Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

tranh Nguyễn Tư Nghiêm

HOÀI NIỆM ĐẦU XUÂN




Đ êm Giao thừa, thắp hương xong, đứng trên ban công tầng 10 ngắm nhìn pháo hoa bay với đủ màu sắc mà thấy xuân tràn về khắp các con phố. Hai bà cháu ra phố. Trời xe lạnh, mưa xuân lất phất bay. Trên đường phố Thái Thịnh, lác đác người ra đường, và ngày càng đông hơn. Những chiếc xe máy vút qua mang theo những người ngồi sau với hai cây mía dài. Hai bà cháu đi dọc theo phố, chọn mua hai cây mía, có đủ lá và rễ, lóng mía đều và óng mượt đem về dựng cạnh bàn thờ .

Không biết phong tục thờ cúng có hai cây mía gác cạnh bàn thờ có từ bao giờ, chỉ biết, đó là vật bất ly thân trong hành trình giao hòa Trời – Đất, kết nối Âm – Dương. Tán lá tượng trưng cho mây trời. Gốc rễ tượng trưng cho Đất, cho gốc cội gia đình, những lóng mía là những nấc thang nối liền Đất, Trời, Âm , Dương dẫn đón linh hồn Tổ tiên từ trên Trời về Hạ giới xum vầy cùng con cháu ba ngày Tết. Sau ba ngày, trong Lễ tiễn Ông Vải( hoặc Hóa vàng) con cháu chọn sản vật dâng lên gia tiên, cây mía trở thành đòn gánh chuyên chở những sản vật ấy. Cây mía khi gặp tà ma đã trở thành vũ khí trừ tà. Qua sông , không cầu, đò…cây mía trở thành cây cầu đưa lộ trình của Tổ tiên được thuận lợi. Mía ngọt ngào, vươn thẳng được chọn để thờ cúng để cầu mong cuộc sống may mắn, ngọt ngào, thành công, hạnh phúc…Chọn mua hai cây mía sau Giao Thừa dần trở thành phong tục mà lớp trẻ đã tiếp nối cha ông thực hiện. Nhiều thanh niên ra đường đêm giao thừa, về xông đất nhà mình cùng hai cây mía trên tay, để cạnh bàn thờ trong mấy ngày tết.

Nhiều người, sau Giao thừa đi lễ chùa để thư thái, tâm an.

Ngày mồng một Tết, ba mẹ không còn, không được nghe tiếng vui vẻ của ba mẹ chúc tết qua điên thoại từ Sài Gòn xa xôi. Đây là cái tết thứ sáu không còn ba, cái tết đầu tiên không có mẹ, nỗi buồn dâng đầy. Con cháu kế bên nhưng vẫn nặng lòng với nỗi buồn nhớ mẹ, nhớ ba và hoài niệm về những cái tết xa xưa, những cái tết của thời thơ ấu.

Thủa ấu thơ, vui nhất là những ngày tết. Được mẹ mua cho áo quần mới, được giúp mẹ và nhìn mẹ chuẩn bị các món ăn ngày tết.

Mẹ làm mứt ngon lắm, mứt mẹ làm trông đẹp mắt chẳng kém gì mứt bán ngoài hàng. Mứt cà rốt, khoai tây, su hào, mứt bí, gừng là những loại mứt mẹ hay làm. Khó nhất của công đoạn làm mứt là làm sao đường phủ ngoài phải trắng, mứt phải khô, mứt của mẹ làm ít khi hỏng bởi mẹ canh đường rất kịp thời để đường phủ nguyên liệu trắng tinh, khi ấy đường không bị quá lửa hoặc non lửa. Mứt làm xong, mẹ cho các con thưởng thức ngay nhưng phải định lượng vì cho ăn thả phanh thì tất cả số mứt mẹ làm sẽ bay vèo theo gió, tết sẽ không còn miếng nào nữa, đàn con của mẹ đông lắm, những 6 đứa.

Những ngày tết mẹ phải làm mọi thứ, nấu nướng, làm cỗ bàn, luôn chân luôn tay. Gà cúng, mẹ tự tay làm và buộc chéo cánh gà rất khéo để gà cúng giống như gà đang sống, vỗ cánh bay lên. Rau quả được mẹ tỉa và dạy chúng tôi tỉa hoa để món sào, món nấu trông đẹp mắt. Ngoài các món giò, thịt đông, măng, miến…bao giờ mẹ tôi cũng làm món cá kho với riềng. Cá kho rất kỹ, mẹ rán cá rồi mới đem kho. Mẹ làm nước hàng, thái riềng, xếp lớp cá, lớp thịt ba chỉ, lớp riềng, ướp với đường, nước mắm khoảng 1 tiếng rồi mới bắc bếp. Đun sôi lên, để lửa nhỏ và đun liu riu, gần 4 tiếng mới xong món cá kho, vừa nhừ vừa cứng cá, ăn mềm mà không khô. Ngày tết có món cá kho ăn rất ngon, đỡ ngán.

Chiều 29 tết mẹ gói bánh chưng. Các con rửa lá, vo gạo nếp, mẹ thái thịt, đãi đỗ, làm nhân bánh, ba chẻ lạt giang để buộc bánh. Mặc dù chỉ quen cầm bút nhưng ba chẻ lạt gói bánh chưng rất thiện nghệ, lạt mềm, đều chằn chặn. Ngồi cạnh mẹ, xem mẹ gói bánh, bàn tay gói nhanh thoăn thoắt. Bánh gói xong là ba lấy lạt buộc bánh. Bánh gói đẹp, lạt buộc cũng rất đều, bánh nào cũng buộc 4 lạt. Mẹ còn cho chúng tôi tập gói những bánh nhỏ. Gói xong bánh, xếp vào nồi để luộc, bánh to để dưới, bánh nhỏ chúng tôi gói được để trên để bánh không bị nát. Cách đây 60 năm nhà ai cũng luộc bánh chưng bằng củi nên phải thức đêm để canh bánh chưng. Ba tôi thường đảm nhận việc này, ông thức rất giỏi. Nhiều năm, khi nhà tôi luộc bánh chưng, tôi cố chống cơn buồn ngủ để được ngồi canh bánh chưng với ba, nhưng lần nào cũng thế, tôi lăn ra ngủ trước khi ba vớt bánh. Thường là luộc bánh từ 8 giờ tối đến 3 giờ sáng hôm sau mới vớt bánh. Bởi vậy, tôi không thể chờ được đến sáng hôm sau. Khi ngủ dậy, chúng tôi được ăn bánh ngay, ngon tuyệt.

Tôi nhớ, thời bao cấp, không có nhiều thức ăn, thức uống như bây giờ. Đêm 30 mẹ chuẩn bị cho cúng giao thừa rất đơn giản. Mâm ngũ quả thường chỉ có 5 loại, chuối xanh, bưởi đào màu đỏ, cam sành màu vàng sẫm, quất, hồng xiêm được để giữa bàn thờ. Bàn thờ bày gà cúng, bánh chưng, một gói bánh qui, một chai rượu, một lá trầu, một quả cau và một đĩa xôi gấc.

Sau này , đời sống khấm khá hơn thì bàn thờ cũng được bày biện phong phú, hoa quả đẹp hơn nhưng bao giờ mẹ cũng chọn 5 loại quả với 5 sắc màu tương ứng ngũ hành.

Ngày mồng một Tết mẹ chuẩn bị cúng với đầy đủ các món ăn của ngày tết. Mẹ dậy rất sớm để chuẩn bị. Chúng tôi thì mê mải ngủ vì cố thức đêm để được đón giao thừa, nhưng hầu như chẳng đứa nào đủ sức để chờ được đến 12 giờ, cứ khoảng 11 giờ đêm là lăn ra ngủ mất.

Mẹ kiêng đủ thứ vào sáng mồng một. Có một thứ mẹ kiêng, đến bây giờ tôi vẫn buồn cười , là, ngày mồng một tết có một thành viên trong nhà đi đại tiện, mẹ bảo, làm việc đó là xui xẻo, là mất của trong năm nên chúng tôi phải giải quyết nó trước giao thừa. Nhưng người ngoài đến nhà mà đi đại tiện thì lại may mắn. Có một năm, đúng sáng mồng một, có một cậu bé đến nhà tôi chơi rồi đi đại tiện, mẹ vui, và bảo, nó đổ của vào nhà mình đấy. Chúng tôi cười ngất khi nghe mẹ nói.

Chúng tôi được mẹ kể rất nhiều kiểu kiêng vào ngày mồng một tết.

Mẹ rất phấn khởi nếu ngày mồng một có người xông nhà ( tự nhiên đến chứ không nhờ đến xông nhà như bây giờ )vui vẻ, khỏe mạnh, ăn nên làm ra. Tuy mẹ hay kiêng cữ nhưng mẹ sống rất tích cực, không bao giờ kêu ca mệt mỏi khi làm việc quá sức hay buồn vì gia cảnh công chức nghèo khó của gia đình mình. Ngày tết, dù không dư dật nhưng bao giờ mẹ cũng mua cho chúng tôi quần, áo mới, mua đủ đồ ăn ngon ba ngày tết. Khi ba mẹ ra đường, khi đi thăm hỏi hàng xóm, họ hàng hai người mặc quần áo đẹp, lịch sự, đàng hoàng.

Mẹ tôi gốc người Hoa nên họ hàng hay xum họp vào ngày mồng 2 tết để hóa vàng. Tôi còn nhớ, nhiều lần ba mẹ đưa cả nhà đến nhà ông bác cả để dự lễ hóa vàng. Sân nhà ông rất rộng, có nhiều cây xanh cổ thụ, mấy dãy bàn ghế dài để giữa sân đã bày sẵn thức ăn cho con cháu, họ hàng đến dự lễ hóa vàng, ngót nghét hơn 100 người. Cỗ nhà ông cả làm sang lắm, có những món tôi chưa được ăn bao giờ. Các món ăn được bày la liệt với đủ sắc màu, do các con dâu của ông nấu. Sau này, cứ mỗi lần nhớ câu ca mọi người hay nói “ ăn Tàu, mặc Tây, lấy vợ Nhật” tôi thấy “ ăn Tàu” đúng như vậy, rất ngon, rất nhiều món, tinh tế, lạ mắt.

Ông cả tôi sắp xếp chỗ ngồi cho mọi người theo thứ bậc trong dòng họ. Người Tàu của nhà tôi cứ người lớn được gọi là anh (chị), người nhỏ hơn xưng là em khi giao tiếp với nhau chứ không giao tiếp theo thứ bậc, “cả” mà ít tuổi hơn “thứ” thì vẫn xưng là em.

Sau khi hóa vàng xong mọi người mới ăn cỗ. Tiếng nói chuyện râm ran, họ hàng đông đúc, tôi sợ nhất trước khi ăn phải nói lời mời cơm với bề trên, mỏi cả miệng, sau này, tôi sợ, không dám đi cùng mẹ đến buổi hóa vàng nữa.

Rồi thời thế thay đổi, con cháu ngày càng nhiều nên rất ít khi tổ chức được những ngày lễ hóa vàng như tôi từng biết ở nhà ông cả của tôi. Cộng đồng gia đình cũng thay đổi.

Tôi hay suy ngẫm về cuộc đời trôi nổi của mẹ tôi. Sinh ra ở một gia đình giàu có, thời trẻ mẹ chẳng phải làm gì cả, thế mà khi có gia đình, trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, mẹ đã biết làm đủ thứ, từ nội trợ đến làm việc để kiếm sống, nuôi cả đàn con bé bỏng và cả ông chồng chỉ quen với bút nghiên. Ba tôi so sánh mẹ tôi với bà vợ Tú Xương, ông thấy, số phận hai người giống nhau quá. Ba tôi hay đọc cho chúng tôi nghe bài thơ “Thương vợ” của Tú Xương:

           Quanh năm buôn bán ở mom sông,
           Nuôi đủ 5 con với một chồng
           Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
           Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Vợ Tú Xương chỉ nuôi 5 con, còn mẹ tôi nuôi những 6 đứa. Qua hai cuộc kháng chiến, mẹ phải bỏ làm việc nhà nước để tần tảo làm ngoài, làm đủ thứ việc để nuôi con. Mẹ xuất thân, gia thế giàu sang nhưng khi làm người lao động, mẹ rất xuất sắc. Mẹ làm việc và dạy chúng tôi lao động nên sau này, khi gặp khó khăn trong cuộc sống chúng tôi đều xoay sở được.

Tết qua đi, ta thêm một tuổi, thời gian ghi dấu ấn cho mỗi đời người, rất đậm vào những cái Tết mỗi năm. Khi ta còn nhỏ, tết nào cũng được quây quần bên cha mẹ, anh chị em. Tuổi thơ đi qua với nhiều niềm vui. Khi lớn lên ta biết thêm nhiều nỗi buồn bên cạnh những niềm vui, biết thêm tình yêu lứa đôi và nhiều nỗi niềm thương nhớ. Và lúc ấy, bên cha mẹ, những niềm vui, hạnh phúc, buồn nhớ riêng tư vẫn được sẻ chia. Không còn cha mẹ nữa, dù đã trưởng thành, có gia đình riêng, có con cháu rồi nhưng ta vẫn thấy bơ vơ, vẫn thấy thiếu một điểm tựa, vẫn thấy mái ấm gia đình chưa đủ đầy, thấy trống vắng, buồn nhớ, hạnh phúc mong manh.

Gia đình, nơi các thành viên quây quần bên nhau mỗi khi tết đến, thiêng liêng và ấm cúng vô cùng. Tết đến là kỷ niệm xưa, kỷ niệm thời thơ ấu hay ùa về khiến cho ta phải nhớ nhung, hoài niệm.

Cuộc đời như một dòng chảy không ngừng, qua bao thác gềnh hiểm trở cho tới khi về cõi vĩnh hằng. Trong dòng chảy cuộc đời, gia đình là bến đỗ, là điểm tựa giúp ta vượt qua phong ba, bão táp của số phận. Vì thế trân quí cuộc sống, kính hiếu cha mẹ, xây dựng tình anh em, ruột thịt yên ấm sẽ cho ta niềm vui và hạnh phúc tròn đầy.

Nhiều người, trải sự đời đều hiểu, sự thành đạt cao nhất của một con người không phải là quyền cao, chức trọng, không phải là phú quí, vinh hoa mà là có được một gia đình hạnh phúc, bình yên, với những cái tết xum vầy, vui vẻ đầy tình yêu thương giữa các thế hệ./.




VVM.29.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .