Bằng tất cả sự chắc chắn tôi đã làm mọi người ngạc nhiên khi họ hỏi lớn lên bé sẽ làm gì, tôi thường lập lại lời mẹ:
- Quyển sách sẽ nằm trong định mệnh của con!
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Không chần chừ, tôi đã chọn quyển sách, có lẽ vì nó lớn và có nhiều màu sắc.
Từ ngày ấy quyển sách trở thành món đồ chơi yêu thích của tôi. Tôi đã cầm, cắn xé và gặm nhắm dù mẹ cố tìm cách can ngăn. Khi bà giật ra được thì tôi la hét và khóc lóc cho đến khi quyển sách không trở về trong tay mình. Nhiều lần tôi gối đầu lên sách để ngủ và khi tôi thức giấc mẹ cũng không hay biết vì tiếng trở mình hay những tiếng ư ử trong cổ họng. Bà chỉ thấy tôi ngoan và yên lặng, ngồi trên giường lật từng trang sách miệng bi bô những lời chỉ có nghĩa với tôi và những con búp bê.
Ngày đầu tiên đến trường tôi mới biết là còn có những cuốn sách khác và đối với tôi thì đó là một khám phá thật diệu kỳ. Trong lớp tôi có một chiếc kệ trên đó có những quyển sách rất dày hay những xấp bản đồ để chúng tôi học về môn địa lý. Trên tờ giấy lớn có nhiều màu sắc khác nhau: blu của đại dương, màu nâu của dãy núi, màu xanh sậm là của các khu rừng còn màu xanh dương là của các dòng sông. Cô giáo giảng cho chúng tôi về tầm quan trọng của các dòng sông trong quá khứ, cô chỉ những đường vẽ ngoằn ngoèo, những khúc quanh, nơi đã có những nhóm người dừng lại để sinh sống và xây dựng nên thành phố.
Tôi là một đứa bé trầm tĩnh và siêng năng, tôi vui thích làm các bài tập ở nhà, trong tay tôi luôn có một cây bút chì và một quyển vở để ghi chép những điều thú vị mà tôi đọc trên trang sách. Còn ở lớp, cô giáo đã cuốn hút tôi khi nói về mặt trăng, cái vật bí ẩn xuất hiện mỗi lúc mỗi khác trên bầu trời; Có những đêm ta không nhìn thấy còn những đêm khác thì thấy nó to tròn và chiếu sáng.
Nhiều lần tôi tự hỏi là tại sao mặt trăng có hình tròn và tại sao chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một mặt của nó thôi. Tôi muốn biết cái mặt bên kia thế nào và hiểu là còn có nhiều điều mà mình cần phải học!
Những lưc rảnh mẹ thường ngồi bên cạnh tôi, bà giải thích các thắc mắc rồi nói cho tôi biết là con sẽ học được nhiều điều nếu chịu đọc sách, bà giúp tôi có thêm lý do để thoả mãn sự tò mò. Thế rồi khi lớn lên tôi thấy mẹ mình già đi, tóc bạc trắng, bà gầy yếu và khổ cực. Khi 15 tuổi tôi đã trở thành kẻ mồ côi. Chỉ lúc đó tôi mới hiểu là mình chưa bao giờ có một người cha. Thế mà trước đó tôi chưa bao giờ bận tâm về điều ấy.
Trước đây, mỗi khi nói với mẹ là những trẻ em khác hay nhắc về ba mình còn tôi thì chẳng biết nói gì. Mẹ cho biết là ba tôi đã phải đi làm ăn ở một nơi rất xa.
Tôi chỉ cần những lời ấy của mẹ nên cái người đàn ông đã sinh tôi ra chỉ là một bóng ma vô ích.
Mẹ mất, tôi chỉ còn lại một mình trên cõi đời và một cô giáo đã cứu giúp tôi, bà liên hệ và sắp xếp cho tôi sống trong một trường nội trú và xin cho tôi có được một học bỗng. Mục tiêu của tôi lúc đó là học để có thể được trợ giúp tài chính cho tới khi mình có thể đi làm.
Cuộc sống của tôi cứ thế trôi đi bình thản và êm đềm, đôi khi cũng có chút niềm vui. Tính tôi đơn giản nhưng cũng hay quan sát và học hỏi những tính cách từ người giỏi để hiểu hơn về cuộc sống.
Khi bắt đầu đi làm tôi hạnh phúc như thể đang bay lên mấy tầng trời! Tôi không dám nghĩ là mình có thể tìm được cơ hội tốt và phù hợp với mình hơn.
Một ngày, lật các trang báo, tôi biết là ở thư viện thành phố người ta đang cần một người làm công việc nghiên cứu. Đó chính là công việc mà tôi mơ ước nên trong cuộc phỏng vấn tôi đã tạo được nhiều ấn tượng, nhất là khi trình bày niềm đam mê đọc sách của mình.
Ngày nào tôi cũng đi làm thật sớm, đến thư viện trước khi cánh cửa lớn bằng gỗ mở ra và lúc đứng chờ tôi đọc vài trang trong quyển sách nhỏ mà trước khi ra khỏi nhà tôi đã bỏ vào túi áo khoác. Khi nghe tiếng chìa chuyển động trong ổ khoá, tôi lách mình bước vào và cảm thấy như ánh sáng tràn vào căn phòng đọc sách lớn có 4 bức tường lát bằng những tấm kính.
Ngay từ ngày đầu tôi đã chọn cho mình một chỗ ngồi thoải mái và có thể nhìn ra vườn cây rất rộng bao quanh thư viện. Trong khi đọc hay tham khảo các sách viết bằng tay từ các thầy dòng từ thời Trung cổ hoặc các bài viết hiện đại, tôi đều miệt mài ghi chú nên nhiều khi quên cả thời gian đã trôi qua.
Chỉ sau vài tuần là tôi đã chấm dứt công việc trước thời hạn và sau khi vui vẻ bàn giao tôi trở về nhà lòng có chút nỗi buồn vì vài ngày sau phải tìm một công việc khác. Nhưng vừa đi được khoảng 20 mét thì nghe có tiếng chân bước theo phía sau lưng và tiếng gọi của bác bảo vệ trong thư viện.
- Cô ơi, chậm lại, chờ một chút cô ơi! Ông giám đốc muốn nói chuyện với cô.
Lo lắng. Tôi xoay người quay lại. Khi bước qua cánh cổng lớn rồi theo cầu thang bước đến khu văn phòng. Có lẽ trong bản tổng kết vừa giao còn thiếu sót hay tôi đã sai lầm điều gì trong việc nghiên cứu dù đã thận trọng đọc lại nhiều lần mà không nhận ra?
Hít một hơi dài để trấn tĩnh tôi gõ cửa phòng giám đốc.
- Mời cô ngồi. Chiều nay cô hơi vội mà tôi lại cần trao đổi với cô về một đề nghị. Thực tình tôi rất quý trọng sự quan tâm, cẩn thận và một nghiên cứu đầy đủ mà cô đã thực hiện và phát triển. Tôi đã quan sát cô làm việc trong những ngày qua, luôn đến đúng giờ, thận trọng trong công việc, tập trung, không lơ đễnh, phần lớn thời gian dành cho việc tham khảo các thư tịch cổ và làm quá thời gian ký kết trong hợp đồng..
Hôm nay tôi muốn cảm ơn về những gì mà cô đã làm với sự chuyên nghiệp và với tất cả niềm đam mê, một tính cách khác với những bạn trẻ hôm nay mà tôi thường gặp, phần lớn chỉ làm lấy lệ, ngồi chờ cho hết giờ và luôn bận rộn với chiếc điện thoại di động. Còn khi trình công việc thì có nhiều thiếu sót, văn bản trình bày cẩu thả, viết sai ngữ pháp. Thế cho nên tôi thành thật ngợi khen cô và muốn hỏi ý cô là có đồng ý cộng tác vô thời hạn với chúng tôi trong vai trò điều phối các hoạt động nghiên cứu cho thư viện này với các thư viện trong thành phố hay không? Cô nghĩ sao về đề nghị này?
Tôi hầu như không tin ở tai mình khi nghe ông giám đốc nói! Nỗi vui mừng làm tôi cảm thấy mình như đang bay, tôi không ngờ là chính niềm đam mê đọc sách đã mang đến cho mình một công việc từ lâu mơ ước và may mắn thay đã gặp được một người đánh giá đúng khả năng.
- Cảm ơn ông giám đốc, tôi thật bất ngờ và vô cùng biết ơn ông đã đánh giá một cách tích cực về kết quả nghiên cứu mà tôi vừa thực hiện. Tôi rất vui và phấn khởi chấp nhận lời đề nghị của ông. Xin ông cứ cho tôi biết những điều cần thiết trong công việc và tôi rất cảm ơn nếu ông cho tôi những lời khuyên chân tình. Tôi xin nói để ông hiểu là ông có thể yên tâm, tôi sẽ cố gắng thực hiện công việc bằng cách tốt nhất có thể.
- Thưa cô, tôi không có chút nghi ngờ nào về việc tận tâm. Sáng mai cô quay lại đây để ký hợp đồng và tôi sẽ cung cấp cho cô tất cả thông tin. Chúc buổi tối vui vẻ.
Tại cổng vào thư viện tôi nhìn thấy bác bảo vệ, hai tay bỏ sau lưng đang đứng chờ mình. Nét mặt bác có vẻ lo lắng.
- Mọi chuyện ổn không cô? Tôi lo cho cô quá!
- Dạ tốt lắm. Tốt hơn mong đợi. Sáng mai mình gặp lại bác nhé.
- Tuyệt quá! Tôi xin chúc mừng cô.
Trên đường trở về căn hộ của mình tôi thấy lòng phơi phới, một điệp khúc của một bài hát cũ như đang vang vọng trong tai. Tôi muốn được nhảy múa.
Cũng như trong tất cả mọi công việc, tôi làm hết sức mình và phát huy nhiều sáng kiến mới. Thư viện đối với tôi không chỉ là nơi yên tĩnh cho các nhà nghiên cứu hay các người đọc sách mà còn phải là nơi gặp gỡ, trao đổi học thuật, nơi phát triển và thực hiện các hoạt động văn hoá cho nhiều tầng lớp và tuổi tác.
Tuy tiếp tục làm việc nghiên cứu và như một điều phối viên nhưng đồng thời tôi vẫn suy nghĩ và hoàn thiện các ý tưởng mới trước khi đề nghị cho ban giám đốc.
Chỉ sau vài tháng tôi đã yêu cầu một cuộc gặp để trình bày một ý tưởng.
Cơ hội đến với tôi khi một nhà sử học rất nổi tiếng về thời Trung Cổ đến Milano. Thư viện cần dành địa điểm, không gian, các phương tiện như micro... và tôi sẽ tình nguyện làm việc miễn phí để kết nối và tổ chức cuộc gặp này.
Ông giám đốc lắng nghe các đề nghị như bị cuốn hút và khi tôi dứt lời thì ông nhìn tôi với ánh mắt nghiêm nghị. Tôi hơi lo lắng cho đến khi nhìn thấy trên môi ông nở một nụ cười.
- Mà cô đã mất bao nhiêu thời gian để suy nghĩ về dự án này? Đây là một cơ hội tuyệt vời để đưa văn hoá đến gần mọi người. Ông giáo sư sử học này là một người thông thái và rất được kính trọng. Vậy cô cứ tiếp xúc với ông ấy để xem khi nào có thể tham dự để chúng ta tổ chức. Đã đến lúc cần mở rộng cửa thư viện để đưa vào một luồng gió mới. Ngay lúc này cô được quyền sắp xếp và nới rộng các liên hệ cần thiết. Chúng ta còn phải quảng bá cuộc gặp gỡ này qua các phương tiện truyền thông, chuẩn bị danh sách khách mời, kêu gọi các giáo sư và sinh viên tham dự... Nếu cô có ý tưởng nào khác về việc sử dụng không gian trong thư viện thì đừng ngần ngại cho tôi biết.. Chúng ta sẽ cùng xem và đánh giá trải nghiệm này, sau đó, nếu thành công thì chúng ta sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện khác. Tôi sẽ báo cho phòng kế toán chi trả cho thời gian làm việc ngoài giờ của cô cũng như thanh toán các chi phí.
Có lẽ tôi không mong đợi gì hơn. Tôi cảm ơn ông giám đốc đã tin tưởng và ngay hôm đó tôi bắt đầu triển khai công việc để buổi họp mặt thành công.
Có lẽ nhờ tính chuyên nghiệp, uy tín của nhà sử học và đề tài được trình bày nên có sự quan tâm của rất đông khán thính giả và sự kiện đã thành công vang dội.
Ngày hôm đó ngay cả bác bảo vệ cũng mặc bộ đồ vest, cổ thắt cà vạt đứng ở cổng mỉm cười để chào đón hay tiễn đưa quan khách. Tôi và giám đốc còn ở lại để thu sắp vài viêc và tắt đèn rồi mới ra về.
Bác bảo vệ dường như rất vui và trẻ lại khi đứng cầm chiếc chìa khoá trên tay để chuẩn bị đóng cổng. Bác gật đầu chào và chúc ngủ ngon.
Về đến nhà, tôi buông người xuống giường mà không ngủ được vì những cảm xúc vừa qua. Tôi thật là may mắn vì nhiều sáng kiến đã được giám đốc chia sẻ và ủng hộ. Quả là niềm vui lớn.
Sau buổi hội thảo đầu tiên thì có nhiều sự kiện khác tiếp nối. Các giáo sư, nhà báo, nhà văn qua những bài giới thiệu của họ đã lôi cuốn và thu hút thêm nhiều khán thính giả. Tôi cũng bắt đầu quảng bá các hoạt động của thư viện trong trường học, có khi mời cả lớp đến sinh hoạt trong các phòng rộng hay thậm chí ở ngoài trời. Các em bé luôn náo động và tò mò, còn các lớp lớn hơn thường tiếp xúc với tôi qua thư viện để nhận được các lời khuyên về các sách cần đọc. Tôi trở thành một sự trợ giúp hữu ích cho các sinh viên đại học và điều này mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui. Nhiều diễn giả đã gửi hoa để cảm ơn nhưng quà tặng mà tôi yêu thích vẫn là những quyển sách.
Vào tháng 8, thư viện đóng cửa hai tuần, thế là tôi có cơ hội để đi du lịch, nơi đến yêu thích là thăm viếng các thư viện ở Âu Châu. Tôi yêu Paris và rất thích thư viện quốc gia Pháp1 (BNF) được xây dựng bởi tổng thống Mitterrand nên thư viện nay được mang tên ông.
Thư viện quốc gia Mitterrand gồm 4 tầng tháp, mỗi tầng cao chừng 80 mét được xây dựng giống như một quyển sách đang mở, tất cả nằm trong một khu vườn rộng lớn. Tôi yêu các tên tháp: Tháp các thời đại, luật pháp, số và chữ, như biểu tượng của lịch sử, của khoa học, của luật học và văn học.
Tôi thường tham khảo ở “Gallica” khu kỹ thuật số của BNF, và mỗi khi đến Paris tôi không thể nào mất cơ hội thăm viếng thư viện “Richelieu” nổi tiếng về các sách viết bằng tay. La BNF gồm có 4 trung tâm văn hoá lớn: Ngoài trung tâm Tolbiac nằm ở quận 13, còn có“Richelieu” và các của ’Arsenal và của Opéra nằm bên trong nhà hát Opéra Garnier.
Đối với tôi Paris giống như một quyển sách khổng lồ, ở mỗi góc phố tôi đều tìm thấy một chút lịch sử. Chỉ cần nhìn thấy một cánh cổng theo phong cách Liberty, một bức tượng tân cổ điển giữa những đài phun nước trong khu vườn Luxembourg, một bức tranh vẽ trên tường ở Montmartre là lòng tôi ngập tràn cảm xúc. Tôi thích đi dạo giữa những gian hàng “bouquinistes”, bán tranh hay sách cổ, những gian hàng bán đồ cổ trong các con đường nhỏ gần nhà thờ Sacre-Coeur.
Trong lúc đi thăm bảo tàng Museo D’Orsay thì gặp một nhóm trẻ em cùng với các thầy cô hướng dẫn. Chúng đang vẽ lại các bức tranh theo trường phái ấn tượng và lắng nghe cô giáo giảng về hội hoạ “en plein air”. Nhờ thế khi trở về nhà, tôi rất hào hứng vì có thêm một ý tưởng tuyệt vời cho công việc của mình.
Tôi trình bày với ông giám đốc và sau đó bắt đầu mời các lớp hay các nhóm trẻ em cho các giờ đọc sách. Chúng tôi đã chuẩn bị và đặt nhiều chiếc gối đủ màu trong một căn phòng nhỏ và tôi đọc cho các em nghe tác phẩm “Hoàng tử bé” của Saint-Exupéry”, “Người gỗ Pinocchio” của Collodi, “Vòng quanh thế giới trong 80 ngày” của Verne, các tiểu thuyết phiêu lưu của Salgari, các chuyện cổ tích của Andersen hay của anh em nhà Grimm. Những hôm bận việc, không thể làm điều này thì tôi rất tiếc. Tất nhiên luôn luôn có một người nào đó, một phụ huynh hay một cô giáo thay tôi, nhưng tôi luôn cố gắng để được làm công việc ấy. Tôi thích được thi thoảng ngừng lại, khi có một em bé giơ tay xin hỏi nghĩa của một từ nào đó. Với tôi, như được trở về tuổi thơ của mình, khi đọc truyện cho các nàng búp bê của mình.
Cũng trong buổi chiều như thế khi ngồi trên chiếc ghế đặt giữa một nhóm em bé đang chăm chú lắng nghe thì tôi bất ngờ lập đi lập lại mãi một câu nói, giống như một chiếc máy đĩa bị hư, rồi ngã xuống bất tỉnh.
*
Câu chuyện mà tôi kể đến đây là những kỷ niệm trong quá khứ mà tôi đang cố gắng phục hồi, nó giống những đoạn phim đang quay chầm chậm trong đầu tôi. Giờ thì chẳng còn ai đặt câu hỏi nào cho tôi nữa vì họ biết là tôi không thể trả lời. Tôi không biết mình đang ở đâu, tôi không còn nhớ nơi chốn và con người. Tôi chỉ phân biệt được những người mặc áo trắng rất tử tế hay nhìn thấy xung quanh có nhiều chiếc xe lăn bị bỏ rơi, giống như nhưng con rối bị đứt dây.
- Thưa bác sĩ, đã đến giờ khám cho bệnh nhân số 34.
- Được rồi, hãy đi lấy một quyển sách, mở ra rồi đưa cho bà ấy.
- Thưa, quyển này được không ạ ?
- Quyển nào cũng thế, có quan trọng gì nữa đâu! Rất tiếc là chứng Alzheimer đến sớm là hậu quả của một cơn đột quỵ bất ngờ. Trong trường hợp của bệnh nhân này chúng tôi thấy là bà có những phản ứng tốt khi đặt một quyển sách trên tay. Chỉ lúc đó bà ta mới tỉnh táo như sắp được bình phục.
Như thế là trên tay tôi luôn có một quyển sách và tâm trí tôi như phản ứng nhờ một sự kích thích tự động, tôi bắt đầu nói những câu rời rạc như thể đang nói chuyện với những con búp bê. Có khi tôi lập lại những câu nói trong những quyển sách mà mình từng đọc, có khi là một đoạn rất dài khi nếu trí nhớ nhận được thêm một chút ánh sáng. Tôi có thể kể về những cuộc phiêu lưu của thằng người gỗ Pinocchio như những trang sách mà mình yêu thích đang nằm trước mặt. Tôi lật từng trang dù có khi không hiểu mình đang nắm trên tay cái gì, nhưng trên đó đều có những kỷ niệm về những quyển sách mà mình đã đọc.
Đó chính là định mệnh và giờ đây đời tôi cũng là một quyển sách mà tôi chỉ có thể đọc trong tâm trí .