Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


tranh Mai Trung Thứ

TẾT VỚI HƯƠNG PHẤN



N ằm mãi không ngủ được. Tôi vớ lấy những tờ báo xuân, đọc hết sức chăm chú vẫn chẳng có chữ nào lọt được vào tâm trí. Vẫn không dỗ được mình chợp mắt.

Sáng nay, tôi vẫn đến cơ quan dù chẳng có việc gì để làm. Đến, như một một thói quen. Đến, vì ở nhà buồn trống và khó chịu quá. Thấy bác bảo vệ ngồi uống trà trầm ngâm có một mình, tôi sà vào và hai bác cháu ngồi lầm lì với nhau như thế hằng mấy tiếng đồng hồ liền. Chẳng ai muốn mở miệng, cất lên nổi một lời. Ngày cuối năm sao mà ngậm ngùi đến thế! Trưa, tôi mời bác đi ăn với mình đĩa cơm bụi. Bác “ừ” và hai bác cháu ra phố. Ghé đến bao nhiêu là hàng quán vẫn những cái lắc đầu. Có nơi còn trêu: “Làm gì có người ăn mà nấu với chả nướng”. Đành chở bác về nhà, tiện thể tạt qua chợ mua rau, thịt, gia vị và một ký gạo ngon. Bác bảo: “Mày mua cho bác cút rượu”. Tôi nói mình còn chai Whisky uống dở nhưng bác bảo không hợp. Chỉ thích rượu trắng nấu bằng gạo nguyên chất, nồng độ cao. Ở quê bác ngoài bắc, thứ rượu này người ta nấu ngon phải biết, còn ở đây cái anh “Bàu Đá” cũng ngang ngữa chỉ phải giả nhiều, nên phải biết chỗ mua cơ! Bác ăn chậm rãi uống từ tốn thế mà không đừng được, bữa cơm rồi cũng qua. Tôi tần ngần tiễn khách và bác ngần ngừ chẳng muốn rời. Thế mà không đừng được vẫn phải chia tay. Bác lên xe phóng đi và tôi ngồi lại, một mình cùng với căn phòng: bộn bề và trống trải. Với nỗi buồn, sự cô đơn và ngày cuối năm dở dang chưa qua hết. Mai đã là mồng một và bắt đầu cho một năm mới. Nhìn đồng hồ đã thấy hơn một giờ. Tôi định đánh một giấc rồi ra phố mua quáng quàng dăm ba món gì đó, dự phòng tết nhất nhỡ có ai ghé thăm, không biết lấy gì mà dọn. Nhưng giấc ngủ không đến lại làm lười lĩnh thêm và cứ thế, nằm ườn người ra chẳng thiết làm gì.

Có tiếng gõ cửa . Tôi mới chỉ tung chăn ngồi dậy, chưa kịp thò chân xuống đất kiếm đôi dép thì hai cánh đã bật mở và Hương Phấn ào vào như cơn lốc, đem theo cái lạnh và những cơn gió từ bên ngoài. Hết đưa mắt ngó tôi với bộ pijama nhàu nát, tóc tai bù xù, giường nệm bừa bộn Hương Phấn lại quay nhìn căn phòng ngổn ngang, bừa bãi và lắc lắc đầu. Chẳng nói chẳng rằng, nó cởi cái áo khoác ngoài, xắn gấu quần jeans, cột tóc cao lên và lom khom thu dọn. Chỉ một nhoáng mọi thứ đều đã sạch sẽ, tinh tươm và chỗ ở của tôi như mang một khuôn mặt khác. Dẫu chưa có gì là sáng sủa và tươi tắn lắm nhưng ít ra cũng thoáng đãng hơn.

Tôi nửa nằm, nửa ngồi chểnh mãng trên giường, lơ đãng nhìn Hương Phấn làm và bỗng nghĩ đến mẹ nó và cũng là bạn thân của tôi: Lệ Hương. Thế đấy! Con của Hương đã lớn đến ngần này. Hình như Phấn sinh năm 1984 mà tôi thì vẫn cứ vậy: một mình. Lệ Hương bảo tôi: “Mày lì xì bỏ mẹ, chồng con gì được. Cái chuyện hôn nhân thì cũng phải có ham, có thèm nó mới tới được cơ đấy!”. Biết nói thế nào nhỉ ? Chồng con ư! Hôn nhân ư! Một tổ ấm ư! Ham ư! Thèm ư! Làm sao mà chẳng có, chỉ có điều… Tôi vẫn hay chép miệng thở dài, mỗi khi lỡ đi một cơ hội và hình như tôi bị lỡ cũng chẳng phải là ít ỏi gì. Thế đấy! Tôi luôn lì xì ở chuyện yêu đương, trong khi bạn bè quanh tôi lại rất tận tình. Mẹ của Phấn, chẳng hạn. “Lệ Hương ham vui sớm”, nói như mấy đứa bạn ưa cà khịa và nói như nó nói về chính mình: “Trăng hoa sớm. Trai gái sớm. Lãnh một cục sớm. Ngán! Rất ngán! ”. Nói là thế nhưng nó chỉ ngán có mỗi chuyện nuôi con với lại chuyện nhà, chứ chơi bời thì hình như lúc nào cũng “máu” và càng già càng “máu” hơn thì phải. Hồi đó, Lệ Hương ghiền nhảy đầm và mê hát sao đâu. Hương Phấn chưa đầy năm, đã được gửi bà ngoại với đủ hết các lý do. Nhờ thế, chẳng mấy khi Lệ Hương vắng mặt ở mấy chỗ hội hè, đàn đúm. Nó có thể nhảy đầm thâu đêm suốt sáng và hát cho đến khi khản cả giọng, nhúc nhích không nổi cái cổ họng nữa mới thôi. Lệ Hương hay xin hát bằng cái mặt xí xớn dễ ghét và với duy nhất một câu này: “Có cho tao hát không nào? Đang ngứa cái lưỡi gà lắm đây này”. Bây giờ chả phải xin thảm thiết đến thế vì già rồi cũng phải ra vẻ sĩ một tị nhưng cái máu hát thì vẫn nóng lắm trong người và luôn bốc lên ngùn ngụt, mỗi khi có cơ hội. Mà không á! Lại đua với tụi nhỏ khi rống karaoke ở nhà. Thôi thì mẹ hát, con hát… Chắc do ảnh hưởng “gien” của mẹ hay sao mà mấy đứa con của Lệ Hương hát nghe cũng được lắm. Như Hương Phấn, con bé hát nhạc tình Trịnh Công Sơn “thấm” khỏi chê. Lúc Hương Phấn mở túi xách, lấy ra bộ quần áo mặc nhà, nói tỉnh không: “Dì cho cháu ở lại mấy hôm nhé”, tôi mới ngước mắt lên nhìn nó, dò hỏi:

-…

- Dì không muốn hay sao mà nhìn cháu lạ thế?

- Muốn chứ! Nhưng dì không thể thắc mắc, không thể đặt câu hỏi, không thể ngạc nhiên à?

- Cháu biết. Thà là ngày thường chứ mai đã là tết rồi.

- Mẹ cháu không biết?

- Dạ. Cháu chỉ nhắn mấy đứa em. Bảo…

- … đến ăn tết với dì?

- Vâng. Cháu thích thế với lại cháu với mẹ đang…

- … giận nhau. Không phải là chuyện khác sao, Hương Phấn?

- Vâng! Vẫn thế! Vẫn chuyện ông Cường.

Giọng Hương Phấn khe khẽ, nghèn nghẹn. Nó rơm rớm nước mắt, ngồi ghé người xuống cuối giường, rụt cả hai vai lại nên bé hẳn, cứ như là đang tủi thân ấy và trông thương quá đi mất. Tôi ra phố, uống ly cà phê và gọi điện cho Lệ Hương. Tôi cho Hương biết con gái nó đang ở đây và Hương Phấn sẽ ăn tết với tôi. Tiếng Lệ Hương “ừ”, “ừ’, “ừ” đầy mệt mỏi. Tôi gặng hỏi:

- Mày sao thế? Có chuyện gì à?

- Chuyện à? Có mà khối! Thế mày không thấy con gái tao tết nhất mà còn bỏ đi hay sao?

- À, Hương Phấn đã lớn tướng rồi với lại nó cũng chỉ đến chỗ tao, có gì mà lo. Tao thấy mày không được khỏe?

- Ừ! Muốn ốm quá.

- Thế thì nghỉ đi. Đã dẹp hàng chưa? Chiều ba mươi rồi còn bán buôn cái nỗi gì nữa.

- Nghĩ từ lúc trưa ấy chứ! Nhọc gì cái thứ công việc của tao. Chỉ có điều, nản chán và buồn bã quá, mày ơi!

Tiếng “mày ơi” của Lệ Hương kêu, sao mà thiểu não khiến lòng tôi nao nao. Nó dặn tôi nói lại với Hương Phấn là chiều mồng ba nhớ về để đi thăm mộ bố và lo chuyện cúng đưa, kẻo cả nhà đợi. Rồi không chờ tôi “ừ” lấy một tiếng, nó cúp máy ngay. Rời quán, thay vì về nhà cũng gần đấy, tôi đi bộ loanh quanh qua mấy con phố. Càng về chiều lại càng rét đậm. Trời đục xám và chùng thấp nhưng đẹp lạ lùng. Tôi cứ đi, đi như thế mãi cho đến lúc hai chân mỏi nhừ, cả người bắt cóng lại vì rét mới thôi. Vừa đi, vừa nghĩ thương mẹ con Hương Phấn. Cường là người yêu hiện nay của Lệ Hương. Khổ một nỗi là Cường đang chung sống với vợ con và cuộc hôn nhân ấy khá tốt đẹp. Đó là lý do Hương Phấn hết mực phản đối cuộc tình của mẹ. Con bé có cái vẻ bên ngoài rất là nhu mì, hiền lành nhưng thuộc loại dữ ngầm. Nó công kích Lệ Hương, đối chọi thẳng với Cường, hô hào mấy đứa em đứng về phía mình và… bỏ nhà đi vào giữa ngày ba mươi tết. Tôi nghe ra trong tất cả những hành động ầm ĩ, mạnh mẽ của Hương Phấn là sự yếu ớt, nỗi sợ sệt… Như tôi nghe ra trong sự im lặng, nhẫn nhục và chịu đựng của Lệ Hương là cả một nỗi cô đơn dặc dài. Rồi ra, Lệ Hương và con gái của nó đều chênh chếch một nỗi lẻ loi. Có khác chăng ở Lệ Hương là cái thẳm sâu, day dứt ở một phụ nữ vừa qua tuổi năm mươi và ở Hương Phấn là sự phẫn nộ, nỗi uất ức… của một đứa con gái chưa tới tuổi ba mươi và biết rất rõ, là không cách gì, không thể nào mình có thể là đủ cho mẹ, một đời. Đúng là cái số của Lệ Hương, lận đận mãi một chữ “tình” quàng ngay vào cổ mà siết chặt. Còn tôi một phận long đong, tìm kiếm mãi không ra một bóng hình để mà ấp ủ, vậy thì có khá hơn gì đời của nhau khi sáng mai, đã bắt đầu thêm một năm nữa đến. Phút chốc sao tôi thấy như mắt mình cay xè. Chẳng lẽ gió của chiều ba mươi có rất nhiều gợn bụi?

Tôi phải đứng rất lâu trong sự sững sờ ở trước cửa phòng. Không thể tin nỗi vào mắt mình. Sao mà ra cái vẻ tết như thế này nhỉ? Cái chỗ ở hom hem, lùi xùi của tôi bấy lâu nay ấy mà. Nơi, tôi đã phải trải qua những ngày ba mươi, những cái tết đến là… trơ trụi. Nơi, tôi chẳng thiết sửa soạn một cái gì khi năm mới đến. Một năm với ba trăm sáu lăm ngày ở mãi, ngán thì phải đi. Rồi một năm ba trăm sáu lăm ngày lù lù đến. Tôi có bao giờ chờ đợi đâu mà phải đón với lại mừng, nên cứ gọi là phiên phiến cho qua. Hết tết lại được tới cơ quan, lại được vùi đầu vào công việc, thế là nhẹ hẳn người ra. Hương Phấn đem về bao nhiêu là đồ đạc. Chắc nó đã đi mua trong lúc tôi vắng nhà. Khăn trải giường mới, áo gối mới, khăn trải bàn mới, tách bình mới… Đã thế, lại còn thêm một cành mai cắm trong cái lọ cổ cao đen tuyền, nom rất hợp. Ban đầu tôi có hơi ngỡ ngàng xen lẫn bực bội. Cái con bé này giống hệt mẹ nó. Cứ áp đặt cái ý thích của mình lên người khác, là sao? Kệ tôi, việc gì đến nó nào. Đây là căn phòng của tôi. Thế giới của tôi. Ừ, tôi lì xì thì cái tết của tôi cũng lì xì. Đã sao đâu! Chỉ vẽ chuyện. Nói thế nhưng khi đứng thừ người ra giữa phòng ngắm đi, ngắm lại từng tí một đổi thay, tôi mới chợt nhận ra lòng mình, dường như cũng có… thích thú. Cái cảm giác sảng khoái, nhẹ nhõm đến từ lúc nào chẳng rõ. Hương Phấn đang sắp xếp lại cái giá sách. Nó im lặng khi thấy tôi trở về. Trời lạnh thế này mà nó vẫn mặc quần short, áo pull sát nách và sức sống phơi phới của tuổi thanh xuân như lồ lộ ra hết bên ngoài. Sự tươi tắn, mới mẻ và khỏe mạnh từ nó như đang dần chuyển lay những gì là héo úa, cũ kỹ và yếu đuối ở đây như cái vẻ trẻ trung, lạ lẫm của nó đang từ từ chế ngự và xâm chiếm nơi này. Tôi nhìn lại căn phòng một lần nữa rồi tự nhìn lại tôi. Một tôi - rất - là - đáng - chán!!!. Tôi mới trên năm mươi mà sống cứ như bà già! Tôi nghĩ thế và chặc lưỡi. Hương Phấn nhìn tôi tủm tỉm cười:

- Cháu và dì là có đến hai người và cháu đã quyết định là chúng ta phải ăn một cái tết cho ra trò đấy nhé!

- Không… luộm thuộm được à? Không… lì xì được à?

- Không… Từng tí một.

- Ừ! Thì không. Một cái tết ra trò. Hay đấy. Hay thật đấy!

Tiệc mừng giao thừa của hai dì cháu được dọn cả ra cái chiếu, trãi trên nền nhà. Thôi thì chẳng sót một món nào. Cả đồ ăn, thức uống. Suốt cả buổi tối này, Hương Phấn đã lãnh phần đứng bếp. Con bé thế mà khéo tay, giỏi việc ra phết. Đúng là chị cả ở trong nhà. Lệ Hương hay nói với tôi Hương Phấn giỏi chuyện nhà nhưng lại dở chuyện mua bán. Bởi thế sau ngày chồng mất, cửa hàng chỉ có một mình Lệ Hương trông coi, quản lý. Bận bịu quá phải mướn thêm người giúp chứ Hương Phấn tịnh không hề biết gì. Tôi ra vẻ rất thuần thục khi đóng vai trò phụ việc cho Hương Phấn. “Dì ơi, giã cho cháu ít hành tỏi”, “Dì ơi, gọt hộ cho cháu mấy cái củ này”, “Dì ơi” và “Dì ơi”… Tôi hỏi Hương Phấn:

- Ở nhà cháu có dám sai mẹ… nhiệt tình như thế này không?

- Dì cứ nói thế. Cháu làm sao dám.

- Không sai thì nhờ. Thật sự là không nhờ mẹ?

- Nhờ chứ dì! Nhiều nữa là đằng khác. Có điều mẹ cháu hay cáu.

- Cũng mới đây thôi, đúng không? Mẹ cháu đang có rất nhiều việc phải lo. Cháu nên hiểu.

- Cháu rất hiểu đấy chứ! Mẹ cháu không giỏi thế, làm sao gia đình cháu có được cuộc sống sung túc như vầy. Cháu mong được giúp mẹ nhưng mẹ đâu có cần. Mẹ chỉ cần có ông Cường.

- Thôi! Cho dì xin. Không khéo nước mắt lại chảy ròng ròng xuống chảo đồ ăn kia mất. Mà hình như nước mắt đâu có thay thế được nước mắm, xì dầu..

- Tự dì, chứ cháu vốn…

- …mít ướt, dễ tủi thân và rất hay chạnh lòng, phải không nào? Vậy thì không có ông Cường, ông Cang gì ở đây sất. Cháu quên sao? Cháu đã quyết định là chúng ta sẽ phải ăn một cái tết…

- …rất vui, rất hay, rất tuyệt, rất ra trò.

- Ừ! Thì rất ra trò.

Tiếng cười của hai dì cháu vang ấm căn phòng nhỏ, trong suốt buổi tối ba mươi. Một đêm cuối năm, lần đầu, tôi được hưởng trong suốt mấy chục năm trời sống kiếp độc thân. Bỗng dưng tôi muốn khóc. Hương Phấn uống bia rượu cũng cứng cáp ghê đó chứ! Tôi coi bộ đã muốn say mà nó vẫn tỉnh như không. Nó xem đồng hồ nói: “Còn đúng một tiếng nữa mới đến giao thừa. Cháu sẽ thức và hát cho dì nghe. Nhạc tình Trịnh Công Sơn hẳn hoi đấy nhé!”. Hương Phấn đứng dậy lấy cây guitar gỗ treo trên tường lâu nay tôi vẫn để im, bụi chắc bám đầy và không chừng có cả mạng nhện giăng mắc nữa ấy chứ! Hồi chiều, tôi thấy nó lau chùi sạch bóng lại còn thay cả mấy dây đứt và lên dây lại cho đúng. Chắc là chuẩn bị cho chương trình ca nhạc mừng tân niên đây mà. Khi tôi mắt nhắm, mắt mở nói ra điều đó, nó cười cười: “Hát tiễn biệt năm cũ và chào năm mới”. Tôi gật gù: “Ừ, ừ phải tiễn chứ! Phải đưa đàng hoàng, còn chào năm mới. Đúng là phải chào. Chào nghiêm túc nhưng không mừng. Tội vạ gì mà mừng. Ham hố gì mà mừng nhưng phải chào đấy! Phải xã giao. Phải lịch sự nhé!”. Tôi chỉ còn kịp nghe mấy tiếng “vâng”, “vâng” của ai đó là thiếp đi ngay.

Tôi không biết mình đã nằm như thế được bao lâu thì trở dậy. Tiếng đàn guitar và tiếng hát đã đánh thức tôi. Trong một tích tắc nào đó, tâm hồn tôi như thể tuột trôi ra khỏi sự u mê, mông muội… chợt tỉnh táo, sáng sủa đến lạ thường. Tôi ngước mắt nhìn đồng hồ. Đã qua mười hai giờ. Như vậy là đã qua năm mới rồi. Tôi nhìn Hương Phấn. Nó đẹp quá và xa xôi quá khi xõa tóc, ôm guitar và hát nhưng đâu có xa xôi gì… Một cái tết đang ở trong tầm tay và một năm mới đang dần dần đi gần lại. Một năm mới được bắt đầu bằng âm nhạc Trịnh Công Sơn, bằng những câu ngân nga trên môi đứa con gái của người bạn thân: “…Nằm nghe giữa trời. Rộn vang tiếng cười. Điệu kèn ai buốt trong tôi. Mùi hương phấn người. Một hôm nhớ lại. Hẹn ngày sau sẽ mua vui…”*. Một năm với những giờ đầu tiên, những ngày đầu tiên còn có được một người thật dễ thương, để cùng sẻ san và cảm nhận. Bỗng dưng tôi lại muốn khóc… -/.

*Bài “Chiếc lá thu phai” của Trịnh Công Sơn




VVM.06.02.2024.