1. Tại một vùng quê…
Tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng năm đó cha mẹ tôi từ xóm chùa Long Vân bên Gia Định dời về khu Cây Mai sinh sống.
Trước đó, tại xóm chùa Long Vân, gia đình chúng tôi sống chung với ông bà ngoại, các dì dượng, cậu mợ, các anh chị em bà con với tôi làm thành một đại gia đình gồm mấy chục nhân khẩu ẩn náu trong một căn nhà lá ba gian hai chái và hai căn nhà lá riêng biệt, một dành cho gia đình Dì Năm và đối diện là căn nhà lá chừng hai mươi bốn mét vuông của gia đình Dì Ba. Ông Bà ngoại có vừa hơn một chục người con. Đầu tiên là năm người con gái từ thứ hai đến thứ sáu, người ta hay gọi là ngũ long công chúa. Đây là những công chúa vùng đồng quê rẫy bái, của những người bán lưng cho trời, bán mặt cho đất. Má tôi rớt vào thứ tư. Nói vậy chứ bây giờ xem lại hình ảnh của má tôi và mấy bà dì ngày xưa rất đẹp. Lúc đó mấy bà còn ở cái tuổi U30 và khi chụp hình, các bà được cửa hàng trợ giúp một số trang phục tây phương như áo lông thú, mũ quý tộc, trông như là mấy bà đầm sang trọng, chỉ tiếc là cái mũi không được cao. Rồi một dọc sáu người con trai từ cậu Bảy, Tám, Chín rồi cậu Út, chưa hết, cậu Ít và sau cùng là cậu Nữa. Vậy là đủ quân số một đội bóng đá, cầu thủ có đủ nam lẫn nữ. Khi tôi có trí khôn (thường người ta hay nói như vậy, nhưng không nhớ có khôn thật không), thì hai ông dượng Năm và Sáu đã ra người thiên cổ hồi còn rất trẻ, nhìn hình ảnh hai ông trên bàn thờ cũng còn oai phong lắm. Còn cậu Tám cũng đã ra đi biền biệt không hề thấy xuất hiện trong gia đình.Cậu Út và cậu Ít thì chết đâu hồi còn nhỏ vì bị tiêu chảy. Bà ngoại tôi kể lại hồi xưa chiến tranh khói lửa lu bù, trẻ con bệnh không có bác sĩ, thầy thuốc mà chỉ có mấy cha lang băm cho thuốc bậy bạ nhưng cũng không phải dễ kiếm. Con nít chết vì bị tiêu chảy rất nhiều. Nhà nào không tìm được thầy thuốc thì tự chữa cho đứa nhỏ bằng cách không cho uống nước. Người lớn hoặc cha mẹ sợ rằng cho uống nước thì “trên vô dưới ra” đứa nhỏ sẽ tiêu chảy thêm. Cứ như vậy hết đứa này tới đứa khác được đưa về dưới ba tấc đất. Đến lượt tôi, nghe má tôi kể lại, may mắn tìm được ông Thầy Bẩy cứu sống. Tôi hỏi má tôi ông ấy trị bệnh bằng cách nào. Mẹ tôi cho biết là không nhớ rõ lắm mà chỉ thấy ngày nào cũng uống nước tàn nhang và qua mấy ngày sau đó tôi hết tiêu chảy và khỏi bệnh. Sau này lớn lên tôi nghĩ tôi sống được là nhờ nước tàn nhang cũng như bây giờ người ta cho con nít uống orésol khi có bệnh tiêu chảy. Thực ra hồi xưa nước tàn nhang chỉ là một tô nước lạnh, ông thầy cúng cầm bó nhang đang cháy, khói lửa lên nghi ngút, thổi khói lửa vào tô nước kéo theo một lô tàn nhang nằm đầy trên mặt. Sau đó ông lấy cho đứa nhỏ uống. Phước chủ may thầy, vậy mà hết bệnh.
Trước mặt nhà ông bà ngoại tôi là con rạch Cầu Bông. Từ ngoài đường cái, bây giờ là đường Bạch Đằng, theo con đường đất, hai bên là ruộng mênh mông, vào xóm Chùa phải qua một cái cầu gỗ cong lên ở giữa. Chỗ này vào buổi chiều, con nít thường đứng để phóng xuống rạch bơi lặn nô đùa trong giòng nước đục ngầu, với những đám lục bình lảng đảng trôi. Gần đó dọc theo bờ rạch có mấy cây dừa với những tàu lá thòng xuống tới đất. Cũng những đám con nít này sau khi nhảy cầu chán, chúng chạy tới bám vào mấy tàu lá dừa đánh đu ra giữa rạch buông tay cho rớt “chủm” xuống nước, rồi lội đến cầu leo lên, chạy vòng xuống chờ bám được lá dừa tiếp tục đu ra giữa rạch. Chúng thường reo hò thích thú khi ba bốn đứa bám một lúc vào những tàu lá dừa đánh đu ra buông tay để rơi chủm, chủm, chủm xuống giữa rạch. Thỉnh thoảng có đứa bị lạc hướng đánh đu thay vì bay ra giữa rạch lại nhè thả dù xuống cạnh một cầu tiêu. Chỗ này cạn, thằng nhỏ rớt xuống ngập dưới sình đến ngang bụng. Nó bì bõm rẽ cái đám ô rô, cóc kèn vừa chạy vừa bơi ra giữa rạch để rửa cái đám sình lầy có mùi thum thủm đó.
Qua khỏi cầu bước thêm mấy bước là tới cổng chùa Long Vân, người lớn ở đây thường gọi là “chùa Long Vân Tự”. Hình như họ đã quen cách gọi vừa “chùa” vừa “tự” nghe có vần có điệu hơn. Cách nói “vừa chan vừa húp” theo kiểu này cho tới bây giờ nhiều người còn bị “dính chấu” khi nói “ngày sinh nhật”, “người nhạc sĩ”, “nhà thể tháo gia”.vv…
Chùa Long Vân Tự lúc bấy giờ coi có vẻ âm u tĩnh mịch. Tôi vốn tính thỏ đế, mỗi khi đi ngang tôi không bao giờ dám nhìn vào bên trong chùa. Khi trời nhá nhem tối hay khi tảng sáng, tiếng chuông chùa ngân vang buồn bã hòa theo tiếng cóc, nhái, ểnh ương, nhái bầu kêu vang như một giàn nhạc đám ma. Hồi xưa tôi có đọc một cuốn tiểu thuyết nhan đề “Bộ áo cà sa nhuộm máu” của nhà văn Tô Nguyệt Đình có nói chuyện về ngôi chùa này. Thuở đó khu vực này tuy là vùng ven đô nhưng giống hệt như một vùng sâu, vùng xa ở các miền quê hẻo lánh.
Trong xóm có ông Sáu Gồng, hôm Chủ Nhật trước đó đám thanh niên trong xóm nhặt được một trái bom dài hơn một thước, Họ kêu ông tới xem họ cưa ra lấy thuốc nổ. Thấy họ đang hăng say cưa cưa, đục đẽo leng keng, ông Sáu dè dặt: “Bây coi chừng, nó nổ một cái, bà nội bây cũng lìa”. Đám thanh niên cười rộ: “Bác Sáu ơi, sao mà Bác nhát quá vậy?”. Ông Sáu quay lưng vừa lơn tơn đi vừa nói: “Kệ tao, bây làm gì thì làm”. Ông mới bước đi được năm bảy bước gì đó, trái đạn phát nổ. Ba xác thanh niên và xác ông già bị chết lây được đưa về an táng. Người ta nói ông già có gồng mà đạn nổ cũng banh xác.
2.Vào Chợ lớn …
Thật ra đây chỉ mới lẩn quẩn ở cái rìa của khu Chợ lớn. Ở đây gọi là xóm Cây Mai. Ba má tôi mua được một căn nhà lá nằm lưng chừng bên trong xóm nhà quay lưng về phía đường cái, bên kia đường là nhà thương Phước Kiến, bây giờ gọi là bệnh viện Nguyễn Trãi. Con đường cái được tráng nhựa đàng hoàng nghe người lớn nói hồi đó gọi là đường Cây Mai (?), và cái xóm Cây Mai trải dài từ bến xe Pétrus Ký cho đến Chợ Lá, hiện giờ là khúc đường Nguyễn Huỳnh Đức, Quận 5. Nơi đây nhà cửa ọp ẹp, nhiều nhà trống trước trống sau, cửa nẻo chỉ là những khung tre chằm lá cho có chứ đừng nói gì đến việc che chắn bọn trộm cắp. Mà nhà cửa như vậy thì có gì mà ăn trộm? Vậy mà cũng có chuyện trộm cắp xảy ra. Bữa thì Bà Năm Móm sáng sớm ra đường là bài hãi:
- “Trời ơi nó ăn cắp cái quần Mỹ A của tui”.
Bữa thì Bà Tám Xíu thét lên:
- “Mẹ, nó nuốt cái nồi đồng rồi”.
Đồ đạc bị mất cắp thường là đồ gia dụng, quần áo, ngoài ra không gì khác có giá như TV, tủ lạnh, máy thu thanh của thời đại bây giờ. Hồi đó ở Saigon có loại máy hát đĩa quay tay có đầu gắn kim chạy theo rãnh trên đĩa, thường là hát cổ nhạc do hãng dĩa Asia phát hành như Đời Cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt vv... Máy vận hành do một cuộn dây thiều bằng kim loại. Khi mới lên dây thiều, dĩa quay nhanh nghệ sĩ hát với tốc độ chóng mặt không nhận biết ai là ai, nam hay nữ. Khi hết dây thiều, dĩa quay chậm, nghệ sĩ hát như chết rồi, giọng kéo dài nhão nhoẹt, uềnh uềnh như mèo kêu. Thời đó máy này giúp người ta tiêu khiển rất tốt. Một nhà có máy, trăm người hàng xóm bu lại nghe, mỗi người mỗi kiểu, kẻ đứng người ngồi, có bà nằm xấp hai tay chống cằm như con chó chực xương. Tới khuya hết tuồng bà con ra về vừa đi vừa ngáp ngủ.
Trong xóm có ông Tư Thầy Ký khoảng ba mươi mấy tuổi, nước da ngăm ngăm, đầu hớt ca-rê, ở trọ và ăn cơm tháng nhà Bà Ba Bán thịt ngoài chợ An Đông vừa mới cất. Nghe nói Tư thầy Ký làm xê-cờ-rê-te cho hãng buôn Tây đâu ngoài Saigon bị cô nàng nào đó đá đít, thầy thất tình bị “mát” luôn. Tây cho thầy nghỉ việc. Bây giờ thầy tửng tửng, cả ngày đi vòng vòng trong xóm tay cầm cuốn vở học sinh, tay cầm bút chì, vừa đi vừa ghi ghi, chép chép. Có khi người ta nghe thầy nói lẩm bẩm:
- “Mời cô Lan đi ăn hủ tíu hết mười đồng, nước mía hai ly một đồng…”
Té ra cô gái thầy thương là cô Lan nào đó và thầy đang ghi lại chi phí hôm mời cô đi ăn hủ tíu. Có lần thầy đến dãy nhà bốn gian gần chỗ cây gòn, đứng trước mỗi gian thầy nhìn vào trong như quan sát, rồi lại ghi ghi chép chép, miệng lẩm bẩm, có người lén đứng sau lưng lắng nghe:
- “Đơn hùng Tín… giải giá… thọ châu”
Anh chàng vừa nghe lén chạy thụt lui, quẹo vô đường hẻm vừa cười nói, vừa ôm bụng:
- “Quỉ thần ơi! Phật bà ơi! người ta là Lưu Kim Đính mới giải giá thọ châu, chứ Đơn hùng Tín ở đâu đó?” rồi nói tiếp:
- “Trời nắng ổng lên cơn nặng dữ a!”
Phía sau dãy nhà bốn gian là nhà chú Ba Chệt bán chạp phô, tức là tạp hóa bây giờ. Gọi như vậy là vì ổng là người Hoa, người khách trú, hồi đó người miền Nam gọi là “các chú”. Nhà chú Ba này thiết kế rất đặc biệt. Cũng là nhà lá, phía trước và bên hông, chú chống hai tấm vách lên làm thành hai mái hiên, bên dưới để hai cái sạp, trên đó chú chất đủ loại hàng tạp hóa, thịt, cá, rau cải, lạp xưởng, cá khô. Người ta có thể đến tiệm chú Ba Chệt mua các loại thực phẩm phục vụ cho bữa cơm trong ngày. Đúng là tiệm tạp hóa Ba Chệt là “người nội trợ của mọi gia đình”. Trẻ con thường tới đây mua xí muội, cà na, bánh lòi tói chiên,… Chú Ba này cũng tốt bụng, ổng thường cho chúng tôi mấy trái chuối sứ bị ế hai ba ngày, úng, thâm kim hết trơn nhưng còn ăn được sau khi cắn bỏ đi mấy chỗ bị úng, dập.
Đặc biệt trong xóm có nhà ông Năm Xe Ngựa. Ông có tên gọi theo sự nghiệp vĩ đại của đời ông với nghề chạy xe thổ mộ. Đây là loại xe bằng gỗ, có mái che, gắn trên hai bánh xe cũng bằng gỗ, phía trước do một ngựa kéo. Ngựa thật. Vì vậy bên hông nhà ông có một cái chuồng, để ngựa về nghỉ ngơi sau một ngày kéo xe mệt nhọc. Ngựa cũng ăn uống như người. Mỗi khi kéo xe xong về đến chuồng, bà Năm lấy cỏ để sẵn trong góc chuồng ra bỏ lên máng cho ngựa ăn, lấy nước cho nó uống. Bà thường khuyên đám con nít chúng tôi:
- “Tụi bây phải biết thương ngựa, nghe bây. Tao nói ngựa nầy nè, chứ mấy con ngựa ở đằng con mẹ Ba Sún, sơn móng tay, móng chưn đỏ hoét, bây mà rớ vô là mạt cọng từ đường”.
Bà muốn ám chỉ bà Ba Sún chứa gái ở xóm trong. Bà Năm còn nói thêm:
- “Con ngựa này hổng chừng kiếp trước là ông gì lớn lắm rủi bị tội gì đó nên kiếp này đầu thai làm ngựa”.
Có đứa hỏi:
- “Sao kiếp trước của nó không phải là bà gì đó mà lại là ông?”. Bà nói:
- “Mầy không thấy ngựa này là ngựa đực sao? Ngựa đực thì kiếp trước là đàn ông, ngựa cái kiếp trước mới là đàn bà. Mình không thương nó kiếp sau nó trở lại làm kiếp người ngồi trên đầu trên cổ mình, biết chưa?”.
Thằng nhỏ dòm dưới bụng ngựa rồi cười nói: “Ờ hé!”
Có lần con ngựa này bị bệnh gì đó, bà Năm kéo cái máng ra, đổ vô đó một mớ cám và một nhúm lá cây các loại, bà Năm gọi là lá thuốc, sau đó kêu hết đám con nít chúng tôi lại để tè vô máng cho bà Năm trộn làm thuốc trị bệnh cho ngựa. Nghe nói vậy tụi nhỏ hăng hái vén quần xàng qua tè vô máng. Vì cái máng nhỏ nên chỗ đứng hơi chật, đám con nít chen lấn lộn xộn, đứa này tè vô chân hoặc vô đít đứa kia, om sòm, bát nháo. Có đứa vì lỡ tè đâu đó rồi nên không đóng góp một phần nước của thân thể vào liều thuốc trị bệnh cho ngựa, mặt mày buồn thiu.
Bài thuốc của Bà Năm quả là hiệu nghiệm. Hai ngày sau, con ngựa hết bệnh, kéo xe trở lại như thường. Tụi nhỏ vô cùng thán phục, gọi bà Năm là thầy thuốc… ngựa!
Ông Năm xe ngựa người đôn hậu, tuổi chừng năm mươi, chỉ phải cái miệng ông bị méo qua một bên từ hồi nào tới giờ. Tư thầy Ký khi tỉnh táo nói nửa đùa nửa thật:
- “Tại ổng chạy xe nhiều quá, miệng lúc nào cũng phải kéo về một bên để tróc, tróc ra lệnh cho ngựa quẹo phải, quẹo trái, riết rồi méo luôn”.
Thật ra, theo những người lớn tuổi, biết chuyện nói là ông Năm hồi còn trẻ bị trúng gió rất nặng làm méo miệng, nằm bất động, tưởng chết may nhờ gặp một ông thầy tu trên núi Tà Lơn đi ngang cứu sống nhưng không điều chỉnh được cái miệng về vị trí cũ, làm ổng phải chịu cái tật méo miệng suốt đời.
Hướng ra đường số 7, bây giờ là đường Bùi Hữu Nghĩa, có nhà thầy Sáu Tý. Gọi là thầy nhưng thầy không ở vào nhóm “gáo tra dài cán” mà lại là thầy cúng. Người ta nói tên thật của thầy là Sáu Chuột, nhưng khi thầy bắt đầu mặc chiếc áo lam đến cúng ở những nhà có đám ma, đám làm tuần, thì bà con trong xóm xin gọi thầy là thầy Sáu Tý, nghe thanh nhã hơn. Bất cứ ai trong xóm mời thầy đến cúng không kể giờ giấc sáng, trưa, chiều, tối gì cả, thầy không hề từ nan. Thầy không nhận tiền bạc. Nếu ai thành tâm biếu thầy nãi chuối, chục cam, hay các loại trái cây, thầy đều nhận, mang về nhà rồi kêu con nít lại cho từ đứa sau khi để phần vừa phải cho vợ con.
Một buổi chiều, xóm Cây Mai uể oải sau cơn nắng trưa gay gắt của trời hè. Đột nhiên người ta thấy chiếc xe ngựa của ông Năm về trờ tới, cặp sát vào chuồng ngựa. Ông nhảy xuống la thất thanh:
- “Cháy nhà, cháy nhà rồi, bà con ơi..!”
Mọi người đổ ra xem. Phía nhà thờ Chợ Quán khói đen bay lên cuồn cuộn. Mọi người chạy tán loạn, nhốn nháo, gọi nhau ơi ới:
- “Lửa tới bây giờ, về lẹ mà lo dọn nhà, gió thổi hướng này đó”.
Xóm Cây Mai lâm vào cơn hỗn loạn. Mọi người tất tả lo thu dọn đồ đạc, dùng mền gói lại từng túm lớn đại, đội lên đầu hay cõng trên vai, trên lưng chạy ra đường cái. Má tôi lôi hai anh em tôi chạy theo đoàn người, phía sau là ba tôi, vừa đi làm về, hai tay xách hai túi quần áo thật lớn chạy theo. Má tôi dắt hai anh em tôi chạy vào bệnh viện Chung Cheng, chạy băng qua khu nhà xác, theo cửa sau ra ngoài, rồi băng qua đường Thành Thái chạy ngay vào chợ An Đông, đến sạp vải của Dì Sáu và gửi chúng tôi ở đó. Ba tôi cũng vừa đến, quăng hai túi quần áo lên sạp bảo chúng tôi giữ rồi cùng má tôi trở về nhà tìm cách lấy thêm được cái gì hay cái nấy.
Trời đã tối mịt, đèn đường leo lét. Nhìn về hướng Bàu Sen, chúng tôi thấy bầu trời đỏ hồng rực rỡ. Ba má tôi đã quay trở lại, trên tay má tôi có cầm một cây đòn gánh. Ba tôi nói má tôi quýnh quáng không biết lấy thứ gì nên quơ đại cây đòn gánh cho có cái để cầm trên tay.
Nhìn lên bầu trời ửng đỏ, ba tôi chép miệng:
- “Sắp tới nhà mình rồi…”
Tôi thấy má tôi đang lật vạt áo lau nước mắt.
3. Tôi đi học …
Sau khi “luộc” xong trọn vẹn hơn một ngàn căn nhà vừa ngói vừa lá và vừa các thứ chòi bạt tạm bợ, bà Hỏa có vẽ hài lòng, đắc chí rút lui êm thắm. Vài ngày sau dân tản cư lũ lượt trở về nền nhà cũ của mình để “xí” lại phần đất trên đó vợ chồng con cái của họ đã sống sum vầy, hạnh phúc. Xung đột đã có phát sinh khi một gia đình nào đó đã “cắm dùi” quá phần mình đã có, lấn qua phần đất bên cạnh. Chiến tranh xảy ra. Vũ khí là những khúc gỗ đã bị bà Hỏa đốt cháy dở dang được dùng để phang vào nhau túi bụi. Lính mã tà xuống giải tán. Vài người bị u đầu sứt trán được khiêng qua bệnh viện Phước Kiến băng bó. Hôm sau họ trở về trên đầu quấn một vòng băng trắng giống như để khăn tang càng làm cho khu hỏa hoạn thêm phần tang tóc.
Khu hỏa hoạn trở nên nhộn nhịp mỗi khi có xe chở cơm tới để cứu trợ. Phần thực phẩm cứu trợ gồm có cơm và một món mặn khi thì cá khô chiên đường, khi thì thịt kho, thay đổi qua lại. Hôm tôi theo má tôi ra nhận cơm nhằm bữa có món mặn là cá khô chiên đường. Bữa cơm hôm ấy thật là tuyệt vời. Tôi thấy cơm cứu trợ có vẽ như ngon hơn cơm má tôi nấu ở nhà. Lúc đó tôi lại nghĩ ước gì có cơm cứu trợ ăn mãi chắc là thích lắm. Nhưng chỉ được vài hôm không còn một xe cứu trợ nào đến khu hỏa hoạn này nữa. Nhà nào nhà nấy phải tự lực cánh sinh.
Một tháng sau, tại khu hỏa hoạn này đã có nhiều ngôi nhà lá lúp xúp mọc lên. Nhà tôi ở cũng mới cất trông không đến nỗi tồi tàn lắm, còn có vẽ đẹp hơn ngôi nhà cũ trước khi bị bà Hỏa thiêu rụi.
Gần nhà tôi có một khoảng đất trống nối liền với đường hẻm ăn thông ra đường Cây Mai. Khoảng đất trống này là hai nền nhà đã bị cháy tháng trước nhưng chủ nhà chưa cất lên. Giữa khu đất là một cái giếng, nắp đậy đã bị cháy rụi nên miệng giếng không có thành quách che chắn. Ban đêm đi lại không khéo bị lọt xuống giếng như chơi.
Bọn trẻ chúng tôi thường ra miếng đất trống này thả diều. Khoảng đất trống trải, gió thổi lồng lộng, diều bay cao gần tới những ngọn cây dầu phía trước bệnh viện.
Trong xóm có hai anh em Bé Lớn và Bé Chất, tụi nó đều lớn hơn hai anh em tôi hai tuổi, lại có phần kịch cợm hơn. Chúng thường tấp vào chơi chung với anh em chúng tôi, nhưng luôn luôn chơi gác, chơi kèo trên. Chúng tôi nghỉ chơi thì chúng gây chuyện đánh nhau. Khi cuộc chiến tàn, phần thua thường cầm chắc về phía anh em chúng tôi. Mỗi lần như vậy chúng tôi ôm đầu cổ lấm lem về nấp sau hiên nhà, đợi trời tối lặng lẽ chui vào nhà tắm rửa thay quần áo rồi bưng tô cơm ra góc nhà âm thầm ăn vội vã.
Một buổi chiều, nắng còn tràn ngập trên những ngọn cây dầu trước bệnh viện. Gió thổi mạnh. Vài cánh diều của những người lớn ở xóm trong, lấp loáng ánh chiều, bay trên khoảng trời trong xanh. Tôi đang chạy tới chạy lui bắt đầu thả con diều của tôi cho “ăn gió”, thằng Bé Lớn đột nhiên xuất hiện:
- Mầy đưa diều đây tao thả cho.
Tôi chưa biết nói sao, nó giựt lấy con diều và cái lon làm ống chỉ, rồi vừa chạy thụt lui vừa thả con diều cho ăn gió. Con diều vọt lên rồi lại rớt xuống theo tay của thằng Bé Lớn giựt sợ chỉ, mãi mà không chịu ăn gió. Tôi chạy theo đòi trả lại con diều, thằng Bé lớn chạy ra xa, vừa chạy thụt lùi và vô tình nó lui dần về phía miệng giếng. Đột nhiên nó quay phắt lại hướng về miệng giếng chạy thật nhanh để cho con diều bay cao lên. Chỉ cần hai bước nó đã phóng ngay vào miệng giếng trống trải, không có bờ bao ngăn chận và biến mất. Con diều lắc lư từ từ rớt luôn xuống giếng. Sự việc xảy ra nhanh đến nỗi tôi không kịp la lên một tiếng để làm nó chú ý. Tôi cũng không kịp suy nghĩ là thằng Bé Lớn bị lọt xuống giếng cho đáng đời vì đã giật diều của tôi.Tôi mon men đến gần miệng giếng, nhìn xuống đáy. Thằng Bé Lớn đang bì bõm đi men theo thành giếng, nước chỉ ngang bụng của nó. Tôi chạy đến chỗ má tôi đang ngồi giặt quần áo:
- Má! Thằng Bé Lớn, nó giựt diều của con.
- Nó đâu rồi?
- Nó lọt xuống giếng.
- Mầy nói cái gì?
- Nó lọt xuống giếng rồi.
- Trời đất quỷ thần ơi…
Nói rồi, má tôi đứng lên chạy ra giếng sau khi nhúng hai tay vào thau quần áo cho trôi bọt xà bông. Tôi thấy bà nhìn xuống giếng rồi vội vã quay lưng đi như chạy về hướng nhà ba má thằng Bé Lớn. Một lát sau, ba bốn người lớn chạy túa ra về phía giếng nước. Có hai người khiêng một cái thang dài, đến nơi người ta thòng cái thang xuống giếng và nối thêm một đoạn dây để đưa thang xuống tận đáy.
Cuộc giải cứu thành công. Thằng Bé Lớn được ba nó cõng về nhà. Mình mẩy, đầu cổ nó ướt mem.
Tối đó, khi tôi leo lên giường sửa soạn ngủ, tôi nghe ba tôi “tụng”:
- Sáng mai bà dẫn thằng con mình vô trường Bàu Sen xin cho nó học. Kệ nó, được chữ nào hay chữ nấy, khi nào qua kỳ nghỉ hè xin cho nó vô học trường Nhà nước.Càng ngày nó càng lêu lỏng. Hồi chiều nếu như không phải thằng Bé Lớn mà là con mình nó lọt xuông giếng chắc là tiêu mạng rồi, giờ này tui với bà ngồi đây khóc…
Hình như ba tôi còn tụng nữa nhưng con buồn ngủ đã đậu vào mắt tôi lúc nào không biết.Tôi chìm dần vào giấc ngủ thỉnh thoảng lại “mớ”, la lên như bị ma rượt. Cái bệnh mớ này mải miết theo tôi đến tận ngày hôm nay. Bệnh mớ của tôi rất bén nhạy. Mỗi khi thay đổi môi trường sống ví dụ như vào làm việc tại một công ty, mới chỉ sau vài hôm, tối ngủ tôi sẽ mớ và kể lại đủ thứ về công việc làm. Có lần tôi mớ gọi tên một nữ đồng nghiệp. Sáng ra nghe bà xã kể lại và nói tên cô nữ đồng nghiệp đó. Tôi hoảng hốt và phải cam kết với bà xã là không hề có gì gọi là “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.” Cũng có khi tôi phải tiếp khách nước ngoài nhiều thì thỉnh thoảng tôi lại ngủ mớ và nói toàn tiếng Anh. Trường hợp này tôi vô cùng thoải mái vì bà xã tôi không biết tiếng Anh nên không phải bị điều tra hạch hỏi.
Sáng hôm sau má tôi kêu tôi thức dậy sớm, sửa soạn theo bà lên trường xin học. “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai” trời không lạnh mà trái lại có phần oi bức, tôi vừa đi vừa chạy theo má tôi băng qua con đường số 5, rồi vượt qua một con đường hẻm là tới trường.
Gọi là trường nhưng thật ra là một căn nhà lá lụp xụp, bên trong khá rộng đủ để hai dãy bàn học trò. Nền đất lại không được bằng phẳng nên bàn ghế cũng nghiêng lên nghiêng xuống theo “sóng” đất. Má tôi nói chuyện gì đó với thầy giáo rồi ra về. Tôi được đưa xuống ngồi vào một cái bàn áp chót, có sẵn ba thằng nhóc đang ngồi ê a đọc mấy chữ gì đó trong quyển sách. Tôi cũng được phát một cuốn sách giống như tụi nó, nhưng lúc bấy giờ tôi chưa học qua một chữ cái nào. Nhìn lên bìa quyển sách tôi mù tịt. Cái bàn cập kênh khi có một đứa đứng lên. Thì ra cái bàn bị hỏng chân ở hai đầu, chính giữa là một mô đất. Đầu bàn có hai đứa có vẽ bự con ngồi để đè cái bàn xuống và phía đầu kia thì nhỏng lên khỏi mặt đất. Hễ có một thằng đứng lên thì đầu bàn bên kia hạ xuống đất. Tôi nhìn chung quanh, mấy đứa khác cũng cỡ tôi hoặc lớn hơn, đứa nào cũng có vẽ ngổ ngáo, quần áo dơ bẩn, quay lên quay xuống nói chuyện ồn ào. Thầy giáo phải nhịp roi nạt mấy lần tụi nó mới im lặng. Dãy bàn bên kia có một thằng leo lên bàn ngồi, thầy lấy cây roi mây phát lên mông thằng nhỏ. Nó quằn quại, khóc ré lên, lăn nhanh xuống ghế. Thầy trẻ hơn ba tôi, bận áo sơ mi trắng, quần tây, chân mang… guốc.
Ngồi được một lát, ông thầy chỉ ngay tôi bảo lên đọc bài, tôi run lên như đang lên cơn nóng lạnh, từ từ bước đến bàn thầy, để quyển sách lên bàn nói ấp a ấp úng:
- Thưa thầy… con mới vô… chưa biết gì hết.
- Sao mầy lại ngồi phía bên đó ?
- Dạ, con hổng biết.
Thầy nạt lớn :
- Đi qua bên kia !
Thuận tay, thầy quất cây roi mây vô mặt tôi mặt tôi đau điếng làm tôi chảy nước mắt. Tôi không dám khóc sợ thầy đánh thêm. Tôi cảm thấy đau rát ở một bên má. Mãi đến sau này tôi cũng không nhớ được tôi đã xớ rớ làm sao đó đến nỗi thầy phết cho một roi vô mặt. Sau đó thầy bảo một đứa con gái đọc từng chữ cái cho tôi đọc theo. Đến trưa thầy cho ra về. Tôi lơn tơn bước ra khỏi lớp, vừa qua đường hẻm gặp má tôi đến đón. Gặp bà tôi vừa mếu máo vừa kể chuyện bị thầy quất roi vô mặt. Nhìn thấy lằn roi còn in rõ trên mặt tôi, má tôi tức khắc dẫn tôi quay trở lại trường. Bà muốn hỏi tội ông thầy. Đúng vậy. Gặp thầy đang chuẩn bị ra về, má tôi kéo tôi lại, chỉ vào mặt tôi, hét tới tấp vào ông thầy giáo. Không biết có phải vì thấy má tôi quá dữ dằn hay thấy má tôi có vẽ không phải người… phàm mà thầy giáo tự nhiên xuống nước xin lỗi quá trời. Má tôi còn giảng “mo-ran” cho thầy giáo một “tăng” nữa rồi hậm hực lôi tôi ra về.
Buổi học đầu tiên trong đời của tôi kết thúc thật là lãng nhách. Có lẽ đây là điềm báo hiệu con đường khoa cử của tôi sau này sẽ vô cùng lận đận…
Ngày hôm sau ba má tôi cho phép tôi được nghỉ học ở nhà. Và rồi giống như ba tôi đã dự tính, dù tôi coi như chưa có con chữ nào trong bụng, hết hè năm đó má tôi xin được cho tôi vào học ở một trường Nhà nước. Đó là trường Chợ Quán, bây giờ là trường tiểu học Kim Đồng, nằm trên đường Trần Hưng Đạo.
Tôi được cho vào học lớp Năm, còn gọi là lớp Chót, hay nói theo tiếng Tây là Cours Enfantin, bây giờ là lớp Một. Việc học hành của tôi đã diễn ra êm đềm đến nỗi giờ đây tôi không còn nhớ gì cả. Đến khi tôi lên được lớp Ba, tôi bắt đầu có ý thức rằng tôi đang đi học. Hồi đó lớp Ba còn gọi theo tiếng Tây là Cours Élémentaire. Nhãn vở, còn gọi là étiquette, cũng được ghi bằng tiếng tây ví dụ như thay vì ghi tên trường thì dòng đầu tiên trên nhãn vở ghi là École…, học trò điền tiếp theo chữ Chợ Quán.Tôi được xếp vào lớp Ba Đ, chữ élémentaire được cô giáo ghi tắt lên bảng là Cours Élém. Đ. Còn tên học trò thì ghi tiếp theo chữ appartenant à… Khi cô giáo kiểm tra vở cô phát hiện có rất nhiều đứa, hầu hết là con gái, đều ghi sai ở dòng lớp học là Cours Chém. Đ, thay vì Cours Élém. Đ. Cô xé tất cả những étiquette bị viết sai và bắt phải làm lại. Đứa nào làm sai cô kêu lên xoè hai bàn tay để cô quất cho mỗi bên một thước kẻ. Cô giáo tên là Cô Bảy, ốm nhom, khoảng bốn chục tuổi, bới tóc để xệ xệ sau lưng. Tôi còn nhớ cô không có chồng, có lẽ vì vậy mà cô dữ lắm. Cô ngồi trên ghế ở bục giảng thấy đứa nào nói chuyện, cô phóng cây thước kẻ bằng gỗ bay vèo trúng ngay đầu đứa đó. Học trò lớp cô Bảy bị u đầu vì ăn thước kẻ theo kiểu này là chuyện thường. Cô còn có một cây roi mây dài để quất vào mông những đứa quậy trong lớp như là đánh nhau, trốn học, không chịu học bài.
Một hôm nhằm giờ Thủ Công. Học trò cắt giấy màu thành hình các chữ cái rồi dán vào vở để rồi nộp lên cho cô chấm điểm. Cả lớp tập trung làm bài không phải trong im lặng mà xôn xao, nói chuyện qua lại, Cô giáo thỉnh thoảng nhịp cây roi mây lên bàn tay phải cầm cây thước kẻ rình phóng vào đứa nào quay tới quay lui, nghịch ngợm. Tôi dùng cán viết cho vào lọ keo của thằng bạn xin một miếng keo ngoáy lại thành một cục tròn ở đuôi cán viết rồi để lên bàn cho lòi phần keo ra khỏi rìa bàn. Tôi lại ngồi bàn đầu nên phần keo của cán viết nằm lấn vào lối đi. Tôi đang nắn nót cắt tờ giấy màu thành hình chữ A, thì cô giáo nhịp roi lên bàn và la im lặng rồi bước xuống bục bước ra cửa đi qua lớp bên cạnh. Cắt xong chữ A, tôi tìm cây viết để lấy keo dán vào vở. Lạ quá, cây viết biến đâu mất tiêu. Tôi khòm lưng xuống tìm ở dưới gầm bàn. Không có. Mấy đứa ngồi bên cạnh tôi chắc chắn không lấy vì mỗi đứa đều có một hủ keo để trước mặt. Tôi đang loay hoay định xin thằng bạn bên cạnh miếng keo để dán thì cô giáo bước vào như một cơn lốc. Cô chìa cây viết của tôi trước mặt thằng bạn bên cạnh:
- Cây viết này của thằng mọi nào ?
- Dạ không phải của con. Thằng bạn đáp.
Nhìn sang thấy tôi đang ngơ ngác, Cô hỏi:
- Của mầy ?
Vừa nghe tiếng “dạ” yếu ớt của tôi, cô giáo đập cây viết xuống bàn nghe một cái rầm, rồi với tay lên bàn cô lấy cây thước kẻ phang vào đầu vào vai tôi tới tấp. Đau quá, tôi đứng lên băng ghế định leo ra bàn sau bỏ chạy, vừa la:
- Con xin lỗi cô !
May quá, cô đã ngưng đánh, bước lên bục, ngồi vào ghế với tay lấy chai nước đổ lên vạt áo dài, rồi lấy hai tay vò như đang tẩy rửa cái gì đó. Thì ra, với bộ óc đứa con nít chín tuổi, tôi đã hiểu được rằng cô giáo đã xớn xác khi đi ngang qua bàn tôi để vạt áo dài phết vào cán viết đang đính đầy keo và mang cây viết đi toòng teng ở vạt áo dài sang lớp bên cạnh.
Năm đó tôi học hành không ra làm sao hết. Vào trường học với một cô giáo dữ như cọp, đầu óc tôi như cục đất sét không tiếp thu được gì, cuối tháng xếp hạng, tôi “đội sổ” tức là đứng hạng chót, có tháng giỏi lắm cũng “a-văng đẹc” theo tiếng Tây là avant dernier có nghĩa là áp chót. Và rồi cuối năm tôi được xếp vào nhóm redoublant, tức là lưu ban, là mua cái lớp Ba này thêm một năm nữa… (còn tiếp)
4. …vì sao cô giáo bị chó cắn?
Qua năm sau, tôi được xếp vào một lớp Ba khác. Cô giáo của lớp này còn trẻ, nghe nói vừa mới lấy chồng. Cô rất hiền. Từ khi học lớp cô Bảy hồi năm ngoái, tôi cảm thấy lo sợ khi vào một lớp có cô giáo lớn tuổi mà còn độc thân. Cô này cũng có một cây roi mây để trên bàn nhưng chỉ để nhịp nhẹ nhẹ và la cho lớp yên lặng và thỉnh thoảng mới đập mấy thằng ngồi cuối lớp nghịch ngợm, phá phách. Nhưng cô đánh cũng nhẹ như phủi bụi. Mà cũng đúng như vậy. Mấy đứa đó hay chơi giỡn la lết dưới đất nên khi cô giáo phết roi vào mông bụi bay mù mịt. Không hề có đứa nào khóc sau khi bị ăn đòn. Có đứa còn so sánh: “Cô này đánh không bằng má tao đánh ở nhà”.
Suốt năm đó tôi học hành thoải mái, được xếp chung với mấy đứa học giỏi, không hề bị một roi nào. Có vậy chứ! Ở lại lớp mà còn học dở cuối năm không được ở lại, phải bị đuổi. Hồi đó chúng tôi rất sợ bị đuổi học, vì theo cô Bảy lớp Ba Đ, đứa nào bị đuổi học lớn lên chỉ có nước đạp xích lô, chạy xe kéo. Xe kéo là một loại xe thô sơ, có cái thùng giống như xe xích lô, nhưng không có bánh sau, chỗ để chân kéo dài ra thành hai cái càng. Người điều khiển kẹp hai càng vô nách rồi chạy bộ kéo người khách ngồi trong thùng phía sau. Chúng tôi đều sợ cái nghề này vì sợ rủi ro gặp người khách mập quá sẽ kéo không nổi. Nhờ học khá, cuối năm tôi được lên lớp Nhì, tức Cours Moyen, bây giờ là lớp 4.
Trong lớp, bên phía con gái có vẻ già giặn hơn phía con trai. Thời đó, đa số con nít đi học rất trễ. Mới lớp Nhì trai cũng như gái có nhiều đứa mười ba, mười bốn tuổi rồi. Phía con gái, có đứa trông giống như một thiếu nữ và cũng có vẻ xinh đẹp.Tôi cũng đã bắt đầu nhận thức được con gái có đứa đẹp, đứa xấu. Cô giáo là con gái của Ông Hiệu Trưởng, có chồng và có hai đứa con gái xinh xắn còn nhỏ xíu. Ở Cours Moyen tôi học thoải mái nhờ học ngoài giờ ở nhà cô giáo. Đứa nào học thêm với cô đều là học trò giỏi trong lớp. Có gì khó đâu. Khi học ở nhà cô, chúng tôi đều được cô chuẩn bị toàn bộ bài vở cho lớp học ở trường như toán, chánh tả, bài tập tiếng Pháp và cả những bài học thuộc lòng. Tuy nhiên lớp học ở nhà cô giáo không vì thế mà thêm phần đông đúc, bởi lẽ đa số gia đình học trò thời đó còn nghèo, mặc dù họ không phải trả một phí tổn nào cả khi cho con vào học một trường Nhà nước.
Đầu bàn phía sau tôi là thằng Gia. Nó là người Bắc vô đây trước khi có vụ di cư. Nhà nó ở bên kia sông Chánh Hưng. Mỗi ngày nó phải đi đò qua sông để đến trường. Hôm nào không có tiền đi đò, nó cởi quần áo bỏ vô cặp bằng giấy dầu, đội lên đầu, ở truồng lội qua sông. Qua đến bờ bên này nó mặc quần áo rồi đi đến lớp, tỉnh bơ. Thằng Gia giỏi môn composition vietnamienne, tức là môn tập làm văn tiếng Việt, các bài viết của nó thường được cô giáo cho điểm cao và được đọc cho cả lớp nghe. Nhiều bạn trong lớp, nhất là bên phía con gái thường tỏ ra ganh tị với nó, cho nên mỗi khi có một đứa con gái được điểm cao, được đọc bài viết của mình thì cả đám “nữ kê” thường reo hò đắc thắng.
Nhà thằng Gia có nuôi một con chó khá lớn. Một hôm, dây xích ở cổ nó bị tuột ra, nó lặng lẽ theo thằng Gia đi học. Khi thằng Gia lên đò qua sông chánh Hưng, con chó phóng xuống nước lội theo. Chủ nó không hay biết gì thản nhiên đợi đò cập bến, phóng lên cầu chạy một mạch tới trường học. Con chó cũng từ từ bơi vào bến đò, nó bước lên phần cầu chìm lấp xấp dưới nước, đứng lại xù lông rảy cho ráo nước rồi phóng lên bờ thong thả chạy theo cậu chủ. Tới cửa lớp học, con chó đứng nép ngoài cửa, đợi chủ nó xếp hàng vào lớp ở cửa phía đối diện. Khi chủ nó ngồi vào bàn, con chó rón rén, lẻn vào nằm ở gầm bàn ngay dưới chân chủ nó. Bấy giờ chủ nó mới phát hiện con chó đã theo vào tới lớp học. Cậu chủ không biết làm gì hơn là lấy chân gạt cho con chó nằm xê vào bên trong một chút sợ cô giáo nhìn thấy. Vô phước cho cậu chủ nhỏ, một lát sau, tự nhiên cô giáo vụt đứng dậy bước xuống bục đến cạnh thằng Gia bảo nó đưa cô xem cuốn vở tập làm văn. Trong lúc cậu học trò lúi cúi lấy quyển vở, chân cô bước sâu vào trong giữa hai dãy bàn và vô tình đạp vào đuôi con chó. Tức thì một loạt tiếng sủa vang dội của con chó và khi mọi người nhìn lại thì thấy cô giáo ôm chân la bài hãi, mặt xanh dờn: “Trời ơi, chó cắn!” rồi chờn vờn muốn xỉu. Một đứa con gái nhảy đến đỡ và dìu cô trở về bàn. Cô giáo cúi xuống kéo ống quần lên, chỗ mắt cá chân phải có một vết trầy rướm máu. Trong lúc mọi người đang chăm sóc cô giáo, thằng Gia đã đuổi con chó ra khỏi lớp và cùng nó chạy ra khỏi cổng trường. Cô giáo được đưa lên văn phòng ông Hiệu Trưởng để băng bó vết thương, và ngay sau đó cô được đưa lên xích lô để đến viện Pasteur chích ngừa bệnh dại. Ngày hôm đó cả lớp chúng tôi được nghỉ học với lý do cô giáo bị… chó cắn.
Ngày hôm sau thằng Gia bị kêu lên văn phòng ông Hiệu Trưởng, hồi đó tụi tôi gọi là ông Đốc, chừng nửa giờ sau nó trở về mặt mày méo xẹo. Nó kể lại đã bị ông Đốc quất cho ba cây roi mây rồi bắt ra quì gối ở gốc cây táo sau vườn. Quì được một lát chợt có con dê con nhà ông Đốc nuôi chạy chơi bị lọt xuống cống, người nhà la lên, ông Đốc bảo nó lội xuống cống bắt con dê lên. Nhờ vậy ông tha cho nó về lớp sau khi hăm nó nếu để chó vô lớp lần nữa ồng sẽ kêu xe bắt chó bắt đi và bắt luôn chủ nó tức là thằng Gia.
Đặc biệt trong lớp 4 này luôn luôn có bầu không khí học tập luôn luôn có tinh thần cạnh tranh ráo riết. Ngoài môn tập làm văn, phía con gái quyết chí hạ bệ cây bút chiến đấu là thằng Gia, còn môn tiếng Pháp bên con trai cũng có phần trội hơn. Cho nên bọn con trai nhất là ở mấy dãy bàn cuối lớp thường xì xào trêu chọc mỗi khi bên con gái đứng dậy trả lời những câu hỏi của cô. Đám con gái tức lắm chạy lên mét cô, cô giáo chỉ nhịp roi lên bàn, nạt im lặng, chừng một lát sau, đâu lại vào đấy.
Một buổi trưa, vừa tới giờ ra chơi, trời nóng hừng hực, mấy cây vẹc-ni không đủ che bóng khắp mặt sân trường, tôi chạy vội xuống phông tên kê miệng vô vòi nước tu một hơi cho đã khát, rồi quay lưng chạy ngay về lớp để tránh nắng. Về đến lớp, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy toàn bộ con trai và con gái đứng hết lên trên bàn, lấy lối đi chính giữa làm ranh giới. Hai bên đâu mặt với nhau, chỉ chỏ, la hét, bên này chê bên kia học dở, bị cô giáo đánh đòn. Bên con gái chừng mười đứa với vũ khí là hai chiếc guốc cầm trong tay, thách thức con trai tấn công. Bên con trai cũng khoảng chín, mười đứa đang gân cổ chọc tức bọn con gái, lên giọng anh hùng mã thượng là không dùng vũ khí, đồng thời cũng thách thức bọn con gái tấn công. Mấy thằng nhỏ con diễu hành qua lại ở lối đi chính giữa, lấy thước kẻ gõ lên bàn phía con gái hoặc dọa đánh vào chân mấy đứa con gái đứng hàng đầu. Lối trêu chọc của mấy thằng nhóc con rất có hiệu quả. Bên phía con gái đã nổi giận. Một cô nàng ở cuối dãy đã phát lệnh tấn công bằng cách bay thẳng qua bàn con trai, hươi guốc bổ tới tấp vào một anh chàng đứng đối diện. Tiếp theo là cả đám con gái phóng hết qua bàn phía con trai sử dụng chiến thuật lấy… yếu đánh mạnh nhưng không có vũ khí. Những chiếc guốc ngày thường chỉ gõ lạch cạch dưới sàn nhà bây giờ phát triển hết uy lực, vụt phải vụt trái như những cao thủ bóng bàn. Bọn con trai giơ tay che đầu chống đỡ. Chịu không thấu, bọn con trai phóng ra cửa chạy hết ra sân cố thủ dưới nắng. Hai, ba cô nàng bám riết theo, nhưng khi ra tới sân, nắng nóng, chân không mang guốc chịu không nổi, mấy cô quay trở vô lớp, về bàn ngồi tỉnh rụi như không có chuyện gì xảy ra. Bọn con trai cũng đã kéo hết vào lớp ai về bàn nấy. Tiếng trống hết giờ ra chơi đã kết thúc cuộc chiến, nhưng bầu không khí vẫn còn hừng hực dưới sức nóng của trưa hè. Mùi mồ hôi bên phía con trai xông lên nồng nặc…
Cuối năm đó tôi được lên lớp dễ dàng. Tôi đã bắt đầu thấy hãnh diện vì đã lên được lớp cao nhất ở một trường Tiểu học. Cours supérieur, gọi theo tiếng Việt là Lớp Nhứt, bây giờ là lớp 5.
5. Làm sao tôi trở thành một Hướng đạo sinh?
Ở lớp Nhứt chúng tôi được học vào buổi sáng. Cô giáo cũng là con gái của Ông Hiệu Trưởng và là em kế của cô giáo dạy chúng tôi ở lớp Nhì hồi năm ngoái. Cô cũng tổ chức một lớp ở nhà cho chúng tôi học vào buổi chiều. Cô giáo vừa mới có chồng. Nét mặt Cô bầu bĩnh rất phúc hậu. Mấy đứa con gái ở cuối lớp thường nói Cô giáo đẹp và giống Phật bà Quan Âm. Lúc bấy giờ tôi thật tình không biết Phật bà Quan Âm là ai nên cắc cớ hỏi lại: “Làm sao mấy bà biết Phật bà đẹp?”
- “Thì tao thấy người ta vẽ trên kiếng ở mấy tiệm bán đồ thờ đó.”
Một buổi sáng, cô giáo đang giảng bài Khoa học thường thức, đột nhiên có một người khách xuất hiện ở cửa lớp. Đó là một người đàn ông tuổi xuýt xoát với cô giáo trong trang phục một Hướng đạo sinh, áo sơ mi nâu, quần sọt màu xanh đậm, đội nón rộng vành có chóp nhọn, mang giày đi rừng, vai đeo tua, trước ngực đeo miếng chả màu xanh giữa là một loại hoa gì đó màu đỏ sau này tôi mới biết đó là hoa Huệ hay còn gọi là hoa Bách hợp. Hồi đó chúng tôi cho là một hình ảnh rất đẹp của một người thanh niên. Hầu hết chúng tôi đều muốn trở thành một Hướng đạo sinh nhưng không biết đến bao giờ mới đạt được ước nguyện. Hôm nay đột nhiên hình ảnh đẹp đó xuất hiện ở lớp học này.
Trong phần giới thiệu, Cô giáo cho biết đây là anh Phương một huynh trưởng Hướng đạo sinh đang muốn thành lập một đoàn hướng đạo sinh và kêu gọi chúng tôi tham gia. Sau đó anh Phương giải thích cho chúng tôi một số hoạt động của tổ chức Hướng đạo trong đó có nói tới những chuyến đi cắm trại trong rừng, hay làm công tác xã hội như giúp đồng bào nghèo, đào mương, dọn rẫy vv… Hầu hết cái đám con trai thích quá, ngồi không yên, nhổm lên nhổm xuống vừa ngắm anh huynh trưởng hướng đạo vừa hỏi han tưng bừng. Mấy đứa ở bàn đầu như mọi ở trong rừng ra thấy cái gì cũng hỏi. Đứa thì hỏi “Cuộn dây này để làm gì vậy anh?” đứa thì chỉ hoa bách hợp hỏi hoa gì. Có đứa ngu quá, cái tua vai mà không biết, lại hỏi: “Cái lòng thòng đó là gì vậy anh”. Anh Phương có vẽ như kinh ngạc nhìn thằng nhóc vừa hỏi, nhưng anh bình tĩnh trở lại và trả lời khi thấy nó chỉ lên vai anh chứ không phải nơi nào khác. Cuối cùng anh hẹn chúng tôi sáng Chủ Nhật sau đó đến Sở Thú để ghi tên tham gia.
Tối đó tôi xin phép ba má tôi cho tôi vô Hướng đạo, may quá ông bà đồng ý liền. Ông già còn nói: “Cứ cho nó vô “s’kút” (scout = hướng đạo sinh) để tập sống có kỷ luật, học hành cho đàng hoàng, ở không lêu lỏng, nguy hiểm”. Hồi xưa đa số mấy người lớn tuổi tin tưởng vào các tổ chức thanh thiếu niên như là hướng đạo Việt Nam, hướng đạo Pháp tại Việt Nam, Học sinh đoàn của các trường học người Hoa Kiều trong Chợ Lớn.
Sáng Chủ Nhật. Tôi phải nhờ một thằng bạn ngồi gần bàn chót cho tôi “quá giang” đi Sở Thú với nó bằng xe đạp. Tới nơi chúng tôi không màng cái chuyện đi xem thú mà chạy kiếm anh Phương để ghi tên gia nhập. Sau khi ghi tên gần hai chục đứa chúng tôi, anh Phương bảo chúng tôi ngồi xuống đất thành vòng tròn, hướng dẫn chỗ mua quần áo, giày, nón, ba lô và các vật dụng khác như dao đi rừng, dây, gậy. Tất cả những thứ lỉnh kỉnh này đều được bán trong Khu Dân sinh và sau này má tôi đã dẫn tôi đi mua không thiếu một món. Anh Phương đã chỉ cho chúng tôi xem các hướng đạo sinh cũ đang sinh hoạt. Tôi thấy có cả những em nhỏ trai và gái mặc áo xanh nhạt đội bê rê màu xanh đậm rất đẹp mắt. Đặc biệt ai cũng đeo một cái khăn quàng màu xanh nhạt có viền màu hồng nhẹ. Anh Phương cho biết nhóm trẻ em này là những Sói con, một cô ngồi phía xa đằng kia là chị Bầy trưởng. Tôi chợt nghĩ ra đã gọi là sói thì tổ chức phải chia theo bầy, theo đàn. Tất cả mọi người ngồi vòng tròn thành từng toán khoảng mười người đang thảo luận gì đó. Tôi thất thích cái không khí sinh hoạt như vậy. Tôi có hỏi anh Phương về vụ chiếc khăn quàng, anh cho biết phải 3 tháng sau chúng tôi mới được trao khăn trong một lần đi cắm trại. Chúng tôi đều có ý nghĩ việc tham gia vào tổ chức hướng đạo sinh này có một cái gì đó vô cùng long trọng.
Thế là chỉ một tuần sau, đúng tám giờ sáng ngày chủ Nhật, một đám học trò lớp Nhứt trường Chợ Quán đã gọn gàng trong trang phục hướng đạo sinh. Cũng áo nâu có cầu vai, quần sọt xanh, mũ chóp nhọn có 4 múi lõm, giày đi rừng coi bảnh bao lắm.
Sau buổi sinh hoạt đó, cứ mỗi sáng Chủ Nhật, chúng tôi lại đến Sở Thú để học tập tất cả mọi vấn đề liên quan đến đời sống một hướng đạo sinh. Chúng tôi cũng phải học nhiều thứ tuy rằng không giống các môn ở nhà trường nhưng cũng khó “nuốt” như học luật hướng đạo, thắt nút dây, học cách thông tin liên lạc bằng còi, bằng đèn, bằng khói hiệu, và khó nhất là bằng cờ theo kiểu lính Hải quân Pháp thời đó.
Trong mười điều luật của Hướng đạo sinh có điều thứ sáu là: Hướng đạo sinh phải thương yêu loài vật và cây cỏ. Điều này đã làm cho những khối óc nhỏ xíu của chúng tôi phải làm việc dữ dội. Chúng tôi được khuyên không nên chơi dế. Cho dế đá với nhau lại càng không tốt. Cứ để cho dế ở ngoài bụi cỏ, bờ ruộng gáy cho vui tai. Lần đầu tiên trong đời chúng tôi được học… Luật, cho nên những gì liên quan đến những sinh hoạt hằng ngày chúng tôi đều xem có vi phạm luật hay không, và luật ở đây chỉ là Luật Hướng đạo.
Trong lớp học mấy đứa ngồi ở bàn chót có một môn chơi rất độc đáo. Cứ đến giờ ra chơi chúng nó bu lại hò reo inh ỏi. Hóa ra chúng nó đang chơi đua… rệp. Chúng nó bắt rệp ở kẹt bàn, chân ghế, những chỗ ráp mối giữa bàn với chân và ở hai bên hộc bàn. Chỉ việc lấy cây chưn nhang chọc vào kẻ hở khều khều một chút là có ngay. Có khi khều lần đầu tiên, hai ba con rệp chạy ra ngờ ngờ, mặc sức mà bắt. Có đứa đem từ nhà tới, đựng trong hộp quẹt hay bao giấy xếp thành hộp, có để lỗ thông hợi cho rệp… thở. Một cuộc đua chỉ được thực hiện với hai con rệp. Đường đua được xếp bằng ba cây thước tạo thành hai đường chạy. Mỗi đứa đè con rệp bằng ngón tay trỏ ở đầu đường chạy. Một thằng đếm tới ba, chúng thả tay để cho rệp chạy về phía trước. Mức đến là cuối đầu kia cây thước. Con nào về mức trước thì chủ nó ăn một ly nước đá nhận. Rệp chạy trong tiếng reo hò, cổ vũ của khán già. Có khi vì la to quá rệp cuống cuồng quay trở lui. Chủ nó chận lại cho quay đầu “chữ U” chạy về phía trước đến khi cán mức ăn thua.
Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng đua rệp sẽ không vi phạm Luật Hướng đạo.
Mỗi đứa trong chúng đều có một cuốn sổ ghi “việc thiện” mà chúng tôi đã làm được. Sổ “việc thiện” để ghi những việc tốt, như giúp đỡ cha mẹ, ông bà, hàng xóm, láng giềng. Mỗi tháng anh Phương khám sổ việc thiện một lần. Có lần anh Phương thấy bốn cuốn sổ của bốn đứa ghi giống nhau: “Giúp má thằng Sơn tắm heo”. Anh Phương ngạc nhiên hỏi: “Ủa, má em Sơn tắm heo làm gì phải cần đến bốn em giúp lận”. Mấy đứa nhao nhao lên: “Dạ tụi em mỗi đứa làm một việc” Rồi một đứa nói: “Em vịn cái đầu con heo”, đứa khác: “Em nắm đuôi”, thằng tiếp theo: “Em bợ đít con heo”. Anh Phương nghĩ tụi nó xạo và đã hết ý, nên hỏi đứa sau cùng: “Còn em?”. Nó trả lời liền: “Da, em gãi lưng nó”. Anh Phương lại thắc mắc: “Chỗ đâu mấy em đứng để nắm, để vịn, để gãi lưng con heo?” Cả bốn đứa trả lời một lượt: “Có bốn con heo mà anh!”
Hai ngày sau, anh Phương trên đường đi công việc, ghé thăm ba má thằng Sơn thấy bốn con heo giống mà ba má Sơn mới mua về nuôi còn ở dạng “cochon de lait” bây giờ gọi là heo sữa... Tuy vậy anh Phương cũng không nói gì với những nhà làm việc thiện đã giúp đỡ má Sơn trong công việc tắm heo, mà chỉ nhắc nhở chúng tôi không được gọi nhau bằng “thằng” kể cả khi viết vào vở hay ghi trên giấy, bởi vì gọi nhau bằng “thằng” sẽ không có civilization, tức là không văn minh.
Thời gian qua mau, lật bật tới lúc chúng tôi được phép đeo khăn quàng.Anh Phương cho biết lễ trao khăn sẽ được tổ chức tại một buổi đi trại trong ngày tại Lái Thiêu. Một ngày Chủ Nhật, chúng tôi, bốn tiểu đội gồm những tân binh của trường chúng tôi và những tân binh trường bạn, anh Phương làm trưởng đoàn lên đường đi Lái Thiêu bằng xe đạp. Thật là thú vị, chúng tôi lúc bấy giờ mang đầy đủ hình ảnh một hướng đạo sinh. Ngoài áo quần và nón đặc trưng của dân hướng đạo, chúng tôi còn phải mang ba lô, gậy cá nhân, dây thừng cuộn lại theo hình dáng của đòn bánh tét đeo lủng lẳng bên hông, “bình đông” nước. Anh tiểu đội trưởng, người của anh Phương đưa xuống để nắm các tiểu đội tân binh, có đem theo cả rìu và xẻng. Anh tiểu đội trưởng này, cũng như 3 anh tiểu đội trưởng của ba tiểu đội kia, lớn hơn chúng tôi chừng một hay hai tuổi thuộc liên đội khác được anh Phương điều xuống hướng dẫn chúng tôi sinh hoạt.
Qua khỏi Lái Thiêu, rẻ vào một khu vường cao su rợp bóng mát, chúng tôi dừng chân ở một khoảng đất chuẩn bị cắm trại. Bốn tiểu đội phân tán ra bốn khu đất bằng phẳng để căng lều. Lều là một tấm “tăng”bằng vải bố rất dày bề ngang khoảng ba mét, bề rộng khoảng bốn mét. Bốn góc được nối vào dây thừng, đầu kia cột vào những gốc cây cao su gần đó, ở giữa được chống lên bằng hai cây gậy cá nhân của chúng tôi mang theo. Thế là căn lều đã hình thành. Chúng tôi không ngờ căn lều có thể chứa được dễ dàng mười đứa con nít chúng tôi. Anh tiểu đội trưởng cũng bảo chúng tôi đào mương chung quanh căn lều phòng khi trời mưa nước từ trên mái lều chảy xuống đường mương và thoát đi chỗ khác, không chảy ngược vào bên trong căn lều. Chúng tôi cũng được lệnh của tiểu đội trưởng cho đào một cái hố xí để sử dụng. Ngoài ra chúng tôi còn phải đào một hình chữ thập bề rộng các khe khoảng hơn một tấc, mỗi nhánh chữ thập dài chừng bốn tấc. Đây chính là ông táo để nấu ăn. Cái nồi để ngay chính giữa hình chữ thập, còn củi thì được châm vào bốn nhánh.
Trước đây chúng tôi chưa bao giờ phải làm việc nhiều và vất vả đến như vậy. Tuy nhiên chúng tôi thấy rất thích thú vì đã tạo ra những tiện ích trong hoàn cảnh thiếu thốn để cho chúng tôi sử dụng.
Cơm nấu gần xong củi lửa đã lấy ra gần hết, nồi cơm còn ngồi trên ông táo đưới bóng nắng lổ chổ xuyên qua những tàng lá cây cao su. Bỗng nhiên đội bạn ở lều bên cạnh kéo ra bãi đất trống bên kia lối đi để đá banh và gọi chúng tôi cùng tham gia. Thế là cả đám chúng tôi túm tụm đuổi theo trái banh hết bên này sang phía bên kia dưới trưa nắng không có bóng cây vì là bãi đất trống.
Một lát sau chúng tôi nghe anh Phương thổi còi tập họp. Chúng tôi tan hàng đội nào về lều nấy. Về gần đến lều chúng tôi nhìn về phía nồi cơm đã nấu lúc nãy nhưng không thấy đâu cả. Nơi chúng tôi đào lỗ làm ông táo tự nhiên xuất hiện một bầy dê khoảng năm, sáu con đang chùm nhum vào một cái gì đó, và chúng tôi chợt phát hiện ra cái gì đó là nồi cơm đã nấu chín. Chúng tôi chạy ào tới hò hét đuổi bầy dê nhưng chúng cứ đứng dồn cục không nhúc nhích. Không đứa nào dám lượm gạch đá để chọi vào những con dê đáng ghét vì sợ vi phạm điều luật hướng đạo: “Hướng đạo sinh phải thương yêu loài vật và cây cỏ”. Sau cùng có đứa lấy nhánh cây cao su chọc vào những cái mông ngoan cố của đàn dê và chúng đã chạy tán loạn để lại cái nồi cơm nằm nghiêng ngửa, bên trong cơm còn lại khoảng một phần ba nồi. Phải mất chừng mười phút tranh luận xem có nên ăn phần cơm còn lại sau khi dê đã bỏ đi. Có đứa nói ăn cơm của dê coi chừng bị lây bệnh…dê. Đứa khác nói dê ăn cũng như người ăn, mà bầy dê này có nhiều con đực, chắc là mình ăn vô sẽ mạnh lắm. Ý kiến sau cùng là phải ăn vì không còn cái gì khác để lót những cái bụng trống trơn từ sáng đến giờ. Một điều may mắn là anh đội trưởng đã ngoại giao một đội bạn có cơm dư nên chúng tô chia nhau cũng được một chén…
Sau đó, lễ trao khăn đã được diễn ra rất nghiêm chỉnh dưới những tàng cây râm mát của rừng cao su. Từng đứa trong chúng tôi, quần áo gọn gàng, lần lượt được gọi lên đứng trước mặt anh Phương đọc lớn mười điều luật hướng đạo, ba điều hứa và ba đức tính của một hướng đạo sinh. Anh Phương lấy chiếc khăn quàng màu xanh da trời từ cái khay do anh đội trưởng đứng cầm bên cạnh đó quàng vào cổ anh chàng vừa mới trả bài. Nút thắt là một cái khâu làm bằng sợi mây luồn vào hai đuôi khăn quàng đẩy lên tận cổ trông rất đẹp. Anh Phương nói: “Từ nay em là một hướng đạo sinh thực thụ. Em phải noi gương các anh hướng đạo sinh khác để làm việc và học hành thật giỏi.” Rồi anh đưa tay trái ra bắt tay cậu bé. Anh chàng tân hướng đạo sinh này đứng nghiêm đưa ba ngón tay lên mũ chào và quay trở lại đứng vào hàng.
Lần lượt đến những đứa khác và khi cho đứa sau cùng trở về hàng, anh Phương giơ tay vỗ vào miệng nghe oa oa mấy tiếng tức thì tất cả mọi người đồng loạt vỗ tay vào miệng oa oa vang đội. Đây là cách hoan hô của hướng đạo sinh.
Từ khi vô hướng đạo sinh tôi học hành chăm chỉ hơn vì đứa nào cũng sợ cô giáo mét với anh Phương là tụi này lười học, nhờ đó cuối năm tôi được lãnh thưởng, được miễn thi Tiểu học và sau cùng tôi trúng tuyển kỳ thi vào lớp Đệ thất trường trung học Pétrus Trương vĩnh Ký, hồi đó gọi là Lycée Pétrus Ký.
Tới đây tôi đã thực sự bước vào giai đoạn mới, một quảng đường được rèn luyện gian truân để trở thành người lớn tại một ngôi trường nổi tiếng nhất Sài gòn thời đó. Những cung đường tuổi thơ đã đi vào kỷ niệm nhường chỗ cho những xa lộ kiến thức lớn hơn, sâu hơn và tôi phải chuẩn bị cho mình một tư thế sẵn sàng đón nhận.-/.