V ùng văn hóa Tây Bắc Việt Nam là vùng địa lý tự nhiên của Bắc Bộ Việt Nam, là một tiểu vùng gồm các tỉnh Điện Biên,Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái và Lào Cai. Địa hình Tây Bắc hiểm trở, có nhiều khối núi và dãy núi cao chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam. Dãy Hoàng Liên Sơn dài tới 180 km, rộng 30 km, với một số đỉnh núi cao trên từ 2800 đến 3000 m. Dãy núi Sông Mã dài 500 km, có những đỉnh cao trên 1800 m. Giữa hai dãy núi này là vùng đồi núi thấp lưu vực sông Đà. Ngoài sông Đà là sông lớn, vùng Tây Bắc chỉ có sông nhỏ và suối gồm cả thượng lưu sông Mã. Vùng Tây Bắc có một dãy cao nguyên đá vôi chạy suốt từ Phong Thổ đến Thanh Hóa, gồm các cao nguyên Tà Phình, Mộc Châu, Nà Sản. Vùng Tây Bắc có các lòng chảo như Điện Biên, Nghĩa Lộ, Mường Thanh.
Vùng văn hoá Tây Bắc là xứ sở hoa ban, quê hương xoè hoa, miền đất dịu ngọt của những thiên tình sử. Dãy Hoàng Liên Sơn, được người Thái gọi là "sừng trời" (Khau phạ), chính là bức tường thành phía đông và vùng Tây Bắc. Tây Bắc nằm bên bờ phải sông Hồng, con sông mà tổ tiên người Thái gọi là Nậm Tao, nên ngày nay đoạn sông này còn có tên tiếng Kinh là sông Thao. Theo sử huyền thoại Thái thì tổ tiên họ bay từ trên trời xuống và phải vượt qua con sông rộng, lắm sóng dữ, ghềnh thác nên họ gọi dòng Nặm Tao là dòng "Sông Đắng”. Theo các nhà dân tộc học thì dòng sông này là con đường mà theo đó tổ tiên người Thái thiên di vào Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV. Từ dòng Nặm Tao, người Thái tạt vào bên phải, chiếm lấy đất Nghĩa Lộ làm bàn đạp để rồi tiến mãi đến tận Điện Biên Phủ, giáp Lào. Đất ấy, người Thái gọi là Mường Theng tức Mường Trời và trở thành "cố đô" của nhiều đời tù trưởng. Tây Bắc còn được đồng bào gọi là đất "ba con sông": sông Mã lắm thác ghềnh nên nhiều sóng bạc đầu. Lại còn có truyền thuyết dòng sông là nữ thần canh giữ mỏ bạc mà xưa kia người Thái - La Ha thường khai thác. Dòng Nặm Tè (sông Đà) chảy giữa các triền núi đá grannít, sâu thẳm xanh đen một màu. Còn dòng Nặm Tao mang nặng phù sa đỏ người Kinh gọi là sông Hồng. Ba con sông tự nhiên nhưng trở thành biểu tượng riêng của vùng đất. Chúng lại có ba màu của nắng, của cây và của đất - tạo nên ba dải "nước màu trắng, xanh, đỏ". Vào khoảng thế kỉ XI-XII, một bộ phận tổ tiên ngành Thái đen... do Tạo Ngần thiên di xuống chiếm miền Mường Lò. Cháu Tạo Ngần là Lạng Chượng cầm binh đánh thắng dần các bộ tộc Nam á từ Nghĩa Lộ qua Sơn La và tới Điện Biên..., cuộc hành trình của Lạng Chượng mở đầu "giai đoạn bọn thống trị Thái làm chủ miền Tây Bắc". Lạng Chượng phải chật vật lắm mới thắng nổi quân Nam á. Truyền thuyết Thái kể rằng : "Quân Xá" (tức Nam á) có tên làm bằng đồng sắc nhọn, quân Thái chỉ có tên tre. Lạng Chưng mới lập mưu thách nhau bắn xem tên ai cắm vào đá là thắng Quân Xá bắn tên đồng vào đá thì bật ra. Quân Thái nạp cụm sáp ong vào đầu tên tre nên bắn vào đá thì dính. Quân Xá" chịu thua, phải để quân Thái chiếm đất, còn quân Xá phải chạy vào rừng sâu mà ở." Theo thời gian, quá trình hỗn dung và tiếp biến văn hóa tạo nên sắc thái vùng văn hóa Tây Bắc: Quân Xá thua, chẳng những mất đất mà còn phải dâng trống đồng cho quân Thái. Ngày nay, trong văn hóa Xá đã có nhiều yếu tố Thái. họ đã hoàn toàn quên mất nền âm nhạc của mình mà chỉ còn biết sử dụng các làn điệu lý Thái để hát. Ngược lại, người Thái lại học được rất nhiều từ văn hóa của những người bản địa chiến bại.
Những truyền thuyết về hoa ban, dân tộc nào cũng có và cũng thắm đượm tình người. Trục dọc của vùng văn hoá Tây Bắc là Sơn La vượt dãy Pha đến ngã ba Tuần Giáo rẽ trái vào Điện Biên, đi thẳng thì lên Lai Châu, ngược nữa lên phía phải để đến đất Sìn Hồ của dãy Hoàng Liên Sơn, hãy men theo chân nó đi lên biên giới phía Bắc. Nếu ngược nữa lên phía trái là đến Mường Tè có bản Mường Nhé, nơi con gà gáy ba nước Việt - Lào - Trung đều nghe. Vùng Tây Bắc là không gian văn hóa của dân tộc Thái. "Xòe" là nghệ thuật múa Thái và trở thành biểu tượng văn hóa Tây Bắc., nổi tiếng với điệu múa xòe tiêu biểu là điệu múa xòe hoa rất nổi tiếng Có đến 32 điệu xòe do các cô thanh nữ múa trong tiếng tính tang dịu dàng của hai chàng trai. Xoè vòng sôi nổi bao nhiêu thì xòe điệu nhẹ nhàng, tinh tế bấy nhiêu. Thái là dân tộc có dân số lớn nhất vùng. Ngoài ra, còn khoảng 20 dân tộc khác như H'Mông, Nùng... Người H'mông nổi tiếng về các điệu múa khèn, đá châm hùng dũng của nam giới. Người Khơmú và Xinhmun lại độc quyền điệu múa lắc mông, lượn eo. Còn điệu Tăng bu (dỗ ống) là sở hữu của người Laha. Và đến với người Mường thì phải được xem múa bông. Riêng điệu múa Xạp, trừ người H'mông còn dân tộc nào trong vùng cũng có, mỗi nơi một vẻ riêng. Hầu hết các dân tộc Tây Bắc có sở thích âm nhạc. Đó là hệ nhạc cụ hơi có lưỡi gà bằng tre, bằng đồng hay bằng bạc. Có đến vài chục loai hình thuộc hệ nhạc cụ này. Nhiều loại đã được cả nước biết đến như Pí pặp, khèn bè Thái, sáo và khèn H'mông. Ngoài ra, mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng như cây Tính Tảu Thái, đống ôi Mường, chưn may Khơmú, đàn tròn và đàn ba dây Hà nhì v.v . . .
Tây bắc là vùng thiên nhiên rất đa dạng, thổ nhưỡng nhiều loại hình, Tây Bắc còn là nơi có nhiều tiểu vùng khí hậu. Lai Châu nằm cách thủ đô Hà Nội 450 km về phía Tây Bắc, mây, sương phủ bốn mùa, thơ mộng trong sương - phố núi Lai Châu khí hậu trong lành, mát lạnh quanh năm. Trong khi ở thung lũng Mường La, người ta mặc áo ngắn tay giữa mùa đông thì ở Mộc Châu phải mặc áo bông dầy mà không khỏi rét.
Vùng Tây Bắc có sự phân bố dân cư theo độ cao rất rõ rệt: Cư dân cổ truyền, những của Tây Bắc, đều làm nông nghiệp với hai loại hình : ruộng nước ở thung lũng, và nương rẫy ở sườn núi.
Xá ăn theo lửa
Thái ăn theo nước
H'mông ăn theo sương mù.
(Ngạn ngữ Thái)
Người Thái, tộc người đa số trong vùng, làm ruộng nước trong các thung lũng, các vùng lòng chảo. Người Mường và một bộ phận người Dao cũng thế. Người Xá, theo tên gọi miệt thị xưa, bao gồm nhiều tộc khác nhau như Khơmú, Laha, Kháng, Mảng, Xinhmun... Họ làm nương theo phương pháp thô sơ : phát rừng, đốt lấy tro, chọc lỗ tra hạt. Còn người H'mông thường ở núi cao, cũng phát rừng, nhưng lại biết dọn gốc, cày xới làm nương thâm canh. Ruộng và nương chỉ giải quyết được lương thực và một phần rau xanh. Rừng bạt ngàn là nơi con người hái rau rừng, lấy thuốc chữa bệnh, thuốc nhuộm, săn bắt thú rừng và khi thất bát mùa màng thì chính rừng, với củ mài, bột báng đã cứu họ khỏi chết đói, con người phải trông vào hái lượm, săn bắt. Chẳng thế mà đồng bào có câu:
Cơm, nước ở mặt đất
Thức ăn ở trong rừng
Bản làng có một thái độ rất kính trọng với rừng. Chẳng phải vì rừng có ma thiêng, mà vì rừng là nơi con người nương tựa để tồn tại. Luật Thái có hàng chục điều quy định về việc khai thác rừng, săn bắn thú, đặc biệt là những quyết định về bảo vệ rừng đầu nguồn. Người Thái bảo vệ rừng vì nó là biểu tượng văn hóa của quê hương họ. Chẳng riêng gì ngời Thái, con người H'mông trên núi cao, người Khơmú, người Dao, người Kháng, Laha v.v.. ., trong rừng sâu đều tự nguyện tuân theo luật Thái, vì đó cũng là quyền lợi lâu dài của tất cả các dân tộc trong vùng. Sự khác biệt về điều kiện sinh sống và phương thức lao động sản xuất cũng gây ra sự khác biệt văn hóa. Đầu công nguyên, cư dân Tây Bắc vẫn là một bộ phận của nền văn minh đồng thau Đông Sơn với trống đồng và công cụ bằng đồng, những thứ mà ngày nay đã trở thành vật thiêng, chỉ dùng trong các nghi lễ thờ cúng tổ tiên.
Từ mươi thế kỷ trở lại đây, với vai trò chủ thể trong lịch sử phát triển của vùng, văn hóa TháI nổi lên như một sắc thái đại diện cho văn hóa Tây Bắc. Bản Thái thường nằm ở ven đồi, chân núi, nhìn ra cánh đồng. ở đấy thế nào cũng có ít nhất một dòng suối to nhỏ tùy nơi Văn hóa nông nghiệp thung lũng Thái nổi tiếng vì hệ thống tưới tiêu. Những dòng suối còn đóng vai trò quan trọng trong tâm linh con người. Suối được coi là vật nữ tính : "con suối" (Me nặm). Suối lại là nơi trú ngụ của thần nước Hàng năm, khi làm lễ cúng bản (Xên bản) vào mùa xuân, người ta tổ chức ngay trên bờ vực nước đó.
Nhà sàn của người Thái mang một nét đẹp riêng biệt, đơn sơ nhưng trang nhã, là biểu tượng của sự hài hòa giữa đất trời và thiên nhiên Ở mỗi ngôi nhà từ kiến trúc cho đến các đồ vật đều thể hiện tính triết lý nhân sinh của bà con dân tộc. Vùng Tây Bắc là nơi gặp gỡ thiên nhiên và văn hóa. Đến Tây Bắc ta có thể nhận ra bản Thái qua những đặc điểm như cọn nước, cối nước, những điệu múa xoè liên tu bất tận và cả những mó nước yên bình kín đáo, nơi những cô gái dân tộc Thái thả mình vào dòng nước thiên nhiên mát lạnh. Hình ảnh các thiếu nữ dân tộc Thái tắm tiên từ bao đời nay đã trở thành một nét đẹp của vùng núi rừng Tây Bắc. Từ nhiều đời nay, thung lũng Mường So Phong Thổ, Lai Châu vang danh là vùng đất nhiều mỹ nữ. Người Thái sống chân thật, giản dị và rất hòa thuận như hầu hết các dân tộc trong vùng Tây Bắc. Nếp sống hòa thuận, tôn trọng người già, thương yêu con trẻ và giúp đỡ nhau vô tư là đặc điểm chung của các dân tộc trong vùng. . Trong xã hội cổ truyền Tây Bắc, văn hóa chuyên nghiệp, bác học chưa xuất hiện. ở người Thái tuy đã có một vài nghệ nhân giỏi sáng tác thơ ca nổi tiếng và mặc dầu dân tộc này có chữ viết cổ, nhưng tác phẩm của họ vẫn lưu truyền chủ yếu bằng phương thức truyền miệng. Mỗi dân tộc trong vùng đều có một kho vốn sáng tác ngôn từ giàu có và đủ thể loại từ tục ngữ, thành ngữ, đồng dao, giao duyên, cho đến lời khấn, lời bùa chú… Ở một số dân tộc có cả truyện thơ dài hàng ngàn câu như Tiễn dặn người yêu (Thái), Tiếng hát làm dâu (H'mông), Vườn hoa núi Cối (Mường) v.v...
Thơ ca Tây Bắc được sáng tác để hát, chứ không phải để đọc. Những truyện thơ, những áng sử thi được trình diễn bằng cả những liên khúc âm nhạc mà nhiều bài trích ra từ đó đã được cả nước biết đến như bài "inh lả ơi" chẳng hạn .
Trong văn hóa Tây Bắc, trang trí trang phục, chăn màn, đồ dùng thường với các sắc độ của gam màu nóng: màu đỏ, xen vào với vàng tươi, vàng đất, vàng rơm, rồi da cam, tím và nếu có xanh thì phải là xanh da trời tươi. Phải chăng giữa mênh mông xanh lá cây, những màu ánh lên bởi nắng mặt trời, bởi mầu thiên thanh của bầu trời vùng Tây Bắc. Những nét chung của cả vùng không hề làm mất đi tính riêng của văn hóa dân tộc khi ta so sánh họa tiết, bố cục, phối màu của trang trí chiếc khăn piêu Thái, một bộ nữ phục H'mông, Lô Lô, Dao đỏ, một mặt chăn Mường… Trong đời sống tình cảm của người Thái, trai gái yêu nhau còn nhờ chiếc khăn Piêu nói hộ lòng mình. Lúc xa nhau, các cô gái thường tặng chàng trai mình yêu mến chiếc khăn Piêu đẹp nhất. Chiếc Piêu từ giây phút đó trở thành cầu nối tình yêu của họ... Đối với chàng trai, khăn Piêu ghi dấu tài hoa, hơi ấm bàn tay cô gái mình yêu. Trai gái Thái ở Sơn La khi yêu nhau mà không lấy được nhau, cô gái đến xin lại chiếc Piêu của mình đã tặng.
Các dân tộc trong vùng Tây Bắc đều có tín ngưỡng "mọi vật có linh hồn" (animisme). Có đủ loại "hồn" và các loại thần sông núi, suối khe, đá, cây, súc vật, các lực lượng thiên nhiên như sấm, chớp, mưa, gió. Do chỗ mọi vật đều có hồn, nên cần phải cư xử với chúng như trong quan hệ với người. Vậy có hồn tốt, hồn xấu, hồn ác, hồn lành tùy thuộc vào cách đối xử của người với chúng. Vào hoàn cảnh xã hội cổ truyền thì đây là cách chiếm lĩnh thiên nhiên và thực tại của đồng bào, với hi vọng có thể nói chuyện", có thể "thương lượng thậm chí khi cần thì cầu xin chúng. Bằng cách đó, đồng bào thiết lập được mối quan hệ với mọi vật và với tổ tiên, đặt con người vào tống thể môi trường không gian và thời gian, tạo nên một cân bằng trong tâm thức. Cách nhận thức thế giới theo tín ngưỡng không phải không có tác dụng tích cực cho sự tốn tại của cộng đồng và con người.