Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


SẮC MAI XUÂN CŨ



     K ể từ khi lập xuân, đất trời kinh thành Phú Xuân ấm hẳn lên, xua đi cái lạnh cắt da của ngày đông buốt giá. Ngoài đường, người đi bộ, kẻ đi ngựa, đi cáng xuôi ngược tấp nập. Dường như ai cũng hối hả, lo lắng sắm sửa cho cái tết đã gần kề.

Tại “Ký Thưởng Viên”, Tùng Thiện Vương cũng chuẩn bị để gặp gỡ mấy anh em ruột thịt cùng một số bằng hữu đều là tao nhân mặc khách. Cuộc tiếp tân vào những ngày giáp tết như thế này đã thành lệ, nhất là từ khi bà Thục Tân ra ở hẳn tại khu Tiêu Viên và ba bà công chúa, em của Tùng Thiện Vương, theo mẹ ra ở tại các phủ, phía sau, trước khi mở rộng thành Ký Thưởng Viên. Mấy năm trước, những cuộc hội ngộ như dịp này, đã uống rượu, ngâm thơ, bình văn, đàn hát, có khi kéo dài cho đến nửa đêm, gà gáy mới dứt.

Tuy Lý Vương Phủ ở Vĩ Dạ cùng với một người bạn thơ là Mặc Thời đến rất sớm. Mặc Thời từ trong Nam ra Phú Xuân lần đầu nên rất ngỡ ngàng trước tòa ngang, dãy dọc, bồn hoa, cây cảnh của phủ Tùng Thiện Vương. Vượt qua con đường có tên là Không – Minh – Lộ, hai người dừng chân bên hồ Nhất – Quyên – Thạch. Mặc Thời chăm chú ngắm hòn giả sơn giữa hồ với vẻ thán phục bàn tay nghệ nhân nào đã đắp lên công trình đầy mỹ thuật. Mặc Thời hỏi tuy Lý Vương:

- Phủ này xây dựng đã lâu chưa?

Tuy Lý Vương cố giải thích cho bạn hiểu một cách cặn kẽ:

- Tùng Thiện Vương mê núi nên đã lấy hai chữ “Thương Sơn” là tên một ngọn núi cao hơn ngàn thước thuộc huyện Hương Trà, Thừa Thiên để làm bút hiệu, đồng thời cũng để đặt tên cho pho thơ gồm 8 tập với 54 quyển của mình. Ngọn núi này vốn có vẻ đẹp diệu kỳ, quanh năm cây cối tốt tươi. Dưới chân núi có nhiều hoa thơm, cỏ lạ còn trên đỉnh có giếng nước trong, xinh như mảnh gương soi của trăng sao, mây ngàn. Núi đã được cha tui cho khắc lên đỉnh Chương trong bộ Cửu đỉnh.

Tuy Lý Vương dừng kể giây lát như cố nhớ lại một điều gì, chợt kéo bạn ngồi xuống chiếc ghế đá đặt dưới giàn hoa lý, rồi nói tiếp:

- Tùng Thiện Vương cũng là người mê sông nên ông đã dời phủ của mình từ phường Liêm Năng, nằm cạnh lục bộ trong nội thành ra dựng nên Ký – Thưởng – Viên này, sát bờ sông Lợi Nông để thực hiện ước mơ núi nọ, sông kia… chẳng khác gì người xưa thích cây mà không dời cây được thì đành dời nhà đến gần cây vậy. Sự say đắm núi – sông của Tùng Thiện Vương thật khó có ai bì được.

- Sông này, có phải đào từ thời vua Gia Long? Mặc Thời hỏi.

- Đúng! Sông Lợi Nông được khởi đào dưới thời vua Gia Long nhưng đến thời vua Tự Đức mới hoàn chỉnh được. Điều ở đây muốn nói là khi có sông thì cánh đồng An Cựu được mở rộng, lúa xanh tốt cả hai vụ và nhất là nhờ có Ký Thưởng Viên và một vài phủ đệ khác mọc lên dọc hai bờ sông thì sự sinh hoạt của vùng đất này sôi động hẳn lên, ngày đêm vang vọng tiếng dệt vải, tiếng quay tơ, tiếng hò, tiếng hát, tiếng ngâm thơ… không dứt.

Tuy Lý Vương lại dẫn bạn đi vòng quanh. Giữa khu vườn rộng lớn, mỗi ngôi nhà có một vẻ đẹp riêng tuy không đồ sộ và cầu kỳ như trong nội thành. Nhà nào cũng có một cái tên rất mỹ miều theo chức năng sử dụng của nó như Tùng – Vân là nhà lưu trữ thơ văn, Mô – Trường là nhà ngâm vịnh, Cổ – Cầm – Đình là chỗ ngồi đàn, Xuy – Tiêu – Ủûy là chỗ ngồi thổi sáo… Không những nhà có tên mà bồn hoa, hồ nước, đường đi lối lại cũng đều được đặt tên một cách rất cẩn trọng, thể hiện cái ý của chủ nhân như Sở – Tụng – Đình là chỗ trồng cam, Hàn – Lục – Hiên là chỗ trồng cúc… Chủ nhân là người yêu cái đẹp lại còn là người giao tiếp rộng nên anh em, bạn hữu lui tới quanh năm, suốt tháng, có lúc lên tới cả bốn, năm mươi người.

Nghe Tuy Lý Vương giải thích, Mặc Thời vừa tận mắt xem xét, vừa ngầm nghĩ về ý nghĩa sâu xa của từng bức hoành phi, câu đối được treo trong những ngôi nhà hoặc được khắc trên các tảng đá trang trí dưới những khóm hoa, bụi trúc.

Cuộc rượu được chuẩn bị kỹ lưỡng và dọn lên ở ngôi nhà lớn nhất của Ký – Thưởng – Viên. Đây là nơi chủ nhân thường tiếp các văn nhân thi sĩ đã đem lòng quí mến nhau. Nhìn lên bức biển treo giữa nhà với năm chữ đại tự sơn son thiếp vàng: “Thương hà bạch lộ đường” do một sứ Tầu gởi sang tặng thì đủ biết.

Khi tuy Lý Vương và Mặc Thời bước vào thì đã thấy Tùng Thiện Vương ngồi nói chuyện với Tương An quận vương. Ba bà công chúa có bút hiệu Nguyệt Đình, Mai Am và Huệ Phố từ dười nhà Bạch Bí cũng mới tới, đang loay hoay xếp đặt và trang trí lại các món ăn. Một vài vị khách mời khác cũng đã ngồi vào bàn.

Trong không khí thân tình của những ngày cuối năm, Tùng Thiện Vương nói mấy lời rồi tự tay rót rượu mời khách cùng mấy người em của mình.

Để đáp lại tấm lòng của chủ nhân, tất cả nâng chén và uống cạn. Mai Am đứng dậy đỡ lấy hũ rượu từ tay anh mình, đi vòng quanh rót tiếp vào các chén và mời mọi người cầm đũa. Đồ nhắm được chế biến từ nguyên liệu đồng quê nhưng với bàn tay khéo léo của ba bà, món nào cũng hấp dẫn, bắt mắt.

Vừa uống rượu, vừa nghe thơ thì chẳng có cái thú nào bằng. Mọi người xin Thi Ông đọc thơ trước. Là bậc đàn anh trên thi đàn, biết không thể nào từ chối lời mời, Tùng Thiện Vương vừa nhấp chén vừa ngâm bài “Xuân nhật”:

Xuân du nhân các tự thành xuân
Hoa ý nghênh nhân diệc tự nhân,
Tá vấn lão – điên xuân kỳ hử?
Bất ưng xuân, bất đáo nồng thân.

(Dịch: Chơi xuân, người ta tự trở nên xuân. Ý hoa rước người thì cũng giống như người. Thử hỏi ông “lão điên” đã được mấy xuân? Không lẽ xuân lại không đến cho thân ông”.

Mặc Thời nghe tiếng Tùng Thiện Vương đã lâu nhưng nay mới có dịp gặp và nghe ông ngâm thơ, một chất giọng đầy cảm khái với ý thơ sâu sắc đối với nhân tình thế thái.

Tuy Lý Vương ngồi bên cạnh giải thích thêm cho bạn hiểu là Vương không những hay thơ mà còn giỏi cả văn nữa. Các tác phẩm chính gồm Thương Sơn thi tập, Thương Sơn văn dị, Nạp bị tập. Mặc Thời cho việc mình được gặp Thi Ông là hạnh phúc nên vừa nâng chén, vừa gật gù, có vẻ thích thú lắm.

Mà đâu chỉ có một mình Mặc Thời cảm thấy như vậy. Trong bàn, ai cũng phấn chấn khi nghe Vương đọc thơ, mặc dầu có người đã từng được nghe nhiều lần rồi.

Sau Tùng Thiện Vương, ai cũng muốn Tuy Lý Vương đọc những bài thơ ông mới viết gần đây. Chìu theo mọi người, ông đọc bài “Ôn hương quán” là một trong những bài thơ trữ trình mà ông cảm thấy ưa ý vì được viết từ cảm hứng rất thực của mình:

Khúc chiểu thùy dương duệ minh yên
Điêu lan sầu ỷ ức đương niên
Hiểu lai tiểu lập mai hoa hạ
Lãnh diễm hồng trang bôi khả liên.

(Dịch: Nơi ở của người thiếp đã qua đời – Bên ao, những cành liễu phất phơ trong khói chiều. Buồn tựa lan can, tôi nhớ lại năm xưa. Buổi sáng tôi đứng dưới cây hoa mai. Vẻ đẹp lạnh lẽo của hoa càng tăng thêm mối thương cảm của tôi2).

Qua hai bài thơ vừa đọc, chủ đề xuân đã hiện ra ở đây. Một buổi sáng Tuy Lý Vương đứng dưới cây hoa mai đọc được cái vẻ lạnh lẽo của cây cũng chính là cái tâm trạng của mình sau khi người yêu qua đời. Cây và người đã hòa nhập làm một giữa tiết xuân thì.

Trong lúc chờ đợi các vị khách phương xa đọc thơ. Tuy Lý Vương đề nghị Mai Am và Huệ phố đọc thơ. Hai nữ sĩ đều nổi tiếng trên thi đàn, mặc dầu không giấu được nỗi e lệ của nữ giới mà đại đa số chỉ biết thờ chồng nuôi con, quanh năm mưa nắng tảo tần, ít khi nghĩ đến chuyện đèn sách. Hai người cứ đùn đẩy nhau, nhưng cuối cùng Mai Am phải đọc trước với bài: “Mô xuân tống biệt”.

Đình thượng khai tôn không phục sầu
Đình biên liễu sắc trưởng li ưu
Đông phong bất giải luân xuân trú
Cánh tác phi hoa tống khách châu

Dịch:

Trên đình nâng chén rượu luống lại buồn rầu
Bên đình màu liễu đậm thêm nỗi sầu chia biệt
Gió đông không biết cầm giữ mùa xuân lại
Còn thổi cánh hoa bay tiễn thuyền khách đi (3)

Mai Am vừa đọc xong thì Huệ Phố đứng dậy nói: Thế là chị Mai Am đã đọc một bài thơ xuân với nhiều tâm sự không những của chính tác giả mà còn của nhiều người trong chúng ta nữa. Thơ xuân đã hay mà thơ viết về mùa thu có nhiều bài cũng rất hay chẳng hạn như bài “Khúc hát hái sen” có hai câu nhiều người thuộc:

Dùng dằng trăng mọc sông khơi
Hái sen, tơ quấn nhau rồi tơ vương. (4)

Huệ phố vừa nói về chị xong thì đọc thơ của mình. Đầu tiên là bài “Xuân nhật tạp vịnh”

Vũ quá vân âm phú đậu bành
Hiểu song trang bãi ngọc cầm hoành
Hoàng ly tự giải lân xuân sắc
Cố bạn hoa gian bất tích thanh

Dịch:

Mưa qua, dàn đậu bóng mây râm
Sáng sớm bên song dạo khúc cầm
Như biết yêu màu xuân thắm đẹp
Trong hoa oanh mãi hót hòa âm 5

Vừa đọc xong Huệ Phố định ngồi xuống thì Mai Am lại yêu cầu Huệ Phố đọc tiếp bài “Bệnh trung cảm tác” là bài thơ xuân đã nổi tiếng từ lâu. Nể tình chị, Huệ Phố không nở chối từ, bèn đọc:

Hoa chiếu trì đường nguyệt chiếu môn
Xuân lai dục khứ dị tiêu hồn
Tương phùng tha nhật vô tư thuyết
Khan thủ la sam cựu lệ ngân

Dịch:

Hoa soi hồ nước, trăng soi cửa
Xuân đến xuân đi dễ ngấn sầu
Mai một gặp nhau đâu phải kể
Hãy nhìn trên áo ngấn dòng châu. (6)

Ai nghe bài này cũng bùi ngùi tấc dạ. Tác giả nhìn xuân dưới đáy tâm hồn của mình, trong gặp gỡ đã ươm mầm ly biệt để rồi khi gặp lại nhau chỉ còn dòng lệ đọng lại trên áo.

Thơ của cả ba chị em đều chứa đựng những nỗi buồn man mác nhất là các bài thơ trữ tình. Khi đọc Nguyệt Đình thi tập, Mai Am thi tập hay Huệ Phố thi tập, ngoài thơ trữ tình, các nhà thơ còn khai thác các mảng đề tài khác của đời sống nhưng tất cả đều toát ra cái vẻ ưu tư của thời thế từ trong cung cấm cho đến ra ngoài thôn xóm.

Nhìn lui, nhìn tới, biết là đến lúc mình phải đọc thơ để giữ cho được cái không khí sôi động từ đầu buổi sinh hoạt đến giờ. Ông tự rót rượu vào chén rồi uống ực thật sảng khoái.

Ai cũng biết ông là người sống gần gũi với hai ông anh của mình từ thưở nhỏ, tuy là khác mẹ. Ông làm nhiều thơ Nôm và là người muốn canh tân thơ trong thời buổi mà phong cách thơ Đường còn ngự trị thi đàn nước Nam. Việc ông phối hợp hai thể thơ lục bát và song thất lục bát trong “Hoài cổ ngâm” hoặc thể hiện câu dài ngắn như trong bài thơ ông đọc để mọi người thưởng thức và chia sẻ nỗi lòng của ông:

Xuân hàn
Xuân phong hàn
Xuân vũ man
Xuân tứ vô nhân thức
Xuân sầu quyện ỷ lan
Xuân lô hữu hỏa thôi miên dị
Xuân tửu đa tình dục biệt nan

Dịch: (Gió xuân lạnh. Mưa xuân tràn. Ý xuân nào ai biết. Sầu xuân chán tựa lan. Lò xuân lửa ấm thêm ngon giấc. Rượu xuân nồng đượm khó từ nan7).

Biết Tương An và Huệ Phố ngoài tài thơ ra còn là những tay đánh đàn rất giỏi, lại còn biết tự soạn lời bài hát bởi hai người anh em này thường đàn hát phục vụ các hội yến dành cho Hoàng thân, quốc thích nên sau khi đọc thơ xong mọi người yêu cầu ông và Huệ Phố hát cho một bài để thay đổi không khí. Trước sự mời gọi quá nhiệt tình, để đáp ứng lại hai người đã hát khúc “Hoàng Mai” theo điệu “Lý hoài xuân”. Bài hát vừa chấm dứt, ai cũng gật gù khen ngợi tiếng đàn điệu nghệ và giọng hát thật đầm ấm, tha thiết.

Ngoài hiên, cỏ cây đã thay lá mới, khóm hải đường nở hoa đỏ thắm, những cành mai đã hé nụ vàng, đàn chim sẻ sưởi nắng trên mái ngói cũ, bay lượn ríu rít như vẽ nên bức tranh thái bình thịnh trị của những ngày chuẩn bị đón năm mới.

Trong lúc phía trong nhà mọi người đang tiếp tục nâng chén đọc thơ, bình văn thì ngoài cổng có một vị khách đang chậm rãi bước vào. Đều là chỗ tâm giao với nhau nên có người đã nhận ra dáng dấp của Cao Bá Quát. Từ khi ông vào làm việc ở triều đình, lúc rảnh rỗi thường đến Ký – Thưởng – Viên đàm đạo với Tùng Thiện Vương. Ông nổi danh trên thi đàn từ Bắc đến Nam nên ai ai cũng đều mến mộ. Ông bước vào chào hỏi từng người rồi cùng nâng chén và nghe bình thơ. Hòa vào không khí chung, khí thơ của Cao Bá Quát hừng hực bốc lên. Với tác phong ngang tàng, ông uống liên tiếp mấy chén rồi bước ra đọc bài “Tải mai”, ông mới viết giữa mùa xuân trước:

Thí tương mai tử trịch sơn gian
Nhất ác thanh tư ký bích loan
Ký thủ lai thời xuân sắc hảo
Dữ nhân công tác họa đồ khan.

Dịch:

Thử đem hột mai ném lên trên núi.
Một nắm giống thanh tao gởi lên ngọn đá xanh.
Hãy nhớ lấy sau này, khi vẻ xuân tươi tốt.
Sẽ thành một bức tranh cho mọi người xem chung 8

Mặc Thời và một vài vị khách ít có dịp nghe thơ mới của Cao Bá Quát, riêng mấy bài thơ đầy khí phách từ lâu đã được truyền tụng như là văn chương truyền khẩu: “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm. Nhất sinh đê thủ bái hoa mai” hay như “Ta muốn trèo lên đỉnh cao ngất – hát vang lên để gởi tấm lóng vào mây nước”… thì họ đã thuộc lòng, chẳng khác gì thơ gối đầu giường.

Sau giây lát, uống thêm một chén rượu nữa, Cao Bá Quát nhìn ra ngoài sân thấy xuân về, hoa nở, nắng lên, ông cảm tác và đọc ngay tại chỗ:

Khứ nhật xuân lai phá cựu hàn
Kim chiêu hồng tử dấu thiên ban
Hà dương thế sự như hoa sự
Phong vũ giang sơn tận cải quan

Dịch:

Hôm qua xuân về phá tan cơn rét trước.
Sớm nay hoa đua nở, hồng tía nghìn màu,
Ước gì việc đời cũng như việc hoa
Sau mỗi cơn mưa gió non sông lại tươi sáng hơn 9

Đến đây, thì mọi người có mặt trong cuộc rượu đều bái phục Cao Bá Quát, đúng là” Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán…” như lời ban tặng của vua Tự Đức…

Bởi vậy mới hiểu được hai chữ “thi hứng”. Khi đã có người đồng cảm, có rượu quí thì thơ như suối róc rách hoặc tuôn trào. Nguyễn Công Trứ, người cùng thời với Cao Bá Quát cũng có mấy câu thơ như thể đúc kết trường hợp này:

Đã quen với rượu khôn từ chén
Trót hẹn cùng thơ phái chuốt lời…

Đối với văn chương, nhà bác học Lê Quí Đôn đã có nhận định: “Văn học không phải là thứ trò chơi, là câu chuyện phiếm. Muốn văn hay phải hiểu biết và từng trải nhiều. Văn chương chữ nghĩa không phải là lời nói suông. Trong bụng không có ba vạn cuốn sách, trong mắt không có núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì không làm văn được”.

Nhà thơ là người trước hết yêu cái thật, cái đẹp, đem cái đẹp của đất trời, của cuộc sống để kiến tạo tâm hồn cho dân tộc, cho nhân loại biết quí sự sống, biết thương yêu nhau.

Mùa xuân là mùa có nhiều vẻ đẹp kỳ diệu. Nhà thơ hiện diện giữa cuộc đời như cây mai vàng trải qua nắng hạn, mưa đông, để rồi nở vàng rực báo hiệu xuân về, đánh thức dậy một cách mạnh mẽ niềm hy vọng của cuộc sống.

Một mùa xuân mới sắp tới nhưng sắc mai vàng của mùa xuân cũ vẫn như còn ánh lên trong vườn xưa, bên sườn núi, trong câu thơ gan ruột của thi nhân… -./.

Ghi chú:
Dịch thơ.
1, 2 Bửu dưỡng dịch - 3, 4, 5, 6: Lương An dịch - 7: Nguyễn Khuê dịch - 8, 9: Nhóm Vũ Khiêu dịch




VVM.07.02.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .