V ũ điệu Tango chào đời ở Buenos Aires, thủ đô Argentine vào cuối thế kỷ thứ XIX, bên bờ Rio de la Plata trong khu vực lân cận của thủ đô Argentina - La Plata , tiếng Tây Ban Nha, (sông Bạc) là biên giới giữa hai nước Argentina và Uruguay. Hai cảng chính trên sông là Buenos Aires ở nam ngạn và Montevideo bên bắc ngạn. Nơi đây thành phần xã hội trong thời gian này là những người di dân nghèo nàn, đa số là đàn ông, sống trộn lẫn với đĩ điếm , trộm cắp... trong các khu ổ chuột gọi là «Arrabal» hoặc trong các dãy nhà lớn như doanh trại (conventillos). Những di dân này từ các nước châu Âu tới... và họ nghe , nhảy theo các điệu Habaneras (điệu nhẩy của những người Cuba) , Polkas - điệu múa của những người gốc vùng Bohême (hiện nay là nước Cộng hoà Tchèque) , Mazurkas (điệu múa gốc Ba Lan) , Waltz (gốc Đức), Flamenco (Tây Ban Nha), Milonga (đến từ vùng Pampas Argentina) .. . Cùng lúc đó người da đen, với khoảng 25% dân số của thủ đô Buenos Aires , những người này nhảy theo nhịp điệu Candombe , một loại âm nhạc được phát triển ở nước Uruguay mà nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng nguồn gốc bắt nguồn từ Phi châu. Nói chung lại một cách không quá đáng thì mỗi quốc tịch đã mang tới Buenos Aires lối sống của mình cùng các truyền thống âm nhạc để góp phần trong Tango .
Nguồn Gốc của Tango
Nguyên thủy của điệu vũ Tango dường như được tìm thấy trong điệu nhẩy của người Cuba-Tây Ban Nha, truyền đạt trong quá trình liên lạc thương mãi thường xuyên giữa các hải cảng Havana ở Cuba và hải cảng ở Buenos Aires, Argentina.
Ban đầu, Tango được thể hiện bởi các nhóm nhỏ trong đó các nhạc sĩ chơi violon, sáo, đàn guitar và đôi khi sử dụng một chiếc lược được phủ giấy vấn thuốc lá thay cho
nhạc cụ gió.
Nhạc cụ thần thoại, đàn kéo bandoneon, nguồn gốc ở Đức xuất hiện một vài năm sau đó, vào năm 1900, dần dần thay thế cho cây sáo.
Hình như những âm thanh khác nhau của các nhạc cụ được tạo ra bởi những người tuy khác nguồn gốc, chủng tộc , màu da ... nhưng cùng có chung những hoài niệm một thời đã qua trong quá khứ và thậm chí cả những nỗi thống khổ của một tương lai không có gì là chắc chắn : Tango ra đời .
Trong thời kỳ đầu tiên, Vũ điệu Tango chỉ đơn thuần phô diễn những giai điệu đã có hoặc thêm thắt vào một số biến thể không bao giờ được ghi chép bởi lẽ đa số những người diễn tấu vừa không biết đọc lại vừa không biết viết âm nhạc.
Một vài năm sau đó , các bản Tangos đầu tiên đã được viết ra nhưng lại không mang chữ ký của một tác giả nào tuy nhiên những người trình diễn bấy giờ đã biết viết những bản dàn bè và họ lợi dụng sự phổ biến của một số tác phẩm "vô danh" nổi tiếng và ký tên lên đó để hưởng một chút lợi nhuận.
Danh Từ "Tango"
Người ta có thể tự đặt một câu hỏi về nguồn gốc của chính cái tên Tango . Câu trả lời sẽ rất khó khăn bởi vì mỗi người sẽ trả lời theo cách giải thích của chính họ. Trong thế kỷ thứ XIX ở Tây Ban Nha chữ Tango là để chỉ một cây gậy. Chữ này cũng hiện diện trong ngôn ngữ của một số nước Phi châu, chữ Tango cũng đã được ghi chép trong một số tài liệu Tây Ban Nha để nói lên nơi mà những người nô lệ da đen tụ họp tổ chức lễ hội. Một số người khác lại cho rằng chữ "Tango" do từ chữ "Tambor" tiếng Tây Ban Nha , cái trống , mà những người nô lệ da đen không tài nào phát âm cho đúng nên đã bị chuyển thành "Tango".
Sự Phát Triển của Vũ Điệu Tango
Điều chắc chắn nhất, tất nhiên, là nơi chào đời của vũ điệu Tango :
Vào cuối thế kỷ XIX, như đã nêu ở trên, thành phố Buenos Aires là một thành phố sống với một sự phát triển cực mạnh về nhân khẩu , sự phát triển này càng gia tăng với làn sóng di dân tới từ rất nhiều quốc gia . Rất nhiều người Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi, Đức, Hung Gia Lợi, Ả Rập và Do Thái... Tất cả những di dân này tụ tập lại để trở thành tầng lớp thợ thuyền mất gốc, nghèo khó và thiếu phương tiện truyền thông ngay giữa họ với nhau vì ngôn ngữ bất đồng và đa số là nam giới. Những người đàn ông rời quê hương bản quán để đi tìm một sự giầu có nào đó nên vào thời kỳ này dân số ở thủ đô nước Argentine gồm 70% đàn ông . Argentine vào năm 1870 chỉ gồm có hai triệu người dân nhưng 25 năm sau đó dân số đã biến thành bốn triệu. Một nửa dân số này tập trung tại Buenos Aires và một nửa dân Buenos Aires là người ngoại quốc. Những người chăn giữ cừu (Gauchos) và những thổ dân Indiens từ bên trong nội địa cũng ùa tới với ước vọng tìm được một cuộc sống dễ dàng hơn đã làm phồng lên số cư dân tại đây.
Từ Những Khu Ổ Chuột đầy Tiếng Xấu ...
Người ta khởi sự nhảy vũ điệu Tango ở ngoài đường phố (bị cấm bằng một sắc luật vào ngày 03 tháng 2 năm 1916 vì cản trở giao thông), trong các quán trà rượu và nhà thổ ở khu ổ chuột , do đó những điệu nhảy mới nhanh chóng liên kết với bầu không khí của những nhà chứa gái điếm vì những gái điếm và những người đàn bà dọn dẹp phòng ở đây là nữ giới duy nhất có mặt trong các buổi tụ họp ăn chơi giải trí này . Cái thế giới "đực rựa" bình dân, "đao to búa lớn", du côn ... đó đã tự nhiên dẫn tới những trường hợp mà những người đàn ông phải nhảy với nhau.
Thêm nữa, Tango được nhảy trong một cách rất là "vật chất", khiêu khích, rõ rệt ; và là một điệu vũ rất xa biệt với những thuần phong mỹ tục của giới trưởng giả ở Buenos Aires.
Dần dần theo thời gian , các ca khúc cũng xuất hiện để đệm theo điệu vũ. Tuy nhiên đa số lời của những ca khúc này lại rất trắng trợn tục tiễu và tựa đề của những ca khúc lại ẩn hiện mập mờ một sự tục tiễu nào đó như : "Con qué tropieza que no dentra", "Dos sin sacarla", "Siete pulgadas", "Qué polvo con tanto viento"... Chúng tôi xin dành sự phiên dịch này cho những người am hiểu về ngôn từ Tây Ban Nha hơn tuy nhiên để có thể có một chút về sự trắng trợn này người ta có thể tìm thấy trong một nhạc bản rất nổi tiếng: "El Choclo" , theo nghĩa văn chương là "bông bắp" nhưng phải hiểu theo sự tưởng tượng thật ẩn ý.
... Bước Sang Những Vũ Trường Thượng Lưu
Trước khi xuất hiện trong các vũ trường lớn tại thế giới phương Tây, Tango được lưu truyền từ Argentine nơi chào đời bình dân của nó tới Paris, kinh đô ánh sáng , thủ đô của nước Pháp. Tại đây Tango đã bước lên tước vị một trong những vũ điệu quý tộc.
Nhưng làm thế nào để Tango đạt tới đỉnh cao như vậy ? Câu trả lời qủa thực vẫn còn rất khó khăn . Giới trẻ của xã hội thượng lưu ở Buenos Aires khác hẳn cha mẹ họ, họ đã dám tới những vùng bình dân ở lân cận thành phố để vui chơi, nhẩy múa; tán tỉnh một cô gái tại đây, một Milonguita (*), cũng đang chờ đợi điều này. Và để sáp lại với cô gái chưa quen biết này, chẳng có thứ gì khác hơn là Tango. Lẽ dĩ nhiên vào lúc đó thì những cô gái xuất thân từ những gia đình trưởng giả ở thủ đô Á Căn Đình vẫn chưa "thực hành" vũ điệu Tango vì vậy Tango vẫn độc quyền trong các khu bình dân ở Buenos Aires .
Sự Thành Công Tại Paris
Tuy nhiên, những người trẻ tuổi thượng lưu tại thủ đô Á Căn Đình đi du lịch tới châu Âu, chủ yếu là tới Paris, những cuộc du lịch này sẽ là một yếu tố chính làm thay đổi tất cả . .
Paris không chỉ là thủ đô của lãng mạn và thời trang, nó là một thành phố nơi tiền phong tất cả mọi thứ , đây cũng là nơi ăn chơi và giải trí .
Trong bối cảnh này, điệu nhảy tuy được ra đời ở Buenos Aires nhưng không có gì khó khăn để phô bầy ra ở Paris vào những năm 1913 , lúc đầu là chỉ đối tượng của một sự tò mò rồi sau đó trở nên thời thượng . .
Paris thủ đô Ánh sáng và là tủ kính trưng bầy của Âu châu, của thời trang, chiếc nôi của những gì sang trọng.
Tại Paris các ban nhạc nổi tiếng nhất đã trình tấu nhạc Tango trong các phòng trà cabarets, trong những điểm ăn chơi trứ danh gợi nhiều sự tưởng tượng của Paris
như Folies Bergères, Montmartre hay Le Petit Parisien nơi đây tầng lớp trung lưu có thể tới ăn tối và thực hành vũ điệu Tango trong một khuôn khổ phù hợp với giới này hơn.
và một viện Tango đã được thiết lập tại Rue de la Faisanderie - Paris.
Vũ điệu Tango nhờ thế đã lan tràn thực nhanh chóng khắp các thủ đô của các nước Âu châu và giới thượng lưu Argentine khởi sự quan tâm tới Tango.
Sau khi đạt thành công ở Âu châu, Tango quay lại Buenos Aires, lẽ tất nhiên trong thế giới thượng lưu vừa thoát khỏi ách thống trị của người Tây Ban Nha với ước vọng
muốn biến Buenos Aires trở thành một thủ đô Paris thứ hai ở Mỹ châu.
Không giống như Paris nơi mà các vũ công năm hoặc nữ đến tham dự duy nhất xuất thân từ tầng lớp trung lưu hoặc trưởng giả , các quán rượu ở Buenos Aires
tập trung những khách đàn ông của giới trung hoặc thượng lưu trong lúc đó thì các vũ nữ đa số là những cô gái nghèo khó nhưng tài năng của họ đã biến họ thành những ""bà hoàng"
ở các quán tiệm này - đây chính là những huyền thoại của "Milonguita (*)" , cô gái nhà nghèo được người ta trả tiền để nhẩy và được bao cho uống rượu sâm banh thả dàn, khoác áo
lông thú và đeo đầy đồ trang sức , cô gái hy vọng sẽ tìm được một người đàn ông giàu có, người sẽ mang cô ta vĩnh viễn rời khỏi một trong những 2 462 "conventillos"
mà cô đang phải sống ở đó.
Người ta kể lại rằng những cô gái con nhà khá giả muốn tới những nơi này phải có sự hộ tống của các bà mẹ
Tuy nhiên sự vinh quang của Tango cũng bị hoen ố vì sự bài bác của một tầng lớp những người chặt chẽ về nguyên tắc đạo đức. Những người phê phán, kiểm duyệt xuất hiện ở nhiều nơi. Ngay cả Giáo hoàng ở Vatican Pie X ,trước khi qua đời năm 1914, cũng ra lệnh ngăn cấm . Tiếp đó là Hoàng đế Đức và giới cao cấp trong triều đình. Tạp chí Tây Ban Nha "La Ilustración Europea y Americana" phán xét rằng vũ điệu Tango không chỉnh tề, qúa sỗ sàng với những điệu bộ lố bịch ghê tởm, vì vậy tất cả những người đứng đắn không thể để bị lôi cuốn bởi loại vũ điệu này được. .
Phán xét này được báo giới ở Anh quốc đồng loạt tán thành rồi tới lượt báo giới Đức và ngay cả Pháp . Mặc dù vậy, vũ điệu Tango vẫn chiến thắng cho dù hơi chậm : Giáo hoàng Benoît XV phục hồi danh dự cho Tango.
Xuất hiện những chiếc váy dành cho Tango, màu sắc của Tango, trà của Tango...và Tango là vũ điệu vua của các sàn nhảy ... .
Thời Kỳ Vàng Son của Tango
Khởi đầu, những nhạc sĩ trong các ban nhạc chỉ gồm có 3 người - sáo, violon và guitare - họ chơi theo hứng
của họ .
Tiếp đó cây đàn dương cầm thay thế cho chiếc guitare
và cây đàn bandonéon thay cho cây sáo. Trong hành lý của một chàng thuỷ thủ gốc Đức nào đó có một cây bandonéon ... cây đàn này đã chiếm ngự vị trí là một nhạc cụ không thể thiếu
của Tango.
Theo lời thưật lại thì một người đánh xe ngựa công cộng đã xử dụng tại các khu "conventillos" để kiếm thêm chút tiền .
Năm 1913 những ban nhạc "orquesta tipica" được xuất hiện với 2 cây đàn bandoneons, 2 cây violons, 1 cây đàn bass và 1 cây đàn piano. Năm 1917 xảy ra
một sự kiện quan trọng trong đà phát triển của Tango : hát Tango - qua giọng hát
lừng danh của nhạc sĩ Carlos Gardel được mệnh danh là "The King of Tango" , người có công truyền bá Tango - Carlos Gardel sinh tại Toulouse Pháp năm 1890 , theo cha mẹ di cư
tới Argentine khi mới được 3 tuổi và qua đời năm 1935 trong một tai nạn máy bay tại Colombia .
Tiếp đó là những năm 1920 tới năm 1935 : thời kỳ vàng son của Tango với những ca sĩ thành công khác như : Canaro, d'Arrienzo, Pugliese, Piazzola.
Khủng Hoảng và Đổi Mới (1935-1955)
Cái chết của Gardel và sự suy thoái kinh tế ở Argentine đã có nhiều tác động đến sự phát triển của Tango. Các dàn nhạc của Pugliese, Troilo là những dàn nhạc nổi tiếng vào giai đọan này . Song song với sự cầm quyền của Peron người ta phát hiện lại nhạc tính của Tango. Vào những năm 55, với sự sụp đổ của Peron và sự thay đổi toàn diện tại Argentine : Cuộc cách mạng Tân Tango (Nuevotango).
Tân Tango (từ 1960)
Đó là loại Tango của các dàn nhạc trình tấu. Các nhạc sĩ Tango đồng loạt cùng hướng vào đường mà Tango còn chưa khai phá: âm nhạc thuần chất.
Nhạc sĩ Astor Piazzola bỏ rơi nhịp điệu truyền thống và thay thế
bằng một sự biểu lộ tinh vi hơn và cùng lúc những cuộc trình tấu, biểu diễn Tango rất ngoạn mục được tổ chức để Tango phát triển mạnh mẽ hơn .
Trường phái Tango "Âu châu" tiến hoá bằng con đường riêng hướng về vũ điệu tại vũ trường và các cuộc thi Tango trong khi đó trường phái Tango
"Buenos Aires" dành phần lớn cho sự ứng khẩu và sự gợi cảm.
Tango Đưọc Nhẩy Như Thế (Asi se baila el tango)
Cho tới ngày nay, vũ điệu Tango được nhẩy rất khác biệt với các điệu vũ khác. Trên sàn nhẩy, mỗi cập trai gái nhảy Tango theo lối riêng của họ .
Thuật biên đạo (chorégraphie) múa của hầu hết các vũ điệu đều cấu tạo bằng một bước cơ bản với một vài biến thể. Với Tango, bước cơ bản là điểm khởi đầu cho hàng trăm dáng vẻ khác nhau mà mỗi cặp trai gái kết hợp với nhau một cách đặc biệt tuỳ theo âm nhạc và không gian mà họ có được trên sàn nhảy.
Trình tự khác nhau của các dáng điệu hoàn toàn chi phối, thực hiện bởi nguồn cảm hứng của chính thời điểm này. Đây là điểm khó khăn chủ yếu của Tango nhưng cũng chính nhờ nguồn hứng cảm về thuật biên đạo múa đó đã đem lại nét tuyệt vời cho Tango : Mỗi một cặp nam nữ bộc lộ nhân tính chính họ và cách diễn xuất riêng của họ khi nghe nhạc.
Tango là một vũ điệu của sự "lắng nghe". Người đàn ông hướng dẫn phải ước tính trước về không gian mà mình sẽ có tuỳ thuộc những chuyển động của những cặp nam nữ khác trên sàn nhẩy - người nữ phải hoàn toàn "nghe" theo sự hướng dẫn của người nam.
Tango tượng trưng như một cuộc "cách mạng" trong điệu nhảy: nó là một điệu nhảy tự do mà không cần xác định trước thuật biên đạo (chorégraphie) và Tango là một loại ngôn ngữ cho phép tất cả mọi người tự biểu lộ chính cá nhân của họ.