Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



NGƯỜI DƯNG




C húng tôi sinh đôi nhưng dường như giữa hai đứa có sự khác biệt rất lớn về tính cách. Nếu tôi là một người có phần nóng tính và kiệm lời thì em tôi lại là người thân thiện và cả lương thiện. Chúng tôi cứ bù trừ cho nhau đến độ có lần tôi đã nói đùa với nó:

- Chắc tao với mày vốn là một, rồi mày thừa hưởng hết mọi tính tốt, còn tao tính xấu hay sao á?

Em tôi là một người có cái nhìn tử tế dù cuộc đời chưa bao giờ nhân từ với nó. Từ ngày còn bé sức khỏe giữa hai chúng tôi đã có sự chênh lệch, vì tôi vốn yếu đuối và hay bệnh nên nó như luôn gồng mình lên để bảo vệ và che chở cho tôi. Nhà chúng tôi nép mình trong xóm lao động nghèo với việc ba mẹ làm việc liên tục tối mặt tối mũi nên chỉ có hai chị em luôn tự lo lắng cho nhau. Tuy sinh đôi nhưng tôi lại nhỏ con hơn, có lẽ chính vì thế nên tôi thường thu mình lại trước sự trêu chọc của đám trẻ nít. Nhiều khi mâu thuẫn đám con trai còn giật tóc hoặc ăn hiếp tôi, lúc đó vì tủi thân tôi thường vùi mình vào một góc chỉ để khóc, khi ấy một hình bóng nhỏ bé lẫm chẫm bước tới cạnh tôi- như cái cách mà ba má hay làm mỗi khi tôi nhè- xoa đầu tôi.

- Sao chị phải khóc vì người dưng làm gì? Ai ăn hiếp chị thì chị cứ cho người đó là người dưng đi. Chỉ nên khóc nếu những người quan trọng làm mình buồn. Còn người dưng thì cứ mặc.

Một đứa trẻ mẫu giáo mà nói chuyện thực già sạn. Sau những lần tôi bị ăn hiếp, đến bữa nó luôn cố gắng ăn thật nhiều cơm, ba tôi còn đùa:

- Nay gái út ăn được cơm vậy?

- Con phải ăn thật nhiều để khỏe, để lớn, ai ăn hiếp chị con sẽ đánh người đó.

Từ bé đã thế, khi tôi chọn thu mình lại vo tròn nỗi buồn của mình thì nó luôn chọn cách đương đầu với điều đó. Tôi cũng cứ lớn dần lên dưới sự “che chở” của nó đúng nghĩa. Ngày còn bé, thậm chí vì hay bệnh nên có phần được nuông chiều hơn vì thế tôi ham chơi và nghịch hơn rất nhiều. Nếu những lúc rảnh rỗi của tôi là đi chơi đồ hàng với đám nhóc nhà hàng xóm thì em tôi lại thường bám lấy cha mẹ. Những năm cấp hai má tôi nghỉ ở nhà nhận việc về nhà làm và cũng có lẽ đó là khoảng thời gian tôi vẫn luôn tự trách sao mình vô tâm đến vậy. Lúc ấy tôi để ý nó bám má nhiều hơn, hầu như mỗi lúc tôi thấy má đi đâu nó cũng bám vào bên trái má, khi ấy tôi thậm chí còn trêu nó:

- Sao mày lớn rồi mà cứ bám má vậy? Để má thoải mái làm việc của mình đi chứ.

Nó chỉ phì cười:

- Má đi làm cả ngày rồi, giờ má mới ở nhà, phải tranh thủ quấn má chớ.

Tôi chỉ bĩu môi nghĩ rằng nó trẻ nít. Sau một thời gian má ốm liệt giường, lúc này tôi mới biết thì ra khi ấy má nghỉ làm là vì bị bệnh gì đó làm liệt nửa người bên trái. Ba má giấu hai đứa nhưng nó do cứ hay ở nhà phụ giúp má làm việc nên cũng dần nhận ra… Kể từ đó, mỗi khi má đi lại, nó lúc nào cũng “đỡ” má đi chứ không phải “bám” má như tôi đã nghĩ. Thân người bên trái của má ngày một nặng vì thế má không thể đi đứng bình thường được, nó đi cạnh là để đỡ lấy má. Nhưng nó không nói ra vì nó không muốn tôi lo lắng và vì chúng tôi luôn ở cùng nhau nên nó để tôi vô tư còn nó thì gồng mình lên mà lo lắng.

Khi chúng tôi vào cấp ba, chúng tôi trọ học xa nhà vì chúng tôi lên phố học. Nhờ sự cố gắng của cả hai nên chúng tôi được vào trường chọn, lại còn được nhận học bổng vì thế học phí cũng trang trải được phần nào. Cũng từ lúc đó con đường của mỗi đứa bắt đầu khác nhau, nó chọn học ban tự nhiên, còn tôi vào ban xã hội, cũng kết thúc khoảng thời gian chung lớp của hai đứa suốt từ nhỏ tới giờ. Phải nói tình yêu văn chương của tôi được hun đúc từ rất sớm, tôi bắt đầu thích được viết, cũng tập tành làm thơ viết văn, cũng có vài bài thơ, vài mẩu truyện được đăng báo tường. Cũng tìm tòi gửi bài cho các tờ báo trong tỉnh, một vài bài được đăng càng khiến tôi sướng rơn và huyễn hoặc rằng con đường mình đang chọn trở nên đúng đắn. Thế nhưng khi bắt đầu chọn con đường sáng tác, bên cạnh những sự thán phục vì ngày đó có bài được đăng báo là ghê gớm lắm cũng bắt đầu có những sự trêu chọc.

Khi ấy tôi nằm trong đội tuyển học sinh giỏi văn của nhà trường và cũng đại diện trường đi thi. Nhưng thực ra việc yêu thích “sáng tác” với việc đi theo khuôn khổ của văn chương nhà trường khi ấy là những điều khác nhau lắm. Tôi dường như thích đi ra khỏi khuôn khổ chứ không phải những giáo án khuôn mẫu, chính vì thế tôi cũng có sự khác biệt hơn so với những kiến thức trong sách vở. Sự khác biệt đôi khi thoát khỏi những truyền thống, cũng đôi khi khiến tôi trở nên khác biệt với những bạn đồng trang lứa sống thực tế mỗi ngày. Cái sai ngày đó của tôi là đã “thoát ly” quá nhiều khỏi kiến thức hiện tại, cứ luôn muốn tìm một nét riêng vì thế tôi bị đánh rớt trong danh sách cuối cùng tuyển chọn. Không chỉ thế, khi tôi bắt đầu thả hồn vào thơ văn, tìm đến văn chương như một niềm an ủi thì bạn bè đôi người lại trêu ghẹo theo kiểu tôi “’sống trên mây”. Tôi đã rất buồn trước những lời trêu chọc đó.

- Họ có phải là bạn chị không? Mà em nghĩ là không nhỉ, vì bạn bè thì sao có thể trêu chọc và làm tổn thương nhau được? Nếu thế, chị nhớ ngày chúng ta còn nhỏ em đã nói gì với chị không?

“ Nếu đã là người dưng sao phải dành thời gian để buồn?”. Nó nhẹ nhàng lấy ra những bài thơ tôi được đăng, những sự cố gắng mà tôi viết đầy những trang giấy, lại kể cho tôi nhớ lại tôi đã vui như thế nào khi được thầy cô khen ngợi; Còn kể thầy Châu, giáo viên dạy văn của tôi đã ủng hộ tôi như thế nào khi giới thiệu tôi với một số nhà thơ, nhà văn để họ truyền dạy kinh nghiệm. Nó cho tôi hiểu sự khác biệt giữa những người đứng về phía tôi và khuyên tôi đừng nên buồn vì những người không xứng đáng.

Tôi cũng đi nhanh chóng đi qua những năm tháng của đời mình với sự cổ vũ động viên từ người em sinh đôi vẫn luôn giống mình như tạc. Để rồi tôi nhận ra dường như tôi chỉ luôn nghĩ rằng mọi khó khăn của mình là lớn nhất, tôi ỷ mình được nó bảo vệ và che chở nên nghĩ cuộc sống với nó quá dễ dàng. Vì tôi đã không biết do sự ích kỉ của bản thân hay sự huyễn hoặc rằng nó không gặp gì khó khăn để sống tiếp cuộc đời mình, cũng vì chưa bao giờ tôi nghe nó than thở gì ngược lại.

Khi chúng tôi sắp sửa vào đại học thì mẹ mất vì căn bệnh tái phát, một mình ba gánh gồng ở dưới quê không đủ để có thể nuôi hai đứa, lúc này cả hai đứng trước sự lựa chọn nên học tiếp hay dừng lại. Ngày nộp hồ sơ thi đại học đã đến rất gần mà cả hai đứa vẫn rối bời sự lựa chọn. Ngày ấy, khi hai đứa trằn trọc cả đêm trong căn phòng trọ nhỏ, nó nói với tôi:

- Em sẽ nghỉ học, em sẽ đi làm để lo cho việc học của chị. - Rồi như nó sợ tôi sẽ ngăn cản nó vội tiếp - Vì em cảm thấy em học không tốt như chị, nếu phải lựa chọn một trong hai đứa có lẽ là nên để chị học tiếp. Bù lại, chị phải cố gắng để sau này nuôi lại em nhé?

Giọng cười của nó vang cả một góc trời đêm và dập tắt luôn cả những lời tôi định nói, mà kì thực lúc đó tôi đã không đủ mạnh mẽ để ngăn cản quyết định của nó. Nó sau đó làm đủ nghề để kiếm tiền học phí cho tôi, cũng kinh đủ moị khó khăn trước những biến đổi của thời đại. Những hôm nó lãnh lương thì hai đứa lại ăn ngon thêm một chút, lúc nào nó cũng động viên tôi cố gắng học với những lời trêu : “ Chị phải học thật giỏi, kiếm tiền thật nhiều chứ em già đến nơi rồi.” làm tôi phì cười bớt áp lực lại. Tôi còn nhớ khi tôi học đại học, có một năm lớp cấp ba tôi họp lớp, biết tin tôi đỗ á khoa kì thi đầu vào, một vài người bạn ngày xưa đã chúc mừng và sau đó cũng có nhắn tin xin lỗi tôi. Tôi vẫn còn giận bởi những suy sụp của mình ngày đó, nó đã khuyên tôi:

- Em nghĩ rằng những vấn đề đã xảy ra chỉ là tồn tại ở thời điểm đó, còn bây giờ là hiện tại. Không nên dùng quá khứ đánh giá hiện tại. Em biết chị là một người suy nghĩ rất nhiều, còn em thì nghĩ rất đơn giản, thời điểm đó vấn đề đó phát sinh nhưng không có nghĩa là bây giờ vẫn còn. Chị có thể bỏ qua, tha thứ và chính tay chị làm những điều như vậy không tồn tại nữa.

Và tôi đã thực sự để những “người dưng” bước vào cuộc đời của mình một lần và họ đã trở thành những người bạn tốt của tôi cho đến hiện tại. Khi tôi tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại giỏi tôi nhanh chóng được nhận vào làm ở một công ty tốt. Thời gian ngày qua ngày tôi thăng tiến bằng sự nỗ lực của chính mình, thậm chí chỉ sau vài năm có thể mua được một căn nhà nhỏ trên phố, rước cả ba ở dưới quê lên, một nhà ba người, hai chị em tôi thay nhau phụng dưỡng ba. Công việc bắt đầu ổn định dần khi tôi dần thăng chức và tôi mới có thời gian nhìn lại cuộc sống xung quanh mình sau những nỗ lực không ngừng nghỉ suốt thời gian qua. Tôi để ý em tôi vẫn miệt mài đi làm hàng đêm đủ thứ ca, có khi từ sáng sớm tới tối mịt mới về chứ không ổn định như dân văn phòng như tôi. Nó luôn đi làm sớm trước tôi và khi tôi về vào buổi chiều thì có bận đến tận khuya nó mới mướt mồ hôi trở về trong bộ áo công nhân.

- Hay để tao xin cho mày một chân làm việc trong công ty. Mà - Lúc này tôi mới để ý sao mình có thể vô tâm đến vậy? - Mày làm công việc gì mà tối ngày vậy?

- Thôi, công ty chị lớn vậy em vào không nổi. Ngày thì làm ở xưởng, tối về phụ thêm ông bác bán giày nên mới về trễ.

Tôi định cản nó nhận ít việc đi nhưng nó chỉ khua tay vì quen làm việc nhiều vậy rồi, đến độ tôi nhận ra ngay cả khi tôi bắt đầu có cuộc sống sung túc tôi vẫn chẳng thể lo nổi cho em mình. Một lần, nhân lúc rảnh rỗi tôi ghé sang tiệm giày mà em đang bán, tôi thấy ông chủ đang mắng nó vì những lỗi lầm không đâu, nhưng nó chỉ cúi đầu nhận lỗi không nói gì. Trong khi không chỉ tôi mà những người qua đường cũng chỉ biết cảm thán câu : “ Già rồi trái nết nên cứ tìm cớ mắng con nhỏ.” Lúc đợi nó giờ cơm chiều tôi một hai bắt nó nghỉ việc.

- Bác già rồi, con cái lại ở xa nên đôi lúc khó người lại mắng. Những khi bác mắng em cứ xem bác như “người dưng” là mọi thứ nó trôi tuốt hết thôi. Còn khi mà ngẫm lai, lại thấy thương bác, bỏ đi không đặng.

Vừa kịp nhác thấy nó đang ăn cơm chiều với tôi, ông chủ nó chống gậy bước ra đưa cái cà mèn có ít cá và dăm ba miếng thịt ở trỏng đưa nó: “ Ăn chi mà khô khốc, dưới bếp còn có canh, hai bây xuống lấy ăn.” Cứ như ông ấy đã quên mới vừa mắng nó rất nặng, nó lắc đầu cười cười : “ Mắng đó rồi thương đó, già rồi mau quên lắm chị.”

Năm ba mươi tuổi, tôi lấy chồng. Ngày tôi cưới ba tôi khóc rất nhiều, còn nó lại đứng cạnh để ba tựa vào vai như ngày còn bé nó vẫn luôn đỡ mẹ. Tuyệt nhiên không hề khóc. Tự nhiên tôi thấy trái tim mình chững lại đi một nhịp, không phải là hối hận khi tìm được hạnh phúc, chỉ cảm thấy dường như suốt cả cuộc đời mình tôi chưa bao giờ làm gì cho nó, chưa bao giờ là điểm tựa cho nó tựa vào. Vậy mà giờ tôi lại cưới, lại một lần nữa để nó gánh gồng mọi thứ và lo lắng cho ba. Dường như hiểu được suy nghĩ của tôi, nó phì cười ôm tôi thật chặt trước khi đưa tôi lên xe hoa : “ Thôi nào, đừng cư xử như một người dưng như thế. Vì chị là chị của em, đó đã là chỗ dựa, là niềm tin, là động lực để em cố gắng đến tận bây giờ rồi.”.-./.




VVM.29.3.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .