Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


ĐÓN XUÂN


                        

A i cũng nói cái năm Nhâm Thìn này sao mà tới nhanh quá. Có người ở nhà không làm gì cả mà cũng thấy thời gian trôi qua vùn vụt. Những người ở nhà thuê phải trả một lần ba tháng, than thở mới quay qua quay lại đã thấy tới lúc phải đóng tiền. Còn ai ở nhà thuê phải trả mỗi tháng thì không khỏi khóc thét khi thấy bà chủ nhà cứ xuất hiện đòi tiền thuê liên tục vào mỗi đầu tháng.

Năm hết Tết đến, giới công nhân mỏi mòn, trông chờ tiền lương tiền thưởng, nhưng khi mang được về đến nhà rồi thì gặp ngay bà chủ nhà hay bà chủ nợ tiền góp đứng ngay trước cửa. Thanh toán vèo một cái còn lại năm bảy trăm ngàn phải sắp xếp làm sao chi tiêu cho đủ trong ba ngày Tết. Đó là chưa kể đến những người còn phải đi về tận nhà quê thăm cha mẹ vợ con.

Với số tiền còn dư đó, anh một công nhân như anh Tám gần nhà tôi chạy ngay ra chợ mua ngay một bao gạo đủ để ăn cho đến ngày lãnh lương kế tiếp. Anh luôn luôn thủ rất kỹ để đến cuối tháng sắp đến ngày lãnh lương, nếu không còn tiền để mua thức ăn, anh cũng còn gạo để cho bốn nhân khẩu, tính luôn vợ và hai con còn nhỏ xíu, cầm hơi thêm vài ngày nữa đến kỳ lương. Gạo ăn anh cũng phải chọn thứ nhẹ tiền chứ không dám đụng vào thứ hàng cao cấp hay nàng hương, chàng thơm miễn là các con của anh ăn vẫn ngon miệng.

Kế tiếp là phải chuẩn bị cho ba ngày Tết. Con anh dù còn nhỏ nhưng cũng biết được đây là những ngày vui lớn trong đời, mà những đứa con nít như chúng sẽ được người lớn quan tâm bằng cách sắm cho chúng những bộ quần áo mới hay cho chúng những bao lì xì đỏ thắm, cho dù sau những ngày Tết trôi qua, chúng ngồi cộng lại lấy ra một tổng số chừng năm bảy chục ngàn đồng. Trong khi đó, cha mẹ chúng thừa biết rằng những đứa con nhà giàu thường thường có tổng số tiền lì xì gấp năm bảy lần số tiền lương hằng tháng của ông chồng. Có những đứa không màng đến tiền lì xì nhưng người ta phải năn nỉ chúng để nhận giúp vì cha mẹ chúng là sếp tối cao của những người này.

Anh Tám đưa tiền cho vợ một khoản tiền nho nhỏ để mua cho hai đứa con mỗi đứa một bộ quần áo trẻ con còn mới toanh dù rằng những bộ quần áo này sản xuất tại chợ… Cầu Muối. Chị vợ chắc chắn chưa bao giờ biết bước vào một cửa hàng hiệu để mua quần áo cho con cái. Nơi đó chỉ dành cho những nhà giàu có thôi.

Bây giờ tính đến cái ăn. Những ngày Tết ăn gì. Anh Tám nghĩ, làm gì thì làm, trong nhà cũng phải có một nồi thịt heo kho với trứng vịt mà anh thường gọi đây là món Thiên Bồng nguyên soái đá banh. Anh không dám chạy đua với nhà bà bán cà phê ở cầu thang chung cư. Cứ mội lần Tết đến bà chuẩn bị đón xuân bằng một nồi thịt kho với gần một chục ký thịt bên cạnh một rổ trứng vịt chưa kể đến một hai thúng củ kiệu đầy râu ria rậm rạp . Nhìn bà chuẩn bị ăn Tết giống như nhà có giỗ tiệc lớn lao. Căn hộ của bà nhỏ xíu chứa gần một chục nhân khẩu gồm vợ chồng, con, cháu. Hộ này trước đây thuộc diện cứu đói, phải nhận trợ giúp của địa phương trong chương trình xóa đói giảm nghèo. Bất ngờ ngay sát bên chung cư có một khoảnh đất vàng được đưa vào dự án xây dựng một cao ốc văn phòng. Ngày động thổ của dự án này là ngày quán cà phê bắt đầu tấp nập, ăn nên làm ra. Toàn bộ con cháu trong nhà phải nhảy xuống phục vụ và ông bà chủ quán này phất lên từ đó. Sinh hoạt trong gia đình bà chủ quán cà phê dần dần thay đổi và khi cái cao ốc hình thành, các ngân hàng, công ty nhảy vô đặt trụ sở. Nhân viên, khách hàng vô ra tấp nập là lúc các con bà chủ quán cà phê sở hữu hai chiếc xe Air Blade, mấy cô con gái chiều chiều mặc quần áo thể thao nhãn hiệu cá sấu, mang giày adidas đi tập thể dục. Cô nào cũng có một cái điện thoại di động có màn hình “đại vĩ tuyến” săm soi cả ngày, hai ngón tay khều khều liên tục. Thằng cháu bà khoảng mười sáu mười bảy, cao nhòng, chăm chú ngồi trước một cái laptop hai tay khỏ lào xào như một doanh nhân sành điệu, có người hiếu kỳ ghé mắt thì thấy anh ta đang chơi game! Riêng bà chủ quán lúc nào cũng xúng xính trong bộ quần áo mới, mỗi ngón tay nếu không phải là một khoen vàng thì cũng là một chiếc cà rá bạch kim, đính một hột đá màu trắng lấp lánh hoặc màu xanh mát rượi. Riêng hai cánh tay trước của bà mang hai nùi “xơ-men” vàng rực. Đây hình như là tâm lý chung của những người có văn hóa kém xuất thân từ nghèo khó, khi có tiền, thường cố sắm cho bằng được những gì giới thượng lưu đang sử dụng mặc dù họ không có nhu cầu. Như đám con bà bán cà phê cũng mua laptop, điện thoại di động cao cấp chỉ để chơi game và chụp ảnh. Thực ra, chuyện ông bà bán cà phê phất lên không hề làm cho mọi người trong chung cư sinh lòng đố kỵ, tuy nhiên những người này nếu để ý chút xíu thì thấy bà ta xun xoe được vài tháng rồi đùng một cái, vào một buổi sáng nào đó bà xuất hiện đơn giản trong một bộ quần áo mặc ở nhà và hai tay thì “sạch sẽ” vô cùng, không còn một khoẻn vàng nào trên hai bàn tay và cũng không còn được một vòng lẻ loi của hai nùi “xơ men” trên hai cườm tay của bà. Không cần hỏi người ta cũng biết bà đã trải qua nhiều trận đồ tứ sắc vô cùng khốc liệt với các ông tướng xanh, trắng, đỏ, vàng, hoặc bị người ta “chặt hẻo”, hoặc “đường bay đôi cánh mỏi” vì đã “binh lủng”(1) rồi, hoặc đã lỡ “tiến lên mà chẳng biết tiến đâu”(2) hay món gì gì khác của con cháu bác thằng bần.

Trong cái ngân khoản chi tiêu vào ngày Tết của anh Tám còn có khoản chi để mua hoa trang trí trong nhà và bàn thờ. Phần dự trù kinh phí cho khoản này rất ít đủ để mua một nhánh mai nho nhỏ để trên bàn thờ và một bình hoa vạn thọ hoặc cẩm chướng hoặc một thứ gì rẻ tiền nhất. Anh Tám không quên dự trù một dĩa trái cây trước cúng sau cho mấy đệ tử thưởng thức. Anh không thấy thích thú khi nhìn vào bàn thờ của những nhà khá giả. Phải gọi là tủ thờ mới đúng vì đó không phải là cái bàn mà là một cái tủ khảm xa cừ đầy kín hết phần gỗ màu nâu bóng loáng. Trên đó thường để hai trái dưa hấu lớn như không có trái dưa nào lớn hơn, rồi một dĩa trái cây chất cao như núi nào là bưởi, thanh long, cam, táo vv... Bên cạnh còn có một đĩa trái cây đặc biệt không dùng để trước cúng sau ăn mà dùng để diễn tả một ý nghĩa nào đó. Có nhà muốn diễn tả ý nghĩa “cầu mong có vừa đủ tiền để tiêu xài” thì đĩa trái cây này sẽ gồm có một trái mãng cầu, một trái dừa mang ý nghĩa “vừa” theo cách phát âm của người miền Nam, một trái đu đủ để diễn tả ý nghĩa “đủ rồi” và một trái xoài để diễn đạt ý nghĩa “xài” trong hai chữ “xài tiền”. Có nơi người ta chưng một đĩa trái cây gồm ba món: một chùm hai, ba trái thơm chưa chín trên đầu mỗi trái còn lá với gai nhọn hoắt, một trái đu đủ, một nhánh sung đầy những quả no tròn, còn gọi vắn tắt là “thơm, đủ, sung”. Trái thơm có ý nghĩa cầu nguyện cho trong nhà luôn luôn có mùi thơm phưng phức, không bao giờ có mùi xú uế lọt vào nhà ngay khi có xe rác chạy ngang qua. “Đủ” ở đây là đầy đủ không thiếu thốn gì cả, và sung là sung túc sung mãn, cái gì cũng... sung. Anh Tám không biết có ông thánh, thần, tiên, phật nào chứng giám cho lời cầu nguyện này. Có điều anh Tám thấy trong ngôn ngữ, người miền Nam phát âm còn sai nhiều. Ví dụ như “khỏe” họ nói là “phẻ”, “thuở” thành “thở”, “doanh nghiệp” nói là “danh nghiệp”, thường nghe trên các đài truyền hình. Có người nhầm lẫn “danh nhân” và “doanh nhân”. Một bà bán “xoài thanh ca” thì rao “xài ing ca”…

Cái chuyện cúng kiếng trong ngày Tết cũng làm anh Tám đắn đo suy nghĩ. Từ trước đến giờ bà xã anh cũng hay mua giấy tiền vàng bạc về đốt mỗi khi cúng đưa ông Táo về trời. Ngoài món kẹo thèo lèo truyền thống là món đặc trưng dùng để cúng tiễn chân ông Táo về chầu Ngọc Hoàng thượng đế, còn còn có giấy tiền vàng bạc, theo bà xã anh Tám cho biết giấy tiền là một xấp… tiền giấy để ông Táo làm lộ phí. Người ta dùng giấy báo cũ rồi đóng dấu theo hình dáng những đồng xu sắp xếp từng dãy thẳng hàng. Còn vàng bạc là những tờ giấy vuông bằng bàn tay trên đó người ta phết một lớp sơn nhũ trắng thì gọi đó là bạc. Nếu phết lên đó lớp sơn nhũ vàng thì gọi đó là vàng. Có chỗ người ta bán vàng thoi, bạc thỏi. Đó là những ống giấy sơn nhũ trắng hoặc vàng, dài khoảng một tấc, hai đầu bít lại làm thành hai cái râu vểnh lên, giống như một thoi vàng hay thoi bạc trong các phim Tàu. Có người còn cúng một đĩa cá chép thật, tượng trưng cho con cá chép làm phương tiện vận chuyển cho ông Táo. Anh Tám nghĩ, cũng được, trước cúng sau ăn, một khứa là đủ rồi không cần phải mua nguyên con rất phí. Hơn nữa thịt cá chép, cùng loại với cá mè, cá trắm cỏ, không lấy gì làm ngon, xương nhiều, anh Tám phải hết sức quan tâm khi bất đắc dĩ cho các con ăn thứ cá này. Anh Tám cũng lấy làm lạ sao không thấy người ta đốt quần giấy cho ông Táo mặc lên thiên đình, bởi vì, tục truyền, ông Táo “đội mão, đi hia, chẳng mặc quần(3). Rồi anh Tám lại thắc mắc, cũng theo truyền thuyết, có tới hai ông Táo và một bà Táo làm thành bộ ba chống đỡ nồi niêu xoong chảo khi người ta nấu bếp. Bà Táo luôn đứng chính giữa, hai ông Táo đứng hai bên theo như sự bố trí của những nhà sản xuất ông lò. Cái núm chính giữa phía trên ông lò được soi một lỗ bằng hạt tiêu tượng trưng cho cái rốn của bà Táo. Rồi hai ông Táo này chắc là giống nhau, nhưng ông Táo nào thực sự đảm trách công việc lên thiên đình báo cáo hằng năm? Hay là luân phiên, mỗi ông làm một năm?

Rốt cuộc, anh Tám sẽ không duyệt cái màn đốt giấy tiền vàng bạc vì thấy vô duyên quá, hơn nữa dân phòng thường xuyên nhắc nhở: “Thời tiết nóng hạn, coi chừng củi lửa”.

Đến cái màn đi thăm viếng trong mấy ngày Tết. Anh Tám cũng phải tính toán đến cái màn dẫn vợ con về thăm họ hàng trong mấy ngày Tết, “mồng một nhà cha, mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà thầy”. Cha mẹ anh Tám đã qua đời hết trơn, còn mấy ông chú, bà cô ở tận dưới quê xa lắc. Anh Tám hình như cũng đã ngầm thỏa thuận với họ. Tết nhất, ai ở đâu cứ ở yên đó. Bà con bên vợ thì cũng còn nhiều. Anh Tám là người rất thương vợ nên làm gì thì làm anh cũng dành ngày mồng hai để đưa vợ con về thăm bà ngoại, ông ngoại cũng đã về trời, và mấy dì, cậu cùng với cái đám con cái của họ. Anh đã dự trù cái ngân khoản lì xì cho cái đám nhóc này và cũng đã dự trù khoản lãi thu được vì quân số bên kia đông hơn và khá giả hơn anh chị Tám nhiều và các bao lì xì của họ cũng to hơn.

Những thầy cô hồi anh Tám còn học ở trường trung bây giờ cũng không biết đi đâu. Xa quá rồi ngày ấy, biết thầy cô có còn nhớ đến anh không. Thôi thì ngày mồng ba anh dành để dẫn vợ con đi Sở Thú và ở đó cho đến khi các con của anh kêu ba mẹ dẫn về nhà vì “phê” quá. Anh cũng không muốn dẫn vợ con đến những tụ điểm khác và chị Tám cũng nghĩ như vậy. Đến những tụ điểm khác cũng chỉ để hít bầu không khí đầy bụi bặm, hàng ăn uống bán với giá cắt cổ, giữ xe cũng vậy. Đâu đâu người ta cũng nói: “Tết mà anh Hai!” Đến những chỗ đó chỉ gánh lấy phiền toái cho nên anh Tám không dự trù một ngân khoản chi tiêu nào hết.

Hầu như là không bao giờ anh dẫn vợ con đến nhà bạn bè trong mấy ngày Tết vì sợ họ nói anh dắt con đi kiếm tiền lì xì. Bạn bè anh cũng không mấy khi đến thăm anh và gia đình trong những ngày đầu năm. Hình như họ có cùng suy nghĩ với anh và kết quả là nhà ai nấy ở.

Anh Tám thấy như vậy mà hay. Đầu năm trở lại cơ quan, gặp nhau tay bắt mặt mừng, chúc tụng nhau vài câu là quá đủ rồi.-./.

(1) Ngôn ngữ trong cách chơi bài 13 lá (còn gọi là xập xám)
(2) Cách chơi bài Tiến lên
(3) Có người nói là của Trần Tế Xương, có người nói của một nhà văn nào đó nhưng không nói tên.




VVM.28.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .