N gày 05/10/2021 là dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sỹ Phạm Duy, người mà khi qua đời vào năm 2013, đã để lại khối di sản âm nhạc đồ sộ bậc nhất trong số các nhạc sỹ mà xứ sở này đã từng có.
Đánh giá về sự nghiệp của ông, một nhà văn đã thốt : "Một trăm năm sau cũng không có một Phạm Duy thứ hai ở xứ sở này".
Dịp này, các trang âm nhạc hay người mộ điệu yêu quý ông đã tưởng niệm theo nhiều cách. Riêng tôi, tôi hy vọng công chúng yêu "tự do, công bình, bác ái" tưởng niệm ông như người viết quốc ca cho xứ sở này trong mai hậu.
Có phi lý chăng nếu kỳ vọng về một nhạc phẩm gánh vác sứ mệnh quốc ca từ một nhạc sỹ đã là người thiên cổ ! Thưa, không phi lý chút nào khi trong khối di sản âm nhạc để lại của ông ấy đã từng có nhạc phẩm mang tầm vóc xứng đáng như vậy. Nhạc phẩm "Việt Nam, Việt Nam".
"Việt Nam, Việt Nam" được ông sáng tác từ năm 1966. Năm 1967, khi chính quyền miền Nam tu chính Hiến pháp, thì "Việt Nam, Việt Nam" đã là ứng viên sáng giá cho quốc ca Việt Nam. Thế nhưng, chung cuộc thì quốc hội lúc ấy đã giữ lại bài quốc ca sử dụng từ năm 1948, là "Tiếng gọi thanh niên" (hay "Công dân hành khúc") của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước để làm quốc ca. Vì lẽ, những ca từ sắt máu trong nhạc phẩm này phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh và tâm thế chiến tranh vào thời điểm ấy hơn.
Thật tiếc khi giai điệu hành khúc, trầm hùng, thôi thúc, giục giã những con dân Việt cùng chung sức tranh đấu cho những giá trị nhân bản : Tự do, công bằng, bác ái, tình yêu thương đồng loại, niềm tự hào, tự tôn dân tộc … đã chưa được chọn làm quốc ca !
Nhạc sĩ Phạm Duy, tên thật Phạm Duy Cẩn là nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc lớn của Việt Nam
Việt Nam! Việt Nam!
Tác giả : Phạm Duy
Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời
Việt Nam hai câu nói bên vành nôi
Việt Nam nước tôi.
Việt Nam Việt Nam tên gọi là người
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời
Việt Nam đây miền xinh tươi
Việt Nam đem vào sông núi
Tự do công bình bác ái muôn đời
Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
Việt Nam trên đường tương lai,
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời
Tình yêu đây là khí giới,
Tình thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người
Việt Nam! Việt Nam!
Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn đời
Tôi đã xét nét, cố soi trong 20 câu hát trong "Việt Nam, Việt Nam" để thấy rằng không có một câu nào không xứng đáng làm một phần của quốc ca.
Chọn chiến tranh hay là hòa bình và tình người?
Nhân dịp này, hãy nhìn lại, đánh giá và so sánh với quốc ca hiện nay:
Bản "Tiến quân ca".
Tiến Quân Ca của tác giả Văn Cao có lời như sau:
Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca
Đường vinh quang xây xác quân thù
Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng
Tiến mau ra sa trường
Tiến lên, cùng tiến lên
Nước non Việt Nam ta vững bền
Bài "Tiến Quân Ca" có giai điệu trầm hùng, bi tráng, thể hiện thái độ sắt máu, quyết liệt đối với quân thù, tạo cảm xúc giục giã, thôi thúc mọi người vươn lên, xốc đến … chiến tranh.
"Tiến Quân Ca" có 10 câu hát, thì trong đó, đã có đến 8 câu hát đều mang nội dung, ý nghĩa cổ võ cho những cuộc chiến đẫm máu trong thế kỷ 20 mà người Việt đã phải gánh chịu.
Rõ ràng, đấy là một quốc ca sắt máu thoát thai từ chiến tranh đang được hát giữa thời bình. Thời mà chiến tranh đã trở thành lịch sử từ nhiều thập kỷ qua. Trong thời bình, ngẫm xem, chúng ta còn cần một quốc ca chiến tranh như thế nữa hay không? Chiến tranh đã lùi xa, thay vào đó, chiến trường bây giờ đã là thương trường. Cũng thế, những ca từ "Máu", "Súng", "Đường vinh quang xây xác quân thù":
"Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca
Đường vinh quang xây xác quân thù"
Đoạn sau này, nếu dùng, hoàn toàn có thể thay thế bằng :
"Tự do, công bình, bác ái
Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu"
Hơn nữa, quốc ca không chỉ dành riêng cho cán bộ, công chức của chính quyền hát khi suy tôn quốc kỳ, mà là toàn thể dân chúng, bắt đầu từ các cháu học sinh ở lứa tuổi nhi đồng.
Một quốc ca sắt máu của chiến tranh sẽ chuyển thông điệp gì cho các em? Sẽ giáo dục điều gì cho chúng ngoài thù hận, bạo lực, khát máu, hung tàn?
Hát đến câu "Đường vinh quang xây xác quân thù", chúng có thắc mắc cha anh mình đang định chọn ai làm quân thù để lấy xác làm "đường vinh quang" nữa chăng ?
Trong khi đó, "Việt Nam, Việt Nam" chỉ có một câu nhắc đến "xương máu" nhưng với ý nghĩa hết sức nhân từ, cao thượng và bao dung : "Việt Nam không đòi xương máu". "Tiến Quân Ca" thích hợp với giai đoạn chiến tranh và đã thực hiện xong sứ mệnh lịch sử của mình.
"Tiến Quân Ca" nay không còn thích hợp trong bối cảnh kiến quốc thời bình của xứ sở.
Nhưng những giá trị : Tự do, công bằng, bác ái, tình yêu thương đồng loại, niềm tự hào, tự tôn dân tộc được nêu trong "Việt Nam, Việt Nam" thì lại bất biến, lúc nào cũng thích hợp cho một dân tộc hướng thiện, kêu gọi yêu thương nhau, sống có trách nhiệm với chính mình, với xứ sở, với cộng đồng quốc tế văn minh…
Tôi tin lắm, sớm muộn gì thì những giá trị đích thực sẽ được trả lại cho dân mình. Khi ấy, có lẽ dân ta sẽ chọn lại một quốc ca mới thích hợp với những giá trị nhân bản và "Việt Nam, Việt Nam" lại là ứng viên sáng giá. Để người Việt, những đứa trẻ có thể hát :
"Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời
Việt Nam hai câu nói bên vành nôi"
và người đi xa :
"Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời".
Lời ca như một định mệnh, "Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời". Tác giả, nhạc sỹ Phạm Duy đã mất tại Việt Nam vào tháng 01/2013.
Tưởng niệm ông nhân ngày sinh thứ 100, người nhạc sỹ tài hoa, đa tài, lắm tật và là người viết quốc ca cho xứ sở này trong mai hậu.