Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

tranh bìa của họa sĩ Ngọc Dũng

MƯA CHẾT



     C hiếc áo hoa đang thành hình trong tay cô thợ. Hai cánh tay ngăn ngắn, hàng nút ngà, cái cổ bầu. Áo con gái. Đảo xoa xoa chéo áo bỏ thòng ngoài mép bàn, hỏi vẩn vơ:

-Anh biết người chủ chiếc áo này trẻ, rất trẻ, và đẹp nữa. Phải không ?

Vang ngừng đạp máy. Chiếc kim trắng chúc mũi mổ thêm mấy cái nhẹ nhưng không tới mặt vải, xong đứng yên. Cô thợ lườm anh lính. cái lườm dài thườn, mấy đứa nghịch gọi là lườm có lông.

- Học bói bao giờ đấy ?

- Ơ, không tin sao. Bà cụ nào lại mặc cổ áo thế kia. Máy được quay tiếp, chuỗi tiếng xành xạch kêu chậm theo nhịp chân đạp, và theo tinh thần làm việc cầm chừng của cô chủ.

- Trẻ già không rõ, nhưng tôi biết là không đẹp. Đảo xích gần vào nữa, nó chống khuỷu tay lên bàn máy, hích mũi cười.

- Phỉnh quá. Này nhé, đã con gái thì đẹp rồi. Không phân biệt, đẹp tất.

Máy lại ngừng quay, hai người chụm gần nhau hơn, nói gì nhỏ. Sau nghe tiếng cười của Vang, sắc lẻm.

Chị chủ nhà dọn cơm ra giữa bếp. Thằng con xách một chiếc mâm gỗ định để bày chén dĩa, nhưng chị quắc mắt làm hiệu khiến thằng nhỏ vội đem cất. Chiếc mâm gỗ tròn, nặng, thô kệch, vành bị mẻ mất một miếng lớn. Theo sự dò hỏi tài ba của Xao thì chị Vang nay chưa tới bốn mươi. Xao vò tai kêu là chị chủ còn quá tươi, nó có thể điên khùng được nếu chị ấy muốn. Hai mẹ con chị Vang im lặng ăn cơm. Thằng nhỏ ngồi bệt dưới đất. Chiếc rế quá lớn chắc không tương xứng đít nồi nên bị bỏ nằm sấp cạnh đó. Với đà ăn khá nhanh tay của đứa nhỏ, thì nồi đồng cơm thật quá ít, dù người mẹ vẫn khua đũa rất nhẹ nhàng. Nhìn nồi cơm người ta nhớ ngay đến cánh đồng bát ngát quanh vùng đầy ngút cỏ. Ruộng đồng chỉ để gieo cỏ.

Sung hỏi:

- Em không ăn cơm với má?

Đàm mắt không rời trang vở. Các cô nàng chúa vờ vịt, tâm trí bay chơi đâu rồi, còn làm như ham học lắm.

- Tôi với chị Vang ăn trước lúc chiều. Chỉ thằng Bài coi bò về trễ. Ơ, ai cho ông gọi “em, em” vậy?

Sung làm nghiêm. Nhỏ tự nhiên là em. Với lại, con gái nên chịu nhận bé bỏng mới tốt.

Trên sợi dây giăng ngang đầu Vang treo mấy xấp vải mỏng, và khoảng hai chục chiếc áo cánh đã may xong.

- Chị ấy may có lẽ dư tiền ăn gạo?

Đàm cười buồn:

- Số áo ấy còn nhiều hơn số con gái cộng với lớp đàn bà một hai con ở làng này. Chị Vang may sẵn để ai cần thì lấy, thường lấy chịu, hoặc đổi lúa. Nằm chơi không cũng phí.

Ở nhà trên Đảo có vẻ làm ăn tấn tới. Nó kín đáo nháy Sung, láu lỉnh. Cái mồm truyền tin của nó được dịp phát âm, như máy đang hồi điện còn mạnh. Chợt Vang vùng cười lớn, nghe dòn.

- Vang đây Đảo, trả lời. Thại Vang, Thại Vang đây Ngô Đảo, trả lời! Đảo cuộn tròn cuốn vở dùng ghi chép công may thành một hình ống, nói vào một đầu của hình ống đó như đang nói trên máy. Vang tròm nắt, ra vẻ thích thú.

- Vang, đây Đảo. Báo cáo tình hình trong đêm vô sự. Em có gì cho gia đình tôi không, trả lời!

Nó đem nghề ra biểu diễn theo sách điếm miệng sở trường, khiến người đẹp ngẩn ra nhìn. Nai tơ tuồng như sắp chịu đèn. Cái máy được đứng yên khá lâu. Chiếc áo sắp xong vẫn còn ở tình trạng sắp xong hoài.

- Em gạo cứng thế này dám không tháng nào thèm đứng hạng nhì, hạng ba?

Sung quay về đối tượng của mình. Đàm thôi học, xếp mạnh tập vở.

- Anh đoán trúng phóc ngay mà?

- Sai xa thầy ơi. Trước giờ chỉ có mỗi một lần được xếp thứ tư, mừng muốn chết, nhớ mãi đến giờ. Còn thì – Đàm cười, che miệng – cứ bị đè bẹp, nghẹt thở luôn… Có điều, nhiệm mầu, là chưa hề đội sổ.

- Vậy giống anh lắm.

Đàm hứ, quay sang phía khác, tưởng Sung giỏi nịnh. Mặt cô nhỏ hinh hỉnh, nhìn mà đoán, chỉ năm tới, hay năm sau chắc sẽ có bao anh hùng chết mệt vì khuôn mặt này.

Khi chiều ông lão nhà bên cạnh có nói về chị em Đàm. Ông gọi Đàm là cô nhỏ học dưới tỉnh. Ông lão đã quá già, nên ít sợ những điều mà người trẻ vẫn sợ. Ông cho hay nên tinh ý đề phòng nhà chị láng giềng. Nhất hạng mấy đứa con chị ta, chúng có thể quỷ quyệt, lợi dụng. Chồng chị Vang lên núi gần tám năm. Anh ta đi biệt tăm. Cho đến đầu năm ngoái, cùng với một trận đánh khá lớn bùng nổ ngay xóm đầu làng, anh ta xuất hiện, trở về. Toán quân hùng hổ của giặc sẽ không làm nên trò nếu không được sự góp công của vài kẻ quen biết địa thế nơi đây. Người ta đồn anh Vang là một tay quan trọng trong tốp người chỉ dẫn này. Dân làng gọi họ là kẻ làm mũi, mũi dùi, mũi tên dẫn đường. Trận đánh lớn đầu năm không được kết quả tốt, đám dân quanh xóm thấy rõ sự thể qua nửa trăm xác người nằm lỏng chỏng khắp dải ruộng, dưới các lòng mương. Những xác người mặt mũi biến hình kỳ quặc, áo vàng rộng gài chẽn nút cổ như mấy anh Tàu dưới phố. Liền sau, hình như tập thể vừa bị xác xơ ấy đã dời đi xa. Chỉ còn một nhóm nhỏ ở lại, ở lại để làm cho số dân ít ỏi trong làng ngày một ít thêm nữa.

Chồng chị Vang cũng nằm lại. Sự hiện diện của anh ta ồn ào, hùng hồn hơn hết. Việc đầu tiên, Năm Vang hạ sát ông công an của làng. Vị này chết chẳng ai thương. Nhưng nếu được thấy Năm Vang cùng chết với vị công an thì có lẽ mọi người thích lắm. Không ai quên rằng gần phân nửa dân làng đã có dịp bị tra vấn, làm khó dễ, hay vào khám, bởi một tay vị an ninh quý của mình. Hành động giết chóc ấy của Năm Vang có thể được lãng quên, nếu ngay sau đó đừng xảy ra vụ thứ nhì. Nạn nhân bây giờ là một cựu giáo viên, một kẻ già ốm. Ông ta ốm yếu tới độ hiếm ai có thể ốm hơn. Chiều đó ông giáo gây gổ với chị Vang về chuyện một con vịt đi lạc. Hai bên chửi nhau lớn tiếng suốt đến tối. Vụ này ông giáo dù không lỗi cũng bậy. Nhà giáo, dù là cựu, mà ồ chấy chửi rủa, phàm tục như thế bậy thật, ráng gánh hậu quả. Tối hôm sau, ông giáo bị bắn một phát. Từ ấy, Năm Vang như một luồng gió độc, thổi len qua xóm nào thì xóm ấy trở mình. Nhưng rồi, những tháng gần đây hình như anh ta đã đi đâu, thấy vắng bóng im hơi. Có thể trên núi cao, hay trong góc rừng còi cọc nào đó trời đã dành cho Năm Vang một cái chết, chết bần thần. Đang ngủ, đang đi, hay đang ăn uống nói chuyện chợt nhiều trái đạn từ cao giáng xuống, vang động! Chết không trăn trở. Vậy rồi, vài tháng, một năm sau mấy bà già đi mót củi sẽ thấy được các cái chết ấy. Thấy đống xương, giống xương cá đã bị mút sạch hết thịt. Những chiếc đầu lâu đôi hố mắt rộng toang. Hai ba cây súng vãi ra cỏ, trong vị thế chờ, chờ những chủ nhân đã chết rục ấy ăn cơm xong trỗi dậy mang đi… Dù thế nào, làng này cũng được yên mấy tháng tiếp – Ông lão nói, bày tỏ mạnh miệng không e dè. Ông bảo đã hưởng được bảy chục tuổi rồi, quá đủ. Lớp trẻ nay ít ai dám mong được một kiếp sống dài ngoằng như thế. Ông lão căn dặn coi chừng mấy con yêu ranh mê hoặc, canh gác hờ hững mà chết. Sung cảm động. Mái tóc bạc phơ, với một căn nhà bên trong rộng không hơn năm bước, lủng củng những bàn thờ đèn nhang, có vẻ gì lạ lùng kỳ dị. Sung biếu ông lão năm chục bạc. Ông tròn hai mắt mờ, ngạc nhiên. Đã nhiều năm nay chưa khi nào ông kiếm trong một lúc được số tiền lớn như thế. Ông không cảm ơn, nhưng hình như tay run khựng.

Sung ngắm cô học trò, gương mặt kia thấy khó tìm ra ẩn nét yêu tinh.

Ngoài trời mưa lại phủ xuống, mỏng, rỉ rả với nhịp điệu yếu nhưng có mòi khó dứt. chỉ tạnh được khoảnh khắc, lúc xẩm. Mưa liền hơi, trong nhiều ngày, tạo nên một bầu trời ẩm tối, nặng buồn. Đêm thế này những bóng đen lẩn lút rình mò có thể khó bị phát giác. Qua khe cửa sổ, nhìn lâu mới thấy được những chùm lá dừa đen sậm, hình như lay nhẹ trước giếng. Cửa nhà bếp kêu khò khè, như bị ai đẩy nhẹ, rồi mở ra một cánh. Xao lách vô, lột nón sắt xuống cầm tay, giậm chân mấy cái giũ đất, xong khép cửa. Nó a tới bên chị Vang ngồi lượm rau, xuýt xoa:

- Úi chà, lạnh ác, lạnh dữ ác.

Chị Vang nhìn nó, nhìn bằng nửa con mắt.

- Tới đây con, Bài. Ngồi đây cho ấm – Xao chỉ vào đùi, vẫy thằng nhỏ vẫn đứng chống nạnh trong xó bếp. Thằng nhỏ lạ mặt thu người đứng im.

- Đống rau này độ mấy trăm?

- Bảy tám chục – Chị đàn bà trả lời nhấm nhẳng. Thằng già muốn giỡn mặt, chép miệng, than:

- Vậy sống sao nổi trời… Này, người ta nhiều khi chẳng phải khổ thế này mà vẫn có ăn, lại sung sướng. Muốn vậy không?

Chị Vang lườm:

- Định khoe các ông đấy chắc?

- Đâu phải, bọn này tiền xương máu, đói thấy mồ - Xao chối. Bộ mặt nó lúc này giá bà vợ nhà thấy được thì trăm phần bà ta sống không nổi. Đàn bà cỡ ấy lúc ra tay phải biết. Còn thêm đám con bảy đứa sau lưng tiếp ứng nữa, sắp dài một dọc, xôn xao.

- Mưa mãi, rì rầm suốt đêm gớm quá – Chị Vang cằn nhằn. Chợt cánh cửa bật tung, mưa bay tốc vào. Người đàn bà giật mình. Một khung tối đen kịn như nhựa đường rải hiện đột ngột nơi cửa. Và gió. Cô nhỏ học dưới tỉnh ký tên lòng vòng hàng trăm chữ trên tập nháp, hai mí mắt được cố tình cho sụp thấp một nửa, và lúc lâu mới nháy đôi ba cái. Dưới kia, Xao mở bóp nhựa lấy cho thằng bé một tấm ảnh màu, làm thân. Cạnh những giấy má xếp ngay thẳng, ngăn bóp bên kia thấy một xấp bạc còn mới, rất dày. Tập bạc chúc nghiêng ra ngoài, nhiều quá. Chị Vang liếc, tia nhìn ngừng khá lâu nơi bàn tay đen cứng, và chị chớp mắt. Một cái chớp mắt nhanh – Sung dặn:

- Sáng đi học cho anh gởi.

Đàm tiếp tục vẽ cua còng. Nhìn nghiêng cô nhỏ rất giống chị Vang.

- Qua bưu điện bỏ giùm anh một cái thư, bảo đảm.

- Thư cho chị nhà?

- Ừ. Sao không?

- Ơ, sao lại sao – Đàm bật cười. Mấy ông có nhiều cái ngộ lắm.

- …

- Ngộ thật sự. Như lối sống, nói, ăn uống, và lấy vợ… Hồi chiều thinh không lục tục dọn dẹp kéo đi một mạch. Tường đi luôn sang ấp khác, bỗng tối quay lộn về. Lại nằm y chỗ cũ. Sung giải thích:

- Lý do nghề nghiệp đó, bí mật thương mại.

Đàm nói còn lắm việc lạ nữa. Cưới vợ chẳng hạn. Mới thấy nói chơi qua lại mấy hôm trước thì hôm sau đã cưới – Đám cưới, đàng trai người ta thấy có ông đơn vị trưởng thủ vai cha mẹ, chàng rể, đám họ chừng bảy người. Tất cả đi hàng dọc trên bờ mương hẹp, không ai đeo súng nhưng có mang dây đạn. Xóm nhà bên phải mương được một trung đội giữ an ninh. Rải rác quanh những ngôi mộ vôi sau nhà cô dâu thấp thoáng những tốp khác. Nhà gái trịnh trọng khăn đóng áo dài ra ngõ đón. Họ trai vào, cùng cởi bỏ dây đạn, cất nón sắt trước hiên. Tiệc tùng diễn ra, cũng trà nước, cũng chuyện vãn ồn ào. Trong câu chuyện những ông già bên gái thì nói về thời tiết, cày bừa. Phía họ trai thì bàn về thời thế, địa hình chiến trận. Đằng sau, mẹ cô dâu bưng một mâm cỗ đầy, đi từ từ, đem ra cho toán gác thập thò ngoài nghĩa địa.

- Làng này ai được cưới theo kiểu ấy? Cô gái trề môi:

- Không có đâu, không thèm. Xao ra vườn tuần vòng, trở vào đồ ướt mẹp, nó kêu:

- Báo hại, mưa hoài. Nhưng khá chẳng đứa nào ngủ gục. Trời mưa dầm, vườn cây đọng nước, bùn sình ngập, nhão bẩy. Đêm như muốn che kín những đôi mắt cố mở lớn quanh đây. Các chiếc lều thấp trải đều ven rào lồng gió, mưa tung vào đám người co quắp bên trong. Xao vuốt nước trên tóc. Chị Vang trao nó chiếc khăn lông. Nó không cười, dù mặt lộ rõ vẻ hài lòng.

Nhà trong, chẳng hiểu vì sao tự dưng cô thợ gục đầu xuống máy. Chiếc áo may dở bị xô đẩy, rơi thòng nửa thân ra ngoài mép bàn. Đảo luồn tay dưới ổ máy, hình như nó nắm tay cô gái. Nếu đèn mờ thêm chút nữa thì chắc không ai thấy hành động của nó.

Sáng ngày Đàm dậy sớm, cô gái lui cui bơm xe đạp. Trước sau chưa ai thức. Đàm bước nhẹ đến lay võng Sung.

- Thư đâu?

Đàm ngồi xuống, đợi. Chiếc võng nghiêng qua, chúc xuống.

- Học chi sớm vậy?

Hai cánh tay đen sì vói kéo cô gái vào gần.

Hôm sau đoàn quân dời đi. Chị Vang nấp sau bếp nhìn theo cho đến người sau chót khuất qua ngõ trước. Ngày đó Xao là người buồn nhiều nhất. Mưa đã nhẹ, nhưng vẫn còn đủ làm ướt đoàn người im lặng di chuyển chậm men bờ ruộng. Còn đủ làm Xao thấm ỉ lòng. Sung không vui được, nhưng trông mặt Xao thảm sầu quá độ bỗng thấy muốn cười. Qua cuối con mương, toán đi đầu rẽ sang đồng mía xanh dày bên phải. Đảo có mặt trong tốp dẫn đường, nó bước những bước thật dài. Cuộc làm ăn đêm qua chắc không gặt hái được gì, nên nó thoát cảnh bịn rịn.

Tiếp mấy hôm Xao bơ phờ ngu ngơ như con vịt lạc bầy. Nó tỉ tê rằng, đêm ấy, trong phút đã trao tâm thần cho nhau, nó nói:

- Mùa này ban đêm nằm nhà thật đầm ấm.

Nhưng chị Vang dường như tỏ vẻ buồn, và bồn chồn:

- Nơi nào đầm ấm chứ miền này thì khác. Gió mưa thâu đêm thấy nặng nề, ghê khiếp lắm. Gặp khi đang cơn nên Xao mê muội, nó chẳng nhận ra ý kín trong giọng người đàn bà.

Mười ngày sau chị Vang bị bắn chết, hồi nửa đêm. Chết bởi một phát đạn, hệt như anh giáo gầy trước kia. Đàm tìm xuống báo Sung hay tin ấy. Đàm oán Xao, cô nhỏ ngậm ngùi: “Vì chú ấy mà má em chết.” Sung lặng người bàng hoàng.

Vang đã bỏ đi mất ngay sau lúc mẹ chết. Chiếc máy xếp lại, xấp áo may xong còn treo trên dây, cả hai bơ vơ. Xác chị Vang bỏ ngoài trời đến sáng, nước mưa kéo máu loang vòng trong sân vôi. Vang đi, giờ chắc cô gái đang có mặt trong hốc núi hay khu rừng nào đó, đeo súng, bên người cha độc như một luồng gió độc. Đàm chảy nước mắt, chỉ thấy nước mắt, như khóc. Mặt cô gái u buồn, xanh xao. Trời sắp đổ mưa trên khuôn mặt đó.




VVM.20.9.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .