M
ỗi buổi sáng ông Hưng vẫn có thói quen ngồi vừa nhâm nhi cà phê vừa đọc báo mới nơi hàng ba trước nhà. Thỉnh thoảng ông ngước mắt lên dõi theo những cánh chim sẻ nhốn nháo bay lướt qua ngọn cây phượng tím, và rồi để lại sau lưng chúng một khoảng trống im lặng. Ông nhìn sang bãi cỏ của ngôi nhà đối diện, ánh mắt soi mói lướt đi từ cánh cửa lớn đến những khung cửa sổ được tấm rèm màu tối che phủ, như có ý mong đợi một điều gì…
Khoảng vài tháng nay trong ngôi nhà đối diện có thêm một người nào đó đến ở. Không phải “một người nào đó” bình thường mà là một phụ nữ tuổi ngoài tứ tuần nhưng dung nhan vẫn còn khá xinh đẹp. Hầu như mỗi khi bước ra khỏi nhà, nàng không hề nhìn thấy (ông đang ngồi quan sát) mà chỉ xăm xăm đi đến giữa bãi cỏ, đặt chiếc giá vẽ thâm thấp xuống rồi ngồi bệch trên lớp cỏ xanh rờn và miệt mài vẽ.
Ngày một ngày hai, hình ảnh người nữ họa sĩ ngồi trên cỏ vẽ tranh bỗng dưng trở nên quen thuộc với ông Hưng, quen thuộc đến mức cần thiết, quen thuộc đến mức nếu có một buổi sáng không thể gặp nàng, ông cảm thấy trong lòng bứt rứt xốn xang. Nhiều lúc ông muốn cất tiếng chào làm quen với nàng nhưng ngài ngại, sợ nàng cho rằng ông là một kẻ đường đột.
Một buổi sáng nọ, trong lúc ông Hưng vừa ngồi uống cà phê vừa ngắm nàng đang vẽ tranh, vừa cuống quýt bối rối tìm cách tiếp cận nàng thì may quá, chủ nhân của ngôi nhà đối diện xuất hiện. Anh ta băng vội qua đường để đến tìm ông.
-Chào anh Hưng. Anh đang uống cà phê hả? Anh khỏe không?
-Hello Dương. Tôi khỏe. Vợ chồng chú dạo này thế nào rồi?
-Cảm ơn anh, vợ chồng em vẫn bình thường anh ạ. Em sang hỏi anh xem có thể muợn anh cái máy toaster nướng bánh mì được không? Cái máy của em chắc là bị hỏng rồi, nhấn nút mà điện không vào.
Ông Hưng vội vàng đứng lên:
-Được chứ. Chú đi vào trong bếp với tôi.
“Chớp lấy dịp may ngay, bỏ qua rất uổng!”. Nghĩ vậy nên ông vừa cầm giẻ lau sạch cái máy toaster, vừa lựa lời hỏi thăm người hàng xóm tên Dương:
-Nhà chú đang có khách đến ở chơi à?
Dương tủm tỉm cười:
-Khách đâu mà khách, nếu tính vai vế trong họ hàng thì người đó là cô của em đấy. Cha của Thúy là em ruột của ông nội em. Thúy bằng tuổi em thôi, nhưng vì Thúy là em họ của cha em nên em đành phải gọi bằng “cô”. Ôi chán thật anh ạ!
Nói xong Dương bật cười dòn dã làm cho ông của vui vẻ cười theo.
-Anh Hưng cứ sang làm quen và nói chuyện với Thúy. Cô ấy mới ở Sài Gòn qua đây nên vẫn còn “nhà quê” lắm. Có anh giúp đỡ thì cô ấy sẽ tự tin hơn và vợ chồng em cũng nhẹ gánh lo hơn.
Rồi sợ ông hiểu lầm, Dương vội vã nói tiếp:
-Tụi em chỉ lo cô ấy chưa biết rành đường mà cứ ham lang thang chỗ nọ, lang thang chỗ kia, có ngày cô ấy sẽ đi lạc thôi.
Ông Hưng gật đầu ngay:
-Nếu chú đồng ý thì tôi sẽ qua làm quen và kết bạn với Thúy. Đối với những người đàn ông lớn tuổi và sống một mình như tôi, có thêm một người bạn giống như có thêm một hạnh phúc.
-Vậy em cảm ơn anh Hưng rất nhiều. À quên, sau khi em sửa xong cái máy của em thì em sẽ cái máy này cho anh nhé.
-Chú cứ giữ lấy mà nướng bánh mì cho vợ, khi nào trả tôi cũng được.
Vậy là ông biết nàng tên Thúy, biết nàng mới từ Sài Gòn qua và biết cả tuổi thật của nàng nữa. Nếu bằng tuổi Dương thì nàng nhỏ hơn ông đúng một con giáp. Chỉ có bấy nhiêu chi tiết vụn vặt đó cũng đủ làm Thúy ngạc nhiên, nàng tròn mắt nhìn ông vài giây và miệng nở nụ cười tủm tỉm:
-Anh Hưng khôn ghê. Chắc là Dương kể hết cho anh biết về em rồi.
Ông lắc đầu:
-Không đâu, vẫn còn một điều Dương chưa nói cho anh biết.
-Điều gì vậy anh?
-Em có giọng nói ngọt ngào và dễ thương đến lạ lùng. Anh chưa từng thấy ai có giọng nói tuyệt vời như em cả.
-Anh đừng nịnh em à nha.
-Anh không nịnh. Trước khi về hưu, anh là nhân viên xã hội mà. Anh làm việc cho cộng đồng này gần ba mươi năm rồi, anh tiếp xúc với cả chục ngàn người phụ nữ lận đó, nhưng giọng nói dịu dàng và mềm mại như em thì… anh mới nghe lần đầu.
Thúy không nói gì nhưng đôi má nàng đỏ hồng lên vì được khen quá độ. Nàng quay trở lại với giá vẽ và im lặng trau chuốt từng nét bút chì trên tấm giấy croqui màu trắng nõn. Ông Hưng quỳ xuống sau lưng nàng, tôn trọng những giây phút xuất thần mà ông có thể nhìn thấy trên khuôn mặt nhìn nghiêng nghiêng. Tài vẽ vời của nàng thật đáng nể, đường nét bút chì đưa đi tới đâu, hình ảnh hiện ra tới đó. Ông có thể nhận ra một thung lũng xanh đầy nắng. Có vẻ như Thúy rất yêu ánh nắng mặt trời nên trong tất cả các tác phẩm của nàng, bức tranh nào cũng tràn ngập nắng. Những bụi hoa hồng rực rỡ với nắng. Cặp tình nhân hôn nhau trong nắng. Người đàn ông đạp xe đạp dưới nắng. Cô gái gieo mạ trên cánh đồng chói nắng.
Ông hỏi nàng:
-Em yêu nắng lắm phải không?
Thúy ngập ngừng vài giây rồi trả lời:
-Nếu không có ánh nắng thì làm sao thiên nhiên có cảnh đẹp được?
Ông tìm cách nhìn sâu vào mắt nàng:
-Thiên nhiên vẫn đẹp vào mùa mưa, hoặc mùa thu hoặc mùa đông.
Thúy cụp hàng lông mì dài xuống như muốn né tránh ánh mắt của ông:
-Mỗi họa sĩ có một xu hướng sáng tác riêng, em muốn được người đời gọi em là “họa sĩ của nắng”. Em có ý định sau khi hoàn thành khoảng năm mươi bức tranh, em sẽ mở cuộc triển lãm ngay tại đây.
Ông khẳng định với nàng:
-Anh ủng hộ ý kiến tuyệt vời đó của em. Khi nào em muốn triển lãm tranh, anh sẽ giúp đỡ em trong tất cả khả năng của anh.
Thúy quay lại và nhìn ông cười cảm ơn. Những đốm nắng trong mắt nàng lung linh giống như những bông hoa lửa sáng rực trong bóng tối.
Tình bạn giữa ông Hưng với Thúy chuyển thành tình yêu lúc nào mà ông cũng không hay. Chỉ biết rằng lúc nào ông cũng khao khát có Thúy bên cạnh để trò chuyện, để nàng chia sẻ với ông những khoảng thời gian cô đơn, để chiêm ngưỡng lúc nàng ngồi vẽ tranh, để ngắm nghía đôi môi đầy đặn khi nàng cất tiếng thỏ thẻ và thủ thỉ, để hôn trán nàng và vuốt ve nàng, để sống lại tâm trạng thuở còn thanh xuân…
Thỉnh thoảng ông xin phép được chở Thúy đi chơi một vòng cho đầu óc nàng khuây khỏa sau khi căng thẳng làm việc, nàng hớn hở nhận lời như một đứa trẻ ham vui. Điều đó làm ông vui lây và thấy lòng trẻ trung lại. Ông đưa nàng lên những đỉnh núi cao, ngắm mây trôi rất gần ở trên đầu. Ông đưa nàng đến những bãi biển ở cách thành phố chỉ vài mươi cây số, vui đùa với lũ chim mòng dạn người, dám đến gần ăn những mảnh vụn khoai tây chiên ngay trên tay nàng.
Sáng sớm, hai người ngồi uống cà phê trong sân vườn nhà ông, nghe tiếng chim bồ câu gù gù trên mái ngói. Trưa nắng, hai người đưa ghế dựa ra và đặt dưới tàng cây phượng tím rậm rạp, vừa lắng nghe tiếng gió thổi bên tai vừa nắm mắt ngủ lơ mơ. Đêm lạnh, hai người đội mũ và mặc áo khoác, nắm chặt tay nhau đi thăm thú mọi con đường trong cư xá. Cũng có lúc ông kể chuyện vui Thúy nghe và nàng bật cười khanh khách, cũng có khi họ im lặng không nói năng gì mà chỉ thầm đếm từng bước chân, hài lòng cùng với sự bình yên của tâm hồn.
Nơi mà Thúy vẫn thường muốn ông Hưng đưa nàng đến thăm nhất là một ngôi nhà có những bụi tre lồ ô được trồng trước sân. Nàng đứng tư lự trước những thân tre mượt mà, xanh ngắt, bàn tay vuốt ve những chiếc lá thuôn thuôn, mơ màng như đang trở về và chìm đắm trong thời thơ ấu, cùng bạn bè cuộn lá non thành những vòng tròn để búng về mức vạch được vẽ bằng phấn. Ông tôn trọng khoảnh khắc đó, chỉ đứng quàng cánh tay lên vai nàng như bảo vệ, như che chở. Và sau khi chợt tỉnh giấc mơ, nàng ngước lên nhìn ông với ánh mắt long lanh đầy vẻ biết ơn.
Một điều đặc biệt – tuy nhỏ nhặt nhưng ông cảm thấy rất thương – mà ông nhận thấy ở nơi Thúy là nàng ăn uống rất ít ỏi. Cũng có thể vì nàng tiết kiệm tiền bạc. Cũng có thể vì thể lực của nàng không tốt lắm. Mỗi bữa nàng chỉ ăn một chén cơm chan canh rau (rau cải, rau dền, rau muống…). Mỗi khi ông ép nàng ăn nhiều hơn thì nàng vội vàng từ chối và nói “muốn ói” nếu ăn nhiều quá số lượng cần thiết. Vì quá thương và quá tội nghiệp nên ông không nỡ buộc Thúy phải làm theo ý muốn của ông. Thật ra ông muốn nàng tăng cân hơn một chút cho có sức khỏe, vì người phụ nữ ngoài bốn mươi tuổi mà chỉ nặng 44 kílô thì theo ông là quá ốm yếu!
Một hôm Dương thông báo cho ông Hưng biết hai vợ chồng anh và Thúy có việc phải quay về Sài Gòn trong khoảng thời gian một tháng, và nhờ ông coi chừng nhà giúp. Ông sốt sáng nhận lời nhưng trái tim nặng trịch vì đau khổ. Lúc chưa quen biết Thúy, ông trải qua gần cả đời người trong quạnh hiu và đơn độc vẫn không sao. Giờ đây đã quen chân quen tay (ông không dám nói là quen hơi quen hám) xa nàng chỉ một ngày ông còn chịu không nổi huống chi là xa nàng cả tháng trời.
Thúy cũng có vẻ bịn rịn khi chia tay ông. Nàng gởi ông xấp giấy croqui với những bức tranh vẽ nắng của nàng, và dịu dàng hôn nhẹ lên môi ông. Nụ hôn đầu tiên mà nàng trao cho ông sau gần nửa năm quen biết và yêu thương. Ông tê người đón nhận nụ hôn tiễn biệt của Thúy, trong lòng bấn loạn giữa hạnh phúc và đau khổ. Ông ôm xiết đôi vai nhỏ nhắn của nàng, cảm nhận hơi ấm từ bộ ngực mềm mại, từ bờ lưng thon thả, thổi vào tâm hồn ông một hơi nóng của tin cậy và hẹn ước. Lúc đó ông muốn nói rằng ông yêu nàng, nhưng dường như hiểu ý muốn của ông, Thúy đặt nhẹ ngón tay trỏ lên môi ông và lắc đầu. Ừ thì thôi, đợi khi nàng quay trở về thì ông sẽ nói sau cũng được vậy…
Thúy và hai vợ chồng người hàng xóm tên Dương đi về Sài Gòn được khoảng ba tuần thì gió Santa Ana bắt đầu thổi ngang thành phố của ông Hưng. Chưa khi nào ông cảm thấy gió mạnh mẽ đến như vậy. Đúng là cuồng phong. Gió thổi suốt đêm hôm đó và ông nghe tiếng răng rắc của cành cây gãy, của thân cây đổ. Rồi bất chợt ngôi nhà ông tối thui như vừa chìm xuống một hũ mực, vậy là ông biết điện đóm bị cúp vì đường dây điện bị đứt. Ông phải lọ mọ ra khỏi phòng ngủ và chuyển hệ thống sang đường dây điện sử dụng năng lượng mặt trời để thắp sáng mấy ngọn đèn. Ông nhớ Thúy quá. Ông đứng tần ngần trước xấp giấy croqui với những bức tranh vẽ nắng của nàng, bất giác hai dòng nước mắt nóng hổi tuôn rơi trên má ông.
Sáng hôm sau, ông Hưng bước ra sân trước kiểm tra và cảm thấy hãi hùng trước cảnh tượng điêu tàn mà gió Santa Ana gây ra trong sân. Cây phượng tím bị gió quật gãy ngang nửa thân, gục đầu xõa tóc xuống đất như một kẻ tội đồ. Ông lắc đầu thở dài, bấm điện thoại gọi cho một dịch vụ tư nhân trong quận để nhờ họ đến dọn dẹp. Ông tiếc cây phượng tím lắm, nhưng cũng muốn sân trước phải sạch sẽ, phải tươm tất, phải đẹp đẽ để đón mừng Thúy trở về. Chỉ còn một tuần lễ thôi là Thúy lại hiện diện trước mặt ông. Chỉ còn một tuần lễ thôi là Thúy lại ngồi trước chiếc giá gỗ để vẽ nắng. Chỉ còn một tuần lễ thôi là ông lại được cầm tay nàng, ông sẽ hôn lên bàn tay nổi đầy gân xanh mà nói rằng ông yêu nàng biết bao. Chỉ còn một tuần lễ thôi. Chỉ còn một tuần lễ thôi. Trái tim ông đập rộn ràng theo điệp khúc đó…
Sau bảy ngày canh chừng và chờ đợi, ông Hưng nhìn thấy hai vợ chồng người hàng xóm tên Dương lái xe đậu vào garage trước nhà, nhưng không có bóng dáng Thúy. Ông đứng bật lên, đi như chạy băng qua bên kia đường để hỏi thăm “Thúy của ông đâu”. Đây là lần đầu tiên ông đường đột gõ cửa nhà hàng xóm, nhưng ông không còn quan tâm đến phép tắc lịch sự nhảm nhí và vô nghĩa nữa. Dương ra mở cửa, nhưng không nhìn vào mặt ông mà nhìn về phía sân trước trống trải và chói chang, nơi từng có một cây phượng tím tỏa cành râm mát. Không đợi ông lên tiếng, Dương hỏi trước:
-Anh Hưng chặt cây phượng tím rồi hả?
Ông hơi sửng sốt nhưng cũng gắng gượng trả lời:
-Ừ. Gió Santa Ana mạnh quá, thổi gãy ngang thân cây nên tôi chặt luôn.
Bấy giờ Dương mới quay sang nhìn ông và thong thả nói từng chữ:
-Anh Hưng à, thật ra Thúy đã mất cách đây ba mươi sáu năm rồi, mất trong một vụ động đất ở Sài Gòn và thi thể Thúy bị chôn vùi dưới lớp bùn sâu, đến bây giờ gia đình vẫn chưa tìm thấy xương cốt của Thúy đâu cả. Linh hồn lạnh giá của Thúy nhập vào cây phượng tím để ngày ngày được sưởi ấm bởi ánh nắng mặt trời, và bởi tình yêu của anh. Nhưng cây phượng tím bị chặt rồi, linh hồn của Thúy không còn có chỗ dựa để trở về nữa. Thúy nói anh cứ giữ xấp giấy croqui với những bức tranh vẽ nắng. Đó là kỷ vật cuối cùng Thúy gởi tặng cho anh thay cho lời biết ơn. Thúy tha thiết muốn anh nghĩ về Thúy bằng một hình ảnh đẹp, hình ảnh của một người đàn bà chỉ thích ngồi vẽ nắng…
Ông Hưng thảng thốt nhìn Dương thật lâu rồi cúi đầu từ giã ra về mà không nói được một lời nào. Dáng ông bước đi nhìn lọm thọm hẳn trong ráng chiều liêu xiêu. -./.
(Westminster, CA)
VVM.21.7.2024.
(Westminster, CA)