Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

tranh Đỗ Duy Tuấn

GIỌT NƯỚC MẮT MUỘN MÀNG…




C hị ngồi bên giường bịnh, xót xa nhìn khuôn mặt gầy ốm đến trơ xương với hai hốc mắt sâu hoắm và cái miệng vêu vao của anh, ngày trước vì một cơn đợt qụi tuy nhẹ nhưng cũng đã làm cho cái miệng anh nó méo qua một bên, bây giờ với lần đột quị này nhìn càng méo hơn. Hơi thỡ của anh có vẽ rất mệt nhọc, nặng nề. Chị cầm bàn tay anh xoa bóp nhè nhẹ, lòng đầy hối hận ăn năn, chị rên lên nho nhỏ:

-Anh ơi, cố mạnh lên, cố sống để về nhà với em, em sẽ đền bù lại cho anh tất cả…

Hai vợ chồng người bạn của anh đến thăm, họ có vẽ e ngại khi gặp chị, sự dè dặt của họ cũng đủ cho chị thấy bao nhiêu năm qua chị đã đối xữ không phải với anh. Thêm ba người nữa đến, thì ra họ cùng chơi chung một nhóm, hẹn nhau đến bịnh viện thăm anh khi hay tin anh nằm ở trong này. Chị đứng lên tiếp chuyện, đây là lần đầu tiên chị gặp họ nên rất ngại ngùng bối rối…may quá có Hằng vừa đi tới- cô là người chị biết nhiều nhất khi anh vừa được đưa vào viện - vì trong cơn nguy kịch, anh cố gắng đưa điện thoại của anh cho chị và dặn trong tiếng nói bị đứt quãng:

- Mình…gọi cho…cô Hằng…báo tin…tôi…

Chỉ nói được đến đó là anh lả người, ngất đi. Chị tìm số điện thoại của Hằng trong danh bạ, lòng thoáng chút ghen tương:

- Alô…dạ…cô Hằng phải không ạ?

Bên kia đầu dây là tiếng của một người phụ nử:

- Alô…anh…Long…

- Dạ, tôi là Miên, vợ anh Long đây.

Hơi bối rối một tí và:

- Chào chị… anh Long …có gì không ạ?

Chị òa khóc trong điện thoại:

- Cô Hằng ơi…anh Long…bị đột quị, tôi phải đưa vào Chợ Rẫy cấp cứu…cô đến bịnh viện nhé.

Giọng của Hằng đầy hoãng hốt:

- Ối trời ơi…dạ… em sẽ đến bịnh viện ngay.

Lúc đó là mười một giờ rưỡi đêm của ngày thứ sáu.

Chị mừng rỡ khi thấy Hằng, còn Hằng thì không có gì là ngạc nhiên khi thấy nhóm năm người đang đứng vây quanh bên giường bịnh của anh. Hằng cười và giới thiệu với chị từng người một:

- Đây là những người bạn chơi chung trong nhóm của tụi em; vợ chồng anh Tuấn, chủ của một đoàn xe Du Lịch, vợ anh Tuấn cũng đi dạy học như chị; đây là vợ chồng anh Hoàng, làm cho một công ty nước ngoài, còn đây là anh Qúi, luật sư.

Chị chào từng người mà chừng như muốn nghẹt thỡ vì xấu hổ, Hằng nói tiếp:

- Sáng hôm qua em điện thoại báo cho mọi người trong nhóm bạn chơi chung với nhau, nhưng vì anh Long đang ở trong phòng cấp cứu nên không vào được, tụi em hẹn nhau chiều nay cùng đên thăm khi anh được ra phòng hồi sức, lát nữa có vợ chồng anh Huấn đến. Còn mấy anh chị khác đang bận công việc chắc trưa mai mới vô thăm anh.

Chị xoa xoa lưng anh, gọi nhỏ:

- Anh ơi, có những người bạn của anh đến thăm anh đây này, anh cười với họ đi.

Nước mắt chị trào ra, sự xúc động và ân hận làm chị nghẹn ngào.

Các bạn của anh người nào cũng có dáng vẻ đàng hoàng lịch sự, không như bấy lâu nay chị đã từng hình dung và đánh giá về họ, tuy rằng chị chưa một lần được gặp; đơn giản là vì chị không muốn gặp dù đã có rất nhiều lần anh năn nĩ, và sau mỗi lần năn nĩ là mỗi cuộc tranh cãi dẫn đến chổ bùng nổ chiến tranh lạnh, là giận hờn…Mặc dù chị đang cố gắng tỏ ra thân thiện nhưng hình như giữa chị và họ vẫn có một khoảng cách, cũng đúng thôi vì chính chị là nguyên nhân làm cho họ có thái độ dè dặt như vậy.

Anh nhận ra được những gương mặt bạn bè thân quen đứng quanh giường, và chỉ có thể mĩm một nụ cười yếu ớt mệt mỏi để gởi đến mọi người thay cho lời chào. Vợ anh niềm nở ân cần với các bạn của anh, điều này anh đã ao ước và mong đợi ở nơi chị từ rất lâu. Cả anh và chị đều nhớ rất rõ quãng thời gian hai người yêu nhau rồi cưới nhau, cuộc sống chung gặp nhiều điều không vui vì cái tôi của chị quá lớn và mặc cảm trong anh cũng quá nhiều, hai điều đó ở trong hai người; với thời gian nó lớn lên theo tỹ lệ thuận và vô hình chung sự lớn lên ấy đã đè bẹp hạnh phúc của họ; như hai tãng đá chèn cứng một bông hoa…

…Anh là chàng sinh viên ngành Mỹ thuật, không đẹp trai, không cao to hay hào hoa phong nhã, nhưng anh có một tâm hồn lãng mạn, bay bỗng đầy màu sắc, tranh của anh lôi cuốn chị; lúc đó chị đang là một cô sinh viên khoa Sư phạm năm thứ hai, còn anh là sinh viên năm thứ tư.

Vì chị tốt nghiệp với số điểm rất cao nên được tuyển chọn vào dạy cấp ba của một trường nổi tiếng nhất nhì trong thành phố vì năng lực chị có lúc còn là sinh viên, ngoài ra chị còn là một người may áo dài rất đẹp và được cha mẹ tặng cho một tiệm may, coi như là của hồi môn sau nếu sau này lấy chồng. Anh thì được nhận ở lại trường mỹ thuật để giãng dạy cho sinh viên ngành hội họa, lương của anh ít ỏi như “bèo giạt”. Anh và chị làm đám cưới với sự không hài lòng của phía bên gia đình chị; bởi cha mẹ chị có ý chê anh nghèo…nhưng tình yêu của họ đã thắng.

Sống chung với nhau và thấy được ở nhau những sắc màu không tươi sáng như thời đang yêu. Tâm hồn anh ngày càng lãng mạn, trong khi tâm hồn chị ngày càng kiêu hảnh đến độ khô cứng, chị sống một cách nghiêm túc, đạo mạo cho đúng với cốt cách của nhà mô phạm. Lương của chị khá cao cọng thêm thu nhập từ tiệm may áo dài, và với số tiền công dạy học trò may áo nên chị kiếm tiền hơn anh rất nhiều. Chị không còn thấy tranh anh vẽ là đẹp nữa nên không thèm nhìn ngắm thưởng thức như xưa. Chị bắt đầu xem thường anh một cách quá đáng đến nổi anh đã cay đắng mà than thỡ với các bạn của mình rằng: “bà ấy nhìn tôi không bằng nữa con mắt”, các bạn anh thỡ dài chua xót cho anh.

Anh có khá nhiều bạn và rất được họ quí mến vì tấm chân tình của anh, họ họp thành một nhóm chơi thân với nhau, hầu như người nào cũng thành đạt và có hạnh phúc. Anh muốn chị biết điều đó để kìm hảm bớt sự hiêu ngạo của chị. Một lần anh thử ướm lời với chị:

- Em à, nhóm bạn của anh dễ thương lắm, tụi anh thường đi chơi chung, hoặc ăn sáng uống cà phê với nhau rất vui, anh muốn hôm nào em đi với anh đến gặp mặt các bạn của anh nhé. Họ rất muốn được làm quen với em nên mời vợ chồng mình chiều Chúa Nhật cùng đi ăn kem ở quán Bố Gìa, hoặc cà phê bên Hồ Con Rùa....

Chị bĩu môi nguýt dài:

- Rãnh quá ha, bộ không có gì làm hay sao mà suốt ngày họp bạn uống cà phê?

Anh cố gắng kìm cơn giận:

- Thì anh muốn em biết các bạn của anh và các bạn của anh được biết em…tụi anh chơi với nhau rất đàng hoàng…

Chị cướp lời:

- Sao tôi lại phải biết bạn của anh? Một đám vô công rỗi nghề như anh chứ gì?...chỉ cần nhìn anh thôi là tôi dư biết bạn của anh như thế nào rồi…khỏi đi gặp.

Anh nổi cơn giận, vì không kìm lại được nên lớn tiếng nạt chị:

- Này, tôi cảnh cáo cô không được xem thường bạn tôi đó nhé.

Chị cũng không vừa:

- Tôi xem thường thì sao chứ? Nhìn anh đi…anh mà quen ai cho ra hồn. Vẽ tranh không nuôi nổi tấm thân, nếu tôi không phải là…

Anh tức giận giơ cao tay định tát vào má chị, mắt anh long lên sòng sọc, còn chị thì hất mặt nhìn anh thách thức. Chỉ một thoáng, anh nuốt giận thả tay xuống và nói một câu khá đau:

- Nhà giáo…nhà mô phạm gì mà…mất dạy quá.

Rồi anh quay lưng bước ra khỏi nhà; nhanh như chạy nên tránh được chiếc dép chị quăng vô lưng anh, anh qua nhà Tùng khóc vì tức, Tùng gọi điện thoại cho một số bạn bè đến cùng uống rượu để an ủi anh. Đêm đó anh say khướt và ngủ lại nhà Tùng, trong cơn say anh thỗ lộ hết mọi chuyện, luôn cả chuyện thầm kín tế nhị nhất giữa vợ chồng; anh cũng tuôn ra. Có lẽ vì là nhà mô phạm nên vợ anh đã cứng ngắt trong mọi chuyện, kể cả chuyện gối chăn.

Bạn anh đã bàn với nhau cách hổ trợ anh trong vấn đề tiền bạc, anh Hải lớn nhất nhóm đưa ra kế hoạch:

- Này, tôi đếm nhóm của mình có chừng hai mươi người, tụi mình giúp thằng Long bằng cách…luân phiên nhau mỗi đứa đặt nó vẽ một bức tranh…chúng mình trả tiền cho nó rộng rộng tay một tí gọi là…

Vợ Tuấn cười:

- Em nói thật nghen, tranh anh Long vẽ…không thuộc gu của em…em không thích treo tranh của ảnh trong nhà đâu.

- Uí chà, ai bắt em phải treo tranh của anh ta đâu, chủ yếu là mình đặt nó vẽ để cho vợ nó thấy rằng chồng mình cũng kiếm ra tiền, cũng có khách hàng vậy…

Huấn chắt lưởi:

- Thì…vợ chồngTuấn tặng cho anh…nhà anh có một cái kho, ai không thích treo thì gởi trong kho.

Thúy nói đùa:

- Biết đâu mấy chục năm sau tranh của ảnh có giá như tranh của Picasso, tha hồ mà hốt bạc.

- Lúc đó tụi mình…đã trở thành tro bụi rồi.

Sau chuyện đó tất cả các bạn anh đều không muốn nhắn nhủ mời gọi chị, trong những lần nhóm họp vui chơi với nhau; xa có, gần có thì chị là đề tài để anh châm biếm nếu có ai hỏi đến, chị cũng là mẩu người vắng mặt để mọi người đem lên bàn “giải phẩu”. Anh sống lặng lẻ bên đời chị, chị sống kiêu hãnh trước mặt anh. Lúc này ngoài giờ dạy mỹ thuật ở trường thì thời gian còn lại anh thường dành để gặp bạn bè, nay người này, mai người khác, chỉ có những tràng cười, những câu chuyện vui bên bạn bè mới đủ sức làm cho tâm hồn anh ấm lại.

Một buổi chiều anh điện thoại cho hết thãy các bạn, hẹn tám giờ sáng mai cùng nhau ăn sáng ở quán Đồng Xanh; anh đãi.

Buổi sáng thứ bảy nhóm bạn đúng hẹn, anh khoe:

- Tôi vừa nhận tiền công vẽ một bức tranh, từ bây giờ mỗi sáng thứ bảy tôi đải các bạn ăn sáng ở đây, cứ đúng tám giờ sáng thứ bảy, không cần phôn lại…đừng quên, ai quên là mất quyền lợi.

Một tràng pháo tay hưởng ứng, dù là vui cười nhưng anh không khỏi chạnh lòng. Vợ anh quá cao ngạo nên không thèm biết đến những người bạn của anh, họ rất là dễ thương, mà anh thì vẫn rất yêu chị.

Dù giận thì giận nhưng thương thì rất thương, tiền lương bên trường Mỹ thuật đúng là chỉ đủ để anh hút thuốc, uống cà phê. Nhưng tiền có được nhờ vẽ tranh, anh đưa về cho chị hết một nữa, nữa còn lại là mời bạn bè ăn sáng định kỳ ở Đồng Xanh, còn những lần cà phê, họp bạn nơi này nơi nọ thì các bạn anh luân phiên bao thầu.

Một bức tranh bạn anh đặt vẽ họ trả cho anh từ ba đến năm triệu, anh ngạc nhiên sao mà “tụi bạn” thay nhau mua tranh của anh. Có vài đứa bạn khi anh đến nhà nó chơi nhưng không thấy treo tranh của anh mặc dù nó đặt anh vẽ. Anh thắc mắc hỏi “tranh tôi vẽ đâu rồi”, thì bạn cười trả lời:

- Tôi tặng cho người bà con nhân ngày tân gia.

Anh đi theo đoàn triển lảm ra tận Hà Nội, đang mùa đông nên trời lạnh quá chừng, có đi xa mới suy gẫm được Lòng mình Đối với Bạn và Tình mình Dành cho Vợ, hai thứ tình này không thể đem đặt lên bàn cân để xem bên nào nặng hơn, bởi vì nó thuộc hai lỉnh vực khác nhau, anh không thể thiếu một trong hai, anh không thể bỏ bên này để lấy bên kia. Anh nhất định chuyến này về sẽ cố dùng đủ mọi lời lẻ để năn nỉ thuyết phục vợ anh cùng hòa chung vào với nhóm bạn của anh, trong đó có mấy cặp vợ chồng rất dễ thương, lúc nào họ cũng “như chim liền cánh, như cây liền cành”. Anh ước ao phải chi vợ chồng anh cũng được như thế.

Anh đâu ngờ thuyết phục năn nỉ chị là một điều vô cùng khó, bởi vì “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Chị cũng vui khi anh về tới, nhưng buổi tối anh gọi điện kêu bạn bè tập họp nhau ở Kem Bố Gìa để nhận quà Hà Nội của anh mang về, chị liền sụ mặt:

- Anh coi trọng đám bạn của anh hơn tôi.

Anh nhỏ nhẹ:

- Không phải đâu em à, tối nay em đi với anh, anh muốn giới thiệu em với mọi người, em đi thử một lần để thấy các bạn anh rất đáng quí.

Chị đứng vụt dậy dồn hết bực tức hét vào mặt anh:

- Đáng quí cái nổi gì, một đám vô tích sự, ưa ăn bám.

Anh hét trã lại, không thể kiên nhẫn để năn nỉ chị:

- Này…tôi cấm…tôi cấm cô nói về các bạn tôi như vậy, cô chưa biết gì về các bạn của tôi thì đừng có hợm mình …chưa chắc là cô ngon hơn bạn tôi đâu, không bằng ai thì đừng có mà kiêu ngạo.

Chị cũng gào to:

- Ông đi ra khỏi nhà luôn đi, đi mà sống với đám bạn của ông đi…

Anh vào phòng quơ vội mấy bộ quần áo, nhét vào trong cái xách có sẳn, anh quát thêm một câu:

- Cô tự kiêu cho mình là nhà giáo ưu tú, dạy giỏi, nhưng cô cư xử như một đứa thất học. Lòng kiêu ngạo của cô quá lớn, nó đã giết chết tình cảm trong con người cô rồi. Tôi sẽ không về nhà nữa.

Chị nói vói theo:

- Đi luôn càng tốt… li dị luôn đi…

Một nhóm gần hai mươi người ngồi gần hết quán kem, mấy cái bàn xếp lại với nhau thành một hàng dài, đó là truyền thống của nhóm, không ai muốn ngồi rải rác. Anh đưa quà cho từng người, Hằng hỏi:

- Ủa, bà xã anh đâu? Anh hứa tối nay có bà đi với anh mà.

Mọi người nhao nhao hỏi theo Hằng. Anh chùi nước mắt, nói gọn:

- Bả đuổi tôi đi luôn rồi.

Tất cã mọi người cùng “hả?” một cái, anh tình thật kể chuyện lúc chiều, không ai thèm giận vợ anh nhưng lại rất xót xa cho anh.

- Tối nay tôi ở nhà Tùng, mai đi thuê phòng.

Không khí chùng xuống, mổi người nói một câu, an ủi anh đủ lời và cùng nhau nói một câu cuối cùng rằng:

-Tụi tôi thương anh quá.

Còn hai tháng nữa là Tết, căn phòng anh mướn nhỏ lắm, vừa đủ kê một cái giường, thêm cái bàn viết và một tủ đựng áo quần, anh chỉ cần một nơi để đêm về có chỗ mà tắm rửa nghỉ ngơi nên không quan trọng lắm về diện tích của căn phòng. Cuộc sống của anh thoải mái nhưng rất dễ chạnh lòng mỗi khi đêm xuống mà giấc ngủ không đến. Anh thao thức trằn trọc, lăn qua trở lại, nổi cô đơn trùm kín tâm hồn, bạn bè đứa nào cũng có gia đình với những lo toan cũng như hạnh phúc riêng, dù có quí nhau cách mấy thì cũng chỉ là sống bên lề của nhau. Anh nhớ và thèm hơi ấm tỏa ra từ thân thể của vợ, đôi khi lăn qua trở lại được chạm vào nhau để biết rằng đang có nhau, ở bên nhau; hơn là khi trăn trở mà quanh anh là một khoãng không lạnh ngắt, hay chỉ đụng vào một cái gối ôm vô tri…

Anh quyết định ăn chay để tâm tư được thanh thãn, thân xác được nhẹ nhàng và…sẽ cố gắng chịu đựng tánh khí của chị nếu một mai anh có trở về. Nằm một mình để phân tích Tình và Tội của mình, anh thấy Tình của anh đối chị còn rất tràn trề và Tội thì cũng đầy ghê lắm. Anh nhủ thầm: -“Ăn chay để dẹp bỏ mọi tự ái mà quay về nhà với vợ”.

Tối nay anh mời bạn nhóm họp tại quán sinh tố ở bờ kêch Nhiêu Lộc, đối diện với chùa Vĩnh Nghiêm bên kia đường, chờ khi mọi người đến gần như là đông đủ, anh ướm thử ý kiến của các bạn:

- Hơn tháng nay tôi đi…bụi, lòng cũng cảm thấy nhớ vợ, bây giờ tự dưng…muốn quay về với bả…mà ngại quá. Quí bạn nghỉ sao?

Tức khắc có nhiều tiếng nhao nhao:

- Đúng… anh nên về nhà. dù sao thì cũng là tình nghĩa vợ chồng.

- Gần cuối năm rồi, anh về với chị để cùng nhau lo mà đón Tết chứ...

- Đi bụi bi nhiêu đủ rồi…

Tùng là người ưa nói đùa nhất, anh ta vổ lưng anh, cười cười:

- Này…tớ bày cho ông một cách nhé; khi về nhà thì nhớ đi thụt lùi đưa cái đít vô trước, nếu bả còn giận mà đuổi thì chạy cũng nhanh…

Những ngày chăm sóc anh ở bịnh viện, chị khóc nhiều lắm, đôi mắt chị sưng vù, đỏ hoe. Qua các câu chuyện của Hằng chị mới được biết từng người bạn của anh, nếu đúng theo như lời Hằng kể về mỗi người, mỗi cặp vợ chồng bạn, thì hầu như ai cũng đáng quí, có người gia cảnh và học thức, bằng cấp hơn chị nhiều lắm, chỉ riêng Hằng đây thôi cũng đủ thấy điều đó. Hằng là người vợ không bao giờ cưới của anh Tùng, trong lúc chị bối rối với bịnh tình của anh thì Hằng là người năng nổ, nhiệt tình giúp chị rất nhiều, Hằng không ngại làm bất cứ điều gì nếu chị cần, Hằng nói với chị:

- Tất cả tụi em ai cũng yêu quí anh Long vì anh là một người sống rất chân thật, tốt bụng, hòa nhã, anh lại rất vui tính, ưa nói chuyện tếu, dí dõm làm ai cũng thích. Từ lâu tụi em muốn được làm quen với chị, bởi vì trong nhóm của tụi em ai cũng có gia đình, mổi lần đi chơi đều đi chung với nhau vui lắm chị à…anh Long cũng muốn đưa chị đến để cùng chơi chung với nhóm, nhưng…

Chị thở dài, đúng là có rất nhiều lần anh năn nỉ chị đi cùng anh đến chung vui với nhóm, nhưng lần nào cũng bị chị “búa bổ vào đầu”. Chỉ vì chị quá kiêu ngạo lẫn kiêu căng, chị nghỉ rằng bạn của anh thì cũng giống như anh thôi: “ba đồng một mớ”. Ôi chao, chị là vợ mà không biết về những đức tánh tốt, đáng quí của anh, trong khi bạn bè anh thì biết rỏ điều đó, vậy nên họ mới yêu quí anh. Chị đánh giá thấp về chồng mình quá rồi.

Những ngày cận Tết anh trở về nhà, không nói một lời nào với chị mà lặng lẽ làm hết mọi công việc, từ quét mạng nhện, đến lau chùi dọn dẹp trong nhà, rồi đi chợ… anh mua đủ mọi thứ mức món cùng các loại trái cây chưng trên bàn thờ nên chị không phải động tay động chân gì. Chị cảm thấy ấm áp trong lòng.Thật tình thì chị cũng có chút hối hận, hơn một tháng anh ở bên ngoài, chị cũng buồn lắm chứ, hai người lại không có con dù lấy nhau hơn hai mươi năm, lỗi ở ai cũng chẵng biết vì hai anh chị đều không dám nhìn vào sự thật, thôi thì… ngày qua ngày lao đầu vào công việc để quên đi chuyện kiếm một đứa con.

Từ khi “đi bụi” trở về nhà, anh giới hạn những lần họp nhóm nhưng vẫn duy trì cái hẹn sáng thứ bảy ăn sáng ờ Đồng Xanh, buổi tối hầu như anh không ra khỏi nhà dù đôi khi cũng thèm đi rong với bạn bè, anh biết các bạn anh vẫn gặp nhau đều đều mỗi tuần một buổi tối để ăn kem hay uống sinh tố…anh nói đùa mỗi khi có ai đó muốn réo gọi anh:

- Tôi mà đi quá tám giờ tối là bả cho tôi ngủ ngoài đường.

Ai cũng thông cảm, cũng vui vì cửa nhà anh tạm thời được yên ấm.

Qua một cái Tết, bên gia đình anh bán ngôi nhà chung của cha mẹ để lại đặng chia ra cho mấy anh em. Anh trở thành người giàu có, trước kia mỗi lần có tiền là anh sẽ đi “ta bà” với bạn bè, sau đó mới về nhà đưa cho chị nếu như chị vui vẻ, nhưng bây giờ thì khác rồi vì số tiền quá lớn và nó là của riêng mà anh được thừa hưởng. Việc trước tiên anh làm là về báo cho chị biết. Chị sung sướng lắm, tình cảm của chị đối với anh được dâng cao ngang tầm với trọng lượng số vàng mà anh có. Chị bàn với anh là nên xây mới căn nhà hai người đang ở. Anh đồng ý và nói với chị:

- Em muốn xây nhà như thế nào thì tùy ý, nhưng phải có riêng cho tôi một phòng vừa là nơi tôi tiếp bạn hửu, cũng là nơi để tôi vẽ tranh và em nhớ cho một điều quan trọng là tôi có quyền đưa các bạn của tôi về đây...

Chị cầm số vàng anh trao, miệng cười rất vui vẻ và gật đầu đồng ý ngay. Chính anh là người thiết kế ngôi nhà theo ý mình với cách bố trí các phòng: tầng hầm là nơi để xe và các thứ linh tinh, tầng trệt là tiệm may của chị, tầng hai là nơi sinh hoạt của hai vợ chồng gồm phòng ngủ, phòng khách và bếp, tầng ba là của riêng anh với một phòng vẽ tranh liên thông với phòng tiếp bạn hửu. Anh rất hài lòng vì sự sắp xếp của mình.

Anh chị dọn hết đồ đạt và luôn cả anh chị nữa; qua ở nhờ nhà của cha mẹ chị cách đó hai căn. Mọi việc tiến triển rất thuận lợi. Sáng thứ bảy như thường lệ ở quán Đồng Xanh, anh vui mừng thông báo cho các bạn biết mình đang chuẩn bị xây ngôi nhà mới, và nói trong nụ cười rạng rỡ:

- Tất cả các bạn đều có quyền đến chơi với tôi ngay trong nhà tôi, vì tôi có một phòng riêng để tiếp các bạn hửu của mình…

Một câu hỏi:

- Còn bà xã của anh…có đuổi tụi tôi không đó?

Anh xua tay:

- Sẽ không bao giờ có chuyện đó xảy ra, bà xã tôi …không dám đâu, đã có giao ước với nhau rồi…

Anh Tùng cười đểu:

- Chưa chắc à nghen, biết đâu lúc đó bả đuổi tụi tôi chạy…mất dép...

Anh hùng hồn tuyên bố:

- Nếu chuyện đó xảy ra tôi sẽ không tha cho bả…tôi hoặc là bả… sẽ có người… một đi không trở lại.

Nhưng không ngờ…

Trong lúc chỉ còn ba tuần lễ nữa là hoàn tất ngôi nhà lầu ba tầng của anh chị thì anh bị đột quị; đây là lần thứ hai…Và lần này chị được biết những người bạn của anh, đúng như lời anh nói: họ thật là dễ thương và đáng quí. Chị cảm thấy hổ thẹn trong lòng.

Anh không qua khỏi, chị vật vả khóc lóc bên xác anh. Hằng ôm lấy chị vỗ về an ủi, các bạn chảy nước mắt khi thấy anh đã vĩnh viển ra đi. Quan tài của anh quàng tại nhà cha mẹ chị.

Lòng chị luôn ray rức vì nhiều nổi ân hận, nước mắt chị khóc vì thương tiếc anh ngang bằng với nước mắt của sự ăn năn, lúc nào nó cũng tuôn trào lai láng, chỉ cần nhìn thấy một người bạn nào của anh đến là chị khóc nức nở, khóc tức tưỡi. Ai cũng hiểu những giòng nước ấy của chị.

Bạn của anh nhiều lắm, thân có sơ có. Những người bạn thân mà khi còn sống anh luôn mong ước chị cùng có mặt bên anh trong những lần nhóm họp vui chơi…Ngày nào họ cũng đến, mỗi nhóm chừng vài người, vài cặp vợ chồng, nhưng không ngày nào là không có mặt.

Đám tang của anh rất đông người đưa tiển, chị ngồi bên quan tài mà xỉu lên xỉu xuống…ăn năn và hối hận…ăn năn và hối hận…những thước phim quay chậm lại trong đầu chị như những mủi dao nhọn cứa sâu vào trái tim chị làm nó đau nhói và chảy máu bằng những dòng nước mắt nhiều đến nổi nó muốn bào mòn luôn hai bên má của chị.

Nhà đã xây xong, mọi trang trí trong ngôi nhà đã hoàn chỉnh, chị dọn về ở trong ngôi nhà mới này mà lòng ngậm ngùi trống vắng vì không có anh. Chị đí ra đi vào một mình trong ngôi nhà lầu mới và đẹp này mà nhớ anh vô cùng, lòng buồn rầu tê tái. Khi mất anh rồi chị mới thấy anh là tất cả của cuộc đời chị. Ngôi nhà không có anh nó lạnh lẻo làm sao ấy.

Đã đến ngày; Hắng qua nhà giúp chị chuẩn bị làm giỗ bốn chín ngày của anh. Chị nhờ Hằng gọi điện thoại mời các bạn anh đến dự, không sót người nào. Chị làm đám giỗ cho anh lớn lắm để tiếp đãi các bạn của anh, đồng thời như cũng muốn vào dịp này gởi đến mọi người một lời xin lỗi.

Bàn thờ của anh đặt ngay trong căn phòng nơi mà anh muốn dành để vẽ tranh và tiếp các bạn. Chị treo tranh của anh khắp phòng và lòng thầm mong rằng ở trên bàn thờ anh sẽ nhìn thấy được hết những bức tranh mình đã vẽ, như là một cách chị tạ tội với anh. Ngày xưa khi còn sống những bức tranh này không có chổ đứng trong nhà chị, vì nó luôn làm chị “gai con mắt” nên anh phải xếp gọn vào một “xó xỉnh” nào đó. Nay anh chết rồi, những bức tranh này lại có một chổ đứng thật trang trọng, ngày ngày khi lên thắp nhang cho anh trên bàn thờ; chị nhìn ngắm chúng và thấy rằng tranh của anh cũng đẹp lắm. Cảm động hơn nữa là dưới mỗi bức tranh ấy anh đều ký tên của anh dính liền với tên chị, điều này chứng tỏ rằng anh rất yêu chị, thế mà lúc anh còn sống chị đã quá xem thường con người và tình cảm của chồng mình.

Mất anh rồi chị mới biết được rất nhiều điều quí giá về anh.

Trong đám giỗ bốn chín ngày, các bạn anh mỗi người kể về những kỷ niệm của riêng họ đã có với anh, câu cuối cùng họ nói với chị là:

- Anh Long là người rất tốt, rất dễ thương, tôi quí mến anh ấy lắm…

Mắt chị lúc nào cũng đỏ hoe. Khi họ ra về, chị xin lỗi từng người và mời các bạn anh vào ngày giỗ đầu của anh cũng như những ngày giỗ hằng năm, mọi người hãy có mặt để cho hương hồn anh được vui.

Giỗ hằng năm của anh, các bạn vẫn đến Đông nhưng không Đủ, từ từ từng người rụng rơi như chiếc lá lìa cành. Giỗ năm nay lại thiếu hai người, giữa bửa tiệc giỗ anh Vỹ cảm hứng đứng lên đọc tặng cho các bạn một bài thơ ngắn:

Qũy bạn bè dần vơi đi,
Quỹ thời gian rút ngắn lại.
Ta làm được gì cho nhau?
Ta làm được gì cho ai?...

Bạn ơi…khi ta còn sống,
Hãy yêu quí nhau thật nhiều.
Và khi còn được bên nhau.
Xin đừng lảng phí thời gian…

Những tràng pháo tay nổi lên tán thưởng bài thơ của anh Vỹ và rồi một nổi ngậm ngùi choáng ngợp trong tâm hồn mọi người làm cho lòng ai cũng tái tê nuối tiếc. Còn chị thì gục xuống nền nhà mà khóc nức nỡ. -./.




VVM.24.4.2024.