Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




LÃNG DU TRONG ÂM NHẠC DÂN GIAN,
LỄ HỘI DÂN GIAN TÂY BAN NHA  





D òng nhạc Flamenco là dòng nhạc thuộc bản sắc văn hoá vùng Adalusia của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 20, loại nhạc này tung hoành trên thế giới ngang ngửa với các loại nhạc pop, rock, blues, country... Dòng nhạc Flamenco luôn sử dụng loại nhạc cụ unplugged (không sử dụng điện) đòi hỏi người nghệ sỹ phải điêu luyện trên những cây guitar gỗ, trên dàn trống Bongo, Bonga, trên các loại lắc, xập xoã, mỏ... để hợp nhất trong nhịp điệu, hợp nhất trong hành động nhằm tạo nên những thứ âm thanh, những giai điệu rộn ràng, nhộn nhịp...

Dòng nhạc Flamenco đòi hỏi cao ba yếu tố: bài ca, cây đàn guitar, vũ điệu. Trên thế giới có không nhiều ban nhạc Flamenco. Có giả thuyết nói rằng những người Di gan khi đến sinh sống ở Adalusia đã đưa flamenco từ Ấn Độ vào vùng này của Tây Ban Nha. Người Tây Ban Nha gọingười Di gan là “Flamencos” (người Flander) vì họ ăn mặc quần áo màu rực rỡ như người Flander (Flemish). Đàn ông Di gan khi nhảy múa ăn mặc và trang điểm giống chim hồng hạc, nên họ còn được gọi là “Flamengo” (chim hồng hạc). Sevilla – thủ phủ vùng Adalusie (cách thủ đô Madrid 400 km) là cái nôi của Flamenco. Nó được đưa vào trong vở nhạc kịch Carmen của Georges Bizet, vào vở Bolero của Maurice Ravel – hai nhạc phẩm nổi tiếng thế giới.

Vũ điệu flamenco kết hợp những chuyển động mềm mại của cánh tay với tư thế bay bổng của thân hình đầy chất biểu cảm, ngẫu hứng. Thông thường có hai kiểu hát Flamenco: Cante chico (thanh thoát, vui vẻ) và cante jondo(trịnh trọng, sâu lắng, buồn bã). Trong lúc nhảy, hát thường có tiếng giậm chân (jaleo), tiếng vỗ tay, điểm vào nhịp nhảy là tiếng hét lớn “Ole!”

Flamenco chính thức  du nhập vào Sài Gòn-Việt Nam qua sự trình diễn của ban nhạc Los Paragoayos cuối những năm 60, đầu 70 để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm khảm của biết bao thế hệ. Rồi từ đó, dòng nhạc này đã đi vào quên lãng. Mãi đến năm 1998, dòng nhạc này đã trở lại nơi đây. Hiện ở Việt Nam có ba ban nhạc chơi được thể loại Flamenco (2 ở thành phố Hồ Chí Minh, một ở Huế. (theo wikipedia)

Người Tây Ban Nha dùng từ “corrida de toros” cho “lễ hội bò” hay là điều khiển bò. (Việt Nam chúng ta quen dùng từ “đấu bò”). Đối với người Tây Ban Nha, đây là một màn trình diễn nghi lễ đầy kịch tính. Nó là trái tim và linh hồn dân tộc. Ở Tây Ban Nha có “Bảo tàng về corrida de toros”. Các trường đấu bò có khắp nơi trong đất nước Tây Ban Nha, tưng bừng náo nhiệt nhất là trường đấu ở Madrid, ở Seville. Tính bi tráng của đấu bò là nguồn cảm sáng tác của các văn nghệ sĩ như họa sĩ Goya, nhà văn Hemingway. Môn đấu bò khi xưa là môn diễu võ dương oai của các nhà quý tộc với người đẹp , đám cận thần. Tục ngữ Tây Ban Nha có câu ”Khi ở trên lưng ngựa thì chỉ có ta với trời”. Nhà quý tộc cưỡi ngựa đấu với bò. Sang thế kỷ 17, môn đấu bò thay đổi luật lệ. Đấu sĩ thường là người tầng lớp dưới và được trả công. Người đầu tiên hạ được bò khi đứng dưới đất là đấu sĩ Francisco Romeore (vào năm 1725). Gần 20 năm sau Trường đấu được xây dựng ở Madrid (1743). Cùng vào đấu trường với đấu sĩ (matador) còn có phụ tá là các banderillero (những người đi bộ) và picadore (những người cưỡi ngựa). Phụ tá khiêu khích con bò.

Sau đây là trích đoạn bài viết của Nam Vinh và Vi Bằng:

Chúng tôi hướng về phía đấu trường bò tót (Paseo del Arenal). Sắp có trận đấu bò tót sát cùng của mùa đấu năm nay ở Sevilla.

Trước giờ đấu toàn bộ sân kín mít không còn một chỗ trống. Không khí sôi động và chờ đợi bao trùm cả sân. Thật may mắn chúng tôi được tận mắt chiêm ngưỡng hai thần tượng matador đó là Manuel Jesús Cid Sala được mệnh danh “El Cid” (theo tên người anh hùng dân tộc Tây Ban Nha) và Salvador Vega García. Các đấu sĩ với những bộ vét lụa thêu thùa và đính cườm vàng thật sặc sỡ kỳ công. Không khí sôi động của trận đấu bò tót. Mục kích những điều đó mới thấy được phần nào niềm đam mê của dân xứ này với thú chơi hấp dẫn ấy.

Một trấn đấu (corrida) được chia làm ba tercio. Trước hết là phần thử độ nhanh nhạy của chú bò tót đang hung hăng vừa được thả ra sân (vờn bằng tấm vải màu sặc sỡ hoặc cưỡi ngựa đâm bằng giáo). Kế tiếp là giai đoạn thử sức và làm hăng máu bọn bò tót khi chúng liên tiếp bị ba đấu sĩ dùng nhưng chiếc lao bé đâm vào phần bắp u.

Sự đối đầu của sức mạnh và trí khôn

Giai đoạn hấp dẫn nhất, đấu sĩ matador đấu trí với chú bò đang điên tiết. Nhìn những bước đi, cú vờn uyển chuyển, kiêu hãnh và oai hùng cũng như sự nhanh nhạy đến dũng cảm của những đấu sĩ này, trước sức mạnh hung dữ của bò tót khi đã trở thành con thú bị thương điên cuồng. Màn chào khán giả của đấu sĩ sau trận đấu cũng vừa duyên dáng vừa kiêu hùng trước mấy chục nghìn khán giả, dưới những tràng vỗ tay như sấm động cùng với hàng ngàn chiếc khăn tay trắng vẫy chào người hùng. Kết thúc cuộc chơi là cú đâm của đấu sĩ matador kết liễu cuộc đời của một chú bò tót vốn mấy phút trước còn rất hung dữ.

LỜI BÌNH:

Tây Ban Nha là một trong những nước cổ xưa nhất ở châu Âu, nằm trong vùng ảnh hưởng không những của văn hóa châu Âu, mà cả của văn hóa Hồi giáo. Địa lý, khí hậu các vùng khác nhau có những nét khác biệt. Văn hóa nước này đa dạng với những nét tương phản, với niềm kiêu hãnh kiểu Don Quijote. Tính cách dân tộc của Tây Ban Nha thôi miên khách du lịch và những người yêu thích văn hóa bởi những trận đấu bò đầy kích động , bởi vũ điệu Flamenco sống động cuồng nhiệt, bởi tiếng đàn Tây Ban cầm làm xốn xang lòng người.

Tây Ban Nha nằm trên bán đảo Iberia bên bờ Đại Tây Dương và giáp kề với châu Phi. Núi và biển ngăn cách Tây Ban Nha với phần còn lại của lục địa châu Âu, nhưng biển Đại Tây Dương mở ra cho Tây Ban Nha con đường đến những vùng đất mới ở châu Mỹ giàu khóang sản. Những cuộc xâm lăng của người Phoenice, người Hy Lạp, người Celt, người Carthagie và cùng với chúng là những giao thoa văn hóa với dân bản địa. Sự giao thoa ấy tạo nên bản sắc rất riêng và rất độc đáo của Tây Ban Nha: vui vẻ, sôi nổi, đam mê hội hè, chấp nhận kẻ trên người dưới với chủ nghĩa anh hùng kiểu Tây Ban Nha. Máu phiêu lưu yêng hùng kiểu Tây Ban Nha thể hiện ở câu tục ngữ của nước này:

- Đã ngồi trên lưng ngựa thì chỉ còn trời với ta.

Vũ điệu Flamenco, đấu bò làm cho cuộc sống của người Tây Ban Nha đầy sôi động, liên kết được mọi sắc dân cùng các nền văn hóa khác nhau. Họ đam mê nghệ thuật, quan tâm tới tổ ấm gia đình, coi trọng đức tin. Chỉ khi là bạn bè thân mật người Tây Ban Nha mới nói chuyện về chính trị, tôn giáo và ái tình.




VVM.25.2.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com