Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



CƠN LŨ



N ẾU so với các trận lũ trước kia thì cơn lũ vừa ập đến đây chẳng có gì ghê gớm. Bình thường thôi! Và chưa đầy 48 tiếng đồng hồ là rút cạn. Nên thiệt hại vật chất không đáng kể.

Thế nhưng với gia đình chị Biếc lại là thảm kịch: anh Biếc mất tích!

Sau một ngày một đêm nỗ lực truy tìm, người ta kết luận rằng: anh Biếc đã bị lũ cuốn. Còn cuốn đi đâu, về đâu, thì tùy óc tưởng tượng phong phú của từng người. Có thể lúc này anh đã trôi ra tới cửa biển, hay đang vướng vào một chướng ngại nào đó rồi kẹt lại, đành yên vị ở đấy chờ đến lúc được ai đó tìm ra.

Từ Sài Gòn, nhận điện thoại của con rể gọi vào báo tin sét đánh, chị Biếc xỉu lên xỉu xuống nhiều lần, người rũ ra, mềm oặt như tàu lá chuối héo. Đột ngột quá. Khắc nghiệt quá.

Hai mẹ con -chị Biếc và thằng Đàn- tức tốc trở về quê, bằng chuyến xe giường nằm khởi hành sớm nhất.

Hà bồng đứa con năm tháng tuổi ra bến xe đón. Nhìn đôi mắt sưng mọng, lờ đờ cá ươn của con gái, chị Biếc không cần hỏi cũng biết tình hình của chồng chưa có gì sáng sủa.

Căn nhà anh chị mới xây lại năm ngoái trên nền đất khá cao nên nước lũ chỉ ngập lên chưa đầy nửa sải tay, chân tường còn nguyên dấu ẩm ướt.

Hà rành mạch kể rằng: trời chưa sáng là cô đã giục chồng -Quốc- chống ghe sang xem tình hình nhà anh Biếc ra sao, mới hay cha vợ đã mất tích tự bao giờ. Cánh cửa hậu thông sang vườn hàng xóm mở toang, đẩy một số vật dụng nhẹ ra khỏi nhà. Thứ còn đang lang thang lềnh bềnh trôi nổi, thứ cắm ngập dưới sình. Kiểm lại chăn màn quần áo cũng không còn đủ. Dĩ nhiên, những mất mát ấy chẳng nghĩa gì so với tính mạng một con người.

Chị Biếc khóc cạn nước mắt, xót xa nhớ về anh Biếc. Ôi chao, cả một trời kỷ niệm! Khi nắm trong tay thì hững hờ, khi rơi mất mới nhận ra giá trị. Chị ân hận đã chọn lựa rời xa anh gần chục năm nay, vào tận phương Nam xa xôi, tìm cơ hội lao động nuôi sống gia đình.

Nói công bằng, chọn lựa của chị Biếc không có gì đáng phê phán cả. Sống ở vùng quê “đất cày lên sỏi đá”, mỗi năm dăm trận bão lụt, ông cha chị mấy đời không thoát ra khỏi đói nghèo. Các thế hệ sau “tha phương cầu thực” tìm nơi “đất lành chim đậu” cũng là lẽ hiển nhiên.

Chị Biếc chịu thương chịu khó, ngày thu mua ve chai, tối bán thêm vé số dạo, chắt chiu cần kiệm từ cái ăn cái mặc, để đều đặn hai tháng một lần đem tiền về quê cho chồng mua thêm ruộng, xây nhà gạch, sắm xe máy đời mới… Mấy năm sau, chị còn đón thằng Đàn vào Sài Gòn ở với chị, cho học trường dân lập, nhằm đầu tư cho mục đích bền vững lâu dài.

Phải nhìn nhận công sức chị Biếc bỏ ra không uổng phí. Gia đình chị dần dần “lên đời”, từ lâu đã không còn xếp vào diện “xóa đói giảm nghèo”.

Có thế, vợ chồng chị mới “hân hạnh” làm sui gia với nhà giàu, khi gả Hà cho con trai bà Lụa.

Trâu bò ruộng đất nhà bà Lụa nhiều thế nào, cả huyện có người nào không rõ. Còn chị Biếc làm gì ở Sài Gòn không ai biết, chỉ thấy vợ chồng chị giờ cũng sắm xe đời mới, cũng nhà ngói cây mít, cũng dư thừa ruộng cho thuê, thế là “môn đăng hộ đối” rồi!

Ngày rước dâu, Hà được mẹ cho hồi môn bộ nữ trang vàng y năm món, rất chất lượng. Họ nhà trai hài lòng, họ nhà gái nở mặt và quan khách chứng kiến trầm trồ, tấm tắc.

Món hồi môn đó, chị Biếc mất toi ba năm vắt sức lao động mới sắm được. Nhưng chị không tiếc nuối. Bởi những kỷ niệm đắng nghét thời khốn khó trước kia vẫn ghim trong lòng chị, chưa dễ xóa nhòa.

Ngày ấy, chị Biếc nghèo rớt mồng tơi đậu bắp, người khẳng khiu, da xanh mét, quanh năm áo vá quần sờn. Có người họ hàng gần, hễ nhìn thấy chị từ xa xa là nhanh chân luồn sang lối khác.

Bây giờ thì khác rồi. Mỗi cuối năm về quê ăn tết, chị Biếc toàn diện áo dài nhung, quàng khăn lụa, xỏ hài thêu, má phấn môi son… đi chúc tuổi từng nhà. Thì cũng cái người họ hàng gần ấy rất vồ vập đon đả, lôi kéo đãi đằng…

Mỗi lần chị Biếc về thăm, lại nghe chồng than rằng: gả con gái theo chồng rồi, anh vào ra lặng lẽ “mình ên”, quạnh quẽ quá. Rằng: những đêm trở gió, lòng anh trống trải lạnh lẽo lắm.

Chị Biếc nghe, hai mắt đỏ lên, thương chồng đứt ruột. Nhưng hoàn cảnh mà, biết làm sao tròn vẹn đôi đường? Từ đầu, chị cũng nghĩ đến điều đó nên định “bắt rể” chứ không muốn Hà đi làm dâu. Nan giải một điều: bà sui gia cũng chỉ có một mống con trai, vợ chồng Quốc phải ở với bà là hợp lý.

Tình cảnh bà Lụa cũng hẩm hiu. Góa chồng sớm từ ngày khá trẻ, vò võ nuôi con, một tay bà dựng nên sản nghiệp ngày nay thì còn vất vả đắng cay nào mà chưa nếm trải?

Hàng xóm nhiều lần nghe bà Lụa mở lòng rằng: giờ bà ngán ngẩm sự đời lắm, chỉ ước ao tìm một tịnh thất nào đó của các sư cô, xuống tóc đi tu. Tâm nguyện chưa thực hiện được vì Quốc không tán thành. Con trai năn nỉ quá nên bà xiêu lòng, không… nỡ. Nhưng chí đã quyết, bà sẽ kiên nhẫn thuyết phục bằng được. Chứ chỉ tuần hai ngày vào chùa làm công quả như hiện nay, công đức còn… mỏng lắm! Bà tin rằng “Mưa lâu thấm đất”, chỉ ít lâu nữa thôi bà sẽ tròn hạnh nguyện.

Bà Lụa cũng phân trần với chị Biếc rằng, bà rất thông cảm hoàn cảnh anh sui, nhưng công việc nhà bà “đăng đăng đê đê” lắm, rất cần có Quốc quán xuyến.

Chị Biếc chỉ biết tìm lời an ủi chồng, khuyến khích anh năng sang nhà sui gia thăm con bồng cháu cho vui. Chị to nhỏ khuyên anh “hi sinh” cho chị ở lại Sài Gòn thêm một năm. Sang năm, chỉ cần thằng Đàn thi đậu vào Đại Học rồi là chị lập tức khăn gói về quê ngay, không tha hương nữa. Lúc đó Đàn vừa học vừa kiếm việc làm thêm tự trang trải cho bản thân. Ở đây, chị đã thấy nhan nhản trường hợp sinh viên như thế.

Con trai chị nhất định phải vào được một trường Đại Học ở Sài Gòn. Đó là khát khao cháy bỏng thúc đẩy chị ra sức… đầu tư.

Một năm… Chỉ một năm nữa thôi mà!... Cố lên! Cố lên!

* *

Cơn lũ bất ngờ đã phá nát giấc mơ của chị Biếc.

Chị ngao ngán nhận ra đời thật vô thường! Chỉ chớp mắt, chị thành góa bụa. Chị hối hận đã lần lữa hẹn nay hẹn mai mãi. Nếu có chị bên cạnh, biết đâu tai họa không đến với anh Biếc tàn nhẫn như vậy. Ít ra là trong cơn hoạn nạn còn có chị nắm chặt tay anh, không để anh sống cô đơn rồi lại chết cô độc.

Chị hồi tưởng để tiếc nuối mỗi lần về quê đã không nán lại lâu hơn. Luôn luôn vội vàng, phập phồng sợ đi lâu có nguy cơ mất hết các mối khách quen. Bây giờ tiền bạc hay việc làm có nghĩa gì với chị?

Đau lòng nhất là không tìm được xác chồng. “Sống có nhà, chết có mồ”. Chưa “mồ yên mả đẹp”, linh hồn anh Biếc vất vưởng nơi đâu? Cuộc tìm kiếm rơi vào bế tắc. Không một mối manh làm các tia hy vọng cạn kiệt dần.

Chị Biếc bắt đầu tin nước lũ đã cuốn anh Biếc ra cửa biển thật rồi. Trong lòng biển, nếu thân thể anh không rơi tọt vào hàm cá lớn thì cũng bị lũ cá nhơ nhỡ, con con rúc rỉa ngày đêm. Ngay cả khi may mắn vướng vào hốc đá gốc cây nào đi nữa, thì thời gian qua đủ cho thịt da anh tan rữa thành sình non, hòa lẫn vào đất. Phần xương ngậy mùi thịt sống là bữa khoái khẩu cho lũ chó đói giỏi đánh hơi.

Chị Biếc lập một mộ gió cho chồng có chỗ đi về, chọn đêm lũ cuốn làm ngày giỗ. Mộ ở ngay thửa ruộng gần nhà nhất.

Làm thế nghĩa là chị quyết định không nghe lời khuyên của ai mà bán nhà bán ruộng rồi đi thật xa để lãng quên quá khứ. Từng xó nhà xẻo đất chất đầy dấu tích, chị bán sao đành? Dù buồn hay vui, dù nụ cười hay nước mắt thì cũng là kỷ niệm một đời của gia đình chị.

Chị giải thích với mọi người thế, không dám can đảm thú nhận điều thầm kín trong lòng: biết đâu anh Biếc còn sống và sẽ quay về? Dù vô lý, dù mong manh nhưng còn chút gì để hy vọng vẫn ủ ấm trái tim lạnh giá của người đàn bà.

* *

Ba tháng sau, chị Biếc mới trở lại đất Sài Gòn tiếp tục công việc thu mua ve chai. Chị bỏ hẳn bán vé số chập tối. Tham công tiếc việc làm gì khi không còn nhu cầu kiếm tiền cho chồng mua thêm ruộng. Động lực sống hầu như cũng rời bỏ chị. Nếu không phải dùi gắng lo cho thằng Đàn yên tâm học, chị chẳng màng làm việc nữa. Rã rượi. Mòn héo. Già nua…

Dì Mận -chủ nhà trọ, ái ngại khuyên:

-Con cứ coi như vợ chồng đến lúc hết duyên hết phận với nhau… Cố gắng vượt qua nỗi đau, đừng để sinh bệnh lại khổ con khổ cháu…

Thì chị Biếc vẫn đang cố gắng đây, nhưng sao khó vượt qua đến thế?

Lần khác, dì Mận lại nói:

-Mà có khi chồng con còn sống thật đấy. Chưa nhìn thấy xác thì cứ hy vọng, con ạ.

Thì chị Biếc vẫn đang hy vọng đây, nhưng sao ngày một tăm tối, mịt mù?

Dì Mận có mơ mộng viễn vông không? Hay “giả mù sa mưa” cốt an ủi chị? Nếu còn sống, hẳn anh Biếc phải quay về từ lâu rồi chứ đâu biền biệt đến giờ?

Trong các phim truyền hình không hiếm tình huống “mất tích” bí hiểm: do tai nạn gì đó, một cú va đập xóa đi toàn bộ ký ức, thế là nhân vật đáng thương đó phải sống vạ vật lang thang một thời gian, chờ cơ may… phục hồi trí nhớ. Liệu anh Biếc có “may mắn” như… phim?

Trả lời cho chị, dì Mận khẳng định:

-Có chớ! Phim phản ảnh đời thường mà!

Dần dần, chị Biếc cũng… tin. Phải rồi, chồng chị đang còn sống, không khỏe mạnh nhưng bình an, ở nơi chốn nào đó. Bị cuốn phăng phăng theo dòng nước lũ, anh Biếc tránh sao khỏi va đập vào một vật cứng thành chấn thương sọ não, trước khi gặp “quới nhơn” ra tay tế độ? Quới nhơn đó có thể là một cụ bà hảo thị -như cô Tấm đã gặp-, có thể là một lão Ngư hay ông Tiều, hoặc chàng dũng sĩ Thạch Sanh cũng chẳng sao!

Tất cả đều có “mẫu số chung”: tốt bụng và sống cô độc một mình. Có thế mới nhanh nhảu nhận anh Biếc làm con nuôi rồi hết lòng thương yêu, chăm sóc, chữa trị…

Chị Biếc thả trí tưởng tượng bay xa, quên mất rằng các quới nhơn kiểu đó chỉ có trong… truyện cổ tích. Chứ theo mạch phim truyền hình thì thế nào trong nhà các vị ấy cũng gài sẵn một em gái - con gái - cháu gái. Nếu không thế, sao mở ra một trang tình sử mới bi đát lâm li cho “nhân vật mất trí nhớ tạm thời” được?

Nhưng đến đây thì chị Biếc chả dại gì mà tưởng tượng tiếp!

* * *

Mỗi cuối tuần, dì Mận lại rủ chị Biếc theo dì đi chùa cho khuây khỏa nỗi buồn, lấp dần trống vắng. Thoạt đầu chỉ loanh quanh vùng Sài Gòn, sau mở rộng xa hơn sang các tỉnh khác: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Nhờ vậy mà tâm lý chị Biếc ổn định nhiều.

Đi từ xa xa nhìn lên, ngôi chùa cổ kính trên đỉnh núi như lọt thỏm giữa mây và lá. Tầng cao là mây trắng, tầng dưới là hàng cổ thụ xanh. Từng cụm mây mỏng manh thanh thoát nối tiếp nhau ôm ấp các góc ngói uốn cong hình rồng lượn. Sân chùa sừng sững bức tượng Phật cao lớn, hiền hậu và uy nghi, ẩn hiện bởi những bóng cây rợp lá, tươi tốt bốn mùa. Khách thập phương muốn lên viếng chùa phải đi qua khá nhiều bậc thang bằng đá xanh, xếp rất công phu.

Khứ hồi cả trăm bậc như thế nên rời chùa xuống núi rồi, chị Biếc mỏi nhừ hai chân.

Nhìn mặt chị nhăn như bị, dì Mận cười, đùa:

-Mỗi ngày con đẩy xe ve chai đi từ sáng tới chiều, sao không mỏi? Ngộ hen?

-Cũng mỏi chớ, mà đi đường bằng khác xa leo núi, dì ơi!

-Ờ… Thôi, ngồi đây nghỉ chút rồi về. Để dì lại đầu kia mua cho ly nước mía.

-Dạ.

Chị Biếc kê dép ngồi xuống bậc thang thấp nhất của đường dẫn lên núi, duỗi dài hai chân cho thoải mái, mắt lơ đễnh nhìn quanh.

Ngôi chùa từ lâu nổi tiếng linh thiêng, đặc biệt với những cặp vợ chồng cần cầu tự, nên dù không phải mồng một hay ngày rằm, khách thập phương cũng đông nườm nượp. Hàng người này từ dưới đi lên thay thế đoàn người kia từ trên quay xuống.

Các hàng quán chung quanh luôn chật khách, đa số một kiểu na ná nhau, tạm bợ và chóng vánh: không vách không cửa, chỉ một tấm bạt rộng che lên nền đất ẩm ướt sau cơn mưa to đêm qua; chục bộ bàn ghế bằng nhựa composite thấp lè tè kê sát rạt nhau.

Cảm thấy tê chân, chị Biếc cúi xuống dùng cả hai tay xoa bóp bắp chuối đang có dấu hiệu sắp bị chuột rút, không chú ý tới người đi qua kẻ đi lại nữa.

-Kể nghe coi, anh vừa cầu Phật điều chi? Xin con hả?

-Nói xàm! Già háp rồi, con đâu mà xin?

-Hí… hí… hí…

Tiếng nói cười của hai người nào gần đó không lớn lắm cũng đủ lọt tai chị Biếc, kéo đầu chị ngóc lên.

Bất ngờ, không hẹn mà cả hai người cùng lúc bật kêu một câu giống hệt nhau, thảng thốt cũng giống hệt nhau:

-Chị sui!

Chủ nhân hai tiếng đồng thanh đó là chị Biếc và… bà Lụa!

Bàn tay chị Biếc đang xoa bóp bắp chân khựng lại, buông xuôi.

Cùng lúc, vòng tay bà Lụa -đang ôm chặt lưng người đàn ông bên cạnh- cũng khựng lại, buông xuôi.

“Người đàn ông bên cạnh” quen thuộc với chị Biếc quá, chị nhận ra ngay: anh Biếc!

Mặt hai người đàn bà tái xanh còn mặt anh Biếc đỏ bừng bừng. Cả ba lấm lét nhìn trộm nhau, không ai buồn mở miệng nói một lời.

Mà cần gì phải có ai nói thì đối phương mới tường tận ngọn ngành?

Nhất là chị Biếc. Chị đã hiểu rõ nguyên nhân anh Biếc “mất tích” trong đêm lũ về rồi. Hiểu nên chị không trách chồng. Là lỗi của chị mà ra cả.

Chẳng phải chính chị nhiều lần khuyên chồng năng “sang nhà sui gia thăm con bồng cháu cho vui” sao? Nhà của sui gia tất nhiên phải có sui gia ở đấy, chứ đâu chỉ mình đứa cháu để anh Biếc bồng?

Còn bà sui của chị, từ lâu đã ngán ngẩm cuộc đời, chỉ ước tìm vào tịnh thất sư cô xuống tóc đi tu. Lỗi là ở Quốc -con rể chị- không chấp thuận cho mẹ tròn hạnh nguyện.

Chứ “tình yêu chẳng bao giờ có lỗi”!




VVM.08.9.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .