Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


tranh Phan Vũ Khánh

NHẬT KÍ BÊN TRONG SONG SẮT



                  

M ấy ngày nữa tôi tròn mười tám tuổi. Cán bộ quản giáo gọi tên tôi theo giấy khai sinh kèm tên lót bằng cụm từ “phạm nhân” mà trước đó, tôi không sao hiểu hết nghĩa của nó. Phải, trí tuệ của tôi không dài! Lá thư đầu đời tôi gửi về gia đình được viết bằng cây bút là phần thưởng giành cho học sinh có thành tích học tập cao. Tôi không xấu hổ khi khoe khoang với mọi người rằng, vừa tốt nghiệp loại giỏi cấp hai, lớp bổ túc văn hoá của trại giam. Lần gần đây nhất, mẹ vào thăm và hứa sẽ cho tôi đi học tiếp sau ra trại, sẽ không bắt tôi lê lết, giả đói, giả khát, đánh vào lòng thương hại của người muốn phúc lành hoặc kẻ mang tâm tội lỗi lên chùa lễ phật hòng giảm bớt oan nghiệt để moi tiền họ như trước kia. Thú thực, lúc đó với tôi, nhận đồng tiền của ai, vì lòng trắc ẩn nào đi nữa không quan trọng, ngay cả hàm nghĩa bố thí cũng không có nốt. Cốt lõi ở chỗ, ai cho đồng tiền mang giá trị lớn hơn. Đương nhiên, người từ tâm quảng đại nọ được chúng tôi coi như phật, thánh. Chí ít, cũng nguyện cầu chư bồ tát nghe thấu lời thỉnh cầu của họ, rủ lòng từ bi đáp ứng mong muốn. Mà thực, nó chỉ thuộc trò lưu manh không hơn, không kém.

Nhận thức đầu tiên mà tôi biết mình biết nhận thức lại như kì lạ, có vẻ trái với công thức sống bình thường. Người ta vẫn khẳng định “trường đời mới thực tạo nên số phận con người”. Chỉ ở đó, con người mới học được đủ điều để có cơ may trở thành nhà thông thái. Chỉ ở đó, con người mới có điều kiện rèn luyện, phát huy bản lĩnh nhằm mục đích đạt tới một địa vị đáng kể ở xã hội hoặc ít ra cũng giàu có, sung túc…Tôi cũng mơ ước vậy nhưng chẳng được tí tẹo gì trong những thứ ấy. Thiếu thời gian ư? Không! Tôi có mười năm vùng vẫy cùng nó. Thiếu trí thông minh? Không! Tôi biết đủ thứ mưu mẹo, mánh khoé hành nghề. Hay tại trường đời mênh mông quá mà bộ óc thì chật chội, hẹp hòi? Hay thể chất của một đứa trẻ dễ dàng tiếp nhận xấu xa hơn những điều tốt và không thể nhận biết phải quấy khi không có người chỉ bảo? Tại cha mẹ chỉ huấn luyện những kĩ năng để xin được nhiều tiền của người ta rồi bắt nôn ra sạch nếu muốn được ăn cơm? Tại chẳng ai thèm quan tâm đến tôi, đến những đứa trẻ như tôi mà chỉ biết quẳng cho ít tiền vì động tâm, vì muốn tích công đức, vì muốn khoe khoang lòng từ bi, vì muốn giảm nghiệp chướng, hoặc đơn giản, không muốn chúng tôi lằng nhẵng quấy quả?... Tôi không có câu trả lời chính xác nhưng tôi biết câu khẳng định thượng dẫn của người lớn là sai dẫu đáp án cho một hay tất cả những câu hỏi mông lung đó bằng kết luận khẳng định hoặc phủ định. Nó sai nên cái nhận thức của tôi kì lạ. Kì lạ vì ngược, nhưng với lũ trẻ nhỏ bị bắt buộc hay tự nguyện phải hành đủ thứ nghề phục dịch cho bất cứ ai, kể cả chính mình một cách quá sức, đến nỗi tuổi thơ bị giết chết thì không. Và tôi là một trong số những đứa trẻ như thế...

Tám là điểm thấp nhất trong kì thi tốt nghiệp vừa rồi của tôi, rơi vào môn văn. Tôi chỉ làm trọn vẹn câu hai với đề bài: “Hãy lấy một ví dụ thực tế trong xã hội hiện đại ngày nay, gần gũi với một thời kì phát triển của lịch sử xã hội loài người mà em biết? Chứng minh?” Có cảm tưởng như tôi viết phần nhiều về chính mình và lũ bạn lang thang bị người ta lợi dụng sức lao động (Còn trí tuệ thì không thể sử dụng vào bất cứ việc gì hữu ích có thể đẻ ra tiền trong khi vốn đầu tư quá lớn) để kiếm tiền, tương ứng thời kì Chiếm hữu nô lệ. Đáng lẽ, định chọn thời kì Công xã nguyên thủy nhưng tôi không thích miêu tả cảnh con người chưa biết mặc quần áo, chưa có ngôn ngữ giao tiếp dù đã đi bằng hai chân tuy lưng còn hơi còng và đuôi đã rụng hết. Tôi vui! Không phải vì điểm tám giúp tôi đạt loại giỏi mà vì, được làm bài với tất cả suy nghĩ của mình về những cuộc đời của những đứa trẻ kém may mắn như một tâm sự hay một sự phẫn nộ khi chợt nhận thấy những số phận ấy bị loài ma quỷ đội nốt người thâu tóm, sai khiến. Có lẽ nhờ thế bài làm văn ấy điểm được tám chăng? Tôi vẫn hồ nghi vậy dù cô giáo chủ nhiệm dạy môn văn học đã từng khẳng định, học bổ túc hay chính quy không nói lên điều gì, cốt yếu ở nơi bản chất, trí lực người đi học. Có điều, nhiều khi bản chất được tạo bởi thói quen, mà thói quen căn bản bị ảnh hưởng, bị tiếp nhận từ môi trường xung quanh, từ những gì gần gũi nhất với bản thể, đặc biệt là ở trẻ em, độ tuổi chỉ biết vâng lời chứ chưa biết từ chối. Cấu tạo tư duy con người thế. Không thể làm chủ tư duy khi chưa đủ lớn cả về lượng và chất...

* * *

Tôi sinh ngày mồng hai tháng chín. Ngày tôi mở mắt chào đời trùng với ngày đại hỉ của tám mươi triệu dân, ngày bắt đầu kỉ nguyên công bằng, văn minh tiến bộ. Thật tủi! Mười mấy năm qua chưa khi nào tôi thực sự có những điều đó dù sinh sau ngày ấy hàng nửa thế kỷ. Cố nhiên, như mọi đứa trẻ khác, tôi không biết mình được hưởng những đặc ân hay thứ quyền linh thiêng đến vậy. Và với tâm hồn một đứa trẻ, làm sao tồn tại khái niệm oán trách được tạo bởi chính những người luôn ban phát ân huệ, những quyền lực luôn bắt tôi phải phục tùng một cách vô điều kiện? Làm sao có thể phỉ báng những người đang tạo dựng cho tôi một tương lai dù chưa thể hình dung hình hài của nó ra làm sao? Chỉ lờ mờ hiểu, tương lai là cái gì đó bắt buộc phải đến của ngày mai... ngày tôi thành người lớn... Chỉ biết, hễ ai cho tôi sống hôm nay đều là ân nhân cả, không phân biệt người tốt hay xấu, thực tâm hay không thực tâm... Vì tôi chưa hiểu điều quan trọng là, cái tương lai ấy nó như thế nào...?

Sáng nào cũng vậy. Tôi thường dậy sớm hơn tiếng kẻng báo thức của trại vài phút. Mở cửa sổ, nhìn về hướng đông ngóng mặt trời mọc qua song sắt, kể cả những ngày trời quang đãng, không mưa, không sương mờ, không mây mù ảm đạm cũng chưa từng thấy trọn vẹn, chưa từng thấy những tia nắng ban mai dịu hiền, ấm áp. Khoảnh khắc ấu thơ của mặt trời! Mà mặt trời có thuộc riêng ai...?

Làng tôi thuộc một huyện vùng quê chiêm trũng, gần cửa Bến Đục, lối vào chùa Hương. Quê tôi cũng đẹp, cũng thanh bình như bao thôn làng khác. Có những người tốt bụng, phúc hậu và mặt trời luôn nhô cao, hiện rõ, thỏa sức chiếu muôn vàn tia sáng, soi rọi, ban phát phúc lành cho chúng sinh...

Sáu tuổi, tôi bắt đầu đi học chữ giống tất cả những đứa trẻ trong làng. Bài học o, a cho tôi những mơ ước, những thèm muốn bé nhỏ như chính nó. Tôi thường đến lớp cùng cái Thắm. Thắm hơn tôi hai tuổi, bị thọt chân trái. Nó bảo, lúc chưa bị thế thường vào chùa xin tiền của du khách. Cứ sáng, bố, mẹ chèo thuyền đưa anh chị và nó vượt bến đục thả ở chùa rồi quay ra chở khách, tối lại đón về. Nó cũng như tất cả những đứa trẻ ăn xin khác, muốn động lòng thương hại của khách đi cầu tự phải tỏ vẻ khổ sở, đói khát, rách rưới, thân hình phải gầy gò, còm cõi. (Không biết vì không được ăn hay cố tình nhịn ăn để có dáng đó? Cũng có thể, người lớn không muốn chúng bụ bẫm, tươm tất.) Phải ngồi ngay những bậc tam cấp, lối lên các chùa. Phải phơi cái thân thể bé nhỏ được tôn là “thiên thần” giữa nắng gió mà không được che đậy bất cứ thứ gì mới động lòng người ta…

Một buổi giữa trưa, ngày cuối tháng tư dương. (khoảng tháng ba âm lịch, tháng cuối cùng của mùa lễ hội chùa Hương) Trời sập mưa. Thắm ướt sũng. Mình mẩy run cầm cập dù trận mưa rào đột ngột không đủ xua đi cái nóng oi nồng chuẩn bị cho ngày lập hạ. Nó cảm! Được đưa đi viện. Bố mẹ nó phải bán mảnh đất, những tiện nghi trong nhà mua được từ công sức lao động của cả gia đình mới cứu sống nổi Thắm nhưng một chân bị chết....Thế là nó không thể đến trường vào năm đó, mất hai năm chạy chữa nữa nó mới tập tễnh đi lại một mình và đi học. Bố, mẹ nó vẫn chèo thuyền đưa khách nhưng không cho anh, chị, em nó vào chùa kiếm tiền như trước mà bắt đi học mặc đôi lúc chúng vẫn đòi vào chùa như một nỗi nhớ, một thói quen khó bỏ. Thỉnh thoảng, tôi đến rủ Thắm đi học, đeo cặp sách hộ cho Thắm dễ đi hơn lại thấy mẹ nó rưng rưng nhìn chúng tôi, lẩm bẩm: “Quả báo, quả báo!” Tôi hỏi, Thắm bảo không biết nghĩa là gì nhưng nghe mẹ nói lần đầu tiên khi Thắm hồi tỉnhh trên giường bệnh, lúc vẫn chưa biết bị mất khả năng chạy nhảy, đùa nghịch như trước. Dù sao Thắm cũng hạnh phúc hơn tôi, ít nhất cho đến lúc này. Cô ấy đã bắt đầu học những bài học đầu tiên trên giảng đường đại học.....

Hết lớp sáu, tôi nghỉ học hẳn, giành thời gian đi kiếm tiền. Thực lòng, tôi vẫn muốn, vẫn ước ao đi học nhưng bố nạt mẹ khi mẹ tỏ ý chiều tôi: “Học thế đủ rồi, biết chữ, biết cộng trừ, nhân chia là được.” Xong, quay sang dỗ dành tôi: “Con không phải học, chỉ cần chịu khó kiếm tiền thật nhiều. Có tiền, tương lai muốn gì chẳng được.” Tôi ngoan ngoãn gật đầu vì biết có nằn lì cũng chẳng ích gì. Rồi sợ! Sợ theo lối đứa trẻ biết vâng lời người lớn. Nhờ thế, tôi bắt đầu một cuộc kiếm tiền thực sự, tất nhiên, được bao nhiêu đều giao lại gia đình.

Cái nơi tôi hành nghề vẫn đi qua Bến Đục. Cái nghề tôi làm vẫn là lê la trên các lối vào chùa để nhặt những đồng tiền lẻ người ta ném cho. Gọi ăn xin cũng được mà nói lừa đảo cũng không sai (điều này tôi chỉ mới nghiệm ra) bởi xét cho cùng, chúng tôi nếu không tòng phạm cũng tội phạm dù có thể chỉ là nạn nhân của trò lừa đảo nào đấy...

Mùa xuân! Nảy lộc đâm chồi. Đơm hoa kết trái. Đầm ấm hạnh phúc... nhiều lắm! Nói chung, đó là mùa đẹp và ý nghĩa nhất trong bốn mùa đối với giường như tất cả các loài chứ không riêng loài người. Đó cũng là mùa chúng tôi “kiếm ăn” được nhất. Mùa của lễ hội! Hội chùa Hương chiếm trọn ba tháng, vì thế, tất cả những đứa hành nghề như tôi đều lao động cật lực từ tờ mờ sáng tới lúc người khách cuối cùng kết thúc cuộc vãn cảnh, du hội trong ngày. Bắt đầu từ mồng bốn tết Nguyên Đán chúng tôi đã phải chuẩn bị đồ nghề. Nếu dùng những dụng cụ đáng tiền sẽ chẳng kiếm được tiền. Vài ba bộ quần áo tươm tướp, vá víu chằng chịt, chiếc chổi cùn, cái âu rách... Đại khái, tất cả đều phải sứt mẻ. Kể cả nếu không vì bẩm sinh sẵn mang hình hài què quặt, dị tật thì phải tạo cho mình một dáng vẻ như thế. Có nghĩa, phải giả vờ. Giả vờ càng thật càng được nhiều ân huệ. Cho nên, những đứa không đủ khéo léo để luyện tập cho giống kẻ tàn tật khốn khổ (Mà chúng không thể ngờ, cả đời sẽ bị tàn tật thực sự như thế nếu xét ở góc độ nào đó về mặt tâm hồn.) thì chọn cách đơn giản hơn, vờ mù, vờ điếc, vờ câm, vờ ngớ ngẩn... Đơn giản hơn nữa thì tự tạo cho thân thể mình những vết thương cơ học...Nhiều vô kể, đủ trò ma thuật để phù phép người ta!

Ba tháng trẩy hội, người đông nghìn ngịt, có hôm lên đến hàng chục nghìn người. Một mảnh đất màu mỡ, béo bở với quần thể di tích bao la nên không riêng bọn trẻ có hộ khẩu thường trú gần khu thắng cảnh mà quyến rũ cả những đứa tứ xứ đổ về, tạo thành một quần thể ăn xin vô cùng phong phú với hàng loạt mô hình, trừ ra ít ỏi những người bất hạnh không còn con đường nào khả dĩ sống nổi ngoài việc đi xin. Lắm kẻ xin, nhiều mánh khóe thành ra du khách cũng phải cân nhắc, suy tính. Họ đổi sẵn thật nhiều tiền lẻ mệnh giá nhỏ để có cơ chia đều cho tất cả sau khi đã trừ đi khoản công đức kha khá vào những chiếc thùng có sơn đỏ với hàng chữ “hòm công đức”, nếu không tâm họ cũng áy náy, bất an vì cảm giác thiếu lòng từ bi, thiếu công bằng. Ở đâu chứ đến chùa dù với mục đích lễ phật hay vãn cảnh mà không mở rộng tâm thật cũng không phải đạo. Những đồng tiền bố thí ấy dẫu xuất phát từ lòng thương hại hay vì cái thông lệ hoặc từ sự khoe khoang, kiêu ngạo của người bố thí, xét về khía cạnh nào đó, đều đang tiếp tay cho một thế giới lừa đảo hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp. Không biết họ có biết chính lòng từ bi quảng đại nọ ngày một thao túng chúng tôi, ngày một đẩy chúng tôi vào ngõ cụt, vào con đường mù mịt ở ngày mai, ngày quá tuổi nghề, một cách vô tình hay cố tình?

Giống nghề người mẫu, tuổi nghề của chúng tôi cũng chỉ thọ trên dưới mười năm, tức tuổi đời độ mười sáu. Tuổi đó, trừ những đứa may mắn chậm lớn còn kẻ nào chai lì đến mấy cũng chỉ nhận được lời mắng nhiếc, phỉ nhổ thay vì những đồng tiền bố thí của du khách. Đành đổi nghề. Đứa sành sỏi lên làm liền anh liền chị, thu gom bọn trẻ nheo nhóc từ nơi khác về nuôi, huấn luyện và tung đi kiếm tiền bằng cái nghề của chính họ trong suốt thời thơ ấu, tiền thù lao ăn chia theo tỉ lệ năm mươi năm mươi. Đứa thông minh, có chất giọng tốt thì học thuộc những bài văn khấn, khoác áo nâu đứng ở những chỗ có ban thờ (Thờ ai cũng được, miễn nằm trong quần thể di tích) cúng giúp cầu thuê. Đứa đi hành nghề nơi khác phù hợp với trình độ, độ tuổi. Đứa dùng vốn sẵn có kinh doanh dịch vụ. Số ít đi học làm thợ. Đáng kể nhất là những đứa phải lập gia đình sớm để kịp truyền những kinh nghiệm hành nghề ăn xin cho con cái, giúp chúng làm giàu. Thậm chí, chẳng cần yêu đương, miễn không ốm đau tật bệnh, kì hình dị tướng gì, là con gái thì cái tướng mắn đẻ đắt hơn....

Giống khi hết tuổi nghề, mùa xuân qua đi, lễ hội kết thúc. Khu di tích vắng như chùa Bà Đanh. Lúc này mới thực thanh tịnh, thực cõi Bồng Lai, thực cách biệt với phàm trần và chính thế lại đem đến điều bất hạnh cho chúng tôi. Không có khách vãn cảnh, chẳng đứa nào thèm bén mảng vào cõi linh thiêng của Đức Phật, bồ tát và các vị tiên, thánh. Cũng không còn những cảnh tranh giành, đấu đá, cấu cắn nhau hòng chiếm vị trí du khách đi qua nhiều và thuận lợi cho họ ném tiền nhất. Hầu hết đều không còn đi học, mà có đi cũng đã chính dịp hè. Chẳng biết làm gì. Chơi gì, nghịch gì cũng phải có tiền trong khi chúng tôi mấy đứa dám lập quỹ đen cơ chứ. Thế là lại tìm đường đi. Một cách công bằng, những đứa nơi khác đến bây giờ buộc phải chấp thuận dìu dắt những đứa bản địa đến những nơi, tụ điểm có thể hành nghề kiểu vậy vào những ngày dông tháng dài và để mở rộng tầm mắt, để “tu luyện” thêm. Nơi có thể dung túng và đáp ứng điều kiện ấy của chúng tôi chỉ có thể là thành phố, thị xã, bến xe, nhà hàng, quán ăn...Tất nhiên, mỗi đứa phải tự lao động theo cách riêng, tùy vào khả năng, hoàn cảnh…

Những đứa đã từng “ra ngoài” dường như thông minh, lanh lợi hơn gấp nhiều lần, và thế, thu nhập trong mùa lễ hội đương nhiên cũng cao hơn gấp nhiều lần bọn ở nhà quê. Vì thế, bố, mẹ hoặc những người quản lí bọn trẻ như chúng tôi nếu không bắt buộc, khuyến khích cũng mặc kệ khi chúng tôi đi kiếm việc ở những khu đô thị nhộn nhịp, sầm uất, sa hoa (Có thể vì nhiều nguyên nhân mà người ta quên mất rằng, những nơi ấy đầy rẫy cạm bẫy) và không quên giao khoán một khoản tiền phải có theo định kì một tháng. Không có nguyên nhân chính đáng, xác thực mà đứa nào dám thiếu một cắc sẽ bị bắt về giam lỏng ngay và đừng hòng có được thứ gì nữa. Do đó, nhiều đứa đi luôn không về, kể cả khi mùa xuân đến bởi nhiều lí do khác nhau. Có thể đã quá quen cuộc sống phồn hoa, bỏ không đành. Có thể bị những thứ gọi là tệ nạn nó chài, nó tròng vào cổ đâm mê mẩn, lú lẫn không lối thoát...Chung quy lại, tất thảy đều biến thành nô lệ, thành công cụ, kể cả đứa có cơ may được cất nhắc lên làm tay chân thân tín cho đám anh chị giang hồ người ta hay gọi là “xã hội đen” và chỉ diện kiến gia đình khi bị pháp luật rờ gáy. Trừ những đứa phạm tội đủ chịu truy tố còn không đều được giao lại cho gia đình quản lí, giáo dục. Nhưng! Chứng nào tật nấy, như thể đã ngấm vào máu, ăn sâu vào não, như thể căn bệnh nan y hay dị tật bẩm sinh vô phương cứu chữa vậy. Ngựa quen đường cũ không hẳn tại nơi con ngựa, mà còn tại nơi người chăn dắt, sử dụng nó nữa. Người ta thuần phục được cả những chú ngựa bất kham đấy chứ...

Tôi mười sáu tuổi. Tin tòa tuyên phạt tôi ba năm tù giam về tội: “Cố ý gây thương tích và trộm cắp tài sản” không làm người trong vùng khó hiểu hay ngạc nhiên. Người ta đã quen thi thoảng lại có “tráp” đòi truy tố của tòa án đối với những kẻ vô nhân đạo nào đó lang thang ngoài xã hội. Hơn nữa, cuộc sống ngày càng manh nha, ít mật nhiều ruồi, bớt một kẻ là thêm một cơ hội. Mẹ khóc lóc vật vã vì thương tôi. Bố trừng mắt hằn học ra ý mắng tôi là kẻ ngu đần, mê muội. Thắm oằn mình đến trước người đàn ông tố cáo tôi, dâng chiếc phong bì, tế hơn tế thần, cầu khẩn. Người ta lôi xệch Thắm ra ngoài, rủa: “Một lũ giặc con, há miệng là lừa gạt. Ai dám tin chúng mày?” Không gian lắng ngắt! Thời gian chết đứng! Mà phải, ai tin những đứa hành nghề ăn xin như tôi, cả khi họ thả những đồng tiền vụn vặn vào chiếc âu rách vì lòng trắc ẩn nào đấy. Giống như chúng tôi chưa hề nhận được niềm tin ở nơi ai từ trước khi tập tễnh vào nghề....

* * *

Mấy ngày nữa sinh nhật lần thứ mười tám của tôi. Quốc khánh! Lần đầu tiên tôi biết đến ngày sinh nhật không chỉ vì nó mang ý nghĩa ngày tôi sinh ra mà còn là ngày tôi tái sinh. Vâng! Tôi được ân xá giảm án một năm nhờ học tập, phấn đấu, cải tạo tốt. Ví như chú ngựa bất kham đã được thuần phục bởi tay người thợ tài ba vậy.

Hôm qua, có một đoàn nhà văn đến thăm trại. Họ nói chuyện rất lạ, đến nỗi tôi ngỡ đang được chia sẻ tâm tư, không chút mặc cảm và còn tưởng như giấc mộng:

- Lí do gì khiến em phải vào đây?

- Thưa! Tòa bảo cháu phạm tội: “Cố ý gây thương tích và trộm cắp tài sản”. Đáng lẽ chịu án năm năm tù giam nhưng vì chưa đủ tuổi vị thành niên, chưa đủ ý thức, trình độ văn hoá thấp và phạm tội lần đầu không có hung khí nên cho hưởng hai năm án treo. - Sao lại tòa bảo?

- Vì...

- Em cứ nói đi, hãy coi chúng tôi như những người bạn.

- Vâng! Ngày đó, dịp lễ hội chùa Hương. Cô bạn cùng học hồi nhỏ báo tin bố bị viêm ruột thừa cấp, cần mổ ngay nhưng phải có tám trăm nghìn. Nhà Thắm nghèo nhất làng vì mấy anh em đều ăn học và bố, mẹ cô ấy không khiến ai phải đi kiếm tiền như bọn trẻ trong vùng. Cháu bảo Thắm ngồi chờ để đi gom tiền của đồng nghiệp khác. Mấy giờ sau mới được có vài chục nghìn tiền lẻ. Không còn cách nào khác, đánh liều, cháu mon men lên gian tam bảo của chùa Thiên Trù đợi dịp lấy tiền công đức vì tiền ấy thường người cầu tự không lấy lại. Cơ hội đến, một nhóm người đàn ông vẻ giàu có, họ dâng mâm lễ vật bằng bia lon, trên ấy có xấp tiền đẹp, khoảng mười tờ mệnh giá một trăm nghìn. Lợi dụng lúc họ nhắm mắt thành tâm khấn phật, cháu vớ lấy và bỏ chạy. Chẳng ngờ họ dòm thấy, hè nhau đuổi theo. Một người trong số họ bị vấp ngã ở ngay bậc tam cấp. Vừa trao tiền cho Thắm, chưa kịp dặn dò gì thì cháu bị họ túm, lôi đi. Gần tháng sau, lúc ra hầu tòa mới biết người bị vấp ngã làm bác sĩ tại một viện lớn ngoài thành phố. Ông ấy tố cáo cháu tội móc túi và đẩy ông ta ngã gây thương tật tới ba lăm phần trăm, có giấy chứng thương của bệnh viện nơi ông ấy công tác. Cháu đành chịu tội, người lớn bao giờ cũng có lí!...

- Vậy, ra trại, về nhà em định làm gì?

- Mẹ đã xin ban quản giáo và cô chủ nhiệm mang hồ sơ của cháu về để nhập học cấp ba.

- Ừ! Thế sau này em thích học nghề gì?

- Bác sĩ ạ! Cháu muốn chữa bệnh cho Thắm và những người như Thắm mà không cần tiền. Thắm ước ao trở thành nhà văn như các cô.

- Nhà văn...?

- Vâng! Cô ấy bảo, sách mang lại kiến thức và sự sống cho cô ấy. Có một truyện ngắn của ai đó cháu quên tên tác giả, viết về một nhân vật có hoàn cảnh tương tự như Thắm nhưng đã vươn lên thành người hữu ích. Lúc tặng cháu truyện ấy, Thắm bảo, cuộc đời, con người Thắm tương tự thế. Còn cháu thích nhất truyện Chí Phèo của cụ Nam Cao.

- Tại sao?

- Suy rộng ra, có lúc cháu tưởng mình mang gen di truyền của chàng Chí Phèo ấy. Có khác, ở thế kỉ hai mốt và không phải thời phong kiến.

- Ơ!.. Chúng tôi sẽ tặng em một bộ sách lớp mười nhưng nếu bây giờ có quyền ước, em sẽ ước điều gì?

- Cháu á? Xem nào!...Giá đừng có những khu di tích, thắng cảnh? Giá đừng có mùa lễ hội? Gái mùa lễ hội vào mùa hè? Giá không có người lớn? Ô! Sao lại thế? Không được!... À! Có rồi. Cháu ước cuộc sống con người đẹp như giấc mơ...Được không ạ?

- Ờ... Ờ...Cũng được nhưng em phải nhớ, chúng ta đang sống. Thực tại. Muốn biến mơ ước thành hiện thực không chỉ dựa vào những trang sách hữu ích, những giấc chiêm bao kiểu mộng du. Không một mình ai mà phải tất cả. Cốt cán ở con người. Em sẽ hiểu vào một ngày không xa...

Tôi nhìn đoàn nhà văn qua song sắt, ánh nắng buổi chiều tà vàng rực rỡ tỏa trên đầu họ tựa những hào quang lấp lánh. Một ngày sắp kết thúc nhường chỗ cho buổi bình minh tràn ngập sức sống. Bất giác, tôi nhớ ngày đầu tiên đi thuyền trên Bến Đục, nghe văng vẳng ai đó đọc câu kinh:

“Rằng, riêng trong cõi nước Nam

Hương Sơn kì động có đức phật bà Quan âm.”

Tôi vội hỏi với theo:

- Cháu có cần bảo mẹ mua sách lớp mười không ạ?

- Không! Sẽ không để em phải mường tượng ra những tiểu Chí Phèo ở thế kỉ hai mốt đâu.

* * *

Ngày mai! Chữ kí cuối những trang nhật kí tiếp theo của tôi sẽ là Minh Tú và tất nhiên, không còn cụm từ “phạm nhân” đi kèm đằng trước như một tiên đề cho một định luật của cuộc đời.

Chào mừng ngày tết của các Thiên thần!

Cầu nguyện cho các Thiên thần được che trở! -./.  

Hà Tây: 01/06/06



VVM.18.5.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .