Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




Chợ tết đầu làng tranh của nữ họa sĩ Thanh Trí


Đêm Hương Hà Nội

Hà Nội đêm trắng trời sương rơi
Ngan ngát Hương trầm chan mái phố
Sương rơi thơm Lễ Cưới Trầm Hương (*)
Huyền Trân ơi! Nàng ngự phương nào?

Đợi chờ ai Lễ Cưới Trầm Hương
Sương muối hay lòng ta muối mặn
Gừng cay muối càng mặn càng say
Bên trời đâu Lễ Cưới Trầm Hương?

Tan trong sương, Hương đời ướp thơm
Hà Nội đêm, chùa buông chuông mõ
Từng giọt rơi, nước mắt Huyền Trân
Bước bước chơi vơi, bụi phong trần

Thăng Long bay Lễ Cưới Trầm Hương
Hà Nội Đông, không chồng ướt lạnh
Chiếu mỏng mong manh Huyền Trân ơi!
Đốt trầm lên, nao nức Xuân đời

Hà Nội gió, lạnh sương rơi rụng
Tiếng kinh cầu, đưa Hương thơm xa
Thăng Long- Hà Nội Hương trầm ủ
Không gian ngàn năm, thương Huyền Trân.

Hồ Gươm- Đông rét hại 2011 12h 5phút Ngày 6- 1- 2010 (*) Truyện ngắn Lễ Cưới Trầm Hương (Mai Thục) kể chuyện Mùa Xuân 1306 Phật Hoàng Trần Nhân Tông
gả con gái Huyền Trân ngà ngọc của mình cho vua Chiêm Thành, đổi lấy Hoà Bình.

Ngày Xuân Lễ Chùa

Hồn Thiền tĩnh lặng thảnh thơi
Dâng nén tâm hương tạ Đất Trời Người
Thần Phật Cha Mẫu Tổ tiên
Truyền ân đức nối đời phúc thiện
Vô thường vạn vật chuyển dời
Thân tâm an lạc, giữa đời tỉnh say
Chuông sớm đèn tuệ thức lay
Chuông chiều thơm thảo, ánh ngày yêu thương
Tự mình giác hạnh tâm này
Tinh tấn tại gia, biến bay phiền não
Phép nhiệm màu hiện liền ngay
Hỷ xả từ bi, an nhiên tự tại
Nguyện dâng vui sống đời hiền
Con thuyền Bát Nhã trôi miền nhân gian.

Chùa Vũ Thạch- 13b phố Bà Triệu
Mồng Một Tết Tân Mão.
9h 25 phút Ngày 3- 2- 2011

Chợ Chiều Ba Mươi Tết

Lạnh mãi rồi nắng cũng dội lên
Nắng tràn phố cổ, sáng bên thềm
Hoa quả rau tươi mềm sắc nắng
Biết lấy gì che ánh mặt trời

Kẻ Quê ngời ngợi cùng Kẻ Chợ (*)
Vội vã chào mời, Tết đến nơi
Kẻ Chợ lui ấm trong khung cửa
Kẻ Quê lầm lũi gánh hàng rong

Thịt cá, rau, mắm muối, trầu cau…
Mớ mùi già thơm tình bà, mẹ
Đêm trừ tịch cả nhà xông tắm
Chiều Ba Mươi Tết, công Kẻ Quê

Nếu không có Kẻ Quê về phố
Mình tìm đâu ra sắc vị hương
Món ngon trăm thứ, đượm di truyền
Đời nối đời, không thể tuỳ nghi

Dù đô thị hoá bốc tận giời
Kẻ Chợ, Kẻ Quê vẫn vậy thôi
Mình tin nhờ, nương tựa, cậy trông
Ta đâu chỉ sống bằng không khí
Chẳng hão huyền, vơ vẩn vời cao
Nghìn năm chao chát Quê và Chợ
Như vợ với chồng chung ổ rơm
Xương máu áo cơm, đắp đất nền

Tìm con đường sống, bền Nhân Nghĩa
Tình Chợ và Quê quyện muôn phương
Làm ra ngô lúa đầy đồng bãi
Mùa nào thức ấy, thông bán buôn

Chiều Ba Mươi Tết, vui Chợ Tết
“Băm sáu phố phường” chật đường mơ
Chợ Chiều lòng vẫn tràn thương nhớ
Tìm về nhau Kẻ Chợ, Kẻ Quê

Mình ngân vang mãi mãi câu thề
Kẻ Quê, Kẻ Chợ không hề cách
Dại gì mà rã chợ, rào sông
Chia tình chồng vợ sinh sôi nở.

Chợ Hàng Bè- Hà Nội Chiều Ba Mươi Tết Tân Mão. 16h 25 phút Ngày 2-2- 2011
(*) Năm 1010, Đức Vua Lý Công Uẩn định đô tại Đại La, đổi tên Thăng Long, làng chài xưa (thuộc huyện Tống Bình)
bỗng thành đất Kinh Kỳ- Kẻ Chợ (đất của kinh đô thống trị và dân buôn bán bốn phương). “Kẻ Chợ, Kẻ Quê” là cách gọi dân phố phường và thôn quê.



VVM.14.1.2022