Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


   20 NĂM NUÔI CHÍ QUẬT CƯỜNG
CÂU TIỄN ĐÃ CHUYỂN BẠI THÀNH THẮNG



                    
* Q uốc sách 7 điểm do Phạm Lãi và Văn Chủng hoạch định, gồm những gì làm cho nước Việt hưng cường, nước Ngô suy hoại?

Cho đến nay “Nằm gai nếm mật” đã là một thành ngữ rất phổ biến: khi nói đến bốn chữ nầy, ai cũng có thể hiểu nghĩa, đại khái là sự kiên trì chịu đựng mọi gian khổ cao độ để đạt đến mục đích nào đó - tức là sự nuôi dưỡng, tôi luyện ý chí sắt đá hầu hoàn thành một công cuộc đã định. Lại cũng có nghĩa hẹp hơn, là cái quyết tâm trả thù, phục hận của con người…

Đó vốn là nghĩa tượng trưng, tức “nghĩa bóng” còn nghĩa đen sát từng chữ một, thì do điển tích sau đây:

Vào thời hai nước Việt và Ngô tranh chấp dai dẳng…

Sau những năm dài, vì thất thế, Việt Vương Câu Tiễn bị chúa nước Ngô là Phù Sai, buộc cả hai vợ chồng phải đem thân qua làm con tin bên nước Ngô, nhờ giỏi đóng vai tuồng ngoan ngoãn, chịu nhục, Câu Tiễn được trả tự do, trở về Việt.

Khác nào cọp về rừng, giao long ra biển, Câu Tiễn quyết bắt đầu một cuộc quật khởi nhằm đưa nước Việt vượt lên vị thế hùng cường, hầu đè bẹp lại nước Ngô, rửa bao nhiêu nhục nhã, oán thù cũ.

Nguyên đã từng đại bại ở Cối Kê và do đây mà bị Ngô Phù Sai bắt ly quốc, đi làm kiếp tôi đòi, con tin…

Nên ngay khi về tới Việt, Câu Tiễn liền dời đô đến Cối Kê. Làm vậy, dụng tâm của Câu Tiễn là để không giờ phút nào quên lãng chuyện thất bại, lần điêu đứng nọ. Và mặt khác, cũng muốn tránh xa ra sự dòm ngó bất lợi của nước Ngô.

Hai bực hiền tài Phạm Lãi và Văn Chủng được Việt Vương Câu Tiễn trọng dụng, giao trọn trách nhiệm chấn hưng toàn diện nước Việt.

Một đường lối thân dân đặc biệt được thực tâm áp dụng, tạo không khí phấn khởi chung trong toàn dân. Ấy là những đường lối “Tôn hiền, đãi sĩ, kính lão, nâng đỡ người nghèo”.

Văn Chủng họp bàn cùng Phạm Lãi, hoạch định quốc sách 7 điều và ráo riết, nghiêm chỉnh đeo đuổi, thi hành.

Việt Câu Tiễn hạ quyết tâm phải thực hiện cho kỳ được 7 điểm quốc sách ấy.

Đó là 7 điểm vừa làm cho nước Việt cường thịnh mau chóng, cũng nhằm mục tiêu chánh yếu: đánh tan nước Ngô.

7 điểm ấy có thể tóm tắt như sau:

1. Hủ hóa, ru ngủ vua tôi và quan quân nước Ngô, bằng cách luôn đem cống dâng thật nhiều phẩm vật, vàng bạc, và tung qua Ngô vô số xa xí phẩm.

2. Trụy lạc hóa nước Ngô, bằng kế mỹ nhơn, bằng nhiều trò khoái lạc, đú đởn, ham sung sướng, thích du hí, cầu an.

3. Tạo cớ thúc đẩy sự hoang phí, thâm thủng ngân sách và tài liệu nước Ngô bằng cách liên miên đưa qua Ngô những thứ đá đẹp, gỗ quý. Vua và quan Ngô đua nhau dùng các vật liệu nầy mà xây cất hoài những cung điện, đền đài nguy nga, đồ sộ, gây tình trạng hao tốn vô kể.

4. Thu dụng tối đa những nhân vật giỏi về gián điệp, tình báo để luôn biết rõ mọi tình hình nội bộ nước Ngô, đồng thời phá rối, lũng đoạn từ trong ruột nước nầy. Mọi mưu kế thuộc loại nầy, bất cứ của ai đề nghị, đều được tiếp nhận, nghiên cứu và thi hành ngay, nếu là mưu kế hay.

5. Thường xuyên mua chuộc các quan to, những nhân vật cốt cán, quan trọng của Ngô, vừa gây chia rẽ giữa họ với nhau vừa bôi lọ uy tín của số nhân vật nào không mua chuộc được. Đồng thời luôn gây ly gián tạo hiềm khích giữa các nước khác với Ngô, cố gắng cô lập Ngô.

6. Phá hoại nền kinh tế và sản xuất của Ngô, trong khi Việt thì nỗ lực tăng gia công nông nghiệp và phát triển thương nghiệp. Để gây sụp đổ tận gốc nên kinh tế nông nghiệp của địch, Việt ngấm ngầm tung tiền ra mua thật nhiều lúa thóc loại tốt của Ngô hủy giống đi, bằng cách đem lúa nấu chín lên, diệt mầm, rồi tráo ngược qua cho nông dân bên Ngô đem cấy trồng, dĩ nhiên là hoàn toàn thất mùa, liên tiếp nhiều năm.

7. Chấn chỉnh một cơ cấu nước Việt nhằm hữu hiệu hóa các ngành hoạt động của quốc gia; vừa tập trung khả năng tăng quân, luyện quân tinh nhuệ và âm thầm chuẩn bị đầy đủ nguồn dự trữ cho chiến tranh.

Việt Vương Câu Tiễn đích thân làm gương mẫu trong mọi việc hưng quốc, lại hết sức siêng năng, chăm chỉ, quên sung sướng riêng. Cho đến độ cắt đặt kẻ hầu hạ chực sẵn, hễ lúc nào Câu Tiễn buồn ngủ gật gưỡng thì cứ lấy cỏ khô mà quất vào mặt vào mắt, cho tỉnh dậy mà làm việc.

Vào mùa đông thì Câu Tiễn ngồi gần băng tuyết, mùa hạ thì đốt lửa bên cạnh, hầu quen sự rét, bức.

Đặc biệt là Câu Tiễn lấy loại cây khô nhánh tre gai trải lên giường ngủ, để không thể ngủ say, mà phải thao thức tính suy mưu kế hoặc tiếp tục làm việc.

Ngay trên đầu giường, trên chỗ làm việc, luôn treo sẵn túi mật đắng, để chốc chốc lại nếm, cho lưỡi tê miệng đắng, hầu ghi nhớ nhục mất nước, và nuôi tâm chí quật khởi…

Ròng rã 20 năm sau, quả nhiên nước Việt mạnh, giàu và quy củ hẳn lên, còn Ngô thì như ngôi nhà sơn phết lòe loẹt mà mối đục mục nát bên trong.

Thế là thời cơ đã thuận tiện: Câu Tiễn công nhiên tiến quân đánh Ngô, thắng như chẻ tre.

Phù Sai vô phương kháng cự, bị chặt đầu.

Việt đè bẹp Ngô một cách hùng dũng.

Mối hận thù dai dẳng hàng mấy mươi năm, giữa hai nước Việt và Ngô, giờ đây Việt Vương Câu Tiễn đã báo phục xong.

Mà sự thành công hoàn toàn của Câu Tiễn, tuy kể chung là nhờ chánh sách, kế hoạch chính xác, ứng hiện và có những người tài hợp lực… Nhưng điều quan trọng, là do sự quyết tâm, trì chí cao độ của Câu Tiễn. Tức là Câu Tiễn đã tiến đạt mục đích, nhờ quá trình “Nằm Gai Nếm Mật” vậy.

Chẳng hạn trong bản văn bất hủ “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi có câu:

“Đau lòng nát ruột, chốc đà mười mấy năm trời
Nếm mật, nằm gai, nào phải một ngày nay đó”

Hoặc cụ Đồ Chiểu, viết trong điếu văn vị anh hùng kháng Pháp Trương Định, cũng có câu :

“Nằm gai nếm mật, đất Cối Kê
Tâm mật quyết chí không dời đổi”…

Trên đây chúng tôi làm sáng tỏ nguồn gốc của thành ngữ “Nằm gai nếm mật”, nên chỉ nhắc đến mấy chi tiết liên quan chánh điểm mà thôi; chớ thật ra toàn chuyện Việt Ngô tranh quyền còn rất nhiều tình tiết rất ly kỳ ý nhị - mà chúng tôi sẽ đề cập vào các dịp khác sau nầy.




VVM.03.6.2025.