Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


      

NHẤT LINH, NGỌN ĐUỐC TRONG ĐÊM



    

Lời Ngỏ: Nhà văn Nhất Linh gắn liền với Tự Lực Văn Đoàn, có lẽ tên tuổi của ông được đề cập nhiều nhất trong nhiều thập niên qua. Nhất Linh đã dày công đóng góp cho nền văn học Việt Nam, bởi bất đồng chính kiến, trước đây CSVN đã phủ nhận giá trị đó! Trong Tự Điển Văn Học (NXB Khoa Học Xã Hội - Hà Nội 1984) đã nói đến ông với câu kết: “Con đường nghệ thuật đó buổi đầu còn chút ý nghĩa, song đã sớm đi vào phá sản như một tất yếu” (sđd trang 113).

Thế nhưng, năm 2000, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin ấn hành quyển Nhất Linh, Cây Bút Trụ Cột. Chân lý trở về với chân lý, xóa bỏ quan niệm bảo thủ, hẹp hòi... nhiều tác phẩm ở trong nước đề cập đến giá trị sự nghiệp sáng tác nhà văn Nhất Linh và nhiều tác phẩm của ông cùng Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam... trong Tự Lực Văn Đoàn cũng được ấn hành.

Tưởng Niệm 40 năm ngày mất của Nhất Linh, Tạp chí Thế Kỷ 21, số tháng 7-2002, có nhiều bài viết mới nhất của người thân trong gia tộc và văn hữu.

Trong buổi gặp gỡ nhà văn Duy Lam vào Thứ Hai 3-12-2003, ông cho biết đang sưu tập tất cả tài liệu để viết về chân dung người cậu ruột của mình, tác phẩm sẽ được ấn hành trong tương lai. Năm 2004, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nhất Linh. Trong thời điểm đó, được biết mộ phần ông bà Nhất Linh được dời về quê quán Hội An. Tôi viết cho Đặc San Quảng Đà về Chân Dung Nhất Linh. Tại phố cổ Hội An có căn nhà thờ lưu trữ tài liệu, sách báo, hình ảnh của dòng họ Nguyễn Tường. Người dân Quảng Nam đã tự hào quê hương nghèo khổ nầy đã nảy sinh nhiều nhân vật lịch sử. Các cụ Hoàng Diệu (1828 - 1882), Phan Bá Phiến (1839 - 1887) trong phong trào Cần Vương, Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947)... đã đặt tên đường. Các cụ Nguyễn Duy Hiệu (1847-1887), trong phong trào Cần Vương, Thái Xuyên Trần Quý Cáp (1870-1908), Tây Hồ Phan Chu Trinh (1872-1926), Tiểu La Nguyễn Thành (1863-1911), Trần Cao Vân (1866 - 1916) trong phong trào Duy Tân được đặt tên các trường trung học.


Về văn học, có nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong văn đàn VN. Trong đó có dòng họ Nguyễn Tường ở phố cổ Hội An. Từ thời tiền chiến và trước năm 1975 ở miền Nam VN những người con nơi cội nguồn nầy đã nổi tiếng như Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1906 - 1963), Thạch Lam Nguyễn Tường Vinh (1910-1942), được đánh giá là nhà văn viết tùy bút hay nhất, Hoàng Đạo Nguyễn Tường (1907-1948)… những người cầm bút Quảng Nam không đề cập đến cội nguồn vì ngại cho rằng “thấy sang bắt quàng làm họ” và hình như bản tính của người dân QN như vậy.

Năm 1975, tại Sài Gòn, Nguyễn Tường Thạch hoả thiêu di cốt cha, đoạn gửi bình tro trong chùa Kim Cương trên đường Trần Quang Diệu, quận 3, Sài Gòn. Năm 1981, quả phụ Phạm Thị Nguyên từ Việt Nam sang Pháp đoàn tụ với các con. Bà mất năm đó, được an táng trong một nghĩa trang tại thủ đô Paris. Năm 2001, toàn gia quyết định di dời hài cốt mẹ Phạm Thị Nguyên từ Paris và cha Nhất Linh từ Sài Gòn về Hội An. Con cháu dòng họ Nguyễn Tường mang những tác phẩm của lưu trữ tại nhà từ đường Nguyễn Tường. Với tôi đã tường ngưỡng mộ các bậc tiền bối trong văn học nên tôi viết bài Nhất Linh, Ngọn Đuốc Trong Đêm.

Những bài viết về văn học được chọn lọc để ấn hành trong cuốn Văn Nhân & Tình Sử năm 2015 (376 trang) có 4 nhân vật nơi cố hương: Nhất Linh, Ngọn Đuốc Trong Đêm (trang 221-242), Phan Khôi, Sĩ Khí Người Cầm Bút (243-258), Bùi Giáng, Đại Lão Cái Bang (259-276), Bà Tùng Long, Nhà Giáo Nhà Văn (277-290)… và nhà văn nổi danh ở Sài Gòn thập niên 60.

Nay tôi đăng lại bài viết nầy để thế hệ trẻ trong và ngoài nước nói chung và xứ Quảng nói riêng với tâm hồn nhân bản (không vì định kiến chính trị) nhận chân giá trị những vị tiền bối đã đóng góp tác phẩm của họ trong văn học Việt Nam - VTrD

♣ ♣ ♣

Nhất Linh tên thật Nguyễn Tường Tam, sinh ngày 25 tháng 7 năm 1905 tại huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương. Nguyên quán làng Cẩm Phô, Điện Bàn, Quảng Nam. Ông nội Nhất Linh trước đó làm Tri Huyện Cẩm Giàng, gọi là Huyện Giám. Ông chỉ có người con trai duy nhất là Nguyễn Tường Nhu làm Thông Phán, gọi là Thông Nhu. Lập gia đình với bà Nguyễn Thị Sâm, có được 7 người con.

Trong quyển Hồi Ký Về Gia Đình Nguyễn Tường của bà Nguyễn Thị Thế (thân mẫu nhà văn Duy Lam), ấn hành năm 1974 ở Sài Gòn: “Thứ tự gia đình tôi theo đúng tuổi là anh cả Nguyễn Tường Thụy sau nầy làm Tổng giám đốc bưu điện, sinh năm Quý Mão (1903), anh hai Nguyễn Tường Cẩm, Kỹ sư canh nông, Giám đốc báo Ngày Nay, sinh năm Giáp Thìn (1904), anh ba Nguyễn Tường Tam, Nhất Linh, Nhị Linh chủ trương Tự Lực Văn Đoàn, sinh năm Bính Ngọ (1905), anh tư Nguyễn Tường Long, Tứ Ly, Hoàng Đạo trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, sinh năm Đinh Mùi (1907), tôi Nguyễn Thị Thế, sinh năm Kỷ Dậu (1909), em sáu Nguyễn Tường Vinh (Lân), Thạch Lam trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, sinh năm Canh Tuất (1910), em bẩy Nguyễn Tường Bách, Bác sĩ, sinh năm Bính Thìn (1916)” (trang 39). Trong thập niên 30, 40 anh em trong gia đình ông đã dấn thân vào văn học nghệ thuật, và theo dòng thời gian, thế hệ con cháu trong đại gia đình ông đã hiện diện nhiều khuôn mặt văn nghệ, trở thành truyền thống trong dòng họ.

Thuở nhỏ, ông theo học tiểu học tại Cẩm Giàng, học trung học tại trường Bưởi ở Hà Nội, năm 1923, ông đậu bằng Cao Tiểu, làm thư ký Sở Tài Chánh Hà Nội. Ông lập gia đình với bà Phạm Thị Nguyên, cũng lối xóm với nhau ở Hà Nội và tiếp tục theo học về ngành Y và Mỹ Thuật, mỗi năm mỗi ngành rồi lại bỏ. Tuy là người theo Tây học nhưng vấn đề hôn nhân, ông để cho thân mẫu quyết định, bà Nguyễn Thị Thế viết: “Mẹ dục mãi anh mới chịu đi coi. Mà có khó khăn gì đâu. Nhà cô ta ở ngay bên nhà bác Ba bạn mẹ tôi... Đám cưới xong, mẹ tôi lại đi cân gạo với các bà bạn. Anh Tam cũng thôi đi làm xin vào học trường Cao Đẳng Hội Họa. Chị Tam dọn hàng bán cau ở ngay nhà...”. Năm 1925, ông bước chân vào làng văn với tác phẩm Nho Phong, và sau đó với tác phẩm Người Quay Tơ.

Năm 1927, ông du học tại Pháp. Theo nhà văn Duy Lam, chính phủ Pháp tài trợ một nửa cho con cái các vị quan lại có mức sống trung lưu, một nửa do gia đình. Năm 1930, ông đậu bằng Cử Nhân Khoa Học Giáo Khoa (Lý Hóa) và trở về nước trong năm đó.


Trong tác phẩm Văn Thi Sĩ Tiền Chiến của Nguyễn Vỹ, NXB Khai Trí - Sài Gòn 1969:

“Anh Phan Thanh, cựu trợ giáo người Quảng Nam, nhân viên “Đại Hội Đồng Kinh Tế và Tài Chánh Đông Dương”, và giáo sư Trung học Tư thục Nguyễn Văn Tòng, giới thiệu tôi dạy Pháp văn và Sử Ký ở trường ấy.

Đó là năm 1930. Hầu hết những giáo sư cũ đều nghỉ hoặc đi dạy các trường khác. Ông Nguyễn Tường Tam, tân Hiệu Trưởng, dùng những giáo sư mới của ông, trong số đó có thầy giáo Trần Khánh Giư.

Trường cũng đổi tên là “École Thăng Long”, ở góc đường Hàng Cột (rue de Takou), và đường Cửa Bắc (Bd Carnot), ngó ngang bót Cảnh Sát Hàng Đậu (rue des Graines), tức là con đường chạy ra Cầu Sông Cái (Bờ Sông).

Một năm sau, người ta thấy rải rác trên các vách tường trong thành phố dán một tờ quảng cáo lớn loan tin một tờ báo hài hước sắp ra đời, tên là “Phong Hóa tuần báo, Chủ Nhiệm Nguyễn Tường Tam. Tòa soạn và ban trị sự đặt tại trường Thăng Long, phố Hàng Cót” (sđd trang126-127).

Theo Nhật Thịnh trong quyển Chân Dung Nhất Linh thì: “Hồi Nhất Linh còn dạy trường Thăng Long, ông để ý tới một bài khảo luận ngắn trên báo Văn Học, ký tên Bán Than. Chắc anh chàng nầy có họ với ông Trần Khánh Dư đời Trần, tác giả bài:

“Một gánh kiền khôn ruồi xuống ngàn
     Hỏi chi bán đấy? gửi ông than”.

Đột nhiên ông nhớ tới giáo sư Trần Khánh Giư, một người kín đáo, dễ thương, từ đó hai người biết nhau. Nhất Linh thấy Khái Hưng có những khả năng hiếm có về văn chương. Ông là con cụ tuần Trần Mỹ theo học trường Albert Sarraut, đỗ tú tài Triết Học, có đủ điều kiện và thế lực ra làm quan, mà ông từ chối. Không chịu sống đời lệ thuộc. Nhất Linh nhận thấy rõ điều đó”.

Theo Viễn Sơn Nguyễn Tường Bách (em út của Nhất Linh) trong hồi ký Việt Nam, Một Thế Kỷ Qua: “Năm 1932, cùng một số anh em, anh sáng lập tờ báo Phong Hóa có thể gọi là mở một thời kỳ mới trong văn học. Cùng với số nhà văn tài hoa, anh thành lập Tự Lực Văn Đoàn, đánh dấu sự phồn thịnh văn học. Năm 1935, tờ Ngày Nay được xuất bản. Năm 1936, anh khởi xướng Phong Trào Ánh Sáng xây dựng nhà rẻ tiền cho người nghèo”.

Năm 1932, tờ Phong Hóa phát hành hằng tuần vào ngày thứ Năm, không tạo được tiếng vang trong làng báo. Hồi ký Trong Bếp Núc Của Tự Lực Văn Đoàn, nhà thơ Tú Mỡ viết: “Bấy giờ, nhân dịp có tờ Phong Hóa của anh Phạm Hữu Ninh quản trị, anh Nguyễn Xuân Mai, giám đốc chính trị, loại báo vô thưởng vô phạt, đang sống dở chết dở vì không ai buồn đọc, sắp sửa phải đình bản. Anh Tam đề nghị với hai anh nhượng lại tờ báo cho mình làm chủ bút, hai anh vẫn đứng tên quản trị và giám đốc chính trị làm vì, mỗi tháng lĩnh mấy chục bạc lương (tức là tiền cho thuê báo). Tất cả đều hỉ hả: anh Ninh và anh Mai trút được gánh nặng mà khỏi đình bản; anh Tam sẵn có tờ báo thay cho tờ Tiếng Cười chắc là không được phép xuất bản” (Tạp chí Văn Học số 5 tháng 6-1988). Nhất Linh hiện diện trên tờ Phong Hóa, số 14 ra mắt ngày 22-9-1932, dưới hàng chữ Phong Hóa nơi trang đầu: Director politique: Nguyễn Xuân Mai, Administrateur: Phạm Hữu Minh, Directeur: Nguyễn Tường Tam.

Trong hồi ký của bà Nguyễn Thị Thế đã ghi rõ về giai đoạn nầy: “Sau khi đi Pháp về, anh Tam dạy học ở trường Thăng Long Hà Nội được ít lâu, sau mở báo lấy tên “Tiếng Cười” chủ tâm đem tiếng cười ra cho mọi người vui vì thời bấy giờ nhiều người khóc quá rồi. Nào văn bà Tương Phố khóc chồng, Đạm Thủy, Tố Tâm truyện cũng lâm ly thảm thiết.

Tiếc thay chính quyền lại không hiểu thiện chí ấy nên không cho phép, sau có người bạn nhường lại tờ Phong Hóa (1932). Bao đêm anh Tam cặm cụi viết bài vì lúc đầu chưa ai cộng tác, họ lại lo ế không bán được, anh đề nghị nếu ế thì cả nhà vừa đi vừa rao bán cho kỳ hết mới chịu. Mẹ tôi bảo khó gì, nếu bán không hết, mang về cho mợ gói cau càng tiện” (sđd Trang 116)... “Báo Phong Hóa ngày càng gia tăng và số anh em cộng tác cũng nhiều , nhưng tiền vốn quá ít nên phải tiết kiệm” (trang119)... “Báo bán chạy, các anh về nói với mẹ tôi gọi cổ phần hùn vốn mua nhà in vừa in báo vừa in thuê sẽ lời nhiều. Thế là nhà in Ngày Nay ra đời” (sđd trang 120).

Năm 1933, thành lập Tự Lực Văn Đoàn gồm: Nhất Linh, Khái Hưng, Tú Mỡ, Thạch Lam, Hoàng Đạo, và Thế Lữ.

Năm 1936 tờ báo Phong Hóa bị đóng cửa, tờ Ngày Nay do anh ông là Nguyễn Tường Cẩm điều khiển. Tờ báo có rất đông độc giả trung thành nhưng đến năm 1940, số phát hành chót vào ngày 2-9-1940, thực dân Pháp ra lịnh cấm chỉ. Tháng 5-1945, tờ Ngày Nay tục bản được vài tháng rồi đình bản.

Theo Tú Mỡ: “Báo Phong Hóa làm ăn phát đạt, số báo in càng ngày càng tăng. Lúc đầu gặp hồi kinh tế khó khăn, mấy anh em đem hết tài lực làm việc quên mình, không vụ lợi. Bốn anh em giường cột trong tòa soạn (anh Tam, anh Long, anh Giư, anh Thế Lữ) tình nguyện chỉ lĩnh mỗi tháng 50 đồng đủ sống, để dành tiền lãi làm vốn cho báo phát triển...

Nhưng... đến cuối năm đó, tính sổ mới ngã ngửa ra: lời lãi chia theo số vốn, phần lớn chui vào két nhà tư sản. Anh bèn họp với anh em phải chấm dứt tình trạng “thằng còng làm thằng ngay ăn”. Không thể chơi với nhà tư sản được...

Thế là anh em quyết định thành lập “Tự Lực Văn Đoàn” trên nguyên tắc là làm ăn dựa trên sức mình, theo tinh thần anh em một nhà: tổ chức không quá sôá 10 người nên không phải xin phép Nhà nước, không cần có văn bản , điều lệ: lấy lòng tin nhau làm cốt, chỉ nêu ra trong nội bộ mục đích, tôn chỉ, anh em tự nguyện tự giác tuân theo”... “... Đoàn viên nòng cốt của Tự Lực Văn Đoàn là những nhà văn trong tòa soạn báo Phong Hóa: Anh Tam (đứng đầu giám đốc đoàn). Các anh Long, Lân, Giư, Tú Mỡ và Thế Lữ, tất cả chỉ có 6 người. Anh Tam đề nghị kết nạp thêm một người nữa cho đủ số “thất tinh”. Anh Giư giới thiệu anh Trần Tiêu, em ruột anh, một giáo viên trường huyện, thích viết văn, đang viết truyện dài “Con Trâu”, cả đoàn đồng ý. Về sau anh Giư có ngỏ ý mời anh Đoàn Phú Thứ vào đoàn nhưng anh nầy rất tán thành mục đích, tôn chỉ của đoàn, song chỉ xin ở ngoài cộng tác cho được hoàn toàn tự do, không muốn một tí gì ràng buộc. Sau cùng, theo đề nghị của anh Tam, đoàn chỉ kết nạp thêm anh Xuân Diệu, vị chi là “bát tú”...”

“... Phong hóa bị đóng cửa, Tự Lực Văn Đoàn không bị bó tay vì đã có sẵn tờ Ngày Nay thay thế... Có thể nói Ngày Nay là hình ảnh chân thực của tâm trí mọi tầng lớp bình dân trong nước; là người bạn tri kỷ, vui vẻ khuyên nhủ mọi người mách bảo những sáng kiến hay cần thiết cho cuộc đời mới. Việc biên soạn do những cây bút cũ của Phong Hóa cùng nhiều nhà văn mới hợp thành đội ngũ hài hòa”.

Tính tình điềm đạm, hòa nhã, Nhất Linh biết trân quý và chân tình từng cây bút, mỗi cây bút đều có sự mến chuộng của một số độc giả vì vậy phương cách xử sự của ông cũng là kinh nghiệm cho giới làm báo.

Bên cạnh lãnh vực văn hóa, Nhất Linh dấn thân vào con đường chính trị để chống Pháp, giai đoạn đó được Viễn Sơn Nguyễn Tường Bách ghi lại: “Nhưng dù đã đạt tới điểm cao của danh vọng, anh cũng quyết tâm dấn mình vào cuộc đời cách mạng gian nan và đầy chông gai. Năm 1938, cùng với một số bạn hữu, anh thành lập đảng Đại Việt Dân Chính. Năm 1941, do Pháp khủng bố, anh phải chạy sang Trung Quốc, kết hợp với Việt Nam Quốc Dân Đảng, và hợp tác với cụ Nguyễn Hải Thần. Năm 1945, tháng 11, anh trở về Hà Nội, tổ chức hàng ngũ quốc gia chống lại Việt Minh Cộng Sản. Vì tình thế thúc đẩy, tháng 2 năm 46, anh giữ chức Bộ Trưởng Ngoại Giao trong chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến. Nhưng từ tháng 4-46, hai bên phá liệt, anh lại sang Trung Quốc, lưu vong một lần nữa.

Năm 1947, vì phản đối việc thoả hiệp với Pháp, anh ở lại HongKong cho tới 1951, vì sức khoẻ yếu, anh về nước, với dự tính chỉ hoạt động về văn học”.

Năm 1951, mở nhà xuất bản Phượng Giang, hậu thân NXB xuất bản Đời Nay, tái bản sách của Tự Lực Văn Đoàn.

Năm 1953, Nhất Linh lên Đà Lạt, sống ẩn dật với cây cảnh.

Năm 1954, đất nước bị chia cắt hai miền Nam-Bắc, Nhất Linh sống tiếp ở Đà Lạt 4 năm rồi mới về Sài Gòn để tiếp tục dấn bước trên con đường văn học và trở lại con đường chính trị vào năm 1960 khi thành lập Mặt Trận Quốc Dân Đoàn Kết.

Giai đoạn nầy được ghi rõ qua hồi ký của người em: “Anh cả đổi vào Saigon làm việc (Giám Đốc Bưu Điện) hai năm trước hiệp định Genève. Mẹ tôi cũng vào để kịp gặp anh Tam trước khi anh sang Pháp thăm người con trai lớn du học bên đó. Ở được ít tháng anh lại về, lên ở luôn Đà Lạt vào rừng kiếm lan.

Anh rủ mấy người bạn mua đất ở Phiên Nôm bên dòng suối Đa Mê cách Đa -Lạt hai mươi lam cây số, hạ cây rừng xẻ gỗ làm nhà.

Nhà mới dựng lên vì thợ sơ ý không chống kỹ nên đổ sập xuống, kèo cột gãy hết. Mẹ tôi cho là điềm không hay nên không cho dựng lại nữa. Thế là hai lần định tạo dựng đều không thành cả. Chỉ còn lại nhà bếp, mẹ tôi ở được ít lâu thì đau. Anh Tam phải đưa về ở căn nhà nhỏ của chị Tam mua từ hối 1954 ở đường Lý Thái Tổ” (NTT - sđd trang 147).

Bà Nhất Linh vẫn tiếp tục công việc buôn bán cau trầu nuôi con cái ở An Đông, Chợ Lớn. Trở về sum họp với gia đình, Nhất Linh bắt tay vào sinh hoạt văn hóa, ông là vị Chủ Tịch đầu tiên của Văn Bút Việt Nam được hình thành vào năm 1958. Giai đoạn cuối đời được ghi nhận trong Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Tự Điển của GS Trần Văn Thanh, ấn hành tại Sài Gòn 1967:

“Đến năm 1958, Nhất Linh rời bỏ rừng núi Đà Lạt về Sài Gòn để cho ra mắt độc giả giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay (số 1 Văn Hóa Ngày Nay xuất bản ngày 17-6-58). Giai phẩm này được chiếm đa số độc giả và đã thành công rực rỡ. Những người cộng tác thường xuyên trong Văn Hóa Ngày Nay gồm có: Đỗ Đức Thu, Nguyễn Thị Vịnh, Linh Bảo, Duy Lam, Trương Bảo Sơn, Bình Nguyên Lộc, Tường Hùng.

Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh bắt đầu cho đăng tập trường giang tiểu thuyết. Xóm Cầu Mới gồm có những cuốn khác như: Cô Mùi, Người Chiến Sĩ, Nhà Mẹ Lê, Người Sát Nhân, Cậu Ấm, Ông Năm Bụng. Theo Nhất Linh, ông định viết độ hai chục cuốn nữa để thành một bộ tiểu thuyết gồm chừng một vạn trang mô tả đầy đủ sự phức tạp và muôn mặt của cuộc đời. Mọi người đang mong thưởng thức công trình to tát ấy thì Văn Hóa Ngày Nay đến số 11 tháng 5 năm 1958 lại đình bản, và hơn một lần nữa truyện Cô Mùi và mối tình của cô cũng vì đó mà thành ra dang dở.

Trong giai phẩm văn nghệ Tân Phong ra vào tháng 8 năm 1959, ta chỉ thấy thỉnh thoảng Nhất Linh có một vài truyện ngắn, còn truyện dài trong Văn Hóa Ngày Nay không thấy ông đăng tiếp.

Năm 1961, ông cho xuất bản một tập khảo luận về tiểu thuyết nhan đề là Viết Và Đọc Tiểu Thuyết.

Dù sau này Nhất Linh khó lòng lấy lại được phong độ ngày nào của nhóm Tự Lực Văn Đoàn trên tờ Phong Hóa, Ngày Nay và ngọn đuốc văn hóa mà ông đã từng cầm trong bao nhiêu năm phải trao về cho những người trong thế hệ mới, nhưng mọi người không thể phủ nhận được giá trị những công cuộc tranh đấu của ông và nhóm Tự Lực Văn Đoàn cách đây hơn ba mươi năm, nhằm mục đích chống phong kiến, chống thực dân, phổ biến những quan niệm nhân quyền và dân quyền, trình bày những quan niệm tiến bộ về cá nhân, về gia đình và xã hội.

Để phản đối chính quyền độc tài của Ngô gia. Nhất Linh đã dùng độc dược quyên sinh vào đêm 7 tháng 7 năm 1963 tại nhà riêng để lại hình ảnh cao quý trong lòng mọi người thân mến và giới văn nghệ một niềm luyến tiếc chân thành. Ông thọ 58 tuổi”.

Ông để lại lời tuyên bố:

“Đời tôi để cho lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử Đối Lập Quốc Gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay Cộng Sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do” - Nhất Linh Nguyễn Tường Tam 7-7-1963. Trước linh cữa của người quá cố, Linh Mục Thanh Lãng, Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam (Nhất Linh trở thành cố vấn) đã ngỏ lời tiễn biệt:

“Anh Nhất Linh, trong lúc nước mắt tràn lên các khuôn mặt này, trong lúc tiếng nấc trong các cổ họng này, trong lúc những bàn tay đang run run tung lên anh những vốc đất mà tôi gọi là những Cánh Hoa Hồng này, thì lại chính là lúc anh đi vào lịch sử giữa huy hoàng, chúng tôi đến đây để nghiêng mình trước ngai vàng lịch sử đã dọn cho anh”. Sau ba chục năm, con cháu trong gia tộc đã đưa di cốt nhà văn Nhất Linh ở Sài Gòn và vợ ông ở Pháp trở về nguyên quán. Trong bài Nắm Cỏ ĐưaVề Tấc Đấc Xưa của nhà văn Phạm Phú Minh trong Tạp Chí Thế Kỷ 21 (tháng 7-2002) đã ghi:

“... Theo anh Nguyễn Tường Thiết, con trai út của nhà văn cho biết thì năm 1975, chính quyền cộng sản giải tỏa nghĩa trang chùa Giác Minh ở Thông Tây Hội (Gia Định), anh Nguyễn Tường Thạch là là con trai Nhất Linh đã hỏa thiêu di cốt của cha và gửi bình tro tại chùa Kim Cương đường Trần Quang Diệu tại quận Ba Sài Gòn. Trong khi đó, năm 1982 bà Nguyễn tường Tam sang Pháp đoàn tụ với con, nhưng cũng trong năm nầy bà qua đời, được an táng tại nghĩa trang ở Pháp.


Năm ngoái, 2001, các người con của ông bà Nhất Linh đã quyết định dời mộ ông bà và của người con gái lớn là chị Thư về Quảng Nam, nguyên quán của gia tộc Nguyễn Tường. Hài cốt của bà đã được hỏa thiêu tại Orsay (Pháp), sau đó được hai nguòi con là anh Việt và chị Thoa đưa về Sài Gòn vào tháng Tư 2001. Anh Nguyễn Tường Thiết từ Mỹ đã về Sài Gòn trước, đón di cốt bà đưa về chùa Kim Cương, nơi nầy di cốt của ông đã được gửi thờ từ khoảng hai chục năm nay. Ngày 27-4-2001 nhà chùa đã làm lễ cầu siêu trọng thể với sự có mặt của tất cả thân thích trong họ có mặt ở Sài Gòn. Ngay sau khi lễ, di cốt của ông bà Nguyễn Tường Tam và của chị Thư được đưa lên tàu hỏa đi Quảng Nam, miền Trung Việt Nam.

Ngày 28-4-01 cử hành lễ chôn cất các di cốt tại nghĩa trang riêng của họ Nguyễn Tường ở Hội An. Mộ của ông bà Nguyễn Tường Tam nằm gần mộ cụ tổ Nguyễn Tường Phổ, người đầu tiên của họ Nguyễn Tường ra làm quan và lập ngiệp ngoài Bắc, nhưng khi mất đã được mang về an táng tại quê nhà”.

Nhất Linh là nhà văn nhà báo đã có công đóng góp cho nền văn học và báo chí Việt Nam trong thế kỷ XX. Ông học Lý Hóa nhưng có năng khiếu trên nhiều lãnh vực về Văn Học Nghệ Thuật và đã thành công rực rỡ. Ông cũng am tường về âm nhạc và hội họa. “Cũng có lần nhờ tài vẽ để kiếm ăn khi lưu lạc ở Cao Miên và Sài Gòn ông đi vẽ phông các rạp hát” (Một Vài Nét Về Chân Dung Nhất Linh - Tường Hùng, Tạp chí Văn, số 61, 1-7-1966).

Với nhân cách của con người hoạt động chính trị, văn học và báo chí, Nhất Linh giữ được nhân cách của mình kể từ khi bước chân vào đời. Hình ảnh đó được thể hiện qua ngòi bút của người cháu: “Trí nhớ và sự khiêm tốn không cho tôi nói nhiều về một người chú mà tôi kính mến. Đáng lẽ tôi phải nói vài tật xấu để cho rõ chân dung Nhất Linh hơn, nhưng tôi xin thú thực sau bao năm ở gần Nhất Linh, tôi chưa được biết một tính xấu nào của Nhất Linh” (Một Vài Nét Về Chân Dung Nhất Linh - Tường Hùng, Tạp chí Văn số 61, 1-7-1966.

Theo nhận định của nhà thơ Đông Hồ trên tờ Bách Khoa số 180 (1-7-1964) cũng là ý nghĩa của mọi người về nhà văn Nhất Linh:

“Sự nghiệp của Nhất Linh ở đây thật là một sự nghiệp đáng kể mà tôi tưởng đương thời và hậu thế cũng đều công nhận”.

Tác phẩm của Nhất Linh: Nho Phong (1924), Người Quay Tơ (1926), Anh Phải Sống (cùng Khái Hưng, 1932 - 1933), Gánh Hàng Hoa (cùng Khái Hưng,1934), Đời Mưa Gío (cùng Khái Hưng, 1934), Nắng Thu (1934), Đoạn Tuyệt (1934-1935), Đi Tây (1935), Lạnh Lùng (1935-1936), Hai Buổi Chiều Vàng (1934-1937), Thế Rồi Một Buổi Chiều (1934-1937), Đôi Bạn (1936-1937), Bướm Trắng (1938-1939), Xóm Cầu Mới (1949-1957), Viết Và Đọc Tiểu Thuyết (1952-1961), Giòng Sông Thanh Thủy (1960-1961) tác phẩm cuối cùng, gồm ba tập: Ba Người Bộ Hành, Chi Bộ Hai Người, Vọng Quốc.

Dịch phẩm: Đỉnh Gió Hú, Wuthering Heights của Emily Bronte (đăng báo 1960, xuất bản 1974). (Hoàng Hải Thủy phóng tác tác phẩm nầy được nhiều độc giả biết đến).

* Lá Thư Tuyệt Mệnh

Trong cuốn Tự Điến Danh Nhân Thế Giới của Trịnh Chuyết, xuất bản tại Sài Gòn năm 1970 phần nói về Nhất Linh với Lá Thư Tuyệt Mệnh chỉ có 68 chữ:

"Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội những phần tử quốc gia đối lập là một tội nặng, sẽ làm cho nước mất về tay Cộng sản. Vì thế tôi tự hủy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu là để cảnh cáo những ai chà đạp mọi thứ tự do."

Qua bài viết Sự Thật Về Cái Chết Của Nhất Linh của Nguyễn Tường Thiết có scan lại lá thư tuyệt mệnh với 71 chữ: “"Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc là một tội nặng và làm cho nước mất về tay cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do." Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.

Về cái chết của Nhất Linh có vài bài viết bóp méo sự thật, hơn bốn thập niên sau, anh Nguyễn Tường Thiết minh chứng sự thật (trích những đoạn chính):

“... Kể từ ngày đầu tiên đoàn tụ năm 1950 ấy cho đến ngày ông qua đời 7-7-1963, tôi là người con đã sống gần gũi với cha tôi nhất trong số tất cả những người con của ông. Lý do là khi cha tôi vào Nam năm 1951, ông kéo tôi đi theo ông, trong khi mẹ và các anh chị tôi ở lại Hà Nội cho đến năm di cư 1954. Và sau đó năm 1955 khi ông quyết định bỏ Sài Gòn lên sống trên Đà Lạt, tôi lại là người ông mang theo để sống gần ông. Là người con vừa thân cận vừa được tín cẩn, tôi là người vừa biết rõ nhất về ông cụ tôi, lại là người chứng kiến cái chết của ông trong những giờ phút cuối cùng...

... Là người con hiểu rõ ông cụ tôi, tôi tin rằng khi cha tôi tuyên bố từ bỏ cuộc đời làm chính trị ông đã thành thật với mình. Tuy nhiên thời cuộc đưa đẩy buộc ông phải sống trái với ý muốn của mình. Về cuối đời cha tôi bị liên lụy vì liên quan đến một vụ chính biến, đưa đến cái chết của ông ngày mồng 7 tháng 7 năm 1963.

Cái chết ấy mang mục tiêu chính trị rõ rệt. Ông tự vẫn để “cảnh cáo những người chà đạp lên mọi thứ tự do”, như ông đã viết ra trên giấy trắng mực đen.

Nguyên nhân và động lực đưa đến cái chết của Nhất Linh đã được ông viết ra bằng 71 chữ rất minh bạch và đầy đủ:

Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người trà đạp mọi thứ tự do.

7-7-63

Nhất Linh Nguyễn Tường Tam

... Như đã nói ở trên vào năm 1955 cha tôi quyết định lên Đà Lạt sống và tôi là người ông chọn để đi cùng với ông. Ông cụ thu xếp cho tôi thi tuyển vào lớp Đệ Lục trường trung học công lập Quang Trung niên khoá 1955-56. Chúng tôi ở trên lầu 2 nhà hàng Poinsard & Verey số 12 đường Yersin Đà Lạt. Sau này các anh chị tôi cũng thường lên Đà Lạt vào những dịp hè hoặc Tết nhưng không ai ở luôn trên ấy, chỉ trừ chị Thoa là người chị kế của tôi. Những năm đầu tiên trên Đà Lạt là những năm thanh bình. Cha tôi chơi lan, hòa nhạc tại gia vào cuối tuần. Thỉnh thoảng ba chúng tôi (cha tôi, chị Thoa và tôi) đi pic-nic trên núi Langbian hoặc ở Suối Vàng...

... Năm 1958 cha tôi ra tờ báo Văn Hoá Ngày Nay. Tự tay cha tôi vẽ và trình bầy bìa cho tờ đặc san này. Ở trên góc bìa đề hàng chữ lớn: Số ra mắt 17-6-1958. Chúng tôi không một ai để ý đến cái ngày 17-6 có ý nghĩa gì cho mãi đến khi tôi gặp anh Lê Hưng. Anh Hưng nói với tôi trước bàn thờ ông cụ: ‘Anh Tam làm cái gì cũng tính toán rất kỹ lưỡng. Anh chọn ngày ra báo 17-6 là ngày giỗ của đảng trưởng Nguyễn Thái Học, cũng như anh chọn ngày chết 7-7 là ngày chấp chánh của họ Ngô để phản đối chế độ này’.

Ở Sài Gòn báo Văn Hoá Ngày Nay bán rất chạy ngay từ số đầu tiên... Nhưng báo chỉ ra được 11 số thì tự ý đình bản. Chúng tôi chưng hửng hỏi ông cụ tại sao báo bán chạy thế mà lại tự ý ngưng? Cha tôi không trả lời. (Ông không có thói quen tiết lộ mọi chuyện cho con cái). Nhưng thái độ của ông lúc ấy rất buồn bã...

... Trong cuốn sách “Nhất Linh, Người Nghệ Sĩ - Người Chiến Sĩ” do Thế Kỷ xuất bản năm 2004, trang 78, ông Trương Bảo Sơn viết: ‘Tờ Văn Hoá Ngày Nay ra được 11 số thì đình bản, mặc dù được độc giả khắp nơi hoan nghênh. Ôi, chỉ vì nó được hoan nghênh quá xá mà chết non...’.

Trong cuốn hồi ký “Nhất Linh Cha Tôi” trang 120 tôi viết: “Bốn mươi mốt năm về trước, một ngày trước cuộc binh biến 11-11-1960 ở Sài Gòn, bố tôi bất thần trở về căn gác chợ An Đông nhìn tôi nói nghiêm nghị: ‘Ngày mai con có đi chơi đâu thì không được lảng vảng gần khu Dinh Độc Lập’. Cuộc đảo chính thất bại. Tôi nghe nói là bố tôi sau đó đã lẩn trốn ở nhiều nơi trong thành phố’...

Sự việc không bắt cha tôi, ngoài lý do không có bằng cớ, tôi cho còn là một sự tính toán cân nhắc lợi hại của chính quyền họ Ngô chứ chưa hẳn do cảm tình riêng của ông Diệm đối với ông cụ tôi như nhiều người nghĩ. Thứ nhất không bắt ông cụ để ông cụ vô can tức là chứng tỏ cho dân chúng biết Nhất Linh không hề bất mãn và phản đối chế độ ông Diệm. Thứ hai họ nghĩ rằng chặt hết tay chân của ông cụ tôi thì ông cụ tôi còn làm gì được nữa.

Nhưng không bắt bớ không có nghĩa là để cho ông cụ tôi được hoàn toàn tự do. Trong cuốn Nhất Linh Cha Tôi trang 36 tôi ghi lại lời của cha tôi nói với tôi buổi sáng ngày 7-7-1963: ‘Cậu chẳng sợ kết quả (ra toà) ngày mai ra sao vì ở nhà hay ở tù thì cũng mất tự do như nhau’.

Hãy hình dung cảnh tượng ấy diễn ra thường xuyên trong một thời gian dài thì mới thấu hiểu câu nói của cha tôi ‘Ở tù hay ở nhà cũng mất tự do như nhau’.

... Vào tháng 5 năm 1963 vụ Phật Giáo bùng nổ ở Huế. Sau đó phong trào Phật Giáo đấu tranh lan rộng khắp nước. Tôi không đề cập chi tiết vụ Phật Giáo này. Hãy để các sử gia nói tới. Tôi chỉ bàn khía cạnh vụ này tác động ra sao đối với ông cụ tôi và nhất là đối với cái chết của ông...

... Trong khi hầu hết các chính trị gia đối lập bị bắt hết sau vụ binh biến 11-11-1960, ông cụ tôi là một trong số ít người được tại ngoại, do đó việc tăng cường canh giữ ông cụ là một điều tất nhiên. Ông cụ rất ít ra khỏi nhà. Những tin tức ông biết được bên ngoài là do báo chí (cha tôi sai tôi đi mua báo Tự Do hàng ngày và ông chỉ đọc tờ báo này thôi), ngoài ra có hai người bạn thân của ông thường xuyên lui tới. Đó là bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm và ông Lê Văn Kiểm. Ông Kiểm (mà chúng tôi gọi là chú Kiểm vì chú nhỏ tuổi hơn ông cụ tôi) thường đến hầu như hàng ngày tường trình diễn tiến của vụ Phật giáo. Ngày 11-6-1963 khi chú Kiểm đến báo tin Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở ngã tư Lê Văn Duyệt & Phan Đình Phùng thì cha tôi sững sờ...

... Rồi cuối cùng, mãi ba năm sau xảy ra cuộc binh biến 11-11-1960, vào tháng 6 năm 1963 cha tôi bị mời lên Tiểu Đội Hiến Binh số 635 đường Nguyễn Trãi để lấy khẩu cung và ở đó người ta cho ông biết trước là ngày 8 tháng 7 năm 1963 cha tôi phải trình diện tại Phòng xử án Đặc biệt Toà Án Quân sự, toà Thượng Thẩm, số 131 đường công lý Sài Gòn. Trát đòi chính thức sẽ được gửi sau. (Cha tôi nhận được trát đòi vào ngày 6-7-1963 lúc 18.00 giờ).

Tin cha tôi sẽ phải ra tòa để xử án này là động cơ tối hậu làm nên cái chết của Nhất Linh. Ông có một tuần lễ để sửa soạn cái chết cho chính mình.

Ngày 30-6-1963 (7 ngày trước cái chết) cha tôi đi dự buổi họp tại trụ sở nhóm Bút Việt. Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm viết về sự kiện này như sau (trích trong sách Chân Dung Nhất Linh, tác gỉa Nhật Thịnh, trang 183): ‘Tôi dám quả quyết là Nhất Linh đã sắp đặt, ít nhất là một tuần lễ trước cái chết của mình, bằng cớ là ngày 30-6-1963, anh tới dự buổi họp của Trung Tâm Văn Bút mà trước đó anh là chủ tịch, không phải vì văn hoá, mà chỉ cốt gặp mặt một lần chót các văn hữu của anh trước khi sang bên kia thế giới. Ở Trung Tâm Văn Bút ra, Nhất Linh có ghé lại thăm tôi, nhưng tiếc rằng hôm ấy tôi đi vắng’.

Ngày 2-7-1963 (5 ngày trước cái chết) cha tôi đến nhà in Trường Sơn làm giấy Ủy Quyền cho con. Trong cuốn sách Nhất Linh Cha Tôi trang 192, tôi viết: ‘Năm ngày trước khi chết ông đến nhà in Trường Sơn đánh máy tờ Ủy Quyền: Tôi, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, giám đốc nhà xuất bản Phượng Giang và Đời Nay, ký tên dưới đây xác nhận rằng: Trong khi tôi vắng mặt (bất cứ vì lý do gì) thì con tôi là Nguyễn Tường Thiết sẽ thay thế tôi điều khiển hai nhà xuất bản kể trên và quyết định việc xuất bản các tác phẩm của tôi. Làm tại Sài Gòn ngày 2 tháng 7 năm 1963’.


Ngày 7-7-1963 (ngày chết) cha tôi đến vĩnh biệt người bạn thân nhất của mình vì tuần lễ trước ông đến mà không gặp. Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm viết: ‘Chủ Nhật sau nhằm ngày 7-7-63 Nhất Linh lại tới vào buổi sáng hồi 10 giờ. Tôi đang ngồi trong phòng ăn bỗng anh lặng lẽ đi vào...’, ‘Chúng tôi tiễn anh ra cửa lặng lẽ cầm tay nhau, khi ấy tuyệt nhiên trên nét mặt Nhất Linh tôi không hề nhận thấy một dấu hiệu nhỏ nào cho biết chỉ trong vài tiếng đồng hồ nữa anh sẽ xa lánh cõi trần, xa tất cả mọi người thân yêu của anh để đi vào lịch sử’...

... Buổi sáng hôm ấy sau khi cha tôi đi thăm bác Phiếm về thì chúng tôi, cha tôi và tôi, trên căn gác của chung cư chợ An Đông bàn bạc rất lâu về đủ mọi chuyện. Cha tôi vốn ít nói và kín tiếng, nhưng buổi sáng hôm ấy lạ thay ông lại tâm sự với tôi rất nhiều điều, ông giảng giải khúc triết và rành rẽ mọi chuyện, và tôi có ghi lại đầy đủ trong chương Niềm Vui Chết Yểu trong cuốn sách Nhất Linh Cha Tôi...

... Bình tĩnh cha tôi ngồi thảo và viết 71 chữ cuối cùng trong đời ông: 71 chữ cô đọng, đầy đủ, rõ ràng để một người bình thường có thể hiểu được ý nghĩa trung thực của tờ chúc thư tuyệt mệnh của ông.

Khi thảo tờ chúc thư chính trị ấy cha tôi đã sáng suốt tiên liệu là mật vụ nhà Ngô có thể tịch thu bản di chúc nên cha tôi đã cẩn thận viết làm hai bản. Hai bản đó giống nhau, chỉ sai biệt một chữ...

... Nhất Linh đã chuẩn bị cái chết của mình một cách bình tĩnh. Nhất Linh đã sửa soạn cái chết cho mình trong sự tính toán sáng suốt”...

♣ ♣ ♣

Trên văn đàn Việt Nam vào tiến bán thế kỷ XX, Tự Lực Văn Đoàn được đánh giá là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại với tiểu thuyết luận đề và tâm lý xã hội. Trong đó nổi bật qua hai cây bút Nhất Linh và Khái Hưng.

Qua các tác phẩm Nho Phong (1924), Nắng Thu (1934), Đoạn Tuyệt (1934-1935), Đôi Bạn (1936-1937), Bướm Trắng (1938-1939)... được đánh giá là tạo dựng ra diện mạo mới trên bước đường khai phóng cho nền văn học Việt Nam. Trong thời điểm theo quan niệm “trọng nam khinh nữ” thì Nhất Linh tạo hình ảnh người phụ nữ sống trong xã hội với cá tính mạnh mẽ, hiểu biết, chống lại sự lạc hậu theo nam niệm cổ hủ. Không thể chấp nhận cái cũ vô lý để hủy hoại bản thân mà phải “đoạn tuyệt” nó để tạo dựng cuộc sống. Qua ngòi bút, Nhất Linh quan niệm trai và gái tuy chưa được bình đẳng như nhau nhưng người phụ nữ không chấp nhận sự gò bó của xã hội trói buộc suy tư, nhận thức của cá nhân trong tình yêu và cuộc sống.

Khi nói về tiểu thuyết luận đề qua tác phẩm của Nhất Linh, theo Thụy Khuê:

“Ở Ðoạn Tuyệt, Lạnh Lùng, Nhất Linh vẽ nên cảnh xung đột trực tiếp giữa lối sống cũ và mới. Ðể bênh vực người phụ nữ, Nhất Linh đã không ngần ngại đẩy hoàn cảnh đến những mức độ cực đoan nhất, và lấy phần quyết thắng về phe Loan, người phụ nữ tân thời, tranh đấu cho quyền làm người trong xã hội Khổng Mạnh.

Ở Ðôi Bạn, Nhất Linh đi xa hơn. Ông không dựa trên tình tiết, không dựa trên cốt truyện để xây dựng tiểu thuyết nữa. Nhất Linh đi sâu vào địa hạt phân tích nội tâm, xây dựng nghệ thuật trên sự tinh vi của nhận thức. Cảm giác, xúc giác, khứu giác là những yếu tố chính trong cơ lực con người, giao thoa giữa nội tâm và ngoại giới. Nhất Linh cho người đọc thưởng lãm những mùi hương, những say sưa của hạnh phúc, của ánh nắng chiều, của mầu thời gian thoáng nhạt...

Với Bướm Trắng, Nhất Linh đi sâu vào khía cạnh triết lý... Bằng một lối nhìn trầm lặng, ngọn bút Nhất Linh bình thản đi vào các cửa ngõ nội tâm biến dạng và bối rối của Trương, không phải để tìm kiếm một lối thoát cho Trương, mà để cùng nhập cuộc phiêu lưu không định hướng của dòng đời...“.

Nhìn lại những tác phẩm trong Tự Lực Văn Đoàn nói chung và Nhất Linh nói riêng. Trên lãnh vực văn chương, Nhất Linh dấn thân trong nghiệp dĩ như ngọn đuốc soi đường trong đêm tối.

(Văn Nhân & Tình Sử)





| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com