Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

NGÀY XUÂN TẢN MẠN LAN RỪNG




M ỗi năm khi đến độ xuân về, hoa khắp nơi đua nở, không nhà nào là không có hoa. Hoa mai, hoa cúc, hồng, hướng dương tượng trưng cho ba ngày Tết. Còn có hoa sen cúng Phật và nhiều loại hoa để cúng ông bà, ngày nay rất dồi dào phong phú, nhưng tất cả đều mong manh, trọn một kiếp hoa xôn xao quá lắm cũng vỏn vẹn năm baỷ hôm là tàn héo.

Duy nhất là loài hoa lan, không là nữ hoàng giữa rừng hoa xuân rực rỡ phô trương trên khắp đường phố ngõ nhà, mà thầm lặng hương sắc trong khung cảnh khiêm tốn tĩnh yên, không phồn hoa nhộn nhịp nhưng không chịu sự khe khắt mau tàn chóng úa. Thưởng thức hoa lan từ khi chớm nở đến lúc tàn cũng đến ba tháng, xong lại tiếp tục nở hoa khác.Có đủ thời gian để hòa quyện hồn hoa với hồn người. Tận hiến, không thiếu hụt, không chán chê. Không mau rũ rượi như hồng, không thời khắc như quỳnh. Không rực rỡ mời gọi như dã quỳ nhưng vẫn là thân bờ bãi.

Hàng trăm loài và hàng nghìn giống lan đa sắc đa dạng đầy vẻ kiêu sa lãng mạng thu hút khách yêu hoa. Cánh hoa lan không lớp lan đơn giản cùng màu cùng sắc như cúc, như mai, thược dược mà biến ảo không hoa nào giống hoa nào.Có những bông hoa cở đại nở chỉ một nụ, cánh hoa lớn gần bằng bàn tay, cứng cáp nhưng không thô thiển, bởi nhiều màu sắc đặc biệt tươi thắm, hoàng nhaït, tím mơ, tím thẩm, vàng hồng, đỏ tươi, rằng lên những đường kẽ trắng nhỏ như nét bút. Nổi bật trên mình hoa là những đốm nhụy nhieàu cách kiểu như nét pinceau đầy tài hoa của người họa sĩ. Khi chỉ một màu đơn thuần, khi thì điểm xuyết hoa văn muôn hình sắc thành những gam màu nhu hòa gợi cảm. Nhụy và hoa kết hợp thành những đóa mỹ miều chấm phá lung linh theo màu ánh nắng, sắc nước hương trời.Có loài lan nở một cành năm baûy nụ, có hoa nở cả chùm dài, hoặc cả bồn lớn, mỗi hoa mỗi sắc độc đáo, hương tỏa ngây ngất không loài hoa nào có được, mới biết thế nào là nghệ thuật siêu việt của bàn tay tạo hóa, mỹ tâm ban tặng cho loài người.

Đặc biệt có những cánh hoa thon dài trắng muốt như đôi chân mềm mại duỗi xòe không nhịp điệu, kề trên là cánh tay thon thả mượt mà múa lượn như đôi cánh thiên thần, giữa là đài hoa trải dài gam màu tuyệt bích trên nền trắng tuyết nhung nghiêng nghiêng mở xuống như thảm hoa quý phái dành cho vũ điệu tuyệt luân. Không thẹn với danh xưng Hoàng Hậu,Vũ Nữ, Giáng Hương, và mê hoặc hồn người với tên gọi Tiên Bạch Hải Hồng,Vũ Nữ Hồ Ly,hoặc tính cách văn nhân thiền đạo như lan Kim Cang, Trúc lam, Hồng Nhạn.

Nhiều hình dạng kỳ lạ như hoa Calanthe Triplicata, trắng như cánh hạc, một chiếc cổ dài nối với cái đầu thon thon, môi hoa màu hồng thắm hoặc đỏ thẩm như chiếc mỏ hạc đang cúi xuống mổ nhẹ trên đài hoa trắng muốt trông như tranh vẽ. Nên đặt tên cho loại này là Hạc Thưởng Hoa. Hoặc như Scuticaria Hadwenii hình dáng như một chú hề con nhồi bông, đội chiếc mũ cao thật nhọn, ngồi dạng thẳng hai chân, giữa lòng là một món đồ chơi trẻ con ngộ nghĩnh. Đó mới chỉ là một trong hơn ba vạn nụ bông kiểu dáng thiên hình vạn trạng, không thể nào kể xiết.

Tùy theo duyên hội ngộ mà lan có rất nhiều tên gọi. Dân dã như lan Đuôi Chồn, Bầu Rượu, Móng Rùa. Văn chương hoa mỹ như Bạch Ngọc, Vân Đài, Nhất Điểm Hồng, những tên Việt gần gũi mà cao sang, dù có pha phách Hán tự vẫn làm phong phú thêm cho tên tuổi loại hoa này, như Á Lan Xích Thổ, Mỹ Dung Dạ Hương…Tuy vậy, dù lan mọc ven sườn đồi hay trong rừng sâu vực thẳm trên đất nước Việt Nam, lan vẫn vinh dự được mang sứ mạng khoa học, nên tên lan đã được quốc tế hóa.

Ở Việt Nam có khoảng 150 loài ( Genus ) và 1000 giống ( Species ), trên thế giới có khoảng 700 loài lan tự nhiên và 3000 lai tạo, đủ mọi kích cỡ. Hoa lớn nhất đường kính đến 1 mét, hoa nhỏ nhất bằng hạt gạo Hoa lai tạo có độ bền và nhiều sắc màu kỳ ảo nên rất được ưu chuộng. Nhiều người sành chơi lan rất thích hoa lai tạo vì sắc hương đến mức tuyệt mỹ mà lan thiên nhiên không bao giờ đạt đến, trị giá rất cao, có cây tới ba bốn triệu.

Nước ta không có vườn lan quốc gia như các nước, không nhiều điều kiện để lai tạo nhân giống nên phải nhập từ nước ngoài về ươm trồng với số nhiều để kịp với nhu cầu ngày càng nhiều của người thưởng ngoạn. Bảy chuyến bay một tuần nhưng không đáp ứng kịp. Họ sản xuất hàng triệu cây con nhờ sinh sản vô tính, một kiểu kinh doanh siêu lợi nhuận.

Ở Đà Lạt hiện cũng có nuôi trồng lan lai tạo nhưng qui mô nhỏ, cũng thu nhiều lợi nhuận, chỉ cần hai ha trồng trong một năm đã thu lời 5 tỉ đồng. Sài Gòn hiện có công ty sinh học nuôi lai đang tiến triển, bình quân mỗi tháng cho ra đời 100.000 cây con. Nhiều người Việt ở hải ngoại giàu to nhờ phát triển nuôi lan và đã có Hội Hoa lan do ông Bùi Xuân Đáng thành lập tại Hoa Kỳ từ mấy năm qua.

Lan thích hợp khí hậu nhiệt đới nên phát triển nhiều ở nước ta, nhất là ở nam và trung Trung bộ. Trong thời kỳ chiến tranh, lửa đạn khắp nơi khiến lan gần như tuyệt chủng. Sau chiến tranh, loài hoa này dần hồi sinh. Việt Nam là nôi cung cấp Lan Hài nên là sở trường của người đi rừng, truy tầm tận miền đồi núi cheo leo nên số lượng Hài hoa dã giảm một cách nghiêm trọng do bị khai thác quá mức, bán ra nước ngoài với giá rất cao, rồi lại xuất hiện nhiều ở Đài Loan, Nhật, Châu Âu, Mỹ. Đây là một nghich lý đáng suy ngẩm.Hiện nay, ta lại có khuynh hướng nhập lan Thái và một số nước khác, màu sắc kiểu cạnh đơn giản hơn, cánh hoa mảnh khảnh, nhưng cũng rất ấn tượng, dễ cảm tình.

Khoảng từ năm 1990, Lan Hài ( Vanda ) lại được tìm thấy ở những vùng có địa thế ít bị ảnh hưởng thiên tai như một số đảo và rừng tỉnh Khánh Hòa, huyện Ninh Sơn tỉnh Ninh Thuận, Hòn Nhạn tỉnh Phú Yên, Krông Bông tỉnh Daklak, nhưng vẫn hiếm thấy trong nội thị.

Một vài giống như: Hài Tiên ( Paphiopedilum vilosum ). Hầu như loài hoa này thường ghép từng đôi cánh trên một nụ, chập chờn trong gió như từng đàn bướm bay, được xếp vào họ Paphiopedilum - Hài Vân( Paph Callosum ) – Hài Cánh Sen ( Paph Appletonianum ), chiếc Hài thon thon ở dưới điểm nhiều hoa văn kiểu dáng đẹp như những chiếc hài vua chúa ngày xưa.

Đặc biệt là Hài Hồng ( Paph Delenatii), cánh hoa tròn, thon dài hoặc trái tim,trắng muốt như nhung, nhiều loại có điểm hạt như kim cương, đài ở dưới có nhiều hình thể khác nhau như hình chiếc bầu đựng nước, bầu rượu, hình các loại mực biển túi hé mở, hứng lấy tinh khiết từ lòng nhụy tràn ra, thắm tươi như vết son trên môi mỹ nhân quyền quý. Nhất là màu nhụy vàng hồng, xanh lục trên nền hài trắng tuyết như được chiết ra từ bảy sắc cầu vồng. Vì vẻ đặc biệt kiêu sa như hút lấy hồn người nên đã lọt vào mắt xanh của một sĩ quan người Pháp tên là Delenut, phát hiện ở Nha Trang năm 1922 và mang về mẫu quốc nuôi dưỡng, lai tạo nhân giống, xong lại bán ra khắp thị trường thế giới, hoa mang họ Delenatii, từ tên của vị sĩ quan người Pháp này.

Màu của trời và hoa của thiên nhiên, Lan Hài là tặng vật đầy ưu đãi của đất trời chỉ có phần nhiều ở Việt Nam. Lạc vào hoa lan với muôn vẻ yêu kiều khiến lòng xao xuyến, không còn muốn nhớ đến hiện hữu của thời gian. Hơi lạnh và sương đêm những tháng thu đông sẽ dâng nhựa lên cành, chờ đến xuân là muôn hoa cùng đua nở. Hoa càng nhiều càng lung linh diệu ảo, không trùng lặp đơn điệu như nhiều loài hoa khác. Lộng lẫy nhưng không phô trương. Qúy phái nhưng không kiêu kỳ. Đắm đuối nhưng không trần tục, mặn mà thanh sắc thủy chung. Có người đề nghị nên chọn Hoa Lan làm Quốc Hoa để tôn vinh lan rừng Việt Nam. Có người đã viết :” Hễ nói đến Lan Hài là người ta nghĩ ngay đến cây Pephiopedilum delenatii, và khi nói đến cây Pephiopedilum delenatii là ta nghĩ đến Việt Nam “, đủ thấy ngôi vị của lan rừng xứ sở.

Nếu có được một đóa rừng thiên nhiên, đưa về nhà, đặt lên đúng nơi thích hợp, không gian sẽ tăng thêm phần trang nhã. Lan núi đồi đượm tình hoang dã, hương thơm phảng phất sương nắng núi rừng, đượm vẻ thuần khiết nguyên khai, thoáng nét giai nhân.

Thanh tĩnh trong thư phòng, hay một nơi nào đó có gió nhẹ mây trong miền tĩnh lặng, điểm vài tiếng chim vui ríu rít trên cành, và lan, cạnh bên như nghe được hơi thở chuyển mình. Thêm một vài tri kỷ, ấm trà, ly rượu, thú thanh tao giục người lạnh lùng đến mấy cũng phải say hoa lụy tình, đưa bước chân trần chạm cõi phiêu diêu u mặc, thiền thi chấp cánh. Ngâm nga câu thơ :

Ta mãi mê nhìn ta mãi nghe

Tiếng chim trong nắng gọi xuân về

Cánh hoa tươi thắm trong tĩnh lặng

Ta thành hoa, hoa bỗng thành ta

Nghiêm Xuân Cường

Chợt hồn bay bổng qua miền trí nhớ thênh thang, những nơi bước chân đã từng dẫm qua. Đà Lạt xứ sở của muôn hoa, một hôm nào trong đôi tay người tình, nhìn lan rét mướt run rẫy trong sương mù, để thấy trái tim còn nồng ấm. Vào miền thung lũng suối đồi Tây nguyên, người lãng tử bỗng thấy cô đơn, chỉ mong tìm được nhánh lan rừng mang về tâm sự sớm hôm đã là mãn nguyện. Vì xứ biển đảo Nha Trang, lan thật nhiều trên đường phố, trong nội thất, nhưng vẫn chưa thỏa thuê khi biết còn có Suối Hoa lan nổi tiếng đang chờ đợi ở phía đảo xa., phải đến tận nơi mới thỏa lòng ngưỡng mộ dù phải vượt biển leo đồi.

Thuyền lướt êm trên vịnh Nha Trang? khép kín một vòng tay núi, nước trong xanh lặng sóng như mặt hồ. Bước chân lên bờ, tưởng sẽ nghe được tiếng róc rách đâu đó không xa. Nhưng không, trước khi đến chân núi, khách còn lách mình qua một cửa động nhân tạo. Vào trong, qua chiếc cầu cong nho nhỏ bắc qua dòng nước xinh xinh. Trên tầm mắt, lũng lẵng những nhánh lan đang nở hoa. Giữa dòng suối có gộp đá, ngồi lên đó nhìn cá lội tung tăng, cũng là thơ mộng lắm rồi. Tuy nhiên vẫn thấy thiếu vắng một chút hồn hoang dã, vì lan nơi đây đã có bàn tay người can thiệp, không thấy lan mọc tự nhiên trên góc đồi hay ghềnh đá trước tầm mắt mở rộng của khách tầm hoa.

Hóa ra còn phải leo hết bốn trăm tầng cấp nữa mới gặp được quê hương lan rừng nằm trên chót đỉnh.Và muốn chiêm ngưỡng dung nhan thì phải đúng độ thu đông, khi đất khô bắt đầu hứng nước từ trời, tưới khắp vạn vật, khi dòng suối cạn bắt đầu hồi sinh, tuông dòng nước trắng xóa như dải lụa vắt lên trời. Cây cỏ trở lại xanh tươi, chồi non nẩy lộc dưới những tia vỡ vụn của suối ngàn đổ xuống cuối ghềnh giữa trời thu sương ướt, mơn man cho mạch nhựa dâng đầy, là lan bắt đầu hé nhụy, thỏa lòng khách du bỏ công tìm nơi trầm mặc thiên thu.

Thiên thai nơi này, Thánh địa cũng là đây. Người và hoa, và khoảnh khắc vô biên, xui khách trần lạc bước chẳng muốn trở về.

Nếu “ Động hoa vàng” gặp được trong tâm thức, có thể nào hơn.





VVM.14.02.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .