Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


QUÊ MÙA LŨ



                         

C ả một vùng đồng màu, cây đậu tương, cây lạc chết rũ, nằm ngổn ngang vì cơn mưa lịch sử lớn nhất trong vòng 30 mấy năm`.

Đường làng sền sệt một thứ bùn đất nhão nhoẹt, mấy con gà mất chuồng thấy người chạy tớn tác. Nhà nào nhà nấy cố gắng thu dọn hậu quả của cơn mưa kéo dài đã khiến cho cả vùng mênh mông những nước là nước. Ôi chao, nước ở đâu mà lắm thế? Nghe đâu nhà ông Khiết mất trắng ao tôm sắp thu hoạch. Khóc dở, mếu dở. Nhà bà Tuất lanh tanh bành vì có mỗi hai thân già ở nhà, nước ngập gần tới nóc, cái hôm mưa nhiều nhất ở Hà Nội người ta đổ xô đi úp cá giữa đường ấy, ông bà Tuất được hàng xóm quắp sang uỷ ban xã ngủ nhờ. Giờ bà Tuất về, vừa dọn dẹp vừa tranh thủ đảo mắt sang nhà lão Tá.



Lão Tá già lắm rồi, răng rụng hết, người gầy như que củi mục, lọm khà lọm khọm. Lão thuộc dạng “Grăngđê” và cổ hủ nổi tiếng cả xã. Nhà lão không phải nghèo, có mấy đứa con đều có vai vế sống trên thành phố cả, có đứa ở Sài Gòn mỗi tháng gửi về cho lão tới mấy triệu. So với ở quê như thế lão thuộc thành phần có của ăn của để rồi. Mấy người con bao nhiêu lần bảo sửa sang lại nhà cửa cho lão mà lão không chịu, đành chấp nhận để con cháu về thăm ông bà trong cảnh méo mó, xẹo xọ.

Lão có bà vợ cũng nổi tiếng không kém lão. Bà Tá đâu như kém lão Tá vài tuổi, nhưng xem ra sức khoẻ còn “tráng” lắm. Bà Tá chưa bao giờ biết xỏ chân vào đôi dép, mặc dù con gái bà ở thành phố đã sắm dép cho bà không biết nhiều lần. Tối, đến giờ đi ngủ, bà Tá ra giếng trước nhà làm gàu nước đổ ào vào hai bàn chân cho sạch đất rồi vào giường, trước khi cho đôi chân lên giường, bà không quên xoa chân vào nhau cho đất rụng xuống nền nhà rồi mới yên tâm “kéo gỗ”. Chẳng biết có phải vì bà uống rượu như “chảo chớp” không mà bà cứ đặt lưng xuống giường là không ai gọi được.

Hôm trước, lão Tá xếp hai cái can 5 lít màu trắng ở trong buồng. Một can quất ngâm từ dạo Tết, một can là rượu trắng - lão để dành khi nào con trai lão ở thành phố về có cái để đãi bạn bè chòm xóm. Thế mà lão bắt gặp bà vợ đang ngửa cổ dốc can rượu vào mồm, tu lấy tu để. Lão ức quá hét lên:

- Á à, con mẹ này, giỏi! giỏi!

Bà Tá bị bắt quả tang run lập cập:

- Tôi… tôi… uống nước quất, không tin ông ngửi mà xem.

Lão Tá còn lạ gì, lão không thèm nói thêm nửa lời, lôi can rượu mà lão đã đánh dấu lên xem.

- Can rượu không ai uống mà vơi đi già nửa hả? Lão điên tiết, kéo tay mụ vợ nghiện ngập nhốt vào buồng bên kia nhà, khoá trái lại rồi bảo:

- Hừ. Cho mày ngồi đấy mà uống!

Báo hại cho bà Tá, cả ngày hôm đó nhịn suông, đói không chịu nổi phải moi gói mì tôm trong thùng mì hôm trước con dâu mua cho để hai ông bà và bác Huê ăn dần, bà cứ thế bẻ mì tôm ra mà ăn sống. Mãi cho đến tận chiều, bà Tá lên cơn thèm thuốc lào mới nghĩ ra một kế, bà ghé mắt qua khe cửa thì thào gọi mụ Huê lại:

- Tao mót đái lắm, mày lấy trộm chìa khoá mở cửa cho tao ra.

Mụ Huê tưởng thật, lật đật bước nhanh những bước của mụ khoèo đi tìm chùm chìa khoá.

Lại nói về mụ Huê, mụ năm nay gần sáu mươi tuổi, chính là con gái đầu của lão Tá. Hồi bé, mụ bị xuất huyết não nặng lắm. Cả tuần liền chữa chạy mà mụ vẫn mê man không thấy cựa quậy gì. Rồi người ta thấy mụ không thở nữa, tim ngừng đập. Vậy là đành cho mụ vào áo quan đưa ra đồng. Thế mà chẳng biết sao, khi người ta chuẩn bị khiêng áo quan đi thì nghe thấy tiếng động, rồi tiếng ú ớ trong áo quan. Mụ làm cho những người khiêng quan tài một phen hết hồn. Vậy đấy, mụ đã sống lại một cách khó hiểu. Mụ sống lại, không phải thuốc thang gì mà rất khoẻ. Chỉ phải tội, từ đó chân tay mụ khoèo, nói không rõ tiếng…

Thiên hạ đồn rằng, mụ bị như thế là số kiếp của mụ, mụ gánh tất cả bệnh tật và những điều không may mắn cho cả nhà lão Tá, có mụ nên con cái lão Tá mới thành đạt như vậy được.

Vì con người mụ như thế, nên việc chăm sóc bản thân rất khó khăn. Mụ vẫn có thể ngồi nấu cơm nhưng khi bắc nồi lên bếp phải có người bắc hộ, mụ chỉ có thể ngồi canh và cho thêm rạ vào. Hôm nọ, cái nhà anh Tráng bảo mụ: “Thà mụ chết từ hồi ấy thì có lẽ mụ cũng đỡ khổ, mà anh em cũng đỡ khổ”.

Nếu mụ may mắn có người mẹ khá hơn bà Tá thì chắc mụ cũng không đến nỗi hôi rình, bẩn thỉu như bây giờ. Phải cái, bà Tá lúc nào cũng say, không say rượu thì say thuốc lào… Lão Tá lùa đánh cho nhiều bận rồi, mà bà vẫn chứng nào tật nấy, cứ rình lão Tá không để ý là đi…

Lão Tá vác cái ghế nhựa ra ngoài vườn, lão ngồi ngay trước lối đi vào và trên tay cầm cái quạt nan. Lão thường ngồi đó để coi chừng hai mẹ con bà Tá. Vì cái tội bà Tá và mụ Huê rất hay lẻn qua lối này đi chơi. Chẳng biết lão ngồi đó lâu chưa mà lúc này lão đang ngủ gật. Cái quạt trên tay sắp rơi hẳn xuống đất. Đầu lão nghẹo hẳn sang một bên, cái miệng he hé để lộ hàm răng rụng mấy chiếc. Có một con nhặng bỗng bay vèo qua mũi lão, khiến Lão giật mình tỉnh dậy. Lão lấy cái quạt đập đập vào chân, rồi lớn tiếng:

- Con cái Huê đâu?

- Tôi… đây! - Tiếng mụ Huê ngọng nghịu.

- Tìm ngay con mụ kia về cho tao!

- Tôi… đi tìm… từ nãy, mà… bà ấy… đi đâu…

- Mày đi tìm ngay, không tìm được thì tao cho mày một trận đấy.

- V.. âng…

Mụ Huê tấp tểnh đi, lão lại ngồi phe phẩy cái quạt, trông đến là thiểu não. Một mình lão lúc nào cũng phải để mắt tới hai mụ đàn bà không bình thường. Có lẽ không phải ai cũng chịu đựng được như lão. Lão còm nhom ngồi lọt thỏm giữa mảnh vườn tan tác sau cơn mưa lớn trông chắc khác gì bức tranh biếm vừa bi, vừa hài.

Lão Tá bỗng nhìn thấy bóng ai vừa lướt nhanh chỗ đụn rơm, vội vàng rời khỏi cái ghế đi lại phía ấy. Không ngờ, đập vào mắt lão là cảnh bà Tá đang nằm còng queo bên đụn rơm, mắt lờ đờ… Lão chẳng hiểu chuyện gì, hoảng quá, vọng sang nhà chị Vẻ ú ớ:

- Chị Vẻ ơi! Chị Vẻ! Cứu! Cứu…

Một loáng sau chị Vẻ đã có mặt, chị ấn vào huyệt nhân trung của bà Tá day day mấy cái, chị sờ chân, sờ tay bà xem còn ấm hay lạnh. Tự nhiên chị bật cười trong khi lão Tá còn chưa kịp hoàn hồn. Rồi chị lôi trong túi áo bà ba của chị ra một lọ dầu gió, xức một ít ra tay, bôi vào hai thái dương, vào mũi bà Tá. Khi toàn thân bà Tá đã sực mùi dầu gió Trường Sơn, chị Vẻ mới ới mấy thằng thanh niên hàng xóm bế thốc bà Tá vào nhà.

Lão Tá đi trước, lần tìm trong túi chiếc di động gọi điện cho con trai ở thành phố:

- Mày về xem mẹ mày làm sao?

Lão không để ý đám thanh niên với nhà chị Vẻ cứ thì thầm, cười rúc ra rúc rích. Mãi hôm sau Lão mới rõ sự tình là nhà chị Vẻ biết bà Tá say thuốc lào, sợ lão chửi nên phải bôi dầu gió đánh lừa lão.

- Lúc bà Tá nằm chỏng gọng, người bà ấy toàn mùi thuốc lào thôi, hóa ra ông cụ bảo bà ấy đi tìm bác Huê, nhưng bà ấy lại đi hút thuốc lào - Nhà chị Vẻ nói với anh con trai lão vừa hớt hải phi xe máy về.

Anh con trai hỏi han dăm ba câu, thấy mẹ có vẻ đã ổn bèn thu xếp về thành phố ngay. Sự ồn ào cũng theo anh về thành phố, ngôi nhà quê lại trở về với sự yên lặng cũ rích vốn có bấy lâu.

Sáng nay, trời hinh hỉnh khô ráo một tí. Lão Tá lại ngồi trước trước mái hiên nhà, đưa đôi mắt già nua nhìn quanh xem bà vợ cùng cô con gái già có lẻn đi chơi không… Trời đất vẫn ung ủng đầy nước. Kiểu này còn mưa nữa chứ chả bỡn đâu.

- Con cái Huê đâu? Bảo mẹ mày ra dọn cái vườn cho sạch sẽ đi tí!

- Bà ấy… đi đâu… mất rồi ấy, từ nãy tới giờ… tôi … kho ông… thấy”.

Lão gầm lên:

- Mày đi tìm ngay mụ ấy về, nhớ là đừng có đi luôn đấy.

Mụ Huê đi rồi, còn mình lão Tá chơ vơ trước quang cảnh nhớp nháp, ngập ngụa. Cơn gió ở đâu thổi tới, làm những chiếc lá tre vàng úa bay lả tả trước mặt lão. Lão thở dài cái sượt, rồi đứng dậy chắp tay sau đít, quay vào nhà trong chẳng hề hay biết nhà bà Tuất đang nhìn theo lão với ánh mắt thương hại, miệng lầm bầm: Rõ khổ, chả biết đến bao giờ lão Tá mới sướng…




VVM.25.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .