Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



MƯU HÈN MẸO BẨN



I.

-Đem ly sữa nóng lên phòng tôi. Cửa không khóa.

Ban xong “mệnh lệnh” ngắn gọn, không chờ chị Đậu kịp hỏi lại, ông chủ tất tả đi thẳng, vội vã như đang bận chuyện… đại sự.

Chị Đậu sững sờ nhìn theo, mặt ngây ra vài giây. “Lạ” nhỉ? Làm việc trong gia đình này gần hai năm, có khi nào chị “được phép” đặt chân vào phòng riêng của chủ đâu? Mà chẳng phải mình chị, tất cả người làm khác cũng đều thuộc lòng điều cấm kỵ ấy.

Sao hôm nay lại có… ngoại lệ? Nhất là vào tối thứ bảy, mà theo thông lệ, bà chủ đi vắng suốt đêm!

Mỗi thứ bảy, chiều xuống là bà chủ điểm phấn tô son rất đậm, xiêm áo lòe xòe thơm ngát nước hoa, ngồi chờ Cát -tài xế- lái xe đưa đến nhà ai đó.

“Bà ấy đi đánh bài với hội bạn thân. Quen rồi, không bỏ được!” Ông chủ có lần giải thích với người làm thế, chẳng kiêng dè hay giấu giếm.

Bà chủ đã tự nhận mang dòng máu đỏ đen từ đời “bà cố - ông sơ” di truyền lại. Phước bà lớn nên được đức lang quân cưng chiều, vui vẻ “thả” cho hiền thê mỗi tuần một đêm thỏa sức… đam mê. Bà chủ cũng kể với người làm thế, chẳng kiêng dè hay giấu giếm.

Thành thói quen hàng ngày, tám giờ tối chị Đậu nấu thêm một món ăn nhẹ cho chủ, thì mới xong một ngày làm việc, thảnh thơi ra về. Hành lang trước phòng chủ có đặt bộ bàn ghế mini. Thường chị Đậu cứ đặt khay đồ ăn ở bàn đó, rồi gõ nhẹ hai tiếng lên cửa phòng báo hiệu, là đủ.

Hôm nay ông chủ “phá lệ”, không ăn gì, chỉ cần ly sữa. Lại ngỏ cửa bảo chị vào. Tự nhiên, chị ngần ngại quá. Có gì “khả nghi” không? Và có nên vâng theo không?

Ông chủ vốn nóng tính, “khạc ra khói, hét ra lửa”. Trước giờ “lệnh” ông đã ban họa chăng có mình bà chủ dám trái ý thôi. Mà cũng chưa hẳn thế đâu. Vì Cát kể: ngay bà chủ cũng răm rắp nghe theo mọi sắp đặt của chồng. Thử cãi xem, ông nể nang gì mà không giở vũ lực ra trấn át?

Một lần, Cát vui miệng “lỡ” tiết lộ rằng: ông chủ đã truyền cho anh “bí kíp trị vợ”:

-“Nó” bướng, mày cứ nhắm mặt “nó” mà đấm. Đàn bà sợ nhất là xấu, vác bộ mặt bầm tím sưng vù ắt xấu hổ với mọi người. “Một lần là tởn tới già”, đố dám ho he…

Đấy, “hiền thê” mà ông còn không “thương hương tiếc ngọc” thì kẻ ăn người ở mọn hèn, liệu ông có dung tha?

Chị Đậu lo lắng phập phồng, bước chân run rẩy khi đẩy nhẹ cửa phòng chủ. Đúng là cửa không khóa, mở he hé như… chờ sẵn. Và chị thở ra, nhẹ nhõm đôi phần khi thấy ông chủ đang ngồi ở bàn cắm cúi viết lách gì đó, không ngóc đầu lên.

Khẽ khàng đặt ly sữa xuống bàn, chị quay lưng định trở ra.

-Khoan đã!

Vẫn là lời cộc lốc ngắn gọn, ông chủ hướng đầu bút vào cái ghế trước mặt, ra hiệu. Chị Đậu khép nép ngồi xuống đối diện chủ, hồi hộp chờ đợi.

Cạch! Ông chủ vừa quăng một vật gì lên mặt bàn. Và hất hàm:

-Mở ra!…

Như bị thôi miên, chị Đậu ngoan ngoãn làm theo, rón rén mở nắp cái hộp nho nhỏ, hình vuông, được bọc bên ngoài lớp nhung đỏ quý phái.

-Cho chị đó!… Đeo xem, vừa không?

-Ối ông chủ ơi!

“Ối ông (bà) chủ ơi” là câu cửa miệng mỗi khi chị Đậu hốt hoảng, bất ngờ hay ngạc nhiên điều gì. Như lúc này chẳng hạn.

-Nhẫn kim cương, gần ba trăm triệu đó…

Là nhẫn kim cương ư? Thảo nào nó sáng lấp lánh thế? “Cho chị” à? Ông chủ có nói nhầm? Hay chị vừa nghe sai?

-Nhìn gì? Đeo vào!

Ông chủ chừng như cáu, giọng gắt gỏng.

Chị Đậu riu ríu nhón cái nhẫn lên xỏ vào ngón tay.

Ông gật gù, vẻ hài lòng:

-Vừa y!... Đẹp đấy!

Rồi như sợ bị hiểu sai, ông tiếp ngay:

-Nhẫn đẹp!... Tay xấu quá!

Thấy chị Đậu bẽn lẽn tháo nhẫn bỏ trả lại trong hộp, ông ngạc nhiên:

-Sao thế?

Không đợi trả lời, ông lại gật gù:

-Cũng phải! Cất đi tốt hơn. Nhớ đừng kể với ai.

-?

-Là tôi trộm của vợ... Nhẫn kim cương của bà ấy “đông như quân Nguyên”, tài thánh cũng chẳng nhớ xuể.

Chị Đậu giật mình, ấp úng:

-Nhưng... sao...? Sao lại...?

Tối nay ông chủ dễ tính ghê, lại cười xòa, xoa tay:

-Chị không hiểu sao tôi cho nhẫn hả? Ờ… Để cho văn vẻ, tạm gọi đây là “nhẫn cầu hôn” của tôi. Được chưa?

-Ối ông chủ ơi! Không… Không thể được...

-Sao không thể?

-Tôi không dám trèo cao đâu... Ông chủ đừng đùa thế...

-Nhẫn này là cả một gia tài đấy, chị ơi... Chị thử tính xem tích góp bao tháng lương mới có đủ ba trăm triệu?

Chẳng cần tính cho đau đầu, chị Đậu trả lời được ngay: không bao giờ tích góp đủ, vì lãnh tháng lương nào lại ăn hết ngoẻm tháng đó, còn đâu!

-Chị không cần trả lời ngay, cứ thong thả suy nghĩ. Tôi khuyên một câu: không dễ gì có cơ hội lần hai cho chị đâu.

Chị Đậu càng rối loạn, nước mắt đã lưng tròng. Chị nghẹn ngào, lắp bắp:

-Bà chủ... giết tôi mất... Tôi sợ lắm...

-Tôi không nói, chị cũng im như thóc thì sợ gì? Mà bà ấy biết, chị cứ chối phăng là xong.

-Xin ông tha cho tôi... Bà chủ ghen lắm...

-Hừm! Ghen? Tôi không ghen thì thôi, bà ấy dám ghen ngược à?

-Ông chủ đừng coi thường máu ghen đàn bà. Bà chủ sẽ rạch mặt, xén tóc, tưới át xít lên tôi… nếu biết tôi léng phéng với ông...

Rầm! Tiếng “... chủ” chưa kịp chui ra khỏi miệng, chị Đậu vội vàng nín bặt vì tiếng vỗ bàn giận dữ của ông chủ khả kính.

Ông chồm dậy, quát lên:

-Á, mụ này to gan thật!... Hoang tưởng!

Bây giờ thì ngoài cái sững sờ ra, chị Đậu thêm sượng cứng người, ngồi chết lặng, không dám cả thở mạnh.

-Chị tưởng tôi cầu hôn chị à?

-?

Nhìn người đàn bà rúm ró ngồi chịu trận, ông chủ dường như thương hại, trở lại tư thế từ tốn cũ, hạ giọng:

-Tôi cầu hôn con bé Xuyến kia kìa.

Chị Đậu nén tiếng thở phào, mặt tươi tỉnh đôi chút. Tẽn tò thật! Hóa ra ông chủ “chấm” con bé Xuyến cho cậu Minh, quý tử nhà ông đấy!

Xuyến là con riêng của anh Đậu. Vài lần con bé đến đây tìm chị, hẳn ông bà chủ nhìn thấy, đã... ưng cái bụng nên hạ cố… ban ơn mưa móc! Có điều Xuyến chưa tròn mười sáu, gả chồng bây giờ sớm quá.

-Thưa ông chủ, con bé đang học phổ thông...

Ông chủ ngắt ngang:

-Đang học thì liên can gì?

Người đàn bà khó nhọc liếm môi, rụt rè:

-Mà hình như… cậu Minh cũng chưa mười tám… Tôi sợ...

Rầm! Thêm một cái vỗ bàn giận dữ nữa, làm chị Đậu hoảng hồn, nín khe. Chị hồi hộp liếc trộm, lòng phân vân không hiểu sao ông lại tức tối đến thế?

-Tôi không hỏi cho thằng Minh. Tôi hỏi… cho tôi!... Hiểu chưa, mụ già?

-Ối ông chủ ơi!

Chị Đậu thảng thốt bật kêu, mắt mở trừng trừng, miệng mấp máy không ra tiếng.

Ông chủ dễ dàng đọc được mắt và miệng chị cùng nói: “Ông chủ còn già hơn... bố nó!” nên ông cười nhạt, hất hàm:

-Thì tôi già hơn bố nó đấy! Đã sao? Có thế tôi mới chịu mất toi cái nhẫn kim cương gần ba trăm triệu cho chị chứ...

-?

-Chị nghe rõ đây: thứ bảy sau cũng tầm này, chị bảo con bé đến một địa chỉ tôi sẽ cho biết sau... Chị tìm cái cớ nào đó. Ví dụ đem đến tập hồ sơ tôi đang cần để ký hợp đồng với đối tác chẳng hạn...

-...

-Việc của chị nhẹ nhàng thế thôi, dễ như ăn cơm sườn! Chiếc nhẫn kim cương này tôi thưởng công chị. Phần con bé, tôi sẽ có quà sau.

Ông chủ nói cặn kẽ thế, chị Đậu dốt tới đâu cũng phải hiểu hết hàm ý.

Nước mắt giàn giụa nhỏ giọt xuống ngực áo, chị nức nở:

-Tội nghiệp con bé!... Tôi không nỡ...

-Có phải con ruột chị đâu mà không nỡ?

-Mẹ nó chết sớm, tôi nuôi nó từ bé, khác gì con ruột.

-Ai tra tấn hành hạ nó mà tội nghiệp? Nó còn được khối tiền, tha hồ ăn sung mặc sướng.

-Làm thế tội lỗi lắm, ông chủ ơi!

Giọng ông chủ hờn dỗi:

-Tùy chị, tôi không ép. Vậy trả nhẫn cho tôi.

Chị Đậu đẩy nhẹ cái hộp về phía chủ.

Ông lại cười nhạt:

-Là chị tự nguyện từ chối “lộc trời cho” đấy nhé. Không phải tại tôi.

-...

-Chị chuẩn bị tinh thần, ngày mai sẽ có lá đơn tố cáo chị lẻn vào phòng riêng của vợ chồng tôi trộm nhẫn kim cương, bị tôi bắt quả tang. Ngoài hành lang có gắn camera đấy.

-?

-Tôi còn tờ hóa đơn mua cùng lúc hai chiếc nhẫn. Thế chị giấu chiếc kia ở đâu rồi?

Chị Đậu chưa kịp rên lên bốn từ quen thuộc “ối ông chủ ơi” thì đã lãnh thêm đòn chí tử:

-Trên vỏ hộp và nhẫn này đầy dấu tay chị, chị thử chối xem!

Chị Đậu điếng hồn, choáng váng, biết vô tình sa vào “mưu ma chước quỷ” rồi. Bây giờ chị mới hiểu hết câu “miệng kẻ sang có gang có thép” thì đã muộn. “Tình ngay lý gian” bào chữa thế nào? Ai tin chị? Và chị biết tin ai?

Nước mắt như mưa, chị Đậu nghẹn họng không nói được một lời. Uất ức. Tủi hờn.

Ông chủ cũng không nói một lời, mặc người đàn bà thoải mái... khóc.

Khá lâu, chừng như thấy đủ thấm rồi, ông ngọt nhạt rủ rỉ:

-Chị dại lắm, tội lỗi quái gì mà sợ? “Tội lội xuống sông, chổng mông lên, đánh ba tiếng cồng, hết tội!” Chị nghĩ đi: rồi sau này con bé Xuyến cũng phải đi lấy chồng, thì... khác gì nhau? Nó xinh thế, vô phúc vớ phải thằng chồng “tứ đại đồng đường” nghèo mạt rệp, chẳng phí một đời à?

-...

-Tôi quý chị, thương con bé mới hào phóng thế chứ có phải với ai tôi cũng rộng rãi cả đâu?... Chậc, chậc! Đúng là năm nay nhà chị có... số hưởng!

-...

-Thôi thì hộp nhẫn này, cứ để tôi tạm giữ hộ chị. Cuối tuần chị trả lời rồi, nó là của chị. Giờ chị về đi.

Chị Đậu đứng lên, đờ đẫn như lạc mất hồn vía.

Ông chủ vỗ vai chị ra chiều thân mật, nhắc lại:

-Thế nhé! Tôi sẽ đưa địa chỉ sau. Nhớ kín miệng đấy.

Rồi cầm hộp nhung đỏ lên, ông bỏ tọt vào túi áo mình.

***

Suốt mấy ngày sau đó, chị Đậu chẳng khác ngồi trên than hồng, dẫm lên lửa đỏ. Những lời ngọt nhạt nửa đe dọa nửa dụ dỗ của ông chủ luôn u u bên tai làm chị bất an, căng thẳng tột độ.

Chị không đành lòng hại con bé Xuyến. Nhưng chị cũng sợ tù tội lắm, nhất là vào tù vì ăn cắp vàng của chủ. Tiếng xấu sẽ bay về tận quê nhà, có thể làm mẹ chị -đang mang bệnh tim- đột tử như chơi. Rồi lời đàm tiếu, tiếng chê cười…

Chị rùng mình hình dung những nhục nhã sẽ phải nhận. Oan ức quá!

Tối đó, camera ở hành lang đã thu hình ảnh chị bước vào phòng riêng của ông bà chủ: một điều cấm kỵ mà người làm nào trong nhà này đều nắm rõ. Trên vỏ hộp bọc nhung và cái nhẫn cũng rành rành dấu tay chị.

Lòng chị Đậu rối như tơ vò, mà lại không biết nhờ ai gỡ rối.

Có lúc chị định đem chuyện kể hết cho bà chủ nghe, nhờ bà… giải cứu. Nhưng chị lại gạt phăng ngay: hẳn bà phải tin chồng hơn tin chị. Nếu chị không lấy trộm, sao nhẫn của bà có dấu tay chị in vào?

Chỉ vài ngày mà chị Đậu già đi thấy rõ, mặt mày ngơ ngẩn, tiếng động nhỏ cũng làm chị giật mình hoảng hốt, tay chân ra yếu ớt vụng về, rơi vãi lung tung.

Sau tối thứ bảy gọi chị vào phòng ra “án lệnh”, ông chủ như đang bận trăm công nghìn việc đi vắng suốt, cố tình không cho chị cơ hội gặp ông để… chối từ!

Hôm nay thứ sáu rồi. Ngày mai -chính xác là tối mai- đã đến “giờ hẹn tử thần”: Hoặc chị tra tay vào còng, hoặc mặc ông chủ hại đời con bé Xuyến. Cái nào cũng khủng khiếp như nhau!

Giờ phút qua đi, chị Đậu càng cuống cuồng sợ hãi. Đã mấy đêm hầu như chị thức trắng, có ngày không miếng gì bỏ bụng cũng chẳng biết đói. Nỗi lo quá lớn đầy ứ lòng dạ, còn trống chỗ nào chứa cháo chứa cơm?

***

Đúng như lời cổ nhân đúc kết “ở hiền gặp lành” và “người tính không bằng trời tính”, cái điều chị Đậu chưa bao giờ hình dung đến lại đột ngột đến. Để giải quyết gọn gàng cho chị bế tắc tưởng chừng không lối thoát: sáng thứ bảy, ông chủ đã bị cơ quan điều tra bắt khẩn cấp do vướng vào một đại án rửa tiền.

           ... đón đọc tiếp phần thứ II ...




VVM.27.9.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .