Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




“SỰ CỐ” NGÀY VU QUI



H ôm nay, Trà về nhà chồng. “Hôm nay” tức là theo lịch trình, chỉ ba giờ nữa nhà trai sẽ đến rước dâu.

Đã mấy lần đánh thức mà con gái vẫn hồn nhiên “nướng”, đến bốc mùi khét lẹt rồi, bà Lược chạy vào giục thêm lần nữa:

-Dậy thôi, cục cưng ơi!

“Cục cưng” he hé mắt, nũng nịu:

-Ư… ư… Còn sớm mà… Để con ngủ thêm đi, mẹ!

-Cô dâu chải tóc trang điểm lâu lắc lắm. Coi chừng muộn mất, “cô nương”!

Mắt cay xè, Trà như nuối tiếc giấc mơ đẹp vừa bị mẹ làm đứt đoạn, vẫn uốn éo chưa chịu ngồi dậy.

Bà Lược làm mặt giận, ngoay ngoảy đi ra, gót guốc dằn dỗi nện thình thịch.

Nhận ám hiệu từ bà, bốn cô gái lập tức nối nhau ùa vào, rất náo động.

Đào – Nguyệt – Hân – Diễm và Trà là bạn rất thân từ khi bắt đầu vào cấp hai, hợp nhau quá nên cùng lập nhóm Ngũ Long Công Chúa, nhiều năm lừng danh toàn trường. Dù mấy năm sau mỗi cô vào một đại học khác nhau thì nhóm vẫn gắn bó chặt chẽ đến nay.

Lát nữa đây Trà lên xe hoa thì cả bốn cô ấy sẽ là phù dâu.

Các cô thi nhau giật tung chăn gối, lôi tay, kéo áo, đẩy lưng, áp tải Trà tới cửa... toilet bằng được.

Lúc ấy ba nữ nhân viên tiệm tóc ngồi chờ ở phòng khách đã khá lâu, chưa thấy cô dâu ra. Một người sốt ruột, chạy vào giục:

-Có chị nào cần làm mặt chải đầu thì ra làm trước đi, kẻo muộn giờ là chúng tôi không chịu trách nhiệm đâu.

Bốn cô gái ngoan ngoãn theo nhau ra ngoài, ngồi vào ghế, lần lượt ngửa mặt cho người ta tô tô vẽ vẽ.

Không ai nhớ đến cô Trà nữa, kể cả bà Lược. Vì bà cũng đang bận rộn chỉ đạo một nhân viên độn - bới cho mình mái tóc thật dày, thật mượt, lại cao lêu nghêu. Bởi mẹ tân lang khá cao, bà phải “ăn gian” tí xíu để lên phim không quá… so le.

Xong đầu tóc, bà Lược mới sực nhớ: nãy giờ con gái làm gì trong phòng mà chưa ló mặt ra?

Bà lật đật chạy vào. Cửa phòng đóng kín, khóa trái.

OMG! Trà lại lăn ra ngủ tiếp rồi ư? Không phải! Nếu ngủ thì sao bên trong còn vọng ra âm thanh lịch kịch như thể tiếng đồ vật đang bị xê dịch?

Bà đập cửa, rối rít:

-Mở cửa cho mẹ!... Con đang làm gì thế, Trà ơi?

Những tiếng động im ắng. Rồi chốt cửa bật ra.

Bà Lược sửng sốt nhìn phòng con gái lộn xộn khác thường: gối chăn, quần áo, sách báo, mỹ phẩm... vung vãi, rất bừa bộn. Rõ ràng vừa có một cuộc lục soát ra trò!

Trà vẫn mặc nguyên đồ ngủ tối qua, thậm chí tóc bù xù chưa chải, chỉ mím môi, mắt nhìn mẹ nhớn nhác, rất lạ.

U LÀ CHỜI!

Bà mẹ kêu lên:

-Kìa, sao thế con?

Như bị kìm nén nãy giờ đã tột khung chịu đựng, cô con gái lăn xuống giường, úp mặt xuống gối, khóc hu hu.

-Chuyện gì? Chuyện gì?... Kể mẹ nghe... Sao phải khóc?

Thấy con vẫn nấc “hức...hức...” không ngớt, bà mắng yêu:

-Cô định lát nữa bước lên xe hoa với hai mắt sưng húp đấy à?

-Mẹ ơi, con không lên xe hoa đâu… Con khổ quá!

Bà Lược giật thót, gắt lên:

-Phỉ phui cái miệng ăn mắm ăn muối! Ngày đại hỉ, cấm tiệt không được nói xui xẻo... Không là không làm sao? Hay sướng quá hóa rồ?

Gắt xong lại đấu dịu ngay, ngọt nhạt như dỗ dành:

-Mẹ không khổ thì thôi, cô khổ gì chứ? Vài giờ nữa là nhà trai đến rước cô về làm “Thiếu Phu Nhân” rồi. Cô xem, dòng họ nội ngoại có con gái nhà nào bằng cô chưa, mà còn kêu khổ? Rõ thật, “có voi đòi tiên”!

-Nhưng mà... Nhưng mà...

Trà ấp úng, rất muốn huỵch tẹt tâm sự với mẹ mà sao khó mở lời? Thế là cô lại đập tay đập chân, giãy đành đạch, như đứa trẻ ăn vạ:

-Bảo nhà trai dời ngày cưới lại, mẹ nhé!

Thêm lần nữa, cô con gái làm bà mẹ giật thót. Dù mê sảng Trà cũng không thể nói ra câu quái gở như vậy.

Tại sao đòi dời ngày cưới? Thậm vô lý! Rất chói tai!

Chuyện trọng đại của dòng họ hai bên mà Trà nói nhẹ tưng, như trò chơi trẻ nít, như chuyện đóng phim: chỉ cần đạo diễn hô “cắt!” là xong xuôi một trường đoạn!

Chưa kể, họ hàng nhà trai nhiều người đang định cư nước ngoài: Pháp, Úc, Mỹ, Canada… Họ đã thu xếp để có thể cùng nhau về đông đủ dự cưới hôm nay, sẽ dễ dàng chấp thuận “dời ngày” theo ý cô sao?

-Này, cô đừng dọa mẹ. Mẹ đau tim, có thể lăn ra đột tử đấy. Họ hàng ai ai cũng đang hớn hở chờ giờ đưa dâu. Rồi ba trăm bàn tiệc ở nhà hàng trưa nay... Cô đòi dời ngày thì mẹ nói sao với nhà người ta?

Trà tỉnh ngộ. Phải rồi, cô quên khuấy: cha mẹ chồng tương lai đã hứa cho vợ chồng cô tất cả số quà mừng từ ba trăm bàn tiệc cưới ấy. Là đại gia bất động sản, họ không cần thu chút “bạc vụn” cho mất mặt với sui gia. Gọi “vụn” chứ vài tỉ đấy, Trà định bỏ mất à? Quan trọng hơn, nếu cô “giở quẻ” có thể vuột luôn... chồng: hẳn Kim không bao giờ chấp nhận.

Kim đã kể với Trà: sở dĩ đường tình của anh muộn màng lận đận là do mẹ anh cả. Mấy lần anh đưa bạn gái về giới thiệu, bà đều không ưng, với lý do khiên cưỡng: không hạp tuổi! Thời đại bây giờ mà bà mẹ vẫn theo tập tục cổ xưa nghiêm nhặt lắm, nhất là trong hôn nhân. Kim là con độc đinh nên bà càng không thể xem nhẹ.

Bà tuyên bố: tuổi con dâu tương lai phải vừa “tam hạp”, vừa cấm kỵ rơi vào “tứ hành xung”. Đã thế, không chỉ so với tuổi Kim mà còn cả tuổi vợ chồng bà nữa.

Dĩ nhiên Kim thấy đòi hỏi ấy quá đáng, khó khả thi. Nhưng mặc con phản đối hay tiếng đời cười chê, bà không lay chuyển:

-Dào ôi… “Cười hở mười cái răng”! Chuyện riêng nhà tôi liên quan tới ai mà cười? “Có kiêng thì mới có lành / lối ngang đường tắt chẳng gần, ai đi”?

Mỗi khi muốn bảo vệ luận điệu của mình, bà mẹ tài hoa của Kim hay tách ghép ca dao -như người ta lẩy Kiều- như vậy đấy. Không nhuần nhuyễn chẳng sao, miễn… hợp cảnh hợp tình!

Rút kinh nghiệm, lần này Kim quyết định không “thật thà khai báo” nữa: anh bày cho Trà khai tuổi chệch với giấy tờ, để mẹ anh khỏi lăn tăn rồi lại trắng trợn can thiệp. “MẸ BIẾT MẸ BUỒN ĐÓ” và khiến anh thêm lần nữa trắc trở, ích gì? Có những chuyện thuộc đời tư vợ anh, chỉ cần mình anh biết rõ là đủ.

Phần Trà, từ nhỏ không có gì “xuất sắc”. Nếu dũng cảm thật thà thì phải nói thẳng rằng: xấu!

Điều đó bình thường! Trên đời thiếu gì các cô gái xấu xí? Từ trăm năm trước đã thế. Văn chương có chị Doãn, Thị Nở đại diện. Ca dao cũng không hiếm:

-Mặt rỗ như tổ ong bầu
Hàm răng khấp khiểng như cầu rửa chân...
-Vai gầy, cổ ngẳng, tóc thưa
Chồng chưa thèm cưới, nên chưa có chồng!

Nhưng đó là chuyện của ca dao, của văn chương và của trăm năm trước. Ngày nay khoa học tiến bộ, khiếm khuyết nào các viện thẩm mỹ cũng giải quyết ngoạn mục, gọn gàng: tắm trắng, cà sẹo, cắt mắt, nối chân...

Chỉ cần nhiều tiền. Nhà không khá giả gì nên bà Lược phải căng não chi li chắt bóp tháng nọ năm kia -khi đuối quá, vẫn ráng ngược xuôi vay mượn- để dấm dúi đáp ứng nhu cầu chính đáng của con gái.

Ông bố sốt tiết, lên tiếng:

-“Liệu cơm gắp mắm”, bà ơi!… “Cái nết đánh chết cái đẹp”!...

Lập tức bà nguýt dài, gạt phăng:

-Đời nay “cái đẹp đánh bẹp cái nết” thì có! Ông đừng xúi dại! Tôi thông minh lắm, không ngu đâu. Nghe lời ông để con tôi ế chồng à?

“Ồ! Ế thế quái nào được mà lo? Người ta có duyên có số cả chứ! Thì bà ngày trước còn xấu hơn nó mà vẫn lấy được chồng đấy thôi?”

Ông bố định gân cổ cãi thế, nhưng may quá, phúc nhà ông còn lớn nên ông đã kịp ngậm miệng, nuốt ngược câu nói “phạm thượng” ấy xuống bụng rồi!

(Có một nghịch lý khó giải thích: trong đời sống hôn nhân, người thường xuyên than vãn bất hạnh rồi kêu ca kể tội đức ông chồng nhiều nhất luôn là các bà vợ. Ấy thế mà chính quý bà lại là người sợ con gái mình ế chồng hơn ai hết! Vì sao thế, thưa quý bà?)

“Có công mài sắt có ngày nên kim”! Công lao vất vả của bà Lược được đền đáp xứng đáng: Trà “dậy thì thành công”, nổi trội nhất trong nhóm Ngũ Long. Chẳng mất nhiều thời gian, cô đã hẹn hò được “Thiếu gia” để hôm nay đi đến một “happy-end”, khiến nhiều người vừa ngưỡng mộ trầm trồ vừa ngấm ngầm ganh tị. Bà Lược vô cùng… mãn nguyện.

Lúc này, ngẫm nghĩ tình thế, Trà hiểu ra, dần bình tĩnh lại. Cô ôm lưng mẹ, ghé tai bà từ phía sau, thỏ thẻ:

-Nhưng mà mẹ ơi… Con mất... “cái ấy” rồi... thì có cưới được không?

Sáng nay cô con gái liên tiếp làm “mẹ iu” giật thót.

Mất “cái ấy”? Là cái gì? Có phải...?

XU CÀ NA!!!

Bà Lược rên lên:

-Ối con ơi!... Sao đến giờ G rồi, con mới thú thật với mẹ?

-Thì con vừa mất sáng nay mà...

Trà phụng phịu, còn bà Lược... hoàn hồn. Hú vía! Cứ tưởng... Thì ra bà nhầm. May ghê, “cái ấy” có phải là... “cái ấy” đâu?

Bà vui vẻ:

-Không sao! Mất gì, mẹ mua đền cái khác.

-Mẹ đền thế nào được? Đắt lắm, lại cần nhiều thời gian... mà nhà anh Kim sắp đến rồi.

-Hừ! Con chưa nghe “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” à? Đắt mấy mẹ cũng vay mượn nhờ người tìm mua, ngay bây giờ, trước khi người ta đến.

-Con chỉ muốn dời đám cưới lại. Một tuần thôi cũng được.

-Cô trẻ con nhỉ? Một phút cũng không thể dời.

Giọng Trà ngậm ngùi:

-Thế mới thảm họa cho con...

-Mất gì nói thẳng ra, mẹ mới biết đường tính cho. Úp úp mở mở, sốt tiết quá!

Nghe Trà lí nhí câu gì đó, bà mẹ thuỗn mặt ra. Trà gọi “thảm họa” không sai, khi chuyện xui xẻo đến đúng thời điểm cô dâu chuẩn bị vu qui.

-Con tìm kỹ chưa? Hay mắt nhắm mắt mở “trông gà hóa cuốc”?

-Mẹ không thấy con lục tung phòng lên à? Có kẻ lấy trộm “nó” rồi.

-Kẻ nào? Con có nghi ai không?

Phải nghi chứ, bởi bao giờ “một mất” chẳng “mười ngờ”? Không có kẻ trộm, “nó” đâu mọc cánh bay được? Sáng nay chỉ có bốn phù dâu vào phòng cô. Nửa đêm qua, lúc họ kéo nhau sang ngủ ở phòng bên bà Lược chuẩn bị cho họ, hiển nhiên “nó” còn nguyên.

Vài phút sau khi bị đẩy vào toilet, Trà sực nhớ đến “nó”, hấp tấp quay ra thì cả “nó” lẫn bốn cô gái đồng loạt... mất dạng. Vậy “còn ai trồng khoai đất này”?

Nhưng bàn tay nham nhúa là của cô nào?

Trà rà soát: Diễm khả nghi nhất, vì Diễm đã rất hăng hái đẩy lưng cô vào toilet. Diễm cũng là người ủng hộ có “buổi sum họp cuối cùng” tối qua, chứ ai?

Hay Hân chăng? Tháng trước Trà và Hân có chút hiểu lầm, giận nhau cả tuần. Dù sau đó đã giải hòa vui vẻ lại, có thể Hân vẫn âm thầm “ghim” trong ruột, chụp cơ hội “trả thù”?

Không chừng là Nguyệt đấy? Tính Nguyệt thích đùa dai, thường bày trò tai quái -đơn giản chỉ để được mẻ cười no nê với bạn- không lường hết hậu quả, đôi khi trò đùa của Nguyệt thành “độc ác một cách vô tư”.

Mà cũng có thể chính là Đào lắm chứ! Miệng lưỡi dẻo quẹo, ngọt như đường, Đào dễ “thu phục nhân tâm” nhất nhóm Ngũ Long. Bà Lược đã có lần cảnh cáo: đấy là hạng người cần đề phòng hơn cả. Bà dùng hình tượng ví von:

-Lũ kiến chỉ chết đuối trong lọ mật chứ chưa thấy con nào chết chìm trong hũ muối… “Ngọt lọt tới xương”!

Lúc này, Trà lần lượt nhấc lên đặt xuống từng cái tên, cân đong đo đếm từng khuôn mặt để ngạc nhiên thấy cả bốn bạn thân của mình đều đáng ngờ y nhau, không ai nhẹ hơn, cũng không tìm ra một xíu giảm khinh nào.

Thế là nhóm Ngũ Long Công Chúa tồn tại mười mấy năm qua, tưởng đâu không còn gắn bó thắm thiết nào bằng, như thể chị với em, tay với chân, cành với lá… thì vừa đụng chút chuyện đã lập tức nát bét như tương, tan tành xác pháo! Cả một trời kỷ niệm vỡ nhanh như bong bóng trời mưa, không chút dấu vết tình cảm mong manh nào rơi rớt lại.

Nghe nghi vấn của con, bà Lược càng sốt ruột:

-Rốt cuộc thì đứa nào trộm?

Bốn cô bạn “yêu vấu” đều đáng ngờ như nhau. Bà mẹ hỏi thế, sao Trà trả lời được? Biết đâu tất cả bọn họ thông đồng rủ nhau cùng trộm đấy!

-Mà chúng nó trộm để làm gì?

Ôi, mẹ ơi, mẹ lại hỏi lẩm cẩm rồi! Để hả hê, thỏa lòng ghen tị, chứ còn lý do gì khác? “Chúng nó” GATO (ghen ăn tức ở), cố tình hại ngầm con! Miệng xoen xoét nói “chúc mừng hạnh phúc” mà lòng quặn đau đến mất ăn mất ngủ đấy, mẹ ạ!

Trà thầm kêu.

Cô cay đắng nhận ra “kẻ thù” nào ở đâu xa, sát bên cạnh, ngay sau lưng thôi. Và cô ân hận. Nếu đừng chọn “chúng nó” làm phù dâu, hoặc chọn thôi chứ không dắt vào tận giường ngủ của cô, thì “chúng nó” làm sao rủ nhau trộm được?

Chung qui do Trà nhẹ dạ nghe lời Diễm, để nhóm Ngũ Long có một đêm cuối cùng sum họp tâm tình với nhau. Vì ai cũng ngầm hiểu: đám cưới rồi, nhóm không còn cơ hội lần hai. “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy / có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”.

Thật vậy, đêm qua, năm cô gái đã thức rất khuya, rù rì không chán, ôn lại kỷ niệm từ ngày đầu mới quen, bật mí những tâm sự thầm kín trước giờ chưa cô nào dám tiết lộ. Nói ríu ran như chim. Cười rúc rích như chuột.

Gần hai giờ thấy đèn phòng con gái còn sáng, bà Lược sốt ruột, đập cửa nhắc:

-Các cô ơi, phải ngủ đủ giấc thì ngày mai mới tươi tỉnh, da dẻ hồng hào. Định vác bộ mặt hốc hác, mắt thâm quầng theo về nhà trai hay sao?

Lúc ấy bốn cô phù dâu mới chịu bịn rịn rời đi.

Nhưng Trà cũng không ngủ được. Mà chẳng phải mình cô, tất cả các cô dâu khác trong đêm trước ngày về nhà chồng sao ngủ ngon được khi tâm trạng ngổn ngang: phấn khích, bồi hồi, xao xuyến, băn khoăn…

Trà ngồi hàng giờ trước gương, quay nghiêng quay ngửa, tập 72 kiểu cười sao cho khi quay phim chụp hình được quyến rũ, tươi tắn, duyên dáng nhất, bắt chước Tân Hoa Hậu phút đăng quang.

Đấy là lý do tảng sáng Trà mới thấm mệt, thiếp ngủ, để các bạn vào tận giường, xốc dậy, lôi đi…

-Mẹ bảo con giờ phải làm sao, hả mẹ?

-Lỡ rồi, còn giăng với sao gì chứ? Tất cả tùy ở cô thôi. Khôn hồn thì giấu nhẹm đi, cấm tiệt hở ra cho nhà chồng biết. Cô quen tật lanh chanh, “mồm mép như tép nhảy”, là hư bột hư đường thì đừng chạy về khóc lóc với mẹ!

Hỏi thế thôi chứ Trà cũng tự biết cần làm gì rồi, đâu còn cách nào khác?

Còn bà Lược miệng nói vẻ dửng dưng chứ lòng đầy thương cảm. Bà xót xa quá khi hình dung gian nan con gái sắp đối mặt. Một thứ “mission impossible”!

Cả mẹ cả con ngậm ngùi nhìn nhau. Mặt chảy xệ. Ỉu xìu. Ủ rũ. Hoang mang.

-Ra ngoài trang điểm thôi, con.

Bà Lược gượng gạo đẩy lưng con ra cửa.

Trà chợt nhớ một chuyện, bảo mẹ:

-À, mẹ mặc váy cài nơ cho Mika hộ con. Giờ con không còn kịp thời giờ lo cho nó.

Bà Lược cũng sực nhớ. Ừ, tí nữa thì quên mất Mika. Lát nữa đây, Mika cũng là thành viên trong đoàn đưa dâu, chả thế Kim đã tìm mua đầy đủ váy trắng, hài vàng, nơ đỏ cho nó, từ lâu.

Mika? Là con chó lai lông xù Kim tìm mãi mới chọn được để làm quà tặng người yêu. Nó dễ thương lắm, xinh đẹp, khôn ngoan, đặc biệt rất luyến chủ, ăn ngủ không rời. Từ hôm được Kim tặng, mỗi đêm Trà đã bỏ quên cái gối ôm vô tri trước kia rồi.

-Mika! Mika!

Mọi lần nghe gọi tên là Mika vừa kêu ăng ẳng vừa cong đuôi chạy bổ đến. Hôm nay nó đâu rồi mà im ắng thế? Đừng nói trộm cũng ẵm mất Mika rồi, nhé! Thảm họa không thể dồn dập trong buổi sáng một ngày “đại cát tường” thế này được.

Bà Lược tất tả sục vào từng phòng, xuống bếp, ra hiên... Trà chẳng thể ngồi yên chỗ, bám theo mẹ, vừa tìm quanh quất vừa rối rít gọi tên Mika. Càng lúc càng lo.

-A, kia rồi!

Bà Lược chỉ vào bụi hồng tỉ muội phía góc sân: Mika nằm xoải bốn chân, tư thế ung dung thoải mái. Hình như nó đang mê mải với trò chơi thích thú, không nghe tiếng cô chủ gọi.

Trà vui mừng chạy lại, ôm xốc thú cưng lên, chưa kịp mắng yêu nó vài câu, chợt nhìn thấy một vật dưới bụi hồng. Chính là thứ khiến Trà vừa lục tung phòng tìm kiếm. Là thứ Trà đề quyết bốn phù dâu lấy trộm do ghen tị, hại ngầm cô. Cũng là thứ cô phải mất công đi lại nhiều ngày mới sắm được nó bằng cái giá không hề rẻ.

Trà hiểu rồi: tảng sáng, lúc cô còn ngủ mê, Mika dậy trước, thấy cô chủ đặt “nó” ở đầu giường, đã len lén tha đi. Hẳn “nó” thành trò chơi mới mẻ và vô cùng hấp dẫn nên Mika nằm mãi ngoài bụi hồng tỉ muội này chỉ để mải mê... nhấm nháp. Nên giờ “nó” mới sứt mẻ, biến dạng thảm hại thế kia!

Trà xót xa quá thể. Dưới tia nắng đầu ngày, hàm răng giả lấm lem đất cát vẫn lấp lánh sáng. -./.




VVM.19.4.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .