N
ắng nửa buổi sáng gay gắt. Cảm giác mặt trời rất gần, từ trong nhà nhìn ra thật ái ngại… Tôi nôn nao muốn đi chợ. Chợ 29 tết, vẫn còn chút thong dong… Vất vả một năm, người dân quê nghỉ ngơi, nhà nào cũng chuẩn bị cho mình một cái tết theo cách riêng: Quây quần con cháu. Từ 23 đưa ông Táo về trời chợ bắt đầu xôn xao, nghe chị kể lại. Tôi về đến nhà đêm 28 tết và hôm nay việc đầu tiên là đi chợ… Nếu không sẽ bỏ lỡ cảnh chợ quê ngày giáp tết!
Đi chợ mua gì? Mọi cái trong nhà chị chuẩn bị không thiếu với tết quê… Chỉ là thích đi xem, có gì mua thêm mà thôi. Muốn nhìn, muốn gom tất cả hình ảnh phiên chợ cuối năm quê mình. Vì đằng sau cái nhìn của con mắt thể lý, còn cách nhìn của tâm hồn. Mọi hình ảnh lướt qua mắt rất nhanh, cái đọng lại ở tâm tư thì còn mãi…
Tôi đã xa quê mấy chục năm. Mỗi lần có dịp trở lại, những hình ảnh cũ, mới làm tâm tôi xôn xao, để rồi như những dấu ấn vô hình, tầng lớp ký ức mãi theo tôi…
Đất cũng bạc màu lặng lẽ, như chứng nhân âm thầm dõi theo bao thế hệ. Từng giọt mồ hôi của cha hòa cùng nước mắt mẹ thấm đẫm với thời gian vẫn không làm cho thôn xóm đổi mới… Đau đáu trong lòng mỗi người con ra đi, hình ảnh quê hương ngày thơ ấu với những ước mơ còn đó…
Tôi đi chậm, từ hàng này sang hàng khác. Hàng nào cũng đông người mua… Mứt bánh , quần áo, gạo nếp… Ôi! Chỉ có 3 ngày tết, mọi người với sức mua thật nhiều. Đặc biệt những ngày này, người , xe tấp nập… Con cháu ở xa về muốn chuẩn bị một cái tết rôm rả cho cha mẹ vui và ngược lại… Nhất là những bà mẹ quê cũng muốn kho, muốn nấu, thật nhiều cho con cháu ăn. Cả năm trời, đứa đi học, đứa đi làm xa, được người nhà cưng chiều hết mức. Người dân quê dù cực khổ bao nhiêu vẫn muốn thế hệ sau vươn lên, không an phận như cỏ cây bên con đường đất, nắng, gió mòn dần với tháng năm. Thật ấm áp với những yêu thương!
Khác với chợ thành phố, người ta chỉ mua những thứ cần dùng… Chợ quê cảm giác như người ta muốn mua tất cả… Ừ, tết mà. Đang bâng khuâng thả dài ánh mắt theo sự náo nhiệt, một giọng nói gian hàng kế bên hút sự chú ý tôi: “Tết mua đồ mới cho con nó vui” Lại một khách hàng, nhìn cách ăn mặc chắc là ở xa về cất tiếng “Chọn hai chiếc áo ấm cho ba mẹ vui”. Trong cái bộn bề của cuộc sống, mọi người đều nghĩ đến nhau và tận dụng cơ hội tặng nhau niềm vui nhân dịp Xuân về, rồi một năm đăng đẳng cách xa. Quê nghèo như cái nôi tre một thời mẹ ru, ở lại trong ký ức khi bước chân con ngày xa hơn với nhiều ước mơ...
Cứ thế thong dong qua hàng cá, những mẹt cá bóng sáng nhìn rất tươi, tôi chợt nghĩ bụng “Gần biển ăn được miếng cá tươi thích thật.” Bên cạnh lại có hàng rau, có một món mà đi xa chắc ai cũng nhớ “Dưa quả làm chua”. Đó là giống dưa, chỉ to hơn quả cam. Muối chua rồi đem kho thịt ba chỉ, miếng dưa được xắt mỏng ngấm thịt, ớt bột ra màu nhìn rất đẹp mắt, hoặc nấu canh chua cá biển tùy thích, ăn hết cơm. Nhắc thôi đã thấy thèm.
Hồi còn nhỏ có một dạo mẹ thường kho dưa quả với mỡ mặn mặn, cay cay, cho ăn rồi đi học… (Làm gì có thịt mà kho…) Chuyện xưa lại nhớ!…
Hàng bông bán trước mặt tiền chợ. Hoa Cúc trải vàng Xuân, xen lẫn nhiều loại hoa khác đua nhau khoe sắc, như cố tình khoe hết cái rực rỡ yêu kiều để thu hút khách mua hoa. Một thảm sắc màu nhìn từ xa trông thật đẹp mắt. Cái đẹp mong manh chóng tàn được ươm mầm suốt một mùa chăm sóc dưới bàn tay khéo léo của nhà vườn. Gió cố tình lướt qua vẫn không vơi được chút nóng bức nào, cứ thế người và hoa đổ từng giọt mồ hôi vui Xuân.
Có những người vì lý do nào đó một mình trong những ngày Xuân… Sự xa cách không khiến ta thiếu đi tình yêu thương. Vì tình yêu thương trước hết xuất phát từ tâm mỗi người. Sự xa cách và nỗi nhớ sẽ là men ủ chín…
Phiên chợ quê chỉ còn một buổi. Mai tôi lại đi… Mua gì nhỉ! Chỉ là gói ghém yêu thương…!