N
gười đàn ông ngồi lặng yên như dõi về một nơi xa xôi nào đó. Trước mặt là ly cà phê không đường sánh đậm, thói quen thức đêm của những ca trực. Bên kia con đường nhà thờ với tháp chuông cao lấp lánh ánh đèn. Noel đang về, trong ông một nôn nao khó tả… Chợt có một giọng trẻ con khẽ khàng:
- Ông ơi! Đánh giày không ông? Giật mình, ông quay sang nhìn cậu bé đánh giày, ánh mắt chừng khựng lại như bắt gặp một hình ảnh quen thuộc trong ký ức.
- Ừ, em đánh giày dùm tôi! Nó! Cậu bé đánh giày trong ký ức rất nghèo của ông ngày xưa. Cha mất sớm, chỉ còn mẹ và nó. Cuộc sống khó khăn trong xóm lao động nghèo. Cha là một nhà giáo, nên ước mơ của cha là nó được học hành nên người. Trước khi mất, cha còn dặn mẹ đừng để nó thất học. Ngày đó còn nhỏ nhưng nó đủ khôn để cảm nhận sự mất mát không có gì bù đắp được.
Mẹ tần tảo với gánh chè rảo quanh con phố. Đêm về hai chân mỏi nhừ, đau nhức! Nó thương mẹ quá! Một ngày nó nói với mẹ suy nghĩ cứ len lỏi trong đầu nó:
- Mẹ! con học buổi sáng. Chiều, tối mẹ cho con đi đánh giày kiếm tiền phụ mẹ nhé.
Đang nằm mẹ ngồi bật dậy:
- Việc đó để mẹ lo. Con chỉ cần tập trung học thật tốt là mẹ vui rồi.
- Mẹ à! Con hứa học giỏi, mẹ cho con giúp mẹ được không?
- Không được!
Mẹ cao giọng, nó giật mình không dám nhìn mẹ. Nhà có hai mẹ con, mẹ lúc nào cũng nhẹ nhàng, thương yêu nó như thương luôn phần của cha.
Mẹ quay mặt đi, hình như mẹ khóc, nó không dám nhắc lại chuyện đó nữa.
Mùa đông năm đó mẹ bịnh. Không còn đi bán dạo được nữa, mẹ bày ra đầu ngõ xóm trọ. Chiều nào nó cũng phụ mẹ dọn hàng, gánh chè của mẹ ít hơn hồi bán dạo nhiều. Đêm đó nằm ôm lưng mẹ như mọi khi, nó không sao ngủ được, đánh bạo nói với mẹ:
- Mẹ ơi! Mẹ cho con kiếm tiền phụ mẹ nhé! Chừng nào mẹ khỏe con sẽ không làm nữa, con mười một tuổi rồi còn gì.
Nó đã lên lớp sáu. Không còn là học sinh tiểu học, nó thấy mình đủ lớn để có thể phụ mẹ trong mọi việc, tự hứa với lòng: “Không để mẹ thất vọng.”
Mẹ quay lại, nâng đầu nó lên cánh tay, nhìn nó thật lâu như suy nghĩ, rồi lên tiếng:
- Mẹ không yên tâm khi để con ra ngoài kia một mình.
- Con đi với thằng Út con thím Ba sát bên nhà mình, mẹ đừng lo.
- Con hứa với mẹ không ảnh hưởng việc học, không về quá chín giờ đêm. Được không?
- Dạ, con hứa với mẹ.
Nó đã trở thành cậu bé đánh giày như thế đó! Bữa đầu tiên đi làm, mẹ ra đầu ngõ đón nó, hỏi rối rít:
- Con mệt không, đói bụng không?
Mẹ ôm vai nó xiết chặt, lần đầu tiên nó đi một mình không có mẹ, ngoài việc đi học.
Vô nhà nó đưa tiền cho mẹ nói:
- Hôm nay con làm được nhiêu đây, mũi nó phổng lên, cảm giác sung sướng vì đã giúp được mẹ.
Những đồng tiền lẻ được mẹ vuốt thẳng. Đêm nằm mẹ ôm nó vào lòng, mắt nhắm nhưng nó biết mẹ không ngủ. Nó nghe được tiếng thở dài của mẹ dù rất khẽ.
Công việc cứ thế, nó quen dần từng gốc phố, từng quán cà phê quen thuộc gần khu nhà trọ. Có những đêm nó phải đi xa hơn để kiếm khách đánh giày. Mẹ mỗi ngày một không khỏe, nó hỏi thì mẹ trả lời:
- Ừ, mẹ chỉ bị cảm thôi!
Tối qua mẹ ho nhiều, nó cảm giác bất an nhưng đi đánh giày về mệt, vừa nằm xuống là ngủ ngon lành. Mẹ với gánh chè đầu ngõ dù nắng hay mưa…
Một tháng nay mẹ không đi bán nổi. Mẹ bịnh liệt giường, mọi chi tiêu trong nhà đều nhờ vào tiền nó kiếm được. Nó đi xa hơn, cố gắng kiếm thêm tiền để thuốc thang cho mẹ. Nó mang theo bài học ngày mai, tranh thủ lúc vắng khách vừa đi vừa học, không muốn mẹ buồn, lo. Tối đi về ngang qua hàng cháo, nó mua cho mẹ chén cháo trắng và cái hột vịt muối mẹ thích ăn. Còn nó bưng tô cơm nguội hồi trưa vừa ăn vừa kể cho mẹ nghe đủ chuyện, có lúc mẹ cười nhẹ như hơi thở.
- Mẹ, thằng Út rủ con ngày mai qua bên khu nhà thờ, lễ giáng sinh đó mẹ, chắc kiếm được nhiều tiền.
- Con đừng đi xa quá và đừng về trể.
- Dạ con biết rồi. Nói xong nó quay qua ôm lưng mẹ thiu thiu ngủ, cảm giác bình yên, hạnh phúc khi còn có mẹ bên mình.
Chiều nay thằng Út rủ đi sớm hơn mọi ngày, nó háo hức… Xóm đạo vui hơn tết, nhà nào cũng có hang đá lấp lánh ánh đèn. Vừa qua tới đã có ngươi gọi:
- Ê! Hai thằng nhỏ. Vô đây đánh giày nè!
Thằng Út nháy mắt với nó như thầm bảo “Hôm nay vô mánh rồi đây!” Nó vui trong bụng, nghĩ sẽ kiếm được nhiều tiền cho mẹ. Hai đứa hắn làm không nghỉ tay, đến khi vắng khách nhìn đồng hồ đã hơn 9 giờ. Nó nghĩ đến mẹ đang trông ở nhà, định đi về. Tiếng thằng Út:
- Đức nè! Coi hang đá chút về.
Nó tần ngần… dù trong bụng rất muốn. Thằng Út lại lên tiếng rủ rê:
- Coi chút thôi. Không lâu đâu!
Thằng Út vừa nói vừa kéo tay nó đi về phía nhà thờ. Nó nghĩ bụng: “Ừ! Thì coi một chút, chắc không lâu đâu.” Và thế là hai đứa chen vào để được đứng gần hơn coi cho rõ. Thật đẹp…! Nó nghĩ, phải mẹ không bịnh đã đưa nó đi lễ. Nó nhớ ngày còn ba. Cả nhà cùng đi lễ. Bữa đó mẹ nấu một món ngon để ăn mừng giáng sinh. Nó say sưa ngắm nhìn, hình ảnh một gia đình trọn vẹn đầy yêu thương… Chắp hai tay cầu nguyện xin Chúa cho mẹ mau khỏi bịnh… Nó chỉ còn có mẹ là người thân duy nhất trên đời.
Sực tỉnh nhìn đồng hồ trên tháp nhà thờ, đã 10 giờ. Lật đật vừa đi vừa chạy, không chờ thằng Út. Nó nghĩ: “Chắc mẹ trông lắm…”
Hôm nay làm được nhiều tiền hơn mọi ngày, mua cháo cho mẹ xong. Ngang qua hàng bánh bao bên đường, nó dừng lại mua một cái tự thưởng cho mình, định bụng lát về nhà ăn với mẹ cho vui. Gấp gáp cho mau về nhà… Trước mắt nó, dưới ánh đèn đường vàng mệt mỏi, một ông lão đang co ro, trên tay là chiếc nón chìa ra cầu xin sự bố thí… Lại gần, tần ngần một chút, nó lấy cái bánh bao mới mua, nhìn ông lão rồi lại nhìn cái bánh bao… Cuối cùng nó cũng làm được điều mà mình muốn.
- Ông ơi! Con mời ông. Bánh bao còn nóng, ông ăn ngon miệng.
Nói rồi nó đặt bánh bao vào chiếc nón ông lão rồi ù chạy… Ông lão chưa kịp nói lời cám ơn đã mất hút bóng nó qua một khúc cua. Nó chạy nhưng cảm thấy lo, chưa khi nào về trể như bữa nay. Vừa về tới đầu xóm, bà Tám ve chai vừa thấy nó đã la lên:
- Thằng Đức mày mau lên, mẹ mày… Rồi bà nín bặt…
- Mẹ con làm sao???
Cảm giác có chuyện chẳng lành. Nó chạy nhanh vào nhà. Nhà ở cuối xóm, mọi ngày nó vẫn thường dọn hàng sao hôm nay con đường dài ra. Nó lao vào nhà như một cơn gió lốc, sà xuống bên mẹ gọi hốt hoảng:
- Mẹ ơi! Mẹ. Con về rồi.
Mọi người trong xóm tụ tập trước cửa. Ông Tư đi tới đi lui lo lắng nắm tay nó…
Giọng mẹ thiều thào, hụt hơi:
- Con về rồi.
Nó bắt đầu cảm thấy sợ, ôm chặt mẹ rồi òa khóc:
- Con xin lỗi mẹ, tại con mê chơi nên về trể.
- Con không có lỗi. Người có lỗi là mẹ. Con chỉ là một đứa trẻ. Sau này mẹ không ở bên con lo cho con được nữa rồi…
- Mẹ! Mẹ nói gì con không hiểu.
Mẹ đặt tay nó vào tay ông Tư rồi nói:
- Trăm sự nhờ anh thương thằng Đức. Từ nay nó là con của anh. Tôi đội ơn anh nhiều.
Những lời mẹ trăn trối gợi lại cho nó hình ảnh cuối cùng của cha lúc sắp bỏ mẹ con mà đi. Lòng đau như cắt, nó ôm mẹ chặt hơn như dành lại sự sống sắp bị cướp đi… Mẹ nó rướn người lên gom hết chút sức tàn:
- Mẹ yêu con!
Giọng nói như gió thoảng đi vào tâm nó suốt cả cuộc đời. Nó gào lên:
- Mẹ ơi! Đừng bỏ con. Con xin me. Mẹ ơi!
Mặc cho nó gào thét, bàn tay mẹ nắm lấy tay nó từ từ lỏng ra… Tiếng gào khóc xé lòng. Trên đôi mắt chưa nhắm của người mẹ còn lăn dài nước mắt.
- Mẹ ơi! Mẹ bỏ con một mình sao???
Mẹ không trả lời! Không ai trả lời nó. Như con thú nhỏ bị lôi xềnh xệch tách rời mẹ, nó sợ hãi hết khóc rồi rên ư ử… Nó ước gì được đi cùng mẹ. Chén cháo trắng nó mua về cho mẹ lật đật sớt ra tô để trên bàn đã lạnh tanh…
Xóm trọ ngày thường mạnh ai nấy sống. Nhìn thấy thằng bé mồ côi ai cũng xót xa… Mọi người bàn tính chung tay lo hậu sự cho mẹ nó. Có lẽ cái chết có sức liên kết những người xa lạ với nhau. Nó là mối dây khơi gợi tình người bên trong những bề ngoài khác nhau. Tiếng khóc mất mẹ của một đứa trẻ xé toang màn đêm. Sự bình yên trốn đi và gió nén tiếng thở dài…
Đám tang mẹ nó rồi cũng qua. Hài cốt mẹ được gởi trong nhà thờ, đặt bên cạnh ba nó. Ông Tư đưa nó về nhà. Đồ đạc được gói ghém, đem theo di ảnh của ba, mẹ. Trước đây lúc còn sống, mẹ hay nói chuyện ông Tư cho nó nghe. Ông tốt bụng, thương người. Ông Tư là chủ xóm trọ này, nhưng rất gần gũi, thân thiện. Nhà nào có chuyện ông đều ra tay giúp. Chính vì lẽ đó không ai muốn dọn đi…
Đã hai ngày nó lúc tỉnh lúc mơ. Nó không muốn tỉnh để chấp nhận sự thật ngoài sức chịu đựng. Đang lơ mơ nó nhìn thấy mẹ bên cạnh: “Con trai ngoan, dậy đi học thôi!” Mừng quá! Nó bật dậy, hốt hoảng gọi: “Mẹ! Mẹ ơi!”
Nhưng mẹ nó chỉ còn là sợi khói mỏng hư ảo… Bàng hoàng.
Phải, mẹ trong tâm trí nó đã không còn. Nhưng giấc mơ của cha và mẹ vẫn còn…
“Nó phải đi học…!” Người ta chỉ mơ khi ngủ, còn với nó là một giấc mơ thức tỉnh. Là hy vọng là hoài bão, là ước mơ của đấng sinh thành đã khuất… Giấc mơ thức tỉnh đó đã tồn tại từng ngày, là động lực để nó bước tiếp… Có những lúc nó tưởng chừng gục ngã với sự tuyệt vọng, với cái đói…
Ông Tư tuy tốt bụng nhưng mọi việc trong nhà đều một tay bà Tư làm chủ. Ngoài giờ đi học nó phải làm việc luôn tay với cửa hàng tạp hóa. Tới bữa cơm nó phải trông coi cửa hàng rồi ăn sau, dọn dẹp luôn. Có khi chẳng còn gì để ăn cho ra bữa… Có lần đi giao hàng cho bà bác bên kia lộ, bụng nó lại sôi lên vì đói trong cái se lạnh của tiết Đông sang. Tấm áo phong phanh bay phần phật theo cơn gió, thân thể gầy nhom như lạc đi trong sự mênh mông… Bất chợt nhìn thấy ổ bánh mì ai đó ăn dở dang, quăng bên cạnh thùng rác… Nhìn trước ngó sau xem có ai để ý không, nó nhặt vội khúc bánh mì còn trong bọc ny lon, lầm lì, ăn ngấu nghiến…
Bụng nó đã không còn réo lên vì đói. Nhưng tâm nó bị đè nặng một ám ảnh sự nghèo đói nô lệ… Nó quyết tâm! Một quyết tâm khiến nó không còn là một đứa trẻ hồn nhiên vô tư như bao đứa trẻ khác. Nó phải học. Phải tiếp tục giấc mơ thức tỉnh cho cuộc đời…
Cậu bé đánh giày ngày xưa bây giờ là một vị bác sĩ giỏi. Ông đã chọn một bịnh viện vùng quê, đem cái tài, cái tâm phục vụ những bệnh nhân ngèo. Ông không muốn có thêm những đứa trẻ mồ côi giống như mình. Noel năm nào ông cũng trở lại nơi này đốt nhang viếng cha mẹ. Góc cuối nhà thờ là nơi ngày xưa ông hay ngồi lặng đi để tỉnh lại, để tìm sự an bình trong những lúc buồn tủi nhất, đau khổ, tuyệt vọng nhất mà ông trải qua tưởng chừng không thể trên con đường mưu sinh…
Ông Tư đã không còn. Bà Tư già yếu, mừng rỡ mỗi khi ông về thăm. Trước đây bà không cho ông được tình thương một người mẹ… Nhưng bà đã cho ông cái gọi là gia đình dù có tạm bợ…
Chuông điện thoại reo, nhìn số điện thoại ông chợt bối rối…
- A lô!
- Dạ, anh Đức.
- Thy gọi anh.
Ông ấp úng chưa tìm ra từ để nói, thì đầu dây bên kia…
- Thy chúc anh bình an.
Một khoảng lặng… Ông nói nhẹ…
- Thy cũng bình an.
Lại thêm một khoảng lặng…
- Cám ơn anh!
- Cám ơn Thy.
Sự im lặng như nghe rõ tiếng thở dài từ đầu dây bên kia… Sự im lặng như soi thấu phần sâu nhất trái tim ông… Một tình yêu không trọn vẹn. Thy đã có chồng, vì ông đã chọn đại ngàn làm nơi chia sẻ yêu thương, sau thời gian làm bác sĩ thực tập. Nơi mưa ngập, nắng gắt với từng cơn gió khô khốc đã níu chân ông. Thy đã khóc rất nhiều khi lần cuối đến thăm ông. Đêm dưới trời lộng gió, trăng soi bóng hai người lặng yên. Lòng ông đau như cắt khi phải lựa chọn. Gia đình Thy muốn ông về thành phố… Quá khứ đau khổ, đói rét khiến ông xót xa khi nhìn sự thiếu thốn của người dân nơi đây. Nơi mà không có vị bác sĩ nào muốn ở lại. Họ cần ông.
Một cuộc gọi để biết người vẫn khỏe. Năm nào cũng một câu chúc bình an. Chỉ thế thôi! Ông nghe như đêm bớt lạnh. Tình yêu giúp cho cuộc sống trọn vẹn hơn. Không có tình yêu con người trở nên tật nguyền… Tình yêu ở trong tâm, và mỗi người thể hiện nó một cách khác nhau. Đã đến lúc ông nên đóng cửa phần đời đó lại, để cho Thy hạnh phúc trọn vẹn và để ông yêu thương người phụ nữ phía trước mắt trong mái nhà sắp tới của ông.
Cậu bé đánh giày được ông lì xì tờ tiền mới, toét miệng cười lấp lánh niềm vui…
Bước xuống con phố quen thuộc, chuông nhà thờ đổ từng hồi thánh thót. Lễ nửa đêm bắt đầu. Mùa giáng sinh đánh dấu một sự khởi
đầu tốt đẹp. Trong cái lạnh đêm đông, ông kéo cao cổ áo từng bước chậm hòa vào giòng người tiến vào nhà thờ. Cảm giác nôn nao như có ai
đó đang chờ… Ngày mai ông trở về nơi ông đã chọn. Để sống, để yêu thương… Và nơi đó là gia đình ông, là anh em…
Một vùng quê nghèo…! -./.