Tôi hậm hực đặt mạnh thau quần áo lên mặt cầu. Mấy mảnh gỗ cũ xì sắp rệu rã đến nơi như oằn xuống, rên lên cót két… Cái áo trên cùng văng ra. Bịch xà bông tuột theo, trút một bụm bột giặt xuống cầu, lọt qua khe hở, rắc lên mặt nước. Hoảng hồn, tôi chụp vội túi xà bông. May là kịp lúc. Không thì ngoại lại ca cẩm: “Con gái con đứa gì mà tệ còn hơn vợ thằng Đậu!” Có lần, tôi bạo gan hỏi bà:
- Vợ thằng Đậu là ai vậy ngọai?
Thật rủi! Gặp lúc ngoại đang bực mình, chẳng những không thèm cho tôi biết gốc tích người đàn bà ấy, bà còn gán ghép:
- Là mầy chớ ai!
Không nản, tôi hỏi ráng:
- Thằng Đậu là ai vậy ngoại?
- Hừ, nó là chồng mầy chứ ai.
Huề vốn! Thằng Đậu và vợ nó trở thành nỗi ấm ức trong lòng tôi suốt ngày hôm đó.
Tôi lấy từng cái áo, quần nhúng nước vò sơ sịa cho ra bớt chất bẩn rồi đặt lên mặt cầu. Dùng cái thau múc ít nước, trút mấy bụm xà bông vào, quậy đều. Màu nước đục ngầu chuyển sang nhờ nhờ đục. Nhận cái áo dài trắng vào đó, nó biến thành màu cháo lòng. Sốt ruột! Đồ giặt xong, cái áo tệ hơn hồi chưa giặt. Phải chi tôi nghe lời ngoại, gánh nước sông đổ vào lu, lóng phèn, cho cặn lắng xuống, nước trong veo hãy giặt thì hay biết mấy. Đằng này, tôi… làm biếng. Nhỏ Thủy bạn tôi thường cằn nhằn:
- Mầy làm ơn siêng siêng một chút cho tao nhờ coi! Cái áo vàng khè mà cũng dám mặc đi học.
Đứng giữa đám bạn học, bao giờ tôi cũng nổi bật nhờ… màu áo không trắng. Ngoài ra, mái tóc dài ngang lưng của các bạn tôi được bỏ xõa hoặc kẹp nơ rực rỡ. Còn tôi để cho đỡ vướng, tôi vấn tóc thành một củ hành to bằng nắm đấm, thả toòng teng sau ót. Khi thì tôi cuộn tóc thành hai cục to bằng củ tỏi thòng thòng xuống hai bên mang tai. Lũ bạn nhận xét, nếu tôi học kém thì chắc cô không tha cho cái moden quái đản ấy đâu. Cũng may, mỗi khi cô cho làm “toán chạy”, tôi luôn chạy lên trước tiên và bao giờ cũng được điểm cao. Tôi đ ược cô khen:
- Lục Bình khá lắm! Em vừa sáng dạ vừa lẹ làng. Đáng cho các bạn tuyên dương.
Một tràng pháo tay lẹt đẹt nổi lên. Vì có đứa dang hai tay mà vỗ nhẹ hều. Nhỏ Thủy còn cắc cớ vỗ bằng hai ngón tay trỏ. Nó nhe hàm răng trắng ởn ra cười:
- Lầm to rồi cô ơi, nó trôi lình bình thì có.
Nhỏ Kim Sa thúc cùi chỏ vào hông tôi, thầm thì:
- Mầy là đứa hai mặt. “Sáng” chuyện học, “tối” chuyện nhà!
Từ bàn trên, thằng Phong ngoái cổ xuống khen như ngạo:
- Ê Bình, nổi lều bều chứ bộ!
Nhỏ Thủy trợn mắt:
- Tụi mầy quên nó là Lục Bình hả? Hổng nổi sao được.
Vừa lúc đó, thầy Hiệu trưởng tới lớp gọi cô chủ nhiệm ra ngoài. Kim Sa liền rút chân trái đặt lên băng ghế, tựa cánh tay trái trên đầu gối, bàn tay xòe ra chống cằm:
- Nói gì thì nói chứ nó là kết quả của một mối tình… trên mặt nước chứ bộ!
Mặc tôi dứ dứ nắm đấm, Kim Sa vẫn bô bô:
- Hồi chiến tranh, ba nó là một anh nuôi. Ông có tài chế biến thức ăn không thua gì “Vua đầu bếp Hồng Kông”. Một lần, ông ấy bơi ra giữa dòng sông định kéo cụm lục bình vào bờ, ngắt hoa về xào với tép thì bắt gặp một nàng đẹp… cỡ tao.
Cả bọn phì cười. Thủy chơm chớp mắt hỏi:
- Rồi sao nữa?
- Chàng thét lên một tiếng… trời! Trống ngực đập thình thịch. May là nàng sáng dạ, lẹ làng bụm miệng chàng. Chứ không thì địch phát hiện, chĩa súng, bùm bùm mấy phát là không bao giờ có mặt nhỏ Lục Bình trên cõi đời nầy.
Tôi hậm hực:
- Mầy nói hết chưa con quỷ?
- Chưa!
Thủy đạp vào chân tôi:
- Cô trở vô kìa, hai bà.
Đúng lúc đó, tiếng chuông báo giờ ra chơi vang lên. Kim Sa bật cười:
- Số tao là số đỏ mà.
Lũ bạn cũng chưa chịu để tôi yên. Chúng vừa đứng dậy chào cô vừa quay mặt nhìn Kim Sa:
- Rồi sao nữa, Kim Sa?
- Tụi bây đãi tao một chầu đá me đi rồi tao kể tiếp cho nghe.
- Mầy bóc lột vừa phải thôi chứ!
- Tụi bây phải nhớ rằng khi mình chịu đầu tư thì phải có kết quả tốt chứ. Tao đã mất một cữ chè Huế, nhỏ Bình mới… xì ra nguồn cội chứ bộ.
Phong khoát tay:
- Thôi kệ, tui bao bà đó, kể tiếp đi!
Sa tủm tỉm, nó đảo mắt nhìn vòm trời trong veo ngoài khung cửa lớp.
- Tụi bây biết không? Nàng vốn là một cô văn công ca hay, múa dẻo. Định mệnh khiến xui nàng thương một người bạn giao liên bị ốm nên tình nguyện vượt sông, mang thư qua bên kia bờ, cũng chính lần đó, nàng gặp duyên kỳ ngộ. Để tránh những cặp mắt cú vọ của bọn địch từ cái “chuồng cu” gần đó, nàng dùng lục bình ngụy trang để bơi ngang sông. Ai dè, chàng thấy hoa trôi, muốn hái nên nhảy tòm xuống nước, bơi ra thì… Tao mệt quá, tụi bây mua nước cho tao uống đi rối tao kể tiếp.
Phong vênh mặt:
- Thôi, bà khỏi kể nữa, tui biết rồi.
- Sao, biết sao?
- Thì chàng và nàng cùng bơi vào bờ. Nàng tặng chàng cụm lục bình để chàng muốn xào nấu thì mặc nấu xào. Trước nghĩa cử cao đẹp của nàng, trái tim chàng anh nuôi lắc lư, lắc lư, khốn khó. Chàng liền ngắt một đóa lục bình cài lên tóc nàng rồi trịnh trọng tuyên bố: “I LOVE YOU!”.
Cả bọn cười bò. Tôi phục lăn tài bóc phét của mấy đứa bạn. Câu chuyện tình trong thời chiến tranh đầy gian nan, khốn khó vậy mà bọn nó tưởng tượng đẹp như tranh. Thật ra, ba mẹ tôi gặp nhau như thế, nhưng họ lặng lẽ nhìn nhau không nói. Sau đó, mạnh ai nấy lo làm tròn nhiệm vụ, chia tay nhau đến khi chiến tranh kết thúc. Ba mẹ tôi gặp lại cũng tình cờ… trong bệnh viện. Mẹ ốm, phải nằm viện. Ba đi thăm bạn mà đi lầm phòng, gặp mẹ. Hai người nhìn nhau ngỡ ngàng và… mừng quýnh. Tôi ra đời đất nước đã thanh bình. Những dòng sông êm đềm chảy qua làng mạc, không chút cạm bẫy. Không đạn bom chực phủ xuống đầu. Trước mắt tôi là những con đường thẳng tắp. Tôi chỉ việc tiến lên. Dù vậy, ngoại không sao hiểu được tranh đấu với bản thân cũng không dễ gì đâu. Nhất là tính lười biếng của tôi.
Giặt giũ xong, tôi chần chừ chưa muốn vào nhà. Tôi thích ngắm dòng sông lờ đờ chảy giữa đôi hàng dừa nghiêng ven bờ. Những cụm lục bình bất chợt bập bềnh phía xa. Màu tím dịu dàng trôi trong chiều thu lặng lẽ. Chẳng biết con sông nầy xuôi về đâu? Nhánh sông có rẽ vào nơi ba mẹ gặp nhau thuở đó? -/.