Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


GIẤC MƠ HỒI HƯƠNG




Mời qúy vị mở nghe Giấc Mơ Hồi Hương của cổ nhạc sĩ Vũ Thành qua giọng hát rất HàNội của nữ ca sĩ Mai Hương


M ột trong số những nhạc sĩ yêu thích của tôi sáng tác trong giai đoạn thập niên 50, ngoài Cung Tiến, Lâm Tuyền, là nhạc sĩ Vũ Thành. Một nhạc sĩ với lối sáng tác mang âm hưởng nhạc thính phòng, bán cổ điển tây phương, với nhiều ca khúc để đời như Giấc mơ hồi hương, Nhặt cánh sao rơi, Hoài hương dạ khúc, Say nhạc canh tàn, Gửi áng mây hàng, Thụy khúc, Nhớ bạn… mà không một ca khúc nào là dễ thể hiện.

Có lẽ tài liệu nói về thân thế sự nghiệp của ông cũng ít như Lâm Tuyền vậy. Người đời có thể biết khá rõ con đường đến âm nhạc của Cung Tiến, nhưng với Vũ Thành thì không mấy ai. Nhưng những đóng góp của ông trong nền tân nhạc Việt Nam là không hề nhỏ. Từ việc viết ca khúc đến việc soạn hòa âm phối khí cho các bản nhạc. Nhờ vậy các ca khúc Việt Nam được ông soạn hòa âm thời đó khoác lên một dáng vẻ hoàn toàn mới.

Không chỉ dừng lại ở việc sáng tác các ca khúc, như Cung Tiến, Vũ Thành còn sáng tác một số tác phẩm dành cho violin và dàn nhạc thính phòng chơi như Phiếm khúc, Thỉnh nhập vũ điệu, Arpège… cùng với một số tác phẩm viết cho tây ban cầm và nhạc khúc phổ thông…

Tôi đặc biệt thích các ca khúc mang âm hưởng thính phòng, thích được nghe phần đệm của dàn nhạc hoặc đơn giản chỉ với piano, như thế mới thật đúng với màu sắc và giai điệu mà nó chuyển tải. Say này không rõ vì sao cách phối khí ấy không mấy được dùng đến, phải chăng vì thiếu người có khả năng soạn hòa âm, do kinh phí, hay là thị hiếu người đời đã đổi khác?

Ngày nay, các ca khúc có phần đệm thường “máy móc” và đơn điệu, như được “lập trình” sẵn tạo sự lặp lại hơi nhàm không vẻ gì đặc sắc, người nghe như cảm nhận bài hát phần lớn ở chất giọng chứ không phải cả phần đệm như ngày nào. Nghe lại những bản thu ngày trước, dù là cũ kỹ, chất lượng thấp nhưng đủ để thấy cả một thời vàng son thuở ấy.

Vũ Thành cũng như một số ít người cùng thời như Cung Tiến, Đoàn Chuẩn, sáng tác nhạc không phải vì kế sinh nhai, không chạy theo thị hiếu đương thời. Vì vậy mà những ca khúc của ông đều mang những nét đặc trưng rất “Vũ Thành”. Ông sáng tác trên 10 ca khúc nhưng không mấy người hát được, phải nói là rất kén người hát, cho dù là ca sĩ chuyên nghiệp. Dường như có nét gì đó giống với các sáng tác sau này của Cung Tiến, nhiều ca khúc xuất bản nhưng không mấy người ca. Biết là vậy, nếu sáng tác vì nghệ thuật thì những “bạc nhược” như vậy cũng đành chấp nhận thôi.

Vì vậy trong các sáng tác của Vũ Thành, người đời biết nhiều đến có lẽ là 2 ca khúc Giấc mơ hồi hươngNhặt cánh sao rơi

***

Trong những bản tình ca hay nhất viết về cảm xúc phải khi chia xa Hà Nội phải kể đến là Hướng về Hà Nội của Hoàng Dương; Nỗi lòng người đi của Anh Bằng, và Giấc mơ hồi hương của Vũ Thành.

Ở mỗi bài hát là một sắc thái tình cảm riêng, một nỗi niềm riêng. Người ta bắt được nhịp khi nghe Nỗi lòng người đi, tình yêu đôi lứa vừa chớm đã phải li tan; thấy chung nỗi niềm với Hướng về Hà Nội khi sắp phải lìa xa quê hương, và có một điểm chung tình cờ ấy là ở Giấc mơ hồi hương, ta cũng bắt gặp hình ảnh “em” nhân hóa, một “người tình” không thể nào rứt bỏ!

Lìa xa thành đô yêu dấu,
một sớm khi heo may về
Lòng khách tha hương vương sầu thương
Nhìn “em” mờ trong mây khói,
bước đi nhưng chưa nỡ rời
Lệ sầu tràn mi, đượm men cay đắng biệt ly.

Bản nhạc này có 2 lời, lời đầu nhạc sĩ phổ từ thơ, không rõ từ tác phẩm nào, của ai, nhưng những ca từ của nó thật đẹp! Thấy rõ cả một tâm trạng ngập ngừng, không nỡ rủ bỏ tất cả…

bước đi nhưng chưa nỡ rời

nhưng rồi…

Lệ sầu tràn mi, đượm men cay đắng biệt ly.

Thật không gì có thể diễn tả hay hơn!

Ở bản thu của Quỳnh Giao, tiếng nhạc dạo dồn dập mở đầu mang vẻ gì đó hơi trang trọng, có cảm tưởng như hơi… “khớp” với một ca khúc như vầy. Thêm vào đó đoạn đầu cũng như toàn bài hát hơi nhanh, lướt qua những đoạn có thể tập trung diễn tả tâm trạng hay nhất, làm cảm xúc như bị… tuột trôi. Tôi thích cách diễn tả cảm xúc chậm rãi như nhiều bản thu âm khác hơn.

Rồi đây dù lạc ngàn nơi
Ta hướng về chốn xa vời

Tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai
Nghẹn ngào thương nhớ “em” … Hà Nội ơi.

Nỗi lòng của người nặng lòng là vậy! Dù có rủ áo ra đi, thậm chí dứt lòng nhưng vẫn không thể không quay đầu nhìn lại để rồi nghẹn ngào, nấc lên thành tiếng: “Hà Nội ơi!”…

Tiếng hát của ca sĩ Thái Thanh không nhẹ nhàng như Quỳnh Giao, những đoạn vút cao vừa chua vừa sắc tạo một nét riêng. Ở đoạn này Thái Thanh thể hiện vừa mạnh mẽ, vừa quyết tâm, nhưng đồng thời thật xót xa…

Và rồi ký ức hiện về trong lòng người xa xứ… vẹn nguyên…

Ta nhớ thấy em một chiều chớm thu
Dáng yêu kiều của ngày đã qua
Thướt tha bên hồ liễu thu
Lắng tiếng tiêu buồn của ngàn phím tơ
Thiết tha thề ước …
mối duyên hờ đã phai mờ trong bóng đêm mơ hồ

Ho Guom chieu thu by vitamin_tinhyeu2001.

nhưng cảm tưởng như có điều gì đó hồ nghi khi gặp những từ hờ/mờ/mơ, vừa mông lung vừa không chắc chắn. Vì vậy, ở đoạn sau, chỉ có thể là “mơ” về một viễn cảnh tương lai rực rỡ chứ không phải là “chắc chắn”…

Mơ ước thấy “em” một ngày sáng tươi
Tắm nắng hồng của một sớm mai
Say hương thanh bình khắp nơi
Lắng tiếng huy hùng của từng lớp trai
Cất cao lời hứa xây cuộc đời
Sầu tàn trong bóng đêm dài.

Ở lời 2, lời của tác giả, vẫn đong đây một niềm tin yêu…

Chiều nay nhìn về quê xưa
Hình bóng thân yêu chưa mờ
Gửi tới cố hương chút niềm thương
Tìm em qua bao năm tháng
Vó câu chinh nhân chưa mòn
Ngoài chân mây xa bừng lên muôn ánh hào quang
Rồi đây trên đường hồi hương
Vang tiếng cười chốn xa trường
Mình dìu nhau sát vai sống trong tình thương
Để cùng say giấc mơ hồi hương

Người đời nói Vũ Thành nặng tình với quê hương, có lẽ chỉ cần mỗi Giấc mơ hồi hương đã nói lên tất cả những nỗi lòng ở ông, thương yêu tha thiết và luôn mong mỏi ngày về để gặp lại cố hương…


Looking north, Old Ha Noi by Peter Grevstad.

***

      Tôi từng thích Hướng về Hà Nội do Khánh Hà trình bày, và lần này là bài Giấc mơ Hồi Hương, đơn giản chỉ là… thích thôi, có những điều có thể giải thích, nhưng đôi khi lại không cắt nghĩa được. Khi nghe đến bản thu của Kim Tước tôi thấy cả những rung động trong từng câu hát. Nghe Lệ Thu hát bài này trước sau năm 75 quả là khác hẳn về chất giọng cũng như cách hòa âm phối khí. Nhưng thật thiếu sót nếu không được nghe bản thu của chính tác giả chỉ huy dàn nhạc, Anh Ngọc trình bày, đơn giản bởi không ai hiểu “con” của mình hơn ông cả.

Mời qúy vị mở nghe Giấc Mơ Hồi Hương của cổ nhạc sĩ Vũ Thành qua giọng hát rất HàNội của ca sĩ Anh Ngọc

      Viễn ước một ngày sống trong những ngày đầu thập niên 70, có được vé trong một buổi biểu diễn các ca khúc của Vũ Thành, được thấy tận mắt ông đứng chỉ huy dàn nhạc, và được nghe Anh Ngọc hát bài Giấc mơ hồi hương… Thật tuyệt biết bao!

28/02/2009






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com