(Nhớ N.V.S)
T
ôi có một người anh em bên họ mẹ, chúng tôi thường nói chuyện với nhau về con người. Anh sinh năm 1937, sau tôi một năm, thế mà cho tới khi qua đời, năm 2003 (66 tuổi), vẫn thích rong chơi. Anh là con trai trưởng, có ba em gái và một em trai út. Trong số này, cô em gái kế và cậu em mắc bệnh tâm thần.Nhưng không phải vì chuyện này mà anh không tính đến việc lấy vợ, cho dù mẹ anh rất đỗi buồn phiền về chuyện vợ con của anh. Thời trước, anh là đại úy trong ngành Tâm lý chiến, công tác tại một đơn vị Bộ binh ở Đà Nẵng. Có một lần tôi đi công tác ra ngoài này, có ghé anh chơi. Anh rủ tôi ra Huế để thu âm một chương trình của đơn vị mình. Anh lái chiếc xe jeep, chạy tốc độ nhanh lúc qua đèo Hải Vân. Tôi thì hoảng, song anh vẫn thản nhiên, bảo “cậu đừng sợ”. Sau ngày 30.4.1975, anh ở tù vài năm. Khi về nhà, anh lao động nặng giúp mẹ và các em. Sau giờ làm, anh lại vội vã dắt xe ra khỏi nhà, đến một nơi như là điểm hẹn với mấy người bạn tâm giao, ngồi uống cà phê và chơi cờ tướng. Một lần tôi đến nhà, mẹ anh, lúc đó đã 80 tuổi, kéo tay tôi bảo ngồi xuống ghế để bà nói chuyện. Tôi biết, với bà thì chỉ có chuyện về cậu con trai trưởng của bà thôi. Thấy tôi cười, bà có vẻ thích nên nói ngay chuyện lấy vợ của anh. Bà nhờ tôi “khuyên bảo”, có cô ấy cô nọ, nghề nghiệp, gia thế gia đạo đàng hoàng, theo mẫu mực tôn giáo, nghĩa là nhà ấy có con gái đi tu, ở Dòng ấy, Dòng nọ hoặc con trai làm linh mục. Bà bảo, “nó” cũng biết “cô ấy”, mà “cô ấy” cũng bằng lòng “nó”. Tôi vâng lời, nói lại câu chuyện cho anh nghe. Nhưng, anh chỉ “bàn ra”, không nói gì đến nghề nghiệp, gia thế của “cô ấy”. Anh không quan tâm đến chuyện bên ngoài. Chỉ có một lần anh nói, “nếu thiên hạ đã hỏng thì mình có thể xây dựng những đứa con của mình theo cái lối của mình…” Tôi mừng thầm, tưởng anh đã…siêu…lòng. Nhưng không, cái thú thong dong, không ràng buộc chiếm trọn con người anh. Mà đấy không phải anh tự chọn cho cuộc sống của mình trong lúc thời thế đổi thay và sau mấy năm nếm mùi lao tù, vì lúc còn nhỏ ở quê, anh là một cậu bé trong làng, cả xóm trên xóm dưới, không ai là không biết đến cậu. Cậu chơi đủ trò, trêu trọc người này người kia. Cho nên, theo tôi cái “không ràng buộc” nơi người anh em này, có tính bẩm sinh của nó. Lớn lên ở trong Sài-Gòn, được bố mẹ thương yêu, chăm lo việc học. Tôi không rõ từ lúc nào, anh đã tìm đến tư tưởng triết Đông phương, đặc biệt với Lão, Trang. Chúng tôi cũng thường trao đổi với nhau về tư tưởng này. Có lần anh nói, đàn bà “duy lợi”, như một lý do anh không lấy vợ, sợ mất cái “nghĩa”. Đấy chỉ là một ý tưởng không phải đúng cho tất cả. Trong lịch sử, không thiếu những người bàn bà “duy nghĩa”. Bát cơm “Xiếu mẫu” của bà cụ giặt sợi bên sông là một điển hình của một tinh thần “duy nghĩa”, trở thành một điển tích văn học từ bao đời nay, kể về thuở nhỏ nghèo của Hàn Tín. Một hôm, Hàn Tín xách cần câu đi ra bờ sông câu cá. Một bà đang ngồi giặt sợi bên sông, thấy Hàn Tín bộ dạng nghèo, mệt mỏi, đói. Bà bèn dắt Hàn Tín về nhà mình, cho Hàn Tín ăn cơm “suốt mấy mươi ngày”. Tín nói với bà: “Thế nào tôi cũng đền ơn bà xứng đáng.” Bà giận, nói: “Kẻ đại trượng phu không có thể nuôi nổi thân mình, tôi thương cậu nên mời ăn, chứ có phải mong cậu báo đáp đâu?” (Theo Sử ký Tư Mã Thiên)
Tư tưởng Lão, Trang phảng phất qua hình ảnh anh. Ngày được tha về, anh đến tôi ngay, rất vui vẻ, thản nhiên như thể mấy năm trong tù là mấy năm anh đi dong chơi, hoặc đi công tác xa, giống như thời anh ở trong quân đội vậy. Trông anh lúc nào cũng tự tại, không chấp nhận mà như chấp nhận một thể chế chính trị mới, một xã hội mới sau ngày 30 tháng 4, 1975. Những năm trong trại tù, anh bảo anh vẫn thấy mình tự do. Nhưng cũng có câu tôi muốn ghi lại ở đây để gọi là “trọn tình anh em trong nhà”, một thái độ, một lập trường của một thanh niên, một người “bạn” cùng thời với mình. Anh nói: “Không cần phải chống đối “nó” vì sớm muộn gì “nó” cũng “tiêu”.
Một đặc điểm khác của người anh em này là cung cách trong lao động của anh. Suốt mấy năm trong trại tù, có lẽ anh đã trải qua những công việc nặng, nếu không nói là “khổ sai”, trong lúc đó lương thực hàng ngày không thể có như ở nhà mình đã đành, mà còn thiếu chất dinh dưỡng trầm trọng. Nhưng với anh, hoàn cảnh đó đã tôi luyện, đã uốn đúc anh với thân hình gầy còm, mỏng manh trở nên cứng như thép. Ngược lại, tính tình anh lại dịu dàng, uyển chuyển, bao dung và quên mình trong việc phục vụ gia đình và giúp đỡ bạn hữu trong các việc nặng nhọc. Chẳng hạn, khi đi mua một cây gỗ 3x5cm, dài hơn 3m, thay vì chở bằng xích lô hay xe ba gác, thì anh mang nó trên vai, tay phải giữ cây gỗ cho thăng bằng, còn tay trái cầm ghi đông xe đạp, đi từ cửa hàng bán gỗ về nhà, cách khoảng hơn nửa cây số, qua mấy con đương đông người và đi vào một ngõ hẻm. Vậy mà, ngay lúc sau đó, anh vẫn ung dung, không lộ ra sự mỏi mệt nào.
Một người anh em khác của chúng tôi, làm ăn thiếu sự rõ ràng, đối với tôi thì không thể chấp nhận được. Nhưng anh bảo: “Cái thời của nó thế thì mình phải thế nếu muốn ló mặt ra.” Cái thời nói ở đây là lúc xã hội cho người dân làm ăn theo chủ trương “ba lợi ích”, trước khi “đổi mới tư duy” về kinh tế vào năm 1986. Như vậy, về mặt giao tế, anh “dịu” hơn tôi. Cũng có thể nói là anh “khôn ngoan” hơn tôi.
Về chuyện đời người, anh cho rằng các bậc thánh hiền phương Đông đã đặt nền móng, giải quyết nổi vấn đề nhân sinh trải qua cả ngàn năm. Tôi chỉ chấp nhận một phần quan điểm này của anh. Và cũng hiểu, phương Đông anh nói đến ở đây, giới hạn trong khu vực Ấn Độ và Trung Hoa. Do thái giáo cũng xuất hiện ở phương Đông từ thế kỷ 18 trước công nguyên, đối chiếu với Á châu là lối 2200-1700 Nhà Hạ. Các bậc thánh hiền của phương Đông mặc dù đã giải quyết nổi vấn đề nhân sinh, nhưng không triệt để, không thẩm thấu được vào cõi u uẩn của con người. Như Khổng Tử nói đến niềm tin. Người mà không có niềm tin thì không biết làm được điều gì (Luận ngữ). Còn Mạnh Tử thì cho rằng cứu thiên hạ cho khỏi loạn, thì cần đến đạo. Nhưng, niềm tin và đạo theo Khổng Tử và Mạnh Tử chỉ là ý niệm, các ngài không đi xa hơn được, không vượt được cái giới hạn của con người, tuy rằng, cái đạo mà Mạnh Tử nói đến, từ xưa đến nay, người ta vẫn hiểu đó là thiên đạo, được diễn tả rút gọn là “thuận thiên” thì sống, “nghịch thiên” thì chết. Đó là Đạo Trời. Người nào thực hiện được cái đạo “làm người” đã là cao quý, lại theo được “đạo trời” nữa, thì thiên hạ tôn lên bậc thánh hiền.
Chỉ có Kitô giáo là đã giải quyết vấn đề nhân sinh được cả hai chiều dọc và ngang, biểu tượng là thập giá. Vì thế, triệt để nhất. Triệt để đến nỗi Đức Giêsu Kitô chấp nhận cái chết trên thập giá như một tội nhân thật sự. Và từ đó đến nay, đã hơn 2000 năm, Kitô giáo đã có không biết bao nhiêu tín hữu đã chấp nhận cái chết như Thầy Giêsu, Chúa của mình, để làm chứng cho niềm tin, làm chứng cho đạo của mình là Đạo thật.
Tiếc rằng, người anh em của tôi, lại không nặng tình với Kitô giáo như anh đã mặn mà với đạo học phương Đông.-./.