Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

VẤN ĐỀ TẾ NHỊ




H ôm nay là mồng sáu tháng giêng rồi, thế nhưng…chẳng thấy còn chút gì gọi là không khí của ngày tết. Ngày xưa ông bà mình thường hát rằng “tháng giêng là tháng ăn chơi”. Ăn chơi gì nổi khi cái hộp đựng gạo trong nhà đã hết; một cái hộp nhỏ xíu mà hôm ba mươi tết, sau buổi chợ sáng; gom góp hết tiền ở túi trong, túi ngoài mới mua được năm ký gạo đổ vừa đầy trong đó, thêm một ký thịt heo, chục hột vịt và cặp dưa hấu…để làm cơm cúng ông bà. Khổ nỗi năm nay chỉ có hai chín Tết; không biết ông bà có…xem lịch để biết là không có ngày ba mươi…mà về cùng vui ba ngày Tết với con cháu cho đúng lúc?

Buồn quá đi, ba mươi mấy năm nay, chính xác là năm thứ ba mươi bảy…cái lịch “dưới” của mình luôn bị thay đổi, năm nào mấy ổng vui vì: “túi của Ông nặng nhờ thu hoạch”, thì mấy ổng ngồi ở trên ban cho “lịch ở dưới” có ngày ba mươi đặng Ông Bà cứ theo lệ thường mà về hưởng mâm cơm cúng của con cháu. Không may có năm nào đó khi…đã đến giữa năm rồi mà túi của “các ông lớn” bị thủng hay gì gì đó lại vơi đi…ít nhiều thì “mấy ổng ở trên” giận “Ông Bà ở dưới” không chịu phù hộ cho mấy ổng được như ý, được suông sẽ, được hốt ĐỦ và ĐẦY; thì…coi như là…lịch dưới không có ngày ba mươi, “Ông Bà ở dưới” có về được hay…“trớt wuốc” thì đó là chuyện của mấy vị…tiên nhân.

“Ngày xưa”…cái câu “tối như đêm ba mươi Tết” hay là cái từ ngữ “Đêm trừ tịch”, “Đêm Giao Thừa” (nào có ai nói là Đêm Giao Thiếu đâu?)… nó mang một ý nghĩa vô cùng “vi diệu”…

Bởi vì lịch của “ngày xưa ấy” thì tháng chạp luôn luôn có ngày ba mươi, đó là ngày thiêng liêng dành cho ông bà cha mẹ đã khuất núi, là ngày mà những người còn sống được bày tỏ tấm lòng hiếu nghĩa của mình đối với người đã qua đời bằng một mâm cơm cúng rất là thịnh soạn và cảm động…

“Ngày nay” thì năm nào hên lắm mới có ngày ba mươi tháng chạp, và năm đó…mâm cơm cúng Ông Bà ba mươi Tết mới được tròn ý nghĩa.

Lịch lộn xộn nên tấm chân tình của con cháu ngày càng lộn xộn…phải chăng đây là…???

Mấy ngày xuân; vì nhà mình nghèo không có tiền đi du lịch, chỉ mong sao những ngày Tết qua mau cho rồi; đặng còn đẩy chiếc “xe thùng” đi thu mua ve chai mà tiếp tục kiếm sống nữa chớ. Trong nhà có cài ti vi màu củ mèm (mua lại từ đồ phế thải của một nhà giàu) nhưng coi cũng không đến nỗi nào, trời đất ơi…mấy ngày Tết mà chương trình của các đài đều RẤT và QUÁ nghèo nàn, mình thích được cười trong mấy ngày “wuỗng” này lắm, thế nhưng cái kênh hài thì cứ phát đi phát lại những vỡ hài củ rích có từ đâu tận năm ngoái năm kia lận kìa, mình đã coi chán, vừa coi vừa nhờ chồng thọt lét mà cười cũng không nỗi. Kênh ca nhạc thì “hoành tráng” hết biết, các cô; cậu ca sĩ thì cô nào cô nấy đều “uốn mình xà” rên rỉ, còn mấy cậu thì lim dim mắt nỉ non…ba ngày xuân nghe mấy cô, cậu ca sĩ này cứ rên rỉ nỉ non hoài…xui thấy mồ.

Khuya hôm qua chồng mình hỏi:

- Ủa bà ơi…hôm nay là mồng năm Tết, sao không có đài tivi nào phát cho mình xem tuồng vua Quang Trung đại chiến quân Thanh ha bà? Năm nào tui cũng xem mà không thấy chán…

Mình giật nẩy người:

- Ờ há, ông nói ra tui mới nhớ, hèn chi suốt buổi tối tui cứ thấy thiếu một điều gì đó rất là to lớn, rất là quan trọng…

Chồng thở dài:

- Một chiến thắng oai hùng làm cho tui rất hảnh diện khi mình là người Việt; được là con; cháu; chút; chít;… của Ngài Quang Trung Đại Đế…thế mà bị bỏ quên.

Mình lý luận:

- Vua Quang Trung cũng ngang tầm với Napoléon chớ ít sao…Ai đã vô tình quên hay lại cố ý quên?

- Ôi dào…cái điều cần phải rình rang thì không chịu rình rang cho con cháu chúng nó hảnh diện; ghi nhớ trong lòng đặng mà bắt chước noi theo. Còn ba cái điều tầm phào thì lại rình rang hoành tráng…ông nào lên tivi thì cũng tuyên bố hay ho lắm, nhưng đến khi làm lại cứ loạn xà ngầu mạnh ai nấy “hốt” cho đầy túi…

- Ba cái chuyện thi hoa hậu hoa hiếc, rồi thi ca sĩ diễn viên gì gì đó nó làm cho con cháu mình chúng nó cứ sống trong mơ mơ màng màng quên hết chuyện đèn sách, quên những chuyện lịch sử oai hùng của Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung…tui sợ rằng mai này…đi đong một thế hệ.

Chồng mình cười:

- Ha ha…ha…buôn bán ve chai mà cũng tâm huyết quá hen?

- Sao lại không? Bị vì mọi người cứ ưa coi thường những kẻ buôn thúng bán bưng như tui đây là ít học…nhưng mà nào ai biết tụi tui cũng rất tâm huyết với thế hệ con cháu mai sau.

Một khoảng lặng sau câu nói của vợ…chồng mình lại thở dài than thở:

- Này bà, nghe nói năm nay họ đưa ra thêm một thứ thuế mới nữa đó…nghe mà sợ quá bà ơi.

- À, tui cũng nghe người ta kháo nhau rằng thì là xe gắn máy mỗi năm đóng mười triệu tiền thuế, xe hơi thì phải đóng bốn năm chục triệu gì đó lận.

Chồng mình xanh mặt:

- Chết tui rồi, cái xe honda trung quốc này tui mua năm triệu, chạy xe ôm ngày được ngày thất, phụ với bà lo cơm gạo học hành cho tụi nhỏ…một năm chưa chắc có dư chừng vài trăm ngàn mà nay lại phải đóng thuế chục triệu…có mà đi vay nợ để đóng thuế.

Mình đắng nghét cổ họng vì lo, chồng than tiếp:

- Tui thấy…người dân mình ai ai cũng mang công mắc nợ ráo trọi, người giàu mang nợ to, người nghèo mang nợ nhỏ…

- Chỉ có mấy ông bự tổ chảng là không mắc nợ mà thôi, dân càng nợ thì mấy ổng càng…đầy túi.

Hai vợ chồng mình thở dài muốn bay luôn cái nóc nhà…dột.

Đang chuẩn bị lau chùi cái xe đẩy cho sạch sẽ để mồng tám khai trương đi mua bán ve chai thì chồng uống cà phê bên hàng xóm về, nhìn ổng có vẻ buồn buồn điều gì đó.

Mình muốn có chuyện để nói cho ổng vui nên hỏi chồng:

- Này ông; con cái mình chúng nó đi qua nhà ngoại chơi rồi, tui tâm sự với ông điều…tế nhị này nhé.?

- Ừa, hôm nay còn được “wuỗng”, tui với bà nói chuyện chơi…

- Chuyện này nói ra cũng…ngượng thí mồ, mà không nói ra thì…ấm ức lắm ông à.

Chồng thúc hối mình:

- Thì bà cứ nói huỵch tẹt ra đi, ỡm ờ mãi.

- Ờ…nữa tháng trước tui xem tivi, kênh gì đó quên mất tiêu, phát một chương trính gọi là tọa đàm về cuộc sống…“vậy vậy” đó…Trong ti vi chiếu hình một ông bác sĩ sinh lý và một bà chuyên gia tâm lý ngồi ở bên trên, bên dưới vây quanh là một nhóm mấy ông với mấy bà già già, sồn sồn…để tui kể ông nghe hén…

…Mấy người này làm như họ rảnh lắm vậy đó, ông bác sĩ đang thao thao bất tuyệt để cổ vũ cho cái gọi là “chuyện phòng the của vợ chồng” ở vào cái tuổi…xế chiều, cái tuổi mà ai cũng đã làm ông bà…nội ngoại hết trơn…còn bà chuyên gia tâm lý thì gật gù hưởng ứng và đưa ra lời khuyên này nọ…

Chồng ngắt lời mình:

- Ừa tui biết rồi, bữa đó tui cũng có coi khi uống cà phê bên nhà ông bạn, hai đưa tui cười quá trời.

- Sao lại cười?

-Thì…bị…cái chuyện đó ai lại đi hô hào khuyến khích trên ti vi, bộ hết chuyện làm, hết đề tài rồi hay sao chứ?

- Ai mà không muốn gìn giữ hạnh phúc gia đình?

- Tui hỏi mình nghen, vợ chồng mình suốt ngày đầu tắt mặt tối, vắt kiệt hết sức lực ra để kiếm tiền mà còn không đủ nuôi con ăn học…tối về thì mệt nhoài, chỉ ước ao sao mà tay bà khỏe để đấm bóp hai cái vai của tui cho bớt nhức mỏi đặng mai tiếp tục đi “cày”…

- Còn tui thì ước chi ông khỏe khỏe mà bóp dùm tui hai cái chân suốt ngày rong ruỗi trên đường thu mua ve chai đến rã rời…

- Vậy thì còn sức đâu nữa mà “làm cái chuyện đó”?

- Chuyện tế nhị đó thì tùy vào hoàn cảnh, tùy vào sức khỏe… mà vợ chống người ta sẽ “liệu cơm gắp mắm”…

Chồng ngửa cổ cười ha ha:

- Ông bạn tui nói hai vợ chồng ổng lúc nào cũng “lệch múi giờ” nên chi cái chuyện đó…nó bị “trớt wuớt” hoài, riết rồi cũng quen…cũng hạnh phúc chán. Ăn miết cũng quen mà nhịn hoài cũng quen luôn…có sao đâu.

- Sao gọi là “lệch múi giờ”?

-Thì…ổng có thói quen buổi tối ưa xem hết phim của mấy đài HBO gì gì đó rồi mới chịu đi ngủ, hết phim thì cũng đã hơn mười hai giờ đêm, lúc đó ổng vô giường muốn “ới” bả thì bả đã ngáy khò khò; bị bả ưa ngủ sớm…vậy là ổng “ới” mà bà đâu có chịu “ơi”…Trong khi bả muốn “ới” sớm sớm một tí; trước khi bả ngủ thì ổng lại ham xem phim nên đâu có “ơi” với bả được…lệch múi giờ là vậy đó.

Mình cười quá chừng:

- Ơi gì nổi lúc đó mà “ơi”. Đang ngủ say mà bị “ới” thì chỉ có mà…gây.

- Bà có giống vậy không?

- Phụ nử tụi tui chân lấm tay bùn, buôn thúng bán mẹt thì chỉ mong sao sau một ngày vất vả cực khổ đầy mệt nhọc mà được nằm thẳng cẳng ngáy o o cho nó sướng, còn lấy lại sức để ngày mai phải đi hết phố này đến phố nọ mua ve chai. Chỉ cần vợ chồng mình được nằm cạnh nhau, nghe hơi thở của nhau là hạnh phúc sung sướng rồi, đâu cứ là “ới…ơi” cho lắm vào mới là hạnh phúc như cái ông bác sĩ sinh lý với cái bà chuyên gia tâm lý nói trên ti vi…

- Bữa đó có một bà hỏi ông bác sĩ rằng “thấy nét mặt của bác sĩ hớn hở như vậy thì hẳn bác sĩ là người rất…thành đạt về chuyện đó?”. Ông bác sĩ phởn phơ cười khoái chí kèm thêm cái gật đầu, bên cạnh đó bà chuyên gia tâm lý gật gù như muốn nói rằng: “tui đây cũng…rứa”.

- Bà chuyên gia tâm lý còn giới thiệu đủ các loại thuốc bổ dùng để phục vụ cho chuyện “ới và ơi”…loại nào cũng bộn tiền.

Hai tiếng thở dài cùng một lúc, sau đó thì mình nói:

- Người ta “ăn no ấm cật, rậm rật suốt ngày”…còn những người nghèo khổ như tụi mình thì chỉ mong sao kiếm đủ tiền nuôi con, cho nó ăn học thành người là quá tốt rồi…đầu óc đâu mà nghỉ đến những chuyện phải “ới” như thế nào? Phải “ơi” ra làm sao cho sướng. Tiền ăn còn chưa có đủ lấy đâu tiền mua thuốc đặng mà…“ới với ơi”

- Đúng là người ta dư hơi nên ưa làm chuyện ruồi bu. Người nghèo như tụi mình bao giờ cũng chịu thiệt thòi, thiệt thòi đủ mọi mặt, thiệt thòi từ A đến Z…

Chồng mình nhìn đồng hồ rồi nằm ngã ra giường:

- Mấy đứa con mình đi qua bên nhà ngoại chơi hết trơn…lúc này “wuỡng wưỡng” được tí chút, tui “ới” mình “ơi” nghen, xong rồi đi mua cái đĩa tuồng Vua Quang Trung đại thắng quân Nguyên đặng hai vợ chồng mình coi cho đở ghiền.

Mình mắc cở đỏ mặt nhưng cũng ráng nói:

- Bữa nay là mồng sáu Tết…mà vua Quang Trung đại thắng quân nguyên vào mồng năm Tết, muộn rồi.

Chồng ôm cứng mình và nói:

- Muộn nhưng có để được coi còn hơn là không có để mà coi…tui nhớ Vua Quang Trung quá xá rồi…

Nhưng mình chưa kịp “ơi” thì bỗng bật dậy như cái lò xo và hoãng hốt nói với chồng cái điều mình vừa mới nghỉ ra:

- Ông ơi…tui lo quá…liệu rồi đây họ có bắt những người mua ve chai có cái xe đẩy như chị em tụi tui đây phải đóng thuế không ông?...trời ơi…khi đó có mà…ăn cám.

Chồng mình cụt hứng buông một tiếng thở dài và nói:

- Đi ăn xin…chắc là khỏi bị đóng thuế…




VVM.26.01.2024.