Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



BẾN XUÂN



     Ô ng lái đò khom lưng, ôm bó củi nhặt ở bãi cỏ gà, chui vào chiếc lều lợp bằng lá mía ở đoạn cuối con sông Đà. Nơi ông chở đò từ ngày theo mẹ đến khi mẹ xuất giá đi lấy chồng. Ông thay mẹ chèo lái con thuyền từ năm này, qua năm khác. Ông đã hơn 70 xuân. Ông đã thay thuyền nan đan bằng cật tre, quét sơn ta mấy lần rồi đến thuyền gỗ trám sơn và bây giờ là con thuyền nhỏ bằng tôn chắc chắn... Đang cúi gập cái lưng hơi còng để thổi chiếc bùi nhùi, làn khói lan tỏa trên mái lá bay lên, bay lên và tan loãng hòa trong sương chiều. Tiếng cuốc, bìm bịp ở bãi sông phía cuối bến đã dục dã gọi bạn về tổ. Mắt ông lơ đãng nhìn bến sông phủ lớp sương mờ trên làn nước xanh êm chôi hư ảo.

- Ông ơi, cho cháu hơ tay với ạ!

Ông lão ngó ra, một cô gái mặt căng hồng với hai chiếc bím tóc đung đưa. Ông dụi mắt nhìn cho tỏ người vừa cất tiếng gọi thanh thót. Bỗng ông đứng vụt dậy, cái thân cao kều đã đưa đầu ông đội cả mái lá. Giọng ông lạc đi như người vừa bắt gặp điều kỳ lạ trên đời.

- Xuân đấy ư con?

Xuân loay hoay tìm chỗ để chiếc túi du lịch căng phồng và cành đào đầy nụ hồng chúm chím. Cô xoay xoay người ngồi xuống bên bếp lửa đang tỏa nhiệt đẩy hơi lạnh ra khỏi chiếc lều nho nhỏ. Khói xộc vào mũi, làm nước tràn ra qua khóe mắt tô phớt son. Ông lão hổn hển:

- Ai chỉ đường, vẽ lối cho con về lại bến sông này?

- Dạ, cháu tự tìm lấy đường về đấy ạ!

- Năm hết Tết đến rồi, cháu đi lại làm gì cho khổ cái thân trẻ hả con? Bố mẹ cháu có khỏe không?

- Bố cháu đi xa rồi. Ông mất ngay sau một thời gian mẹ cháu về bên ấy. Giờ còn mình mẹ, mẹ cháu cứ khóc hoài và ốm lắm nên chẳng đi đâu được. Anh Hạ lấy vợ ở riêng, cháu học xong chưa xin được việc làm. Sáng nay cháu nói với mẹ Hiển là sang chỗ ông chơi đến Tết cháu về!

Ông lão thẳng đơ người như phải gió, giương đôi mắt tóet nhèm vì tuổi tác, vì cô đơn, vì khói bếp nhìn cô gái mơn mởn như trong tranh. Ông chép miệng than phiền: “Ông thương mẹ cháu quá!”... Ông cứ nhìn xoáy vào Xuân như để tìm lại hình bóng người con gái ngày xưa, ngày ấy đã xa hôm nay gần ba chục năm trời...

... Thị xã miền sơn cước ngày ấy buồn lặng lẽ như con nước cuối mùa đông. Bến phà Thia nổi tiếng rầm rập xe xuống, xe lên cũng vắng lặng trong những ngày giáp Tết. Ông Cư cuốn chiếc chăn chiên cũ, găm người trên con đò nan đợi khách. Những lúc chờ đợi dài dằng dặc ấy, ông đem những đồng tiền hào ra đếm. Từ sáng đến giờ chưa được đồng bạc. Mấy ngày nay khách biến đi đâu hết. Ông chờ phiên chợ, chờ người buôn bên kia sông sang bên này bán hàng để có tiền sắm Tết. Gọi là Tết cho sang nhưng cũng chỉ mua mấy thẻ nhang cùng vàng mã cúng tổ tiên, bó lá dong, vài mảnh đường phèn, một nải chuối xanh, mấy chùm quýt hôi ở trên xóm Vôi, xóm Tháu .. Chưa bao giờ ông dám nghĩ đến mua cành hoa Đào dù nó bé tí teo. Nhà ông là con thuyền nan. Quê ông là bến sông này. Đất ông xông đầu năm là bến nước lững lờ chôi. Ông sống lặng lẽ như bóng con thuyền giữa bến sông cuối thị xã nghèo từ ngày xa xa lắm. Chiều nay ba mươi Tết, bến vẫn lặng và thiếu bóng người qua. Ông Cư nhìn lên bờ gặp người con gái tóc buông dài, đứng đợi. Tay cô cầm cành đào phai và những chiếc bánh chưng vuông với túi hoa quả chờ đợi. Mặc, ông quay ra nhìn dòng nước trong xanh, cao đạo một mình: “Qua sông thì phải lụy đò, ba mươi Tết rồi có sang tối cũng phải trả năm hào”. Ông đợi người con gái ấy gọi, đợi mãi nhưng cô vẫn lặng câm thản nhiên đứng đón những cơn gió bấc thốc bay tà áo. Mặt sông đã sang màu tím, không đợi nổi nữa ông dành lên tiếng:

- Cô kia có sang đò thì xuống?

... Lặng im, chỉ có tiếng ông vọng trên khúc sông hiền hòa.

- Cô kia dở người hay sao mà đứng cả tiếng đồng hồ. Đi cũng chẳng bảo, không sang cũng chẳng nói!

- Dạ, em đang chờ người ạ!

- Chờ người bên kia hay chờ người bên này cùng sang?

- Dạ, em chờ người bên kia!

Tối nhập nhèm, gió bấc rít từng cơn trên ngọn cây nhội. Ông Cư nhảy lên bờ, ôm bó củi bước vào lều:

- Nếu chờ lâu, cô vào lều mà ngồi. Tôi cũng đốt lửa thổi cơm đây!

Hiển theo ông Cư bước vào cái lều chật hẹp. Ông nép chỗ cho Hiển ngồi, vừa nhóm lửa vừa liếc xéo nhìn trộm cô gái lạ. Ông nghĩ trong bụng, người thon thả, da hồng, môi đỏ, mày đen thế này cùng với mái tóc dài như mây thế kia rồi lại khổ thôi. Ông để Hiển ngồi một mình, ông chạy lên bãi bẻ mấy bắp ngô túm vào vạt áo chạy về. Ông Cư lầm lũi bóc bẹ, nướng ngô và đưa cho Hiển:

- Cô ấm đầu hay sao mà chờ đợi đêm hôm ở bến sông?

- Anh ấy hẹn nhất định sẽ sang nên em đợi!

- Thế người ta không đến cô đợi đến sáng mai à? Mà người như thế nào mà cô phải khốn khổ là vậy?

- Dạ, anh ấy là bộ đội!

Những bắp ngô nướng hết dần, câu chuyện của Hiển đã làm ông Cư thay đổi thái độ. Ông như cái bóng ngồi bất động nghe giọng nói mộc mạc, lúc cay, lúc ngọt thì thào bên tai...

... Anh ấy là bộ đội pháo phòng không, trước đây đóng quân bên kia phố Đúng còn giờ ở xa rồi. Quê anh ở tận Thái Bình nơi có chiếu hoa đẹp nhất nhì trong nước ấy. Chúng em gặp nhau năm ngoái khi đoàn thanh niên xã lên đắp công sự giúp bộ đội. Độ ấy cũng sắp đến Tết như bây giờ, em chạy về nhà chặt một cành Đào thật to có đủ cả hoa, nụ, lộc vác lên tặng các anh trên trận địa. Chẳng biết đưa cho ai, em đứng như bị chôn chân xuống đất, hai tay giữ lấy cành Đào bị gió níu muốn đổ. Anh tiểu đoàn phó nháy mắt:

- Tiểu đoàn cử đồng chí Hoan ra đón hoa xuân của em Hiển!

Một chàng trai cao và đen, tóc loăn quăn có đôi môi dầy nở nụ cười bẽn lẽn. Em đưa hoa cho anh và chúc các anh đón Xuân trên quê Mường vui vẻ. Anh tiểu đoàn phó lại nói:

- Hoan nói gì đi chứ?

- Em ngượng, chạy một mạch xuống dưới chân đồi. Khi ngoái lại thấy anh Hoan chạy theo nhưng vội quá vấp vào gốc sim ngã sóng sượt, lăn mấy vòng sứt mặt mũi. Em quay lại đỡ anh ấy, lấy vạt áo lau nhũng giọt máu trên gương mặt của anh . Anh Hoan cười, vòng tay ghì khuôn mặt em xuống và nói:

- Năm nào em cũng đem hoa Đào tặng anh nhé!

Tết năm ấy, chúng em ở bên nhau và tình yêu đã đến. Do đơn vị di chuyển luôn nên mấy năm nay anh ấy sang trận địa bên Phú Thọ. Nhớ lời hẹn từ Xuân trước, anh viết thư về và hôm nay em đợi gặp anh ấy ở bến sông này. Nhất định anh Hoan không quên lời hứa, không quên cành hoa đào đón Xuân đâu!

- Nhà cô ở cách đây xa không?

- Dạ, nhà em ở dưới chân dốc Cun!

- Thôi thế này nhé, cô cứ về đi kẻo khuya quá. Cành Đào để lại đây, khi nào anh ấy đến tôi sẽ đưa hộ. Cô có nhắn gửi gì không?

- Mấy giờ rồi anh lái đò. Mà anh tên gì để em gặp con gọi cho tiện ­­­­

-Tôi là Cư. Có đồng hồ đâu mà biết, ước chừng tám chín giờ đêm rồi đấy! Hiển bước ra khỏi lều, gió lạnh làm cô rùng mình. Phía bờ bên kia tối như mực, mấy chiếc thuyền câu với ngọn đèn le lói trong tĩnh lặng, cô liêu. Hiển tự giận rỗi với mình: “Tại sao mình không dám sang tìm anh ấy mà cứ ngồi ở bến sông chờ một cách vô vọng thế này!”.

Ông Cư, bước xuống bến nước buộc lại chão thuyền và gác mái chèo vào trong khoang, nói vọng lên:

- Người ta quên cô rồi, về đi thôi hay cô chờ đến sáng mùng một Tết?

... Đò ơi, đò ơi! Cho sang với đò ơi!

Bỗng tiếng gọi da diết bay trong không trung mịt mùng, lan trên mặt nước lạnh lẽo. Hiển nhẩy cẫng, nắm lấy tay ông Cư nài nỉ:

- Anh Cư ơi, anh ấy đấy, sang đón hộ em đi!

Con thuyền từ từ quay mũi, tiếng chèo bơi nước và tiếng sóng nhẹ vỗ vào mạn thuyền oàm oạp. Đêm sông Đà cuối năm đã nuốt chửng con thuyền nhỏ nhoi vào khoảng tối mênh mông. Nửa tiếng sau nó lại lừ lừ tiến vào mép nước. Con thuyền chưa dừng hẳn Hoan nhảy vọt lên bờ cát. Ông Cư càu nhàu:

- Vội thì vội cũng phải chờ người ta buộc chão đã chứ!

- Anh Hoan, em đây!

Hai người đi như lướt nhẹ trên cát. Họ ôm lấy nhau hổn hển. Ông Cư ngồi chết lặng trên con thuyền nan nghe gió, nghe sóng và nước vỗ vào mạn thuyền, nghĩ đến ngày mai đã Xuân sang mà chưalàm được việc gì...Khi họ rời nhau, ông đưa Hoan sang bờ bên kia rồi trở lại đã nghe tiếng pháo tép đì đẹt. Ông bước vào lều, thảng thốt nhìn lên bàn thờ làm bằng mảnh gỗ nhỏ đã thấy có chuối xanh, mấy quả quýt đỏ lựng. Hiển đã dắt rời bến sông tụ lúc nào. Từ lần ấy, bao giờ trước Tết âm lịch, ông Cư lại được chứng kiến cảnh một cô gái cầm cành đào phai đón đợi người yêu với con mắt vời vợi về phía bờ bên kia. Họ trao nhau những nụ hôn, nói với nhau những lời đẹp làm sao: “Xuân sau anh đón em về quê mẹ!”. Mỗi năm, ông cũng được Hiển cho một cành đào phai dù bé hơn cành của Hoan. Ông nâng niu, đốt gốc, cắm vào lọ nước bằng cây nứa cắt ra... Mười mấy năm nay, Hiển không đến bến sông chờ đợi chiều ba mươi nữa. Ông Cư đoán rằng Hiển đã về quê Hoan sinh sống và họ đang rất hạnh phúc...

Ông Cư gạt than, cho thêm mấy cái củi rều vào bếp. Khói bốc lên, xộc vào mũi Xuân. Cô gái nắm lấy tay ông:

- Bố Hoan cháu hy sinh sau khi anh Hạ được bốn tuổi. Đến bây giờ chưa tìm được mộ ông ạ. Nghe nói bố cháu chiến đấu ở chiến trường B 2 trên đường vào giải phóng Sài Gòn. Mấy năm sau mẹ cháu lấy bố Ngọc bây giờ, cũng là một người bạn của bố Hoan sau giải phóng Miền Nam trở về. Sinh cháu được mấy tháng bố Ngọc trở lại chiến trường biên giới Tây Nam và vĩnh viễn không về với mẹ con cháu ông ạ. Cay đắng và niềm tự hào của cuộc đời đã làm cho tóc mẹ cháu nhuốm màu hoa Chanh trước tuổi. Song những kỷ niệm của mẹ về tình yêu không bao giờ tắt. Đêm đêm, mẹ cháu vẫn kể lại câu chuyện ngày xưa, kể lại cái bến đò mà bố mẹ cháu hẹn nhau như ông đã kể cho cháu vừa nghe. Mẹ cháu gọi đấy là bến Xuân bên bờ sông Đà ông ạ!

- Bố mẹ cháu xứng đôi quá. Khổ thân bố cháu nếu còn giờ có lẽ làm to lắm!

- Sau bố mẹ cháu, có nhiều người nữa hò hẹn ở bến đò của ông không?

- Nhiều lắm cháu ạ. Có lẽ tại bố mẹ cháu đặt tên lại bến này là bến Xuân nên năm nào ông cũng xông thuyền chở những lứa đôi. Họ tươi trẻ lắm, bến Xuân còn mãi mà ông thì đã già rồi !

- Tết này ông cho cháu làm lái đò nhé. Năm nay cháu bảo với mẹ Hiển con trở lại bến Xuân ăn tết cùng ông. Con sẽ đưa chuyến đò đầu tiên trong năm rồi mới về đón Xuân cùng mẹ!

Ông Cư gật gù, nắm tay Xuân dắt cô xuống thuyền. Đêm nay, một đêm cuối năm hạnh phúc đến với ông lão chở đò thật bất ngờ. Ông dặn Xuân mấy câu rồi bước lên bờ:

- Năm nay cháu xông thuyền cho ông chắc nhiều lộc lắm đây!

Đêm sông Đà vẫn lặng như tờ. Cả bến sông cùng đất trời như đang nén mình, nín thở đón đợi xuân sang. Ông Cư lẩm nhẩm: “Sang năm mình đã bảy mươi hai đây. Thế là Tết này ông không cô đơn, lủi thủi một mình. Con bé Xuân cũng kỳ lạ như mẹ nó ngày xưa”.-./.




VVM.06.02.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com