Không khói thì đúng rồi bởi chỉ làm du lịch thôi; mà du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thì lại cần không khói. Riêng bà, khi có ai nhắc tới điều này thì bà chỉ cười bẻ câu chuyện sang hướng khác cái rụp hoặc giả lả.
– Chút khói ấy mà, nhớ lắm nếu không có, mà không có thì già đây cũng về cõi xa ngàn.
– Bà nói chuyện vui quá, vui hơn cháu tưởng. Bà cho cháu hỏi nhé, bà dùng than củi không sợ kiểm lâm phạt sao ?
– Không phải là dũng cảm là không sợ nhưng phải biết mình, biết người. Chẳng ai lại đi phạt người buôn bán nhỏ lẻ với cái nghề chẳng ra nghề và cái bếp lửa chỉ với cân than. Nói nhỏ cháu nghe nhé – Bà níu vai tôi thì thầm – Cháu thấy cái gói dưới chân cột điện phía bên đường kia chứ. Than củi đấy. Cũng không nhiều lắm đâu cháu, bà mua đủ dùng cho từng ngày. Giá cả cũng đắt nên mùa mưa mới phải dự trữ.
Thì ra sống có lý có tình mọi chuyện đều có thể êm xuôi. Với bà và cái nghề quạt than nướng củ của bà, tôi nghĩ cơ hội thành công với sung túc đủ đầy không nhiều nhưng thực tế thì không phải thế. Tôi cũng không nghĩ thành công là sức chịu đựng để vượt qua thất bại này hay thất bại khác nhưng tôi nghĩ thành công mỹ mãn phải là sự phấn đấu không mệt mỏi để đạt được yêu cầu với điều kiện là không phiền đến ai.
– Bà ngồi góc phố này hơn hai mươi năm rồi cháu à. Người ta nhớ mùi khoai nướng, trứng nướng của bà hơn là nhớ bà.
– Trông bà không béo lại không gầy, chắc cuộc sống cũng vừa vặn ?
– Hôm nào vắng khách mang trứng, mang củ về ăn thay cơm cũng ngon mà cháu. Tất cả đều do thói quen mà ra. Người ta bảo ăn khoai nóng ruột lắm còn bà chẳng thấy nóng ruột nóng dạ là gì. Ăn xong đánh một giấc ngon lành, có khi mặt trời lên mấy sào còn chưa muốn dậy.
– Được vô tư như bà thì còn gì bằng.
– Không đâu cháu ơi. Một khi cái đầu mà không còn suy nghĩ là xong rồi đấy. Chỉ khổ hàng xóm thôi.
– Bà ở một mình ?
– Không những độc thân tại chỗ mà cả trước kia.
– Bà nói chuyện thật hay, lại lưu loát nữa. Cháu nghĩ bà là nhà văn.
– Gần gần như thế nhưng không dám là thế. Cầm phấn nhưng đã lâu và cũng đã giã từ rồi.
– Cháu hiểu.
Ở đâu và thời nào người thầy chẳng thế. Người thầy mang đến cho học trò của mình kiến thức, tình thương yêu và sự sáng tạo nhưng không thể vượt qua khuôn phép lễ nghĩa và quan trọng nhất vẫn là tâm huyết, vì sự nghiệp hết dạ hết lòng. Có thể có những cái nhìn khác từ hai con mắt nhưng không thể từ một con mắt có hai cái nhìn. Nhận ra sai lầm của người khác thì dễ còn với mình thì hầu như không, cuộc đời vẫn thường vậy mà. Bình thản trước những điều phi lý là ta đã chiến thắng, ít nhất là mình nhưng mấy ai làm được. Chỉ có bà và tuổi đời ngoài bảy mươi của bà cùng với kinh nghiệm và sự từng trải đã hằn vết thời gian xếp li trên mặt đủ để người nhìn thán phục về sức chịu đựng của con người.
Thành phố đã lên đèn. Ngọn gió vùng cao lạnh buốt. Thu đi rồi nhưng lá vẫn còn rơi. Lá rơi làm vui những bước chân hè phố, vui những đôi nhân tình tay trong tay chia nhau cái lạnh. Những đốm than vàng vọt yếu đuối trong bếp lửa của bà tưởng chừng không xua nổi làn sương mù dày đặc lại có sức quyến rũ đến lạ lùng những đôi tình nhân kia. Họ ngồi xuống để lấp kín khoảng vắng giữa bà và cuộc mưu sinh của bà. Nụ cười thật tươi nở trên môi già làm cho bếp ấm như càng ấm thêm bởi bao quanh họ là cái mùi rất quen của than củi, của gian lao một thời. Đôi tay thoăn thoắt trở qua trở lại những quả trứng chưa kịp óng vàng, những củ khoai chưa vừa độ chín làm thèm thêm cái đói vốn rất sẵn chờ khi mà trời đã về khuya và cái lạnh càng thêm tê tái.
Phụ bà làm muối tiêu cho trứng, muối vừng cho khoai, tôi nghĩ là đơn giản như tôi thường làm ở nhà. Bà cười, không ngăn cản mà cũng không ủng hộ. Giở mẹt lên lấy ra hai hũ khác rồi nhìn tôi bằng ánh mắt vui vui. Thì ra để sống được một địa chỉ, một thương hiệu dù là góc phố, lề đường người ta vẫn phải có sự khéo léo của đôi tay, sự đậm đà của vị giác và kinh nghiệm qua thời gian để làm sao vừa ý được mọi người. Cũng là muối nhưng muối của bà có thêm nhiều gia vị khác mà khi hoà lẫn vào nhau ngon đến nhớ hoài. Còn trứng của bà là trứng vịt, trứng ngan khá to và khá béo nhưng có người không thích bởi cái mùi nằng nặng của nó.
– Bà ơi, bà có bí quyết gì để trứng không có mùi ?
– Chẳng có bí quyết, bí kíp gì đâu cháu ơi. Thật thì trước khi nướng đã chần qua nước sôi dăm phút và đảo nhiều lần để lòng đỏ trứng nằm ở vị trí trung tâm, khi cắt ra trông trứng rất đẹp. Chần xong thì trứng đã chín tới, rồi nướng lại thì còn mùi gì nữa cháu.
– Cháu chỉ thấy người ta nướng trứng gà thôi, không ai nướng trứng vịt, trứng ngan như bà.
– Khác lạ lắm sao. Mỗi thứ có cái ngon riêng của nó. Bà quen mùi của chúng từ nhỏ, từ thuở dong trâu, bắt ốc; cái ăn luôn thòm thèm. Bom đạn không chỉ lao qua nóc làng mà xới tung hết cả mùa màng, đói nghèo luôn rình rập chực chờ. Bí quá phải liều chăn vịt, chăn ngan. Ngày đó, học hành chỉ là thứ yếu, phải có cái để ăn, để sống. Không trồng tỉa được thì người ta quay qua chăn nuôi, hái nhặt. May mà rau củ thiên nhiên ê hề. Nhà gần ao đầm nên phải sống cùng ao đầm, không nuôi vịt nuôi ngan thì nuôi gì. Ngày đó, nhà nào mà chẳng thiếu thốn, bữa ăn có trứng tráng, trứng luộc dầm mắm chấm rau thì còn gì bằng. Ác cái là vịt đẻ vào ban đêm, trứng lơ lửng trong nước lại phân tán nên đi nhặt cũng khổ cực vô cùng. Có lần, lâu không được ăn, thèm quá nên liều lấy cắp mấy trứng nướng ăn. Ăn xong quẳng vỏ trứng vào lửa phi tang ngờ đâu cái mùi của nó làm cho hai cái mông sưng tấy vì cây roi rất đỗi công bằng. Ăn lén lút hả? Ăn cả sách vở bút mực của anh em hả? Chừa nhé, nếu không thì phải đánh đòn gấp đôi. Đau lắm cháu ạ, đi học không ngồi được. Nhớ đến bây giờ.
Bỗng dưng tôi chững lại. Đúng là mình đang ăn kỷ niệm đau buồn của bà.
– Bà ơi, cho cháu bỏ miếng vỏ trứng, nhỏ thôi, bỏ vào lò lửa xem là mùi gì được không bà?
– Có gì mà không được.
– Chị ơi khét lắm, không chịu nổi – Có ai đó phản đối.
– Xin lỗi, chị cũng chỉ thử thôi mà nhưng thấy rất dễ chịu. Có lẽ cái mũi của chị đã hỏng rồi chăng ?
Và tức thì nhủ thầm : “Chị đang ngửi bằng trái tim và tâm hồn của mình chứ không phải bằng cái mũi trơ trơ đâu em.”