Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


HÀO HOA LÀ LÍNH KHÔNG QUÂN..
ANH CÓ CÁI QUẦN ANH CŨNG BÁN ĐI ..



(....) Tham mưu phó chiến tranh chính trị BTL/KQ kiêm đại đội trưởng đại đội ứng chiến gọi tiểu đội trưởng Đỗ vào văn phòng:

- Trung sĩ I Đỗ Mạnh T..., số quân 56/600 595 trình diện đại tá.

-Mời anh ngồi. Có việc này tôi mời anh về chuyện hạ sĩ Lê Biên bị đá vào ống quyển bằng bốt đờ xô, rồi bị giữ ở tổng hành dinh. Sáng nay tôi đã cho anh ta về để sáng còn dạy học con chuẩn tướng. Anh thông cảm, vì anh ta là kỹ sư ở Pháp về, là bạn với Tư lệnh , và khi đồng hóa với cấp bậc hạ sĩ nên chưa hiểu mấy tác phong quân ngũ, ăn nói hàm hồ; cứ tưởng anh cho phép hạ sĩ Trần Công Khai (ca sĩ Anh Khoa) miễn điểm danh lúc 10 giờ tối, thì anh ta cũng được phép như vậy. Vậy tôi đề nghị anh du di cho, chỉ điểm danh lúc 20 giờ mà thôi., tất nhiên trừ trường hợp cấm quân, cấm trại 100%

Tiểu đội trưởng trình:

-Thưa , nếu đại tá ở địa vị tiểu đội trưởng như tôi thì thật khó làm việc đối với hạ sĩ Biên. Hạ sĩ rất ỷ thế, cậy quyền , ăn nói chông chênh; cứ như ngữ cậu ta xấc mé như vậy; thì thưa đại tá; tôi rất khó chỉ huy anh em trong tiểu đội. Vì họ sẽ lấy gương hạ sĩ Biên phân bì, cậu ta không ở lại trại điểm danh lúc 20 giờ- một khi đại đội phó điểm danh bất thường thì tôi sẽ phải trả lời ra sao, lệnh miệng đại tá hẳn chưa là bằng chứng.

-Theo anh thì tôi sẽ phải làm sao?

-Đại tá loại khỏi danh sách ứng chiến..

-Như vậy đâu có được? Đến như anh và anh gì làm hãng Reuters còn phải vào trung đội ứng chiến cơ mà. Tư lệnh biết được chỉ còn nước độn thổ. Lúc này Việt Cộng pháo vào Tân sơn nhất ngày ba lần, sáu giờ sáng, mơời hai giờ trưa và sáu giờ chiều.

-Thưa đại tá, hạ sĩ Biên còn ở tiểu đội 1 thì tôi vẫn phải điểm danh thường lệ; vắng mặt phải báo cáo, không thể làm khác được.

-...theo anh còn cách nào khác?

Duy chậm rãi báo cáo:

- Đưa tên cậu ta khỏi danh sách ứng chiến hoặc tốt nhất chuyển qua tiểu đội khác là êm chuyện.

- Good idea! cảm ơn.

Sau buổi điểm danh sáng, Đỗ được thông báo tám giờ sáng nay phải trình diện đại tá Tham mưu phó CTCT. Đầu óc rối tung, tự đặt câu hỏi; có thể mình ra lệnh cho hạ sĩ Biên hít đất nên thầy dạy Pháp văn con gái đại tá mách bu chăng?Hoặc giả mình đã được thông báo trước hàng quân; từ binh nhất đến thượng sĩ nhất, ai có hai năm thâm niên cấp bậc đều phải khai với thượng sĩ thường vụ văn phòng đại tá, thì mình chẳng chịu khai báo, lại còn nói chỏng, nào đi lính đơợc mang lon trung sĩ thì không phải lập ban thờ tổ tiên nữa vì như vậy đã làm rạng rỡ cho đại gia đình rồi.

Trước khi lên văn phòng, Đỗ xốc quần áo chỉnh tề, đứng trước gương lớn soi cẩn thận, gõ cửa đi vào phòng đại tá. Bước vào, giơ tay lên trán chào kính, xưng tên, cấp bậc, số quân. Thì anh đã liếc thấy vị đại úy trưởng phòng xã hội ngồi ở ghế khách phòng đại tá. Nét mặt đại úy không mấy vui, chắc ông ta nhớ tối hôm nào điểm danh, gọi một hạ sĩ đến ra lệnh :

- Mày buông mùng cho ta ngủ nghe mậy? ( và chỉ tay vào ba lô của xếp đặt ở góc phòng.)

Hạ sĩ X.. gằn tiếng, hỏi lại:

-Đại úy nói lại câu nói lần nữa được không?

-Có gì không ươợc, mày không nghe thấy hả? Thằng này láo, tao ra lệnh cho mày buông mùng nhanh lên , tao buồn ngủ quá trời!

-Ông mới ở Bộ binh chuyển về không biết đó thôi, Không quân từ lính đến quan, thằng nào cũng giống thằng nào, thôi tự buông màn lấy mà ngủ, cha nội!

Quả thật vị đại úy mới chuyển về không biết lối sống của không quân thật Ông tên là Trường, cựu quận trưởng Nhà Bè mới chuyển về KQ, hiện là trưởng phòng xã hội KQ- mà thường ra chức vụ này do nữ quân nhân đảm trách.

Ông không thể quên câu nói của hạ sĩ X..., nghe xong, thượng sĩ Cường và trung sĩ Đỗ cười lớn tiếng nhất, bọn lính tráng có mặt cười phụ họa- làm sao ông quên bản mặt thằng cha trung sĩ ba búa ấy được!

-Báo cáo nhanh, gọn. (đại tá ra lệnh).

-Bố tôi đi cày, mẹ đi cuốc , khuyên con, nếu sau này đi lính được thăng chức trung sĩ thì không cần phải lập ban thờ tổ tiên.Thưa đại tá., xin cho tôi không khai thâm niên cấp bậc hai năm, vẫn giữ nguyên lon trung sĩ.

Đại tá nghe xong ra lệnh :

-Áp tải trung sĩ xuống chuẩn úy Trâm Tổng hành dinh chờ lệnh mới.

Mặt đại tá nóng bừng bừng, giọng sừng sộ, thân hình cao lênh khênh, nói giọng Huế ,chửi thề theo tiếng Nam "đụ má thằng trung sĩ này chê lon trung sĩ I, chuyện thật kỳ khôi!" .

Tuy đang trong tình trạng hốt hoảng, bối rối, lo âu, sợ sệt- trung sĩ Đỗ không thể không bật cười nhớ bà cố vấn Trần Lệ Xuân thời Đệ nhất Cọng hòa ngồi trên ghế bành đỏ chót trước Tòa Đô chính Saigon hiên ngang đứng dậy lắc lắc đầu làm duyên, hô khẩu hiệu:

-Phụ nữ Việt Nam muôn năm" nói giọng Huế văng vẳng tai người nghe được như phụ nữ việt nam muốn nằm.

Đại úy Trường hỏi anh câu đầu tiên:

-Trung sĩ không được giải ngũ kỳ này nên bất mãn?

Việt Cộng tổng tấn công xuân Mậu thân vào đúng đêm ba mươi rạng mùng một tết âm lịch 1968 , Tổng tham mưu ra lệnh đình chỉ hạ sĩ quan, binh sĩ đáo hạn được giải ngũ. Đại úy tưởng Đỗ bất mãn khi bị lưu ngũ, và ông không biết rằng anh mới được đồng hóa trung sĩ biên tập viên, một mình một Sự vụ lệnh của Tổng tham m ưu cho phép KQ tuyển dụng. Đại úy tỏ vẻ thương hại trung sĩ, và cũng không quên bản mặt đáng ghét của Đỗ đêm nào!

Đỗ trả lời:

-Không.

-Tôi chưa từng gặp trường hợp nào giống trường hợp anh bây giờ. Thâm niên cấp bậc thì phải khai để thăng cấp, lại thêm lương, sớm thăng chức quan quản cho vợ, con nhờ. Anh có đông con không?

Đỗ đáp lời bằng cái gật đầu.

Hình như đại úy vẫn thương xót hoàn cảnh trung sĩ Đỗ, và tỏ ra thân cận đại tá cho biết thêm:

-Đại tá thuộc gia đình vọng tộc, thân sinh tổng đốc, tuy bề ngoài ông nghiêm khắc, lạnh lùng thật; nhưng thương lính tráng như con, cháu trong nhà, chẳng nỡ hại ai ao giờ? Trung sĩ không biết đó thôi, câu trả lời đại tá vừa rồi chỉ làm hại trung sĩ thôi.

Tuy không nói ra, Đỗ biết đại tá không phải là con tổng đốc Võ Chuẩn, mà chỉ gọi tổng đốc là bác ruột .. Con trai tổng đốc là trung tá hải quân Võ S. và con gái , nữ văn sĩ Linh Bảo ,có tên thật Võ thị Diệu V...

Vị đại úy tiếp:

- Trung sĩ không biết đó thôi, câu nói trung sĩ vừa rồi chạm nọc ổng. Là công tử thật, ham chơi , không bằng bối, đi lính tây đóng vai thầy đội như trung sĩ bây giờ, lại được quan tây thương sau đề bạt theo học khóa 4 Trường Võ bị Dalat. Ông là Chỉ huy trưởng đầu tiên phi đoàn quan sát Không quan ,và là xếp cũ Tư lệnh Không quân bây giờ. đó,

- Có phải đại tá từng chỉ huy trưởng Phi đoàn quan sát 110, còn Tư lệnh bây giờ khi ấy phó?

-Thế sao trung sĩ nói là mới vào lính?

Vừa lúc này đến Tổng hành dinh, đại úy trao đổi với chuẩn úy Trâm xong ;đại úy vẫy tay thân thiện bye bye... (....)

Chẳng bao lâu mặc áo lính,- Thượng sĩ Bảng, thợ chụp hình cho báo Lý Tưởng dọn cho một phòng nhỏ, để gia đình ba người dọn vào Tân Sơn Nhứt ở trong khu gia binh Âu cũng là một sự may mắn, vì ngay khi vào lính; đợt cấm trại trăm phần trăm thi hành gắt gao vào ngày đầu bầu cử Tổng , Phó Tổng thống năm 67. Hôm ấy, muốn ra ngoài, về nhà thăm vợ con, không có cách nào thoát khỏi trại. Gặp Nguyễn Đình Thiều, nhà văn lính không quân, anh rủ tôi thay bộ quần áo dân sự, chui vào chiếc xe hơi Hillman tã của anh; thoát ra lối Hàng không dân sự. Thất hú vía, cả hai chúng tôi đã thoát được cổng kiểm soát của quân cảnh và cảnh sát phi trường. Nhưng buổi tối lại phải vào trại điểm danh, ba lần mỗi tối, cả thường xuyên và không thường xuyên. Có lẽ vì thế mà anh Bảng đã đưa ra ý kiến cho ở nhờ một phòng, tôi chấp nhận ngay.

Nhớ lại ngày mới mặc quần áo trận mới, cho dầu anh là lính cũ; quân cảnh cũng nhận ra được ngay lính cũ – còn lính mới, mặc đồ trận mới, khó qua con mắt nghiệp vụ của họ. Nhớ lần đầu tôi chui ra lỗ chó chui của hàng rào giây kẽm gai thông qua Nhà Ma để ra ngoài, tôi bị quân cảnh tóm được. Anh quân cảnh dẫn tôi đến trình diện một chuẩn úy trẻ tuổi. Anh này hỏi tên, tuổi, số quân, tôi bèn khai thật mình là nhà văn mới được đồng hóa trung sĩ về nhà để giải quyết việc gia đình, vợ dại, con mọn. Anh ta hỏi tên tôi, ấy là bút hiệu thường ai ra, và anh thông cảm cho đi. Phải nói là cảm ơn anh ta thật nhiều

Rồi nửa năm trôi qua vèo, Tết Mậu Thân lại đến gần kề. Lại cấm trại gắt gao, và cho là con chó mà mặc áo lính cũng không thoát khỏi hai cổng Phi Hùng, Phi Long. Rồi đêm giao thừa, Việt Cộng tấn công vào các thành thị miền Nam ; kể cả Tân Sơn Nhứt, tiếng súng nổ ròn và đanh còn hơn pháo tết. Đêm giao thừa, tôi phải ngủ trại, sáng hôm sau về nhà trong Trại gia binh. Vợ tôi lại mới sinh đưa con trai thứ hai vào ngày 9 tháng giêng; chúng tôi đặt tên theo lối tên thật đệm vào giữa: Đỗ NHỊ Tường Khê . Tên vợ tôi và tên thật của tôi ghép chung, tên cháu là NHỊ và mang họ Đỗ. Vừa về đến nhà thấy rắn, tôi hốt hoảng gọi to:

-Em ơi, nhiều rắn quá , em lên đây ngay đi.

Ba chân bốn cẳng vội vã chạy vào phòng, Nhị Khê nằm trong giường sắt nhỏ, thằng anh MẠNH Khê đã biết đi, đang cầm gậy đập chung quanh giường em. Hai con rắn dài như cây sào đang quấn lấy hai cây sắt cột giường; chúng nó trông không mấy dữ tợn, lại có vẻ hiền lành. Tôi đứng nhìn ở tư thế lưỡng nan, không thể đập chết cùng một lúc hai con; tôi bèn cầm lấy ống thuốc Insectiside của Mỹ xịt chung quanh giường. Mùi thuốc diệt côn trùng với liều lượng nhiều, khiến hai con rắn lui đi, không bò tiếp lên giường cháu rồi từ từ bò ra phía gậm giường lớn của bố mẹ. Căn nhà mà Thượng sĩ Bảng ở, gọi là khu gia binh. – thực sự trước kia là nhà tắm, nhà cầu của hạ sĩ quan Pháp, từ thời Tây. Xung quanh là cống, và ống nước chằng chịt; có thể súng nổ ran, thuốc súng vào lòng cống, rắn chui ra chăng? Cái tin rắn vào phòng chúng tôi được loan tin ra, bà mẹ anh Bảng, tuy là Thiên Chúa giáo nhưng hay mê tín. Rắn vào nhà, chắc là không thể ở đây được lâu, ý bà muốn chúng tôi tìm chỗ khác dọn đi, nói một cách ý nhị và khéo léo, ngoại giao chăng? Lính xin cấp nhà ở Khu gia binh hiện nay đơ n chồng lên có tới hàng ngàn cái; nếu tôi làm đơn, hẳn chẳng bao giờ được Liên Đoàn Yểm Cứ xét đến. Ấy là chưa nói đến đơn của C.O.C.C (Con Ông, Cháu Cha) , của những kẻ có thế lực và những kẻ có tiền lót tay Vợ tôi bàn với tôi:

- Bà cụ anh Bảng nói vậy là không muốn chúng ta ở đây. Mặc dầu anh chị Bảng, các em anh ấy rất tốt. Vậy em đề nghị với anh thế này, xem có được không? Tướng Minh, tác giả Cái nhà ( Tập truyện ngắn CHẾT NON của Trần Văn Minh, Bùi Hoàng Khải xuất bản, Saigon 1967) mà em đọc trong tập truyện của ông tướng khi còn là trung tá, cũng rất khó khăn mới được cấp miếng đất làm nhà ở Khu Quý Tộc (Khu quí tộc là khu nhà của Sĩ quan K.Q, cả phi hành và không phi hành nằm về phía tay phải từ cổng sân bay Tân Sơn Nhứt ( cổng dân sự). Tác giả Cái nhà khi ấy là trung tá, phải tính điểm thâm niên, huy chương, và đủ thứ hằm bà làng khác mới đu túc số điểm được cấp đất xây nhà riêng) . Như vậy, ông cũng có bao kinh nghiệm đau khổ về cái nhà có được . Anh gặp ổng, thử gợi ý xin ông miếng đất rồi mình xin gỗ, ván, tôn dựng đại một căn nhà để ở vậy. Được không anh?

- Tôi trả lời vợ, là để xem đã, nhưng tôi thấy nàng có lý. Một buổi, khi ăn sáng với ổng; tôi gợi ý như vợ tôi nói - ổng phì cười , rồi gọi lấy miếng giấy nhỏ- ông viết:

- “Sơn, * Xét và trình, cấp một căn nhà trong Khu gia binh cho T.S Tường” ( * Trung tá Nguyễn Trung Sơn, CHT Liên Đoàn Yểm Cứ, nơi có quyền cấp nhà, thuộc Không đoàn 33 do tướng Phan Phụng Tiên làm Tư lệnh).

- Quay sang tôi , ông bảo tôi : đưa thẳng cho thằng Sơn., CHT Liên Đoàn Yểm Cứ 33, nó sẽ cấp cho anh” .

- Tôi vui vẻ gấp miếng giấy lại cho vào túi cẩn thận, về nhà sẽ đưa cho vợ xem. Và ông Tướng cười, vì có lẽ tôi rất ngây thơ xin đất, cất nhà tạm’ mà trong quân đội, ai cho phép làm như vậy? Khi vợ tôi đọc xong, sau có báo cho bà cụ anh Bảng biết rằng ông Tướng sẽ cấp cho một căn nhà. Bà cụ bảo vợ tôi; ” .. đại để; nói thì nói vậy thôi, đơn xin nhà ở Khu Gia binh cao như núi, không thể một hai, năm mà được cấp?” Vợ tôi trả lời , như nàng khẳng định là sẽ có, và có nhà sớm là khác !

- Thế là sẽ phải làm đơn theo hệ thống quân giai; đơn gửi Chỉ huy trưởng LĐYC, đi qua từng cấp xác nhận, đề nghị. Bắt đầu từ trưởng phòng Kế hoạch Chính huấn, đại úy Khải; rồi đại tá Võ Dinh, Tham Mưu Phó CTCT ; rồi tới Tham Mưu Trưởng KQ là điểm cuối cùng . (tôi là hạ sĩ quan không phải qua Tư lệnh ) rồi chuyển qua L Đ YC. Nhưng bây giờ tôi chỉ cần cầm miếng giấy nhỏ bằng bàn tay, nhờ đại úy Chấn, Chánh văn phòng Tư lệnh Không đoàn 33 , và chờ kết quả. Tôi và Chấn là bạn quen mày, tao; Chấn bảo:

- -Tất nhiên là mày có nhà rồi, sớm thôi.

- Rồi tôi cũng chẳng để ý đến việc xin nhà nữa. Hàng ngày đi làm hai buổi, lúc đầu mặc áo lính thật khó chịu, hết thượng sỉ Cường – nhà văn quân đội Dương Hùng Cường, cái miệng khi nói tròn vo như quả trứng gà, lại hay ra cái điều lính cũ bắt nạt lính mới. Nào là : …mày không được được đội nón ca- lô. Mày phải đội nón lưỡi trai; khi chào cờ mày phải đội cát -kết, lon là mày phải đeo quân hàm giữa hai hang cúc áo trận. “ Một chục cái thứ phải , tất nhiên tôi biết quân phong quân kỷ; nhưng cái lối dạy bảo hách xì xằng của anh khiến tôi bực. Tôi đáp:

- -Này em, trước khi anh là nhà văn , anh đã là lính; bây giờ anh lại làm lính đây. Khỏi phải nhờ chỉ bảo một cách xách mé như vậy. Mới ra được một cuốn truyện Buồn vui phi trường mà đã ra vẻ rồi. Này Cường, nếu mày bỏ bớt một cữ Dương, mày sẽ đáng giá một triệu; còn như bây giờ có Dương, thì chỉ đáng giá mười đồng.*( * chuyện kép hát ca sĩ Hùng Cường giá bạc triệu , đem so với nhà văn DHC thì chỉ đáng gíai bạc đồng).

- Bỗng dưng tôi nhớ đến buổi ăn sáng với Tướng Tư lệnh KQ, ông kể lai chuyện DHC mượn bản thảo cuốn truyện ngắn của ổng sắp xuất bản, rồi viết bài bốc thơm khi tập truyện ngắn Trong đục chưa chào đời. Theo tác giả, như vậy nó kỳ kỳ làm sao, rồi DHC lại cho đăng trên Lý Tưởng , Tư lệnh đọc xong ngượng chin người. Trong ngôn từ KQ, như thế có nghĩa là DHC được liệt vào hạng nâng bi tướng đái, rước gái tướng chơi rồi! Tôi cũng ác khẩu không ít, nói với anh:

- - Này Dương Hùng Cường hay nhà báo Dê Húc Càn* mày thuộc loại giỏi về forlift**, giỏi một cách thượng thừa rồi đấy nhé! (* DHC viết châm biếm ký Dê Húc Càn trên tuần báo Con Ong, Minh Vồ chủ nhiệm. Anh hay viết lọai châm chọc, sâu cay cũng có; nhưng đôi khi rất nhục cảm, thô tục. Chẳng hạn trong KQ, có tướng Tư lệnh phó Võ Xuân Lành, tục gọi Paul Lành. Thì DHC viết châm chọc theo kiểu nói lái.; nào là em Thu Đạm, nào em ca sĩ thường mặc áo thêu con rồng lộn; và với Paul Lành được phiên dịch sang Việt ngữ: Paul Bôn và gọi là Bôn Lành . Tướng Võ Dinh KQ lúc ấy là đại tá Tham mưu phó CTCT Bộ Tư lệnh KQ thường hay lấy lòng tướng Tư lệnh, nên khi ba ông ngồi uống nước với nhau ở Câu lạc bộ HSQ; thì tướng Minh đọc báo Con Ong , rồi nói kháy tướng Lành. Đại để mầy phải nấu nồi chè đổi tên đi, báo Con Ong gọi mày là Bôn Lành, nói lái hiểu ngay thôi . Có mặt Võ Dinh, ông liển cho gọi thuộc cấp đưa thượng sĩ nhất (hay chuẩn úy?) Dương Hùng Cường lên hạch tôi và nhận 15 ngày trọng cấm, gửi nhốt tại Trại giam của Tổng Tham Mưu. ** forlift,: tiếng anh có nghĩa nâng, kích lên. ).

- Lúc đầu anh không biết tôi nói gì, sau này có lẽ anh đã tìm ra nghĩa chữ forlft; anh chửi tôi tối mày tối mặt;nhưng tôi cũng không kể ra cho nghe tại sao lại gọi anh bẳng danh từ ấy?

-

….Một ngày khác tôi nhân được thư của một người bạn xa lạ, đó là thư của giáo sư Lloyd Fernando, Hội đồng biên tập tạp chí TENGGARA ở Kuala Lumpur ( Malaysia ) . Ông ta xin phép đăng lại một số bài thơ của tôi đã được Đàm Xuân Cận dịch ra anh ngữ, in rô nê ô trong tập thơ Việt Nam Vùng Trời Lửa Đạn , có tên anh ngữ Vietnam under Fire & Flames (Dai Nam van hien Books, Saigon 1967) . Ông ấy sẽ in mấy bài thơ này trong Tenggara số 2 sắp ra mắt. Ban đầu tôi chưa hiều được tại sao ông ta lại có tập thơ này khi sách tiếng anh, tiếng việt của tôi chỉ bày bán ở Portail ( Nhà sách Xuân Thu ở đường Tự Do, Saigon1). Sau khi thơ đăng, rồi mới biết, một nhà văn Nam Dương ( Indonesia ) Bur Rasuanto mới đây qua Saigon mua đem về rồi gửi cho ông Llyod Fernando, Phân viện Anh ngữ Đại học Malaya . Hai bài được đăng lại: Kennedy và Asian Morning, Western Music đăng lên trang đầu rất trang trọng. Bạn đọc có nhớ bài thơ Sáng Á đông, nhạc phương tây bản việt ngữ in trên báo đề tặng cô Vũ thị Tỵ , thì ở bản anh ngữ vẫn có lời đề tặng to Ty ( Tỵ: không có dấu ). Ngoài thì giờ nhà binh ra, tôi còn sửa bản in Nửa đường đi xuống, Chiếc roi ngựa ( dịch tác phẩm La cravache của C.V. Gheorghiu) , rồi Frederich Nietzsche do nhà xuất bản Đời Mới tái bản lại. Khi tôi về Saigon để có tiền chi t iêu trong gia đình, tôi bươ n bả đem bản thảo đi rao bán cho một số nhà xuất bản, duy chỉ có nhà Đời Mới ở đường Vĩnh Viễn ( Saigon 10) nhận in ba tác phẩm trên, tiền bản quyền không được bao nhiêu, nếu đem so với truyện của Duyên Anh (cũng bán cho Đời Mới, bán đứt mỗi cuốn khoảng một triệu đồng, như: Châu Kool, Dzũng Dakao… chẳng hạn ). Anh chàng văn sĩ Duyên Anh đầu láng mượt như bẫy ruồi ( trát nhiều brillantine ) dạo này rủng rỉnh xu hào, mua biệt thự trệt ở 255 bis Công lý, đi xe hơi Mỹ Pinto một cửa rất sộp. Tuy nhiên hỏi có phải là từ tiền tác quyền, cho là được trả nhiều đi nữa, mua xe hơi thì có thể được; nhưng biệt thự hẳn là không rồi- nhưng chắc chắn con rể của Hội đồng Đề ở Long xuyên có chia cho con rể, con gái là điều không tránh khỏi . Lại nhớ tới Duyên Anh khi viết báo Sống của Chu Tử, anh ta thường rủ tôi đến chơi nơi trung tá Sảnh, chỉ huy trưởng Cảnh sát Dã chiến ( CSDC) – thằng bạn tôi quen xưa từ thời ở Cửa Bắc Hà Nội, bây giờ nó lên tới chức trung tá Dù rồi sang chỉ huy CSDC. Khi tôi ở Dalat viết thư nhờ nó có thể cho một chân lính kiểng, nó không thèm trả lời, Bây giờ Duyên Anh rủ đến chơi , tôi từ chối trả lới không quen. Duyên Anh kể lại, Sảnh rất giàu, vợ là chủ hiệu Cobapcana (?) kế nhà hàng La Pagode , nơi văn nghệ sĩ thường uống cà phê; hiệu này chuyên bán đồ ăn Âu, bí tết nướng rất ngon. Cho đến một buổi, Duyên Anh cho biết, nếu tôi muốn vào Cảnh sát nên gặp Sảnh. Sảnh có hỏi thăm tôi và xin tác phẩm của tôi mới xuất bản. Tôi bảo nó, đại để: .. tao cho mày một cuốn thì được rồi; nhưng tao không thể ký cho người được tặng; lý do nào thì mày biết rồi. Sảnh hơi ngượng khi cầm cuốn truyện được tặng ở Nhà hàng La Pagode, có mặt cả Duyên Anh. Đó là những ngày tôi sửa soạn vào Không quân , và hình như tướng Minh KQ cũng nhắc chuyện Sảnh hỏi thăm tôi, và có lẽ chúng tôi có quen nhau từ xưa? Tôi trả lời tướng tôi không biết hắn. Và nói cách khôi hài : “…thưa Tướng, trong quân đội hạ sĩ quan chỉ quen với hạ sĩ quan và lính thôi, làm sao quen được cấp úy, huống hồ cấp tá như trung tá Sảnh Dù? ”. Tướng KQ cười, như thể không phải vậy.

Tôi nhớ đại để qua một bút hiêu khác của Duyên Anh là Thương Sinh viết mục Sống Sượng ở trang hai báo Sống, nhà văn này gọi tên tôi ra, phê rằng tôi chửi cả nước, và một khi muốn kiếm một đồng tiền trong sạch; hẳn là phải khởi hành từ mũi Cà Mau cho đến Bến Hải, bờ sông Hiền Lương ,cầm mũ xin ăn- thì đồng tiền ấy mới có thể gọi là trong sạch. Trong lúc này, Thương Sinh cũng chuốc thêm nhiều kẻ thù, nhưng có một điều tôi không biết rõ được, trong mục viết chửi một số nhân vật, Duyên Anh có đã hay không nhận tiền của kẻ bị chửi không? Duyên Anh xuất thân từ khi di cư vào Nam là tứ cố vô thân ; nếu Du Tử Lê có nhận xét này đối với Duyên Anh chắc đúng hơn là với tôi. Ban đầu , Duyên Anh dạy đàn ghi-ta ở Ban Mê Thuột, rồi về trông xe đạp ở trước vườn Tao Đàn khi dân Saigon đi xem Wong Boong Fou làm xiếc. Truyện ngắn Con Sáo của Em tôi đăng trên tạp chí quân đội Chỉ Đạo. Hồi này Nguyễn Mạnh Côn đồng hóa thiếu úy làm chủ bút nâng đỡ Duyên Anh tận tình. Truyện ngắn đầu tay của anh viết rất hay, sâu sắc, cảm động, văn phong của một nhà văn có tài. Duyên Anh và Trần Phong Giao đều là đệ tử của Nguyễn Mạnh Côn. Chẳng biết đúng không, như Duyên Anh kể lại, về Trần Phoóng , ( sước danh gọi Trần Phong Giao- riêng Trần Phong Giao, tôi đặt cho anh một tên: nhà triệu phú Trần Hoài , một nhân vật truyện trong Nửa Đường Đi Xuống . Điều này khiến anh phiền lòng không ít, nên có cơ hội, là anh đả kích tôi qua các bài điểm sách trên tạp chí Tin Sách , Văn ..( bài viết chủ ý). Nhưng đối với tôi, anh bao giờ cũng là ân nhân của tôi và là người thái thịt bò mỏng tuyệt diệu nhất của thế kỷ này- mà tôi được hân hạnh sống chung với anh; trước ở Vũng Tầu, sau ở Sài Gòn;.) ”... thằng này rất chịu khó hầu hạ đàn anh Nguyễn Mạnh Côn ở bàn đèn, tay chăm chăm cầm bản thảo dịch sách L’ Engrenage của Giăng-Pôn. Xạc ( Jean-Paul Sartre) đợi đàn anh hút xong: xin anh đọc lướt qua cho em, em sắp xuất bản.” …Chẳng hiểu đàn anh có gà không? Duyên Anh tiếp, .. nhưng tao thấy nó hèn, vì tao cũng là đệ tử; nhưng cái hèn của tao nó còn văn chương , không đến nỗi tệ hại như nó !” Nhắc đến chuyện Nguyễn Mạnh Côn , tôi lại nhớ vào năm 1957, tôi viết một bài điểm sách ( ký Đường Bá Bổn ) trên tạp chí Văn hóa Á châu , Lê Xuân Khoa chủ bút ký cho đăng bài,. Đó là cuốn biên khảo Việtnam văn học toàn thư của Hoàng Trọng Miên . Tôi lên án cuốn sách này có liên quan tới một cuốn sách khác của Nguyễn Đổng Chi xuất bản trước đó ở Hà Nội hai năm. Tôi dẫn chứng cả về lập luận , sách HTM giống hệt, truyện thần thoại cũng giống nhau ( sao chép ) sách Lược khảo về thần thoại của Nguyễn Đổng Chi. Tờ Văn hóa Á châu là cơ quan của Hội Nghiên cứu liên lạc văn hóa Á châu mà hội viên là nhà văn học, nhà nghiên cứu, giáo sư đại học, trung học chuiyên khoa; nôm na là trí thức, do Khoa trưởng Đại học văn khoa Nguyễn Đăng Thục là m Chủ tịch kiêm chủ nhiệm báo. Báo xuất bản một nguyệt san việt ngữ, một anh ngữ; như có bài của Cố vấn Ngô Đình Nhu là buộc phải đăng lên trang đầu trang trọng nhất. Hội này do Asia Foundation Huê Kỳ đài thọ. Nay, bài điểm sách này lên án cuốn sách ấy, tất là khó khăn cho ông Miên để xin tiền viện trợ văn hóa, và làm mất uy tín của ông trong giới cầm bút. Khi ấy Nguyễn Mạnh Côn làm chủ bút tạp chí Văn hữu , cơ quan của Nha Văn hóa vụ, do một đàn em thân tín của Ngô Đình Cẩn đứng đầu, tên Nguyễn Duy Miễn chi đó. Ông Miên cũng là biên tập viên của tờ báo trên, nên sau này ông Côn kể lại, trên tạp chí Bách Khoa : ( Tạp chí Bách khoa: , số 122 ra ngày 1-2-1962, mục “ Cuộc phỏng vấn văn nghệ “ do Nguiễn Ngu Í phụ trách, trang CXLL và 89 và 90)

“…Tôi tiếc nhất là không thể xin lỗi tác giả ( một tác giả khác mà Nguyễn Mạnh Côn đả kích, khiến anh ta mất việc) như hồi trước đã xin lỗi Thế Phong.

-Tạ I sao không thể xin lỗi (phóng viên phỏng vấn ông Côn hỏi) .

-Vì tác giả cũng có lỗi về tinh thần.

-Tôi ( Nguiễn Ngu Í, người phỏng vấn) nhận thấy anh nói; “… hồi trước xin lỗi..”, bèn hỏi anh có thể thuật lại việc trước đó không ? Anh cho biết:

-Hồi đó, tôi mới đến làm chủ bút tờ Văn hữu, tờ nguyệt san này lại chỉ mới sắp ra số 2. Mọi sự giao dịch giữa ông chủ nhiệm và tôi đều tốt đẹp. Đến một buổi tối nói chuyện công việc một lúc rồi ông nhắc đến cuốn sách của Hoàng Trọng Miên,(HTM) và cho tôi biết trong tờ Văn hóa Á châu có bài buộc HTM và ngỏ ý yêu cầu tôi bênh vực họ Hoàng. Tôi nhận lời, hoàn toàn tin vào là một quyền hạn, hai là sự ngay thật của anh chủ nhiệm. Sự sơ xuất của tôi nặng nề nhất là tôi không biết rằng cuốn sách của HTM chính là do cơ quan ấn hành tờ Văn hữu giúp cả vốn cho in. Tôi chỉ vùi vào đọc có bài của Thế Phong ( ký Đường Bá Bổn – Đ.B.B) mà lúc đó, tôi cũng không hỏi cho biết là ai? Thế rồi tôi viết bài bênh vực HTM và tấn công Thế Phong. Bởi đúng như tôi đã viết trong bài của tôi lúc đó, tôi không có cuốn sách của Nguyễn Đổng Chi nhưng tôi bênh vực cho HTM, bởi bài viết công kích HTM kém quá. Tôi cứ suy nghĩ lối viết văn mà đoán tác giả còn đi học, và dung luôn chữ “ em” , để chỉ, mặc dầu tôi không có ác ý, mà đọc lên thì rõ rang có ác ý. Bài của tôi đăng lên báo rồi mới biết một là tác giả là người dù còn trẻ, dù mới viết, vẫn có thể gọi là đồng nghiệp với tôi, hai là cuốn sách của HTM quả là có giống cuốn sách của Nguyễn Đổng Chi, đủ giống để được gọi là đạo văn. Tôi biết thế rồi thì ân hận lắm, và sau đó, tôi đã đi với Đỗ Tốn – tác giả” Hoa vông vang” – đến gặp và xin lỗi Thế Phong ở nhà hàng Thiên Thai.

-Xin lỗi một bạn trẻ hơn nhiều như thế, anh có lấy làm hổ thẹn không?

Anh trả lời:

- Tôi nghĩ mình có lỗi, mình xin lỗi xong thì nhẹ hẳn tâm hồn đi, chứ sao lại hổ thẹn. Tôi cho rằng chỉ đáng hổ thẹn nếu mình có lỗi mình cứ cãi bừa đi, nhưng rút cục vẫn bị người đời biết rằng mình có lỗi….

-

- Trở lại bài điểm sách của Nguyễn Mạnh Côn đăng trên Văn hữu , tôi viết một bài khác trả lời trên tạp chí Sinh lực do Uyên Thao làm Tổng thư ký tòa soạn. Anh Côn bảo tôi viết một câu sai văn phạm, chẳng hạn câu: ” .. một thái độ không thể dung tha được nào !” Tôi dịch ngay sang pháp ngữ để dẫn chứng, và tôi kết luận đại để; ông Nguyễn Mạnh Côn thích được người ta khen giỏi như một anh lính lệ thích khoe tài nói tiếng tây hay hơn quan huyện. Bài trả lời này, tất nhiên anh Côn có đọc, và sau đó anh không còn được làm chủ bút tờ Văn hữu nữa.

- Một lần, tôi đi xe đò Minh Chánh từ Mỹ Tho về Saigon , trên xe tình cờ gặp lại anh Tam Ích . Anh đi dạy học ở tỉnh về, nói với tôi rằng, anh Côn xin lỗi tôi về chuyện HoàngTrọng Miên đạo văn là có thực., và tôi nghĩ sao khi anh Côn xin lỗi trên báo Bách Khoa? Nên nhớ rằng Tam Ích là người đề tựa cho Hoàng Trọng Miên, qua tác phẩm ấy ( Việtnam văn học toàn thư) , đại để anh khen tác phẩm có thế đi hung dũng của một con thú lớn, dáng dấp oai vệ một tác phẩm lớn, như lời dẫn theo văn sĩ Gustave Flaubert. Tất nhiên bài điểm sách của tôi về sách Hoàng Trọng Miên có liên quan đến anh Tam Ích và bạn bè của ông Miên; phải rồi đúng như câu nói của Tàu ngưu tầm ngưu mã tầm mã ấy mà ! Trả lời anh Tam Ích, khi tôi đã giải quyết xong một việc, tôi không còn nghĩ đến việc đó nữa. Tôi cũng không thù hằn hay là để tâm nữa. …

Trích Hỡi Linh Hồn Tôi




VVM.11.4.2024-NVATP.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .