Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


LINH GIÁC
CỦA TRƯỞNG LÃO NƠI CHÙA QUÊ




             
H ắn đắm mình cả giờ trong khung cảnh tịch mịch và thiêng liêng của ngôi chùa giữa mưa bụi đầu xuân miền châu thổ sông Hồng…

Đó là chùa Hương Hải Thiền, xã Lệ Chi, Huyện Đông Anh Hà Nội, ngôi chùa lần đầu tiên hắn tới trong dịp về thắp hương tưởng niệm 10 năm Hòa thượng Thích Thông Lạc viên tịch.

Ngôi chùa được chính đức Trưởng lão đứng ra hưng công chỉ đạo xây dựng mà theo cư sĩ H đi cùng hắn, các Thất, các bia kinh, tượng Phật… được thực hiện theo đúng hình mẫu của chùa Am, tức Tu viện Chân Như tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Hắn chưa có dịp tới chùa Am, song với cuốn sách “Lịch sử chùa Am” và những gì nhìn thấy tại chùa Hương Hải Thiền, hắn có thể hình dung rõ rệt rằng: Chùa Am giống mọi ngôi chùa Việt truyền thống xưa nay: “Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá/ Sư cụ nằm chung với khói mây” (Nguyễn Khuyến). Mở đầu cho những trang sách lịch sử ngôi chùa cổ là dòng chữ in trang trọng “Quê hương Việt Nam” tiếp theo là nhiều cảnh vật thiên nhiên núi rừng - sông suối nước Việt cùng những câu thơ của các thi sĩ Tản Đà, Huy Cận (Nước Non hẹn một lời thề/ Nước đi đi mãi không về cùng Non/ Nhớ lời hẹn Nước thề Non/ Nước đi ra bể lại mưa về nguồn… Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song…). Ngay cả câu thơ của Thôi Hiệu với lời dịch thơ của Tản Đà: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai - Nhật mộ hương quan hà xứ thị? Yên ba giang thượng sử nhân sầu” cũng có ảnh thiên nhiên làng quê Việt minh họa và góp phần tạo nên cái nền tình yêu quê hương đất nước thấm thía tràn ngập tâm hồn vị Thiền sư…

Bên bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni đi khất thực, trong làn mưa bụi, hắn được vị cư sĩ H từng tu tập tại chùa Hương Hải Thiền kể cho nghe nhiều câu chuyện cảm động về Trưởng lão, cùng những quan điểm Phật pháp của cụ mà lần đầu tiên hắn mới được biết khiến hắn sửng sốt.

“Anh cần biết: điều cơ bản trong ‘Những Lời Gốc Phật Dạy’ của Trưởng lão, là cụ đã phản bác hàng đống giáo lý trong các kinh sách phát triển, mà không bao giờ đức Phật dạy trong Kinh sách Nguyên thủy. Đó là thứ kinh sách khiến cho Phật giáo suy đồi, làm chỗ dựa cho một số người lợi dụng làm nghề sinh sống mê tín, lừa đảo và làm cây chùm gửi, ăn bám vào người khác, biến họ thành gánh nặng cho xã hội…”

"Trưởng lão không chỉ một lần than vãn: không có cái nghề nào làm giàu dễ như làm nghề mê tín trong các chùa: dâng sao, giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu dựng vợ gả chồng, làm nhà xây mồ mả cúng bái, tụng niệm, cầu siêu, cầu an, làm ma chay, làm tuần cúng vong, tiễn linh, mở cửa mả, đốt tiền vàng mã và nghề dán kho đụn, quần áo, mũ nón, làm thuyền bát nhã bằng giấy để chở các vong linh về Tây phương, Niết Bàn, v.v. Đó là những việc làm mê tín lạc hậu nhất, lừa đảo biết bao tín đồ nhẹ dạ…”

Nhưng đặc biệt hơn cả là những chuyện có liên quan đến hai vị đệ tử của Trưởng lão tại chùa Am mới đây làm dậy sóng dư luận mà Linh giác kỳ lạ của cụ đã báo trước những điều đến giờ nghiệm ra sẽ thấy nổi gai ốc. Hai vị đệ tử này đều đã từng chịu sự thọ giáo của Trưởng lão, và theo lời kể của cư sĩ H, thì Trưởng lão đã nhìn thấy trước rằng, một người sẽ chung thủy với con dường Phật giáo Nguyên thủy mà Trưởng lão cả đời nhất tâm hoằng pháp, còn người kia thì sẽ không những đi ngược với Chánh pháp mà còn làm ô uế Phật đường và làm ô uế tinh thần xã hội vào một ngày không xa…

Cư sĩ H trầm ngâm, trong mắt anh như cũng lấp lánh một nỗi đau: “Trưởng lão không thể che dấu được nỗi buồn trên gương mặt khắc khổ nhân hậu, khi kể cho các cư sĩ Phật tử trong một buổi thuyết pháp hai câu chuyện về Ngạ quỷ dùng làm đề tài thuyết pháp của bậc Đạo sư ở “Kinh Tiểu bộ” (Khuddaka Nikãya).

“Chuyện thứ nhất là “Con lợn rừng”(Sũkara), một vị Tỷ kheo vì mạ lỵ các Tỷ kheo khác nên bị đày vào địa ngục thiêu đốt cả một kiếp, rồi khi tái sinh dưới chân núi Linh Thíu thì luôn bị dày vò bởi đói khát, và thân người vàng rực chiếu sáng hào quang bốn phía nhưng miệng lại giống mõm lợn rừng… Nhưng chính Ngạ quỷ này lại có lời khuyên với Tôn giả Nãrada: “Con muốn trình Tôn giả việc này: Đừng phạm ác tà về khẩu nghiệp! E ngài sẽ hóa mõm heo vầy!”

“Câu chuyện thứ hai là “Ngạ quỷ có mồm hôi thối” (Pũtimukkha); trong thời đức Thế tôn Ca Diếp, có một vị Tỷ kheo vốn ác tính, thích mạ lỵ bất kỳ ai không giống mình, không đem lại lợi ích gì cho mình. Ông ta đã phỉ báng hai vị Tỷ kheo khác đang cùng trú xứ và cùng đi khất thực với mình, tìm cách chia rẽ hai vị Tỷ kheo hiền lành kia khiến họ ghét bỏ nhau… Bởi mắc cái ác nghiệp này, vị Tỷ kheo ác tâm khi từ trần đã bị đày vào ngục A tỳ (Avĩci), còn lúc tái sinh lại làm một Ngạ quỷ có màu vàng ánh (lại màu vàng óng ánh!) nhưng sâu bọ lúc nhúc bò ra từ mồm cấu xé khiến mồm bốc mùi hôi thối…

“Trưởng lão ứa giọt nước mắt như sương, thầm thì như than: Thầy kể lại hai câu chuyện Ngạ quỷ này là bởi đã thấy trước một kẻ sẽ chối bỏ thầy, chối bỏ đạo hạnh mà thầy vạch ra cho anh ta, thầy đã biết trước rằng anh ta là người rất tinh ranh, khôn khéo, có nhiều quan hệ thế tục, tên tuổi địa vị và đời sống Dục Lạc sẽ lấp lánh bởi vàng bạc, mê hoặc người nhẹ dạ bằng hào quang ma quỷ, song rồi thế gian sẽ mau chóng nhận thấy rõ sự hôi thối tự tâm can sa đọa, hiển hiện ra bằng chiếc mõm lợn rừng độc ác để rao giảng những điều khiến lương tri thông thường phải xấu hổ và phẫn nộ…”

Trở về Hà Nội, việc đầu tiên là hắn tìm đọc lại những câu chuyện về Ngạ quỷ trên nằm trong tập II “Kinh Tiểu Bộ”, ở bộ sách đồ sộ “Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam truyền” Nikaya gồm 13 cuốn do một Hội đồng phiên dịch đảm nhiệm nội dung từ tiếng Pãli gồm Chủ tịch là Hòa thượng Thích Minh Châu và Tổng thư ký là Thượng tọa Thích Trí Siêu (TS. Lê Mạnh Thát). Và chợt vỡ lẽ: Tri thức về Phật học đã vào nước Việt ta hàng ngàn năm nay, mấy “con lợn rừng” khoác áo tu hành nếu động vào kho tàng tri thức này để nói nhăng cuội, để trục lợi cá nhân, thì chính họ sẽ chịu luật nhân quả là làm Ngạ qủy ngay trên cõi đời này - chứ không chờ đến kiếp sau, dù họ có hào quang của vàng ngọc đắp đầy mình làm lóa mắt thiên hạ…

Thế là, lại thêm một ngôi chùa in sâu vào lòng hắn, ngôi chùa đặc biệt vì đã cho hắn hiểu thêm về một vị chân tu đáng kính, một nhà sư thời hiện đại mang cái ước nguyện, sự mong mỏi cháy lòng làm sao để Phật giáo nói chung và ngôi chùa nói riêng cần trở lại linh thiêng và tiếp tục gần gũi với tâm hồn người dân Việt, kể từ thời Bắc thuộc, nói như một vị giáo sư sử học nổi tiếng: “đạo Phật thấm vào lòng người dân Việt cổ như nước thấm vào lòng đất…”




VVM.30.6.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .