T
ừ nhỏ tôi đã được đọc nhiều bài báo nói về Thất Sơn với những huyền thoại ly kỳ và những Đạo Sĩ ẩn tu giỏi võ đấu với cọp, với mảng xà trên núi. Nhân dịp đi xuống Tân Châu đợt này, có người rủ đi tham quan Núi Dài Năm Giếng là tôi tham gia ngay, vì từng nghe nói nhiều về Thất Sơn vừa huyền bí, vừa có nhiều hang động rất nổi tiếng từ xưa nên cũng tò mò muốn viếng một lần cho biết.
Chúng tôi khởi hành từ Tân Châu khoảng 9 giờ hơn. Sau khi qua phà để tới Châu Đốc, khoảng 2 tiếng thì bắt đầu chạy dọc theo con Kinh rất dài, nước mênh mông, bên trái là vùng đất Campuchia, hỏi ra mới biết đó là kinh Vĩnh Tế. Chúng tôi đi qua 1 chiếc cầu để ghé vào một ngôi Chùa trên đường. Đó là Chùa Bồng Lai, một trong những nơi có giữ Ông Thẻ. Rời Chùa, chúng tôi lại lên đường đi tiếp, nhưng không lên phía Năm Giếng gần trên đỉnh mà đi một hướng khác, nơi có một số người cất Cốc để tu hành. Đến chân núi thì xe hơi không thể chạy lên được, chỉ có đường cho xe gắn máy chạy.
Cả nhóm đang chuẩn bị lên thì gặp một Sư cô đang chuẩn bị chở đồ lên, Cô cũng có một cái Cốc ở lưng chừng dốc, nên mọi người gọi lại nhờ sư cô chở giùm tôi. Đường thì hẹp, có chỗ quanh co và có chỗ thì xuống một cái dốc hẹp rồi rồ máy chạy lên. Sư cô quen đường nên chạy khá nhanh. Tôi không quen vì thấy đường hẹp mà có chỗ dốc cao phải rồ ga mới lên được, nhìn hai bên thấy có những hố, trũng, sợ chở nặng rủi lạc tay lái thì nguy nên xin sư cô thả xuống để tự đi bộ tiếp. Xuống xe mà tôi phải đứng một lúc mới hết xây xẩm rồi mới đi tiếp được.
Hóa ra mọi người đi xem đất để mua, tôi không đủ sức lội bộ nên ngồi nghỉ để chờ mọi người xem đất ở một cái Cốc nho nhỏ của một Sư mới cất độ chừng vài tháng, chỉ có một mình ông và một bà lớn tuổi có lẽ để phụ việc cơm nước. Dài theo đường lên, rải rác, cách vài trăm mét thì có một cái cốc của một huynh đệ nào đó cũng cất để tu hành, nhưng ban ngày họ không có ở nhà, mà đi hái thuốc cho những phòng thuốc từ thiện quanh vùng. Phong cảnh thì khá đẹp, có những chỗ có vồ đá to, có những cây khá lớn, tàn che phủ đường đi, nên mát mẻ. Cốc của ai cũng có trang trí bằng những khóm cây, hoa từ đồng bằng mang lên trồng, có người xây cả cái hồ để trồng Sen trắng cạnh bên nhà trông khá nên thơ. Khung cảnh vắng lặng, chỉ có cây và đá, không thấy người.
Khi về, tôi mới bắt đầu tham khảo về vùng Bảy Núi là một địa danh nổi tiếng của An Giang, nghe danh từ lâu mà đây là lần đầu tiên trong đời tôi mới đặt chân đến, sẵn dịp tổng hợp một số thông tin, và điểm lại một số huyền thoại được đồn đại từ xưa về nơi đây.
Tổng hợp nhiều clip và bài đăng trên mạng thì trên địa bàn Huyện Tri Tôn và Tịnh Biên An Giang có đến 37 ngọn núi, nhưng có 7 ngọn núi nổi tiếng nhất. Đó là :
1/- Núi Cô Tô còn có tên gọi khác là Phụng Hoàng Sơn, thuộc Xã Cô Tô, Huyện Tri Tôn, An Giang. Núi cao 614m, dài 5.800m, rộng 3.700m, bên trong là một hệ thống hang động ngầm như tổ ong lớn, rất kiên cố và vững chắc, Ngoài ra còn có đồi Tức Dụp nổi tiếng thời chiến tranh và Đồi Hoài So. Trên núi có các danh lam thắng cảnh như Chùa Vạn Linh, Chùa Phật Lớn, Tượng Phật Di Lặc và Hồ Thủy Liên.
2/- Núi Cấm còn gọi là Thiên Cấm Sơn nằm tại Xã An Hảo, Huyện Tịnh Biên An Giang. Núi có độ cao 705m, chu vi 28.600m. Đỉnh Bồ Hong trên Núi Cấm là đỉnh cao nhất trong Thất Sơn và núi này cũng là núi cao nhất vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Hang Bồ Hong có một câu chuyện rất nổi tiếng về Nhà Bác Vật Lưu Văn Lang đã từng xuống khám phá.
Trong số các clip có thêm thắt những tình tiết pha màu huyền bí thì tôi thấy tư liệu của CAND là đúng đắn nhất. Trong đó viết rõ, có kèm theo ngày, tháng, năm của từng vụ việc :
Tiểu sử sơ lược của Bác Vật Lưu Văn Lang như sau. Ông sinh năm 1880 tại Sa Đéc, năm 1897 tốt nghiệp Tú Tài hạng ưu và được cấp học bỗng sang pháp du học. Năm 1904 ông tốt nghiệp, về quê. Lúc làm lễ Vinh quy bái tổ thì đích thân Toàn Quyền Paul Doumer đến đọc diễn văn khai mạc. Sau đó được cử sang Vân Nam để giám sát thi công tuyến xe lửa nối liền Côn Minh và Hải Phòng Việt Nam. Tuyến đường này xuyên Đông Dương, dài 885km, khởi công năm 1901, xuyên qua nhiều địa hình hiểm trở. Trong số 60.000 công nhân thì thời gian thi công đã có 12.000 công nhân thiệt mạng vì bệnh tật.Tuyến đường này hoàn thành, ông lại được cử đi giám sát những công trình nổi tiếng như Cầu Monivong, tuyến đường xe lửa Phnom Penh – Battambang, Campuchia, cầu Long Biên và rất nhiều cầu ở khu vực Tây Nam Bộ.Năm 1929 ông sáng lập Ngân Hàng mang tên Việt Nam Ngân Hàng, trụ sở đặt tại Saigon. Ngoài ra ông còn tham gia Hội Khai Trí Tiến Đức ở Hà Nội và mở chi nhánh tại SaiGon, có tên là SAMIPIC, trụ sở đặt tại đường Trần Hưng Đạo để tài trợ, giúp đỡ học sinh nghèo Việt Nam có cơ hội đi du học.
Do Viên Chủ Tỉnh người Pháp hẹn với ông mà cố tình kéo đồng hồ để đến trễ cả giờ. Thời đó đồng hồ rất hiếm, nên những chủ nhân thường lợi dụng để ăn gian giờ làm việc của nhân viên, vì thế, Ông Bác Vật Lang đã làm một chiếc đồng hồ dựa theo tia nắng mặt trời để xác định giờ trong ngày. Đồng Hồ được xây bằng xi măng cao 1m, rộng 0,8m mặt quay về hướng Bắc được đặt ngay trước cửa Dinh Chủ Tỉnh tại Bạc Liêu, hiện nay vẫn còn được bảo quản.
Năm 1940, Bác Vật Lang xin hồi hưu về Sa Đéc. Thời gian này ông có tham gia phong trào ủng hộ Cường Để. Nghe tin Nhật sắp tiến vào Đông Dương, ông xin nghỉ để chuẩn bị kháng pháp. Thời gian này ông nghiên cứu về những cuộc khởi nghĩa ở Vùng Tây Nam Bộ, trong đó có cuộc khởi nghĩa của Quản Cơ Trần Văn Thành.
Ông là người phát hiện vị trí trung tâm của “Linh Huyệt” mà Quản Cơ Trần Văn Thành chọn trên đỉnh Núi Cấm. Đó là những “Ông Thẻ” tức cột cờ bằng gỗ được cấm mốc bốn hướng tạo thành vùng lãnh thổ kháng chiến.
Ông tổ chức một nhóm người đến khảo sát hang Ông Thẻ thứ nhất. Giai thoại kể rằng : Đầu tiên họ cột một con Khỉ, rồi thả dây từ từ cho nó đi xuống. Nửa tiếng sau, dây khá dài thì họ cầm đầu dây để giựt. Lúc đầu còn nặng, tức là con Khỉ vẫn còn dính với sợ dây. Sau lại nhẹ tâng thì biết con Khỉ đã sổng ra. Kéo dây lên thì sợi dây thẳng thớm như có người mở ra, không phải bị đứt. Họ nghi ngờ nên lần sau cột con chó thả xuống thì cũng gặp tình trạng y như lần trước. Dây bị mở, con chó thì đi đâu không biết. Lúc đó Bác Vật Lang mới đề nghị để ông đích thân xuống xem sao. Ông dặn dò phương thức tín hiệu bằng cách giật dây, xong cột dây vào người, mang theo đèn pin và nến để thăm dò dưỡng khí. Khi dây dài đến cả trăm mét thì không thấy tín hiệu duới hang, kéo dây lên thì sợi dây không.
Dù lo cho tính mạng của Bác vật Lang, nhưng cả đoàn cũng không biết làm gì hơn, không ai dám xuống hang mà cắm trại ở đó để chờ. Theo bài viết thì “một ngày, một đêm trôi qua, tờ mờ sáng hôm sau thì thấy Bác Vật Lang lóp ngóp bò khỏi miệng hang và có vẻ mệt mỏi , hỏi gì cũng không trả lời như là bị cấm khẩu” ! Họ đưa ông lên Saigon để chữa trị, nhưng ông cũng không chịu nói gì.
Tư liệu viết : Một bậc kỳ lão thuộc Hệ Phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa (Tôn giáo kháng chiến của Quản Cơ Trần Văn Thành) (đề nghị dấu tên), cư ngụ tại Tịnh Biên, An Giang cho biết, lúc ấy ông mới 12 tuổi được ông nội dẫn đi theo Phái Đoàn Bô Lão của Từ Ân Hiếu Nghĩa thăm Bác Vật Lang ở Bệnh Viện Đồn Đất. Các vị có hỏi Bác Vật có thấy điều gì trong hang, thì ông chỉ mỉm cười trả lời : “Núi Cấm giống như một mâm cơm dọn sẵn đang đậy lồng bàn. Các ông chỉ việc dở lồng bàn ra là được ăn thôi” .
Nhưng câu chuyện này qua bao nhiêu năm được truyền miệng trong dân gian có thêm thắt nhiều chi tiết pha màu huyền bí, cho rằng từ lúc xuống hang trở lên thì ông bị cấm khẩu luôn. Về sau, ông trở xuống hang rồi mất tích luôn, không trở lại ! Cũng có người đọc mấy câu Lục Bát, cho là của Ông Bát Vật Lang : “Đàn kêu tích tịch tình tang. Đố ai biết được trong hang có gì ? Đàn kêu tích tịch tỳ tỳ. Đố ai biết được có gì trong hang” ! Đã cấm khẩu mà còn đọc vè, đọc thơ là sao ?
Clip của Bửu Sơn Kỳ Hương và “ haythachthuctoi” thì lại có câu chuyện ly kỳ khác, nói rằng sau khi về, Ông Bác Vật Lang có viết một bức thư trao cho một người bạn tên Phụng.Trong đó Ông ghi rõ những gì đã thấy khi xuống địa huyệt và dặn rằng”nếu tiết lộ bức thư ra ngoài thì gia đình sẽ gặp đại họa”. Khi bệnh nặng, ông Phụng đã kể lại câu chuyện cho người cháu. Năm 1940 Ông Phụng cho người đem lá thư đến Đức Huỳnh Giáo Chủ dặn sau 1975 mới được tiết lộ.
Nội dung bức thư có người được xem qua tả lại như sau : “khi xuống hang, Bác Vật Lang có đem theo nước, lương thực và 1 bình dưỡng khí. Khi bước vào hang thì ông thấy đó là 1 hang to, rộng. Thỉnh thoảng ông phải khom người mới đi qua được. Đến 1 đoạn hang tối, nhưng thấy có những bậc thang. Ông leo xuống sâu hơn thì hang tiếp tục mở ra, nhưng chiều cao ngày càng thấp hơn. Ông thấy 1 cái dây mây được đan thành thang thòng xuống dưới dáy huyệt. Trong quá trình leo xuống ông phải xử dụng bình dưỡng khí vì không khí không đủ cung cấp. Bất ngờ ông thấy có lối đi rộng lớn, trần cao cỡ 20m, có ánh sáng. Nền của hang được lót toàn bằng vàng thỏi. Ông lại thấy cả một thành phố bằng vàng, đền đài, cung điện rất nguy nghi, mái lợp vàng, tường đá hoa cương rực rỡ, tường được gắn bằng đá quý hiếm. Có những tranh quý khung bằng vàng ròng, bên trong là những chữ cổ. Ở giữa có tượng Phật cao cỡ 20m cũng bằng vàng ròng. Tượng Phật phát ra ánh sáng. Ông cũng có cơ may bước vào ngự phòng có cái giuờng bằng châu báu, thất bửu. Sau đó Ông ngất đi. Khi tỉnh dậy thấy nằm cạnh thang mây nên ông đi lên. Ông có lấy 1 cục vàng về để nghiên cứu.”.
Thư Viện Phật Giáo Hòa Hảo còn kể thêm câu chuyện là năm 1968, một kỹ sư Công Binh người Mỹ, có tên là Tim Sim cũng từng xuống hang đó khám phá sau khi nghe câu chuyện của một người bạn người Việt Nam là Ông Ban kể lại.
Ông Tim Sim sắm sửa đồ dùng đầy đủ rồi nhờ Ô. Ban giới thiệu người địa phương hướng dẫn đến Núi Cấm, xong một mình ông vô núi. Mọi người bên ngoài chờ đợi, lo lắng thì đến ngày thứ 10 ông mới ra, người gầy tọp và giữ im lặng không nói gì. Sau khi về Sa Đéc ông có cho mọi người xem 1 thỏi vàng, dài 2,5 cm, ở giữa phình ra, hai đầu nhọn, có lỗ thông hơi. Về Saigon, Ông nhờ chuyên gia Mỹ khảo nghiệm thỉ được biết đó là một loại vàng găm (không biết có phải là vàng non tuổi hay không?), bên trong chưa một loại chất dẻo có tạo sức hút từ từ dưỡng khí và thán khí khi tiếp xúc với nhiệt năng trên 130 độ C. Nếu tiếp xúc với lửa hay giòng điện xoay chiều 100 volt sẽ phát nổ ngay. Khi phát nổ thì vi phân tử trong chất dẻo sẽ tạo thành phản ứng bức xạ sẽ phá hủy tất cả vật dụng bằng kim loại không còn dùng được nữa.
Ông Tim Sim kể lại là trong địa huyệt có nhiều kỳ tích, ông chưa kịp quan sát hết. Ông có chụp nhiều ảnh, nhưng khi thì rửa ra không thấy gì. Ba tháng sau, Ông Tim Sim quay lại, định trở vô hang. Nhưng dù trước đó đã cẩn thận làm dấu chung quanh, mà ông ở đó cả 3 ngày không tìm được lối vào, nên ông trở về Mỹ luôn.
Thời gian sau, Ông Tim Sim có gởi cho Ông Ban 1 lá thư, kể lại là Ông đã nhờ nhóm chuyên gia Mỹ ở khảo nghiệm thì được báo cho biết, trong thỏi vàng có gói 1 loại hóa chất chưa có tên trong thành phần hóa học trên thế giới nhưng có thể phát nổ và hậu quả không thể lường trước. Tưởng tượng đến sự hủy diệt của nhân loại, cả nhóm quyết định giữ kín và giao cho ông tìm một nơi có điều kiện tương tự như Núi Cấm để chôn thỏi vàng đó. Cuối cùng ông chúc mừng Ông Ban đã quy y và sống với tôn giáo Hòa Hảo. Riêng Tim Sim cho biết sẽ giải ngũ và tìm một nơi an tịnh để sống hết cuộc đời còn lại. Nhân vật Ban đã đốt bỏ lá thư và sau đó đi cải tạo 12 năm, có lẽ vì là sĩ quan chế độ trước.
Những nhân vật kể trên đều có thật và do Thư Viện Phật Giáo Hòa hảo phổ biến, không phải là huyền thoại mà dân gian hay kể.
Trong khi ai cũng biết là hang Bồ Hong, nơi Bác Vật Lang đi khám phá đã bị chính quyền cho bít lại, thì trên mạng lại có clip khám phá hang động được người hướng dẫn gọi là hang động Bác Vật Lang. Trong clip, người hướng dẫn dắt một em thanh niên đi vào hang. Có chỗ hẹp đến nỗi người muốn vô không thể đi, cũng không thể ngồi thằng, mà phải nghiêng người, ngồi xổm mới chui qua lọt. Có đoạn phải nằm dài xuống rồi dùng lực của tay, chân để trườn vô ! Điểm đến cuối cùng là một hốc nhỏ, không có lối ra, chỉ đủ cho 1 hay 2 người ngồi và thắp hương trên một cái lư hương màu vàng - loại các lò gốm mới sản xuất về sau, chắc chừng vài chục năm - để trên vách. Sau đó họ lại phải theo cách cũ để trườn ra khỏi phần hang chật hẹp đó.
Xem clip tôi thấy việc khám phá đó rất nguy hiểm. Hang quá chật hẹp, không đủ chỗ cho 1 người chui qua. Vì thế, nếu chẳng may người bên ngoài bị ngộp hay lúc đang đi mà có vấn đề về sức khỏe thì số phận người bên trong ra sao ? Hơn nữa, theo chuyện kể thì con khỉ, con chó xuống dễ dàng cho tới khi dây bị mở ra, chứng tỏ bên dưới phải đủ rộng để cho người đi qua và ở đó được. Vì nếu hang chật hẹp như thế thì con khỉ hay con chó đã quay đầu lại, nó đâu có muốn khám phá, hay có mồi gì hấp dẫn bên trong mà thấy khó khăn cũng ráng chui vô ?
Tư liệu CAND viết rõ : Sau khi Nhật đảo chính Pháp, chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim mời Bác Vật Lang giữ chức Bộ Trưởng Công Chánh thì ông từ chối. Đến năm 1948, Bác Sĩ Phạm Ngọc Thạch mời ông làm Cố Vấn Hội Liên Việt Saigon – Chợ Lớn do chính phủ kháng chiến mới thành lập thì ông nhận lời.
Sau Hiệp định Génève năm 1954, ông tham gia sáng lập phong trào Hòa Bình, đòi thi hành Hiệp định, tổng tuyển cử thống nhất đất nước với vai trò chủ tịch danh dự nên bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam cùng với một số trí thức lãnh đạo phong trào. Sau khi được trả tự do thì còn bị quản thúc chặt chẽ đến năm 1958.
Dù vậy, ông vẫn bí mật liên lạc với Ban Trí Vận Trung Ương Cục Miền Nam, thường xuyên phổ biến những văn kiện của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng ngay giữa Saigon. Ông qua đời tại Saigon vào ngày 3/6/1969 thọ 89 tuổi. Ngày 14/8/1975, Ủy Ban Quân Quản Saigon đã đổi tên đường Tạ Thu Thâu Quận 1 thành tên Lưu Văn Lang. ( Tư liệu của CAND).
Tư liệu cho thấy, Bác Vật Lưu Văn Lang đã nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa ở Vùng Tây Nam Bộ và biết về hoạt động của Quản Cơ Trần Văn Thành, biết Hang Bồ Hong là nơi hoạt động của Quản Cơ, nên tổ chức khám phá. Chắc chắn khi xuống hang ông đã gặp được nhóm người kháng chiến, nên sau đó được đưa lên an toàn. Do thời điểm đó mọi hoạt động kháng chiến phải giữ bí mật, lộ ra là hư đại sự, bọn Pháp mà biết được sẽ săn lùng để tiêu diệt, nên ông Bác Vật Lang phải dùng cách bị cấm khẩu, làm mọi người tin rồi đồn đại có vấn đề tâm linh dưới đó, để chính quyền không thắc mắc, điều tra lên xuống để nhóm kháng chiến được yên ổn mà hoạt động.
Rõ ràng những năm sau ông còn tham gia vào Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, hẳn là cũng có đóng góp không nhỏ, nên sau Giải Phóng ông còn được đặt tên đường ở Quận 1. Đó là bằng chứng cụ thể nhất, chứng tỏ là ông không hề bị cấm khẩu đến cuối đời. Tư liệu ghi rõ ông mất tại nhà năm 89 tuổi kèm cả ngày, tháng, năm…chứng tỏ lời đồn đại ông trở lại hang rồi mất tích hoàn toản không đúng sự thật.
3/- Liên Hoa Sơn hay Núi Tượng, nằm ở Thị Trấn Ba Chúc, Huyện Tri Tôn. Núi chỉ cao 145m, chu vi là 3.825. Do nhìn từ xa trông giống hình dạng con voi nên gọi là Núi Tượng.
4/- NGỌA LONG SƠN hay Núi Dài Lớn, là núi dài nhất trong Bảy Núi. Dài khoảng 8.000m, cao 580m, nằm trên địa bàn của 3 Xã Châu Lăng, Lương Phi, Lê Trì và Ba Chúc. thuộc Huyện Tri Tôn.
5/- ANH VŨ SƠN hay Núi Ông Két, do gần trên đỉnh, bên vách phía tây có 1 tảng đá khổng lồ nhô ra có hình dạng của đầu con két. Núi này cao 225m rộng hơn 1.000m thuộc Thị Trấn Nhà Bàng, Huyện Tịnh Biên. Theo nhiều người sống lâu năm ở gần đó thì trước khi mỏ của con Két quay ra đường. Nhưng hiện nay nói đã đổi huớng và quay vô trong, hướng về phía Núi Dài Năm Giếng. Không biết có dịch chuyển gì dưới chân núi làm ảnh hưởng hay không ?
6/- Ngũ Hồ Sơn hay Núi Dài Năm Giếng, là nơi tôi vừa tham quan, có độ cao 265m so với mặt nước biển, thuộc Thị Trấn Nhà Bàng, địa phận An Phú, Văn Giáo của Tịnh Biên, nằm đối diện với Núi con Két. Trên đỉnh núi có một khoảng đất khá rộng, diện tích lên đến 1.000m. Đặc biệt là ở độ cao chừng 200m bên triền phía Đông, có 1 tảng đá lớn trên đó có 5 miệng giếng lớn nhỏ, cái lớn bằng mặt bàn, cái nhỏ bằng miệng thau. Nước giếng trong xanh, lúc nào cũng đầy nước. Người tham quan Núi Dài Năm Giếng thường đi phía Đông, nơi đó có đường bộ và nhà dân trồng rẫy dài lên tới chỗ Năm giếng nước. Bên phía chúng tôi lên còn hoang vu, chỉ có rừng cây tạp và những người tu hành cất Cốc để ở mà thôi.
Đặc biệt trên Ngũ Hồ Sơn có cây Hồng Quân. Trái lúc sống màu xanh, khi già thì chuyển dần sang màu nâu hồng và lúc chín thì có màu tím đỏ. Hồng Quân ở Ngũ Hồ Sơn có vị ngọt thanh hơn ở những nơi khác. Huyện Tịnh Biên hiện có vài cơ sở dùng trái Hồng Quân để làm rượu đặt tên là “Thất Sơn Kỳ Tửu”. Đây là sản phẩm độc đáo của vùng Thất Sơn kỳ bí.
7/- Thủy Đài Sơn còn có tên là Núi Nước, là núi nhỏ nhất trong Thất Sơn. Núi chỉ cao khoảng 20 m, chu vi 1.070m, thuộc, Huyện Tri Tôn cách Thị Trấn Ba Chúc khoảng 2km về phía ngã 3 Lạc Quới, được đánh giá là đẹp nhất trong Bảy Núi. Có lẽ là vì vào mùa trồng lúa thì núi được bao quanh bởi màu xanh mơn mởn của mạ non. Nhưng đến mùa lúc chín thì quanh núi là một màu vàng rực. Khi nước lụt thì chung quanh là nước mênh mông, ở giữa là ngọn núi nổi lên, vì thế có tên là Núi Nước.
Bảy Núi từ lâu đã là điểm du lịch nổi tiếng. Ngoài vẻ đẹp của núi, hang động với nhiều huyền thoại. Năm 2004, An Giang đã cho xây dựng Tượng Phật Di Lặc trên vồ cao nhất thuộc Hồ Thủy Liêm trên đỉnh Núi Cấm, ở độ cao 700m so với mặt nước biển. Tượng do điêu khắc gia Thụy Lam tên thật là Phạm Dân Chủ người của Thị Xã Tân Châu thực hiện với khoảng 60 nhân công, hoàn thành vào tháng 12 năm 2006, có chiều cao 33,6m tính từ chân đế tới đỉnh đầu. Diện tích bệ tượng là 27x27m. Tổng trọng lượng gần 1.700 tấn. Ngày 2/1/2006 Tượng được xác lập kỷ lục “Tượng phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất”, và ngày 29/5/2013 được công nhận là tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở Chấu Á càng thu hút thêm nhiều du khách đến tham quan.
Dân gian truyền miệng với nhau : “Muốn tu Phật thì lên núi Yên, muốn tu Tiên thì lên Núi Cấm”, cho nên từ lâu cũng có nhiều người lên đó, tìm chỗ thanh vắng để ẩn tu. Nhiều clip quay cho thấy một vài cái Cốc bỏ hoang mà đường vô rất khó khăn, phải khom lưng chui qua tảng đá lớn, rồi phải thận trọng bước từng bước qua những viên đá to nằm chắn lối. Đến nơi thì muốn vô Cốc phải leo lên cả chục nấc thang bằng sắt có vẽ cũ kỹ, lâu năm, đang bắt sẵn ở đó thì mới vô được vì nó nằm trên lưng chừng vách núi.
Nhân tiện nói về những Đạo Sĩ ẩn tu trên Núi Cấm thì tôi có nhận định như sau : Việc ở một mình trên núi cao đầy sương làm, chướng khí, thú dữ, rắn rít, có thể ẩn núp trên cây hay dưới lớp lá khô dưới chân rất bất lợi. Việc vận chuyển gạo, nước để dùng cũng là cả một vấn đề, cho ta thấy tinh thần tu hành của người xưa rất cao. Họ sẵn sàng chấp nhận gian khổ, thiếu thốn mọi thứ tiện nghi vì quan niệm là muốn tu hành thì phải tìm nơi thanh tịnh, xa lánh thế nhân để một mình yên ổn sẽ giúp họ đắc đạo, thành Tiên. Nhưng điều họ không biết là xa lánh thế nhân chỉ mới là giai đoạn đầu trong hành trình tu hành. Phải làm những gì tiếp theo sau đó, và làm như thế nào để đạt kết quả ? Đó mới là quan trọng.
Là người có một thời gian khá dài nghiên cứu về đường tu Phật, tôi thấy rằng, không riêng gì người muốn tu theo Đạo Phật, mà muốn tu theo bất cứ môn phái, đường lối nào cho thành công thì đòi hỏi 3 điều kiện :
1/- Hiểu rõ mục đích, và chấp nhận gian khổ để đạt được.
2/- Nắm vững phương tiện.
3/- Phải có người đã thành công hướng dẫn.
Việc tu hành đòi hỏi thời gian lâu dài, không phải do may rủi, không phải nôn nóng mà có thể thành công. Vừa nghe nói muốn tu phải lên núi là khăn gói lên đường, rồi một mình tu trên thâm sơn cùng cốc như thế thì việc tiếp tế thức ăn, nước sinh hoạt cũng là cả một vấn đề thì lấy gì để sống mà tu hành ?. Ngay cả thời nay dù đã có điện thoại đi động, nhưng một ở một nơi mà phải chui qua bao nhiêu hang, động, len lỏi qua những vồ đá, những lùm cây rậm rạp, khó nhận ra phương hướng thì khi có việc làm sao hướng dẫn cho người khác tìm ? Trên núi hết pin thì lấy gì để sạc ? chưa kể là mất sóng ! Gặp lúc bản thân có bệnh bất thần thì làm sao . Đi vào núi cao, động vắng chỉ mới là để cách ly với mọi người để được yên ổn. Muốn Tu còn phải hiểu rõ phương pháp rồi áp dụng cho đúng thì mới thành công. Cho nên, theo tôi, những nơi hiểm trở, vắng người, không phải là một phương tiện tốt cho người muốn tu hành.
Tôi đã từng viếng Núi Yên Tử, nơi tu hành của Vua Trần Thái Tông. Để lên được núi Yên Tử đòi hỏi rất nhiều công sức. Cách đây nhiều năm thì ngành du lịch đã gắn cáp treo, khách hành hương không còn khó nhọc trèo đèo, lội suối nữa. Nhưng năm 1990, lúc tôi đi, dù đã có xe cộ thông thương mà vẫn phải đi bộ qua 9 con suối cả chục km, rồi leo theo con đường bằng rể của những cây Tùng đan qua lại trên lối đi để trèo lên từng bậc, gặp mùa mưa thì đường lại trơn trợt rất là khó khăn.! Tôi chỉ đủ sức đi tới Chùa Hoa Hiên ở lưng chừng. Muốn lên Chùa Đồng, là nơi Vua chính thức tu ở đó còn phải leo lên những bậc đá dựng đứng, nghe nói khoảng 2 hay 3 cây số nữa ! Theo tôi, Nhà Vua sống trên đỉnh núi với sơn lam, chướng khí, rất dễ nhiễm bệnh, lại phải mất quá nhiều sức cho những lần lên xuống núi giảng đạo, cho nên, phải chăng vì thế mà Vua cũng chỉ thọ có hơn 50 tuổi ?
Trong chuyến đi lên núi, thấy những người cất Cốc tu ở đó, mỗi người 1 cốc, chiếm cả công đất mà tôi ái ngại. Đã đành khi quyết tâm tu hành thì không tiếc thân mạng. Nhưng cái Thân người rất mong manh, mà rừng sâu, núi thẩm nhiều ác thú, rắn rít, côn trùng có thể làm hại ta bất cứ lúc nào nếu ta sơ xuất. Không biết các môn phải khác thì như thế nào ? Riêng Đạo Phật đòi hỏi người tu phải có Trí Huệ, tức là sự hiểu biết sáng suốt. Nếu ta không sáng suốt thì lỡ chưa tìm ra con đường tu hành mà đã mất đi thân mạng có phải là phí uổng lắm không ? Tại sao nhất định phải tìm non cao, động vắng, xa lánh người đời mới an tịnh, trong khi ta vẫn có thể ở trong phòng riêng, đóng cửa lại, chọn những giờ thanh vắng để Ngồi Thiền, dành thì giờ tham khảo thêm tài liệu, học kinh nghiệm của người đi trước ? Nếu chỉ một mình tu, một mình hành thì biết đâu là đúng, đâu là chưa ? Tới đâu là đủ ? Đã đành mỗi người phải tự tìm hiểu, tự tìm lời giải đáp, nhưng kết quả thì phải dựa theo cột mốc mà người đi trước đã cắm sẵn mới không sợ lạc hướng. Theo tôi, người muốn tu vẫn có thể ở thành phố hay bất cứ nơi nào, chỉ cần không bon chen, không tiếp xúc với nhiều người thì cũng được an ổn rồi, cần gì phải xa lánh tất cả mọi người ?
Người xưa có câu : “Dục tu Tiên Đạo, tiên tu Nhân Đạo”, tức là trước khi muốn tu Đạo làm Tiên thì nên tu Đạo làm con người trước. Mà Đạo con người là gì ? nếu không phải là hiếu dưỡng ông bà, cha mẹ, làm tròn trách nhiệm của một con người ? Hoàn thành được trách nhiệm của một con người trong mọi hoàn cảnh mà không tạo thêm Nghiệp là cũng đã tốt đẹp lắm rồi.
Người đời vẫn cho rằng “Sướng như Tiên”, vì họ quan niệm Tiên là những người được hưởng nhiều phước báo, được ở trên những tầng trời với cảnh trí lộng lẫy, đầy kỳ hoa, dị thảo, gọi là “Non bồng, nước nhược”. Họ là những vị thanh cao, tao nhã, an nhàn. Tiên ông râu trắng như cước, cỡi hạc vân du hay đánh cờ. Tiên bà, tiên cô thì nhàn nhã, cả ngày chỉ hát múa hay hái đào tiên.. toàn là an nhàn, hưởng thụ, thảnh thơi. Trong khi đó, ta tu Tiên mà lại phải vô rừng sâu, núi thẩm, chịu đói, chịu lạnh, cô độc một mình có vẻ giống khổ hạnh hơn ! Điều quan trọng là kết quả có thành Tiên hay không với những chịu đựng gian khổ như thế thì chưa thấy có vị nào đắc đạo kể lại.
Không giống như những lời đồn đại về những Đạo Sĩ ẩn tu trên Núi Cấm. Ông Ba Lưới, một trong số những Đạo Sĩ nổi tiếng còn sót lại ở Thất Sơn cho biết : Thời của ông, cũng chỉ có 5, 6 người lên đó ẩn tu, nhưng đa phần một thời gian sau là trở về vì không chịu nổi đói khát, khí hậu khắc nghiệt ở đó. Riêng ông, lên đó từ năm 18 tuổi và sống ở đó luôn, quanh năm đi hái lá thuốc để trị bệnh cứu người cho tới khi qua đời năm 2018, thọ 105 tuổi.
Rất nhiều bạn trẻ đã tìm đến phỏng vấn ông, nhưng không thấy ông nói gì về việc tu hành, chỉ kể về những khó khăn buổi đầu đến đó sinh sống. Phải chặt cây rừng, trồng lại cây mới để có cái ăn. Trước kia ông đã từng gặp cọp, nhưng nó không làm hại ông. Ngược lại, ông đã phải chiến đấu với trăn, phải giết 2 con nặng cả 100 ký vì nó muốn nuốt ông. Cũng may là nhờ ông giỏi võ ! Khi các em hỏi ông mong nước điều gì thì ông nói chỉ mong thế giới được hòa bình.
Nhân đây cũng nói luôn về “Ông Thẻ” được thờ ở 5 ngôi Miếu trong Tỉnh An Giang. Nhiều người cho rằng đó là của Pháp Sư nào đó trấn yểm để Miền Tây không có nhân tài. Kinh giảng Bửu Sơn Kỳ Hương kể là do Đức Phật Thầy Tây An dùng gỗ Lào Táo đẻo thành 5 cây thẻ rồi sai đệ tử là Quản Cơ cắm để trấn yểm huyệt đạo vùng Thất Sơn theo thế Ngũ Long Trấn Phục. Nhưng theo tài liệu của CAND thì đó là những cái Mốc được làm bằng gỗ Lào táo do Quản Cơ Trần Văn Thành cắm ở 4 hướng xác định ranh giới của lực lượng kháng chiến. Có 5 Miếu thờ Ông Thẻ rải rác trong Tỉnh An Giang gồm :
1/- Ấp Vĩnh Hòa, Xã Cần Đăng, Huyện Châu Thành, Tỉnh An Giang. Ngôi miếu tồn tại hơn 150 năm. Có 1 tu sĩ cho là thẻ bài trấn yểm của Phật Thầy Tây An, khi đào lên thấy có khắc dòng chữ Bửu Sơn Kỳ Hương.
2/- Chùa Bồng Lai thuộc Thị Xã Châu Đốc An Giang.
3/- Ấp Vĩnh Lợi, Xã Vĩnh Thạnh, Huyện Châu Phú, An Giang.
4/- Ở Hang ô. Thẻ Núi Cấm.
5/- Theo truyền thuyết thì Ông Thẻ được cắm ở rừng Tràm thuộc Vĩnh Điện, nhưng sau 1975 người dân đi Kinh Tế mới phá tan hoang hết vùng đất đó chỉ nhặt được 1 thanh gươm và ít tiền xưa. Cuối cùng là Ông Thẻ thứ 5 được cắm trên 1 gò đất cao giữa đồng rộng mênh mông.
“Ông Thẻ” hay nói cách khác là 5 cột mốc được cắm để xác định vị trí, lãnh thổ kháng chiến. Ông Thẻ không có giá trị về tâm linh, vì nó chỉ là di tích có giá trị lịch sử liên quan đến cuộc kháng chiến của người dân Miền tây Nam Bộ mà người sau cần gìn giữ để tưởng nhớ đến lòng yêu nước của những bậc tiền nhân mà thôi.
Núi Cấm, theo lời kể, thì Vua Gia Long trong thời gian bôn tẩu cũng dùng nơi đó để ẩn lánh. Có lẽ vì vậy mà Cấm dân chúng không được lên đó sợ làm kinh động chăng ?. Núi Cấm cũng đã từng là cứ địa của những anh hùng chống Pháp, của những cuộc khởi binh trong âm thầm dựa vào địa thế hiểm trở, hang động quanh co, những vồ đá, những tảng đá to chắn lối, cây rừng chằn chịt. Đường đi lên núi thì lúc cao, lúc thấp, lúc hẹp, lúc phải vẹt bụi lùm mà đi. Thời này Đạo Sĩ ẩn tu cũng như thú dữ, trăn dữ cũng không còn thấy nữa. Người dân đã lên đó khai hoang, lập những vườn cây ăn trái đủ loại, đã dẫn nước từ những giếng trên cao trên núi xuống để tưới vườn. Nhưng Thất Sơn với những huyền thoại vẫn mãi mãi mang màu sắc tâm linh, với rừng xanh bạt ngàn, chập chùng đá tảng đủ cỡ vẫn còn hoang sơ dành cho những ai muốn khám phá. Năm 2015, ngành du lịch đã đầu tư cáp treo đưa khách tham quan lên tận đỉnh Núi Cấm để chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc được công nhận kỹ lục cao nhất của Vùng Đông Nam Á mà tôi tin rằng những ai yêu thích thiên nhiên và cảnh đẹp nổi tiếng của đất nước hẳn không thể bỏ qua.