M ặt trời úp chảo lửa xuống nhân gian. Chiều nay thượng đế ban cho con dân thành phố một khung trời xanh biếc, trong leo lẻo và không một ngọn gió. Ngài ngồi đâu đó trên thiên đàng, nhăn nhó tự hỏi bọn người ngu ngốc kia, chúng tham vọng gì ở mấy tòa nhà cao tầng và những con đường bê tông láng nhẫy, mà đốn hạ hết lớp cây xanh cổ thụ đến lớp cây vừa mới chớm che tán. Các con tranh giành nhau làm gì từng tấc đất thị thành để đến nỗi bao nhiêu mặt hồ lộng gió bị lấp bằng hết? Nhiệt độ ngoài trời hôm nay chỉ mới 38 độ thôi. Bọn điện lực lại giở chứng cúp điện tới 8 giờ tối. Tha hồ cho các con ngáp, cho các con lột hết quần dài áo lót để trơ ra tấm thân phì nộn, cái bụng thùng nước phở vì ăn quá nhiều thực phẩm chứa li-pít. Bây giờ là cuộc chiến giành nhau từng centimet vuông bóng râm. Chui rúc vào nhau. Chổng mông vào đầu, thọc chân vào mặt nhau dưới tán cây xanh. Mấy bóng cây héo úa không thể che chắn chảo lửa của thượng đế. Đã có nhiều người nhảy ùm xuống mấy chiếc hồ, màu nước xanh thum thủm cùng xác cá nổi vật vờ.
Ở tít trong một ngõ phố vắng, hun hút tường rêu cổ, chật chội lối đi về. Có một A-đam trẻ ngồi thảnh thơi dưới giàn thiên lý trước gian nhà bếp ngói xô xộc xệch. Nắng tới đây hình như dịu đi đôi chút, chỉ lốm đốm kéo từng vòng, từng hàng trên mặt đất như chuỗi tiền năm xu ngày xưa anh chàng thường xâu lủng lẳng trên dải rút quần. Hai mẹ con nhà mèo khoang nằm dưới góc hiên, dang bốn chân lên trời, mắt nhắm tịt, cái lưỡi nhỏ đỏ hỏn thè lè thở nhè nhẹ. Tuần tới nếu nhiệt độ vẫn cao, A-đam sẽ đưa bà ngoại về quê. Anh sẽ cột chiếc võng đay dưới gốc cây mít mật, tán lá như chiếc ô khổng lồ che hết một góc vườn. Gió từ ao sen thoảng lên mùi bùn hăng hắc lẫn mùi hương dìu dịu. Về quê là một thú đam mê không cưỡng nổi. Chỉ buồn cái việc bà chống gậy lọ mọ đi hết nhà này tới nhà khác, toàn những nhà có con gái mới lớn, ướm hỏi.
- Ông bà (bác bá) gả con bé cho thằng Mít nhà em nhá. Cháu nó xin được việc làm ngoài phố rồi, lương dững mấy “chiệu”. Dưng mà ngoan lắm, không “diệu chè, chai gái” gì cả.
Bà ngoại đúng là người dân làng Việt cổ còn sót lại, ăn nói đặc sệt quê kiểng. Gặp người đáng tuổi con mình mà cũng xưng em với họ. Mấy năm thị thành, da mặt dày thêm mấy phân mà A-đam vẫn xấu hổ mỗi khi nghe bà gạ gẫm chuyện vợ con cho mình. Cái nhà trong ngõ phố này là của ông ngoại để lại, từ hồi ông còn là cán bộ văn hóa thành phố. Ông nghỉ hưu, tìm về quê để gửi gắm xương cốt, còn bà ngoại lại đòi lên phố giữ căn nhà nhỏ thời bao cấp. Nó lở loét tường vách, dột xiêu mái ngói, nhưng lại là nơi chứa đầy kỷ niệm vợ chồng thời xa lắc, mỗi khi bà gồng gánh bu gà túi gạo từ quê ra phố thăm chồng. Bà ngoại chỉ có mình mẹ, mẹ lại có mình A-đam. Bà cố giữ ngôi nhà nát, hi vọng thằng cháu sau khi ổn định công việc sẽ có mảnh đất mà xây nhà. Đất thị thành “tấc đất tấc vàng” đấy con ơi, mảnh đất bằng manh chiếu lớn của ông ngoại ăn đứt ba mẫu vườn quê.
- Mua gì không anh ơi! Ví da, thắt lưng, nhiều loại đẹp lắm.
A-đam choàng tỉnh cơn mơ màng vì tiếng con gái dịu dàng. Một cái thùng gỗ nhan nhản hàng hóa chìa ngay trước mặt. Sách tướng số, lịch vạn sự, bật lửa ga, ví, điện thoại di động cho trẻ con, bàn cạo râu, cây lấy giáy tai... Cả một cửa hàng bách hóa di động. Một dây da to bản móc vào hai đầu thùng, ngoắc vào cần cổ cô gái. Đằng sau cái thùng gỗ là chiếc bụng phụ nữ ưỡn ra, hai cánh tay đeo bao kín đến khuỷu khua khua như kẻ bơi đứng. Trên đôi vai gầy là khuôn mặt che kín khẩu trang, chỉ hở ra đôi mắt lá răm sáng. Chiếc nón lá lệch nghiêng bởi mấy lọn tóc đen dài.
- Bỏ khẩu trang với nón ra xem nào.
- Anh có mua không mà lo nón với khẩu trang. Hay mua cuốn phóng sự CÁI CHẾT CỦA HOA HẬU PHƯỜNG nhé, chắc anh là dân bàn giấy, xem hấp dẫn lắm.
- Thì cô cứ bỏ khẩu trang ra. Tôi phải xem người bán thế nào thì mới mua chứ.
- Khiếp! Người kỹ tính quá.
Chiếc khẩu trang tháo ra. Chiếc nón hạ xuống tay phe phảy quạt. Một E-va còn khá trẻ. Cô này chắc chưa quá băm, còn dễ coi. Nhưng sao gầy thế.
- Nhìn gì mà như nhìn kẻ cắp. Có nước cho em xin ngụm.
Cốc nước lọc từ từ chảy qua cái cần cổ thanh mảnh, lấm tấm muối mồ hôi đọng lại từ sáng ngày. Cô gái cố nở một nụ cười cầu tài.
- Nhà anh có giàn thiên lý giống nhà em quá, nhưng giàn thiên lý nhà em thưa hơn. Suốt ngày bọn trẻ lấy sào chọc hoa, thành ra trụi gần hết lá. Anh mua giúp em thứ gì nhé. Đúng là toàn đồ bình dân thôi, nhưng nếu anh mua giúp em một thứ là giúp cho bao nhiêu phận nghèo.
A-đam suýt bật cười thành tiếng vì lối ăn nói của E-va. Nóng nực quá, muốn ghé nghỉ nhờ xin ngụm nước uống thì cứ tự nhiên, còn giở giọng “văn cao” tiếp thị. Ngày xưa, trên vườn địa đàng, con rắn nó xúi giục nàng E-va bằng giọng này, chắc bị ăn gậy rồi. Chiếc thùng gỗ đã được tháo ra khỏi cổ E-va, đặt xuống đất. Cô nàng đi đi lại lại dưới giàn thiên lý, tay phe phảy chiếc nón. A-đam rời mắt khỏi cặp vú bánh dày hằn ướt trên ngực áo, bực bội nhìn cái bụng ưỡn về phía trước. Con bé này bị chiếc thùng bách hóa treo đằng trước tạo dáng rồi.
- Suốt ngày cứ thế à?
- Anh hỏi cái dáng em phải không? Đeo chiếc thùng này từ năm 14 tuổi, năm nay 30 lá vàng rơi. Cái bụng cứ phải ưỡn ra để giữ thăng bằng, mãi thành tật không sửa được.
- Cô có chồng chưa?
- Con thì 4 đứa. Chồng thì chưa. Với lại em xác định là không lấy chồng.
A-đam ngạc nhiên. Đã từng chung đụng với hàng tá E-va, trẻ có, nạ dòng có, kinh nghiệm cho anh thấy cặp bánh dầy kia còn ngon, chưa nhầu nhĩ vì con cái. Bây giờ mà dụ được con bé vào nhà tắm, rồi bế nó lên giường nhỉ. Mình sẽ nghiệm thu xem lời nói của cô ta đúng hay sai. Dáng E-va đong đưa lại gần, cái bụng cứ ưỡn ra, khó coi. Hai cánh tay khua khua như bơi chèo. Anh nắm được một bên cổ tay. Nó tròn và nhẵn mịn. Mát lẽm. Cánh tay kia theo phản xạ che lên ngực.
- Đừng anh! Có mua gì giúp em thì mua. Đừng trêu chọc em tội nghiệp.
A-đam thở dài, hơi bị ngượng. Anh nhặt một chiếc bật lửa ga, một cây súng nhựa bóp cò nổ tành tạch. Cô gái trả lại mấy nghìn tiền thừa. Anh xua tay bảo thôi.
- Có sách Tử vi tướng pháp, lúc nào kiếm cho tôi một cuốn nhé!
- Vâng! Mai em sẽ đem lại.
Chiếc thùng lại được đeo lên cổ, kềnh càng trước bụng E-va. Chào anh nhé! Lời nói hình như không thốt ra từ miệng, mà từ cánh tay phải khẽ hua hua bên nách. Phì! Người ngợm trông cũng được, phải cái dáng khó coi quá.
A-đam bị ngã xe. Nhẹ thôi nhưng cái mắt cá chân đỏ tấy, sưng nhức. Hôm nay trời bỗng dịu đi, mây đen phủ khăn choàng lên tòa nhà HIV cao nhất thành phố. Thượng đế dụi mắt ngái ngủ, hấp háy nhìn xuống nhân gian, thấy chàng A-đam cuống cuồng dắt xe ra khỏi chiếc sân rắc đầy lá thiên lý. Đêm qua anh chàng bị mộng tinh, ướt hết chiếc quần lót. A-đam mơ được làm tình với nàng E-va lúc ban chiều. Thật chẳng ra thế nào. Có hôm ngồi ôm ấp E-va hoa hậu bên Trung tâm văn hóa cả buổi tối, đêm ngủ yên có mơ mẩn gì đâu. Từ nhà bước ra là con đường dẫn tới phố K, đầu phố K chình ình một cái lô cốt án ngữ từ 6 tháng nay. Nhìn bọn người hạ giới cùng xe cộ chen chúc nhau bên lô cốt, tiếng động cơ xe ầm ào, tiếng còi chói tai và mùi khói khét lẹt làm thượng đế buồn nôn. Chàng A-đam nhỏ bé vọt xe lên hè đường, định lách vượt lên trên. Rầm! Nó quệt phải chiếc máy cắt sắt để trước cửa hàng gò hàn, ngã lộn nhào. Bàn chân như vỡ ra, đau điếng.
Ba giờ chiều, tấm khăn đen trên tòa nhà cao tầng đã vén lên. Mặt trời lại hì hụi rắc than hồng xuống hạ giới. Nàng E-va bụng ỏng thấy cổng khóa ngoài, biết A-đam không có nhà. Cô nhìn giàn thiên lý râm mát, cổ họng khô lại vì khát nước. Bỏ cuốn Tử vi tướng pháp vào túi ni lon, treo cẩn thận phía trong cánh cổng, rồi khua khoắng hai tay đưa chiếc thùng hàng di động đi chỗ khác. Hôm nay phải cố đi thêm hai khu phố nữa để bán cho được năm chục nghìn tiền lãi. Mai sinh nhật bé Thơm, phải mua cho nó chiếc bánh ga-tô nhỏ. Hôm nay anh chàng đa tình kia đi đâu nhỉ. Nếu anh ta ở nhà, chắc chắn sẽ ngạc nhiên vì thấy E-va mặc chiếc áo phông trắng bó sát eo, rất gợi vì trước ngực hở hơi sâu. Cô vẫn cảm thấy hơi nóng hâm hấp bàn tay anh chàng trên cổ tay mình. Đi bán hàng rong hơn chục năm nay, cô đã cảnh giác với những bàn tay đàn ông sàm sỡ vồ lên ngực, cấu vào chỗ kín. Chưa có ai nắm cổ tay cô như anh ta cả. Cô thèm một bàn tay thân thiết, một chỗ níu vịn cho thân phận. Khó quá, hay là không thể. Năm 10 tuổi, cô nắm bàn tay cha lần cuối, lạnh ngắt vì ông chỉ còn thoi thóp thở. Bốn năm sau, mẹ cô bị chết đuối khi bơi thuyền ra sông vớt củi. Cô chạy sấp ngửa ra bờ sông, khóc ngất, chỉ kịp nắm bàn tay mẹ buốt giá, xanh lợt và nhớp nháp, trước khi dân làng đưa bà vào quan tài. Từ khi được một nhà hảo tâm cho chút vốn sắm chiếc thùng bán hàng rong, cô lang thang khắp làng trên, xóm dưới. Lối bán hàng tận nhà hồi đó sống được vì không có người cạnh tranh. Mấy năm sau những người bán hàng như cô nhiều nhan nhản. Họ không đeo thùng hàng trước ngực như cô mà để trên xe đạp. Mới đây họ còn đóng hẳn chiếc xe bốn bánh, xếp được nhiều hàng hơn, trên xe lại có loa, cát-sét ca hát rầm rĩ. Cô ra thành phố tiếp tục lang thang với chiếc thùng cũ. Bây giờ có xe buýt, từ ngoại thành vào trung tâm thành phố cũng nhanh. Sớm hay muộn, cô không thể về nhà sau 7 giờ tối.
Khập khiễng dắt xe máy ra khỏi bãi gửi xe, A-đam muốn ghé quán bia hơi sát bờ sông cổ. Con sông này giờ chỉ còn lại cái tên. Dòng nước đã bị thu hẹp, ô uế vì chất thải trong thành phố. Dù mùi nước sông bốc lên thum thủm, nhưng dọc bờ sông lại có những hàng cây cơm nguội tán rộng và mát. Những quán bia hơi bám nhếch nhác theo từng cụm tán cây. A-đam cũng như mọi công dân nghiện bia hơi trong thành phố, đã quá quen với mùi vị dưới dòng sông. Nhao vào một chiếc ghế nhựa cũ. Run rẩy cầm cốc bia vàng óng sủi tăm và lạnh mát lên, nhắm mắt lại tận hưởng. Mặt trời thèm thuồng, ghen tị nhìn những bản mặt đã dậy màu đỏ lựng, nhìn những cốc bia lạnh mát mà rùng mình. Ngài vốn ưa nhiệt độ cao. Những khuôn mặt đỏ thì đẹp, nhưng đụng cốc bia kia thì mặt trời sẽ ngất xỉu. Tiếc rẻ liếc mắt đi chỗ khác, mặt trời thấy A-đam từ trong quán bia bước ra, tinh thần vô cùng phấn chấn. Suýt nữa thì đụng xe vào một E-va ăn mặc mô-đen xách chiếc hộp bánh. Nàng chắc cũng đang vui nên không tháo dép gây sự với kẻ say bia. A-đam thình lình dừng xe lại. Cái dáng đi ưỡn bụng về đằng trước, hai tay khua khoắng kiểu bơi chèo kia sao quen quá.
- Này! Cô bụng ỏng!
Ai gọi mình mất lịch sự thế nhỉ. A! Anh chàng có bàn tay ấm.
- Anh nhận được cuốn Tử vi tướng pháp chưa? Em treo ngoài cổng ấy.
- Hôm nay không bán hàng à? Sách vở nào tôi có thấy gì. Ôi thôi! Treo ngoài cổng khéo bọn nhóc lấy bố nó rồi. Về nhà anh chơi đi.
- Hôm nay sinh nhật con gái em. Để hôm khác vậy.
- Có con thật à?
- Bốn đứa cơ ông ơi! Ai thèm nói dối.
- Lên xe đi anh chở về. Nhà ở đâu?
E-va ngập ngừng, nhưng lại thấy tiếc. Đôi mắt lá răm liếc xéo, cười long lanh.
- Nhà ở ngoại thành, cách đây 16 cây số. Hơi xa đấy.
A-đam nhếch mép cười. Chuyện nhỏ. Trong bụng anh chàng đang có một dự định khác. Có thể là mờ ám, cũng có thể là tò mò. Chiếc xe chạy theo dọc đê, bãi bồi giữa sông lao xao những gió và tiếng lá ngô lắm chuyện. Cổng vào làng có gốc đa cổ thụ, y như lối về quê ngoại A-đam. Cái ngõ tun hút sâu, tường gạch rêu mốc cũng giống lối về nhà anh. Cánh cổng xộc xệch đóng bằng gỗ tạp mở bung. Bốn đứa trẻ con trứng gà, trứng vịt khoảng 5 đến 7 tuổi chạy ùa ra, reo hò: “A! Mẹ về!”. Hai thằng trai lớn tranh nhau đỡ hộp bánh và túi rau, bầu. Con bé lớn khoanh tay chào khách. Con bé út nhảy ngay lên bám cổ mẹ.
- Sao mẹ về muộn thế. Có làm sinh nhật cho con không?
- Có chứ! Có chứ! Con gái yêu của mẹ hôm nay quét nhà chưa? Các anh chị đã chuẩn bị quà tặng sinh nhật bé chưa?
- Rồi ạ!
A-đam lung túng. Tại sao mình không mua quà sinh nhật cho con bé nhỉ. Đoảng quá. Thôi mình sẽ cho nó tiền mua áo. Trông kìa. Khi A-đam cúi xuống bế con bé lên, cái bụng cô không ưỡn ra, hai tay cũng không khua kháng nữa. Cô bỗng đẹp một cách bình dị. Cô nhìn khách, cười rất tươi.
- Con em đấy! Đứa thì xin ở bệnh viện. Đứa thì nhặt ngoài đê mang về. Năm mẹ con sống khổ cực nhưng vui lắm. Em chỉ tiếc là không đủ tiền cho ba đứa lớn đi học.
A-đam thấy nhói trong ngực. Nhìn lên giàn thiên lý thấp tè và lưa thưa lá sắp đổ, anh tự hỏi ngày chủ nhật mình có thể đến sửa lại cho họ không? Hay mình mua ít sách tập đọc, tranh thủ buổi tối đến dạy cho mấy đứa học?
Mặt trời mới xuống ngang bến đò. Dòng sông đỏ rựng và lấp lánh sóng nước. Mùi hoa thiên lý thơm thoang thoảng giữa khoảng trời chật hẹp và nóng nực. - ./.