Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



HÒN ĐÁ PLEIME




C ó những người sống ở Phố Núi Pleiku trước năm75 không lạ gì với hình ảnh quen thuộc của các cô nữ sinh khả ái của trường nữ trung học Pleime với những tà áo trắng tung bay trên đường phố. Các cô học trò vừa xinh, vừa tài giỏi kia rất tự hào vì ngôi trường mang tên một địa danh lịch sử nhưng chỉ có một số ít người biết hoàn cảnh ra đời của ngôi trường mình học và những dấu tích nó có- , chẳng hạn như hòn đá Pleime.

Trường nữ trung học Pleime được ra đời do công của một vị tướng của chế độ cũ đã viết về trận chiến Pleime và số tiền nhuận bút có được, ông ta lên ý tưởng xây dựng một trường nữ trung học dành cho phái nữ với sự ủng hộ của các xí nghiệp, các đơn vị quân đội trực thuộc quân đoàn II.

Trước ngày khánh thành trường , ông ta có cho trực thăng cẩu một hòn đá mang từ vùng chiến địa Pleime về bỏ tại sân trường như ngầm nhắc nhở “ các em học hành yên vui , đừng quên những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ mảnh đất Pleiku…”

Hòn đá chỉ là đá xanh thô thiển, không có một đường nét mỹ thuật nào cả, chỉ được sơn hai chữ Pleime lên trên mặt. Có lẻ vậy nên sau thời gian ngắn nó được dời đi đâu đó, một góc khuất trong sân trường và cũng trở thành hòn đá vô tri như bao hòn đá khác !

Nhưng trong một lần uống cà phê , tôi được nghe anh Đ., một thương phế binh Biệt Động Quân kể chuyện về trận đánh mà anh tham gia có liên quan đến hòn đá này:

Tháng 10 năm 1965, chúng tôi khoảng hai mươi mấy người được tăng viện đến Đức Cơ- Pleime nhằm giải cứu cho tiền đồn ở đây đang bị bao vây. Lẻ ra tôi không phải tham gia trận chiến vì tôi là lính truyền tin mang máy cho đơn vị trưởng nhưng toán trưởng tiếp cứu là một sĩ quan mới ra trường và chưa có người truyền tin đi theo ông nên tôi là người có kinh nghiệm được cử đi trợ giúp ổng. Khi trận chiến leo thang, tiền đồn ngập biển người, đich và ta, mặc dù mới ra trường nhưng viên chỉ huy này rất gan dạ, ông luôn nhào tới phía trước và tìm những mục tiêu để ẩn náu ,cố thủ là những lùm cây nhỏ hay bụi cỏ rậm của vùng rừng thưa Pleime và tôi phải ra tay níu ông lại: “ Thiếu úy ơi ! những bụi cỏ lùm cây đều có địch đang chờ ta ở đó…”- tôi nói và đồng thời kéo ông về ẩn núp sau một tảng đá cùng với tôi. Hòn đá hứng chịu làn mưa đạn của đối phương và chúng tôi cũng không thể trụ nỗi lâu dài. Viên thiếu úy trúng đạn nằm gục trên tảng đá, máu chảy gần phủ kín tảng đá. Còn tôi bị một mành sắt từ chiếc xe tăng văng ra (xe bị đại bác không giật của đối phương bắn hạ ) vào trúng con mắt trái, tôi chưa có cảm giác đau nên lấy nguyên mấy cuộn băng rịt lại vết thương. Tôi chạy về hướng có bãi đáp trực thăng . May mắn tôi được môt chiếc trức thăng bốc đi nhờ máu chảy đầm đìa trên mặt và nhất là tôi đang mặc quần áo rằn ri, có phù hiệu bên vai là chiếc đầu cọp. Chiếc trưc thăng chỉ ưu tiên bốc cố vấn Mỹ và mấy người Thượng trong lực lượng đăc biệt bị thương…

Khi trở về Pleiku, mấy viên cố vấn Mỹ đến sở chỉ huy của họ, còn tôi và mấy người Thượng bị thương được đưa thẳng vào quân y viện. Tôi phải nằm điều trị hết 8 tháng vì ngoài con mắt được múc bỏ, vết thương còn ảnh hưởng đến thần kinh. Ra viện.tôi được giải ngũ vói thương tật 60%, tôi lặn lội đi tìm vợ con tôi vì những tháng ngày tôi nằm viện, tôi đã mất liên lạc với họ. Vợ tôi, tay xách nách mang hai đứa trẻ , phải lặn lội xuống Biển Hồ (nơi bộ chỉ huy đơn vị tôi đóng quân) mua tôm cá đem ra chợ bán lại để nuôi con.

Nhờ công trạng của tôi và xét hoàn cảnh khó khăn của gia đình, tôi được chính phủ cấp cho căn nhà nhỏ ở làng thương phế binh Pleiku. Thật ngẫu nhiên,nhà tôi ở lại gần trường Nữ Trung học Pleime nên một hôm nhân lúc ngày nghĩ không có bóng cô trò ở trường , có một cô nữ sinh Pleime,nhà ở gần nhà tôi rủ tôi vào trường xem cho biết. Khi đến gần viên đá làm chứng tích của trận chiến Pleime, tôi vô cùng ngạc nhiên,nhận ra hòn đá kia là nơi tôi bỏ lại một phần thân thể và sự hy sinh của một viên sĩ quan trẻ tuổi còn thanh xuân mới ra trường (tôi không nhận lầm viên đá vì trên mặt đá còn lỗ chỗ vết đạn và hình dạng như tấm lưng cong của người phụ nữ ). Bao nhiêu hình ảnh khốc liệt của trận chiến lại hiện về trong tôi

Đ., người thương phế binh và cũng là người hàng xóm của tôi ngậm ngùi:

- Cái tên trường Pleime không còn nữa cũng như tảng đá nơi trường sớm biến mất nhưng nó để lại những kỷ niệm đẹp trong tôi. Vừa hào hùng, vừa đau thương…-./.

(22/3/2024 )



VVM.29.3.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .