Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ...




T hím ngồi trên cái chỏng tre kê trước mái hiên nhà, miệng vừa nhai trầu bỏm bẽm, vừa lấy ngón tay trỏ và ngón cái vo tròn cục thuốc rê đưa lên miệng chà lên chà xuống hai hàm răng ố vàng, rồi thím nhổ bãi nước bọt có màu đỏ của cau; trầu và vôi trộn lại, sau đó thì thím nhét cục thuốc xĩa vào trong miệng ở môi trên làm cho một phần môi của thím dôi lên trông ngộ hết sức.

Thím chỉ mới năm mươi bốn tuổi, nhưng thím lại ghiền ăn trầu xĩa thuốc từ sau ngày chồng thím chết trận, khi đứa con trai út vừa lẩm chẫm biết đi. Bây giờ thì thằng con trai lớn tên là bé Hai năm nay cũng đã hai mươi ba tuổi, con bé Ba mười chín, bé Tư mười sáu rồi chớ ít; còn thằng út đã mười ba…Mới đó mà đã mười hai năm rồi; thời gian trôi qua nhanh quá chừng; thằng bé Hai đi lính năm mười chín tuổi, nó thích nối nghiệp của cha; vì mỗi lần nhìn hình cha nó trên bàn thờ; nó đều nói với thím:

- Con thích đi lính đánh giặc như cha để gìn giử đất nước, trả thù cho cha nữa, thế mới là trai thời chiến.

Nay thì thằng bé Hai cũng đã là Binh nhì rồi…vợ chồng thím đặt tên con từng đứa theo thứ tự khi sinh ra, thím giải thích với chồng rất đơn giản:

- Đặt tên con kiểu này dễ nhớ, lại bình dân, dễ thân thiện; hợp với gia cảnh nhà mình. Càng nhiều con càng vui, càng ấm nhà ấm cửa…

Và thế là thằng con trai đầu lòng tên bé Hai, hai đứa con gái nối tiếp nhau là bé Ba và bé Tư, đứa con trai út là thằng bé Năm…rồi chồng thím chết trận khi chưa kịp có thêm đứa thứ Sáu, không chừng sẽ còn đứa thứ Bảy nữa chứ.

Thím quay người lại nhìn vô trong nhà; đúng hơn là thím nhìn bức hình của chồng ở trên bàn thờ. Chồng thím vẫn cứ trẻ mãi không già, vẫn cứ là anh chàng Thượng sĩ mặt mày tươi rói mỗi khi nhìn thím, phía sau tấm hình của chồng là lá cờ vàng ba sọc đỏ làm nền lồng trong một cái khung kiếng lúc nào cũng được thím lau chùi bóng loáng. Thím thở dài nói thầm: " Chết rồi mới được lên chức Thượng sĩ…phải chi lên chức sớm hơn thì em và các con được ăn mừng rồi…Chết chi mà sớm; mà trẻ quá; để em sống cô quạnh hoài; may mà có mấy đứa con cho em lấy đó làm niềm vui mà sống tiếp…". Mỗi lần nhìn hình ảnh chồng trên bàn thờ là thím lại nói câu đó cho một mình thím nghe.

Gia đình cha má của thím ngày xưa nhà nghèo; thím lại là con gái nên không được học hành; vì vậy thím không biết chữ, thế nhưng về buôn bán tính toán thì thím lanh lợi và giỏi dang hơn cả những cô con gái được đi học. Thời còn trẻ thím là cô gái xinh nhất làng nên lấy chồng sớm hơn các bạn đồng trang lứa. Thím là con thứ Sáu nên cha má đặt luôn tên cho thím là bé Sáu, Chồng thím tên Tâm; là lính với cấp bậc Trung sĩ, thuộc binh chủng Biệt Động Quân. Khi đại đội của anh ấy về đóng quân ở làng quê của thím mấy tháng thì hai bên đã "phải lòng" nhau. Thế là sau khi đại đội của Anh Tâm trở lại Pleiku, đóng quân ở Kontum, anh thường xuyên gởi thư cho thím, chử của anh cũng không được đẹp cho lắm vì "sức học" của anh cũng chỉ mới hết lớp tám mà thôi. Mỗi lần nhận được thư anh, thím phải nhờ thằng em út đọc dùm và…thím thật là ngượng đến đỏ mặt mỗi khi nó đọc tới chử cuối cùng…"hôn em", nhưng tâm hồn của thím thì lâng lâng sung sướng.

Mấy tháng sau anh Tâm đưa cha mẹ về quê của thím để hỏi cưới thím làm vợ, cũng chẳng xa xôi gì lắm vì quê thím ở Ban mê Thuộc. Đám cưới của lính vui và dễ thương lắm; thím không bao giờ quên. Có được người con rễ là một chàng Trung sĩ Biệt Động Quân thì đối với gia đình thím đó cũng một điều rất đáng hãnh diện; còn riêng với thím thì khỏi nói; thím ngưỡng mộ chồng mình ghê lắm, nhất là trong ngày đám cưới chồng thím mặc bộ đồ rằn ri, chân mang đôi bốt đờ sô, đầu đội cái nón bê rê…sao mà trông "anh ấy" oai phong lẫm liệt thế không biết…

Lấy chồng thì phải theo chồng, và nhất là phải lấy tên của chồng làm tên của mình. Vậy là thím không còn là cô bé Sáu ngày xưa nữa; mà nay đã là bà Trung sĩ Tâm. Sau ngày cưới thím đi theo chồng về đơn vị của anh ấy đóng quân ở Kontum, nên phải rời cha mẹ, chị em, bạn bè, làng quê...Ngày từ giã gia đình làng xóm để ra đi, thím cũng buồn và ngậm ngùi lắm nhưng trong lòng thím thì rất hạnh phúc. Chưa hưởng xong tuần trăng mật thì anh Tâm lại phải đi hành quân liên miên, để người vợ trẻ ở nhà một mình lòng anh cũng xót xa ghê lắm. Kontum buồn hơn Pleiku nhiều, vì dù sao Pleiku cũng là một thành phố khá tấp nập đông dân; vì vậy anh Tâm xin về đóng quân ở Pleiku và đưa vợ theo; anh xin được một căn nhà trong trại gia bình. Hai vợ chồng sống hòa thuận êm ấm và rồi từng đứa con đua nhau ra đời. Nhưng ở mãi trong trại gia binh thì cũng có lắm điều phiền toái; phức tạp nên anh Tâm hỏi nhờ người bạn cùng đơn vị bán rẻ cho một miếng đất không xa thành phố bao nhiêu; mà cũng không gần chốn quê là mấy; được cái là gần trường tiểu học nên thuận tiện cho các con của anh chị một khi chúng nó đến tuổi đi học. Bạn của anh thương người đã từng cùng nhau vào sanh ra tử với mình nên nhường cho anh 200m2 đất trong phần đất của mình. Anh Tâm được bạn bè trong đơn vị chung tay góp sức, góp thêm chút công chút của, lại có ông đại đội trưỡng hào phóng nên vợ chồng anh có được một căn nhà khá dễ thương, rộng rãi thoáng mát, phía trước sân nhà thím trồng đủ thứ hoa, còn chung quanh hàng rào thì trồng hoa Dã Qùi, phía sau vườn anh Tâm làm cho vợ hai cái giàn để trồng bầu; trồng mướp và lên thêm mấy luống đất trồng rau…hình như không ai hạnh phúc bằng họ.

"Phố núi cao; phố núi đầy mây"; đối với vợ chồng thím lúc bấy giờ thì không nơi nào đẹp và dễ thương bằng phố núi Pleiku. Lương trung sĩ cùa anh cọng thêm phụ cấp vợ con cũng khá đủ để sống thoải mái nhưng vợ anh lại thích kiếm thêm tiền để phòng xa, nên mỗi sáng chị dậy thật sớm nấu một nồi xôi đem ra trước cổng trường học để bán cho học trò, chị để thằng bé Năm ở nhà cho hai chị nó trông coi vì hai đứa con gái học buổi chiều, còn bé Hai thì học buổi sáng.

Thế rồi; ai nào ngờ; đúng là thím không thể nào ngờ trong một chuyến đi hành quân ở Đức Cơ; chồng thím đã trở về với mẹ con thím chỉ với một cái xác nhưng không có hồn. Lúc đó thím chỉ muốn chết theo chồng, nếu không có tiếng khóc đòi ăn của thằng bé Năm thì chắc thìm cũng chưa tỉnh cơn mê đau đớn. Thằng bé Hai ôm xác cha nó mà nói với thím:

-Lớn lên con sẽ đi lính đánh giặc để trả thù cho cha.

Nhớ chuyện xưa thì nhớ mãi không nguôi, thím giật mình khi có tiếng kêu từ ngoài ngỏ:

- Thím Tâm…giờ này chưa đi chợ na?

Thím quay người ra; đó là bà Tuyền; người hàng xóm thân thiết nhất của thím, thím ngoắc tay kêu:

- Vô đây ngồi chơi…tui đang chờ thằng bé Hai về phép đây.

- Vậy chớ chừng nào nó về?

- Thư nó viết tui nhận được từ tháng trước; nó báo tin năm nay nó được về phép ăn Tết với gia đình hai tuần.

Thím móc trong túi áo ra lá thư của bé Hai để khoe với bà bạn thân, rồi gọi vói vào trong nhà:

- Bé Năm à…ra đọc thư của anh Hai mày cho má với bác Tuyền nghe dùm cái coi.

Thằng bé Năm cằn nhằn:

- Thư anh Hai má bắt con đọc hoài; má thuộc lòng hết trơn còn gì nữa…

Thím cau mày gắt:

-Ừ; má thuộc nhưng mày đọc cho bác nghe thì rỏ hơn chớ.

Thằng bé Năm đi ra, ngồi ghé vào chiếc chõng tre bên cạnh má, nó cầm lá thư của anh Hai đã bị mòn nếp gấp và đọc:

" KBC ngày…tháng…năm…

Má và các em thương mến,

Con nhớ má và các em quá, nhưng con báo cho má một tin mừng là năm nay con được nghỉ phép hai tuần để về nhà ăn Tết với má và các em.

Nhà mình có gì lạ không? bé Năm viết thư cho con hay là cái chái bếp sau nhà đã bị hư và mấy cây cột bị mối mọt nó ăn nên mục nát, mái lá thì có nơi bị tuông xuống nên mỗi khi mưa thì lại dột nước, vườn nhà mình cỏ mọc nhiều hơn rau vì lúc này má thì già, hay nhức mỏi chân tay, con bé Ba; bé Tư phải buôn bán ngoài chợ, với lại tụi nó là con gái nên chi cũng không giúp được má trong việc làm vườn, còn thằng bé Năm thì…ham chơi lắm phải không má? Thôi; má đừng lo, kỳ nghỉ phép này con sẽ về sửa sang lại bếp núc nhà cữa cho má, rồi nhổ sạch cỏ sân vườn, con sẽ làm cho má một cái giàn thiệt là tốt để má trồng bầu; trồng bí như ngày xưa cha làm cho má…à, má ơi, con sẽ đem về một cây mai rừng mà con bứng được trong một lần hành quân, cây mai này dáng đẹp lắm, con sẽ trồng trước sân nhà mình để cho đẹp và có hương vị tết, rồi thì đêm hai mươi chín cả nhà mình cùng nấu bánh tét nghe má…kho thêm một nồi thịt nữa. À; mấy tháng nay con lãnh lương nhưng không dám tiêu xài gì hết; để dành đem về cho má rồi còn mua sắm ít quà cho mấy đứa em nữa.

Thôi nha má, má chờ con…con nhớ má lắm, má phải gìn giử sức khỏe đó nghe, mấy đứa em phải vâng lời má…Tết nay nhà mình được cùng nhau sum họp chắc là vui vô cùng.

Con của má: Bé Hai."

Bà Tuyền chắc lưỡi khen:

- Thằng con của thím có hiếu quá chừng; thím thiệt là có phước, vậy là Tết năm nay nhà Thím vui quá rồi. Mà nó sắp về chưa?

Thím quay vô nhà nhìn lên lịch:

- Chắc cũng sắp tới ngày nó về phép rồi, ấy nhưng mà ngày nào tui cũng ngồi đây ngóng cổ chờ con; mong quá chừng chừng luôn chị ơi, ruột gan thì nóng bời bời…

-Hôm nay là mồng tám tháng chạp rồi, còn có hai mươi hai ngày nữa là Tết…chắc cũng phải tuần sau nữa nó mới về, chị ngóng trông chi cho sớm rồi than nóng ruột nóng gan.

Thím nhổ bãi nước bọt đỏ lòm và phun miếng trầu trong miệng ra xa:

- Biết là vậy nhưng lâu quá không được gặp con nên lòng dạ nó cứ vậy đó, phải chi nó đóng quân gần gần thì còn xẹt về thăm nhà thường xuyên chớ nó đóng quân tận Quảng Ngãi…xa xôi quá; lắm khi nhớ con mà không chợp mắt được; cứ thao thức suốt đêm.

- Ừa; thức đêm nên thấy đêm dài…thôi; tui đi chợ kẻo trưa trờ trưa trợt rồi…

Chỉ còn mười ngày nữa là đến Tết, thế mà bé Hai vẫn chưa về phép như đã viết trong thư cho thím, thím cứ sáng sáng đi ra đầu ngỏ, trưa trưa thì ngồi trên cái chỏng tre; chiều chiều lại ra đứng ngoài cổng chờ đợi, nhưng sao bóng dáng đứa con trai vẫn không thấy đâu, mấy lần bé Ba; bé Tư; và cả bé Năm nữa thấy thím đưa tay áo lên chùi nước mắt làm tụi nó cũng buồn theo.

Hôm nay là hai mươi sáu tháng chạp rồi; sao bé Hai vẫn chưa về? Ruột gan của thím như bị ai đó cắt ra từng đoạn. Đang ngồi nhìn bàn thờ của chồng định tâm sự ít lời thì thím nghe có tiếng ông đưa thư kêu ngoài cổng:

- Thím Tâm à…có thư của bé Hai nè.

Nghe có thư của bé Hai, thím không kịp xỏ chân vào đôi guốc, mà cứ chân không chạy ra nhận thư. Ôi; đúng là thư của bé Hai rồi, nét chử của nó rành rành ra đây quá quen thuộc với thím như từng nét mặt, mắt môi miệng tay chân trên người nó. Thím nóng ruột nóng gan chạy quanh vườn kêu thằng bé Năm ơi ới mà quên cả nói lời cám ơn ông đưa thư:

- Bé Năm ơi ời…đâu rồi bé Năm? thư của anh Hai mày gởi về nè…mau đọc cho má nghe…

Thằng bé Năm đang canh bẩy con tắc kè sau vườn nghe vậy lật đật chạy vô nhà, hai tay dính đầy đất; nó chùi qua chùi lại sau đít quần rồi cầm lấy lá thư từ tay thím, nó cũng lật đà lật đật khi xé bì thư và mở ra đọc cho thím nghe:

"KBC ngày…tháng…năm…

Má thương yêu của con, ba đứa em cưng của anh.

Má và mấy em có khỏe không? con…thiệt không biết phải nói làm sao cho má hiểu mà đừng buồn giận con vì con đã thất hứa với má và các em.

Má à…con đã nhận được tờ giấy phép rồi, cũng đã chuẩn bị để về nhà ăn Tết với má và các em, nhưng không hiểu sao qua hai đêm nằm suy nghỉ lung lắm; con quyết định trả lại giấy phép mà không về như đã hứa với má trong thư trước.

Má ơi, xin má hãy hiểu cho lòng con, con biết bây giờ má đang trông chờ con từng ngày từng giờ; từng giây từng phút, con cũng như thấy hình ảnh má mỗi sáng mỗi chiều ra cổng ngóng đợi con…nhưng má ơi…Ở nơi đây con còn có tình đồng đội đã từng cùng nhau chiến đấu chống quân thù, đã từng nằm gai nếm mật, vào sanh ra tử, chia sẽ với nhau từng niềm vui nỗi buồn; từng chịu bao gian lao nguy hiễm và thường xuyên cận kề với cái chết. Con biết khi con về nhà ăn Tết, được sống vui với gia đình thì các bạn của con, những đồng đội của con vẫn phải thay nhau ôm súng canh thức quân thù mỗi tối để gìn giử bình yên cho xóm làng, cho đồng bào, quê hương đất nước…Khi con cầm tờ giấy phép trên tay về khoe với các bạn, đứa nào cũng vui mừng dùm cho con nhưng sau đó thì lại ngậm ngùi…Má ơi, con biết bây giờ má và các em trông chờ con lắm, nhưng nếu con mà về thì các bạn lại mong con, biết bao nhiêu người lính đồng trang lứa với con đang chào đón xuân ở chiến trường…mà riêng con lại vui vầy ăn Tết riêng cùng với gia đình mình thì con cảm thấy con có phần ích kỷ quá.

Má ơi, con xin lỗi má vì đã thất hứa làm cho má buồn, các em giận, nhưng con đã quyết định rồi má à, Tết nay con xin phép má cho con được ăn Tết, vui Xuân ở chiến trường cùng với các bạn. Ở nhà má đã có bé Ba; bé Tư; bé Năm cùng má ăn Tết, mừng Xuân rồi…nhưng con hứa với má là sau những ngày mừng Xuân cùng các bạn thì con sẽ về thăm má và các em, không phải là để ăn Tết; nhưng là để sửa sang nhà cửa vườn tược cho má…má ơi, vui Xuân muộn, ăn Tết sau cũng được, má đừng khóc, đừng buồn giận con nghe má, con sẽ đến bù lại cho má thật nhiều.

Các em cũng đừng buồn giận anh Hai, anh Hai sẽ có quà cho các em, tuy rằng anh không về đúng ngày như anh đã hứa làm má và mấy em trông mong, nhưng về chậm đôi ba tuần cũng đâu có sao, miễn là anh Hai sẽ về là được rồi, đừng làm má buồn, anh nhờ bé Ba, bé Tư an ủi má, làm cho má vui dùm anh nha.

Con hẹn với má sau Tết con sẽ về, má thương con thì đừng giận mà hảy chờ con nghen má.

Con thương nhớ cả nhà, má nói với cha là con đang sống rất oai hùng như cha ngày trước.

Con của Má: Nguyễn văn Bé Hai."

Sau khi nghe bé Năm đọc xong lá thư của Bé Hai, điều trước tiên là thím ngồi lặng người một lúc như rằng đó không phải là thư của con trai thím từ đơn vị gởi về, mà là một lá thư của ai đó gởi lộn địa chỉ, sau đó thì thím giật lấy lá thư trên tay bé Năm, xoay qua xoay lại, trở từ mặt này qua mặt bên kia…đúng là nét chử của bé Hai đây mà, nó rành rành ra đó, cả hàng số KBC không sai chạy đi đâu…bây giờ thì thím không còn có sự nghi ngờ gì để tự an ủi mình nữa rồi; thế là thím bật khóc vì thất vọng bởi bao ngày trông đợi; vì buồn; vì nhớ thương con với tất cả tấm lòng của người mẹ. Thím khóc nức nở, khóc ngon lành như chưa bao giờ được khóc. Bé Năm nhìn mẹ khóc và nó cũng mũi lòng khóc theo, vì nó cũng mong chờ anh Hai nó về phép lắm, nó chạy ù ra chợ để bào tin cho hai chị.

Chỉ còn mấy ngày nữa thôi là Tết đến, bao ngày qua thím đã hy vọng vui sướng đến chừng nào khi tưởng tượng đến hình ảnh đứa con trai của mình đi ra đi vào, sửa lại cho thím mái tranh đằng sau bếp, làm cho thím giàn bầu giàn bí, lên mấy luống đất để thím trồng rau trồng hành…rồi những bữa cơm với nồi thịt kho nước dừa có thêm chục cái hột vịt mà bé Hai rất thích, rồi ngày hai mươi chín tết gói bánh tét để đến đêm mấy mẹ con cùng nhau ngồi canh nồi bánh, con thím sẽ kể cho cả nhà nghe chuyện đơn vị của nó, chuyện bạn bè và đời lính gian nan như thế nào. Tưỡng tượng nhiều quá, trông đợi nhiều quá, nhớ thương cũng nhiều nữa nên khi nhận được lá thư của bé Hai báo tin sẽ không về phép "chỉ vì con không nở vui Tết bên gia đình khi mà bạn bè củng trang lứa; những chàng trai lính chiến phải đón Xuân ở chiến trường". Ngẩm lại thì con trai thím có trái tim rộng lớn và tấm lòng bao la; không nghỉ gì cho riêng mình; con thím không ích kỷ…đó là điều làm cho thím phải hãnh diện như thím từng hãnh diện về cha nó.

Thím lau nước mắt, bước vào trong nhà, ngồi xuống ghế của bộ bàn kê trước bàn thờ của chồng thím, thím nói chuyện với chồng y như là chồng thím còn sống vậy:

- Mình à, con nó đã đổi ý không về ăn Tết với em và tụi nhỏ, em buồn lắm nhưng nghỉ lại thì bé Hai nó cũng có lý do của nó, mà đó lại là lý do cao cả, chính đáng…thôi thì em đành nén buồn gắng gượng làm vui, nó hứa qua Tết nó sẽ về, tức là sau khi ăn tết xong…mình phù hộ cho con bình yên mạnh khỏe nghe mình, có lẽ ra giêng bé Hai sẽ về, em tin chắc như thế…thôi thì ở nhà em đã có mình và bé Ba; bé Tư; thằng bé Năm; năm nào cũng vậy nên cũng quen…còn bé Hai thì vui Xuân cùng bạn bè ở chiến trường; bởi vì con mình nó không muốn riêng mình nó được êm ấm trong khi…Thôi; nói nữa em lại khóc bây giờ. Em sẽ chờ con về thăm em như lời nó hứa mình à.

Hình như thím đã trút được những điều buồn bả trong lòng với chồng nên nét mặt thím có vẽ thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Thím cầm lấy cái cơi đựng trầu, lựa một miếng cau; lấy lá trầu tươi quệt tí vôi; thím bỏ cả ba thứ đó vô miệng nhai, tay thím vo vo cục thuốc rê để chuẩn bị chà hai hàm răng rồi…xĩa, nhưng trong hai con mắt của thím vẫn còn long lanh mấy giọt nước.

Bên nhà hàng xóm đang mở cassette, các ca sĩ hát những bản nhạc Xuân hay thật là hay. Nhưng khi nghe tới bài hát "Xuân này con không về"; thì thím lại khóc vì bản nhạc này sao mà giống tình cảnh của thím và lá thư của bé Hai gởi cho thím quá…

Đã qua những ngày Tết, hết tháng giêng, tháng hai; gần hết mùa Xuân rồi mà bé Hai vẫn chưa thấy về thăm gia đình.

Mà về làm sao được kia chứ khi đùng một cái ngày 30 tháng 4 năm 1975 quê hương đất nước đã bị quân giặc cướp mất…có lẽ anh Nguyễn văn bé Hai đã tan xương nát thịt ở một chiến trường nào đó. Thím cũng phải chạy theo đoàn người di tản nhưng không quên đem theo tấm ảnh của chồng; tấm ảnh có lá cờ vàng ba sọc đỏ làm nền phía sau.

Nhưng thím và mấy đứa con "chạy đâu cho thoát", đành phải quay về khi những họng súng của "tụi bên kia" cứ lăm lăm chỉa thẳng vào đoàn người di tản. Thím về đến nhà; may mà ngôi nhà còn nguyên vẹn, bàn thờ không suy suyễn, chỉ bị một lớp bụi mờ bám đầy. Thím và mấy đứa con lau chùi bàn thờ thật sạch sẽ rồi vớí tất cả sự yêu thương trân trọng, thím nhẹ nhàng đưa khung hình của chồng đặt lên bàn thờ; ở nơi anh vẫn "ngồi", lá cờ vàng ba sọc đỏ vẫn không rời anh, rời làm sao được kia chứ khi đó là hình nền lồng chung với tấm ảnh của anh.

Bé Ba nói với thím:

- Má à, mình phải may một tấm màn che trước bàn thờ cha; để khi nào thấy tụi nó tới ngoài cổng thì mình thả màn xuống, còn không có tụi nó thì mình vén màn lên…chớ để tụi nó thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ sau hình cha, tụi nó làm khó rồi bắt má phải dẹp thì cả nhà mình tức ói máu luôn.

Nghe con bé nói cũng có lý nên thím đem xấp vải hoa cất giử bấy lâu nay ra may một tấm màn giăng trước bàn thờ chồng…trông cũng đẹp lắm chớ; và thím tiếp tục những cuộc trò chuyện độc thoại cùng chồng.

Bao năm qua rồi thím vẫn kiên nhẫn chờ đợi bé Hai, chờ hoài chờ mãi, chờ tới lúc bé Ba; bé Tư thay phiên nhau đi theo chồng, rồi thì bé Năm cưới vợ, vợ chồng bé Năm ở với thím. Thím đã lên chức bà ngoại, bà nội thế nhưng đứa con trai lớn vẫn chưa về và thím vẫn cứ chờ…lưng thím đã còng; mắt mờ chân run mà thím vẫn không nguôi sự mong ngóng với hy vọng có một ngày bé Hai đứng ngoài cổng kêu lên thật lớn:

- Má ơi…con về đây má ơi…

Nhưng ngày đó không bao giờ đến.

Thím bịnh nặng lắm, vừa là vì tuổi già; vừa là vì sự mõi mòn thương nhớ đứa con trai. Thím dặn dò vợ chồng bé Năm:

- Má có chết thì lựa tấm hình lúc má còn trẻ cho xứng hợp với tấm hình của cha con mà để bên cạnh cha, với lại khi đưa hình má lên bàn thờ thì nhớ đưa hình anh bé Hai của con lên thờ cùng với cha má, lấy tấm hình anh Hai con mặc đồ lính; có gắn huy hiệu Binh Nhì với lá cờ vàng ba sọc đỏ trên ve áo giống cha con; trông anh con đẹp và oai hùng lắm…má chết rồi thì còn ai mà chờ anh Hai con…chắc anh con cũng đã chết trận từ lâu lắm rồi; má biết nhưng má không muốn tin điều đó. Má muốn ngày giỗ của má cũng là ngày giỗ của anh bé Hai luôn, con hảy làm giỗ cho má và anh Hai con chung một ngày.

Rồi thím ra đi thanh thãn vào một ngày gần cuối mùa Xuân; vào khoảng thời gian mà bé Hai đã hẹn sẽ về thăm thím sau khi ăn Tết ở chiến trường cùng với các bạn. Một lời hẹn từ mấy mươi năm về trước làm thím chờ đợi mãi cho tới khi nhắm mắt lìa đời.

Bây giờ thì Thím được ở bên cạnh chồng và con trai của mình trên bàn thờ; mỗi năm đám con cháu tập họp về đây để tưỡng nhớ đến cha mẹ, ông bà và anh bé Hai. Bé Năm vẫn mang trong lòng một mối hận mà không thể nói ra được mỗi khi nhìn lên bàn thờ…

Mùa Xuân năm nào bé Năm cũng đều mở bản nhạc "Xuân này con không về" để cho cha má và anh bé Hai ở trên bàn thờ nghe:

"Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy Mai vàng nở đầy bên nương
Năm trước con hẹn đầu Xuân sẽ về
Nay én bay đầy trước ngõ
Mà tin con vẫn xa ngàn xa.

Ôi nhớ Xuân nào thuở trời yên vui;
Nghe phào Giao thừa rọn ràng nơi nơi
Bên mài tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng;
Trông bánh chưng ngồi chờ sáng;
Đỏ hây hây những đôi má đào.

Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm;
Mái tranh nghèo không người sửa sang
Khu vường thiếu mai vàng mừng Xuân
Đàn trẻ thơ ngay chờ mong anh trai sẽ đem về cho tà áo mới.
Ba ngày Xuân đi khoe xóm làng
Con biết bây giờ mẹ chờ em trông…
Nhưng nếu con về bạn bè thương mong
Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
Không lẽ riêng mình êm ấm
Mẹ ơi con Xuân nay vắng nhà

…Mẹ thương con xin đợi ngày mai…


(Nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân).

Ngày mai…là ngày không bao giờ đến… -./.




VVM.07.02.2024.