông, tóc ít nhiều đã bạc theo năm tháng cùng với niềm đau. Cả hai cùng bước vào sảnh của khách sạn và tìm một chỗ ngồi ở quầy bar.

- Tóc anh bạc nhiều mà em vẫn nhận ra ngay.

- Còn em cũng đâu còn là một chàng trai nhỏ bé nữa. Anh nói. “ Vào mùa Giáng Sinh mà màu da của chúng mình ướm nắng thế này, chắc sẽ làm bao người ganh tị.”

Tôi bật cười, nghĩ đến những ngày cô đơn của mình trên giàn khoan, dưới ánh nắng gay gắt giữa đại dương. Tính tôi không thích những chỗ đông người và có lẽ đó là lý do mà tôi thích sống ở đó, suốt ngày có thể tự do nhìn ngắm đường chân trời và nhìn những đàn chim biển bay lượn trên cao.

- Đáng lý anh đã phải gọi em sớm hơn nhưng anh không làm được! Giờ thì anh nhận ra là anh thấy thiếu em. Có lẽ anh chỉ sống ở Phi Châu vài tháng nữa rồi sau đó sẽ quay về Ý. Còn em thì sao?

- Em cũng vậy. Nhiều lúc em cũng rất nhớ anh! Bây giờ thì công việc và mọi thứ đều ổn. Có lẽ em phải về làm việc chừng sáu, bảy tháng nữa rồi cũng sẽ dời về Brasile trong một dự án khai thác mới. Còn đám tang? Ngày mai phải không anh?

- Đúng, 9 giờ sáng mai! Tất cả mọi thứ đều đã chuẩn bị xong. Em đừng bận tâm. Và vừa nói anh vừa siết chặt tay tôi, rồi sau một lúc ngập ngừng, anh nói thêm: “ Em có muốn về nhà... để nhìn thấy ba không?”

Tôi lắc đầu. Không, tôi không thể. “ Em van anh, đừng yêu cầu em chuyện này”. Tôi nhìn thấy hình ảnh một người đàn ông giận dữ đang lao vào phòng mình và chẳng cần một lý do nào, ông la hét, rồi túm áo tôi kéo ra khỏi giường trong lúc tôi đang ngái ngủ, rồi bắt đầu mắng chửi, đánh đập, trong khi tôi nhận nhiều cú đấm mà chẳng hiểu vì sao. Bỗng dưng tôi thấy mình nghẹt thở như thuở ấy, trong lúc hỗn loạn đang tìm cách trốn thoát khỏi bốn bức tường giam hãm, dường như chỉ xây lên để nhốt tôi và ông ta. Tôi tiếp tục không trả lời anh. Không! Tôi không thể!

- Giờ thì dù sao ổng cũng mất rồi. Anh tôi nói tiếp. Anh biết, đây không phải là một điều dễ dàng, nhưng dù sao chúng mình cũng đã làm lại được cuộc đời. Còn ba, ổng chỉ có thể mỗi ngày mỗi huỷ hoại đời mình.

Cuối cùng tôi đồng ý, nhưng tâm thần tôi vẫn còn bấn loạn và mệt mỏi.

- Thôi được! Mình đi ngay đi! Rồi lát nữa quay lại khách sạn để ăn một chút gì.

Anh nắm cánh tay tôi và cả hai cùng bước ra ngoài.

- Kìa, taxi đây rồi!

Mặc dù đèn đường chiếu sáng lờ mờ nhưng gã tài xế cũng nhìn thấy chúng tôi và chạy đến. Chúng tôi bước vào trong xe ấm áp, ngồi cạnh nhau ở băng sau. Chỉ sau vài phút chúng tôi đã đến trước chiếc cổng nặng nề mà trước đây là căn nhà của chúng tôi. Anh tôi trả tiền cuốc xe rồi chúng tôi bước xuống. Anh lục trong túi tìm chìa khoá để mở cổng. Chúng tôi bước vào sảnh và tiến đến chiếc thang máy, tôi cúi đầu theo anh, như thể mắt không thể rời khỏi sàn nhà. Tầng ba. Chúng tôi bước ra và trong khi anh tôi mở ổ khoá để vào căn hộ, trong đầu tôi nảy lên ý muốn trốn chạy khỏi nơi này. Tôi hít một hơi dài và cố gắng tự trấn tĩnh. Cửa đã mở và anh đang nhìn tôi. Chúng tôi cùng yên lặng vào nhà.

Tất cả dường như đều đã ố vàng, cũ kỹ. Tôi nghe có mùi ẩm mốc, không khí tù túng như đã rất lâu các phòng ốc bị đóng kín không cho ánh sáng và không khí trong sạch tràn vào. Tất cả như bị bỏ hoang. Ở cuối lối vào, tôi nhìn thấy phòng khách và ở bên phải là phòng ngủ. Cửa khép hờ.

Bên cạnh giường ngủ người ta có đặt một chiếc quan tài trong đó có thể xác của ba tôi. Tôi khó nhọc tiến đến và nhìn thấy ông.

Sự can đảm như đột ngột tràn đến. Ai đây? Tôi như không hề biết người đàn ông này. Ông hoàn toàn không còn là những gì mà tôi đã từng nghĩ về ông. Ông nằm đó. Bất động. Chỉ còn da bọc xương, mí mắt sụp xuống, đóng lại hai hốc lõm xưa là đôi mắt và đôi môi tái nhợt hơi hé mở. Trên người ông có mặc một chiếc sơ mi có cổ áo rất rộng. Gần như đọc được ý nghĩ của tôi, anh tôi nói:

Anh vừa mua một chiếc sơ mi mới, anh còn nhớ số đo của ba nhưng bây giờ thì nó quá lớn với ông.

Tôi muốn có được một chút xót thương cho người đàn ông xa lạ này. Thế nhưng tôi chỉ cảm thấy xót thương chính mình, hằng đêm bị rượt đuổi bởi những bóng ma, tuy chỉ là kỷ niệm nhưng cũng đủ huỷ hoại cuộc đời tôi.

-Anh đừng bận tâm! Anh đã làm quá nhiều cho ba rồi!

Chúng tôi đi một vòng trong căn nhà trống hoắc, dường như không còn vật dụng hay bàn tủ gì như chúng tôi còn nhớ. Thế nhưng khi bước vào gian bếp, tôi như vừa thấy mẹ mình đang lấy ra một món ăn thơm phức từ hoả lò. Nhắm mắt, tôi như nghe mùi thơm đang lan toả khắp nhà, nhớ những lúc cả nhà quây quần ăn uống trong những ngày chủ nhật. Một thoáng thôi. Khi mở mắt tôi không nhìn thấy gì cả. Chỉ vài phút rồi chúng tôi đóng cửa và bước xuống đường. Bây giờ chúng tôi trao đổi với nhau, thoả thuận về các việc cần làm rồi cả hai, mệt đừ, ai về khách sạn của người ấy.

Chúng tôi ở bên nhau ba ngày, lúc đưa tang ba tôi chẳng có ai khác ngoài hai chúng tôi. Thê thảm như cuộc đời của ông ấy.

Thế rồi cũng đến lúc chia tay.

Anh trai tiễn tôi ra sân bay.Tôi làm thủ tục bay và chúng tôi cùng chờ khoảng mười lăm phút trước khi vào phòng đợi.

- Anh rất vui mừng được gặp lại em, anh nói, biết đâu một ngày nào đó anh cũng sẽ đến tìm em bên đó. Nhớ gọi điện cho anh khi em đến nơi. Và nhớ gọi chúc mùng Giáng Sinh nữa!

- Chắc chắn rồi! Em cũng rất vui được gặp lại anh! Chúng ta sẽ còn nhiều dịp gặp nhau nữa.

- Chúc em thượng lộ bình an. Cố gắng ngủ trên máy bay nhé. Tôi nhìn thấy anh lưỡng lự một lúc rồi rút từ trong túi áo khoác ra một vật gì. “Đây là món quà nhỏ cho em. Chúc Mừng Giáng Sinh!”

Tôi nhìn gói quà. Bỗng thấy mình đãng trí vì không mua chút quà để tặng lại anh. Tôi mở ra. Và giữa những dòng nước mắt, tôi nhìn thấy chiếc đầu máy xe lửa chạy bằng pile của những năm tháng cũ.

Sai Gon 11-2012



VVM.25.12.2024-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .