N ăm chị gần sáu mươi tuổi, chồng qua đời. Lo cho chồng mồ yên mả đẹp xong, các con lần lượt ra đi. Đứa về Mỹ, đứa vào lại Sài gòn. Ngôi nhà rộng vắng hoe, chỉ còn chiếc bàn thờ của anh hiện diện trong phòng khách như một nhắc nhở đau lòng – bàn thờ của người mới mất bao giờ cũng nhang khói lập lòe , cùng với mùi trầm hương, và tiếng tụng kinh Phật nho nhỏ đều đều phát ra từ một chiếc máy cassette nhỏ để trên bàn thờ - triển miên bất tận như một nỗi niềm day dứt.
Nhà chỉ còn lại hai mẹ con: chị và một đứa con gái. Trong mâm cơm hằng ngày của hai mẹ con có thêm một chén cơm cúng với đôi đũa gát qua – mặc dù ngày ba bữa vẫn cúng cơm cho anh trên bàn thờ - như một sự hiện diện vô hình của anh trong yên lặng. Buổi tối, bóng đêm như đồng lõa với nỗi buồn, nỗi trống vắng cũng mênh mông hơn, hai mẹ con thường rút hẳn lên lầu. Có việc gì cần xuống tầng trệt, hai mẹ con phải cùng đi. Từ nhỏ chị vốn là đứa sợ ma, cả nhà đặt cho chị biệt danh “ Thỏ đế ”. Mãi đến bây giờ khi đã đi gần hết đời người, chị vẫn không thể nào ngủ được khi phải qua đêm một mình ở nhà. Nhớ hồi còn là sinh viên, khi người bạn cùng phòng về quê, chị thường chong đèn sáng đêm, mở mắt nhìn quanh nhìn quất, không thể nào ngủ được. Bà chủ nhà trọ sợ tốn điện, thỉnh thoảng lại nhắc chị tắt đèn. Chị giả vờ nói còn đang học bài. Khi người bạn trở về, chị mừng thực tình như đón một người thân. Có lần con gái chị đi xa, chị biết chắc nếu mình qua đêm ở nhà chắc chắn là sẽ thức trắng. Chị gọi điện cho một người bạn thân – người bạn nầy sống một mình tại một căn hộ chung cư – rằng mình sẽ đến ngủ với bạn. Cô bạn có thói quen đi chùa hằng đêm, có nói trước với chị rằng chị cứ đến, chìa khóa căn hộ cô ấy sẽ gởi lại cho người bảo vệ chung cư, chị cứ lấy chìa khóa mà vào, vì cô ấy sẽ về sau chín giờ tối. Đêm ấy là một đêm tháng hai âm lịch, trời lạnh buốt và gió ào ạt thổi. Khu chung cư của cô bạn nầy thì chị có đến chơi vào ban ngày mấy lần nên chủ quan, cứ nghĩ mình sẽ tìm ra dễ dàng. Nhưng phần vì trời tối, phần vì đây là một vùng đất mới qui hoạch, nhà nước xây nhiều chung cư gần nhau. Khổ nỗi nhiều chung cư được xây cùng một kiểu, sơn cùng một màu, nên chị đi loanh quanh mãi vẫn không tìm ra chung cư người bạn ở. Lạ một điều chung cư ở đây lại không có tên, nên chị không biết làm sao mà hỏi. Đường tối mờ mờ, gọi điện thoại cho cô bạn thì máy tắt – chắc là đang tụng kinh – quay về thì ngại, cứ nghĩ đến ánh đèn và khói hương trên bàn thờ là chị lại thấyghê ghê. Nếu về nhà thế nào chị cũng lại bật hết điện trong nhà lên và thức cho đến sáng. Thế là chị vừa lái xe trong ma trận chung cư, trong đêm gió lạnh thồi ào ạt vừa khóc. Chưa bao giờ chị thấy tủi thân và cô đơn đến thế. Không thể chọn giải pháp qua đêm ở khách sạn, vì chị đã từng thức trắng đêm ở khách sạn trong một lần đến một thành phố lạ. Nào là những chuyện ma hiện hồn trong khách sạn, những chuyện giết người, chuyện người tự tử trong khách sạn … cứ ám ảnh chị, khiến chị không tài nào chợp mắt. Có lần tình cờ chị kể cho một người bạn trai ngày xưa học cùng lớp chuyện sợ ma của mình, anh bạn không tin mà lại còn nói đùa: “ Bọn mình giờ thì ma nó sợ, chứ mình sợ gì ma”. Chị nghĩ đó chính là sự khác biệt giữa nam và nữ mà anh bạn đã không hiểu. Có lẽ thần kinh của phụ nữ yếu hơn nam nhiều, họ có thể lăn đùng ra chết ngất nếu có một con sâu bám vào tay, thì chuyện sợ ma, sợ bóng tối cũng là tất yếu. Vả lại, chồng chị mới mất, người ta thường cho rằng trong 49 ngày đầu tiên sau khi mất, hồn của người chết vẫn quanh quẩn trong nhà, bên cạnh người thân. Và có những hiện tượng mà chị không thể nào giải thích. Như chuyện sau khi liệm chồng chị một ngày, đêm hôm đó Hùng – cậu thanh niên mà chị đã thuê chăm sóc anh suốt gần một năm – đang ngủ bỗng ngồi bật dậy lúc hai giờ sáng, “ dạ” một tiếng thật to rồi vội vàng đứng dậy. Đêm đó nhà đông người nên chị không ngủ được, nghe tiếng Hùng dạ chị vội chạy đến thì thấy Hùng vẫn còn ngơ ngác, thảng thốt nói: “ Cô ơi, con thấy chú đến đập mạnh vào người con và gọi: “ Hùng ơi !”, con mở mắt ra thì không thấy chú đâu cả ”. Hôm sau, mấy mẹ con đang đứng túm tụm bàn chuyện bên chiếc tủ buýt phê, bỗng nghe tiếng đập mạnh hai lần vào tủ, cả mấy mẹ con ngơ ngác nhìn nhau không hiểu vì sao lại có tiếng động kỳ lạ đó. Hình như anh đang đứng gần đó, vì không ai nhìn thấy anh, nên anh phải đập mạnh vào tủ để nói lên sự hiện hiện của mình. Sau đó mấy tháng, có lần con gái chị bận việc phải về nhà hơi khuya, vừa mở cửa xong nó nghe từ bàn thờ ba nó có tiếng gọi rất rõ : “Gigi ơi !”. ( Gigi là tên gọi từ hồi nhỏ, người nhà vẫn quen gọi như vậy. ) Nó hoảng hồn vội chạy lên lầu, quên cả đóng cửa phòng khách. Lúc đó chị vẫn còn thức, thấy mặt con tái mét. Hai mẹ con phải cùng đi với nhau mới dám xuống lầu đóng cửa.
Rồi chị nhận ra khi mất đi một người thân, ngoài chuyện mất đi một chỗ dựa tinh thần, còn cụ thể là mất đi một đôi tay với những công việc thường nhật hằng ngày, mà người còn sống phải gánh vác thay. Ngay cả như chuyện cúng ngày rằm, ngày mùng một hàng tháng, khi anh còn sống, chị chỉ có trách nhiệm đi chợ mua hoa quả đem về là xong. Chuyện bày biện hoa quả, chuyện lau chùi bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà là chuyện của anh. Bây giờ một mình chị phải cáng đáng bao nhiêu là chuyện. Đêm giao thừa đầu tiên sau khi chồng mất, sau khi một mình bày cỗ cho năm bàn thờ, chị phải lễ từ bàn thờ nầy qua bàn thờ khác, lễ xong đợi hương tàn lại dọn cỗ bàn xuống, sắp xếp đâu vào đó xong đã gần hai giờ sáng. Chị ngồi lặng lẽ trong đêm đầu tiên của năm mới, vừa mệt mỏi thể xác vừa lạnh lẻo về tinh thần, và tự hỏi người đã mất bây giờ đi đâu, về đâu trong đêm trừ tịch thiêng liêng nầy? Họ có về vui xuân cùng gia đình không hay đang trôi giạt trong một cõi hư vô xa mờ nào đó? .-./.