Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

ĐÓN XUÂN NÀY NHỚ XUÂN XƯA




C ó gì khác biệt? Hay ta còn nặng lòng hoài cổ? Cũng đã mấy chục mùa xuân nơi đất khách vậy nhưng mỗi độ xuân về thì ý nghĩ trên lại ẩn hiện trong đầu. Bạn tôi bảo: đó là triệu chứng của những kẻ xa quê. Tôi không phản đối vì anh đã có lý.

12 giờ đêm – Giao thừa 2008. Con gái tôi là người háo hức hơn cả. Cứ nhìn cháu ngước lên ngước xuống để coi đồng hồ treo tường cũng đủ nhận ra điều đó. Rồi chuông nhà thờ đổ 12 tiếng ngân vang... rồi tiếng pháo của một vài người hàng xóm đã vang lên rộn rã...

- Papa! Mama! Mình xuống đốt pháo thôi, người ta đốt hết rồi.

Con gái tôi ôm bọc pháo, miệng giục rối rít. Tôi bảo: Từ từ thôi con, chờ mọi người rồi cùng đốt cho vui. Con gái tôi mặt đỏ phừng, dáng vẻ thiếu kiên nhẫn, cháu dài miệng bảo: nhưng Papa ơi... mình xuống chậm người ta đốt hết bây giờ. – Cháu đổi giọng vẻ hờn dỗi – con nói cho Papa nghe nhé, Papa mà đốt pháo muộn là dông đấy. Hay là Papa muốn con bị dông cả năm? – Thôi nào! Vợ tôi đã sửa soạn xong mọi việc trong bếp, vào phòng khách thấy con gái nhấp nhổm, nàng bảo con: Từ từ thôi con, còn sớm mà! Con gái tôi phụng phịu: Nhưng mẹ ơi đã hơn 12 giờ rồi, hay là mẹ cũng muốn con bị dông à? Nói chưa dứt câu cháu đã kéo tay cả bố lẫn mẹ rồi giục cả nhà cùng bước xuống đường. Gia đình người hàng xóm cũng vừa xuống tới, thấy vợ chồng tôi và cháu chúc mừng năm mới bà và đám con cháu chỉ thoáng nhoẻn cười cùng một tiếng Hallo! Rồi họ cùng nhau nhào hết xuống đường.

Con gái tôi khẽ kéo tay bố, hỏi: Bố ơi! Sao người ta không chúc Tết mình? Bị hỏi bất ngờ nên tôi đáp đại: À, người ta Hallo mình đấy thôi. Con gái tôi không chịu, cháu kéo mạnh tay tôi bảo: Papa ơi, Hallo chỉ là chào mình thôi. Con đang hỏi Papa tại sao người ta không không chúc Tết mình cơ mà? Tôi vừa đi vừa giải thích nhỏ cùng cháu: Phong tục của họ là vậy, mình phải chấp nhận con ạ. Con gái tôi xem chừng chưa thỏa mãn với lời giải thích của bố nhưng chúng tôi đã đến điểm đốt pháo, và có lẽ mải vui nên cháu đã không kịp hỏi thêm về chuyện đối đáp vừa rồi. Giải thích cho con là vậy nhưng trong lòng tôi cũng không tránh khỏi bùi ngùi. Vào thời tuổi con gái tôi những ngày Tết mới vui làm sao. Đành rằng lúc ấy đất nước còn đắm chìm trong khói lửa chiến tranh, rồi hòa bình lập lại, người dân hai miền Nam-Bắc cũng phải nếm trải những tháng ngày nghiệt ngã của thời bao cấp nhưng không khí của những ngày Tết sẽ chẳng nơi nào được vui như thế, con người sống với nhau đầy chan hòa, tình thương và lòng nhân ái. Nhắc tới thời bao cấp tôi sực nhớ tới những tháng ngày gian nan nhưng cũng đầy ắp những kỷ niệm. Nếu đem so sánh nó với cuộc sống của thời Mở Cửa xem chừng hơi khập khiễng, nhưng khó ai có thể phủ nhận: Tết thời bao cấp vui và háo hức hơn bao giờ hết. Sẽ có người bảo: Giời ạ! Đó chỉ là tâm trạng ảo của những cái dạ dày cả năm lép kẹp, giờ nhân cơ hội ba ngày Tết được giải quyết "khâu oai" mà thôi. Cũng chí lý lắm, bởi thời ấy cả nước sống bằng chế độ tem phiếu. Nhiều người tếu táo bảo: Tem phiếu không phụ thuộc vào khuôn hình, dáng vóc của anh to hay nhỏ mà nó tính bằng lòng trung thành và mức độ cống hiến của anh cho xã hội. Thủa ấy nhất nhất mọi sinh hoạt của người dân đều phụ thuộc vào hệ thống các cửa hàng, gộp chung là: Bách hóa tổng hợp. Nhân viên các cửa hàng này ngoài những ngày "cao điểm" phải làm nhiệm vụ chuyên môn, còn ngày thường chỉ biết ngồi ngáp... vặt cho hết 8 giờ vàng ngọc. Vậy nhưng những ngày giáp Tết đội ngũ nhân viên ấy đã rùng rùng chuyển động. Nhân viên các cửa hàng đã được „quán triệt“ tới trước Tết cả mấy tuần. Những khuôn mặt vốn „mang hình viên đạn“ hay lạnh như băng của xứ sybiry đột nhiên biến mất, thế vào đó là những nụ cười „bội thu“. Có giá nhất thời ấy phải kể tới cửa hàng Thực phẩm và Lương thực. Có lẽ đoán được chức năng của mình nên vào những ngày giáp Tết, đội ngũ nhân viên của những cửa hàng này thường tự thưởng cho mình cái quyền được nạt nộ người khác.

- Thôi nào, thôi nào. Trật tự hết cả cho tôi nhờ. Ghớm khiếp quá đi mất. Đi sắm hàng Tết mà kéo đàn kéo lũ, xoong chảo nồi niêu, gạch đá lủng củng hết cả trong hàng. Người ngợm nhớn nhác cứ như phá kho thóc của Nhật không bằng. – Bà cửa hàng trưởng đập đập hai tay vào nhau để ổn định trật tự - xếp hàng gọn gàng ngay ngắn, thứ tự lại đi. Liệt sĩ, thương binh đứng trước, cô đơn, góa phụ, già cả không nơi nương tựa, trẻ nhỏ đứng sau. Không chế độ chính sách, tư thương, buôn bán, phe phẩy và vô công rỗi nghề đứng sau chót cho tôi. Cái hàng người rồng rắn và lủng củng những xô chậu, gạch đá... kia như đàn ong vỡ tổ, nhưng dưới sự giám sát của bà cửa hàng trưởng chẳng mấy chốc đã tạo thành một hàng thẳng tắp. Ấy vậy nhưng vẫn không tránh được những chuyện "phá rào“.

- Tránh ra, tránh ra cho người của gia đình liệt sĩ và thương binh hạng nặng lên đầu tiên nào. Một gã trung niên mặc quân phục nhầu nhí, tóc tai rối bời, nách cắp hai chiếc nạng gỗ tự chế, xiêu vẹo chen ngang lên phía trước.

- Sổ liệt sĩ và thương binh đâu?

Tiếng bà cửa hàng trưởng đột ngột vang lên khiến gã nọ giật bắn mình. Rồi khi thấy gã nọ giả vờ loay hoay tìm kiếm sổ sách trong người, một nữ nhân viên đứng cạnh đã gắt toáng.

- Sao lâu thế? Có biết thời giờ là vàng ngọc không?

Gã nọ gãi mang tai sồn sột rồi nhăn nhở cười: Bà chị làm gì mà máu thế. Nói xong gã chìa quyển sổ nhầu nhí qua lỗ cửa tò vò. Bà cửa hàng trưởng giật tọt quyển sổ từ tay gã nọ, nói như quát: Anh tính đùa giỡn với người nhà nước hả? Sổ liệt sĩ, thương binh đâu?

- Làm gì có. Gã nọ gãi mang tai cười trừ.

Bà cửa hàng trưởng trợn mắt quát: Bị điên à? Lành lạnh không muốn lại muốn toi mạng, tàn phế? Khôn hồn thì xuống dưới kia xếp hàng đi, bằng không đừng trách tôi ác. Gã nọ mặt ỉu xìu, đón lại quyển sổ từ tay nữ nhân viên rồi gã tiện tay túm luôn hai chiếc nạng gỗ vác lên vai thủng thẳng bước xuống cuối hàng trong tiếng ta thán của đám người đang chờ tới lượt. Chờ gã nọ bước xuống cuối hàng, bà cửa hàng trưởng mở toang cửa, bước ra ngoài lớn tiếng nói. Tôi truyền cho các người biết, khôn hồn thì ai về chỗ nấy, đừng giở trò lừa đảo trước mặt tôi, bằng không tôi mà phát hiện được là một hoa tôi cũng không bán. Lúc ấy đừng trách tôi độc ác. Cái hàng người tưởng như đã qui củ trước sau kia lại một lần nữa trở nên náo loạn xen lẫn tiếng văng tục, chửi rủa của những người bị thiệt thòi... Những cửa hàng Lương thực, Chất đốt, mắm muối... cũng diễn ra trong những khung cảnh tương tự. Nhưng rồi ai cũng nhận được tiêu chuẩn tem phiếu của mình. Nhiều người tay xách, nách mang nhưng vừa đi vừa hát véo von hệt như những đứa trẻ được thầy cô cho bánh kẹo nhân ngày hội lớp. Rõ khổ! Cả năm thiếu thốn chất nhờn, mồm miệng khô khốc, nứt nẻ hết cả. Tết đến nào thịt, cá, đậu, bánh, kẹo, mứt... thôi thì đủ thứ thập cẩm. Chưa mua được hàng Tết thì lòng như lửa đốt, vậy nhưng mua được rồi lòng dạ cũng chẳng yên. Thời ấy đã mấy nhà có tủ lạnh, thành thử những „sản phẩm bôi trơn“ đều được các nhà nhanh chóng pha chế theo đúng "barem" của mấy ngày Tết. Còn những khoản dôi dư đều được treo tuốt lên... trần nhà, để rồi chẳng ai bảo ai mọi người tự thay phiên nhau coi chừng đám mèo mất nết. Gặp những năm thời tiết đổ đốn nóng bức khác thường thì coi như hỏng bét cả cái Tết. Nhiều người bảo: Phải sống trong cảnh ăn bữa sáng lo bữa tối, lo từ cái kim sợi chỉ cho đến tiếng dao thớt... thì mới thấy được sự sung sướng được làm người trong ba ngày Tết. Ấy là nói nhỏ cho nhau nghe thôi, chứ để cho đám tư thương, phe phẩy nghe thấy họ chả cười cho vào mũi. Và đương nhiên với những người chân chỉ hạt bột, quanh quẩn với đồng lương ba cọc ba đồng đã không thể phủ nhận điều đó. Vậy nhưng ối người vẫn bảo: Tết thời bao cấp vui hơn, vẫn chứa chan niềm vui và hạnh phúc. Một nghịch lý chăng? Khi con người ta còn sống trong cảnh nghèo khó, con người đối xử với nhau chan hòa hơn, nhân bản hơn – giữa tôi-anh-chúng ta – những người cùng khổ còn có đếch gì để cho nhau vụ lợi? Nói vậy sẽ có người bảo: Hoài cổ! Hoài Cổ! Thật vậy ư? Vậy hà cớ gì ta không làm một phép so sánh với Tết thời Mở cửa? Tôi hỏi người bạn về phép Việt Nam ăn Tết cùng gia đình sau gần 30 năm ra đi "tìm đường cứu nước".

- Vui không?

- Vui! Bạn tôi đáp. Nhậu từ mở mắt tới... sáng rồi lại từ sáng tới… mở mắt luôn. Nhưng Tết bây giờ buồn lắm người ơi!

Tôi bảo: Mới về phép lần đầu mà đã ăn nói kiểu nước đôi. Vui là vui, buồn là buồn sao ông lấp lửng kiểu lẩu thập cẩm thế?

Bạn tôi ngồi lại ngay ngắn, hỏi: Ông vừa bảo lẩu gì?

- Lẩu thập cẩm. Tôi đáp.

Bạn tôi vỗ đét vào đùi đáp: Hết sức chí lý bởi nó đúng với khung cảnh xã hội hiện giờ. Còn cái buồn tôi vừa nói là cái buồn của không khí Tết cơ. Tôi hỏi ông, ngày xưa, Tết ông thèm món gì nhất?

Tôi đáp: Bánh chưng.

- Vậy là ông và tôi có nét tương đồng. Mà có lẽ thời ấy bánh chưng là đệ nhất thiên hạ rồi. Vậy nhưng ông biết không, tôi về phép, thèm nhìn lại khung cảnh cập rập của những ngày giáp Tết. Tôi muốn nhìn lại cảnh bà già tôi gò lưng tôm, hì hụi ngồi gói bánh chưng, còn mấy anh chị em tôi thì bâu quanh chờ bà già gói xong chiếc bánh nào là tụi tôi vội vã cướp lấy để cột lại từng cặp thật chặt, cho ông già tôi sắp bánh vào nồi luộc. Vậy nhưng ông biết không khi nghe tôi đề xuất thì đám cháu nó bâu lại rồi nhìn tôi, chun mũi cười đểu. Tôi hỏi: Chúng mày cười gì thế? Bà già tôi bảo: Chúng nó cười anh nói chuyện gói bánh chưng. Tôi bực mình quát tụi nhỏ: Bọn chíp hôi chúng mày thì hiểu gì về Tết. Đẻ ra đã có bơ sữa nhét vào mồm. Lớn lên đi học sáng không điểm tâm bằng xôi gà thì cũng phở tái gầu, cháo quẩy. Chúng mày còn thèm gì nữa mà chả chê Tết. Vậy nhưng ông bà già tôi cũng chẹp miệng bảo: Chúng nó nói cũng chẳng sai đâu. Ở nhà bây giờ mấy ai gói bánh chưng. Năm nay có anh về chúng tôi mới mua chục cặp bánh, chứ mọi năm, Tết đến cũng chỉ đặt một vài cặp cúng gia tiên. Rồi ăn trầy trợt cả vài tuần lễ. Anh không phải lo. Thích ăn bao nhiêu, ăn lúc nào tôi sẽ gọi người ta mang tới tận nhà, vừa ngon, vừa nóng. Thời ngày xưa các anh chị còn nhỏ, cả năm ky cóp đến Tết cố gói cho cả hơn chục cân gạo, rồi cả nhà lại ăn rụt ăn dè cho tới rằm tháng giêng. Gặp những năm trời nóng, bánh trái thiu mốc hết cả, vậy là vừa lãng phí vừa tiếc đứt cả ruột... Tôi trêu bạn: Vậy là anh em mình thuộc dạng "đồ cổ" rồi. Bạn tôi thở dài: Có lẽ vậy ông ạ. Chính vì thế mà Tết bây giờ "chán chả buồn chết". Giao thừa là giây phút thiêng liêng nhất của một năm thì anh chị em, con cháu bồng bế nhau biến hết về nhà tụi nó. Còn trơ lại tôi với ông bà già. Nhà cửa thì thênh thang. Pháo thì không được đốt. Đường xá thì lặng im như chết. Tôi ngồi ngắm ông bà già một hồi rồi cũng đành leo lên giường để "tọa". Sớm hôm sau thức dậy bà già tôi chẹp miệng bảo: Vậy là hết Tết. Tôi cự lại liền bị đám cháu chỉ trích: Việt Nam mình bây giờ ngày nào cũng là Tết hết. Bạn tôi chẹp miệng: Ngẫm lại chúng nó có lý ông ạ. Cần gì, tụi nó rút mobil rồi bấm toanh toách, alo-ali một hồi đã thấy tụi nó bưng đồ ùn ùn vào nhà. Có lẽ chỉ có tôi và ông – những thằng phải sống xa nhà mới thèm khát cảnh đón Tết thôi...

Thấy tôi đứng ngẩn người, con gái tôi bước lại khẽ giật tay tôi hỏi: Papa làm sao đấy? Sao Papa không đốt pháo? Tôi thoáng giật mình, nhìn con chống chế: Bố đang xem con đốt pháo đấy chứ.

Con gái tôi làm mặt giận. Nó khẽ hừ một tiếng rồi lủi thủi về nơi đang đốt pháo, nói: Chơi Tết với Papa chả vui tẹo nào.

Tôi nhào lại nơi con gái đang cùng vợ tôi tay run run nén nhang để châm ngòi quả pháo hoa to nhất, xúy xóa nói: Cả nhà mình cùng đốt nhé. Con gái tôi còn mặt giận nói: Papa hư mẹ nhỉ. Đón giao thừa mà cứ đứng thần người ra. Chưa nói hết câu pháo hoa của cháu đã bay vút vào không trung rồi giữa khoảng không gian đen thẫm đó phát ra một tiếng… ùng... kế đó là muôn vàn ánh hào quang tỏa sáng...

Việt Nam bây giờ đã gần 7 giờ sáng – ngày đầu tiên của năm 2008. Lại thêm một mùa xuân nữa tôi và vợ con phải đón Tết xa nhà...




VVM.14.02.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .