L
ời Mở: Nhân vật và tình tiết trong truyện là do tưởng tượng. Xin đừng nghĩ rằng tôi nhắm vào ai, bởi vì, trước nhất tôi cũng là một người làm thơ, cũng đã gửi bài đăng trên báo giấy, báo mạng, trang web bạn bè và cả trên Facebook của mình, nên nếu bạn nghĩ tôi đang nói về tôi thì cũng được, nhưng tốt nhất là nên nghĩ về một nhân vật ẢO thì vui hơn.
Sinh là một người làm thơ giỏi. Anh ta có thể làm đủ loại thơ từ Lục bát, Song thất Lục bát, Tứ tuyệt, Thất ngôn Bát cú, bài nào cũng đúng vần, đúng luật. Sinh làm thơ nhiều, cho nên anh gửi bất cứ nơi nào anh có địa chỉ, báo ngày, báo tuần, báo tháng, báo năm, báo mạng, và cả những người có lập trang web trên hệ thống internet. Mỗi khi có dịp đi đến đâu, anh ghi chú các địa danh nổi tiếng để khéo léo ghép vào trong thơ, sau đó thêm vào một chút hương vị thương nhớ, tình yêu gì đó, thí dụ đến Cần Thơ thì trong bài phải có bến Ninh Kiều, Hậu Giang, đến Huế thì phải có cầu Trường Tiền, tà áo tím, về Đà Nẵng thì thêm đỉnh Bà Nà, Cầu Hàn... Thơ gửi tới khắp các báo đài địa phương. Địa phương thấy nhắc đến các địa danh riêng mà lại đang dư trang thiếu bài, thế là gửi nhiều rồi cũng có bài được đăng. Sinh chụp lại đưa lên Facebook khoe thêm lần nữa. Còn nếu đăng trên các trang báo mạng thì viết lời cám ơn, chép lại đường dẫn… Lâu ngày, bút hiệu của Sinh cũng khá quen thuộc trong giới văn nghệ.
Nhưng làm thơ Giỏi, không có nghĩa là làm thơ hay. Cũng có người bạn thân tình nói với Sinh như vậy, và dẫn chứng có nhiều người làm thơ có khi chỉ năm ba bài mà ai cũng đọc và trân trọng, ghi nhớ, thí dụ ngày xưa như Hữu Loan, Thâm Tâm, gần đây như cô giáo Trần Thị Lam…
Sinh thực ra không phải người ương ngạnh, cho nên cũng có nghe, nhưng lòng riêng vẫn cho rằng thay vì làm được một bài thơ tuyệt tác, thì làm thật nhiều thơ trong đó cũng sẽ có một bài hay chứ, Sinh dẫn chứng như chuyện hai cô ca-ve đó.
- Hai cô ca-ve nào?
- Thì là chuyện kể thôi. Thời quân đội Mỹ còn đóng quân ở Việt Nam, có hai cô ca-ve thuê chung một phòng. Một bữa cô A đi về, trên tay đeo cái nhẫn kim cương 5 carat, cô B ngạc nhiên hỏi sao mày có? Cô A trả lời tao quen với một thằng Thiếu Tá Mỹ. Cô B gật đầu. Một tháng sau, cô B cũng có một cái nhẫn kim cương 5 carat. Cô A vui vẻ hỏi mày cũng quen một thằng Thiếu Tá hả? Cô B trả lời, đâu có, tao quen với hai chục thằng Trung Sĩ thôi.
Bạn nghe, nổi giận, Ông ví chuyện làm thơ với chuyện đi khách là không tế nhị.
Sinh mỉm cười, im lặng, nhủ thầm lòng mình tranh cãi làm gì với thằng hẹp hòi đó. Nhiều lúc tụ họp bạn bè, khi chén rượu đầy vơi, cả bọn hứng thú, ngâm thơ, hát nhạc cho nhau nghe thật là thú vị. Có điều thơ ai thì người ấy đọc, nhạc ai thì người ấy hát, chẳng ai đọc thơ người khác vì thơ chính mình làm xong rồi bỏ đó có khi không thuộc lấy đâu ra mà thuộc thơ người khác.
Những lúc một mình, Sinh thầm tự hỏi làm thế nào để viết ra được một bài thơ hay, mà một bài thơ như thế nào là hay… Nghĩ hoài không hiểu được. Chuyện là một hôm, ngồi đối diện với màn hình trắng toát, lòng trống không, đầu óc mơ mơ màng màng, bỗng dưng thấy gió thổi rì rào rồi từ xa bước vào một chàng thư sinh mặc trang phục trắng theo như kiểu cách ngày xưa, đầu đội khăn xếp, mặt đẹp như ngọc, cặp mắt sáng, môi đỏ thật duyên dáng.
Sinh: “Vội vàng đón hỏi gần xa… thần tiên lạc lối đâu mà đến đây?” (Kiều).
Chàng thư sinh khiêm cung chắp tay chào lại và nói vì ngài khao khát muốn gặp, nên ta khởi nhã ý tới đây hội diện. Ta là Thi Thánh đây.
Ôi Trời… Sinh kêu lên mừng rỡ. Tôi là người từ nhỏ đã hết lòng yêu quý và trân trọng với thơ ca, trải qua sáng tác viết xuống cả năm ba ngàn bài mà chân lý mong tìm một bài thơ bất tử vẫn chưa tìm thấy. Khao khát cầu hiền, mong được chỉ lối sáng ra khỏi đường mê nay được gặp ngài thật là hữu hạnh.
Thi Thánh cười nhẹ, thơ không phải là vật trang trí, mà là huyết lệ của mỗi tầng cảm xúc. Thơ chẳng phải viết ra để thỏa lòng yêu thích, mà phải bắt nguồn từ rung động thật và nối tiếp bởi muôn ngàn rung động từ người thưởng ngoạn. Những cái đó, hạ giới không nhìn được, nhưng ở cõi trên có thể cân đo đong đếm được từng cảm xúc thật của người ngoài đối với một bài thơ được viết ra, ta chính là người thu thập và cập nhật các dữ liệu ghi nhận đó. Những lòng ngưỡng mộ, hay những lời dè bỉu đều có giá trị cho sự sinh tồn của một bài thơ, hay nói rộng ra là của một đời thơ.
Sinh cung kính: Thật là hay quá! Xin ngài có thể cho tôi được nghe một vài bài thơ của ngài để tôi học hỏi hay không?
Thi Thánh cười lớn, Ta không làm thơ.
- Không biết làm thơ mà sao là Thi Thánh được?
Thi Thánh giải thích: Đất có Thổ công, sông có Hà bá. Giữa mênh mông vô tận của đất trời, có một vùng rộng lớn dành cho thơ văn, trong đó có Thi Lâm là nơi nảy sinh và nuôi dưỡng các mầm xanh văn hóa, ta là người canh gác và ghi chép của vùng đất đó nên được phong làm Thi Thánh, chứ không phải là người làm thơ. Trời sinh ra một người làm thơ là cho họ thiên khiếu hơn người về thẩm mỹ, nên họ đọc một bài thơ là lập tức có cảm nhận được đây là bài thơ ở trình độ nào. Nhưng chia sẻ được cảm xúc, thấm thía được nghĩa tình, rung động được hàm ý, chuyển tải được khắp nơi, ghi nhận được trong lòng, nhớ ra được khi cần thì lại thuộc một thành phần khác, đó là quần chúng. Trong quần chúng đó cũng có thể có người làm thơ, nhưng khi đó họ đóng một vai khác.
Nghỉ một chút, rồi Thi Thánh chỉ tay về phía xa xa... Kia kìa, đó là một khu rừng bạt ngàn không giới hạn, tất cả những cây trong đó là những người làm thơ từ bao đời nay, họ còn sống hay họ đã chết không ảnh hưởng gì đến sự sống còn và phát triển của cây. Thực ra như thế này, mỗi người khi trót làm ra một bài thơ, thì trong khu Thi Lâm đó lập tức nảy lên một chồi, tích trữ suốt một đời của một người làm thơ đó. Cho nên trong Thi Lâm có những cây cao vạn trượng, tỏa bóng mát ra cả một vùng, có những cây lừng lững như bóng núi, ảnh hưởng suốt một vùng thời gian, có những cây cao vừa tầm dáng người, cũng có hoa, có lá nhưng chỉ chưng lên gọi cho là có chứ chẳng ai để ý, và có những cây suốt đời, suốt cả một đời luôn vẫn không cao hơn ngọn cỏ.
Thi Thánh nói tiếp, Ta là người chịu trách nhiệm trông nom bảo tàng Thi Lâm. Hôm nay do cái duyên từ trước đến đây gặp người, ngài có muốn theo ta vào thăm một khoảng Thi Lâm không? Thi Thánh dứt lời, đứng dậy, tay áo phất phơ, rời khỏi vị trí, Sinh thảng thốt bước theo... Chỉ chút sau đã thấy mình đang ở giữa rừng bạt ngàn, cây cao cây thấp chen nhau, có cây mỏng manh như Liễu, có cây hùng vĩ như Tùng, có cây nghiêng theo dáng núi, có cây uốn lượn như suối... trăm nghìn kiểu dáng khác nhau. Có cây rậm rạm chi chít lá non, có cây lốm đốm lá vàng, có cây lá úa quắt queo hoặc có khi lá đã hủ nát vẫn bám vào thân. Dưới những cây đại thụ khổng lồ, lại có rất nhiều những cây nho nhỏ, nhưng không có nắng chiếu vào nên cây cành còi cọc... Sinh tò mò muốn hỏi nhưng chưa biết đề cập từ đâu. Chỉ tay vào một cây đại thụ tỏa bóng rợp trời, Sinh hỏi đây là nhà thơ nào?
Thi Thánh lắc đầu, - Thực ra ta cũng không nhớ rõ, và nếu có nhớ cũng không thể nói ra. Chỉ biết đại khái là những cây cao lớn như vậy là những nhà thơ mà thơ của họ chấn động tiền nhân, bàng hoàng hậu thế, bài thơ viết ra sống trong lòng nhiều người từ nhiều thế hệ, nên mỗi lòng xúc động của ai đó là cây có thêm một lá xanh non, thêm một nhánh tưởng nhớ. Cái vĩnh viễn sống đời là Tác Phẩm chứ không phải tác giả. Như ngài thấy có những cây lốm đốm lá vàng, đó cũng là lòng cảm xúc nhưng chưa là kính phục, hay những chiếc lá mục nát là những lòng khinh thị dè bỉu của người đời. Tác phẩm càng được nhiều lòng kính trọng yêu thương chia sẻ thì cây như có thêm phân, thêm nước, phát triển lớn lên hùng hùng vĩ vĩ.
Sinh ngần ngừ một chút rồi hỏi, Thi Thánh có thể chỉ cho tôi biết tôi là cái cây nào không?
Thi Thánh gật đầu, Ở trong Thi Lâm này, ngài gọi tên ngài thì chẳng có ai đáp lại, nhưng nếu ngài đọc một câu thơ của ngài thì cái cây chủ của câu thơ đó sẽ rung lên và phát ra tiếng reo để ngài nhận diện.
Sinh thú vị, nhưng chợt nảy ra một ý khác, bèn đọc một câu thơ của người khác coi cái cây thơ đó rung động ra sao, nên cao giọng
ngâm lên:
Từ phen đá biết tuổi vàng,
Tình càng thấm thía lòng càng ngẩn ngơ.
Sông Tương một dải nông sờ,
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia
Đọc vừa dứt, bỗng cây cổ thụ cao lớn xanh mướt hướng tây rùng rùng chuyển động và phát ra âm thanh như tiếng sáo trúc... Thì ra cây đó là cây thơ Nguyễn Du.
Sinh lại đọc tiếp:
Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thuở trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta
Lần này thì ngay bên cạnh, cành lá một cây vạm vỡ vươn cao rùng mình và thoát ra một âm thanh nghe như tiếng sóng, thì ra cây thơ Tô Thùy Yên
Lần này Sinh dùng sức bình sinh đọc sang sảng bốn câu thơ của chính mình mà chàng đắc ý nhất. Đọc xong, chả thấy cây nào rùng mình, chẳng nghe tiếng động nào vọng đến...
Thi Thánh nhẹ nhàng chỉ ra phía bờ suối. Ra đó Sinh thấy một cái cây cao chừng một thước, cũng có rung, cũng có âm thanh nhưng rung yếu như gió thoảng và âm thanh nhỏ xíu như tiếng muỗi kêu. Trên cây có dăm ba lá xanh, nhiều nhất là lá vàng, và mươi chồi non, chồi nào cũng héo úa không thể phát triển được.
Sinh không hiểu hết ý nghĩa lá cây nên nhờ Thi Thánh giải thích.
- Lá xanh là tác phẩm được một người nào đó đọc và cảm nhận được trọn vẹn ý tình bài thơ. Lá vàng là bài thơ được đọc, được yêu thích nhưng còn chút gì đó người đọc chưa hài lòng, lá úa mục là những lời chê trách chân tình của người đọc lướt qua. Cái nặng nhất là những chồi non mà bị héo khô, đó là những bài nhận định về thơ, viết ra từ sự giả dối, hời hợt, có thể vì tình thân nên viết, có thể do nể nang nên viết, có thể do nhận tiền nên viết, những cái đó lẽ ra thành những chồi non, thêm lá mới, phát triển thành cành thành nhánh cho cây, thì lại èo uột, héo tàn ngay khi vừa nảy ra, chẳng những làm cây xấu đi, mà còn cho cây khó phát triển sau này.
Thi Thánh chỉ tay vào một thân cây to lớn cằn cỗi, hình dáng kỳ dị, bởi vì những cành mọc ra, thay vì chĩa thẳng ra ngoài phát triển, lại quay hướng đâm thẳng vào thân cây, những cành khô gẫy đó chẳng những chẳng có một lá non, mà chính thân cây cũng xù xì chờ mục. Giọng trầm buồn u uất, Thi Thánh than thở: Nhìn thân cây to lớn, thì đã hiểu đó là những tài danh đáng kể, tiếc là những lời viết xuống bình thơ lại là những lời xảo trá không thật, có thể vì một bữa ăn, có thể vì một tiệc rượu, hay có thể vì tiền, vì tình mà viết ra những xưng tụng láo khoét, để rồi những lời đó thay vì là cành lá xanh tươi cho người được nói đến, lại trở thành những nhát dao quay lại đâm vào chính kẻ viết ra… Thật là đáng tiếc!
Sinh cúi đầu nghĩ ngợi, quay lại thì Thi Thánh đã biến mất hồi nào. Sinh ngoái người tìm quanh, chợt vấp phải gốc cây ngã nhào…và bật tỉnh.
Nhìn lại trên bàn viết, còn đây vài bài thơ mới viết hôm qua, định gửi đi cho một tờ báo nào đó. Sinh đưa tay vo tròn tờ giấy, liệng thẳng vào thùng rác, Sinh nhủ thầm, đó sẽ là bài thơ cuối cùng.
Nói chính xác là Bài Thơ Cuối Cùng cho một thời ảo vọng, viết xuống không bằng cảm xúc mà viết như một kỹ năng, viết xuống không phải bằng niềm khao khát thiết tha nào mà chỉ là ham muốn đập cái tên của mình vào mắt mọi người, những cái trưng bày gần như trơ trẽn.
Kể từ ngày mai, có lẽ Sinh sẽ không làm thơ nữa. Chợt bàng hoàng nhớ lại câu viết của Rainer Maria Rilke trong Mười Bức Thư Gửi Người Thi Sĩ Trẻ Tuổi: “Đừng hỏi ai hết, không một người nào đem đến cho ông lời khuyên giải hay giúp đỡ. Hãy tự hỏi chính ông rằng nếu người ta cấm ông viết có làm cho ông phải chết đi không? Và nhất là vào giây phút thầm lặng nhất trong đêm tối, “Tôi có thực sự cần phải viết hay không?” Nếu ông có thể đối mặt với câu hỏi nghiêm trọng này bằng một câu trả lời dứt khoát giản dị “Tôi phải viết”, thì ông hãy viết và ông hãy xây dựng đời ông theo mối nhu cầu tâm tư ấy. Ở những giây phút lạnh nhạt nhất, hoang trống nhất, đời sống của ông phải trở thành dấu hiệu và chứng tích cho lòng khao khát thôi thúc ấy.
Lời sau chót của người kể chuyện: Tôi thực sự không biết rõ là sau bài thơ cuối cùng của một thời đó, Sinh có còn làm thơ nữa hay không, nhưng tôi thấy khuôn mặt chàng càng lúc càng sáng rỡ, tươi tỉnh và rất thanh tịnh. Có điều cái bút hiệu ngày xưa đó hoàn toàn không xuất hiện trên bất cứ báo đài nào.
Một người yêu thơ và sống chí tình với thơ từ thời niên thiếu, liệu có thể thanh thản sống nếu không được làm thơ hay không? Hay là Sinh đã mở được một cái nghĩ khác để truyền đạt ý mình? Phải vậy không ta?
Tình càng thấm thía lòng càng ngẩn ngơ.
Sông Tương một dải nông sờ,
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia
Một thuở trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta