K ể từ khi bị tai biến cách đây vài năm về trước, kí ức đối với ông tôi chỉ là những mảnh chắp vá lúc nhớ lúc quên. Ông thường dành thời gian ngồi yên trên chiếc ghế mây yêu thích của mình nhìn xa xăm về phía đầu ngõ, mọi người không biết ông nghĩ gì, và đôi mắt buồn thi thoảng lại chảy nước mắt và ông đưa khăn lên lau nhẹ. Ông vẫn nói chuyện được, cư xử như thường ngày nhưng nhiều khi ông quên bẵng việc mình vừa làm và đôi khi cũng quên bẵng mất người thân của mình. Nhưng những lúc ông “tỉnh” lại, ông vẫn luôn yêu thương đám cháu nhỏ tụi tôi và ông rất hay kể cho chúng tôi nghe về những mẩu chuyện ông vô tình nhớ lại thời chiến và những người đồng đội của mình.
Mỗi năm khi Tết đến, gia đình chúng tôi lại sum họp từ khắp mọi nơi về lại quê để cùng đón Tết với ông. Năm nào cũng vẫn giữ truyền thống gia đình nấu bánh chưng và bên bếp lửa hồng cả nhà lại cùng nhau kể về những gì xảy ra trong năm qua ở mỗi gia đình. Dù đã rất lâu mới gặp lại nhưng những câu chuyện như một sợi dây hàn gắn sự xa xôi, cứ như mọi thứ đang tái hiện ra trước mặt, có cảm giác thân thuộc như câu chuyện của chính mình. Thi thoảng, ông vẫn hay kể cho tôi nghe những năm ông đi lính, khi đó lính phải xa nhà, Tết là khoảng thời gian mà ông và cả những người đồng đội đều cảm thấy khó khăn, vì vừa nhớ nhà, vừa muốn sum họp lại cảm thấy chiến tranh gian khổ. Nhưng ông và các đồng đội luôn tìm cách để tự tạo niềm vui cho mình, kháng chiến trường kỳ, đôi khi Tết là trong tư tưởng, không thể trang hoàng nơi chiến đấu nhưng mọi người đều cố gắng mang lại không khí Tết. Ông nhớ có năm anh nuôi mang về ở đâu được miếng thịt lợn nhỏ khoe với cả đội:
- Xuống làng, mua được miếng thịt lợn, Tết này có bánh chưng cho mấy ông nhé. Nhọc lắm mới mua được ấy, chúng nó rát lắm, khám kĩ những người buôn thịt. Này được chị bán rau dúi lắm.
Năm ấy, thêm tí nếp, ít đậu xanh và bàn tay khéo léo của anh nuôi và các chiến sĩ phụ bếp, nồi bánh chưng với chỉ nhân là một ít thịt đã được thành hình. Bên bếp lửa hồng, khi các đồng đội ngồi canh lửa, họ thức sáng đêm với những câu chuyện, cùng ganh tị chọc ghẹo nhau về những bức thư nơi hậu phương gửi đến; Lại cùng nhau xem những tấm hinh con trẻ và cả khóc khi nhớ về gia đình vững chãi luôn là điểm tựa bình yên khi nhớ về. Chính những câu chuyện về gia đình mà những người đồng đội chia sẻ cho nhau lại khoả lấp nỗi nhớ nhà của lẫn nhau.
Niềm vui khi về già của ông cũng là chăm sóc những chậu mai. Ông thường dành thời gian ra vườn để bón phân, chăm sóc, tỉa cây và những chậu cây được ông chăm chút khéo léo tỉ mỉ ấy luôn được gia đình tôi yêu quý chưng vào dịp Tết. Thường những chậu mai Tết ở vườn nhà tôi, có khi được chưng trong hội hoa xuân, có khi còn được đem lên chưng trên phường xem như gia đình tặng, và phần lớn thường được để chưng trong nhà và được các thành viên trong gia đình treo lên đủ màu xanh đỏ. Những lúc đó, tôi thường thấy ông mỉm cười hiền hoà và sau đó lại trầm ngâm nhớ về những điều đã cũ.
Ông kể cho chúng tôi nghe có những năm kháng chiến ác liệt, khi ấy mọi hành động của quân ta đều phải luôn thật cẩn thận nếu không sẽ vướng vào vòng nguy hiểm. Có một năm, ông đóng quân gần nhà, lòng rất muốn về thăm vợ con nhưng việc đó gắn với rất nhiều hiểm nguy. Thường Tết ở quê tôi vẫn hay có tục đàn ông trong nhà vào những ngày Tết, khi ánh trăng vào mùa sáng thường sẽ ra vườn làm tục lẩy lá mai. Đó như là điều cầu chúc cho những người mẹ, người vợ sẽ có một năm suôn sẻ và may mắn. Nên năm đó, ông và nhiều người đồng đội cùng quê đã lẻn về trong đêm để lẩy lá mai, dù đối mặt có thể là họng súng của địch và rất nhiều khó khăn đang rình rập. Mỗi khi chăm sóc những chậu mai của hiện giờ ông lại nhớ rất rõ như in cảm giác hồi hộp nhưng cũng đầy mong đợi một năm mới hạnh phúc sẽ về với gia đình nhỏ nơi hậu phương.
Và mỗi năm khi Tết đến, không chỉ là những ngày sum họp của gia đình, mà còn là những ngày họp mặt của những cựu binh đã từng cùng nhau đứng chung một chiến tuyến ngày xưa. Tôi đã chứng kiến rất nhiều buổi họp mặt từ khi còn ấu thơ cho đến giờ dù thời gian qua đi và sẽ có những người ở lại và những người ra đi khiến những buổi gặp mặt cứ từng năm dần vơi bớt một… Ông tôi từ những ngày đầu còn khoẻ mạnh cũng dần trở nên yếu dần phải được tôi đưa đi đến nơi họp mặt qua từng khoảng thời gian. Lạ lùng thay mọi kí ức mà ông quên đi nhưng khi gặp mặt, tôi không rõ ông có còn nhớ ai không, chỉ thấy giữa những người lính trên áo đang đính đầy huân chương kia trao nhau những cái ôm rất chặt.
Thi thoảng cho đến bây giờ, mỗi khi ông chợt nhớ điều gì ông vẫn hay kể lại với tôi. Kí ức của ông, như tôi góp nhặt, là những khoảng thời gian đong đầy mùa nhớ… -./.