Q ua rồi mấy mùa trăng tròn khuyết, lau vẫn trắng triền sông, cuốc vẫn với tiếng gọi bạn tình da diết. Qua rồi mấy lần xuân, mai vẫn rơi đầy trước ngõ, én vẫn rợp trời buổi hoàng hôn, lòng vẫn nối lòng giữa hai miền cách trở. Qua rồi mấy lần giỗ, khói hương vẫn không thể mang theo tình yêu và nỗi nhớ , thời gian không thể xóa nhòa.
Đời chất đời, tuổi chất tuổi, nhiêu khê buồn vui đưa vào ngăn kéo, đóng lại, rồi mở ra. Có không, một chân tình giữa đời thường giả tạm, để ngậm ngùi, để chết sẽ mang theo? Có không, một giấc mơ giữa cuộc đời về sự tái sinh và trường cửu, để người người sống sẽ biết thương yêu hơn? Vạn thọ đã vàng rượm phía hiên nhà, cóm nổ thơm lừng cả xóm, xa xa vẫn còn những giàn phơi bánh ngày xuân…ba ngồi đó, cọ rửa từng cột lục bình, từng tấm gạch đã sậm màu, mồ hôi rỏ dài hai bên thái dương…ba ngồi đó, hiền lành và cần mẫn.
Tôi trở về- sau mấy năm xa nhà- sau cuộc hành trình dài tìm kiếm danh vọng, tiền tài… ( mà giờ đây đã ngộ, rằng mình đã lao tâm, tận lực cho những phù phiếm, hư vinh). Tôi trở về- sau những mất mát- để thấy tâm hồn mình luôn đau đớn, khao khát, và kêu gào ( Thứ mà trước đây với tôi là bình thường, là chuyện đương nhiên… giờ, lại trở nên quý báu biết dường nào, thiêng liêng biết bao nhiêu?) Vọng bên tai tôi là tiếng gọi của ba, tiếng kể chuyện “ Hồi đó…”, và những cái chép miệng ngon lành mỗi khi con gái trổ tài nội trợ… cuộc sống thật bình yên,vui vẻ và đầy sự ấm áp.
Giờ đây- khi vết chân chim đã hằn nơi đuôi mắt- tôi mới thấm thía câu danh ngôn của người xưa để lại “ Nếu phải nói về sự giàu nghèo, bạn hãy kể ra những gì mình có mà không thể mua được bằng tiền”. Trong cuộc sống với muôn điều tốt đẹp, thì cũng không ít những điều xấu xa, đau khổ; Con người với những yêu thương, bao dung, hy sinh…thì đồng thời cũng tồn tại bên cạnh là những ích kỉ, hẹp hòi, hạ tiện… tất cả làm nên cuộc sống, làm nên xã hội với muôn hình vạn trạng. Chứng kiến những gì hôm nay về một gia đình tan tác sau cuộc ẩu đả để tranh giành quyền lợi, ngẫm lại chính mình trong bộn bề lo toan cuộc sống, bỗng nhiên tôi nhớ về Môlie với “ Lão hà tiện” - một xã hội đồng tiền dơ bẩn- con người trở nên tầm thường, thấp kém. Bao nhiêu những tình cảm tốt đẹp nhất của loài người bỗng chốc biến thành những trò nhố nhăng, kỳ dị.
Khi chúng ta, những con người, đã để cho đồng tiền- cái phương tiện sinh sống ấy- biến mình thành nô lệ, biến ta thành con vật biết nói thì đồng thời những phẩm chất tốt đẹp, nhân phẩm, giá trị của con người không còn chỗ tồn tại cho sự suy tôn tột đỉnh của đồng tiền.
Đại diện cho những con người sống bằng lý tưởng tôn thờ đồng tiền của xã hội Pháp TK.XVII là nhân vật Acpagong với sự keo kiệt, bủn xỉn…con người đã đánh mất đi những tình cảm tốt đẹp trong các mối quan hệ với nhau, kể cả mối quan hệ máu mủ, ruột thịt, những mối quan hệ thiêng liêng, cao cả nhất của loài người như tình cha con, nghĩa vợ chồng…tất cả, đều trở thành hạ cấp trước sự xoay trở hết sức mạnh mẽ của đồng tiền. Acpagong trở thành đáng ghét không sao tả được trước những tính toán ma quái, trước cái cho vay nặng lãi độc địa, và rồi ông cũng trở nên đáng thương biết mấy khi trở thành nạn nhân của xã hội ấy- cái xã hội đồng tiền bẩn thỉu- ông không còn có được những hạnh phúc bên vợ, không có được những vui vầy bên con, ông không còn biết cái gì được gọi là cảm xúc, là yêu thương…cái được và cái mất ở đây là cả sự đánh đổi tàn nhẫn và vô lý, một sự mất mát quá lớn, nó như câu chuyện cổ tích xưa về chàng thanh niên niên nghèo khó tuấn tú và đầy khát vọng, vì muốn làm giàu đã bán trái tim mình cho quỷ dữ. đẩy con người vào hố sâu của tội lỗi, vũng lầy của bạc bẽo, tâm hồn trống rỗng khô cằn… nó đưa con người rời xa với cuộc sống vốn thuộc về con người.
Acpagong là của ngày xưa- ở chế độ tư sản Pháp- mà sao như vẫn thấp thoáng dáng hình quanh cuộc sống của hôm nay, trên đất nước này. Vẫn đâu đây những tình cảm thiêng liêng bị bỏ quên, và lạc lõng…trước sức thống trị đầy quyền lực của đồng tiền.
Qua những gì nhớ về Molie, tôi cảm nhận sâu sắc hơn về “ giá trị đồng tiền”, về những “ đời thường” cùng những “ hạnh phúc” mà Tiền không thể mua được để mang về, dù không ít người cho rằng “ cái gì không thể mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”, không sai, và cũng không hoàn toàn đúng. Giờ đây, tôi ước có thể ( dù có bỏ ra bao nhiêu tiền) mua lại được tiếng cười, giọng nói…của ba, dù chỉ một lần, một lần thôi, mà tiền nào có thể giúp tôi ?
Giá trị đời người, và giá trị của một cuộc sống thực sự là gì? Cái giá trị đó, thật ra nằm ở đâu? Xã hội ngày xưa, hay xã hội bây giờ, điểm khác và giống nhau vẫn là một: Tình người và Tiền bạc vẫn lệch hướng đi vốn thuộc về nó ( Đương nhiên vẫn vô cùng những ân tình và cư xử cao đẹp mà Tiền chỉ đóng vai trò là phương tiện ). Cuộc sống là gì? Bên cạnh những điều trần tục nhất và thiết thực nhất, đó là Tiền, là quyền lực và danh tiếng (Đương nhiên vẫn vô cùng những tấm lòng cao cả mà quyền lực, danh tiếng…lại đóng vai trò hỗ trợ ) cuộc sống với những cao đẹp và thiêng liêng: yêu thương, cho đi và hạnh phúc – cái hạnh phúc không song song tồn tại cùng Tiền (Niềm hoan lạc mĩ mãn ở tâm hồn) Nó trái ngược hoàn toàn với cái hạnh phúc ngất ngưỡng và tội nghiệp của Acpagong.
Như lời Nguyễn Công Trứ để lại, hẳn là điều vô cùng hợp lí : Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc/ Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn( Biết đủ tức là đủ, đợi đủ biết bao giờ là đủ/ Biết nhàn tức là nhàn, đợi nhàn biết bao giờ là nhàn), làm người phải biết đủ, và biết nhàn, đồng thời với những cái biết hợp lí khác, để cân bằng cuộc sống của chính mình. Để làm việc, yêu thương, đau khổ, và cư xử…đều vừa đủ, vừa đủ để ta biết mình đang sống và đang cùng nhau xây đắp cuộc sống.
Năm mới lại về, tôi cặm cụi cọ rửa mấy cột lục bình, cọ rửa từng tấm gạch đã quá sậm màu… mồ hôi rỏ dài hai bên thái dương, da diết nhớ về ba- người đàn ông hiền lành và cần mẫn của tôi- nhớ giọng trầm trầm ấm của ba mỗi khi cùng con gái “ trà dư tửu hậu” , cái giọng “ triết gia” của một nông dân mỗi khi có vài giọt rượu: “ Thiên đường không nằm trong ngôi biệt thự, nó nằm trong những trái tim biết yêu thương; nằm ở trong ta lúc an lành ”; lúc đó, tôi đã mỉm cười, và trêu “ Mời nhà hiền triết một ly”…giờ, “ nhà hiền triết” của tôi đã đi xa, thế mà lạ một điều, từng “ bài học” của ngày xưa mà tôi không mấy bận tâm, lại trở về nguyên vẹn, luôn ở bên tôi từng bước trong cuộc đời; thế mới thấm thía những “ di sản” mà các bậc hiền nhân để lại là thiêng liêng và quý báu biết dường nào: “ cỏ rơm khi ở bên ta/ mất nhau mới hóa thành ra ngọc ngà”. Và thế là tôi tự hỏi: Sao lại để đồng tiền ngất ngưởng ở trên chúng ta? sao lại để cho cái “phương tiện sống” ấy biến thành “ mục đích sống”? và ngự ở đỉnh cao? Sao lại để cho những gì mình có mất đi, thì khi ấy mới đau đớn nhận ra rằng đó là thứ quý giá nhất mà mình từng có, rồi không ngừng ân hận, tiếc nuối?Giờ đây- khi vết chân chim đã hằn nơi đuôi mắt- tôi lại thấm thía câu danh ngôn của người xưa để lại “ Nếu phải nói về sự giàu nghèo, bạn hãy kể ra những gì mình có mà không thể mua được bằng tiền”; và giờ tôi mạo muội thêm vào “Nếu phải nói về mùa xuân, bạn hãy nói về những giây phút được bình yên, ấm áp và vui vẻ bên những người thân yêu của cuộc đời mình”.
Qua rồi mấy mùa trăng tròn khuyết, lau vẫn trắng triền sông, cuốc vẫn với tiếng gọi bạn tình da diết. Qua rồi mấy lần xuân, mai vẫn rơi đầy trước ngõ, én vẫn rợp trời buổi hoàng hôn, lòng vẫn nối lòng giữa hai miền cách trở. Qua rồi mấy lần giỗ, khói hương vẫn không thể mang theo tình yêu và nỗi nhớ , thời gian không thể xóa nhòa.