Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         
tranh Đinh Cường

NỬA MẢNH TRỜI XANH


 

M ới sáng sớm, bị đánh thức bởi chuông điện thoại dai dẳng, Phượng còn lơ mơ chưa tỉnh. Định không bắt phone. Nhưng điện thoại reo không dứt, muốn lờ cũng chẳng xong, Phượng đành vói tay cầm lấy ống nghe.
     Bên kia đầu giây có tiếng thút thít, rồi xì xụp hỉ mũi, nghe giọng Thu tức tưởi:
    -  Chị Phượng đó hả? Minh Thu đây. Thu qua chị ngay được không ?
    -  Phượng đây. Có chuyện gì vậy? Sao khóc?
    - Nhà có ai không? Thu muốn qua hỏi ý kiến chị…
    -  Ừ, thì qua đi. Con cái đi học rồi. Phượng chờ. Bình tĩnh, lái xe cẩn thận nghe.
    -  Cám ơn chị. Chốc nữa gặp .
Tắm rửa vội vàng và xuống nhà pha sẵn café, vừa vặn Thu  bấm chuông cửa dồn dập .
    Phượng nghĩ thầm: cái cô Thu này, tánh nóng như lửa. Khi có chuyện, bấm chuông cũng gấp gáp khác người.
    Thu ào vào bếp, ngồi phịch xuống ghế, mắt còn mang cặp kính đen, nét mặt mệt mỏi.
    -  Chị Phượng, Thu phải làm sao đây? Anh Nghinh có vợ bé lâu rồi mà Thu  mới biết đây thôi .
    Phượng bước lại bàn, ngồi xuống, tìm hiểu: Làm sao Thu biết? Có bằng cớ hả?
    -  Tối hôm qua, sau khi gây gỗ, ảnh xách áo đi cả đêm không về. Chắc chắn là đến với con mụ đó. Nó ở Việt Nam mới qua…
    Phượng ngập ngừng, chưa biết phải hỏi tiếp thế nào. Mấy tháng nay cũng có nghe phong phanh bạn bè Phượng nói về cặp Nghinh-Thu.Từ ngày Nghinh đi đi về về VN làm ăn thì vợ chồng  họ có vẻ đang lục đục .
    Đứng dậy lấy café và croissant cho Thu, Phượng từ tốn nói: Cởi áo ra cái đã.  Mình ăn sáng và nói chuyện. Sao Thu biết bà đó ở VN qua?
    Thu đã lấy lại bình tĩnh, bắt đầu kể cho Phượng nghe câu chuyện ngoại tình của chồng. Đại khái thì cũng như chuyện những việt kiều về xứ làm ăn, xa nhà, nhiều cám dỗ, nên ông nào cũng phòng nhì phòng ba. Phượng đọc trong mấy sách báo việt ngữ mỗi tuần thiếu gì. Nói đâu cho xa, trong bà con bên phía Phượng cũng có xảy ra. Tai nạn nghề nghiệp ấy mà!
    - Thu thực sự biết ảnh có mèo là cũng nhờ bill cellphone. Lúc ảnh đi VN, bill điện thoại về. Xưa nay,Thu có bao giờ dòm dõi đến đồ đạc anh ấy đâu. Bổng dưng trời xui đất khiến, Thu tốt bụng, muốn trả tiền bill cho ảnh mà lòi ra cái chuyện ngoại tình.Thu lấy số phone. Gọi về VN để check, còn gặp một người đàn bà, nhận là vợ anh Nghinh nữa. Nhớ lại lúc đó, Thu giận run cả người, chị Phượng ơi .
    -  Rồi lúc trở về đây, Thu có hỏi không? Ổng trả lời sao?
    -  Ảnh không trả lời câu hỏi của Thu mà còn la Thu, phone phiếc lung tung làm mất uy tín làm ăn của ảnh.
    Thu tức quá, nói là bây giờ anh thay lòng đổi dạ, có mèo thành ra kiếm cớ để bỏ vợ. Ảnh nói, thách ảnh hả, ảnh sẽ ly dị cho mà xem. Vì Thu khó chịu ảnh ở không nổi nên chia tay thôi, ảnh sẽ không  cưới vợ khác đâu, để chứng minh ảnh không có ngoại tình.
    Phượng cười: Thu có hỏi ông xã ngoại tình là một chuyện, còn  ly dị xong, cưới  hay không cưới vợ khác là một lẽ không ?
Thu ngẩn người: Ừ há ! Vậy mà lúc cải vã văng mạng, Thu không thấy thằng chã nói sai ở cái chỗ đó. Chị Phượng này ngon lành!
    Chao ơi, nghe chữ “ngon lành” mà sao tê tái…
Lùi về quá khứ xa xôi, lúc Tân, chồng Phượng mới qua đời. Vậy mà cũng đã tám năm rồi. Thời gian qua, biết bao thay đổi. Tưởng rằng đã quên, cuộc tình đã yên...
                                                               xXx
      Ngày Phượng góa chồng, chỉ mới ngoài 40. Số mệnh không qua khỏi hạn 49 nên Tân bỏ mẹ con Phượng ra đi vì một cơn bạo bệnh. Vợ trẻ, con thơ… gia đình còn bao nhiêu giấc mơ và kế hoạch chưa kịp thực hiện, vậy mà sụp đổ hết, khi biết Tân bị ung thư não bộ. Một người không bao giờ biết đau yếu lặt vặt là gì, rất thích hoạt động và thể thao,Tân bàng hoàng ngẩn ngơ... Dĩ nhiên là phải chữa trị vì Tân rất tin ở những tiến bộ của y học và vững tin vào tương lai. Suốt thời gian đầu, Tân luôn luôn lạc quan và còn  khuyến khích tinh thần Phượng rất nhiều. Vậy mà mấy tuần trước khi Tân qua đời mới thật sự bi đát. Sau lần mổ cuối, bác sĩ bắt Tân nằm lại nhà thương luôn vì tình trạng sức khỏe xuống quá thấp. Phượng đương nhiên túc trực ở bệnh viện với chàng. Phượng bắt đầu thấyTân đổi tánh. Làm như chàng nóng nảy với Phượng nhiều hơn. Những lần vào trễ, Tân giận dỗi không thèm trò chuyện, đôi khi còn ghen tuông bóng gió. Thương chồng vô hạn, và Phượng hiểu rằng chàng bực bội vì thân bệnh hoạn, vì yêu mình nên chàng ghen. Phượng cũng biết mình trông còn trẻ trung lắm. Ở sở thiếu gì mấy anh chàng thả lời ong bướm. Nhưng chắc chắn trong lòng nàng, chỉ có chồng mà thôi, cần gì phải bận tâm.
    Có lúc Tân ghen luôn cả với Nghinh. Phượng bật cười, trêu lại chàng. Ơi xời, nếu có ghen thì em phải ghen anh với Minh Thu mới đúng. Trẻ, đẹp hơn em này, còn nấu chè cho anh ăn dài dài . Nhiều khi em thấy cô ấy còn quí anh hơn ông chồng nữa đó.
Tân vuốt tóc Phượng, nhìn sâu vào mắt nàng:
    - Phượng ơi, nếu như anh chết trước Phượng, hứa với anh đừng lấy chồng nghe...
    Tánh Phượng tếu lắm, nàng cười thầm, cái anh này, gần chết mà cũng còn tham lam. Người ta chung thủy với anh hết đời vợ chồng thôi, chứ còn bắt ở góa mút mùa nữa sao?
Nhưng thấy mặt chồng thành khẩn quá, Phượng bật khóc, ôm lấy chàng: Anh nói  gì buồn vậy? Em đâu muốn anh chết. Rồi chàng  khóc, Phượng cũng khóc hu hu ....
    Phượng nhớ chiều hôm đó, Phượng nằm trong tay chồng rất lâu. Tân còn lảm nhảm với Phượng nhiều lắm . Nhưng Phượng vẫn chỉ nhớ một câu độc nhất: Phượng ơi, mình lấy nhau đã hơn 15 năm rồi, chắc nhiều khi em cũng có buồn anh. Nhưng có gì đi nữa, em phải biết rằng anh thương cha mẹ, con cái, bạn bè, nhưng anh chỉ yêu mình em thôi nghe .
    Chữ "Yêu" được viết hoa và lộng kiếng khi tình yêu mình suông sẻ và thăng hoa, nhưng cũng có thể bị xóa bỏ, dập vùi hay băm nát thành trăm mảnh, khi người ta đau khổ vì tình .
    Phượng nằm trong trường hợp thứ nhì. Từ tâm trạng khổ đau vì mất mát người chồng yêu kính, Phượng rơi vào trạng thái tức giận, hận thù khi sự thật phơi bày trước mắt Phượng, lúc nàng thu dọn đồ đạc của chồng sau ngày Tân mất. Một lá thơ xếp tư, rơi ra từ mớ giấy tờ không quan trọng. Phượng tò mò, giở ra xem. "Em nhớ mình quá! chiều mai nhé. Vợ yêu". Thơ không ký tên, không đề ngày. Không có địa chỉ điểm hẹn. Người thì chết rồi. Tay tôi đang run bần bật. Ghen! Có cần phải ghen không, hay đâu đáng ghen nữa? Còn gì để ghen?  Không quan trọng! Xem nét chữ của ai đây !
    Chắc chắn không phải của mình rồi. Người nào mà mình gặp gỡ mỗi ngày? Có nhắm mắt lại tôi cũng không nhầm lẫn được.
    .......Thẩn thờ .... Đáng chết !
                                  
    Và rồi Phượng vẫn phải nuốt nổi đắng cay vào lòng để giải quyết những giấy tờ di chúc cho xong. Chặng đường còn lại quá dài… Sản nghiệp của hai vợ chồng gầy dựng trong nhiều năm qua không phải là ít; dầu sao Phượng và các con cũng được đảm bảo về vật chất .
    Phượng có ý định nghỉ làm dài hạn. Phượng sẽ dốc hết thời gian để săn sóc các con trong lúc này .
    Qua cơn buồn, và lúc con cái lớn hơn, Phượng có thể mở một tiệm bán sách báo và bút chỉ văn phòng cho học trò, gần một trường học nào đó. Đây là giấc mơ Phượng ấp ủ từ hồi còn nhỏ. Phượng nghĩ rồi mình sẽ từ từ thực hiện...
    
    Trước tiên, Phượng cắt hết liên lạc với bạn bè của chồng, lấy cớ bận rộn việc nhà. Bạn của Tân, thật ra không nhiều. Vài ba cặp đồng nghiệp, dừng trong phạm vi xã giao, một năm đãi đằng đôi bận là cùng. Chỉ một người bạn nối khố  là Nghinh cùng nhau vượt biên thuở còn độc thân.
    Tân lập gia đình trước Nghinh cả chục năm. Vợ chồng Phượng xem Nghinh như ruột thịt. Mặc dầu Nghinh lớn hơn Tân vài tuổi nhưng hai người vẫn gọi nhau mày tao . Đối với Phượng thì từ khi sanh con, nàng xưng hô theo con, gọi bạn chồng bằng bác .
    Đến lúc Nghinh cưới vợ, Phượng có thêm một người bạn. MinhThu chưa nói đã cười. Cô đi đến đâu thì rộn đám đến đó. Chồng gìa vợ trẻ nên tha hồ mà nhỏng nhẽo. Nói về tánh tình thì Phượng chả hạp với Thu lắm, nhưng chẳng quan trọng. Vì chồng chơi thân với Nghinh, tuần nào cũng gặp, dần dà trở thành quen thuộc với tánh tật của nhau. Các con của Phượng thì hay phê bình rằng cô Thu đâu còn nhỏ nữa mà ưa ăn mặc như  Barbie….
    Thật ra nếu gặp lại Minh Thu, Phượng không biết phải nói gì. Bắt đầu một câu chửi, hay tát một bạt tai, rồi hất mặt bước đi ?....
Nhảm nhí! Chắc chắn Phượng không bao giờ làm bậy như vậy được! Mặc dầu hồi đó, đã có lần Phượng cầm tờ thư, lái xe dến trước cửa nhà vợ chồng Nghinh, chờ Thu đi làm về để “nói chuyện phải trái”. Cũng may, trời phật phù hộ, xui khiến cho Phượng ngồi đó, đợi chờ thật lâu, để Phượng có thêm thời gian suy gẫm và lái xe về nhà. Để rồi khóc như mưa thêm một đêm nữa ...
    Dạo đó Phượng xuống sắc lắm. Đôi khi bà chị dâu phải nhắc nhở, bạn bè nói Phượng làm quá (nặng phần trình diễn ) .
- Chị biết em còn buồn lắm, nhưng ráng ra ngoài gặp bạn bè cho khuây khỏa… Hôm trước  gặp Minh Thu,cô ấy hỏi em có giận gì không mà không cho cổ gặp. Chú Tân qua đời cả năm rồi, bạn bè muốn thăm em, nhưng em tránh hoài.
    Phượng cười buồn: - Gặp bạn cũ anh Tân, em lại nhớ ngày xưa, càng buồn hơn. Vả lại lúc ảnh còn sống, phải liên lạc, chứ em đâu có hạp tánh với Minh Thu. Còn anh Nghinh thì  là bạn của anh Tân, chứ không phải bạn em.
    Phượng chỉ nói đến đó rồi ngưng. Thật ra Phượng còn muốn nói nhiều nữa. Muốn kể cho chị dâu nghe rằng, chị có biết không ...
    Tân mất không lâu thì một bữa tình cờ gặp Nghinh ở chợ, Nghinh đề nghị chở dùm Phượng về. Phượng cám ơn, nói đã gọi taxi. Biết chắc chắn mình sẽ không đi nhờ xe Nghinh mà không có mặt Minh Thu. Đó là nguyên tắc của Phượng, áp dụng cho tất cả mọi người, bạn bè cũng như bà con, từ ngày Phượng lập gia đình. Đi đâu có chồng, Phượng mới leo lên xe một người đàn ông khác. Ở xứ này, taxi, xe bus thiếu khối gì. Không muốn rắc rối, biết chồng hay ghen thì tại sao phải kiếm thêm chuyện cho nhiêu khê. Thói quen đó Phượng vẫn giữ, sau ngày Tân qua đời.
    Những tưởng Nghinh tốt bụng, nhưng một ngạc nhiên khác xảy đến sau đó, làm Phượng bực mình.
    Một buổi sáng trong tuần, Phượng ở nhà đang dọn bếp thì nghe chuông cửa reo.  Phượng nghĩ, giờ này ai cũng đi làm cả, có khách nào đến thăm đây?
    Nhìn qua cửa kính tròn, thấy Nghinh, Phượng do dự, nhưng rồi cũng ra mở cửa.
    -  Chào bác Nghinh .
    (Phượng bước hẳn ra ngoài cửa ,không có ý mời khách vào nhà )
    Bác khỏe không ?
    (Chẳng biết nói gì bây giờ )
    -  Anh đi ngang đây, nhớ lâu quá không gặp Phượng nên ghé thăm .
    (ư ,tôi có nghe nhầm không đây? Người bạn này của chồng tôi chưa bao giờ xưng anh với tôi đó nghe )
    Phượng bước xuống thềm :   
    -  Cám ơn bác, Phượng vẫn khỏe. Thế cô Thu đâu ?   
    -  Thu đi làm. Anh muốn ghé thăm Phượng lâu rồi mà không dám.
    (Trời hỡi, rắc rối! lá thơ Minh Thu hiện về trong trí. Nói hay không nói, nói chi đây? )
    -  Cám ơn bác, dạo này Phượng cũng còn bận lắm. Khi nào có dịp, Phượng sẽ gọi cho Thu. Ồ , hình như có điện thoại. Chào bác nhé. Gửi lời thăm cô Thu. ..
    Phượng chạy vội vào nhà để dìm cơn giận đang muốn vỡ bờ!
Ít ra sau lần đụng độ đó, Phượng được yên thân .

    - Chị Phượng nè, lúc anh Tân còn sống, có bao giờ anh làm chị buồn không?
    Thu đã lấy lại sự hồn nhiên vui tính, hình như quên mất lý do tại sao sáng nay cần gặp Phượng gấp .
    Hai đứa đã thanh toán hết đĩa bánh trên bàn. Phượng đứng lên, đi đến tủ lạnh, kiếm thêm cam để cắt ăn.
    Một chút "lục tặc" bắt đầu dấy lên trong lòng Phượng. (Lá thư! Nói ra nghe! Nói một lần cho hả  tức !... Không ! Tu đi Phượng ạ .Cái gì đã qua rồi thì cho qua luôn ...)
    -  Chị Phượng làm gì đó? Bộ định cho Thu ăn thêm nữa sao ?
    -  Ờ, ờ, có mấy thứ trái cây hôm qua mới mua, nhưng để đâu rồi…  à, chắc thằng út đã ăn hết .
    - Thôi, thôi,Thu không ăn nữa đâu. Cả tháng nay, Thu stress quá, ăn uống lung tung, mập lên rồi đây nè .
    -  Ừ, thì thôi . Uống nước cam nhé .
    -  Vâng, cho Thu một ly .
                                  
                               
    ……Ai cũng tưởng Phượng làm cao, không chơi với bạn bè cũ.Thật ra chơi làm gì khi biết trước trăm phần những phiền toái sẽ xảy ra….
    Con cái cũng đã lớn khôn, Phượng khá yên tâm về tương lai của chúng.Hà, con gái lớn đã vào đại học,thằng Tuấn cũng 17 tuổi rồi còn gì. Lúc này nó đang chịu đèn một cô gái bản xứ học cùng lớp.Thấy anh chàng, sáng nào trước khi đi học, cũng chăm sóc mấy sợi tóc cắt thật ngắn đứng chỉ thiên trên đầu nhờ xịt thật nhiều keo.
    Mộng của Phượng, mở quán bán sách vở vẫn chưa thực hiện được. Càng ngày, máy vi tính xách tay càng trở nên thông dụng. Học sinh không cảm thấy cần mua sách nữa, chỉ vào Net, bấm nút là ra hết những tin tức hay thắc mắc mình muốn tìm tòi, Phượng bỏ luôn ý định kinh doanh …
    Cái job part time Phượng vẫn giữ sau ngày Tân mất vậy mà rất thuận tiện cho Phượng . Vì không quá đầu tắt mặt tối để không lo được cho con, và Phượng còn  thì giờ riêng tư cho mình. Lúc Tân còn sống, Phượng rất lười tập thể dục. Bây giờ đều đặn mỗi tuần, Phượng đi bơi. Và nhờ đó, quen với vài bác đồng hương, theo các bác đi chùa, đi nhà hàng, hay chở bác này đi thăm bác kia lúc nằm bệnh viện ...Thế cũng hết cả những ngày nghỉ của Phượng .
    Số Phượng không có duyên chơi với bạn bè đồng trang lứa.Thôi thì đi theo mấy bác lớn tuổi, vừa yên thân mà còn học hỏi được bao nhiêu kinh nghiệm đời .
    Trong nhóm có Bác Kim, là người Phượng mến nhất. Và Phượng cũng học được nơi bác một triết lý sống thật dễ thương và an lạc .
    Chồng Bác vì nghẽn mạch tim, ngất xỉu và bị liệt bán thân. Phượng có dịp chở bác đến nhà thương nhiều lần nên trở thành thân thiết. Bác tâm tình.... Bác ra trường, làm việc và quen biết với một người đã có vợ con. Bác cùng người yêu rời Việt Nam theo làn sóng vượt biên để xây đắp một tổ ấm mới. Khi định cư yên ổn, hai bác bảo lãnh con cái của chồng sang, lo cho ăn học nên người. Bác trải qua biết bao nhiêu đoạn đường khó khăn; từ quán xuyến gia đình, đến tạo lập được cảm tình  tốt đẹp giữa bác và con riêng của chồng. Vậy mà ngoảnh mặt lại, trong những năm dài đó, người bạn đường của bác, một thời vì yêu bác mà bỏ vợ, nay lại đi theo tiếng gọi của một người đàn bà thứ ba .
    Lúc đầu, bác buồn và giận ghê lắm. Nhưng qua cơn đau, bác suy nghĩ rất nhiều; bác thấm thía hiểu rằng oan nghiệp đó là kết quả của những tội lỗi mình tạo nên mà thôi. Âu cũng là cái nghiệp mình còn nặng nên bác bắt đầu đi chùa, sám hối…
      Bác vẫn thường nói với Phượng, Cô biết không, lúc đầu tôi vì lòng kiêu hãnh và tự ái, không thể bỏ ổng được và, cũng không cho ổng kiếm cớ để bỏ mình. Nhưng dần dần, tôi giác ngộ qua kinh kệ và lời giảng của các thầy, tôi nhìn sự kiện dưới một góc cạnh khác.
     Tôi đã sống  trong mười năm rất hạnh phúc thì tôi cũng biết ơn ông ấy là trong thời điểm đó, ổng rất yêu tôi. Sau này, nếu ổng yêu một người đàn bà khác là vì ổng đã thay đổi, vậy thôi. Những lúc bên nhau, ổng là của riêng tôi. Tuy tôi chia nửa bầu trời kia cho một người  khác ,nhưng nếu mình thấy đời vui  thì nửa mảnh trời còn lại vẫn xanh .
    Vậy mà thấm thoát , tôi với ổng đã ăn ở với  nhau cả hai chục năm rồi đó cô .....
    Những lời tâm sự của bác thật là một bài học đẹp cho Phượng. Hóa ra bao giờ mình cũng thấy cái khổ của mình là quan trọng nhất, cái đau của mình là to tát, còn chung quanh tôi, chúng sanh đắm chìm trong biển khổ mà tôi nào có cảm nhận.
    So với cái khổ của bác Kim, Phượng còn có được 15 năm hạnh phúc. Từ ngày cưới nhau cho đến lúc Tân qua đời, dưới mắt Phượng, hai vợ chồng rất tâm đầu ý hợp. Ví dầu như không có lá thơ kia thì đúng là hình ảnh đẹp về Tân sẽ theo Phượng đến cuối cuộc đời rồi .
Nhưng, nghĩ như vậy thì quá đơn giản. Tại sao Phượng không nghĩ rằng có thể Tân đã phản bội  nàng nhiều lần rồi mà Phượng chỉ biết được có một chuyện mà thôi!
Đáng tiếc thật ..... Nhưng chẳng đáng buồn !

    -  Chị Phượng à, từ khi Thu dọn nhà về gần chị, cả năm rồi, hôm nay mới bước vào nhà chị đây.
    -  Ừ , thì lúc nào Phượng cũng ở ngoài vườn. Vừa làm cỏ, vừa tiếp khách, cũng tiện. Đỡ phải dọn dẹp nhà cửa .
    Thu im lặng, nhìn quanh căn phòng, chỉ tay vào chiếc ghế da ba góc đặt cạnh hồ cá.
    Ồ! chiếc ghế này chị cũng còn giữ hả? Nhớ tụi mình đi Mexique chung  hồi 89 quá, mang chiếc ghế này về là cả một công trình. Hồi đó vui quá chị Phượng nhỉ ....
    Phượng mỉm cười. Nàng nhìn thẳng người đối diện. Nhưng Phượng không thấy Thu. Phượng đang nhìn ra cảnh một bãi biển lúc chiều tà , xa xa vài chiếc  du thuyền thắp đèn sáng rỡ, đang rẽ sóng ra khơi để bắt đầu dạ tiệc trên biển. Đứng trên lan can  phòng khách sạn, dõi mắt kiếm tìm chồng trên bãi cát chạy dài dọc bờ biển. Thường thường Tân ưa xuống biển buổi chiều, kiếm một ghế bố nằm ngắm mặt trời lặn. Bãi biển vắng tanh, hướng mắt về dãy nhà ăn kế bên hồ bơi, Phượng thấy Tân ngồi với Thu, hai người đang nói cười trông vui vẻ lắm. Một chút bực bội, Phượng lấy thang máy bồng con xuống lầu. Lúc đến gần, không thấy chồng của Thu ở đó, chỉ có hai người với nhau, Phượng nhíu mày, gắt nhỏ với Tân :
    - Tưởng anh chờ em , sao lại đi xuống trước một mình?
    - Thì anh nghĩ em xuống rồi. Gặp Thu ở đây nên anh ngồi chờ luôn .
    Một tia sáng loé lên trong đầu Phượng. Một giải đáp nào đó thoáng qua…
    Máu ba gai nổi dậy, Phượng nghĩ đến tờ thư năm cũ….Nói ra không?...Thôi, thôi, thôi!
    Hơn nữa, nói làm gì chuyện xưa, có lợi lộc cho ai đâu. Một lần hã giận, không làm khá thêm cho cuộc đời, lại đẻ ra lắm nhiêu khê. Mà lạ quá, máu ghen trong Phượng có đang sống dậy đâu nào? Hình như không có sự hiện diện của chồng ở cõi  đời này nữa thì khái niệm “ghen” cũng chẳng còn tồn tại…
    Vả lại, đối với hai con, Tân là thần tượng, là gương sáng cho con cái noi theo. Lỡ mà chuyện đến tai chúng nó, hậu quả sẽ tai hại biết chừng nào.
    Mùa hè vừa qua, trên đường lái xe về nhà, Phượng tình cờ thấy Thu đang đứng trước một căn nhà trong xóm. Nghĩ thầm, lại oan gia gặp nhau trong ngõ hẹp nữa rồi. Chưa kịp quay mặt  thì Thu nhận ra Phượng, bước xuống đường, vẫy tay.
    - Trời ơi, chị Phượng, đã mấy năm không gặp.
    Phượng đành phải dừng xe lại. Chào hỏi thì mới biết ra Thu vừa dọn nhà mới cả tháng nay.
    Khổ thật! Ghét của nào trời trao của ấy. Nhưng biết làm sao bây giờ?
    Tránh mặt Thu được vài lần. Nhưng dần dà cũng phải gặp nhau. Không ở chợ cũng tại hồ bơi trong vùng.
    Tuy nhiên Phượng vẫn giữ một khoảng cách rất lịch sự chứ không thân tình như lúc trước.
    Thu không bận tâm về sự thay đổi đó cho lắm vì cô nàng lắm bạn bè, rất bận rộn…. Nhất là từ khi dọn về nhà mới, chồng Thu thường đi xa. Phượng cũng chưa hề gặp lại Nghinh…

    -  Suy nghĩ gì mà chị Phượng cười tủm tỉm vậy ?
    Phượng vươn vai, đổi thế ngồi:
    -  Vừa chợt nhớ là trưa nay phải ra thư viện trả mấy cuốn sách . Mấy giờ rồi hả Thu?
Nhìn vào đồng hồ tay, Thu giật nẫy người: -Thôi chết, Thu ra khỏi nhà từ sáng sớm. Ông Nghinh có về nhà để làm hòa với Thu thì lại hụt công rồi. Thu phải về  đây. Chị Phượng ạ, Thu đang buồn giận chuyện tối hôm qua, chứ từ khi biết Nghinh ngoại tình, Thu đã bắt đầu chuyển bớt tiền ra khỏi compte banque chung rồi .
    Nghe thế, Phượng biết  mình khỏi phải tốn công an ủi người đàn bà ngồi trước mặt. Cũng tốt thôi.
    Phượng đứng dậy tiễn Thu ra cửa. Lúc lên xe, cô nàng còn nói vói thêm:
-  Mai mốt khỏe trí lại, Thu sẽ qua chơi với chị nữa. Cám ơn chị cho ăn sáng nhiều lắm.
    -  Đâu có chi . Bonne journée.
    Phượng nói thầm, chắc không có lần thứ hai . .-/.




VVM.24.5.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com