- Thầy ơi, em rất mong thầy giúp cho…. Thế này ạ: Đài em có quyết định xây dựng một phim tài liệu phóng sự về ông sư khất sĩ đang làm dậy sóng dư luận… Tất cả đạo diễn phóng viên đều tìm cách từ chối, tập thể Lãnh đạo Đài chỉ định em, với lý do là cựu sinh viên xuất sắc của trường ĐH SKĐA, lại là Đảng viên ở trong Ban giám đốc…
- Thế là chuẩn rồi đó! Bởi đây là đề tài nhạy cảm, cần phải có bản lĩnh chính trị thì mới tiêu hóa được hàng núi thông tin trái ngược, để cho ra tác phẩm có thể lên sóng đàng hoàng…
- Thầy hình như mỉa mai em à?
- Sao em lại nghĩ đó là mỉa mai? Nhầm đấy! Vậy em cần gì ở thầy?
- Vâng, em xin lỗi thầy, vì đã hiểu lầm ý thầy…
- Khỏi cần xin lỗi vì điều vớ vẩn đó! Chắc cậu đang lúng túng về hướng khai thác đề tài, xử lý chất liệu sắp thu thập?
- Trời ạ, thầy nói như thần phán ấy…
- Khổ, cậu lại làm cái chuyện “khen phò mã tốt áo” rồi! Thú thực với em, nếu có thời gian, và dư dả kinh phí nữa, thầy cũng đã vác máy đi theo ông Hành giả đó để mong làm một phim tài liệu ra hồn đấy! Nhưng, dân điện ảnh chuyên nghiệp chẳng lẽ lại đi “cướp cơm” của mấy anh chàng cầm máy nghiệp dư săn tin săn hình… - Hắn cười để giảm bớt mệt mỏi và đau - Đùa đấy. Mà có em với tư cách là dân chuyên nghiệp thực hiện thay cả cho thầy thì cũng “bõ” cho cái đề tài thú vị này…
- Vâng, em rất mong thầy chỉ dẫn cho ạ…
- Về kỹ thuật, hay là các “bảo bối” trong nghề, thầy đã trút cho các cô cậu hết cả còn gì! Nhưng có điều quan trọng các thầy chưa kịp nói thì các em đã ra nghề làm công chức ăn lương mất rồi: người làm phim - phim tài liệu hay phim truyện đều thế, là kẻ suốt đời “đi tìm” một cái gì đó, là một cuộc hành hương tinh thần đầy chông gai, nguy hiểm, thậm chí trả giá bằng mạng sống. Em hãy nhớ lại cuộc đời nhà đạo diễn phim Xô viết Roman Karmen - người đi khắp thế giới ngập khói lửa để ghi hình Nội chiến Tây Ban Nha, các trận đánh tại Moskva và Leningrad trong Thế chiến II, chiến tranh Đông Dương lần I… vì vậy đã có được những thước phim vô giá về lịch sử chiến tranh. Hay gần đây nhất, là câu chuyện về anh sinh viên Pháp ngành điểu học Luc Jacquet đã trở thành nhà điện ảnh chuyên nghiệp khi một năm ròng sống ở Nam cực dõi theo chu kỳ sinh sản của chim cánh cụt hoàng đế, suýt nữa mất cả mạng để có được 120 giờ tư liệu quay làm thành bộ phim tài liệu khoa học 80 phút “Bước đi của hoàng đế” (La marche de l’empereur); bộ phim được hoan nghênh khắp thế giới, bởi những bước chân chim xứ xở băng giá đã gợi lên toàn bộ lịch sử loài người mà nổi bật là lòng quả cảm và sự kiên tâm, những giá trị của sự chia sẻ và hợp tác, vai trò trụ cột của gia đình… trong những cuộc đấu tranh khắc nghiệt để sinh tồn…
Thầy nhắc tới phim “Bước đi của hoàng đế” mà có lần đã yêu cầu các em phải xem, là vì sắp tới em sẽ đi theo bước chân của hành giả Minh Tuệ, với những thước phim tự em ghi lại được và những hình ảnh chọn lọc từ hàng trăm clip đã có và sẽ có, em sẽ tìm ra được điều gì đó thật ý nghĩa - trong cuộc hành hương của một Du sĩ đang tu tập theo hạnh Đầu-đà, cũng là Pháp tu của Phật hoàng Trần Nhân Tông khi xưa…
Chắc chắn rằng, Lãnh đạo Đài sẽ căn dặn em cần phải khai thác tư liệu và bình luận bộ phim tương lai theo hướng Tuyên giáo: “Lợi dụng hình ảnh một người bộ hành “tập học Phật” để gieo rắc những thông tin phỉ báng, công kích Giáo hội Phật giáo và các nhà tu hành Phật giáo, gây mất niềm tin của nhân dân, phật tử, phá hoại Phật pháp, gây chia rẽ giữa các tôn giáo, chống phá chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Đó là những biến tướng nguy hiểm từ những ồn ào liên quan đến hiện tượng ông Thích Minh Tuệ, cần phải được nhận diện và ngăn chặn” - Trong một bài báo mới nhất thầy vừa đọc: “Nhận diện âm mưu lợi dụng ‘hiện tượng Thích Minh Tuệ” (Báo Tin tức).
Dĩ nhiên, là công chức cầm bút cầm máy quay, em và thầy cũng sẽ phải làm theo những định hướng tư tưởng đó, có vậy tác phẩm mới được duyệt và được phổ biến. Nhưng là một nghệ sĩ thực sự, một nhà báo đúng nghĩa thì không thể chỉ giới hạn trong vòng “kim cô” tất yếu đó. Chắc rằng tác giả bài báo nói trên đã bị buộc không được nói đến mặt tích cực, tiến bộ của một người tu hành mà “gương mặt và nụ cười đưa ta tới ánh sáng” như nhà văn Tạ Duy Anh đã cảm nhận. Một bà giáo Tây Bắc cũ, người chị kết nghĩa thân thiết của thầy có nhắn dưới một stt. của thầy: “Không ai có thể khẳng định cách tu của thầy Minh Tuệ là duy nhất đúng. Nhưng phải khẳng định rằng đó là một cách tu ít ai làm được, nếu không gạt bỏ hết mọi tham - sân - si, và không có một ý chí nghị lực phi thường. Khẳng định và tôn vinh một điều tốt đẹp như vậy là điều nên làm, và nhân sự kiện thầy MT mà chấn chỉnh những mặt còn thiếu sót giúp cho hoạt động tôn giáo được lành mạnh trong sáng hơn, thì dù kẻ thù có xảo quyệt đến đâu cũng không làm gì được ta cả. Không nên vì sợ kẻ thù lợi dụng và sợ đụng chạm đến lợi ích của ai đó mà bỏ qua cơ hội nghìn năm có một này để chấn chỉnh lại các hoạt động tôn giáo cho lành mạnh hơn thì thật đáng tiếc!”
Thầy nghĩ rằng, đó cũng là tâm niệm chung của tất cả người dân Việt lương thiện ta lúc này - từ người dân thường tới lãnh đạo Nhà nước, từ Phật tử - cư sĩ tới bậc Hòa thượng… Máy quay và cây bút của em trong cuộc hành trình sắp tới đã có một trụ đỡ tâm hồn và tư tưởng vững chãi đó!
Thầy chỉ gợi ý thêm điều nhỏ này cho em tham khảo. Lâu nay, những người làm điện ảnh nước ta thường trăn trở về chuyện phim ảnh của ta bị các Giám khảo Liên hoan phim quốc tế than phiền rằng: phim của các bạn ít có Thiên nhiên quá mà chỉ nhiều máu đổ, khói lửa; Tình yêu thương vốn có của dân tộc các bạn sao thiếu vắng mà chỉ tràn lan chuyện lừa đảo, giết chóc, thù hận… Câu chuyện Hành giả Minh Tuệ hôm nay khiến nhiều người làm điện ảnh Việt chợt ngỡ ngàng, bởi những chặng đường của thầy đã vượt bao cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng Tổ quốc, lại được bao phủ bởi tình yêu mến, kính trọng của hàng ngàn người dân lao động, Phật tử nghèo… Trong kịch bản điện ảnh của thầy đang viết về nhân vật Khất sĩ này, thầy cố gắng tái hiện lại cảnh người dân Thừa Thiên - Huế cầm hoa sen, đội mưa chờ đón vị hành giả như đón một vị Thiên sứ của Tình yêu thương và khát vọng tìm đến những điều tốt lành, bình an, bằng trái tim giàu lòng tha thứ, nhẫn nhịn. Ở nhân vật Hành giả, bên cạnh những động cơ Tôn giáo và đời thường đưa ngài lên đường phiêu du bất định, là có khát vọng được chiêm ngưỡng bao kỳ quan thắng cảnh thiên nhiên từ Nam ra Bắc, để có thể tìm được Hồn Non Nước của Tản Đà mà ông đã thấm từ ngày tu tập ở Chùa Am, qua giọng ngâm của vị Hòa thượng trụ trì là Trưởng lão Thích Thông Lạc…
Và một trải nghiệm của riêng thầy nhé: sau những bước nhọc nhằn leo núi dốc vừa đi vừa gỡ gai góc, vừa cố tránh dẫm vào những cây ngô mới trồng của đồng bào, và sau lúc bị ngã một cú suýt tan máy mất mạng vừa rồi, thầy chợt cười thầm: ồ, so với những gian truân của ông Minh Tuệ thì có thấm tháp gì đâu! Và Hành giả Minh Tuệ có một niềm tin sắt đá giúp ông ấy mỉm cười vượt qua tất cả thử thách gian nan, kể cả sự lăng nhục, bị đánh đập đến tóe máu mồm, phải chăng cũng là một sự nhắc nhở đáng quý đối với những ai đang đau đáu tìm kiếm một cái đích nào đó, rằng: thử thách vượt qua các kiếp nạn trời ban hay nhân tạo là điều không thể tránh khỏi! Vậy thì than vãn có ích chi, hãy cắn răng mỉm cười và tiếp tục cuộc hành trình đi tới đích. Có thể ngã gục trước khi tới đích, hay sẽ chẳng bao giờ tìm thấy đích; song cái nghị lực và khát vọng tinh thần mãnh liệt của người thực hiện cuộc hành trình sẽ là cái đích vươn tới của biết bao người trong cuộc mưu sinh khốn khổ…
Đó, đạo diễn trẻ hãy vững tin lên đường, theo bước hành hương của ông Minh Tuệ, với một cái gậy dò đường bé tẹo của thầy có thể giúp đỡ phần nào lúc cần thiết…
- Em cám ơn thầy ạ.
- Em hãy cám ơn vị Hành giả Minh Tuệ ấy!.-./.