Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


KHẮC KHOẢI TIẾNG CHIM



      
M ây hôm nay hay mây của ngàn năm trước, đi về đâu, chốn nào là nơi trú ngụ. Có chăng cho bến bờ neo đậu.

Tôi đưa mắt nhìn lên khoảng trời khuya huyễn hoặc, nơi ấy chỉ có những vì sao hiu hắt. Tôi cố tìm ba vì sao riêng lẻ để thầm đoán định cho một thân phận,cho mỗi một đời người… Ngôi nào cho anh Nghiễm tôi, ngôi nào là của Ngọc Hà em tôi, và ngôi nào là của tôi sở hữu,. Khốn nạn! cả bầu trời bao la kia cũng chỉ là những con mắt hấp háy tật nguyền cứ nhìn xuống tôi nhạt nhoà khi mờ khi tỏ giấc mơ tôi cứ trôi dập dềnh trên bọt sóng mơ hồ xa tắp, Tôi đưa tay níu lấy những vầng trăng, sự hào phóng của đất trời ban phát.Nhưng kìa! trăng cũng chỉ là chút ánh vàng ngoắc ngoãi thả trôi dật dờ theo sông chiều ngáp ngũ.

Hai mươi năm rồi còn gì. Hai mươi năm tưởng xa mà gần, tưởng gần mà xa. Ôi… cuộc đánh tráo ngoạn mục trên dòng nước xiết. Một tiếng chim đêm vừa rúc lên đâu đó ở góc trời xa. Tôi vốn sợ tiếng chim kêu lẻ. Sao không là đàn chim thiên di kia. Trên đôi cánh mõi mòn u oãi, chúng cắt qua biển rộng, cắt qua sông dài gió chướng cho cuộc trú đông dặm ngàn lữ thứ. Mỗi năm chỉ một lần như thế, một lần thôi, rồi cũng phải gọi nhau quay về chốn củ ? ! . Quay về để viết tiếp bản tình ca loài giống. Bản tình ca ấy , lệ tộc ấy được viết lên bằng cả máu, còn tôi thì sao ? … Ngày tôi bỏ quê, bỏ làng bỏ dòng sông bờ duối ra đi, tôi trốn ai đây tôi tìm gì đây. Phải chăng tôi trốn tôi hay trốn cái bóng của chính mình, cái bóng của ngoại, cái bóng của mẹ,những cái bóng ấy chã lẻ cứ hắt mãi xuống trăm năm. Sao tôi phải ghì giữ làm gì giấc chiêm bao khi mình đang thức. Nhiều đêm tôi đã tự hỏi thầm mình như thế, để rồi chỉ biết đưa tay bấu chặc lấy tóc mình cắn lấy tay mình mà cười lên ràn rụa.

Đêm tháng tư vô cảm anh Nghiễm nhìn tôi, tôi nhìn ra dòng sông bèo bọt ánh vàng trăng. 

Có thể cụ cố tôi sai lầm, ngoại tôi sai lầm, mẹ tôi sai lầm. Và cuối cùng là ba anh em chúng tôi sai lầm ! ? . Mẹ nắm cái bóng của ông ngoại một cụ đồ nho mẫn thế, để rồi ba anh em chúng tôi lại ràn rịt nắm chặt cái bóng của mẹ.Chỉ có cậu Sĩ là quá khôn ngoan, đứng ngoài tất cả những cái bóng ấy mà thành công chăng? Thành công cả những điều vặt vạnh tép tôm.

Năm 54 đất nước tạm cắt đôi. Cậu Sĩ có mặt trong đoàn quân cuối cùng xuống tàu tập kết ra bắc.Trên một cơ thể sống có hai nguồn máu, một đen một đỏ vẫn cứ luân lưu hoài chảy để biết bao người mẹ phải mõi mòn đợi con, chị thấp thỏm ngong ngóng tin em về. Hai mươi năm đoạn đành chia cắt tình nhau. Ngày miền nam hoàn toàn giải phóng. Đùng một hôm cậu Sĩ trở về, cậu về trong chan hoà lệ chắc, cậu về với chiếc bị  nãi bạt màu cứt ngựa trên vai.Mẹ ôm cậu khóc, Hà em tôi cũng khóc. Cậu cười vỗ vai mẹ:

-Thôi chị… ổn rồi, đừng khóc nữa thống nhất rồi độc lập rồi, công bằng văn    minh rồi, không ai chia lìa được chị em mnìh nữa đâu.

Lời nói nghe ngọt ngào khôn xiết.

Suốt ngày mẹ líu ríu bên cậu bên mợ, không đoái hoài về chuyện ruộng nương. Cậu Sĩ hết trầm trồ khen đàn gà nun núc béo mập sau vườn, lại nhìn lũ chép mang vàng quẫy trừng trên mặt nước ao sâu, cậu luôn miệng soa tay ao ước. trong khi bà mợ theo cậu giới thiệu với mẹ- Mợ là người rặt dòng chính phái danh gia đạo hạnh mười đời gốc Hải Dương. Mợ  thường đứng hàng giờ chép miệng, chặc lưỡi, vuốt ve thao thiết bộ ngủ sáng óng bằng đồng nguyên, đang đặt thờ trước di ảnh của ông bà ngoại. Hôm cậu mợ về lại bắc, mẹ đóng cẩn thận cả chiếc bộ ngủ vào chiếc thùng to tướng cho cậu. Mẹ nói:

- Thôi cậu cứ mang về ngoài ấy mà làm quà.

Mợ vui quá chừng cậu vui quá chừng:

-Lần này vợ chồng em chỉ về phép thôi. Cụ thể xem nhà mình ai còn ai         mất.Lần sau về chúng em ở hẳn bên chị.

Mẹ xoắn lấy vạt áo cậu cuống cuồng hải sợ. mẹ sợ một lần nữa hạt máu thiêng  của cậu không khéo lại rơi vãi đâu đó bên góc đường bám bụi.

Cậu đi rồi.Ở đây mẹ tính từng ngày mong ngóng. May cho mẹ thực. Chưa đủ mười ngày cậu đã quầy quã quay về. Lần này cậu quay về như thể cuộc dời đô với đầy đủ bầu đoàn thê tử. Mẹ có cảm tưởng ngôi nhà rường trăm năm của ngoại giờ đây chim chóc đang rủ nhau bay về đông hơn, ríu ríc lót tổ trong các ống ghè nóc ngói.

Ma Nương quê tôi. Nét chơn chất thiệt thà cố cựu như bao làng quê khácnằm kề bên phố thị, chơn chất như nhũng cánh chuồn nâu chao vẽ trên mặt nước sông chiều, báo hiệu cho những hạt mưa thơm đang chuyển về. Một hôm cậu Sĩ thỏ thẻ nói với mẹ tôi:

- Chị à! Đất nước ta đổi mới. Mình phải thực tế chị ạ

- Là sao hở cậu?. mẹ tôi hỏi

- Sân trước nhà Từ đường mình đây rộng lắm, vườn cây đẹp lắm. Chị cho  chúng em mở cái quán sân vườn. Đôi khi cháu Hà… lại có thêm thu nhập mà học hành đến nơi đến chốn.

Vợ cậu Sĩ chế vào gợn trơn:

- Phải đấy chị. Dân quê mùa mà con bé cũng đẹp đáo để nhẽ.

Nghe cậu nói thế mẹ vui mẹ mừng. Nhưng thãn hoặc, có một cái gì đó như đang rình rập mẹ, các con mẹ.

Đêm chủ nhật. Ngọc Hà em tôi đang ngồi học bài ngoài hiên sau, nơi ấy trước đây vốn là kho chứa lúa của ngoại, năm 68 bom napal đánh sạt đi một góc tường. Trông cậu sĩ nhớn nhác như con gà mắc đẻ giữa trưa. Cậu thở hùn hục dúi vào tay em tôi năm ba tờ giấy bạc, hổn ha hổn hển giục

- Này cháu… Cháu mau mau ra giúp cậu với. Có khách sộp ở phố về xe con. Ông ta là thủ trưởng của cậu của mợ đấy. Ông ta chỉ ham tiếp viên trẻ trẻ như cháu thôi hà.

Hà em tôi. Nó đủ khôn đủ hiểu để đoán điều nghiệt dữ một ngày nào đó rồi cũng sẽ đổ ập lên đầu em. Thế nên, em luôn thủ sẳn cho mình một tư thế đối mặt, một thứ vũ khí bản năng. Bản năng của con thú tật nguyền một khi bị dồn vào góc chết. Hà, em tôi thét lên đứng phắt dậy, chộp vội nắm bạc vo vụn ném thẳng vào mặt cậu Sĩ. Em chạy băng qua hàng rào dâm bụt, chạy băng băng qua cánh đồng làng thơm dâng mùa ngặm hạt. Em chạy và chạy như một kẻ mộng du, hai tay cứ đưa lên chấp chới xiêu xiểng như một cánh chim tật nguyền. Tiếng thét em cứ u u lan mãi lan mãi, cứa vào lòng mẹ tôi vào trái tim hổn hển của anh Nghiễm tôi và tôi. Tiếng thét em vón lại đông cứng, se thành những hạt máu bay lả chã rồi chợt bừng sáng lên rực rỡ bay cùng khắp trong ngôi nhà trăm năm của ngoại. Trong khi mắt cậu Sĩ cũng kịp lồi ra hai viên máu. Viên máu đỏ lòm lòm như hai viên đạn pháo chực bắn ra khỏi nòng đại bác.

Nhớ lại thời thơ ấu. Trên chiếc tràng kỷ gỗ gụ ngoại ngồi đọc sách, tôi thằng bé lên năm thích lạ gạ chơi đùa quanh ngoại, ngoại nắm tay tôi chỉ lên tấm kính giữa nhà, bên trong lồng tấm lụa vàng. Ngoại bảo:

- Chữ Nhân đấy, chữ Tâm đấy con ạ.

Tôi lắc đầu cải lại ngoại.

- Không phải chữ đâu. Con chuồn chuồn trụi cánh, con cuốn chiếu lại gãy lưng ngoại vẽ không giống chút nào.

Ngoại vuốt râu cười:

- Ừa, tranh cũng là chữ, chữ cũng là tranh đó mà.

Ngoại thường doạ Hà mỗi lần em khóc nhè:

- Đứa nào ham khóc lòi rún ráng chịu, qua cầu dễ bị gió xô.

Hà ơi! Đó chỉ là chiếc cầu thứ nhất em vừa bước qua  thôi mà. Hãy cười lên đi em, sao em lại khóc. Em hkông nhớ lời ngoại dặn sao em. 

Sau nhát chém nghiệt dữ cậu sĩ sả xuống đầu em tôi. Một hôm mẹ quỳ dưới chân cậu Sĩ vừa khóc vừa lạy:

- Tôi xin lạy cậu. Kể từ nay xin cậu… tha cho mẹ con tui. Nay cậu về. Nhà từ đường này là của cậu, thờ cúng cha mẹ thế nào là tuỳ cậu. Riêng mẹ con tui…cái xẽo đất nhỏ ngoài bìa ranh kia, trước đây là chuồng trâu của cha, cậu cho mẹ con tui xin… xin ra che chắn ở đó. Mai tôi chết chúng nó cũng còn có chỗ mà thờ phụng cha nó.

Cậu Sĩ nhếch môi cười rìn rịn:

- Tuỳ chị. Ừ, cũng được thôi. Bốn mẹ con chị cứ tự nhiên vác cục vàng ròng có tên là Sĩ là Diện ra ngồi lếch ở đầu chợ phố kia mà rao mà bán đặng kịp đong gạo cho chúng…Còn cái thằng con trưởng của chị kia, điên chả ra điên, ngộ chả ra ngộ. Ngụy tất, cả một bày ngụy tất.

Cậu Sĩ chĩa tay vào mặt anh Nghiễm nghiến răng:

- Chính mày… chính thằng ngụy quan ô uế, thằng lính thuỷ đánh bộ này đây. Cha mày chết ở xó rừng là… là chính đạn của mày xối ra đấy. Phải không, liệu hồn.

Anh nghiễm mĩn cười. cái cười vô cãm trẻ thơ.

Cậu dịu giọng với mẹ:

- Chị nhìn em đây. Ngày xưa ông cụ bắt em học nháo nhào, thuộc nhứ nhừ cám heo, nào là Tam Tự kinh này, Tứ Tự kinh này, Minh Tâm Bửu Giám này, Ấu học tầm Nguyên này, cả Tề vặt luận nữa chứ… Suốt hai mươi năm qua em có dùng nó đâu. Em vẫn sống, vẫn đứng vững mà trở về đây mà phải không. Ăn thua là ta biết tuỳ thời ứng thế chị nhé.

Cậu Sĩ đọc một hơi dài, mẹ lắc đầu không hiểu. Cậu nhét vào cổ họng mẹ tôi những cục than hồng cháy đỏ, mẹ sặc sụa, mẹ rác bỏng, mẹ run rảy cúi lạy cậu Sĩ thêm ba lạy nữa, chân mẹ lũi xũi dứng dậy bước đi. 

Căn nhà mái tole của mẹ tôi cũng không đến đổi tệ lắm từ số tiền chắc cóp qua bao tháng ngày mõi mòn lam lủ kể từ lúc cha đi. Cha đi và mãi mãi mất hút sau rặng núi mờ xa, không bao giờ trở lại

Vâng. Chính căn nhà ấy đêm nay. Tôi thằng con lưu lạc trở về, ngồi tựa vào lưng anh tôi người anh nữa mê nữa tỉnh.

Chiếc cối đá cụ cội của ngoại nằm hoang hoãi dưới bờ ao cỏ lấp thuở nào. Anh Nghiễm cùng Hà em tôi hì hục lăn về. Hai anh em, một mê một tỉnh đêm đêm cười vui theo nhịp chày giã gạo - Cứ 4 giạ lúa nhận được nữa ký gạo 8 giạ lúa nhận được 1 ký gạo. Vậy mà vui.

Đời sống nông thôn giờ đã khác. Máy xay máy xát chạy rù rù suốt ngày thôi. Anh Nghiễm không còn được xây thuê giã mướn nữa. Nhớ chừng, cứ mỗi chiều chiều anh lại ngồi đờ đẩn ngồi thừ trên đầu cối, vốc từng nắm cát vụn bỏ lên sàng lại rồi đổ đi. Không ai dại gì đi tìm cho mình sự cô đơn đến vậy phải không anh Nghiễm? vẫn biết. Nỗi cô đơn nào cũng có bóng dáng của hào hoa và sáng tạo. là khúc biến tấu được vuốt lên từ phím tơ chùng ai oán mời gọi. Mời gọi thánh thần, mời gọi lòng yêu thương đại ngộ… tôi nhích lại gần anh Nghiễm, tựa lưng mình vào lưng anh, đưa mắt chới với nhìn ra dòng sông trước mặt. Dòng sông bèo bọt ánh vàng đưa.

Không là một con. Mà là đến hằng ngàn hằng vạn con… Những con chuồn chuồn nâu trụi cánh, cứ chấp chới cứ căng võng bay mãi bay hoài, bay suốt qua đầu tôi rã rượi… Ngộ thiệt./. 

· Một ngày bên chén rượu quê cùng Tư Rết




VVM.18.10.2024

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .