Đ
êm đêm, thường có đôi bóng, một già, một trẻ, hóa thành bươm bướm, bay lượn quanh vườn thượng uyển, rồi đậu trên nóc đình, thức thâu đêm với nhau. Về sau, đình ấy bị phá, họ lại đậu trên cửa đền, đến khi trời hồng đông thì lại cùng biến.
Bóng già là Tướng công. Bóng trẻ là Noọng(1). Trên cái áo dài đen, còn lờ mờ một vệt như chàm phai, ngang qua bụng, giống dải khăn lưng. Đó chính là vết xe chở súng thần công trườn qua thây.
Tướng công bao lần lau lau, phủi phủi cái dải băng hoa đất ấy, nhưng vô vọng. Lần nào cũng vậy, Noọng từ tốn ôm lấy bàn tay đầy vết tàn nhang của Tướng công, với tấm lòng thành kính. Tướng công thương Noọng đang độ thanh xuân, mà phải chịu cảnh oan khốc. Nhưng Noọng không bao giờ hé răng kêu ca, phàn nàn về mình, mà lại bội phần thương Tướng công, chết không toàn thây. Oái oăm, không phải vì người đời thù oán gì Tướng công, mà lại vì để bày tỏ tấm lòng kính trọng tột bực mà thôi.
Khi xưa, Noọng được một ông quan đưa về hầu hạ Tướng công. Thế rồi nên ngãi, sinh cậu quý tử. Đối với Noọng, được hầu hạ Tướng công là một ân sủng trời cho rồi. Noọng nghĩ, cuối đời, hai nỗi đau gặp lại nhau cùng vì nghĩa lớn. Noọng ra đi tức tưởi, cũng vì giữ thanh danh cho Tướng công. Trên đời, không phải ai cũng tự quyết định được cái chết của mình đâu, trừ những người tự tử mà thôi.
Bây giờ, chỉ có bóng Noọng nói được, nhìn được, nghe được, nghĩ được. Còn Tướng công, phải nhờ Noọng làm cái gậy, cái loa, cái ống nhòm cho mình. Nỗi đau thấu trời của Tướng công, cũng như của loài người, là phải nhờ kẻ khác nghĩ hộ, nói thay mình được. Trời sinh, ai cũng có quyền nghĩ và nói, điều khác biệt với loài vật.
*
Noọng lững thững dạo trên đường thần đạo, nhớ lại, lần đầu tiên, ngồi trên chiếc kiệu hồng, vào cung, qua lâu đài nguy nga tráng lệ, đến ngôi điện nhỏ bên cái ao lớn. Ao đầy nước mà không thấy máng lần như trên quê núi. Ngó lên, chỉ thấy những rặng cây mà không có rừng. Thấp thoáng trên chạc cây, có bóng người canh gác, ôm cung tên, ngồi lặng lẽ như thợ săn. Xung quanh, tiếng chim hót líu lo. Văng vẳng tiếng đàn ca từ đâu vọng lại. Đất đai rộng như điền chủ. Thực ra, đất đai của Tướng công là cả cái xứ này, người hầu của Tướng công là cả cái đám dân xứ này. Noọng thầm hãnh diện một mình. Thỉnh thoảng, ông quan nọ vào cung, gặp Noọng, đều cung kính như đối với bà hoàng vậy. Người ta bảo, Noọng cũng cũng xứng như thế chứ! Noọng hoảng sợ, chối đây đẩy, chỉ dám nhận là người hầu thôi. Nhưng có lần, sau khi sinh con, Noọng lựa lời, muốn giọt máu của Tướng công được chính danh cho đàng hoàng. Tướng công chỉ lặng lẽ thở dài, không nói, khiến Noọng sợ hãi và tủi phận vô cùng. Noọng luôn sợ hãi và kính yêu Tướng công, cả khi đã hóa ra ma, đêm đêm vẫn lẩn vào canh chừng giấc ngủ cho Tướng công.
Tướng công ốm nặng, Noọng luẩn quẩn bên bệ rồng, không rời nửa bước. Tướng công từ giã cõi trần, trời khóc, dân chúng khóc, nhưng hộn cả lại cũng chưa bằng nước mắt Noọng. Noọng bàng hoàng, khi thấy mấy bóng ma đàn bà, mặc áo xô gai, đội mũ mấn lẻn đến khóc. Một bóng, hai bóng, ba bóng, bốn bóng, năm bóng, sáu bóng, bảy bóng, tám bóng và cả Noọng là chín bóng ma… khi làm người, tất thảy đều không được chính danh. Và họ cũng nhận ra Noọng, rồi cùng ôm nhau khóc.
Khi trở thành một cái xác không hồn, thì Noọng mới ngộ ra, mình cũng chỉ là một thứ đồ chơi cho Tướng công mà thôi. Tự dưng tai bay vạ gió nát một đời hoa, lại còn chết thảm. Rõ là, nhiều người chết vì một người. Tốt phúc lấy chồng thôn bản, vô phúc hầu Tướng công.
*
Dân gian lan truyền rằng, Noọng nhan sắc tuyệt trần, môi đỏ như son, da trắng như trứng gà bóc, tính tình thùy mị, nết na. Noọng như một bà hoàng không ngôi, sinh hạ một công tử, nhưng cậu bị thất sủng, phải lưu lạc ngay trên đất nước của cha mình trị vì.
Mẹ con Noọng, người trần mắt thịt, đâu có biết một điều bí ẩn từ thời dựng cờ khởi nghiệp, thày phù thủy đã phán, Tướng công là người nhà trời, khí dương cực mạnh, mai ngày chiếm được thiên hạ, phải lấy âm khí từ rừng núi, thì mới đặng điều hòa, giúp cho tinh thần sảng khoái, đầu óc sáng láng, sự nghiệp trường tồn. Nhưng chuyện này phải kín như ăn vụng, nếu lộ ra, sẽ bị ô danh, mất nghiệp. Chuyện ấy, Tướng công già đời chinh phục, chỉ coi là sự giải khuây, nhưng Noọng ngây thơ như con nai tơ, hãnh diện tựa mạn thuyền rồng, dẫn đến cái chết bi thương. May thay, có ông quan nhân đức, giấu được đứa con trai, nếu không, đã bị chết dưới tay viên quan nọ rồi.
Sau khi gặp nạn, hồn ma Noọng cũng không về với núi rừng tổ tiên, mà vẫn luẩn quẩn thờ phụng Tướng công. Mộ Noọng cũng không biết táng ở đâu. Bọn người đi mai táng cũng không thấy ai trở về.
Đời sau, có người dò tìm được hài cốt Noọng, gần hồ, nơi có cái cống, nước ứ lên, gọi là Cống Ứ. Sách nọ, ghi địa danh đền thờ Cô Noọng ở Congu, chính là chỗ ấy.
Thành phố Tuyên Quang,
10/3/2011- 30/3/2012
(1) cô gái (tiếng dân tộc Tày)
VVM.05.10.2024.
Thành phố Tuyên Quang, 10/3/2011- 30/3/2012
(1) cô gái (tiếng dân tộc Tày)