Hiền thương tiếng còi tàu của tuổi thơ vang xa theo nắng gió, theo cánh đồng lúa xuân thì bên một làng quê nghèo khó xanh xanh bóng tre. Tiếng còi chập chờn theo giấc ngủ thơ trẻ với bao ước mơ, hy vọng. Hy vọng một buổi sáng nào đó, con tàu sẽ xuất hiện, đưa cha mẹ cô trở về. Ngày nào cũng vậy, cô luôn hướng mắt dõi tìm, gởi ước mơ theo con nước lặng lẽ trôi xuôi chảy từ cầu Bi đến cầu Lưới Gõ, dù niềm hy vọng ấy mong manh, le lói. Tiếng còi tàu rền rĩ, chênh vênh trong ký ức tuổi thơ cô.
Tiếng còi tàu lại chông chênh đưa cô bước vào đời với những buồn đau, khó khăn, hờn tủi. Nghe tiếng còi hú trong cô lại xôn xao, lo lắng, hồi hộp. Đâu đây đội quản lý thị trường, du kích đứng đầy sân ga; cô phải tính toán, nhanh chân mới mong trót lọt, mới mong kịp lên tàu. Tiếng còi tàu hòa tan cùng mồ hôi nước mắt, hòa tan theo bước chạy hối hả, run sợ, lẫn tiếng rượt đuổi phía sau. Tiếng còi tàu khô khốc, chát chúa, buồn bã rền vang trong cô.
Tiếng còi tàu cho cô hạnh phúc khi chờ đợi người cô yêu trở về từ một nơi chốn xa xôi nào đó, mà cô chỉ nghe nói chứ chưa từng đặt chân đến; dù anh chỉ về thăm cô trong giây lát rồi đi. Hiền yêu và chờ đợi anh, chờ đợi trong âm thầm, lặng lẽ. Anh xa xôi quá, tận bến bờ nào thăm thẳm. Thời gian là tiếng thở dài của đêm ngày nối tiếp lạnh lẽo, hoang vu. Năm tháng cứ trôi qua, nỗi mong chờ trong cô chợt hụt hẫng. Tiếng còi tàu chập chờn theo cô trên cánh đồng hợp tác, trên bãi cát sau nhà, trong đêm hoang lạnh mênh mông. Tiếng còi tàu trong cô run rẩy, chơi vơi.
Tiếng còi tàu chao nghiêng theo cô mỗi lần vào trại Z30A thăm cha cô đang cải tạo. Nó giục giã, vội vàng, nôn nao, rền vang theo bước chân cô qua các rẫy, đồi, quạnh hiu, buồn bã. Nó bay theo nắng gió, vượt qua những rẫy bắp khoai, thúc giục cô gánh chạy thật nhanh cho kịp chuyến tàu trở về. Nó luôn đọng trong cô nỗi buồn tủi, hờn giận, dù chẳng biết giận hờn ai, buồn tủi điều gì? Tiếng còi tàu chao đảo, chênh vênh trong cô.
Tiếng còi tàu về sau cũng như lúc bước vào đời, luôn rượt đuổi, hối hả, nhưng cô lại có anh bên cạnh để chia sẻ, lo âu. Tiếng tàu chạy hằng đêm bên ngôi nhà vách đất (tổ ấm đầu tiên) ầm ầm, rền rĩ, rung chuyển nhưng cô nghe thân thương, quen thuộc. Tiếng còi tàu đã làm chai lì sự ngây thơ, hồn nhiên trong cô, để cô bước vững vàng hơn, không còn run rẩy, lo sợ, khi bắt gặp đội quản lý thị trường hay du kích. Tiếng còi tàu lúc này lảnh lói, chua chát, buồn bã, âm u!
Tiếng còi tàu hân hoan tiễn đưa loài ngựa hoang dong ruổi, để người thỏa chí ước mơ về một thảo nguyên bao la, xanh tốt nào đó bên kia bờ đại dương xa thẳm. Rồi tiếng còi tàu bỗng trở nên xa lạ, dửng dưng trong cô; để cô thấy cuộc đời này thật vô thường, có đó rồi mất đó, sống nay chết mai, không biết đâu mà lường trước. Lòng người cũng vậy, đổi thay, thay đổi như trở bàn tay, không có gì là tồn tại lâu dài. Tiếng còi tàu giục giã cô buông bỏ những cái không cần thiết, để vững vàng hơn trên con đường trở về, tìm lại bản tâm chân thực của mình một cách rốt ráo. Tiếng còi tàu ngân vang, như tiếng chuông thanh tịnh trong cô.
Tiếng còi tàu bỗng trở nên dịu êm, thương nhớ, giục giã người con đi xa trở về thăm quê, thăm ngôi làng xưa, thăm ngôi trường cũ và bạn bè thân quen. Tiếng còi lúc bấy giờ thật dễ thương, xao xuyến trong cô; để cô luôn mong ước được trở về thăm thầy xưa, bạn cũ; thăm con đường làng rợp bóng tre xanh, thăm biển quê hương những chiều hè nóng rát. Tiếng còi tàu trong cô rực rỡ niềm vui, chan hòa hạnh phúc.
Hiền chợt thấy mình như trẻ lại mỗi ngày. Sáng tinh mơ mở cửa đón ánh nắng ban mai tươi mát, lòng an vui, khỏe khoắn soải bước thể dục cùng mọi người quanh xóm, kể những câu chuyện vui, rồi cùng cười, cùng giỡn. Hiền hay đùa rằng: “Sáng nào cũng uống vài thang thuốc bổ như vậy, để phòng chống tuổi già”; mọi người cùng vui và ủng hộ lời cô nói. Tiếng còi tàu trong cô ấm áp, quen thuộc và nhớ thương.
Một hồi còi tàu kéo dài, ngân vang, át cả những suy nghĩ nhập nhòe trong cô. Và Hiền cảm thấy những tiếng còi tàu trong cô như nhòe nhoẹt, hòa lẫn vào nhau, rền vang; rồi trở nên im lặng, rỗng không, trong vùng ánh sáng chan hòa.
Tàu đã vào sân ga!. -./.