1. NÚI ẤN - SÔNG TRÀ
Núi Thiên Ấn (Thiên Ấn niêm hà)
Thuật ngữ Núi Ấn Sông Trà dùng để chỉ tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. Từ lâu trong tiềm thức của người dân địa phương cho rằng đây là ngọn núi thiêng liêng của tỉnh. Năm 1850, vua Tự Đức đã liệt núi Thiên Ấn vào hàng danh sơn (ghi vào tự điển) và sông Trà Khúc vào hàng đại xuyên (con sông lớn, khắc vào dụ đỉnh cùng với sông Vệ). Núi Ấn soi mình xuống dòng sông Trà như dấu ấn của mình xuống dòng sông nên được Nguyễn Cư Trinh vịnh trong Quảng Ngãi thập cảnh (sau là Quảng Ngãi thập nhị cảnh) là “Thiên Ấn niêm hà”; ngày 02 tháng 5 năm 1990, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận núi Thiên Ấn và mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng (trên ngọn núi này) là thắng cảnh cấp quốc gia theo quyết định số 168 VH/QĐ.
Núi Thiên Ấn là một trong 12 cảnh đẹp mà khi xưa cụ Nguyễn Cư Trinh đã phát hiện mà sau này Nguyễn Quang Mao đã thể hiện trong bài thơ “Non sông đẹp bởi chỉ người”:
Ấn trời tô điểm sâu tình nước.
Quả núi xanh um, phía bắc liền núi La Vọng, phía tây giáp núi Long Đầu, phía đông tiếp núi Tam Thai, nằm soi bóng trên bờ sông Trà Khúc, bốn mùa nước trong xanh, xưa kia gọi là núi Hổ.
Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử triều Nguyễn như sau: chu vi rộng 5 dặm, cao hơn 100 trượng. Đỉnh núi bằng phẳng, ước có vài mẫu, bốn mặt vuông phẳng trông như hình cái ấn, nên gọi tên ấy. Trên núi có chùa, trước chùa có giếng sâu 55 mét, nước rất ngọt. Tương truyền ngày xưa có thầy Tăng đến dựng chùa ở đây, khổ nỗi không nước uống, bèn đào giếng trên đỉnh núi trước của chùa tới 20 năm mới tới mạch nước. Giếng đào xong thầy Tăng ấy mất, đến nay người trụ trì chùa ấy đều nhớ giếng đó…
Trên núi Ấn mọc lên cảnh chùa gọi là Tổ đình Thiên Ấn. Chùa Thiên Ấn khởi lập từ năm Bính Thìn (1676) Vĩnh Trị năm đầu đời Lê Hy Tôn (1675-1705) và lúc đầu chỉ là một thảo am. Nửa thế kỷ sau, khi chùa đã trở thành một ngôi chùa tráng lệ thì chùa được sắc phong của vua Lê Dụ Tông. Trải qua biến cố, chùa bị hoang phế, bị phá hoại hoàn toàn. Năm 1961, chùa được trùng tu và đến nay quang cảnh vẫn còn như mới. Có tháp 6 vị Tổ đình trụ trì qua các thời kỳ. Thiên Ấn niêm hà là danh thắng bậc nhất của Quảng Ngãi.
Trên đó còn có mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ yêu nước, một người con của Quảng Ngãi, giữ chức vụ Quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khi Hồ Chủ tịch sang Pháp đàm phán (1946) và đã “dĩ bất biến ứng vạn biến”, dũng cảm ra lệnh phá vụ án Ôn Như Hầu. Năm 1947 cụ Huỳnh mất được đưa về an táng trên Thiên Ấn. Mộ cụ luôn được nhân dân thăm viếng hương hoa và tu bổ ngày càng khang trang, đẹp đẽ.
Bạn đi ra Bắc vào Nam trên hành trình thiên lý, đến cầu Trà Khúc hãy nhìn về phía đông sẽ thấy Thiên Ấn; và bạn nhìn xuống mặt gương nước sông Trà sẽ thấy ngay chiếc ấn trời in dấu lòng sông.
Núi Thiên Ấn như trung tâm mặt trời, xoay quanh nó còn có nhiều tiểu hành tinh khác mà ta nhìn thấy từ đỉnh núi này.
THIÊN ẤN
Sừng sững ai xây ngó cùng tình
Càng trên cao mấy thắng cũng xinh
Sông bên góc núi trưa dùng bích
Biển sát chân trời bủa sóng xanh
Giống Phật mạch sân mùi nước ngọt
Chuông thần đêm vắng gượng đưa thnah
Sờ sờ bia đá còn ghi đó
Ngâm vịnh vùi cân tỏ tất thành
Cử nhân PHẠM TRINH
Sông Trà Khúc
Sông Trà Khúc là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, phát nguyên từ cao nguyên Đak Trôn (Kon Tum) hợp lưu từ bốn con sông nhỏ (sông Tang, Xà Lò, Rhe, Rinh) nằm trên địa bàn khắp 5 huyện miền núi phía tây Quảng Ngãi, chạy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và thị xã Quảng Ngãi trước khi đổ ra biển Đông qua cửa Đại Cổ Lũy và cửa Sa Cần; ở hạ lưu, sông Trà còn thông với sông Vệ (một con sông lớn khác ở phía nam sông Trà Khúc) qua một dòng sông nhỏ.
Theo tính toán của các nhà thủy văn, hệ thống sông Trà Khúc có tổng độ dài 200km, lưu vực trên 3250km2, gấp 1,5 lần tổng lưu vực của các sông Trà Bồng, sông Vệ, Trà Câu (cùng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi). Vì vậy sông Trà Khúc có vai trò rất quan trọng trong việc chuyển tải phần lớn lượng nước mưa ra biển cũng như cấp nước cho vùng đồng bằng tập trung đông dân cư. Từ địa điểm Ngã Ba Nước (thuộc xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà - tả ngạn, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa - hữu ngạn), dòng sông ổn định dòng chảy và được định danh là Trà Khúc. Có người cho rằng âm Trà có nguồn gốc từ ngôn ngữ Chiêm (Trà/ Chà), còn Khúc là biểu thị những khúc quanh đổi hướng của dòng sông (Trà giang cửu khúc hồi hoàn - thơ Cao Bá Quát).
Các dòng sông ở miền Trung nói chung, sông Trà Khúc nói riêng có đặc điểm lưu vực nhỏ, lòng sông hẹp và dốc, nước chảy xiết, dẫn đến khả năng trữ nước ngầm cho mùa khô khá nghèo nàn. Trong khi đó, do ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết - khí hậu, lượng mưa lại chênh lệch rất cao giữa hai mùa mưa nắng. Dòng chảy sông Trà Khúc mùa mưa chiếm 70% tổng lượng mưa hằng năm, 30% tổng lượng mưa trong mùa mưa lại kéo dài từ tháng giêng đến tháng chạp. Nạn khô hạn vào mùa nắng (tháng 1 đến tháng 8) và lũ lụt vào mùa mưa (tháng 9 đến tháng 12) trở thành mối đe dọa thường xuyên đối với sản xuất và đời sống của cư dân sông Trà Khúc. Đã có nhiều trận lũ lịch sử gây ra những thảm họa về môi trường và tính mạng người dân như những trận lũ kinh hoàng năm Mậu Dần (1878), Giáp Thìn (1964), Kỷ Mão (1999). Riêng trận lũ năm Mậu Dần (Tự Đức thứ 31) dân gian gọi là trận “lụt bất quá” đã để lại những ấn tượng khó phai mờ trong ký ức người dân Quảng Ngãi với nhiều bài vè, nhiều câu hát đến nay vẫn còn lưu truyền, thể hiện tình cảnh bi đát của người dân Quảng Ngãi lúc bấy giờ:
Ai mà thác mất đã rồi
Ai còn sống lại cũng ngồi nhìn trông
Đói mà sống cũng không xong
Thương người trôi nổi giữa dòng nước sâu
Kẻ kêu than vợ còn đâu?
Người thảm cha mẹ, người rầu anh em
(Vè lụt bất quá)
Lưu vực và cận lưu vực sông Trà Khúc là nơi hội tụ nhiều cảnh quang thiên nhiên và nhân tạo khá tiêu biểu của Quảng Ngãi. Trong số 12 cảnh quang của thiên nhiên mà người ta gọi là “kỳ thú” của Quảng Ngãi (Quảng Ngãi thập nhị cảnh) có 4 thắng cảnh nằm ven sông Trà Khúc (Thiên Ấn niêm hà, Long Đầu hý thủy, Cổ lũy cô thôn, Hà Nhai văn độ) và nhiều thắng cảnh khác hiện ra trong tầm quan sát từ điểm nhìn đỉnh núi Thiên Ấn (đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi) như: Thiên Bút phê vân, Thạch Bích tà dương, An Hải sa bàn, Thạch cơ điếu tẩu… Sông Trà Khúc hợp với núi Thiên Ấn (núi Ấn - sông Trà) thành cấp biểu tượng sông núi của vùng đất Quảng Ngãi (Trà Giang, Thiên Ấn chuông gầm sóng / Vang tiếng nghìn năm đất Cẩm Thành - thơ Bích Khê) và được nhà Nguyễn cho khắc vào Cửu Đỉnh. Những xóm làng ven sông Trà Khúc uốn lượn theo những khúc quanh của dòng sông, với đồng ruộng phì nhiêu, nương dâu xanh thẳm, bãi ngô, bãi mía bạt ngàn, phía tây là núi rừng trùng điệp, phía đông là biển biếc bao la.
Bồ xe nước đầu tiên trong tỉnh Quảng Ngãi dựng tại xã Bồ Đề - Mộ Đức vào khoảng giữa thế kỷ 18 dần dần phổ biến trên sông Vệ, sau đó một thời gian lan rộng ra sông Trà Khúc.
Gốc tích những guồng nước rất nổi tiếng ở Quảng Ngãi trước đây từ Bình Định từ sông Phủ Hoài Nhơn.
Ca ngợi bồ xe nước Quảng Ngãi, một nhà văn Pháp đã viết: “Không có quang cảnh nào trong tỉnh cho ta biết nhiều hơn về óc kỹ xảo của nông dân An Nam”.
2. THIÊN BÚT PHÊ VÂN (Bút viết trên mây)
Núi Thiên Bút nằm ở phía nam huyện lỵ Tư Nghĩa chừng 2 km. Hình núi tròn, chân loe rộng gấp mấy lần đỉnh ngọn; quanh 4 phía, mặt đất phẳng phiu; giữa là một đống nhô cao khoảng 65 mét và một chỏm núi có những cây nhỏ mọc lên khẳng khiu đều đặn.
Theo Đại Nam nhất thống chí, núi này xưa có nhiều cây trâm, mây móc. Hai loại cây có trái màu tím đen, chỉ ăn một vài trái là môi và lưỡi đều đen tím như nhắp mực. Vì có sự đặc biệt như thế và núi giống hình ngọn bút, nên người xưa gọi núi này là núi Bút. Bên chân núi tiếp một gò vuông thường gọi là hòn Nghiên, nơi đó còn dấu vết nền cũ của đài Xã Tắc. Ngắm cảnh vật như trên đã nói, trái móc, trái trâm đầy núi với những buổi nương dãi đầu non, chúng ta có thể thẩm định gò Nghiên đây là nghiên mực viết.
Ở xa xa, nhìn ngọn núi Thiên Bút có dáng vẻ như ngọn bút trời đang vẽ mây trên bầu trời xanh lơ. Nên có bài thơ Thiên Bút phê vân (Bút trời viết trong mây).
3. LA HÀ THẠCH TRẬN (Trận đá La Hà)
Tại thôn La Hà, phía đông nam huyện lỵ Tư Nghĩa, có 3 đồi đá không cao lắm. Một đồi gồm những đá lổng chổng, hòn thấp, hòn cao, hòn nghiêng, hòn ngã trong cái thế ngóc lên hay nép xuống và toàn bộ giống hình con hổ ngồi. người ta bảo đó là núi Hùm núi Beo.
Một đồi khác mang hình thù một đống thù lù, sườn coi sần sùi và sắc đá đen sạm. Theo lời người xưa truyền lại thì đó là đống voi nằm, nên lúc này người ta vẫn gọi là núi Voi hay núi Tượng.
Còn một đồi nữa lởm chởm những đá nhọn, trong nhóm lên hai tảng đá giống như hai người to lớn và đương đối diện với nhau ở khoảng cách chừng 15 bước. Núi đó không tên, nhưng có thể nó là chính sơn. Người ta mường tượng hai phiến đá nhân dạng kia là hai mãnh tướng của hai phía đối địch đương lăm lăm một trận thư hùng.
Ngoài ra còn nhiều đống đá nhỏ, chỗ một vài hòn, chỗ 3,4 tảng nằm rải rác khắp trong đồng làng Điện An và làng Vạn Anh. Người ta nhận rõ hai trận tuyến của hai phía đối nghịch và việc bày binh bố trận như đã sẵn sàng.
4. THẠCH BÍCH TÀ DƯƠNG và NƯỚC KHOÁNG
Thạch Bích tà dương (Núi biếc mặt trời lặn): núi ở phía nam huyện Sơn Hà, gần ranh giới huyện Minh Long. Những hôm đẹp trời, đứng ở chỗ khoáng đãng tại huyện Nghĩa Hành, ta vẫn thấy ngọn núi hiện lên xanh biếc ở phía trời tây xa thẳm. Đại Nam nhất thống chí: “Nnúi cao ngất trời, cỏ cây xanh rậm không hề bị lưỡi búa của tiều phu đến chặt. Khói mây buổi sớm pha sắc tía, hang hốc buổi chiều nhuộm màu son. Bóng tà dương chiều xuống thì đá núi đều ánh lên những vệt sáng như đốm điểm ngàn sao, trong khi khung cảnh quanh vùng đã ngả màu đen tối”.
Bởi lẽ ấy người ta mới chú trọng đến cảnh tà dương ở núi Thạch Bích còn gọi là núi Đá Vách (cảnh núi biếc vào lúc mặt trời lặn).
Dưới núi có đường hẹp đi thông qua miền Thượng, Minh Long, Tứ Tuyền (suối Tuyền) rất hiểm trở. Thời Gia Long đắp lũy Trường Dục nay ta gọi là Trường lũy chạy dài từ giáp Quảng Nam đến An Lão Bình Định hơn 100km để phòng ngự 6 đạo sơn phòng.
Nguồn nước khoáng Thạch Bích
Từ độ sâu 1200 mét trong lòng đất, từ hàng triệu năm kiến tạo địa chất, vọt trào lên nguồi suối khoáng Thạch Bích như một món quà thanh khiết nhất mà thiên nhiên dành cho con người. Với nhiệt độ ở điểm lộ 72, với hàm lượng muối khoáng Thạch Bích đã được đưa vào danh sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc Sử Quán triều Nguyễn soạn, xác nhận giá trị vĩnh hằng của thứ nước quý trong lòng đất, ứng với quẻ Thủy Phong Tình trong Kinh Dịch: “Giúp cho đời như nước sâu. Càng lên càng tốt”.
Đó là nguồn nước nằm ở phía tây, giữa vùng núi đồi Thạch Bích hoang sơ cách xa mọi ô nhiễm nơi quanh năm bàng bạc một khí thu dịu mát, ứng với những vân hành kỳ diệu của Trời đất.
Đó là nguồn nước dành cho sức khỏe con người là “Nước của sự sống” (Eau-de-Vie) mà những hiền nhân, đạo sĩ xưa từng tìm kiếm và ca ngợi: “Người nào hấp thụ được nhiều khí thủy từ chất nước ẩn sâu trong Thổ (đất) thì thường thâm trầm dày dạn, cho nên trí lực có thừa”.
Được đóng chai trên dây chuyền thiết bị hiện đại của Italia, nước khoáng Thạch Bích, bạn có thể hòa nhập tận suối nguồn của thiên nhiên hoang sơ và thời gian bất tận.
Ghi chú: các công trình nhiều tác giả nghiên cứu về nguồn nước khoáng Thạch Bích:
C. Madrollo năm 1923
H. Fountaine năm 1927
F. Blondel năm 1928
Pavel Hoppe Jarostav Dvorak năm 1986
GS. Hà Như Pháp, Đại học Dược Hà nội năm 1980
Liên đoàn Địa chất (5 - 1993)
5. VÂN PHONG TÚC VŨ
Nếu Thạch Bích tà dương có vẻ đẹp rực rỡ vào lúc chiều tà khi mặt trời dát vàng những triền đất trắng nổi bật lên triền núi xanh um thì núi Vân Phong có nét thơ mộng, lãng mạn lúc ban mai khi sương sớm phủ dày đặc tạo cho núi có hình dáng huyền ảo.
Núi Vân Phong tọa lạc phía tây huyện Sơn Tịnh. Đại Nam nhất thống chí: “Hình núi cao vút lên giữa lưng trời, có các núi bao quanh bốn phía trùng điệp, đứng xa thấy tươi sáng. Chót núi dờn dợn mây bay suốt ngày khí sắc như lúc trời mới sáng hay sau khi mưa tạnh”.
6. LONG ĐẦU HÝ THỦY
Long Đầu hý thủy (Đầu Rồng giỡn nước) là tên đặt cho dãy núi có hình dáng như con Thần Long đớp giỡn nước sông. Núi Long Đầu thuộc địa phận huyện Sơn Tịnh. Hình dáng núi hiểm trở, mạch từ núi Tham Hội thuộc huyện Bình Sơn, khi khởi, khi phục chạy về phía nam cho sát tới bờ bắc sông Trà Khúc.
Đại Nam nhất thống chí: “Giòng nước chảy đến đầu núi… vào mõm đá, cuộn nổi sóng lăn tăn, rồi dội lên tiếng rì rào ồ ạt”. Từ ngàn xưa vẫn vậy, cảnh vật chưa lúc nào biến đổi. Đây là núi Long Đầu hý thủy (đầu rồng giỡn nước).
Bên núi có ngôi miếu cổ thờ Phi Vân tướng quân. Trên lưng chừng núi có 3 đường hẻm sâu hun hút, truyền thuyết cho rằng đây là chỗ Cao Biền đời Đường bên Trung Quốc cỡi diều giấy qua đây chém đứt mạch rồng để hủy hoại của ta một quý địa.
7. CỔ LŨY CÔ THÔN (Thôn Cổ Lũy)
Địa danh “Cổ Lũy cô thôn” có từ khi ông Nguyễn Cư Trinh làm Tuần Vũ ở Quảng Ngãi. Một thắng cảnh thiên nhiên ở miền biển Tư Nghĩa, được tôn vinh cách đây 200 năm.
Từ thị xã Quảng Ngãi, đường về Cổ Lũy chạy song song với sông Trà Khúc, một con sông dưới chân núi Ấn, nước trong xanh ngày đêm bờ xe đổ nước vào ruộng. Ở đây có cá bống, con don làm nên món ăn nổi tiếng vùng này. Con đường tỉnh lộ chạy qua bạt ngàn nương dâu, bãi mía, nương khoai, nương bắp và những vườn rau xanh mượt, chạy tận đến Cổ Lũy. Rau thì không phải nói, chứ hoa hồng, hoa đồng tiền trồng từng vạt trong vườn nhà tôi, điểm màu sắc rực rỡ trên nền xanh của cây trái. Những đoạn sông Trà gần giáp biển uốn lượn như con rắn đang bò, thoắt sông uốn bờ bắc, chợt lại lượn bờ nam, rồi để lại những dải phù sa màu mỡ có một không hai ở các xã ven sông này.
Những dải xanh của cây cối, vườn rau chạy từ chân núi Phú Thọ đến chân núi Cổ Lũy. Từ trên núi Phú Thọ nhìn thấy những con thuyền lớn nhỏ đang rẽ sóng ngược xuôi dưới sông, chở đầy cá, tôm, mực… đang về bến đậu.
Đây có lẽ là con sông đặc biệt nhất Quảng Ngãi, sông Trà Khúc và con sông Vệ như hai gọng kìm ôm lấy đất Tư Nghĩa, trước khi hòa vào biển Đông bao la, hai con sông này đột nhiên rẽ ngoặt tạo nên một dòng sông ngay thẳng, như kênh đào, mà sông Phú Thọ chính là một phần của sông này. Đứng trên núi Phú Thọ có thể nhìn thấy những đám gai lưỡi long, hễ đến mùa hoa đỏ rực một vùng ở Nghĩa An. “Ốc đảo” Nghĩa An như một con cá kình khổng lồ bị sóng thần đánh dạt vào bờ như “con đê” che sóng gió.
Thành bàn cờ trên núi Phú Thọ chính là chốt tiền tiêu của thành Cổ Châu Sa, bên tả ngạn sông Trà. Đấy được xem như thủ phủ của tướng quốc Chăm pa hồi thế kỷ thứ 9 - 10. Thành lũy nằm trên núi Phú Thọ được xây cất rất công phu. Cổ Lũy được mang tên từ cái lũy cổ này chăng?
Nơi đây còn lưu lại cổng Tam quan của chùa Phước Sơn. Ngôi chùa được Nguyễn Thân xây dựng sau khi từ giã chốn quan trường, từ giã các cuộc chém giết đối với phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta cuối thế kỷ 19.
“Cổ Lũy cô thôn” vẻ đẹp đặc trưng của một làng chài lưới ven biển miền Trung của đất nước.
“Cổ Lũy cô thôn” không có vẻ nhộn nhịp của một làng đánh cá. Biển ở đây bị che khuất sau những vườn rau cây trái, những sườn đá thoai thoải.
Toàn cảnh hiện ra một màu xanh, vài nếp nhà tranh lẻ loi ẩn mình dưới bóng dừa hoặc rặng phi lao, mà ngày đêm thổi lên những điệu nhạc vi vu cùng sóng biển rì rào, trắng xóa.
Con thuyền, sau những ngày mệt mỏi với sóng biển đang nằm nghỉ ngơi, gối đầu trên bãi cát trắng, gợi cho chúng ta một cô thôn (thôn nhỏ) trong những bài thơ Đường tuyệt tác của Trung quốc thời xa xưa.
PHONG KIỀU DẠ BẠC
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngữ hỏa đôi sầu miên
Cô tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dụ bán chung thanh đáo khánh thuyền
TRƯỜNG KÊ*
*(trước hoặc sau năm 756, đời Đường Túc Tông)
Dịch thơ:
Trăng tà, chiếc nhạn kêu sương
Lửa chài, cây bên, sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.
(Tản Đà dịch)
Cổ Lũy được nhà nước cấp bằng “Di tích lịch sử văn hóa quốc gia” cho thắng cảnh “Cổ Lũy cô thôn” cùng với núi Phú Thọ. Cổ Lũy còn thay đổi nhiều để hấp dẫn khách du lịch.
8. THẠCH CƠ ĐIẾU TẨU (Lão câu ghềnh đá)
Tại cửa biển Sa Kỳ huyện Bình Sơn, có dòng sông chảy ra biển, giữa hai trái núi đá nằm sát bờ. Giữa dòng chảy nhô lên một ghềnh đá hình dáng như một người ngồi câu cá, nên gọi là “Lão câu ghềnh đá”.
9. AN HẢI SA BÀN (Mâm cát An Hải)
Cũng là cảnh đẹp ở biển Sa Kỳ, những cảnh ở đây kỳ vĩ mà trơ trụi, chỉ là những bãi cát trắng phau, làn sóng cát chạy dài xa tít mắt chỉ có mép nước những làn sóng rì rào ngày đêm, những chú còng chạy lên chạy xuống đào hang. Những bụi cỏ lông chạy tròn theo làn gió, dấu chân người lúc còn lúc mất theo đợt sóng biển.
10. LIÊN TRÌ DỤC NGUYỆT (Trăng tắm ao sen)
Tiếng lành đồn xa đã bao thế kỷ: “Con gái Liên Chiểu da trắng, tiếng nói như chim hót, má lúm đồng tiền, tóc có mùi hương của hoa sen”. Thật vậy, theo Đại Nam nhất thống chí, tại làng Liên Chiểu có hồ sen lớn đến 30 mẫu tây, hồ tròn như mặt trăng rằm, thuộc đất Phổ Thuận (Đức Phổ - Quảng Ngãi). Hồ trồng toàn sen ấy là “Liên Trì dục nguyệt” hay trăng tắm ao sen.
Từ xưa, có lệ dân làng góp tiền mua nhiều giống sen hồng, sen trắng để trồng. Hàng năm dân làng thu hoạch phải nộp hạt sen cho làng để làm quỹ công ích. Ngoài ra còn có cá chép, cá giếc, cá rô, cá tràu, tôm, ốc, cua… đem lại một nguồn lợi cho dân làng được hưởng. Đặc biệt các cô gái sống xung quanh ao sen tóc dài có mùi thơm. Có lẽ hương sen tỏa ra bay thấm vào da thịt của con người nên có “mùi hương sen thơm phức”. Hàng năm đến ngày hội lễ, Tết trong làng có tổ chức vui chơi hoặc những ngày mùa, hát hò, giã gạo, đập lúa, làm mía, trai gái trong làng thường hát đối đáp dưới ánh trăng thanh gió mát. Nhiều chàng trai các vùng lân cận ai cũng muốn đến tận nơi tận mắt thử xem để thưởng thức có thật con gái Liên Chiểu tóc ướp hương sen hay không?
Hồ sen hẹp dần vì tháng năm bồi lở nước hồ chảy ra đồng ruộng thôn Hoa Chiểu rồi chảy về phía nam sáu dặm đổ vào sông Trà Câu. Tuy hồ hẹp dần về diện tích nhưng sen vẫn tốt tươi, hương sen tỏa khắp vùng. Sen là cây đặc sản của người dân Liên Chiểu như trà ướp sen, chè hạt sen, mứt sen, gà bồ câu hầm hạt sen để bổ dưỡng… còn những bộ phận khác của sen như lá, hoa… là những vị thuốc đông y chữa nhiều chứng bệnh cho người và gia súc.
Tại sao ông Nguyễn Cư Trinh có bài thơ tựa đề “Liên trì dục nguyệt” (trăng tắm ao sen)? Hằng Nga cách xa trái đất hàng ngàn vạn dặm, xuống tắm ao sen là cảnh bồng lai tuyệt thế, cá đớp mồi, trăng lúc ẩn lúc hiện nguyên hình, lúc vỡ ra trăm nghìn mảnh… đó là lúc Hằng Nga đang tắm. Liên trì dục nguyệt để lại một địa danh thơ mộng từ xưa nay là một trong 12 cảnh đẹp của Quảng Ngãi.
Sen không những phục vụ đời sống con người mà còn đi vào văn học nghệ thuật điêu khắc các lăng tẩm, đình chùa, hội họa như bộ tranh tứ thời (4 mùa): Mai, Liên (sen), Cúc, Tùng. Còn thơ ca, các thi sĩ sáng tác ca ngợi từ xưa để lại nhiều áng thơ hay:
Ngọc Lĩnh mưa thôi lúng nắng tương
Sen nên mặt nước tóc soi gương
Thanh vặc vặc in vầng nguyệt
Sáng làu làu tỏ bóng gương
Tân tử phơi rồi xiêu dạ khách
Thái châu tắm đã nức mùi hương
Kham chi Mậu thúc lòng mơ ở
Thú vị rằng hơn khác thế thường
(Liên Hồng Đức quốc âm thi tập)
Người con gái đẹp được ca ngợi như bông sen:
Sen in mặt, tuyết pha chân
Sen vàng lững thững như gần như xa
…..
Gót sen thoăn thoắt dạo quanh mé tường
(Kiều - Nguyễn Du)
“Liên trì dục nguyệt” giữa con người và thiên nhiên quyện vào nhau tạo nên cảnh đẹp muôn thuở để con người được quyền hưởng thụ.
11. HÀ NHAI VÃN ĐỘ (Chiều đò nhộn nhịp điệu hò vui)
Từ đỉnh Thiên Ấn nhìn về hướng tây chẳng khó khăn. Xuôi đến chặng này sông Trà lại thêm một lần nữa đột ngột đổi dòng chảy, bỏ lại bên hữu ngạn con sông Cùng để ngoặc sang hướng tây bắc - đông nam tạo ra một vùng bãi thấp, dang rộng ra hai phía bờ sông.
Thời đó dọc bến Hà Nhai là các guồng xe Ngân Giang, Chợ Hố, Bến Đỏ ngày đêm rì rầm mang nước tưới cho những cánh đồng trù phú của hai thôn vào hạng giàu có bậc nhất một vùng. Xen đều giữa nơi đặt những guồng xe chín bánh là bến Ngân Giang, bến Biền, bến Đá, lũy tre làng kết thành một vòng cung từ bến biển men theo Bào Vo, đến giáp Bào Lùng, phân cách xóm làng với vùng đồng soi rộng gần 20 mẫu, dâu mía xanh rờn.
Bên kia bến Hà Nhai, phía Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thắng là sông Cùng, bãi Bói, là những mái nhà ẩn hiện dưới bóng tre. Giữa sông là một gò đất nổi rộng mấy công đất có tên gò Một. Gò là “vương quốc” của trẻ chăn trâu. Lùa trâu bò qua một lạch nước sâu, thả rông trên bãi cỏ, rồi tha hồ mà xúc cảm trút ống, mò tôm…
Thực ra Hà Nhai là một chuỗi bến sông, chạy từ guồng xe Ngân Giang cho đến bến đò xóm Vạn, nằm bên tả ngạn sông Trà thuộc thôn Ngân Giang, Thọ Lộc của xã Tịnh Hà huyện Sơn Tịnh. Người dân không quen nói Hán, nói Tây có cách gọi riêng là bến Cây Gáo.
Hồi người Pháp chưa làm cầu xe lửa Trường Xuân có hành lang cho người đi bộ đến Hà Nhai là mối đầu mối giao thương quan trọng, đóng vai trò trung chuyển hàng hóa giữa vùng Tư Nghĩa, Cổ Lũy, Sa Kỳ với Tây Sơn Tịnh và các nguồn cao tây bắc Quảng Ngãi. Từ phía biển, từ bến Tam Thương, các lái buôn đưa nước mắm, muối, cá khô, hàng thủ công, dầu hỏa… cập bến Hà Nhai, rồi quang gánh chuyển hàng theo đường bộ lên chợ Mới, chợ Đình, Ba Gia và xa hơn là chợ Than, Đồng Ké, Thạch An… Đi theo hướng ngược lại là lâm sản vùng cao, lúa khoai sắn, đường muỗng Thọ Lộc, nón lá chợ Đình, đồ sừng xóm Lược, đồ rèn Tịnh Minh, thuốc lá Bông Chình… có câu ca nay còn người hát:
Làng anh bậu ghé mà mê
Trước sông, sau chợ, giếng kề một bên…
Chiều xưa, bến Hà Nhai tấp nập những chuyến đò người đi làm đồng ra sông tắm, trò chuyện râm ran, đàn bò no nê đủng đỉnh về làng, theo sau là lũ trẻ ca hát nghêu ngao, thỉnh thoảng hú dài lên một tiếng vọng sang bên kia gọi bạn. Bóng nắng phía trời tây đổ dài trên máy nước, bãi bồi phía xa xa ngã dần sang màu xanh pha vàng nhạt, những guồng xe vẫn lặng lẽ quay đều đổ nước vào đồng ruộng.
Như thế là chuyện ngày xưa. Biển dâu đắp đổi, bến Hà Nhai bây giờ vẫn đẹp nhưng khác trước nhiều, cây gáo vàng không còn nữa, gò Một bị trận lụt năm Giáp Thìn cuốn trôi đi mất, tên làng cũng đổi thay…
12. VU SƠN LỘC TRƯỜNG (Bãi nai ở núi Vu Sơn)
Vu Sơn, tục gọi là núi Hòn Dầu, cao hơn 400m, nằm trên vùng đất giáp giới các xã Tịnh Bắc, Tịnh Đông, Tịnh Hiệp, cách thành phố Quảng Ngãi chừng 25 km về phía tây bắc. Nhìn từ xa, Vu Sơn cao vút lên giữa chập chùng núi đồi như điểm phát mạch cho các dãy núi thấp hơn, trùng điệp chạy về đồng bằng theo nhiều ngã.
Núi Hòn Dầu, vốn là nơi cây rừng rậm rạp, muông thú làm chỗ náu mình. Sườn phía tây bắc có trảng cỏ khá rộng, phía dưới là khe nước nhỏ. Các loài móng guốc như hươu, nai, cheo kết thành bầy ăn cỏ và lộc non. Những đêm trăng sáng, đàn nai quần tụ nô đùa, dưới chân núi thấp thoáng mấy bóng tiều phu về muộn. Cảnh trí nên thơ tựa như bức tranh sơn thủy mà sứ thần Bùi Quỹ (1795 -1861) phóng bút trên đường đi sứ sang Yên Kinh (Trung Quốc) năm Mậu Thân – 1848, về sau khắc in trong sách Yên Đài anh thoại:
Này hươu nai nhởn nhơ bên suối
Này tiều phu dưới núi mấy người...
Chữ “Vu” ở đây có nghĩa là hoang vu, bỏ hoang; ý nói ngọn núi hoang vu, rậm rạp, um tùm cây cối.
Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Núi Vu ở phía tây bắc huyện Sơn Tịnh, đứng cao vút trên không trung làm tổ sơn cho huyện nầy. Phía sau núi cây cối sầm uất, hươu nai tụ tập cả bầy. Sau đời ông Nguyễn Cư Trinh có người tục vịnh là “Vu Sơn lộc trường” (Trường nai núi Vu) làm thắng cảnh thứ 11 của Quảng Ngãi”. (Quốc sử quán triều Nguyễn; 1909; bản dịch Tu Trai Nguyễn Tạo; Nha Văn hóa – Bộ QGGD VNCH; 1964). - /.